Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




THEO MÙA CHẮT CHIU CON CHỮ





    





"T hơ là tâm là muôn chiều bản ngã”(trích Nhặt và Trả của Như Hoài, ấn phẩm 2012- Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận) và chặng đường tám năm qua không thôi dào dạt Sóng- Thơ tình Như Hoài (NXB HNV 2020) ra đời. Sóng theo mùa chắt chiu tích tụ và nâng lên thành một phong cách riêng rất nữ “quyền” Như Hoài.

Sóng duy trì mạch nguồn thi hứng từ Nhặt và Trả. Gói ghém một tổ ấm đơn sơ“Chỗ dựa duy nhất của em là con và anh” tựa như châm ngôn người đàn bà vững tin, vun vén hạnh phúc gia đình trong ngần như pha lê vốn có cần bảo vệ yêu thương, cũng là nhắn nhủ tất cả chị em lúc cơ nhỡ trong sinh hoạt thường ngày, cũng là bài học tiết kiệm: “Cái ăn- ít một tí/ Cái mặc- không đua đòi/ Cái nhẫn- phải lặng lời/ Cái nhường- phải dung thứ/ Cái quý- phải gìn giữ…”(Điều em muốn nói, 2012). Theo chị, tình yêu là đóa hồng há dễ tỏa hương nếu thân cành không gai bảo dưỡng, thời gian chính là hương sắc mặn nồng, trân trọng, rất duyên: “con chữ nào dành cho anh/ câu thơ tình cứ hoài dang dở/ để em một đời mắc nợ/ đoạn đường đời hơn hai mươi năm/ ta chung một lối/ biết bao nhiêu điều để nói/ nhưng sao em mãi ngập ngừng/…”(Hạnh phúc trong tình yêu)*. Thấp thoáng bóng dáng nữ sĩ Xuân Quỳnh thế kỉ trước, nét dịu dàng đằm thắm ở chị- phụ nữ mẫu mực dạt dào lan tỏa, lấp lánh ban mai.

Bất chợt, cái không gian tĩnh lặng dịu êm, thi thoảng chút gió lơi lả thì dẫu là ao hồ nơi khuôn vườn theo mùa hoa trái, con sóng cũng lăn tăn, chị vận từ láy vào cặp câu lục bát sâu lắng:

“Chút ngọt ngào lắng vào nhau
Chút đăng đắng cũng vừa đau đáu tình”

(Những tưởng)*

Thơ tình Như Hoài nối nhịp trong các thể thơ. Biết rằng lục bát là sự thăng hoa từ ca dao, Như Hoài trở về với ca dao mà trách cứ: “là ai lỡ buổi hẹn hò/ để cho áo tím qua đò sang sông/…/ là ai rót cạn sóng lòng/ duềnh chao biển khát mênh mông nẻo bờ/…”(Áo tím)*. Dẫu biết thực tại của hạnh phúc luôn nằm trong trái tim, nhà thơ còn ngoắc ngoéo: “Biết ai còn ai nhớ ai mong”, rồi tự an ủi đầy khí phách “Ta rong ruổi bên bờ lối mộng/ Quên cuộc chờ heo hút bóng khuya”(Bờ mộng)*. Cách sử dụng từ taai phong phú nhiều thể khác nhau (Phố người, Áo tím, Phố dòng trôi, Nhặt, Bờ mộng,…)* nhọc nhằn nhập cuộc: “đêm/ dòng suy tư vô định không nẻo dừng/ ta đi tìm ta/…/ đêm loạng choạng bước u mê…/ ta tìm ta/ không lối thoát/ sợ hãi lạc loài/ bóng ta”(Dòng vô định). Hay đó chính là nỗi cô đơn tột cùng “nghe khát thèm con chữ”(Đoản khúc)* bức bách trong tâm tưởng thi nhân.

Cái khát thèm phả vào Hồn thu*, một Khoảng lặng*, một Trái tim nhiều ngăn*,… chiếm lĩnh không gian cận kề giữa em và anh gần đó mà giờ sao vời vợi chia xa trong thể thơ tự do. Ở những bài thơ năm chữ, không là đánh đố, lời thỏ thẻ tâm tình, chút mất hay còn cũng là đương nhiên của hợp và tan, của đợi chờ mong mỏi, chắp nối tứ thơ bay bổng giữa thực và mộng, cứ lấp lánh đẹp vô ngần:

“ Muốn ôm con sóng trắng
Vào lòng đêm mê say
Sóng tan tác rơi đầy
Muôn màu pha lê vỡ”

(Sóng)

