Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







THÁNG BA GIỖ MẸ :

THÁNH MẪU LIỄU HẠNH


C ó nhiều dã sử chép về sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo “Hội Chân Biên” của Thanh Hòa Tử, kể sự tích “Sùng Sơn Thánh Mẫu” thì ngài hiệu là “Liễu Hạnh Nguyên Quân” là đệ nhị chúa tiên, con gái thứ Ngọc Hoàng Thượng đế. Vì một lỗi ở tiên cung, nàng bị giáng xuống trần năm đầu Thiên Hựu triều Lê Anh Tôn (1557), đêm rằm tháng tám là ngày giáng sinh Thánh Mẫu, ở cửa người làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, họ Lê. Lê phu nhân là Trần Thị, khi có mang tính chí thích ăn hoa, đến khi lâm bồn tự nhiên có mùi hương ngào ngạt và hào quang sáng rực đầy nhà. Đấy là kỳ giáng trần thứ nhất, đặt tên Giáng Tiên. Ngài sinh ra diện mạo khác thường, dung nhan tuyệt thế, thường ở riêng một nhà tinh, đọc sách làm thơ. Văn thơ ngài làm ra thanh tao lưu thoát. Tuổi ngài tới tuần cập kê, nữ công nữ dung đều mỹ mãn.

Năm 18 tuổi có người Đào Lang họ Trần, vốn nhà trâm anh thế phiệt ở thôn Vân Đình, nghe tiếng họ Lê có vị tiên nữ, muốn môi chước để kết  bạn sắt cầm. Cầm sắt hòa hai được chừng vài năm thì một hôm, ngài từ biệt Đào Lang mà hóa, năm ấy ngài mới 21 tuổi, tạ thế ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái thứ 5 triều Lê Thái Tôn. Mộ ngài táng ở xứ Cây Đa, làng An Thái. Triều vua Gia Long thứ 4 đổi xã An Thái làm xã Tiên Hương, xã ấy đến nay vẫn còn đền thờ tối linh tức Phủ Giầy.

Khi ngài mất, Trần phu nhân đêm ngày thương nhớ. Nhân một hôm đến chỗ thư phòng xem lại sách vở và đồ dùng còn để lại, tự nhiên mê man thống khóc gieo mình xuống đất ngất lặng. Hốt nhiên một trận gió tự phương Tây lại. ngài lại hiện lên ôm lấy Trần phu nhân mà gọi: “Mẹ ơi, tỉnh dậy, con đây, mẹ đừng thương nhớ nữa!”

Phu nhân bàng hoàng mở mắt, nhận rõ con mình, nói: “Con ơi, đi đâu mới về? Con quả là thần tiên bất tử đấy ư?”

Ngài khóc mà rằng: “Con đây cam tội bất hiếu, con cũng muốn lưu lại để giữ thần hôn cho tròn đạo hiếu, nhưng vì số con gian thế có ngần ấy thôi, xin mẹ yên lòng đừng có thương tiếc chi nữa”.

Bấy giờ Lê công cùng với Đào sinh nghe tin vội đến, ngài lạy tạ mà nói: “Nay con từ trần kiếp về chốn Tiên cung, chỉ vì nghĩ đến công cúc dục cù lao, nên phải hiện thân đến đây để giải lòng ái mộ, nhưng không được thường ở nhân gian, xin từ tạ hai bên bố mẹ cùng lang quân để về nơi thượng giới!” Đào Lang cầm vạt áo khóc rằng: “Tôi may được phối hợp lương duyên, cũng mong bách niên giai lão, nào ngờ nửa đường ly biệt, nay lại được kết cái duyên tái sinh, thậm là hoan kỷ, xin lưu lại để tự tình một đôi lời cho được thỏa lòng khao khát”. Ngài đáp: “Tiên nữ Tào tinh hai bên gặp gỡ tất cũng có thiên duyên tiền định, không bao lâu tất có ngày tương ngộ”. Nói xong tự nhiên biến mất. Năm sau quả nhiên Đào Lang cùng theo về cực lạc.

