Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



GIỐNG BÍ ĐAO

KHỔNG LỒ LIỆU CÓ TỒN TẠI



  
        

C húng tôi vào làng Chánh Trạch trong nắng nóng như rang. Dù mệt mỏi, ai cũng trầm trồ khi chiêm ngưỡng những giàn bí đao khổng lồ đang mùa thu hoạch. Trước sân nhà, trên các khung giàn đan kín bằng tre, gỗ chắc chắn, mấy chục quả bí khổng lồ. Mỗi quả nặng từ ba mươi đến sáu mươi cân. Chủ nhà đang mải mê gia cố những dây dợ chằng buộc xung quanh giá đỡ bằng cọc gỗ, cọc bê tông. Mồ hôi tưới đầm đìa gương mặt.

Sinh ra và lớn lên dưới những giàn bí khổng lồ, ông Đam chủ nhà cho biết. Cụ kỵ ông đã từng gắn bó với loại bí này rồi. Không ai biết bí được trồng ở làng từ khi nào. Nếu trồng nơi khác, quả sẽ không to. Người dân dùng quả bí, ngọn bí làm thức ăn, rất ngon lành, bổ dưỡng. Ngay sau khi thu hoạch, họ lấy chai sạch luồn đầu dây đã cắt vào, thu nước bí chảy ra. Uống rất mát và tốt cho sức khỏe. Quả bí dùng làm mứt tết hoặc cắt thái phơi khô, quanh năm dư trà bí đao dùng dần. Vì những lợi ích vừa gần gũi vừa mơ hồ ấy, những hạt giống được truyền lại từ đời này qua đời khác ít nhất cũng hơn trăm năm trước. Trồng loại bí này, người dân phải thiết kế bộ giàn đặc biệt rất tốn kém và bón phân gấp nhiều lần các cây trồng khác. Sản phẩm làm ra tuy thế, rất khó tiêu thụ, lợi nhuận không cao. Bán chợ làng dù đã chia miếng, người ta ngại mua vì ăn không hết và rất nhanh hỏng. Thương lái mua nhiều hơn nhưng giá thấp. Thời gian thu hoạch ngắn. Khách tới thăm dùng trà bí và mua bí đao khô về làm quà, chỉ giải quyết một phần đầu ra cho sản phẩm này. Người ta cũng đưa bí đao đến các khách sạn trưng bày nhằm quảng bá cho nhiều người biết. Tuy thế, nhiều gia đình vẫn buông xuôi sau cả năm chăm sóc, chưa kể phải luôn trăn trở gìn giữ giống mà không mấy lời lãi gì.

Loại bí đao kích thước khổng lồ như vậy nhờ thổ nhưỡng đặc biệt kỳ lạ. Chánh Trạch nằm giữa xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định). Làng ba bề núi bao bọc, một bên hướng ra biển tạo thành lòng chảo. Dưới mặt đất, có nhiều mạch nước ngầm sạch tốt. Cây phát triển nhanh. Nguồn phù sa do mưa đưa ra từ núi Ô Phi.

Tương truyền, phía Đông núi Ô Phi là con rồng nằm canh giữ. Phía Tây được án ngữ trong dáng con quạ đen vỗ cánh bay lên. Xa xưa, một người khổng lồ đang gánh núi lấp biển, ngăn dòng thủy quái bị té ngã. Hai hòn núi rớt xuống thành Mũi Rồng và Bãi Sau hóa hình rồng nằm. Ngọn hải đăng như mắt rồng chiếu sáng mỗi khi đêm về, canh cho làng xóm bình yên.

Tại làng Chánh Trạch, hầu như vườn nhà nào cũng có một giàn lủng lẳng những trái bí khổng lồ. Được trồng từ tháng mười một, đến tháng tư âm lịch, bí bắt đầu thu hoạch. Công sức bỏ ra từ khâu làm đất, bón phân, tưới nước, nhất là làm giàn nhiều không kể hết. Bí nặng mỗi quả từ ba mươi tới sáu mươi ky lô. Mỗi giàn có năm mươi, tám mươi trái nên cột chống trụ đỡ phải chắc chắn. Người dân chủ yếu làm bằng tre, cọc gỗ và dây rơm nèo chặt các trụ nâng đỡ trái. Do khâu tiêu thụ, diện tích trồng bí đao trên toàn xã từ hai chục ha nhưng giờ đây chỉ còn hơn một ha, với khoảng sáu chục hộ trồng. Nếu không ổn định được đầu ra cho sản phẩm, nguy cơ mai một giống bí này đang tăng.

Bí đao khổng lồ ở Bàu Chánh Trạch là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay chưa có một thương hiệu nào giúp người dân phát triển và gìn giữ. Hiện người dân đang lo lắng, không yên. Nếu giá cứ thấp, thu không bù chi, họ sẽ chuyển sang trồng giống cây khác. Chẳng bao lâu, giống bí đao khổng lồ kỳ lạ này sẽ không còn tồn tại.

Giữa trưa nắng, ngồi cùng chúng tôi mà chủ nhà không yên. Cái nóng bức từ trời cuộn sôi âm ỉ trong lòng người trồng bí.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Quảng Ninh .