Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



BA NHÂN VẬT TRÀO PHÚNG
CỦA NỀN BIẾM HỌA VIỆT NAM :
LÝ TOÉT - XÃ XỆ - BANG BẠNH






     “Văn học trào phúng” nói riêng và nghệ thuật trào phúng nói chung đúng như tên gọi của nó, phải dung hòa cả hai yếu tố “trào” (嘲 - giễu cợt) và “phúng” (諷 - nói mát, nói thác một chuyện khác mà khiến cho người tỉnh biết đổi lỗi đi). “Trào phúng” không hoàn toàn đồng nghĩa với phê phán, cũng không đơn thuần là những tác phẩm “gây cười”. Đó là nghệ thuật sử dụng tiếng cười để làm nổi bật nhược điểm hay những mặt tiêu cực, xấu xa, điên rồ… của đối tượng (như một cá nhân, một loại người, một tầng lớp, một thể chế, hoặc rộng hơn là cả loài người) và gợi lên thái độ giễu cợt, coi thường, khinh bỉ hay căm phẫn đối với đối tượng ấy nhằm hạ bệ hoặc làm mất giá trị của nó. Dùng tiếng cười như một phương tiện để phê phán là nguyên tắc tổ chức chính yếu của tác phẩm trào phúng, cũng là đặc điểm khu biệt chúng với những sáng tác khôi hài lấy việc chọc cười làm mục đích tối hậu.

Lịch sử về Lý Toét – Xã Xệ - Bang Bạnh

Trong một bài khảo cứu của tác giả Vương Trí Nhàn trên tuần báo Thể Thao và Văn Hóa ngày 15/2/2005, nhân vật Lý Toét là một sản phẩm "buồn buồn vẽ chơi" của tác giả Đông Sơn trên manchette tuần báo Phụ Nữ Thời Đàm số ra ngày 10/11/ 1930. Sau khi anh em Nguyễn Tường Tam mua lại tờ Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai, Lý Toét được tái sinh và đánh bạn với hai nhân vật khác là Xã Xệ, Bang Bạnh. Bộ ba này cứ thế làm mưa làm gió cho đến tuần báo Ngày Nay mới dứt hẳn.

Lai lịch

Nội cái tên đã hàm nghĩa Xã Xệ - Lý Toét – Bang Bạnh đều thuộc giới chức dịch nhà quê, mà những mẩu truyện quanh họ thường để biếm trích xã hội Đông Dương, không từ bất cứ đẳng cấp nào.

Lý Toét : Một ông lý trưởng cao gầy, búi tó củ hành, râu ria lởm chởm, mặt mày khắc khổ, mồm rộng tới mang tai, đầu đội khăn xếp, áo dài, tay luôn cầm ô, đôi giày chuyên cắp nách vì sợ mòn, đi đứng cứ lom khom vì tuổi tác hoặc vì ươn hèn. Toét ta thường cố làm vẻ đạo mạo, nhưng lại là kẻ vô cùng lém lỉnh, khi lỡm quan trên lúc xỏ người dưới, đặc biệt rất thích chửi "ông Tây", "thói người Tây".

Xã Xệ : Lùn tịt, béo tròn, đầu trọc lốc có độc sợi tóc, má phính, rẩu mỏ. Y là hạng người vô học rỗi nghề, ngây ngô, kệch cỡm nhưng thỉnh thoảng diện vét đàng hoàng, ưa làm sang như người Tây. Tuy chức danh có vẻ ngang hàng Lý Toét nhưng lại vô thực vì chỉ là mua cho oai với làng nước.

Bang Bạnh : Có vai trò quân bình vóc dáng và tính tình của hai nhân vật còn lại, trừ cặp mắt lươn ti hí. Y vốn làm nghề hộ đê vì có tật ngủ đứng, hễ đâu có việc là xấn xổ đặng húp phần. Tên y là Biện, được phong chức bang tá nhưng người làng đọc trại Bang Bạnh để lỡm. Nguyên khi bà mẹ trở dạ, mơ thấy thần nhân cho cái thang gãy, thế là chửa ra y. Đây là nhân vật hiếm khi xuất hiện trên báo nhất, có thể vì đặc điểm kém hoạt kê và bị độc giả ghét nhất.

