THƯ NGỎ GỬI
NHÀ BÁO TỪ VŨ
VÀ ÔNG TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI
T ôi vừa đọc trang báo của bạn, lên trang ngày hôm nay, 23/9/2020. Có một điều xin thưa ngay với bạn, và nếu bạn thấy cần thì có thể đưa ý kiến này lên trang, vì cùng với bạn, tôi muốn thưa lại với tác giả bài báo CÁC BÀI THƠ NÔM ĐẦU TIÊN... của ông TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI đáng kính, cùng các bạn đọc xa gần… Ý kiến này của tôi về một sự NHẦM LẪN đáng tiếc của ông, mà tôi đã có lần lên tiếng trong một hai bài viết, trong một tập sách biện luận khoa học và trong một vài cuộc hội thảo khoa học ở Hà Nội và ở Quảng Ninh.
Đó là bài thơ VĂN TẾ CÁ SẤU được gán cho HÀN THUYÊN ( tôi chỉ nói 1 bài này thôi – Ông Hàn Thuyên là người đồng hương với tôi – dù trong bài ông Tuệ Chương không ghi tên tác giả) ở thời Trần. Đây là 1 trong hàng loạt bài ngụy tạo ở thời Nguyễn, với lối thơ ĐẶC NGUYỄN không lẫn vào đâu được, ra đời khoảng từ năm 1915 đến năm 1940, theo khảo sát của tôi. Lúc ấy có 1 trào lưu gán thơ cho các danh nhân thời Trần, có bài khắc cả vào vách đá núi ( như bài thơ bịa, gán cho vua Trần Nhân Tông mà tôi sẽ gửi kèm sau đây) là các bài “ nổi tiếng” khác, mà rất tiếc đến nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn ( mà ông Tuệ Chương ở xa Tổ Quốc, có lẽ là người cuối cùng chăng? ). Như bài BÁN THAN, gán cho Trần Khánh Dư… vân vân và vân vân… Các ghi chép từ thời Lê Văn Hưu, Nguyễn Trãi , Ngô Sĩ Liên … thời Trần Lê còn đến nay, đều ghi thơ Nôm thời Trần ( tức là CÁC BÀI THƠ NÔM ĐẦU TIÊN… như ông Tuệ Chương nói…) đều đã thất lạc hết. Tôi cũng nói lại thế. Vậy mà một vị GSTS đáng kính vặn lại tôi ngay tại chỗ rằng CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ của Phật hoàng Tràn Nhân Tông chả còn lại đó sao?” . Tôi thưa ngay : GSTS lại NHẦM rồi. Đó không phải là THƠ mà là PHÚ, trong văn học cổ, PHÚ xếp vào văn xuôi. Đọc các Tuyển thơ cổ từ Lê Quí Đôn đến gần đây nhất là Bùi Huy Bích soạn thảo , cuối Lê, sát Nguyễn, các bài thuộc thể PHÚ như CÁO BÌNH NGÔ của Lê Lợi do Nguyễn Trãi soạn, BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ của Trương Hán Siêu… đều được xếp vào TUYỂN VĂN XUÔI đó thôi. Còn CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ là tác phẩm Phật giáo lưu truyền cùng các sách Phật trong nhà chùa, từ đương thời cho đến mấy trăm năm sau vẫn trong nội bộ nhà chùa. Vài chục năm nay mới xuất bản rộng rãi.Vì thế mà nó tồn tại đến nay. Lại nữa, bài thơ Nôm truyền tụng VẰNG VẶC TRĂNG MAI… thuộc loại đầu tiên, khi thì gán cho Huyền Quang, giờ nhiều người gán cho ĐIỂM BÍCH, một số nhà nghiên cứu có PHẨM CHẤT KHOA HỌC đã xếp nó vào loại văn học dân gian, được đưa vào sách liên quan đến Phật giáo, vì có chuyện oan của Phật tổ thứ 3 là HUYỀN QUANG mà được truyền lại đến giờ. Vị GSTS đáng kính kia nghe tôi nói rồi ngồi im, không cãi lại.Tôi cũng đồng quan điểm như trên với các nhà khoa học về thi phẩm này, nay tôi không nói thêm nữa.
