Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


ĐỌC "TRÚC NÔ MINH"

CỦA HOÀNG ĐẾ TRẦN NHÂN TÔNG






竹奴銘

傲雪心虚,
凌霜節勁.
假爾爲奴,
恐非天性!

                Phiên âm:

Trúc nô minh

Ngạo tuyết tâm hư,
Lăng sương tiết kính.
Giả nhĩ vi nô,
Khủng phi thiên tính!

                Dịch nghĩa:

Bài minh (1) về kẻ nô lệ bằng trúc (2)

Ngạo nghễ với tuyết mà lòng trống rỗng,
Làm nhục sương giá mà đốt cứng cỏi.
Mượn ngươi làm một kẻ nô lệ,
Ta lo trái với tính Trời!

(Phan Thành Khương dịch)

                Dịch thơ:

Bài minh về kẻ nô lệ bằng trúc

Ngạo tuyết lòng không,
Khinh sương đốt cứng.
Mượn mày làm nô,
Sợ trái thiên tính!

(Phan Thành Khương dịch)

Lời bình:

Nhà thơ đã hết lòng tôn vinh, ngợi ca cây trúc. Bởi trúc dám ngạo nghễ trước tuyết, trúc dám lăng nhục sương, trúc có tâm rỗng – không ích kỉ, không nhỏ nhen - và trúc có đốt cứng cỏi. Rồi nhà thơ lại băn khoăn, lo ngại về việc mình đã sử dụng cái gối trúc như một kẻ nô lệ. Làm vậy e rằng trái với bản chất, thiên tính của trúc!

Theo tôi, qua chuyện cái gối trúc, nhà thơ muốn nói đến việc đối nhân xử thế (đối xử với người và với đời). Đối với người có lòng rỗng (“tâm hư”), có khí tiết cứng cỏi (“tiết kính”), coi thường khó khăn, gian khổ (“ngạo tuyết”, “lăng sương”), ta phải tôn trọng, không được xem thường vì họ là những Con Người chân chính.

Tóm lại, qua bài minh rất ngắn này, ta thấy được tư tưởng, tình cảm rất cao đẹp của nhà thơ, của vị Hoàng đế anh minh, đức độ, của một Người Con vĩ đại của Dân tộc Việt Nam.

Ninh Thuận, 03-3-2020

(1) Minh: Bài văn khắc vào đồ vật, bia đá để tự răn mình hoặc ca ngợi công đức của một người hiền tài.
(2) Trúc nô: kẻ nô lệ bằng trúc. Ở đây chỉ cái gối được đan bằng trúc, để gối hoặc để kê tay, kê chân vào mùa hè – nó như một kẻ nô lệ.


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ NinhThuận .