Ngoài Lý Toét mà đa số nghiên cứu gia khẳng định tác giả là Đông Sơn, thì Xã Xệ được họa sĩ Nguyễn Gia Trí cùng bạn bè xác nhận ông là tác giả với bút danh Rigt.

Tác giả: Suốt thập niên 1930, hình tượng Xã Xệ - Lý Toét liên tục bành trướng trên mặt báo khắp Tam Kỳ với nhiều tay vẽ khác nhau, thậm chí tòa soạn Phong Hóa còn nhân đó mở hội thi vẽ tranh hài hước. Dưới đây là thống kê một số họa sĩ đã chạm bút chùm truyện này:

-Nguyễn Tường Tam (Đông Sơn) -Lê Minh Ðức (Bút Sơn)

-Nguyễn Gia Trí (Rigt) -Tô Ngọc Vân (Tô Tử, Ái Mĩ)

-Nguyễn Thứ Lễ (Lê Ta) -Nguyễn Tường Long (Tứ Ly)

Văn hóa

Trong các thập niên sau khi Xã Xệ - Lý Toét kết thúc trên mặt báo, hình tượng này lại được tái hiện trong các loại hình sân khấu như chèo, tuồng, cải lương, thoại kịch, thậm chí đi vào thi phú.

Về 3 nhân vật trào phúng của nền biếm họa Việt Nam:

Ai là “cha đẻ” của Lý Toét – Xã Xệ - Bang Bạnh?

Có thể nói Lý Toét - Xã Xệ - Bang Bạnh đã trở thành điển hình của "nhân vật điển hình" - mà báo Phong Hóa gọi bộ "tam đa" không thể tách rời khi nhìn về tính cách tiêu biểu của nông dân người Việt trước Cách mạng tháng Tám. 

Nhớ cái hôm ở Hội thảo Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn - 80 năm nhìn lại,  PGS-TS Trần Hữu Tá đọc diễn văn khai mạc, qua đó ông kết luận: "Những sáng tạo nghệ thuật của khuynh hướng thẩm mỹ này, cùng với thành tựu của hai dòng văn học hiện thực chủ nghĩa và văn học cách mạng vô sản cùng thời, tất cả đã góp phần thực thi một nhiệm vụ lịch sử quan trọng: hoàn tất quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc chỉ trong hơn một thập kỷ (1930-1945), đưa văn học nước ta từ quỹ đạo văn học trung đại hòa nhập chung dòng chảy của văn học thế giới hiện đại". 

Rất tiếc trong hội thảo này, chỉ duy nhất tham luận của Thái Thị Thu Thắm (Đại học Văn Lang) đề cập đến Mối quan hệ giữa văn học và hội họa trong hoạt động của Tự lực Văn đoàn (TLVĐ). Và lấy làm tiếc. Tiếc vì như ta đã biết, trong hệ thống truyện cười dân gian Việt Nam đã có những nhân vật hoạt kê nổi tiếng như Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai - Tú Xuất v.v... 

Và bây giờ, chính TLVĐ đã sáng tạo thêm ba nhân vật điển hình nữa - một thành công rực rỡ cho nền biếm họa chí nước nhà: Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh.

Trên tạp chí Văn Học chủ đề Những vang bóng một thời trong văn chương hoạt kê Việt Nam - ấn hành năm 1971, nhà văn Vũ Bằng viết: "Lần đầu tiên xuất hiện trên Kỷ yếu Việt Nam Thanh niên hội của sinh viên Cao đẳng (Hà Nội), hai ba tháng ra một số, ngoài bìa sách vẽ một gốc đa cổ thụ. Và chính nhà thơ Tú Mỡ (1900 - 1976) là "cha đẻ" ra Lý Toét và ngay bản thân Tú Mỡ cũng được gọi là Lý Toét (tr.25). 

Trong tham luận tại hội thảo nêu trên, Thái Thị Thu Thắm cho rằng: "Nhất Linh là người đã sáng tạo ra Lý Toét còn Nguyễn Gia Trí chính là họa sĩ tài hoa đã cho ra đời Xã Xệ và Bang Bạnh".

