Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

nhà thơ Yến Lan bên bến My Lăng

VỀ AN NHƠN THĂM BẾN MY LĂNG


T ôi đã được người thầy dạy văn đọc cho cả lớp nghe bài thơ “Bến My Lăng” của nhà thơ Yến Lan, vào thập niên 70; khi thầy nhắc đến nhóm “Bàn Thành Tứ Hữu” ở Bình Định. Từ dạo ấy, tôi luôn ao ước được có dịp về thăm An Nhơn - nơi nhà thơ Yến Lan sinh trưởng; và nhất là được nhìn tận mắt “Bến My Lăng” thơ mộng, trong thơ ông.

Mùa xuân này, tôi có duyên được đến An Nhơn, lòng tôi vô cùng hân hoan, khi nghĩ rằng ước mơ thật giản dị, đơn sơ là vậy; mà hơn 40 năm sau, mới đến được vùng đất mà mình mong đợi.

Thật ra trong thập niên 80, tôi cũng có nhiều dịp ra Qui Nhơn, An Nhơn trên những chuyến tàu từ ga Đông Tác đến ga Diêu Trì. Những lần ấy, vì quá bận bịu sinh kế, tôi chỉ loay hoay từ khu chợ Lớn Qui Nhơn, và các dãy chợ Bình Định, rồi vội trở về cho kịp chuyến tàu. Thị trấn Bình Định, khu chợ, các đường phố, thuở ấy trông vẫn còn giữ nét tiêu sơ, hiền lành, của khu phố thị sống lại sau bao năm chiến tranh.

Buổi sáng hôm ấy, bầu trời trong xanh, nhiều mây trắng bay, báo hiệu một ngày nắng đẹp. Ngồi xe đò gần năm giờ đồng hồ, tôi được bác tài xế cho xuống xe khi vừa tới phường Bình Định. Một người bạn văn có mặt tại ngã ba như đã hẹn, để đón tôi, khiến tôi cảm thấy thật ấm áp, hạnh phúc. Cảm giác xao xuyến trong tôi dâng tràn, thật mới lạ, khi vừa đặt chân đến Thị xã An Nhơn - vùng đất lắm văn tài, nhân kiệt mà tôi chỉ được đọc qua sách, báo. Phải chăng, đó là miền “đất lạ hóa quê hương” (CLV) của tôi?.

Nhìn những dãy nhà cao tầng kiểu dáng mới, đường phố rộng thênh, sạch đẹp, nhộn nhịp người qua lại. Tôi nghĩ, cuộc sống mới nơi đây phồn vinh, trù phú, thì con người, cũng sẽ rộng lượng, nhiệt tình, hiếu khách?.

Con đường hai chiều Lê Hồng Phong rộng thênh chạy dài từ quốc lộ cũ, đến cổng thành bề thế, qua các công sở khang trang, nhiều tầng; công viên Trung Tâm thoáng mát, trường học cấp 2, cấp 3 ngăn nắp, rợp bóng cây xanh; hiện ra trước đôi mắt ngỡ ngàng, cảm phục của tôi. Khi người bạn văn đưa tôi qua khỏi khu sân vận động vừa được chỉnh trang đầy đủ tiện nghi phục vụ người đến luyện tập; tôi thật sự cảm nhận được một An Nhơn đang vươn mình đổi mới, và còn nhiều hứa hẹn tiến xa hơn nữa.

Tôi hình dung trong đầu về một Bến My Lăng thơ mộng - bờ cát doi cao, cong hình nửa vầng trăng (bán nguyệt) giống một đường my cong của người thiếu nữ, như lời người bạn văn đã giải thích:


“Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu”.


(Bến My Lăng - Yến Lan)

Một chiếc thuyền đợi khách, một ông lái buồn với bình rượu, với câu thơ! “Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách” - cả một vùng sông nước mênh mông, ngập ánh trăng vàng. Chính thi sĩ Yến lan đã sáng tạo ra một bến sông phi thời gian, phi không gian. Nói đến bến My Lăng, là người ta nói đến Yến Lan, tuy hai mà là một; nó là bến đợi, không rõ là đợi ai, ai đợi? Lòng tôi nôn nao với bao nhiêu là thắc mắc, muốn được nhìn thấy bến My Lăng, đó là câu giải đáp nhanh nhất, có thể.

Tôi đã đến bến My Lăng.

Đứng trên cầu, nhìn hai bên bờ sông cũ, tôi cảm thấy chạnh lòng. Người bạn văn đưa tôi xuống tận một bên bờ sông, có lẽ nơi ngày xưa nhà thơ Yến Lan vẫn thường ngồi đợi đò? Nhìn dòng sông lặng lẽ trôi xuôi, lòng tôi cũng dập dềnh theo sông nước. Phía xa xa, dọc bờ, là lũy tre, bãi cỏ dài xanh mượt, thấp thoáng một ngôi làng quê hiền từ. Tôi tưởng tượng, có thể, nhà thơ Yến Lan đã từng sống ở ngôi làng kia; thường hay ra sông ngồi uống rượu, đọc thơ vào những đêm trăng, cảm tác ra Bến My Lăng? Tôi hỏi người bạn văn đi bên cạnh: “Bến My Lăng” của Yến Lan là đây?