Cũng như bài thơ gán cho vua Trần, đã đăng rất nhiều lần trên các sách và báo xuất bản ở VN, tôi không nói thêm, vì có văn bản tôi gửi kèm theo ngay sau đây, xin các bạn đọc tiếp, sẽ hiểu vì sao bài VĂN TẾ tôi nói trên là thơ thời Nguyễn, RẤT ĐẶC NGUYỄN, không lẫn vào đâu được, nếu bạn chú ý đến nội dung, nhất là hình thức của thể thơ Nôm thời Lê, sau thời Trần đến 200 năm, mà đã hoàn chỉnh đâu, mà tôi đã dẫn trong bài
Giờ tôi đã già, rất mệt mỏi, chỉ chủ trương bảo vệ nhưng điều mà mình đã TRÓT nêu ra, còn lại thì im lặng hoàn toàn. Tôi có bài thơ THÓI ĐỜI, được nhiều sách báo trong nước in lại. Bài thơ như sau, bạn đọc cho vui:
Thấy bao điều ngang trái
Tôi thưa với cấp trên
Người ta bảo tôi liền:
“ Ông là người không tốt!”
Bây giờ tôi kệ tuốt
Chỉ mỉm cười lặng im
Người ta bào tôi liền:
“ Ông BI GIỜ mới tốt!...”
Tôi hi vọng ông TUỆ CHƯƠNG đáng kính, không phải là người nằm trong số đó.
Xin bạn đọc đọc bài tôi gửi kèm theo để hiểu thêm điều tôi đã nói trong thư trên. Cảm ơn Từ Vũ và các bạn.
“VỊNH NÚI MÈO”, BÀI THƠ KHẮC VÀO VÁCH NÚI ĐÁ
XÃ YÊN ĐỨC HUYỆN ĐÔNG TRIỀU
(QUẢNG NINH)
KHÔNG PHẢI CỦA
VUA TRẦN NHÂN TÔNG
B ài thơ chữ Nôm, toàn văn như sau:
Đứng thốc trên sông một đọi đèo
Vặn hình ra thể dáng con Mèo
Đá xương đất thịt, da không mốc
Cỏ vện hoa vằn, dạ chẳng meo
Cáo thỏ kinh hơi, rừng vắng ngắt
Kình nghê tăm bặt, nước trong veo
Xanh trì vũ trụ chân ngoèo vững
Ắt hẳn ngàn năm kín chẳng nghèo
Tôi thuộc lòng bài thơ này từ năm 1962, năm tôi bắt đầu về dạy văn trường Yên Thọ, sát xã Yên Đức, sau đó thì về dạy văn tại xã Yên Đức đến ba năm liền. Trường cách núi Mèo khoảng hơn 1 km và nói chung, tháng nào cũng có một đôi lần, tôi dẫn bạn ra núi Mèo chơi. Núi Mèo ở phía nửa sông bên này. Từ bờ đê sang núi khi nước triều cạn kiệt, có thể lội qua được. Nơi khắc bài thơ ở phía bên kia quả núi, có cái vòm đá rất đẹp, bên dòng nước rất sâu, xuôi về sông Bạch Đằng, thuyền bè đi lại rất dễ dàng trong bóng dựng đứng (“đứng thốc”) của núi đá lúc nào cũng xanh sẫm in xuống dòng nước, của rặng núi đá Phi Liệt thuộc huyện Thuỷ Nguyên ở bên kia bờ sông. Cùng với quần thể di tích về sự phồn thực của đời sống nông thôn mà tôi thấy không nơi nào có, như núi Canh ( cái cày) núi Thung ( cái cối giã gạo), núi Đống Thóc, núi Con Chuột; núi Mèo có cảnh quan sông nước hữu tình hiếm có của xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảnh Ninh.
Bài thơ có diềm “lưỡng long chầu nguyệt”, long là con rồng thời Nguyễn (có chân), không phải con rồng thời Trần, trông đơn giản như con giun đất. Hiện ở vách núi Bài Thơ, trung tâm TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có bài thơ của vua Lê Thánh Tông cho khắc vào vách núi tháng 3 năm 1468, có bài thơ của chúa Trịnh Cương khắc vào vách đá tháng 3 năm 1729, cả 2 bài của vua và chúa, khắc lúc đương thời, đều không có riềm long li, hoặc bất cứ hoa văn trang trí nào, chỉ có chữ đơn thuần, và đề bút danh quen thuộc của nhà vua là Thiên Nam động chủ, của chúa là Nhật Nam Trịnh chủ, đó mới là thơ thật của vua, của chúa.
