Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



TRI THỨC DÂN GIAN VÀ
TƯ DUY PHẬT GIÁO

TRONG BÀI THƠ “CON CÓC”



T ừ xa xưa cho đến bây giờ, chúng ta thường quan niệm “thơ con cóc” là loại thơ dở. Vì thế cho nên, mỗi khi không bằng lòng với ai đó về một bài thơ do chính người ấy làm ra, đọc lên cho nghe, thì trong một chừng mực thân tình, người đó bị các bằng hữu chê là “thơ con cóc”. Thảng hoặc, một người tự khiêm tốn, tự biết chỗ đứng thơ ca của mình trong chốn bạn bè văn chương, thì người ấy cũng tự cho thơ của mình là loại thơ con cóc. Người tự biếm hài một cách dễ thương. Nhưng thực ra, bài “thơ con cóc” phải chăng là một bài thơ dở, đơn điệu?

Trong dân gian kể lại sự ra đời của bài thơ con cóc như thế này. Vào một buổi chiều nọ, có ba anh chàng đang ngồi uống rượu bên hiên nhà. Bầu trời như thấp xưống. Không gian chiều trở nên nặng nề, có vẻ muốn chuyển mưa.

Uống rượu, thường thì phải nói chuyện thơ ca, văn chương xướng họa, như thế nó mới thi vị thêm cuộc đối ẩm.

Khi ấy, bỗng một con cóc tự trong hang gần đó nhảy ra. Hình ảnh làm “gợi ý thơ” cho các “tiên ông”. Một anh liền chỉ vào con cóc và đọc “con cóc trong hang con cóc nhảy ra”. Vừa xong, anh ta cười vui bảo các bạn hãy xướng theo từ câu mở, sao cho hợp tình, hợp cảnh. Thấy con cóc đang ngồi, có vẻ như nhìn mông lung, anh thứ hai nối tiếp - “ con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó”. Hai người cùng vui vẻ cụng ly chúc mừng thi ca ngẫu hứng. Trong lúc anh chàng thứ ba đang lúng túng, chưa biết tìm ý gì để hợp tình nối vận, thì bất ngờ khi ấy, con cóc nhảy đi. May mắn thay! Anh ta liền chớp cảnh đọc ngay – “Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi”. Niềm vui bỗng vỡ ra trong cuộc rượu chiều làng quê. Ba người hưng phấn cạn chiều, vỗ tay tự chúc thưởng, và kết nối thành một bài thơ con cóc mang tính dân gian ý vị – “Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra/ Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó/ Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi.”

Tuy nhiên, cũng có ý cho rằng bài thơ dân gian này chỉ do một người làm ra. Một anh chàng nào đó có tính trào lộng, hay có thể tiềm ẩn một tư tưởng nho sinh yếm thế?

Trong văn chương, con cóc là một trong những hình tượng đi vào thi ca của Vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497), vị vua anh minh đã để lại nhiều bài thơ mang đậm chất giọng khẩu khí, trong đó bài “vịnh con cóc”, nói lên tính “uy vũ” của con vật có bộ da sù sì, “gai góc” này:


Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Chép miệng dăm ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

Từ đó, chúng ta thấy con cóc với hình tượng “dũng khí, uy quyền” qua bút pháp tài tình, linh hoạt của vị hoàng đế thứ năm, nhà Lê sơ nước Đại Việt. Đây cũng là một ý tường làm tăng thêm tính biểu đạt cho bài thơ con cóc truyền khẩu xuyên suốt.

Trong dân gian, hai câu lục bát quen thuộc “con cóc là cậu ông trời/ Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho”, một hàm ý nói lên sự tương giao hệ quả thiên nhiên “ cóc kêu trời gầm – mưa chuyển”.

Trở lại với bài thơ gồm 24 chữ nói trên. Nếu như bố cục mỗi câu bốn chữ, thì chúng ta sẽ thấy bài thơ gồm sáu câu:


Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Nhưng nếu bài thơ được sắp xếp mỗi câu tám chữ, thì chủ ngữ “con cóc” sẽ lặp lại hai lần trong một câu thơ giản dị của mối quan hệ tu từ.

Cũng không ít người đọc giản lược – Con cóc trong hang nhảy ra/ Con cóc ngồi đó/ Con cóc nhảy đi. Dù cho truyền khẩu dưới hình thức nào đi nữa, thì những túc từ trực tiếp (complément d’objet direct) chỉ về nơi chốn và hành động: trong hang/nhảy ra/ngồi đó/nhảy đi, vẫn không biến dịch.