Trong quyển Biếm họa Việt Nam (NXB Mỹ Thuật- 2011), họa sĩ Lý Trực Dũng cho rằng: "Xã Xệ và Bang Bạnh chính là sáng tác của họa sĩ Nguyễn Gia Trí với bút danh Rigt" (tr.14) v.v…

Nhân vật Lý Toét ra đời

Đọc lại tờ Ngày nay số xuân năm 1940, trong bài Lịch sử Lý Toét, Ba Ếch và Xã Xệ,  nhà văn Nhất Linh tiết lộ: "Lý Toét ra đời trước rồi người mới ra đời sau. Tên Lý Toét thấy xuất hiện năm 1930 trong báo Tứ Dân mà người đẻ ra cái tên Lý Toét lại là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu. Còn ai đẻ ra Lý Toét (người thật)?". 

Với câu hỏi này, Nhất Linh trưng ra hình vẽ Lý Toét in trên măng-sét của báo Phụ Nữ Thời Đàm số tháng 6-1931 và cho biết: "Đó là bức vẽ đầu tiên về Lý Toét. Đông Sơn một hôm ngồi xem báo Phụ Nữ. Nghịch vẽ một người nhà quê và thấy người ấy hay hay liền xé chỗ vẽ cất đi, chưa biết dùng làm gì".

Mãi đến khi Phong Hóa bộ mới do nhóm TLVĐ thực hiện, Lý Toét mới chính thức "hành hiệp giang hồ". Trên số báo 14 (22-9-1932), trang bìa có in tranh vẽ Người An Nam mình kinh doanh, dù "25 chỗ ngồi nhất định" nhưng trên xe chở cả vài chục người lổn nhổn. 

Nếu quan sát kỹ, ta thấy có nhân vật ná ná như Lý Toét được phổ biến sau này. Tranh ký tên Đông Sơn (bút danh của Nhất Linh). Qua số báo 15 (29-9-1932), tranh vẽ Lý Toét lần đầu tiên được chọn làm vi-nhét cho chuyên mục Vui cười. Và tất nhiên, lúc đó chưa có tên gọi là Lý Toét.

Đến số báo 35 (24-2-1933) trong tiểu phẩm Cuộc chợ phiên của Phong Hóa tổ chức của Tứ Ly (bút danh của nhà văn Hoàng Đạo), bấy giờ tên gọi Lý Toét mới xuất hiện, có cả tranh minh họa Lý Toét cùng nhân vật Ba Ếch. Có thể xem đây là ngày "khai sinh" của nhât vật trứ danh: "Đội trời đạp đất giữa trời/ Nguyễn Văn Lý Toét là người Việt Nam".

Qua các số báo sau, cụ thể số 48 (26-5-1933) là thời điểm Lý Toét bắt đầu trở thành nhân vật chính của mỗi tranh châm biếm. Mở đầu là Lý Toét ra tỉnh - lẩm bẩm khi chăm chú quan sát bệ nước phông tên, có vòi rô-bi-nê: "Quái, bia ai mà lạ vậy?".

Từ đó trở về sau, trên Phong Hóa tranh vẽ về nhân vật này xuất hiện đều đặn. Bấy giờ, không chỉ Đông Sơn mà các danh họa lừng lẫy cỡ Nguyễn Gia Trí (bút danh Rigt), Tô Ngọc Vân (bút danh Tô Tử), Cát Tường (bút danh Lemur), Mạnh Quỳnh... cũng "hà hơi tiếp sức" qua nhiều số báo. Ngoài ra còn phải kể đến tài năng của thi sĩ trào phúng Tú Mỡ. 

Trên chuyên mục thơ châm biếm Giòng nước ngược, ông cũng "lôi" Lý Toét vào cho bằng được, thậm chí còn nhại bài thơ Anh Khóa của Á Nam Trần Tuấn Khải để cho bà Lý Toét được xuất hiện v.v...

Như thế, vẫn chưa đủ.