Ngài tự khi tái hóa, do Ngọc Hoàng Thượng Đế cho phép vì kỳ trích giáng, trước chưa đầy đủ, nên tái giáng làm phúc trần, nhận cúng dàng của nhân gian. Ngài biến hiện không thường, khi thời hiện ra đàn bà ngâm thơ dưới trăng, khi thời hóa ra bà lão chống gậy bên đường. Ngài lại thường qua lại hạt Lạng Sơn, thấy chùa Thiên Minh là một danh lam thắng cảnh, liền trụ trì ở đấy. Nhàn hạ ngồi dưới cây tùng gảy đàn mà hát:

Cô vân vãng lai hề sơn thiều nghiêu.
Ư điều xuất nhập hề làm yêu kiều.
Hoa khai mãn ngạn hề hương phiêu phiêu.
Tùng minh vạn hác hề thanh tiêu tiêu.
Tứ cố vô nhân hề quỳnh trần hiêu.
Vũ đàn trường khiếu hề độc tiêu dao.
Hu ta, hồ sơn lâm chi lạc hề hà giảm trùng tiêu.

Nghĩa là:

Bóng mây một mình qua lại với núi non chót vót.
Chim buồn ra vào trong rừng cây cao đẹp.
Ho nở đầy trên bờ nước mùi thơm ngào ngạt.
Thông reo muôn cửa động tiếng vi vu.
Trông ra bốn bề vắng lặng vẻ xa bụi rậm.
Vỗ đàn tiếng vang một mình ta tiêu dao.
Than ôi, rừng núi vui thay, cái chi làm nhụt được chí cao vời.

Chợt Phùng Khắc Khoan (tức Trạng Bùng) đi sứ bên Tàu về đến đấy, bèn cất tiếng nói:

Tam mộc sân đỉnh tọa trứ hảo hề nữ tử.

Tiên Chúa ứng thanh đọc liền:

Trùng sơn xuất lộ tấu lại sứ giả lại nhân.

Nghĩa là:

Ba cây gỗ họp trước sân ngồi tỏ vẻ đẹp ấy là người con gái.

Chồng núi ra tận đương, chạy lại là người đi sứ, là người quan lại.

Sơn nhân bằng nhất kỷ, mặc phi tiên nữ lâm phàm.

Nghĩa là: Nguời ở núi dựa một cái ghế há chả phải là bậc tiên nữ tới chỗ phàm trần.

Ngài liền ứng rằng:

Văn tứ đời trường cân, tất thị học sinh thị trướng.

Nghĩa là: Con nhà văn đội cái khăn dài, hẳn đấy là kẻ học sinh hầu bên trướng. Trường cân tức là chữ trướng, văn tử tức là chữ học.

Đối đáp rất chỉnh mà lại ngụ ý phân biệt thâm trầm. Phùng công thấy vậy rất phục, muốn hỏi lai lịch thì ngoảnh đi ngoảnh lại đã biến mất, chỉ còn thấy cây gỗ nằm ngang, hình ra bốn chữ Mão Khẩu Công Chúa, và có một cây gỗ dựng viết bốn chữ “Thuỷ mã dĩ tẩu”. Cây gỗ nằm ngang là chữ Mộc, chữ Mão, chữ Khẩu thêm vào thành chữ Liễu Hạnh. Chữ Thủy và chữ Mã là chữ Phùng, chứ Kỷ và chữ Tẩu là chữ Khởi, ý bảo họ Phùng khởi công làm đền thờ ngài vậy.

Sau ngài lại xuất hiện ở Tây Hồ và các nơi danh lam thắng cảnh trên đất Bắc Việt và Trung Việt như Sầm Sơn hay Phố Cát.