1. Tri thức dân gian

Trong hang, nghĩa đen là nơi tăm tối, trong góc/hóc chật hẹp không có ánh sáng mặt trời, chung quanh bị kín bưng che chắn. Nhưng phía sau từ ngữ trong hang, còn là hình ảnh của tối tăm nô lệ, của ngục tù phong kiến, của thực dân bóc lột…Vì thế cho nên “con cóc” phải nhảy ra để thoát khỏi cảnh tù đày hà khắc của chế độ. Tuy nhiên, nó “nhảy ra” nhưng còn “ngồi đó” – bản năng thuần túy của con cóc.. Mặc dầu đã bỏ nơi tăm tối, chật hẹp, ra ngồi ngoài ánh sáng, nhưng con cóc ngồi đó để quan sát, nhìn cái “ánh sáng mới” ấy như thế nào. Nó ngồi xem chừng thế sự, không gian chung quanh. Nhìn cảnh sinh hoạt ngoài ánh sáng. Nhưng cóc thất vọng xem ra vẫn là cái “tối tăm” đã được che đậy một cách khéo léo bởi hào quang ánh sáng của sự trá hình mỵ cảnh, cuả thế sự thăng trầm quân mạc vấn (Cao Bá Quát) nên “con cóc nhảy đi”. Nhảy đi là cách ứng xử của bất hợp tác, của quay lưng với thời cuộc. Nhảy đi là sự phản kháng ngầm. Có thể con cóc đi tìm một đấng anh quân, một vị minh chúa, một căn cứ… Hay cóc thoát ly để tự giải phóng mọi ràng buộc đời thường, hoặc làm một ẩn sĩ đợi thời cơ.

Vai vế con cóc trong bài thơ là cậu ông trời, hàm ý người thân cận với thiên tử. Hiểu một cách khác hơn, là người có chỗ đứng trong địa vị xã hội, có cái nhìn xa, hiểu rộng, nhưng phải chịu cảnh “chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi”.

Chuyện dân gian cóc kiện trời cho thấy cóc là con vật có óc tổ chức, biết chiêu mộ, phủ dụ, phân công những con vật có uy quyền như cọp, lợi hại như ong, cua…Điều ấy đã nói lên “tầm vóc” của con cóc/con cóc tía trong dân gian.

Qua đó, bài thơ con cóc là một tự sự bi đát của con người chịu cảnh lầm than ngàn năm nô lệ, trăm năm đô hộ. Như vậy, ta có thể nghiệm luận bài thơ ra đời trong bối cảnh con người gánh chịu sự hà khắc của chế độ phong kiến thực dân, trong tăm tối nhục hình, phản ảnh thân phận hẩm hiu và tự giải phóng con người thoát khỏi sự giam cầm, u tối.

2. Tư duy Phật giáo

Trong hang, biểu tượng hang cốc thâm u, hàm ý của nơi ngồi của người tu luyện, “quán bích tọa thiền”. Khi đã đốn ngộ, thì cóc nhảy ra, động thái tư duy của “xuống núi hành đạo” giúp đời. Ngồi đó nhìn trần thế, cóc nhận ra trong thế gian, con người còn vướng nhiều tội lỗi, sa vào vòng lao lý, hơn thua, làm điều bất thiện; do đó cóc nhảy đi để giáo hóa chúng sinh, hoằng pháp từ bi, Cóc thấy đời là bể khổ trầm luân, nên đối với muôn loài, thì “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Đời là bể khổ, nên giáo hóa “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.”

Một bài thơ dân gian xuyên suốt theo chiều dài lịch sử, chảy qua nhiều thời đại, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó đã trở nên thuộc lòng trong mọi đối tượng. Yếu tố ấy có thể cho ta kết luận bài thơ con cóc là một bài thơ hay. Hay ở đây không phải là cái hay của mỹ từ, cái hay của sắc điệu gợi cảm…mà là cái hay ở bề chìm tư duy, ở thâm trầm của ngữ cảnh.

Cái đang là trở nên một thực tế (La vérité) cuả hiễn nhiên, của La vérité de la Palice, như trường hợp người chiến sĩ đã vinh danh đại úy La Palice (Pháp) sau khi ông ta đã anh dũng hy sinh. Người lính cảm xúc chân thành bằng câu thơ – Un quart d’heure avant sa mort. Il était encore en vie (Mười lăm phút trước khi chết, Ngài còn sống!). Sống trong câu thơ/ khẩu ngữ, là cái sống kiêu hùng, quả cảm. Người mới nghe tưởng chừng như có vẻ khôi hài về sự đương nhiên. Nhưng là sự đương nhiên của khoảnh khắc hào hùng về giá trị tự tại trong nỗi tiếc thương.

Bài thơ con cóc cũng nằm vào phạm trù hiễn nhiên. Một khoảnh khắc bất chợt của văn hóa làng quê, của tư duy Đạo và đời. Trong đó có tiếng cười nhân thế, có quan hệ mật thiết với đời sống và thông tin về một sự kiện thực tế, mang tính tự do ngẫu hứng. Lời mộc mạc, dễ nhớ, giản dị mà sâu sắc, hóm hỉnh, xuyên suốt từ thời đại này qua thời đại khác như thế, thì rõ ràng đó là bài thơ hay một cách thú vị và giá trị, vậy.



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ VạnGiả KhánhHòa .