Cái say trong Sóng là cái say của bậc nhi nữ “thường tình”mà thấu tận tâm can: “Rượu có đắng có cay có say thì cũng tỉnh/ Chứ men tình chẳng tỉnh chỉ say”(Rượu và tình)*. Khơi dòng: “đêm trở giấc nghiêng bên nào cũng nhớ/ chẳng hiểu để làm gì những tha thẩn bâng quơ/…/ đêm trở giấc bật muôn chiều suy nghĩ/…/ chấp chới lùng tung cái kiếp nhân sinh/ yêu ghét tích tuồng đắm mê bể khổ/ căn cớ tùy duyên phận người nặng nợ/ trăn trở giấc tình rệu rã gót say/…”(Nghiêng)* Lí giải cái nhớ bâng quơ nỗi niềm đến rồi đi như hình với bóng. Điều muốn bàn luận ở đây mới là muôn chiều suy nghĩ, Như Hoài đã từng tâm đắc từ tập thơ đầu tay: “Nhặt về ta những/ Thắng/ Thua/ Được/ Mất/ Bao lâu rồi/ cất giữ cũng bao lâu/ Thời đâu đó/ có chăng như/ Giả/ Thật/ Tất cả rồi/ Cũng trả lại đất nâu”(Nhặt và Trả, 2012). Vậy mà chuyện thế thái nhân tình, cảnh ngộ tấn trò đời của kiếp ba sinh chao đảo, mê hoặc cuồng tín, thậm chí cúi luồn mưu cầu danh lợi, nhân phẩm lương tâm bị “lương tiền” mê hoặc. Đau đớn xót xa: “bất lực ngôn từ/…/nỗi cô đơn chưa thể lấp đầy/ niềm trăn trở ưu tư giọt đắng ngọt trong cơn ngụp lặn men đời ta chưa đủ mạnh chưa đủ lớn để làm nên cơn cuồng vọng bão xô/ chưa san lấp dời non chưa bồi lở thác ghềnh…”(Đoản khúc)*. Ý tưởng nữ quyền trong thơ Như Hoài không là khát khao yêu thời Xuân Hương nữa, yêu nằm trong phạm trù bản ngã con người rồi, như tất yếu. Với một Đoản khúc* trong Sóng đủ đầy khí khái nhà thơ trước hiện thực cuộc sống.

Đọc Thơ tình Như Hoài tôi bất chợt nhận ra cách nói trổng như ai, đến em anh, ta người, thậm chí ngỡ như hằn học dùng cả từ đàn ôngđàn bà: “Ừ! Đàn bà say/ Có cùng một kiếp/ Ừ! Đàn ông khóc/ Có gì lạ sao/ Kẻ không nước mắt/ Có còn thương đau?”(Còn nhau bên đời)*. Nước mắt, cái tinh thể lỏng ấy cũng vắt kiệt tột cùng bất hạnh hay viên mãn mới có được, chỉ ngoại trừ tuyến lệ ở số người nào đó bị kích thích mạnh, nhưng nước mắt chỉ là biểu hiện bên ngoài. Nghe “đàn bà” thi nhân bộc bạch:

“Người đàn bà một mình hát nghêu ngao
Phía ngoài kia dòng sông đời lặng lẽ
Dòng xuôi chảy không phân trần ngấn lệ

Bộn bề nỗi nhập nhằng không đâu
Người đàn bà tuyệt nhiên rất khẽ
Bằng ngôn ngữ thơ khỏa lấp niềm đau”

(Người đàn bà hát nghêu ngao)

Sự lựa chọn ở người đàn bà giữa dòng đời trôi chảy cứ theo mùa nhịp đập hồi sinh, là chỉ có thơ. Thơ với Như Hoài “là tâm, là muôn chiều bản ngã”. Cái bản ngã muôn chiều mở ra từ không gian thực tại con người có thể cảm thông với trời đất, lại trăn trở niềm đau nhân thế (Nghiêng)*. Sóng cựa quậy ngôn ngữ, lúc đè nén lúc phơi trần. Thơ tình Như Hoài đọng lại trong người đọc về những Ký ức Phan Rang*: “Ta trở về lòng một thoáng bâng khuâng/ Nhặt cánh hoa nhuốm màu nắng gió/ Xương rồng vẫn tươi nguyên sắc đỏ/ Con phố xưa vẫn cứ hanh nồng”; Đến Tình em Nha Trang*: “Ôi! Tình em như biển/ Lạc anh không bến bờ/ Trải dài muôn xao xuyến/ Dạt dào lòng sóng xô”;Hay Nha Trang ngày cuối đông*: “… Nghe chiều mênh mông lạ/Ta giữa lòng phố xá/ Lạc ánh nhìn chơ vơ”. Bức tranh phố xá quen thuộc bước chân đi về gần gũi sao còn lạc lõng, chơ vơ. Phải chăng cung bậc của Sóng miên man dập dồn xô đẩy đến cháy lòng. Cái cháy lòng ấy không là thèm khát yêu thương tình yêu đôi lứa trẻ trung nữa, lại bung nở tỏa sáng, bừng lên ngọn lửa tin yêu, cho dù ngoại cảnh khắc nghiệt thì Xương rồng vẫn tươi nguyên sắc đỏ kia.

Sóng- Thơ tình Như Hoài hay chính là trái tim “người đàn bà”đằm thắm, kiêu hãnh hòa khúc hoan ca: “Dang vòng tay rộng mở/ Cho nhận hết từ đây”(Tâm khúc)*./.

Tháng 03.2020
*Tên các bài thơ trong tập.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ BìnhĐịnh ngày 07.9.2020 .