Khi ngài xuất hiện ở Hồ Tây, gặp buổi họ Phùng cùng bạn văn thơ là họ Lý, họ Ngô thừa nhàn chơi thuyền, cầm kỳ thi tửu. Lênh đênh một chiếc thuyền bỗng thấy khóm cây đào xanh tốt um tùm, len thuyền vào bên trong thấy có cái lầu nguy nga, ngoài đề bốn chữ “Tây hồ phong nguyệt”. Hai bên có đôi liễn chữ thảo:

Hồ trung nhàn nhật nguyệt.
Thành ngoại tiểu càn khôn.

Trước lầu có che một bức mành mành, thấp thoáng bên trong có người thiếu nữ mặc áo hồng lịch sự. Họ Lý cất tiếng hỏi: “Chỗ này lâu đài có phải cảnh tiên không? Anh em chúng tôi vô tình lỡ bước tới đây, muốn mượn cảnh này để làm chỗ Lan Đình thắng hội, không biết tiên nữ có dung cho hay không?

Thiếu nữ đáp: “Chỗ này không phải phàm trần, nếu các ông quả là bậc phong nhã, thời ta đây cũng không hẹp gì.”

Ba người bèn đậu thuyền bước lên, bên trong thấy có thạch bàn, bèn giở bầu rượu túi thơ ngâm vịnh. Thiếu nữ hỏi rằng: “Các ông tới đây có tài phun châu nhả ngọc, văn chương đủ kinh động quỷ thần. Nay tôi có một đề thơ cùng với đại phương xướng họa:

Liễu Hạnh:             Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên

:                        Túng mục kiền khôn tận khoát nhiên.

                              Cổ thụ viễn trang thanh mịch mịch.

Phùng:                   Kim ngưu thoát thuỷ lục quyên quyên.

                             Sinh lai hà xứ sổ gian ốc.

Ngô:                     Hoạt kế thùy gia nhất chích thuyền.

                              Cách trúc sơ ly văn khuyển phệ.

:                        Phanh trà phá bích thấu trù yên.

                             Khinh khinh quế trạo thủ trung đãng.

Phùng:                   Đoản đoản suy y thân thượng xuyên.

                             Phảng phất Động Đình du Phạm Lãi.

Ngô:                     Y hy bích hán phiếm Trương Khiên.

                           Thiên tầm hạo đảng ám thâm thiển.

:                        Tứ cố vi mang điệt hậu tiên.

                          Khoản nãi vãng lai bồng liệu bạn.

Phùng:                   Ẩu nha xuất nhập bách lô biện.

                          Sa trung liệp hy vong cơ lộ.

Ngô:                     Vân ngoại nhàn quan suất tính duyên.

                          Kỷ khúc xướng ca văn thuỷ quốc.

:                       Nhất song bạch nhãn phóng trần huyên.

                          Giao đầu đối thoại ỷ hà cái.

Phùng:                   Thân thủ tương chiêu hí giáp tiền.

                          Lạp phóng liên gian tàng thái nộn.

Ngô:                     Lam trầm sau để dưỡng ngư tiên.

                          Hoặc tương đạm tửu hoa tùng chước.

:                        Thời châm trường cao thụ ảnh miên.

                          Tuý hậu tương khan phao thuỷ diện.

Phùng:                   Dục dư tư lạc bộc phong tiền.

                          Yên hoa mục tử tân bằng kết.

Ngô:                     Thượng uyển tiều phu cựu ước kiên.

                          Bão bất từ ngô quan bang thế.

:                        Thám lĩnh tiếu bỉ một long uyên.

                          Võng sơ mồi tị thế đồ hiểm.

Phùng:                   Điếu trực tu tương lợi nhĩ huyền

                          Hàn chử hạ lại do ái nhật.

Ngô:                     Trường An đông tận vị tri niên.

                          Tam công khăng bả yên hà hoán.

:                        Bán điểm ninh dung tục lự khiên.