Ở bài thơ khắc trên vách núi đá xã Yên Đức này, tên tác giả đề là “Trần triều Nhân TÔN hoàng đế.” Trần triều là viết sau thời Trần, khi triều Trần đã sụp đổ và được thay bằng một triều khác, để phân biệt với triều khác, còn viết ở thời Trần, phải viết là Hoàng triều hay Bản triều. Nhân Tông là miếu hiệu của nhà vua, nhà vua có tên này do quần thần dâng lên sau khi đã băng hà được khoảng 1 năm. Như vậy khi còn sống, vua không biết mình có cái tên đó. Còn chữ TÔN là chữ TÔNG viết chệch đi hoặc bớt nét để kiêng huý vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, Nguyễn Phúc Miên Tông, lên ngôi vua và ban quốc huý là Tông, năm 1841. Như vậy, bài thơ được viết ở thời Nguyễn, của một viên quan thời Nguyễn, viết sau năm 1841. Điều ấy, ai có hiểu biết tối thiểu về điều đơn giản này, đều nhận ra ngay. Ngay chữ tôn giáo ta quen dùng hiện nay, cũng là tông giáo, do kiêng huý vua Thiệu Trị mà viết trệch đi, lâu rồi thành quen không sửa lại nữa.
Về cấu trúc và ngôn ngữ nghệ thuật, thơ Nôm đường luật thời Trần còn sơ khai, câu chữ và niêm luật đều không ổn định. Các bài hiện cũng đã thất lạc. Khi tôi nói điều này, có giáo sư tiến sĩ ( GSTS) nói rằng, thế Cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông chả còn đó sao? Vị GSTS này đã nhầm, Cư trần lạc đạo là một bài phú, các sách biên khảo xưa chép là văn, in trong tuyển văn, chứ không in trong các tuyển thơ. Và đây là bài phú, lưu hành ở trong các chùa, chép lẫn với kinh kệ, vì thế mới còn lại được. Qua các thiên tài là Nguyễn Trãi (mất năm 1442) và Lê Thánh Tông (mất năm 1497), sau Trần Nhân Tông khoảng 200 năm, thơ luật chữ Nôm của nước ta còn chưa hoàn chỉnh, câu chữ còn thật thà, nôm na, lại lẫn nhiều chữ cổ, thường xen câu thơ 6 chữ vào câu thơ 7 chữ, đôi khi cắt nhịp 3/4 (ngắt ý ở chữ thứ 3) hoặc cắt nhịp 2 - 2 - 2, chứ không phải 4/3 như hiện nay. Ví dụ, thơ Nguyễn Trãi: “ Nhiều của ấy, - chẳng qua chữ nghĩa / Dưỡng người cho, - kẻo nhọc chân tay / Trời đã - có kho - vô tận / Đành để nhi tôn khỏi bợ vay”. Sau Nguyễn Trãi hơn nửa thế kỉ, thơ Lê Thánh Tông: “ Lòng vì thiên hạ những lo âu / Thay việc trời, - dám trễ đâu / Trống canh ba - còn đọc sách / Chiêng xế bóng - chửa thôi chầu… ”
Còn bài thơ được cho là của vua Trần Nhân Tông, trước đó hơn 200 năm, câu chữ rất hiện đại: “Đứng thốc trên sông - một đọi đèo”. Nếu ai đã đứng trước bài thơ này, sẽ thấy chữ Đứng thốc, rất hiện đại, được dùng rất đúng và rất tài. Nhịp cắt 4/3, niêm luật, các cặp đối nghiêm chỉnh đến dễ sợ: “ Đá xương đất thịt - da không mốc / Cỏ vện hoa vằn - dạ chẳng meo / Cáo thỏ kinh hơi - rừng vắng ngắt / Kình nghê tăm bặt - nước trong veo/ Xanh trì vũ trụ - chân ngoèo vững…” Căn cứ vào âm hưởng, cấu trúc, niêm luật, chữ nghĩa, tôi đã khảo sát những bài thơ tương tự, khắc vào núi đá từ Kinh Môn, Hải Dương ra đến Hồng Gai, Quảng Ninh, dọc triền sông và ven biển, đều có những nét tương đồng như thế, có thời gian khắc vào núi là từ năm 1920 đến năm 1930, mà năm 1926 là nhiều bài hơn, mà đưa ra thời gian sáng tác bài thơ Vịnh núi Mèo đã nói trên, bị gán cho vua Trần Nhân Tông, là thơ của một vị quan thời Nguyễn, viết và cho khắc vào núi đá trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1926 hoặc 1930.