Người bạn văn vui vẻ giải đáp những thắc mắc trong tôi: “Yến Lan (1916 - 1998) tên thật là Lâm Thanh Lang, quê tại làng An Ngãi, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành nhóm  "Bàn thành tứ hữu"  (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó.

Những năm ấy, văn đàn Thơ Mới rộ lên hình ảnh bến My Lăng trong thơ Yến Lan. Nhiều năm sau, người ta vẫn còn tìm đến Yến Lan để hỏi về bến My Lăng. Rồi họ bảo đó là cái bến nằm lọt trong phố thị An Nhơn. Lại có người khẳng định rằng đó là cái bến Trường Thi in dấu biết bao bàn chân sĩ tử lận đận.  

Từ một bến sông có thật, theo nhiều nguồn tài liệu, đó chính là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền. Nhiều lần, Yến Lan giải thích rằng nó bắt nguồn từ một bến đò thật; bến Trường Thi, cách thị trấn Bình Định nơi ông ở khoảng mấy dặm đường”.


“Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng”.


(Bến My Lăng - Yến Lan)

Tôi cảm nhận được sự cô độc, quạnh quẽ, của nhà thơ, đứng trước thiên nhiên rộng lớn - “Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh”. Cái lạnh của nhà thơ, lây sang chiếc lá; những chiếc lá vàng trôi run rẩy dưới ánh trăng. Nhà thơ đã phả hồn thơ vào chiếc lá, cảm nhận cái lạnh, cái lẻ loi, trước cảnh mênh mông của sông nước, của đêm buồn, dưới ánh trăng vàng lạnh lẽo. Sự rung cảm lên cao độ, để nhà thơ thốt lên: “ông không muốn run người ra tiếng địch, chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao”, thật khó ai làm được.

Lòng tôi lại miên man theo thơ, theo trăng, dù đang đứng giữa buổi trưa nắng gắt; và còn nữa, sao gọi là sông Trường Thi, mà không là một cái tên nào khác? Người bạn văn đã giải thích, ngày xưa, đây là nơi các sĩ tử về dự thi Hương do triều đình nhà Nguyễn tổ chức; nên có tên là Trường Thi. Đơn giản là vậy, nếu không có người bạn văn giải thích, tôi khó mà hiểu hết được.

Tôi nhờ anh đưa tôi đi thăm ngôi nhà xưa của thi sĩ đã từng sống thời tuổi thơ - quê Ngoại, cách chân cầu (bờ sông) chừng vài trăm mét. Đó là một căn nhà khá rộng, nằm trên doi đất cao, bao quanh là cây xanh tươi mát. Ngay giữa nhà trên, chiếc bàn thờ trang nghiêm, ấm áp. Người thiếu nữ trạc trên 40 - là cháu bà con với nhà thơ Yến Lan tiếp chúng tôi, nhiệt tình.

Lòng tôi đầy u hoài và trắc ẩn, khi được người bạn văn tâm sự: “Quả thực, Trường Thi đẹp mà buồn đến nao lòng. Cha Yến Lan đã bao lần vượt qua bến sông, lần theo câu hát để đến với một thôn nữ dệt lụa, sau này chính là mẹ ông. Mối tơ duyên đầy thi vị ấy đã cho chúng ta một thi sĩ ngay từ thuở lọt lòng:  Quê ngoại bên kia bãi cát vàng/ Mẹ tôi về lỡ chuyến đò ngang/ Cơn đau trở dạ không giường chiếu/ Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng”. (Quê Ngoại - Yến Lan). Tôi nghĩ, có lẽ nhà thơ đã gắn liền với bãi cát vàng, với Trường Thi, từ thuở lọt lòng; để có một Bến My Lăng thơ mộng, huyền ảo, vang bóng trên thi đàn, mà người ta không thể quên mỗi khi nhắc đến Yến Lan.

Tạm biệt Bến My Lăng, mà sao lòng tôi vẫn chơi vơi với bến nước, với dòng sông, với trăng, với thơ, và tiếng gọi đò của Yến Lan gần một thế kỷ trước. Ông lão trong thơ, vẫn say trăng, đầu gối sách; tiếng gọi đò làm xao động, run rẩy, chao đảo ánh trăng trong; như chấp chới trong lòng tôi.


“Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…”.


(Bến My Lăng - Yến Lan)

Tôi cảm thấy thật hạnh phúc, thỏa lòng, khi đến thăm An Nhơn, ghé Bến My Lăng, như đã mong ước; dù có chút ngậm ngùi, nhớ lại cảnh cũ, người xưa - một “Bến My Lăng” huyền ảo, thơ mộng; một thi sĩ tài năng, đi vào lòng người sâu đậm. Cuộc đất An Nhơn giàu tiềm năng, xứng danh là “đất võ - trời văn” được người đời dành tặng!

3/2020