                          Vị thuỷ nhậm phù văn bá bốc.

Phùng:                   Đào nguyên hảo phỏng Vũ lăng duyên.

                          Nhàn chung sạ giác tâm vi Phật.

Liễu Hạnh thúc kết:    Đắc nguyện ưng tri ngã thị Tiên.

Dịch nghĩa:

Chúa Liễu   xướng:      Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời.

:            Bát ngát bốn mùa rộng mắt coi.

                  Cõi ngọc xanh xanh làng phía cạnh.

Phùng:       Trâu vàng biêng biếc nước vành khơi.

                 Che mưa nhà lợp vài gian cỏ.

Ngô:         Chèo gió ai bơi một chiếc chài.

                 Rậu thủng chó đua đàn sủa tiếng.

:            Trời hôm bếp thổi khói tuôn hơi.

                 Mơn mơn tay lái con chèo quế.

Phùng:       Sàn sạt mình đeo chiếc áo tơi.

                 Thuyền Phạm phất phơ chơi bể rộng.

Ngô:         Bè Trương thấp thoáng thả sông trời

                 Đò đưa bãi lác tai dồn dã.

:            Giọng hát bờ lau tiếng thảnh thơi.

                 Cò xuống đưa qua vùng cát đậu.

Phùng:       Diều bay sẽ liệng đám mây chơi.

                 Khúc ca trong đục ẩm bên nước.

Ngô:         Quầng mắt xanh đen sạch bụi đời.

                 Đầu gối long hà lai láng chuyện.

:            Tay soi tiền giáp lả lơi cười.

                 Chốc sen ngả nón chứa rau búp.

Phùng:       Đáy nước dìm phao bắt cá tươi.

                 Có lúc kề hoa vầy tiệc rượu.

Ngô:         Họa khi tựa bóng đứng đầu mui

                 Say rồi cởi áo quăng dòng mái.

:            Tắm đoạn xoay quần hóng gió phơi.

                 Trẻ mục Yên Hoa bày tiệc rượu.

Phùng:       Lũ tiểu Thượng Uyển hẹn lời dai

                 Bắt có cứ vững ngồi rình bụi.

Ngô:         Mò ngọc khen ai khéo lặn ngòi.

                 Tay lưới thế thần khôn mắc vướng.

:            Lưỡi câu danh lợi nhẹ tham mồi.

                 Hạ rồi bến mát còn yêu nắng.

Phùng:       Đông hết thành xuân chửa thấy mai.

                 Thú cảnh yên hà sang dễ đọ.

Ngô:         Sóng lòng trần tục dạ hồ vơi.

                 Xe săn Vị Thuỷ tha hồ hỏi.

:            Thuyền tới Đào Nguyên mặc sức bơi.

                 Chuông sớm giục thanh lòng Phật đó.

Chúa Liễu Hạnh  kết thúc một câu:

                 Trăng tròn soi một bóng Tiên thôi. 

   (Bản dịch của Phan Kế Bính, trong Việt Hán Văn Khảo)

Sau đấy Tiên Chúa giã cảnh Tây Hồ qua chơi Sóc Hương tỉnh Nghệ An, Hoành Sơn cùng là Khoa Lãnh, Thuỷ Khê, bao nhiêu kỳ sơn, tú thuỷ ngài từng du lịch cả. ngài lại qua Phố Cát tỉnh Thanh Hóa, thấy có cây xanh tốt, ngài bèn hiển linh, và dân thôn kính sợ bèn lập đền thờ. Khoảng triều vua Hiến Tông nhà Lê, ngờ là yêu quái, sắc mệnh cho đạo sĩ pháp sư tiễu trừ, rồi đốt phá cả đền miếu, không bao lâu trong miền bị ôn dịch tai hại đến trâu bò, dân thôn bèn lập đàn kỳ đảo, thốt nhiên có một người nhảy lên trốc đàn quát bảo:

“Lũ ngươi lập tức phải tâu với triều đình sửa lại đền miếu hương đăng phụng sự, thời ta sẽ tha cho. Không thế lũ ngươi còn bị hại nữa.”