Làm nên sự thành công rực rỡ này, phải còn là công sức tham gia rất nhiệt tình của đông đảo bạn đọc cùng viết/vẽ theo "nguyên mẫu" đã có sẵn. Tạo nên "hiệu ứng dây chuyền", còn do từ báo số 26 (16-1-.1932), Phong Hóa đã mở cuộc thi viết "truyện cười" và vẽ "tranh khôi hài" nên đã thu hút sự tham gia của mọi người. 

Dám khẳng định rằng: "bản quyền" hình mẫu Lý Toét là do Nhất Linh sáng tạo, nhà thơ Tú Mỡ đặt tên và nhà văn Hoàng Đạo có công đầu trong việc giới thiệu với đông đảo bạn đọc.

Nhân vật Xã Xệ

Cuộc thi sáng tác truyện cười, vẽ tranh khôi hài, kéo dài nhiều năm. Trên Phong Hóa số báo 57 (28-6-1933), Bút Sơn với "tranh dự thi số 73" đã vẽ nhân vật na ná như Xã Xệ sau này: Ông ta đi hớt tóc, trên đầu chỉ có mỗi một sợi tóc, thợ cầm tông-đơ và hỏi: "Bẩm ngài, ngài rẽ bên hay rẽ giữa ạ?". Tất nhiên nhân vật này, Bút Sơn không đặt tên Xã Xệ. Với bài báo của Nhất Linh vừa nêu trên, ông cho rằng: "Nhìn kỹ, tôi cho người ấy là bố Xã Xệ"

Trên số báo 88 (9-3-1934), Chàng thứ XIII viết tiểu phẩm Lý Toét suýt đi du xuân, lần đầu tiên xuất hiện tên gọi Xã Xệ qua bức tranh có mẩu đối đáp: Xã Xệ hỏi: "Mưa đã đến gần, bác vẫn tắm sao?". Đang ngâm mình dưới ao, tay vẫn cầm ô, đầu đội khăn đóng, Lý Toét trả lời: "Lo gì, tôi đã phòng xa, mang ô đây, lúc mưa tới, tôi dương ô lên". Bức tranh này không thấy ký tên. Ai đặt tên Xã Xệ? Không rõ.

Thật bất ngờ, qua số báo sau, số 89 (16-3-1934) ngay trang bìa đã chọn bức tranh của Bút Sơn. 2 tranh liên hoàn vẽ Xã Xệ và Lý Toét đứng trước cái bàn cân Tây, trên bảng có ghi: "Bỏ vào 1 xu rồi cân". Xã Xệ bảo: "Bác Toét chúng mình có 1 xu làm sao cân hai đứa?". Cả hai cùng leo lên bàn cân, Lý Toét trả lời: "Thế này thì thật nhất cử lưỡng tiện, cân một lần hai đứa rồi chia hai ra thì cũng được chứ lỵ?".

Từ đây, nhân vật mập ú, trên đầu mỗi một sợi tóc, hai má phúng phính, mặc áo dài the thâm đã trở thành "nguyên mẫu" cố định. Và cũng từ đây, Xã Xệ luôn cặp kè như hình với bóng cùng Lý Toét ốm cà tong cà teo, má hóp, đầu bịt khăn, răng vâu, tay xách ô có treo toòng teng đôi giày. 

Không những thế, vi-nhét chuyên mục Vui Cười, trước đây chỉ mỗi Lý Toét thì nay đã có thêm Xã Xệ. Theo tôi, ngày 16.3.1934 là ngày chính thức "khai sinh" của Xã Xệ. "Bản quyền" đó thuộc về Bút Sơn.

Nhân vật Bang Bạnh

Bấy giờ, báo chí đưa tin: có lão Bang tá nọ ở Vinh, lúc vào một hiệu buôn, người thư ký cửa hiệu sau khi lễ phép chào hỏi rồi ngồi xuống ghế. Lập tức, anh ta ăn một cú tát như trời giáng của Bang tá vì... dám ngồi ngang hàng với lão. Trên báo Phong Hóa số 151 (ngày 31-8-1935), nhà văn Thạch Lam có phê phán sâu cay trong chuyên mục Bức tranh vân cẩu. 