Nhân đây, xin thưa thêm, có vị GSTS nói rằng, làng Đức Sơn xã Yên Đức, Đông Triều, có vườn Thượng uyển của vua Trần Nhân Tông cũng không phải. Nếu là Thượng uyển hay Ngự uyển (vườn của vua) thì chỉ có 2 chữ, đằng này rõ ràng 3 chữ là Thiên long uyển mà chữ thiên được viết là nghìn (1000) chứ không phải là trời (chỉ nhà vua). Chúng ta đều biết, thời đánh Nguyên, vua Trần không ở vùng này, cũng không qua vùng này, vì đây là đất giặc Nguyên kiểm soát. Hơn nữa trong đạo quân Nguyên có tướng Phạm Nhan, là người bản huyện, rất thông thạo vùng này và đóng quân ở vùng này, tàn sát nhân dân rất dã man. Đại Việt sử kí toàn thư cho biết: trong trận Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương dẫn quân từ Thái Bình qua Kiến An, rồi vào trận ở chỗ bây giờ là khu vực núi Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, không ở phía thượng nguồn bên này sông (xã Yên Đức). Dọc đường vẫn còn lưu nhiều sự tích liên quan đến cuộc chuyển quân chiến lược này của vua Trần Nhân Tông và Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo, như để lại kiếm ( xã Lưu Kiếm), để lại cờ ( xã Lưu Kì) … Có GSTS nói rằng, vua Trần đã đóng quân ở Yên Đức, Đông Triều, bên hữu ngạn sông, rồi đánh vào trận Bạch Đằng… là không có cơ sở.
Loại trừ sự lấn cấn về tác giả, bởi cứ gán cho vua Trần Nhân Tông, thì đây quả thực là một bài thơ hay, nghệ thuật rất điêu luyện và có tầm lớn. Hai cặp thực và luận tài nghệ vô cùng: “Đá xương đất thịt, da không mốc / Cỏ vện hoa vằn, dạ chẳng meo…” Đá đất mới là núi, vằn vện mới là màu lông của con mèo: “Cáo thỏ kinh hơi, rừng vắng ngắt /Kình nghê tăm bặt nước trong veo... ” Ý thơ đã vượt ra ngoài con mèo, bởi con mèo thì làm sao làm cho trong các khu rừng, bầy cáo thỏ ẩn nấp ở đó phải kinh sợ; và xa hơn, ngoài biển Đông, lũ kình nghê, tức là con cá voi và con cá sấu, loài cá hung dữ, phải lặn mất tăm (chạy đi nơi khác). Đến đây thì ta hiểu cáo thỏ là bọn phản nghịch trong nước, kình nghê là giặc ngoại xâm. Con mèo, chỉ là khắc tinh của lũ chuột, đã được khái quát hoá thành sức mạnh của cả dân tộc trong việc làm khiếp sợ thù trong giặc ngoài. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ rất xuất sắc của Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên sang Đại Việt sau trận Bạch Đằng: “Trông ánh gươm sắt mà kinh hồn/ Nghe tiếng trống đồng mà bạc tóc…” Hai câu kết cũng hay, cái chân của con mèo choãi ra (nghĩa của chữ ngoèo ) để giữ cho (nghĩa của chữ trì ) giang sơn này bền vững mãi, và trong hoà bình dựng xây, ắt hẳn sẽ thoát khỏi nghèo nàn. Bài thơ có tầm lớn, khơi dậy niềm tin vào tương lai tươi sáng và phồn thịnh của đất nước.
Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ khá cao. Chỉ tác giả bài thơ không phải là vua Trần Nhân Tông, điều ấy cũng không sao, vì thơ hay, thế là được rồi. Vì thế, nên trong các tài liệu lưu trữ ở Viện Hán Nôm, hoặc các tập sách đã xuất bản của vua Trần, và về vua Trần Nhân Tông, kể cả trong hệ thống sách Phật, từ trước đến nay, đều không có bài thơ này. Rõ rằng đây là bài thơ của người thời Nguyễn viết, một người rất có tài thơ, rồi gán cho vua, không phải là bài thơ của vua Trần Nhân Tông, như một số người đã nói sai, như một số sách đã ghi sai ./.