Bây giờ dân thôn nghe lời cử mấy người hương lão tới cửa khuyết kêu vua. Vua bèn mệnh cho sửa lại miếu đền nguy nga, sắc phong Mã Vàng Công chúa. Từ đấy  phương dân lại được yên tĩnh như thường. Phàm cầu đảo điều chi đều được linh ứng. Sau vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, ngài cũng âm phù thắng trận, gia phong ngài là Chế Thắng Hào Hiệu Đại Vương.

Triều Tự Đức trong nước đa sự, triều đình sai sứ thần đến xin cơ bút Sùng Sơn về quốc sự, ngài giảng bút như sau:

Hoành sơn một dải ra vào,
Cuốc kêu vọng đế, cáo gào giả vương.
Cung trăng đã sẵn trời dương
Giang sơn lại mở một trường xuân thu.
Tên đâu ba mũi phục thù,
Khen cho Khắc Dụng bày trò cho con.
Ngọn cờ phất phới đầu non.
Thạch Thành mèo lại bon bon chạy về.
Dặm đường lai láng máu dê.
Con quay ngả trắng ba que cuộc tàn.
Trời Nam vận ở Viêm bang
Chân nhân đâu đến những phường thầy tăng;
Đồng dao lại có câu rằng:
Non xanh mà mọc trắng răng mới kỳ
Bây giờ quét sạch thử ly.
Ai ơi nhớ lấy thiên ky kẻo lầm.
Đương khi sấm sét ầm ầm.
Ấy là khí số để găm trị bình.
Vũ phu mà bức thư sinh.
Long ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng.
Nực cười cho lũ bàng quan.
Cờ tàn mà lại tính đường đẩy xe.
Thôi thôi mặc lũ thằng hề.
Gió mây ta lại đi về gió mây.

(Chúa Liễu giáng cơ bút)

Thanh Hòa Tử sau khi chép ược sự tích Thánh Mẫu Sùng Sơn, có kết luận rằng:

Từ thời Lê đến nay (1847) trải qua trước đền thờ kể từ hàng nhất phẩm triều đình trở xuống, các quan không ai chẳng cúi đầu, nghiêng mình chịu thờ vậy.

Trong khoảng một trăm năm, ban phúc giáng họa không phải chỉ có một lần, tiếng tăm lừng lẫy, đức từ cũng mở rộng, người ta đều xưng ngài là Thánh Mẫu. Cuối thời nhà Lê có ông Tán quan tuổi ngoài 80 có đức hạnh, mộng thấy thiên hạ ồn ào huyên truyền Thánh Mẫu chính trang lên triều, có hai ngàn ngọc nữ vâng Đế mệnh, cờ quạt xe ngựa phân làm hai hàng nghênh đón ngài lên đường. Âm nhạc vang trời, ngẩng lên nhìn bèn tỉnh mộng. Bấy giờ là tháng hai, ngày hai mươi hai vậy. Ông quan ấy thường kể mộng thấy cho người ta nghe, kẻ học thức bảo là hết kỳ giáng của chúa Liễu Hạnh, ngài bèn về trời. Từ bấy đến nay đền thờ khắp trong nước, các chùa cũng tô tượng để thờ. Triều Minh Mệnh nhà Nguyễn có Phạm tiên sinh soạn câu đối để tiến thờ rằng:

               Tử cực giáng thần, Vân Cát xuân thu tiêu tự điển.

               Diêm phù hiển thánh, Nhật Nam kim cổ ngưỡng anh thanh.

Nghĩa là:

               Cực tía giáng trần, Vân Cát xuân thu nên điển lễ.

               Diêm phù hiển thánh, Nhật Nam kim cổ ngóng tiếng thiêng.