Danh họa Tô Ngọc Vân (bút danh Tô Tử) đã vẽ tranh minh họa chân dung: một ông quan béo ục ịch, mặc áo dài trắng, khăn đóng trắng, mặt tròn, mép và cằm có 3 sợi râu, mắt ti hí, ngực đeo bài ngà, chân đi giày, tay cầm roi. 

Chưa hết, ngay dưới bài viết trên còn là 4 tranh liên hoàn Truyện quan Bang Bạnh kể chuyện quan đi xe ô tô, ngồi ở đâu cũng ngang hàng, hoặc dưới tài xế, bực quá, quan chọn cách... ngồi trên mui xe ngay trên đầu tài xế!

Khác với sự ra đời của Lý Toét, Xã Xệ, lần này TLVĐ quyết định cho nhân vật của mình có lý lịch hẳn hoi. Do đó, từ số báo 155 (27-9-1935) Tô Tử vẽ truyện tranh 2 kỳ về "sự tích" ra đời của Bang Bạnh. Sau đây là lời dẫn trong tranh:

"Trước khi Bang Bạnh ra đời, bà mẹ nằm ngủ thấy một ông thần biếu bà một cái thang gãy. Mấy hôm sau... Ông đốc Xã Xệ ở phòng đẻ ghé đầu báo tin bà Bạnh sinh con trai. Đứa trẻ sinh ra không thích chơi búp bê hay chơi trống bỏi, chỉ thích chơi roi mây. 

Nó không khóc một tiếng nào, mỗi khi đòi ăn nó chỉ  quát và giơ roi lên. Nó không bao giờ chịu đặt nằm hay để người ta ẵm ngang; mỗi khi nguời ta để ngang hàng chân nó với đầu nó là nó quát ầm nhà. Vì vậy nên từ lúc lọt lòng nó chỉ ngủ đứng. Vì có cái nết ngủ đúng nên Bạnh được làng bầu ra làm trương tuần.

Anh ta làm hết phận sự một cách dễ dàng vì tối nào anh ta cũng chỉ việc ra ngủ ở đầu làng. Cướp không dám béng mảng. Vì thế năm sau được bầu làm chánh tổng.

Một đêm mùa nước, chánh Bạnh coi đê mệt quá ngủ... Ông sứ đi tuần đêm thấy trời tảng sáng mà chánh Bạnh còn sừng sững đứng trên đê. Hôm sau, chánh Bạnh nhận được giấy ông sứ đã giật mình... giở ra mới biết thăng Bang tá, vì đã hết lòng làm việc - ông bắt đầu có cái tên Bang Bạnh từ đó".

Tựa như Lý Toét - Xã Xệ, với nhân vật "sinh sau đẻ muộn" này, Phong Hóa lại kêu gọi bạn đọc cùng tham gia "chung vui". May mắn, lần này nó cũng được các danh họa, bạn đọc sử dụng trong các tình huống hài hước, châm biếm từ tranh vẽ đến các mẩu chuyện cười.

Ngày 31-8-1935 là ngày "khai sinh" của Bang Bạnh với "cha đẻ" Tô Ngọc Vân, Thạch Lam là người đặt tên.

Thật ra, từ xưa đến nay, các nhà báo Việt Nam đều nỗ lực tạo ra những nhân vật điển hình như thế, có thể kể đến những Vá, Vếu, cậu Ấm, cô Chiêu (trước 1945); anh Tám Sạc Ne, Bé Ngôn, Bé Luận, Tổng Thẹo... (trước 1975); sau này là gia đình Hai Nhái, Linda Kiều; Gia đình bé Kiến v.v... Nhưng những nhân vật đó vẫn chưa tạo được nét điển hình để đi sâu vào trí nhớ của công chúng.

Có thể nói Lý Toét - Xã Xệ - Bang Bạnh đã trở thành điển hình của "nhân vật điển hình" - mà báo Phong Hóa gọi bộ "tam đa" không thể tách rời khi nhìn về tính cách tiêu biểu của nông dân người Việt trước Cách mạng tháng Tám. 

Sự thành công chói lọi, rực rỡ của nó vẫn còn là bài học, thử thách cho các họa sĩ biếm và nền báo chí trào phúng hiện nay. Sự thành công do đâu? 

