Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Gành Son - Duồng - Phan Rí - Bình Thuận


LÀNG DUỒNG XƯA !





     C ó một địa danh đã lạ mà cũng có nhiều giải thích khác nhau. Đó là Duồng nay mang tên xã Chí Công, cách thị trấn Phan Rí Cửa 5 km, thuộc huyện Tuy Phong. Theo sách Đại Nam nhất thống chí- Bình Thuận (1),từ thời Minh Mạng thứ 13 (1832), khi cải phủ Bình Thuận thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, đã lấy địa giới sông Ma Bố đến sông Duồng làm phần đất huyện Tuy Phong, thuộc phủ Ninh Thuận và từ sông Duồng đến sông Phố Hài (Phan Thiết) làm huyện Hòa Đa, thuộc phủ Hàm Thuận…

Như vậy địa danh Duồng xuất hiện khá xưa, có đến gần 200 năm. Còn có một sông Duồng với “đầu nguồn từ trong động Mán chảy xuống phía đông, đến cửa Duồng rồi ra biển”(2). Địa hình làng Duồng nằm trong vùng biển lõm giữa La Gàn với Phan Rí nhưng lại có mỏm đất “mạnh mẽ” nhô ra. Theo cách gọi xưa về địa giới giữa các huyện, lấy sông Duồng làm dấu mốc, nhưng sau này chỉ còn là khe nước, từ một động cát có tên Bàu Đá tích tụ thành ao, rồi đổ ra biển dài khoảng năm cây số. Đó là một con lạch ở thôn Hiệp Đức ngày nay. Tại đây có đồi cát lượn sóng, hàm lượng titan, cát thủy tinh khá cao, loại đất cát pha phù hợp với nghề làm vườn và tạo nên đồng ruộng muối nổi tiếng trong tỉnh. Đây còn là vùng ven biển có thời tiết ôn hòa, nằm giữa hai dòng hải lưu ấm lạnh, nhiều bãi đá san hô ngầm nên trở thành môi trường cho các loài hải sản phát triển. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1752), cư dân đàng Ngoài trên đường biển xuôi Nam tìm đất lập nghiệp, có một số nhóm dân chọn nơi này sống nghề chài lưới. Căn cứ lịch sử hình thành chùa Phước An tạo dựng ban đầu trên gò Đá Bồ khoảng năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762) và về sau xây mới vào năm 1894, là ngôi chùa xưa nhất ở Tuy Phong… Lân cận với Duồng trên cùng bờ biển phía đông bắc có dãi đất đỏ tên Gành Son nằm giữa động cát trắng phau và xung quanh có nhiều dấu tích, truyền thuyết núi Hòn Bà, Giếng Tiên với câu chuyện về mạch nước ngọt cứu khát quân sĩ của chúa Nguyễn Ánh (1790) trên đường bôn tẩu do tướng nhà Tây Sơn truy đuổi (3). Duồng là một trong số ít địa danh cư dân Việt có sớm nhất ở phía bắc Bình Thuận. Gốc dân người xứ Quảng các tỉnh Nam Trung bộ, đời sống, tập tục và bản chất phóng khoáng, hiền hòa. Nét văn hóa tâm linh vùng biển qua các kỳ lễ hội ở vạn Hà Thủy, vạn Hiệp Đức còn lưu giữ giá trị truyền thống dù qua nhiều biến động, đổi dời trên đất mới. Sau này, thời kỳ vận động Duy Tân ở Duồng cũng có hội bình thơ xuất hiện càng rõ tính chất và tâm hồn người dân phiêu bạt. Ngày nay chỉ còn lưa thưa, nhưng dấu vết rừng dương trồng từ năm 1940 nối dài với Phan Rí theo chương trình chắn cát bồi lấp ven biển, bảo vệ khu dân cư dưới thời Pháp thuộc. Trên bờ, trữ lượng muối ở đây khá cao có thể sánh với cánh đồng muối Vạn Thiện (Phan Thiết), Cửa Cạn (Hàm Tân)… Muối là sản phẩm độc quyền, cho nên Pháp lập Sở Muối và nguồn thu phải giao về Sở Thương chánh (Sở Đoan/ Thuế quan). Theo bài Vè thủy trình từ Huế vô Sài Gòn mà dân các lái ghe bầu thuộc nằm lòng, khi ngang qua vùng biển Tuy Phong “…Lao Cao, Cà Ná là đây/ Lòng Sông, Mũi Chọ thẳng ngay La Gàn/ Ngó vô thuyền đậu nghênh ngang/ Gành Son, Trại Lưới tiếng vang làm nghề/ Cửa Duồng nay đã gần kề/ Lạch kia Phan Rí ghe nghề xôn xao”…(Tl.sưu tầm). Tuy có những dị bản nhưng vẫn có thể nhận ra các địa danh còn tồn tại xưa nay. Nhiều sách cũ nhắc đến Sông/ Cửa Duồng nhưng thực tế càng về sau không còn đâu là “sông Duồng”, “cửa Duồng” nữa! Trong một bài báo của nhà văn Nguyễn Phương, còn là một kỹ sư Thủy lợi nhiều năm gắn bó với đất Tuy Phong, đã viết: “Tuy phạm vi diện tích lưu vực và chiều dài của nó chỉ nằm vỏn vẹn trong địa bàn của một xã ven biển nhưng nó vẫn là một con sông có tên tuổi đàng hoàng, được in ấn tên tuổi trên hệ thống bản đồ quốc gia hẳn hoi vì xưa kia, các loại ghe bầu, thứ ghe lớn của ông cha ta dùng để đi biển dài ngày vẫn thường xuyên bơi theo sông Hiệp Đức (tức sông Duồng xưa-Tg), vào ngay tận giữa đồng muối Chí Công để chở muối”(4). Dưới góc nhìn am hiểu chuyên ngành, anh cho rằng “thông thường đều nghĩ con sông nào cũng hình thành từ lượng nước mưa, ngay cả những người có trình độ chuyên môn cũng ít nhiều nhầm lẫn khi khảo sát về dòng sông Hiệp Đức. Họ không biết lượng nước thủy triều dâng lên và hạ xuống trong ngày của biển”. Như vậy đã lý giải được từ đâu mà con sông Duồng (Hiệp Đức) chỉ còn là chuyện ngày xưa.