Lại còn câu đối tiến dâng đền Kiếm Hổ như sau:

        Thành vật như địa, sinh vật như thiên, đào dung vật loại như đại tạo chi nan đắc danh ngôn, lịch đại cổn hoa chiêu ý thược.

        Xuất thế vi tiên, giáng thế vi Phật, phổ độ thế nhân vi từ mẫu chi mẫn tư chúc tử, vạn phương cẩn bộc lạc tôn thân.

Nghĩa là:

        Làm nên vật như đất, sinh ra vật như trời, nung đúc các loài như công lớn tạo hóa khó nói được tên, đời đời ảo bào hoa sáng ý đẹp.

        Xuất thế là tiên, giáng thế là Phật, độ khắp người đời làm mẹ hiền thương xót con thơ, muôn phương hướng khói vui lòng tôn yêu.

Có người bảo 46 chữ ấy đủ thấy được bản lai diện mục của thánh Mẫu bởi vì Mẫu là Mẫu của ba ngàn thế giới rộng lớn, chẳng phải chỉ Mẫu có một thế giới mà thôi.

Người sau có thơ đề:

Vạn cổ từ vân biến đại thiên.
Nhân không nghi Phật hựu nghi Tiên.
Sùng sơn sạ giải uy linh võng.
Cát thủy nga sanh tế độ thuyền.
Hoàn bội hương phiêu ngân quế địa.
Bộc cần mộng nhiễu ngọc đan thiên.
Huy phong ý đức quang khung nhưỡng.
Mạc đạo truyền ký bút đảo điên.

Dịch:

Muôn thuở mây từ khắp muôn ngàn.
Người không, ngờ Phật lại ngờ Tiên.
Sùng sơn chợt quay bánh xe uy linh.
Cát thủy mỏi chống thuyền tế độ.
Vòng ngọc hương thơm bay đất quế.
Hương khói mộng quanh trời ngọc đơn
Gió thuần đức đẹp sáng trời đất.
Chớ bảo truyền kỳ bút đảo điên.

(Thanh Hòa Từ kính dâng. Quế Hiên Từ xem lại Hội Chân Biên quyển khôn. Sùng Sơn Thánh Mẫu)

Trên đây là đại khái sự tích thánh Mẫu Việt Nam rất phổ thông ở miền Bắc Việt, đại diện cho nguyên lý Mẹ, Âm tính trường cửu vũ trụ hóa. Nhưng đức Mẹ đây không phải đồng trinh hoàn toàn, mà là có liên hệ với danh lam thắng cảnh thiên nhiên, với hang động, với hồ thiên, với sơn thuỷ, thảy đều có hiện diện của Tiên chúa Liễu Hạnh và đặc trưng là những cuộc gặp gỡ của giai nhân thi tửu xướng họa. Ngài Liễu Hạnh vốn bị trích giáng khỏi tiên cung xuống phàm trần vì một lỗi đánh vỡ chén ngọc trản trong bữa tiệc vườn đào. Chén ngọc trản ấy đựng một thứ rượu trường sinh của bậc thần tiên. Ngọc trản hay Ngọc hồ lấy làm danh hiệu cho đền thờ Liễu Hạnh ở Hà Nội, tượng trưng cả một thế giới “Ngọc hồ thế giới” như bốn chữ đại tự trên bức hoành đăng trên đền thờ, hai bên có đôi câu đối:

Hồ trung nhật nguyệt, y nhiên thiên trúc thanh quang.
Ngọc trản lâu đài, biệt chiếm Bồng lai thế giới.
Nhật diễm nguyệt lâm, ngọc hồ sán lạn.
Sơn truyền thuỷ nhiễu, Phố Cát kỳ quan.

Dịch nghĩa

"Thế giới bầu ngọc
Mặt trời mặt trăng trong bầu giống như trời Phật giáo trong sáng.
Lâu đài chén ngọc, một thế giới Bồng Lai riêng chiếm.
Mặt trời soi, mặt trăng chiếu, bầu ngọc sáng lạn.
Núi chồng chất, nước lượn quanh, Phố Cát cảnh lạ.

Theo đấy, rõ ràng Liễu Hạnh ngự trị thế giới Ngọc Hồ, là vì Ngọc Hồ hay Ngọc Trản chứa nước trường sinh, đã bị tiên chúa đánh đổ nên bị giáng xuống phàm trần. Và ở trần thế thì Ngọc Hồ chứa đựng ruợu của nhà thơ, ruợu ấy uống ở trên lầu như ở Bồng Lai tiên cảnh.

Nhà khảo cổ Đông phương học Rolf Stein quan sát thấy rằng:

Có nhiều phong cảnh hình bầu hồ, do thánh Mẫu làm chủ và đặc trưng bằng nước nguồn bất tuệyt và bằng sự mắn con và mưa nhiều.

Ngoài ra, tất cả chùa đền thờ thánh Mẫu đều có gương soi dùng để truyền linh hồn thờ phụng Nữ thần vào thân hình bà đồng bóng nhập. Cái gương kể từ cổ xưa bên Tàu là thuộc tính của nữ giới. Nó cũng liên hệ với cữ trăng, ngày mộng một và ngày rằm mỗi tháng có lễ bái thánh Mẫu. Nhưng còn liên hệ với giếng, mặt nước tròn phản chiếu mặt trăng và giếng cũng là một cái bầu, cái hồ.

Bầu hồ và gương, bảo đảm cho sức sinh dụcbao phủ các phong cảnh thiên nhiên. Đấy cũng là thuộc tính của các thánh Mẫu ngự trị ở đấy.

Cũng chính những thần linh tiên nữ ấy làm chủ các đền chùa nhỏ và các miếu mạo thờ phụng Tam Phủ: Trời, Đất, Người và các Chư Vị. Các nơi thờ ấy thường dựng ở ngã ba sông, ngã ba đường tại các chợ, bến, mốc đường, nghĩa là tại chỗ gặp gỡ đều bày ra cùng những yếu tố giống nhau: nào cây cổ thủ, đa hay đề, nào đá, đều đặt trong hay trước cây lính, trên cây hay trên một cái rột. Có bình phong đàng trước, có bể nước, có núi giả với hoa sen. Các vị thần đặc biệt thuộc nữ giới, thường vô danh, chỉ có tên hiệu chung là thánh Mẫu Đức Bà hay chúa Ngọc.”

(Tập kỷ yếu của trường Viễn Đông Bác Cổ, t.XIII 1942)

Vậy thánh Mẫu hay Đức Mẹ ở đây là một nữ tính đặc trưng cho một năng lực thiên nhiên phổ biến huyền bí nhất, là nguồn sống bất tuyệt, ấp ủ nơi hang suối sơn thuỷ hữu tình, hàng năm nam nữ hẹn hò để khích động cho vạn vật nảy nở sinh thành, theo như ca dao nói:

Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Nguyên lý sinh đôi Cha Mẹ, Sơn Thủy, Mặt Trời Mặt Trăng, Trời Đất, Âm Dương là nguyên lý Sinh Thành đã được tín ngưỡng dân tộc cụ thể hóa linh động vào Chử Đồng Tử và Tiên chúa Liễu Hạnh, để rồi biến thái dần theo quá trình diễn tiến của dân tộc trong thời gian và không gian. Chử Đồng Tử đến đời Trần được nhân dân đồng hóa vào Đức Thánh Trần, anh hùng dân tộc và sau cuộc Nam tiến thời nhà Nguyễn, lại được đồng hóa với Đức Ông Lê Văn Duyệt. Cũng như thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Bắc Việt được đồng hóa với thánh Mẫu Thiên Yana ở Trung Việt và Bà Đen ở Nam Việt v.v… Xem bài bia hiện nay vẫn còn tại Tháp Bà ở Nha Trang, do Phan Thanh Giản thời Tự Đức giữ chức “Hữu Hiệp Biên Đại Học Sĩ, lĩnh Lễ Bộ Thượng thư” soạn dâng Tiên Nữ Thiên Y, chúng ta đủ thấy mạch lạc tiến hóa của dòng tín ngưỡng thần tiên thực còn hết sức linh động với toàn thể dân tộc từ thuợng lưu trí thức cho đến bình dân, từ Bắc chí Nam, từ cổ xưa đến cận đại vậy. Thử xem vị đại Nho Nam Việt quan niệm vai trò thần tiên thế nào. Cụ viết:

Trong thiên hạ, đời càng xưa thì sự càng lạ, đất càng rộng, tích càng kỳ. Nhất là có các vị cứu nhân độ thế thì sử sách không bỏ qua được vậy.

Quan Thế Âm ở đất Lạc Gia, Lâm Thiên Hậu ở đất Việt Dương, chuyện không phải không lạ, sự không phải không kỳ, mà xem qua ghi chép ở sử sách tỉnh Nam Định có chúa Liễu Hạnh cùng các việc thần quái bà giáng sinh ở dã sử còn kể rõ ràng.

“Miền Nam phong khí rất hậu, người vốn thật thà, cùng nước Mân Việt phương Bắc mỗi nơi một cảnh trị đối nhau.

Khi phương Nam chưa định, xe chỉ nam chưa tới, ấy là một thời. Nước này nhỏ, dân thưa mà đức tốt đồn xa, đời thịnh trị thần linh bàng bạc giáng hiện. Đủ tỏ thế giới siêu hình Bồng Lai Phương Trượng cùng với trần gian thực tế không xa các vậy.”

Rồi tác giả kể sự tích Tiên nữ Thiên Y.

Giáng sinh ở núi Đại An, nay thuộc xã Đại An, tỉnh Khánh Hòa, gần cù lao Huân, ngoài xa biển cả, quân sơn chầu về. Bể biển, trời rộng thực đáng là di tích của Thần tiên linh thiêng vây.

Rồi Thiên nữ phiêu lưu lên phương Bắc, kết duyên với một hoàng tử, sinh con đẻ cái, tình vợ chồng đang vui vầy thì chợt bỏ về phương Nam quê cũ chăn dắt dân Man, rồi một ngày kia bỗng cưỡi chim về tiên cảnh.

“Ôi lạ thay! Tiên nữ ở đâu mà đến? Ban đầu ở bên sườn núi nhờ ơn dưỡng dục tưởng đã trọn đời. Thế mà không cớ bỏ vượn hạc mà đi, cưỡi sóng từ Nam lên Bắc, vội vàng đi đâu?

Lại đến khi duyên đang tươi tốt, chợt dứt tình trăm năm để trở về quê cũ thực cũng lạ lùng! Đến lúc cửa hang đã mở, cảnh đó người đâu, cưỡi gió bay đi uy linh hiển lộng. Việc đi hay ở của thần, tuy quỷ thần cũng không tự chủ được sao? Như thế lại càng lạ vậy?

(Văn bia soạn ngày 13 tháng 5 năm Tự Đức thứ 9, Phan Thanh Giản)

Tóm lại với trường Đạo Nội, người ta thấy tư tưởng thần tiên một mặt nuôi ở nhân dân Việt Nam một tín ngưỡng mạnh mẽ về thế giới thần hồn sau khi đã chết về thể xác và làm nguồn mỹ cảm văn nghệ cho giới trí thức. Tất cả đều tin thiên nhiên không phải là vật chất vô tri vô giác đối với nhân văn, mà trái lại thế giới thiên nhiên, nhân văn và siêu nhiên thường thông đồng với nhau một mạch, có thần tiên làm môi giới vậy.



.Cập nhật theo nguyên bản của cố Giáo Sư .