Tất nhiên có nhiều lý do, riêng từ góc độ chuyên môn họa sĩ Lý Trực Dũng kết luận rất chính xác: "không phải do một mà nhiều họa sĩ vẽ, nhưng luôn giữ đúng hình hài đặc trưng ban đầu của nhân vật. Đó là cách tác nghiệp rất hiện đại, hiệu quả của các họa sĩ vẽ tranh biếm họa nhiều kỳ mà ngày nay gọi là teamwork" (SĐD, tr.16) (Lê Văn Nghệ).

TỪ KẾT

Đi tìm Lý Toét, Xã Xệ thời nay

Các nhà hội họa châm biếm phải nói là đã thổi vào Lý Toét và Xã Xệ những nhịp đập và hơi thở của cuộc sống. Những cảm nghĩ và đối thoại khá chi tiết của hai nhân vật này đã có nhiều tình huống tức cười và sau đó gây cho người xem một quãng suy tư nhấm nhẳng lâu dài trên báo chí.

Ngày nay, trên tay bạn không thiếu những bức biếm họa không lời hoặc có lời in ở các tờ báo lớn và trong nhiều tạp chí văn hóa khác. Thậm chí trên các sạp báo còn bán đầy các báo cười dạng như: Tuổi trẻ Cười, Thư giãn v.v… Nhưng xem ra, hiếm hoi lắm người đọc mới có thể bật cười hoặc ngộ ra cái thâm thúy của hình tượng để mà cười thầm. Hơn thế nữa, những hình tượng hoạt kê của thời đại không thấy xuất hiện và không có hình ảnh hài hước thật sự đi sâu vào đời sống văn hóa của người đọc. Những hình tượng biếm họa có tính thông tin xã hội cao luôn luôn được người xem chờ đón để cùng cười vui, để cùng hể hả với những ý nhị, đánh trúng tâm lý và những suy nghĩ của chính mình với các hiện tượng sâu trong xã hội.

Xem lại báo chí xưa, các họa sĩ đã tạo dựng được những nhân vật biếm họa thực sự như vậy. Chúng có sức sống, có tác dụng lay động và cuốn hút người đọc một thời, đáng để cho chúng ta suy ngẫm học tập.

Nhân vật Lý Toét được khai sinh từ tập Kỷ yếu của sinh viên Cao đẳng Hà Nội. Có lẽ thế, bởi chính nhà thơ trào phúng nổi tiếng Tú Mỡ là cha đẻ tinh thần của nhân vật ngô nghê này. Tất nhiên ông chẳng dại gì để cho người ta vẽ chân dung mình, nhưng quả là hình đồ nhang nhác dáng cổ cò lom khom làm cho lắm người suy diễn và gọi ngay chính ông là Lý Toét.

Bên cạnh đó để đối về hình, các họa sĩ đã dựng được một Xã Xệ cũng ngờ nghệch không kém Lý Toét.

Các nhà hội họa châm biếm phải nói là đã thổi vào hai nhân vật này những nhịp đập và hơi thở của cuộc sống. Những cảm nghĩ và đối thoại khá chi tiết của Lý Toét và Xã Xệ đã có nhiều tình huống tức cười và sau đó gây cho người xem một quãng suy tư nhấm nhẳng lâu dài trên báo chí.

Đáng lưu ý là, những nhân vật này đại diện cho một tầng lớp nông dân thất học, ngu muội nhưng rất tò mò thóc mách. Chính cái tò mò thóc mách bao giờ cũng làm bật những nụ cười hóm hỉnh và có tác dụng kích thích trí tuệ xây dựng một thái độ công dân.

Trong một thời gian dài, hai danh họa Nguyễn Gia Trí (bút danh Rits) và Tô Ngọc Vân (bút danh Tô Tử) đã thực hiện khá nhiệt tình và sâu sắc những hình ảnh hài hước Lý Toét và Xã Xệ. Qua những nét vẽ của mình, hai ông đã thể hiện ý thức công dân sâu sắc khi lên án sự mất dân chủ và giả dối về cái gọi là bình đẳng và tự do mà bọn thực dân Pháp lừa bịp để cai trị nhân dân ta.