Cũng có tư liệu về địa danh Duồng cho rằng có từ cuối thế kỷ XII, theo âm ngữ của người Chăm là Yuôn là người Việt, nhưng qua thời Pháp có đặt nhà Đoan (Douane) để thu thuế mua bán cá mắm, muối hột… nên người dân đọc/ viết trại chữ Đoan thành Duồng, cũng đồng âm với Douane (Pháp), Yuôn (Chăm), Duồng (Việt).... Trong tập “Thần, người và đất Việt” của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, viết:“Những người ở đây đổ vào khu vực Nam Trung bộ, ở phần cuối lại không lấn vào đất mà chỉ như một bến ngưng nghỉ, chứng cớ nơi cửa Duồng (Yuôn= Việt) ở Bình Thuận”(5). Đó chỉ là một góc nhìn qua quá trình chuyển dịch của người Việt về phía Nam và sự xuất hiện của “bến” Duồng có ý nghĩa của một vùng biển trù phú, ghe thuyền vào ra neo đậu. Năm 1891 Duồng đă có 5.000 dân, sống nghề biển và làm ruộng muối truyền thống, tập trung ở cửa sông Duồng xưa, nay chỉ còn một con lạch nhỏ thuộc thôn Hiệp Đức. Thời Nguyễn, Duồng bao gồm 6 làng Hội Tâm, Thanh Lương, Hồi Long, Mỹ Hiệp, Phú Đức, Hà Thủy. Dưới chế độ VNCH (1954- 1975), Duồng là xã Thượng Văn (các làng Hội Tâm, Thanh Lương, Hiệp Đức, Hà Thủy) thuộc quận Hòa Đa và sau ngày giải phóng 1975 có tên xã Chí Công thuộc huyện Bắc Bình nhưng từ năm 1983 thuộc về huyện Tuy Phong.

Các sách ghi Duồng là do đọc từ âm người Chăm, Yuôn tức người Việt, cũng có nghĩa đất Yuôn (Duồng) này có từ thời tiểu vương Champa. Cũng phù hợp về ảnh hưởng ngôn ngữ từ vùng lân cận Phan Lý là bản địa người Chăm. Nhưng cũng có giải thích, Duồng bắt nguồn từ chữ Yeuh trong tiếng Quan thoại của người Trung quốc để chỉ người Việt (Yueh/Việt -Yueh Nam là Việt Nam), Nam ở đây là phía nam theo cách nhìn qua tiếng Hán.

Nhưng khi trao đổi với anh Kinh Duy Trịnh (Hội VHNT Bình Thuận), chuyên về ngôn ngữ Chăm cho biết, đại ý là địa danh Duồng do người Pháp ghi âm qua âm đọc của người Chăm là Yuôn/Tuồn- theo Tự điển Chăm-Pháp, trang 231-xuất bản 1906. Từ phát âm Duôn/Tuồn đến người Việt viết là Duồn (ghi thêm chữ g ở cuối mà thành Duồng). Với cơ sở này có thể thuyết phục được.

Hồi ấy, làn sóng lưu dân Việt đến đây ngày càng nhiều, đã định hình những xóm làng người Chăm lên miệt vùng đất cao, làm nương rẫy, chăn nuôi, dệt vải, gốm và nghề rừng. Nhiều địa danh, di tích đền tháp của người Chăm còn lưu lại trên mảnh đất Bắc Bình, Tuy Phong… Nhưng trong quá trình hòa nhập của các dân tộc đã tạo nên một đời sống cộng đồng mang bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú. Riêng địa danh Duồng gắn với mảnh đất biển, con sông, ruộng muối… tuy không còn nữa nhưng đã bất biến trong tâm tưởng người dân địa phương.

1-2: Đại Nam nhất thống chí-Bình Thuận (Nxb Nha Văn hóa-Bộ VHGD/VNCH 1965)
3-Theo Địa chí Phan Rí Cửa- xuất bản 2015.
4-Đặc san Tuy Phong, Chi hội VHNT – xuân 2018.
5-Nxb.Văn hóa-thông tin-2006 (trang 202),



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ BìnhThuận ngày 07.10.2020 .