Sống và làm việc trong vòng kiểm soát gắt gao, hai ông đã có những lối diễn đạt trực diện nhưng lại không kém phần tinh tế. Có ý tứ sâu cay và hình tượng diễn đạt hóm hỉnh.

Mới hay, hai danh họa kỳ tài đầy lãng mạn ấy không ngờ lại thực sự tài hoa trong ngôn ngữ hoạt kê. Đồng thời các tác phẩm của hai ông đáng gợi ý với các họa sĩ biếm họa trẻ ngày nay như những bài học sinh động về lĩnh vực nghệ thuật hài hước trong tranh châm biếm để góp phần vào công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Theo thời gian nhiều tờ báo có dựng được một số nhân vật hài hước mới. Có thể kể ra trước 1945, những hình ảnh như: Vá, Vếu, Cậu Ấm, Cô Chiêu (cậu ấm là từ gọi con trai nhà quan, thời trước; cô chiêu là từ thời trước dùng để gọi con gái nhà quan. Từ đó hình thành thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu”). … Phía Nam trước 1975 thì có: Tám Sẹc Ne, Bé Ngôn, Bé Luận, Tổng Thẹo… Gần đây ở báo Tuổi Trẻ Cười thì có: Gia đình Hai Nhái, Linda Kiều. Báo Lao Động giữ được dài dài hai nhân vật của Trần Ai… Lác đác một số báo khác có ý định tạo ra nhân vật của mình nhưng sớm chết yểu hoặc chưa có sức phổ biến…

Cũng có thể, sức sống của các nhân vật hài hước này chưa ấn tượng mạnh, bởi hiện nay số đầu báo phát hành quá lớn chăng? Nhưng phải nói chủ yếu ở ý tứ và hình diễn đạt chưa tạo được hiệu quả thông tin bất ngờ và thiết thực.

Vậy giờ đây, tìm ra được nhân vật có cá tính để chuyển tải một nội dung đầy kịch tính quả là một phát kiến. Đứng trước hàng trăm tờ báo hiện nay và tốc độ ứng dụng kỹ thuật máy tính vào cuộc sống đang ngày càng mạnh mẽ, nhân vật cười hiện đại đòi hỏi một tính khách quan và dung lượng châm biếm thật sâu sắc mới có sức thuyết phục bạn đọc. Có như thế, nhân vật đó mới có điều kiện lưu được trong bộ nhớ và tình cảm của đông đảo mọi người.

Đôi khi hình người máy Doraemon đã xuất hiện đúng lúc trên báo chí và nhăm nhe trở thành nhân vật cười hiện đại. Nhưng quả thật, hình thì có nhưng ý tứ hóm hỉnh mang tính ẩn dụ còn ít ỏi quá và không phù hợp với đời sống xã hội Việt Nam. Bạn đọc rất cần được “chiêm ngưỡng” những Xã Xệ và Lý Toét thời nay. Lâu nay hình vẽ chỉ để họa lại một nội dung chẳng cần hình, hoặc ngược lại, lượng thông tin mờ nhạt. Vậy hỡi ôi anh chàng mèo máy Doraemon đáng yêu (mà lại sợ chuột) của thế kỷ có còn cười được chăng? (Vương Tâm).

Tranh: Xã Xệ theo Lý Toét cắp đít ra tỉnh & Tranh: Lý Toét nghĩ: Bia ai mà lạ vậy! “Văn học Trào phúng” dùng tiếng cười như một phương tiện để phê phán là nguyên tắc tổ chức chính yếu của tác phẩm trào phúng, cũng là đặc điểm khu biệt chúng với những sáng tác khôi hài lấy việc chọc cười làm mục đích tối hậu. Chúng ta bàn về Lý Toét, Xã Xệ nhằm để tạm quên đi sự lo lắng về dịch Corona ở VN ta và trên khắp thế giới: Phòng chống dịch Covid-19: Mỗi người hãy thể hiện trách nhiệm công dân bằng những việc làm cụ thể.

(Tham khảo: Sách báo - Internet)


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .