Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







Nghĩ Về Một Người Suốt Một Đời
Bị Đọa Đày Vì Một Bài Thơ: Hữu Loan

MÀU TÍM TRONG THƠ


T hông thường mỗi màu có một vài ý nghĩa của nó, về một vài phương diện nào đó. Màu đỏ là máu đấu tranh, màu máu, như trong màn đấu bò của người Tây Ban Nha. Con bò thấy màu đỏ thì xông tới. Màu cờ đỏ của Cộng Sản là màu máu, thấy kinh lắm. Tuy nhiên, trong lá cờ nước Pháp, màu đỏ là màu tự do. Ba mầu trên lá cờ Pháp xanh-trắng-đỏ, thường có ý nghĩa chung trong xã hội Âu tây là tượng trưng cho bác ái, bình đẵng và tự do.

  Màu tím là mầu buồn, ấy là nói theo cách thông thường, nhưng chỉ riêng ở xứ ta, người ta phân biệt màu tím ở hai nơi: Chốn vương triều và nơi dân dã.

   Trong triều phục của các vua chúa Âu tây, thường có màu tím. Nhưng ở Trung Hoa và nước ta, ngày xưa, màu của vua là mầu vàng. Áo vua màu vàng nên gọi là hoàng bào, có khi vẽ rồng nên gọi là long bào. Năm ngoái, trong một hội nghị quốc tế, được tổ chức ở Hà Nội, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Cộng, mặc áo gấm vàng (màu vua), tổng thống Bush, mặc áo gấm xanh (màu quan). Quan thì phải chầu vua, ấy là trò xỏ lá của Việt Cộng (1). Xin nhắc độc giả nhớ một điều là, mặc dù chủ trương mặc quốc phục trong những ngày lễ tết, dù làm tổng thống, ông Ngô Đình Diệm cũng như ông Nguyễn Văn Thiệu không bao giờ mặc áo vàng như Nguyễn Tấn Dũng. Tại sao họ là “vua” mà không mặc áo vua (màu vàng). Sự khiêm cung của họ thật cao quí biết bao nhiêu!

  Theo quan niệm xưa, màu vàng thuộc vua, hoàng gia. Tuy nhiên, có cái lạ, tại sao nơi vua ở thì gọi là “Tử Cấm Thành.”

     Huế có 3 vòng thành: Vòng ngoài cùng thì gọi là thành Huế. Phía trong thành Huế thì gọi là Nội thành hay Thành nội Huế, có 9 cửa. Thành nhỏ phía trong, là chỗ sinh hoạt của hoàng gia, là các điện nơi triều thiết thì gọi là Đại Nội, có 4 cửa: Cửa chính gọi là Ngọ Môn (ngó ra hướng Nam). đối diện với Ngọ Môn là cửa Hòa Bình. Bên phải là cửa Hiển Nhơn, bên trái là cửa Chương Đức. Các cửa nầy khi mở có lính khố vàng (lính của vua) canh gác.

Trong đại nội, còn có một thành nhỏ nữa, nơi dành riêng cho vua ở, canh gác rất nghiêm nhặt gọi là “Tử Cấm Thành”.

  Tử Cấm Thành có ý nghĩa như thế nào?

    Chữ tử nầy có hai nghĩa có thể giải thích ở đây: Tử như tử tế là tinh mật, kỹ càng và hai là sắc tím, sắc tía (Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh). Tuy nhiên, có lần tôi hỏi ông chú họ của tôi là người rành chữ Nho, thì ông giải thích tử có nghĩa là tím, thuộc về nhà vua. Trong quang học, “tia tử ngoại” là tia sáng có mầu tím.

Dù có theo nghĩa Tử Cấm Thành hay không, Huế, nơi vua quan thì nó rất gần với màu tím. Màu tím đó được gọi là “Tím Huế”, như bài thơ sau đây của Nguyễn Bính:

 

Màu Tím Huế  

Thôi thế là  em cách biệt rồi!  
Đường đi mỗi bước lại xa xôi  
Tim tím rừng chiều, tim tím núi  
Tim tím chiều hôm, tim tím mai  
 
Ban chiều tim tím nhớ mong nhau  
Đêm tối kìa em tím rất nhiều  
Anh cúi xuống hôn màu tím giấy  
Thư về em, tím nét thương đau  
 
Mai mốt rồi đây lầm cát bụi  
Anh lại đường xa trải kiếp người  
Tim tím rừng chiều, tim tím núi  
Chiều hôm nhiều tím thế em ơi!


   Màu tím ở đây không hẵn là do Nguyễn Bính tưởng tượng ra đâu! Huế nằm bên cạnh dãy Trướng Sơn. Những buổi chiều hè, ngồi bên bờ sông Hương, nhìn mặt trời lặn sau những ngọn núi chập chùng, người ta sẽ thấy mặt trời to, đỏ như một khối lửa trong lò thợ rèn, từ từ hạ xuống, chạm vào đỉnh núi rồi tóe ra muôn ngàn tia sáng đỏ rực, tưởng như sự va chạm vào núi làm cho mặt trời vỡ ra. Ánh sáng màu đỏ của mặt trời chiếu vào mây, làm cho mây cũng đỏ rực lên một màu lửa như thế. Thế rồi, màu đỏ mất dần, chuyển sang màu tím nhạt, đậm dần lên cho đến khi mặt trời khuất sau dãy Trường Sơn. Màu đen dâng lên chìm ngập cả khung cảnh núi rừng thôn xóm phía tây thành Huế.

   Có lần tôi nói với học trò của tôi rằng không thể có sáng tím mà chỉ có chiều tím. Tại sao? Màu tím là màu pha giữa màu đỏ và màu đen. Màu đỏ là màu của mặt trời. Khi mặt trời sắp lặn thì mầu đen dâng lên, như Xuân Diệu từng nói vậy: “Chiều lên dần dần, chiều không xuống.” “Chiều lên dần dần” có nghĩa là màu đen lên dần dần. Khi màu đen dâng lên, hòa với màu đỏ của trời chiều tạo thành màu tím. Buổi sáng, màu đen không lên dần dần mà chỉ có thể mất đi dần dần nên nó không hòa với màu đỏ để tạo ra mầu tím được. Giải thích như thế, không biết có bị các họa sĩ chê là múa rìu qua mắt thợ không?

    Tuy vậy, cũng có lần Xuân Diệu không nói là “Chiều lên”. Ông nói ngược lại: “Chiều xuống.”

 

Chiều ơi hãy xuống thăm ta với!
 Thiên hạ lìa xa đời trống không!”

 

      Chiều xuống là cách nói thông thường của mọi người.

    Trong bài thơ trên, Nguyễn Bính nhìn màu tím qua cảnh thực: Rừng, núi, chiều hôm, sớm mai đều tím. Tím không đậm mà “tim tím”, có nghĩa là hơi tím. Núi, chiều và cả giấy hơi tím một chút. Và tím cũng là nỗi nhớ, nỗi thương đau nên nó từ hơi tím chuyển qua tím hẵn, tím đậm hay còn gọi là tím than.

 Trong một bài thơ khác, Nguyễn Bính chỉ vẽ ra vài nét về Huế, chỉ vài nét mà ông cũng không thể không nhắc tới màu tím:

 

Vài Nét Huế  

 1.
Cầu cong như  chiếc lược ngà,  
Sông dài, mái tóc cung nga buông hờ.  
Đôi bờ, đôi cánh tay vua  
Cung nga úp mặt làm thơ thất tình.  
 
2.  
Ở đây áo tím riêng màu  
Bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân.  
Loanh quanh xóm vắng, đường gần  
Ấy ai làm dáng phi tần với ai!  
Con sông không rộng mà dài  
Con đò không chở những người chính chuyên.  
 
3.  
Ở đây có nước sông Hương  
Có cây núi Ngự, có đường Nam Giao  
Bồng bồng sáu nhịp cầu cao  
Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh  
Thâm u một dãi hoàng thành  
Đình suông con én không đành bay đi.

 

 Vài nét ở trong bài thơ trên lại nói nhiều về cung phi, cung Tần và vua.  Cầu Trường Tiền cong như cái lược ngà, nằm vắt lên hai bờ sông như hai cánh tay của vua. Điều ấy không quan trọng bằng có một cung nga đang làm “thơ thất tình”. Có cung nga đang làm dáng với ai, và hoàng thành thâm u một dãy thành dài.

   Bài thơ thất tình của cung nga, chính là bài thơ trong “Tần Cung Nữ Oán”:

 

Cặp mày xanh chiếc lá cũng ghen,
 Câu khiển hứng đánh chìm dòng nước chảy.

 

     Có một cung phi đời Tần, ngồi bên dòng suối trong cung điện, nhặt một chiếc lá viết lên đó vài câu thơ cho người tình cũ, mong rằng chiếc lá sẽ trôi xa, ra tới ngoài kia, ngoài hoàng thành để mong sao người yêu cũ của cung nga nhận được, biết tới tấm lòng của nàng không quên người tình cũ. Vậy mà chiếc lá ghen với sắc đẹp của nàng, đã không trôi đi mà chìm xuống đáy nước.

     Thử hỏi, trong hoàng thành Huế kia, có bao nhiêu cung phi làm thơ thất tình như vậy?

  Cái “áo tím riêng mầu” đây là cái áo của cung phi. Và khi xa xôi cách trở như thế, kẻ trong nội (đại nội), kẻ ngoài nội ai còn làm dáng với ai nữa?!

   Đọc bài thơ nầy, người ta có thể liên tưởng đến bài “Màu Thời Gian” của Đoàn Phú Tứ. Bài thơ tả tâm trạng của một cung nữ, khi sắp lìa đời, không còn muốn gặp vua nữa, không muốn để cho nhà vua thấy dung nhan tàn tạ của mình, để cho nhà vua cứ giữ trong trí nghĩ của ông về một giai nhân sắc nước hương trời như khi mới được tuyển vào cung:

 

Màu Thời Gian  

Sớm nay tiếng chim thanh 
Trong gió xanh  
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình  
 
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi  
Ta lặng dâng nàng  
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian  
 
Màu thời gian không xanh  
Màu thời gian tím ngát  
Hương thời gian không nồng  
Hương thời gian thanh thanh  
 
Tóc mây một món chiếc dao vàng  
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương  
Trăm năm tình cũ lìa không hận  
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng  
 
Duyên trăm năm đứt đoạn  
Tình muôn thuở còn hương  
Hương thời gian thanh thanh  
Màu thời gian tím ngát.


(Đoàn Phú Tứ)

 

  Về hình thức, bài thơ nầy không có gì lạ như nhiều nhà phê bình tán dóc. Những câu thơ dài ngắn không thường, có khi chen vào mấy câu thể ngũ ngôn, thất ngôn, xem lại thì nó cũng giống như thể thơ cũ, gọi là “Trường đoản cú” (câu dài, ngắn) trong nguyên bản “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn vậy.

 

   Ví dụ các câu mở đầu trong “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn viết như sau:

Thiên địa phong trần.
  Hồng nhan đa truân
 Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân
Cổ bề  thanh động Tràng An nguyệt  
Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân  
Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch  
Bán dạ phi hịch truyền tướng quân  
Thanh b́ình tam bách niên thiên hạ  
Tùng thử nhung y thuộc vũ thần  
Sứ tinh thiên môn thôi hiểu phát  
Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt  
Cung tiễn hề, tại yêu  
Thê noa hề, biệt khuyết  
Lạp lạp tinh kỳ xuất tái sầu  
Huyên huyên tiểu cổ từ gia oán  
Hữu oán hề, phân huề  
Hữu sầu hề, khế khoát
……..

 

   Nếu đem thể “truờng đoản cú” nói trên mà so với bài “Màu Thời Gian” của Đoàn Phú Tứ thì có khác gì nhau bao nhiêu. “Màu Thời gian” cũng pha lẫn giữa ngũ ngôn, thất ngôn, thơ mới, v .v…

  Tại sao Đoàn Phú Tứ không dùng những thể thơ cũ, như ngũ ngôn, tứ tuyệt, thất ngôn hay thể thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ thường làm…

    Có gì đâu! Tại vì ông ta là một nhà viết kịch thơ. Trong kịch thơ, thường các câu nói của nhân vật phải viết bằng thơ. Những lời nói như vậy, không thể cứ phải giữ một thể thơ mà thôi được. Bên Tây phương cũng vậy. Nếu độc giả có đọc những vở kịch của Shakespeare, thiên tài kịch nghệ của Anh, độc giả sẽ thấy trong lời thơ của các nhân vật, cũng viết theo thể đại khái như “trường đoản cú” của ta vậy. Ông Đoàn Phú Tứ quen dùng thể “trường đoản cú” để viết kịch, thì nay ông dùng nó thể viết bài thơ “Màu Thời Gian” cũng không có gì là lạ để tán hươu tán vượn.

  Điều rắc rối là bài thơ nầy khó hiểu. Khi thì ông nói tới hiện tại như “Sớm nay…”, khi thì ông nói tới quá khứ như: “Ngàn xưa, không lạnh nữa Tần phi” (tức cung phi đời nhà Tần (có thể là Tần Thủy Hoàng, ông có tới ba ngàn cung phi), bên Tầu; khi thì nói không gian: “Trời mây phảng phất”, khi thì nói thời gian: “Màu thời gian không xanh.”, khi thì nói “tình duyên trăm năm”, khi thì nói tinh duyên ngắn ngủi, tới thề nguyền: “Tóc mây một món chiếc dao vàng.”

   Đọc lên thì thấy hay, mà hiểu cho hết thì khó hiểu.

  Tướng Việt Cộng Nguyễn Sơn (2) là một người rất yêu văn nghệ có nói “không hiểu nổi” nhưng “cứ nhơ nhớ, nó thanh thoát, nó lâng lâng, như khi nhìn áng mây trôi, khi ngắm dòng nước chảy… nó lung linh như một khúc nhạc thiều…., nó chập chờn như một bóng Liêu Trai!”

    Thật ra, bài thơ có nguyên ủy của nó, một động lực kín đáo khiến Đoàn Phú Tứ viết nên bài thơ nầy.

   Đoàn Phú Tứ giải bày rằng là có một giai nhân bên Hồ Tây từng học nhạc ở Hà Nội, từng quyến rũ Đoàn Phú Tứ bằng tiếng dương cầm rất hay, nhưng khi ốm nặng, cô gái ấy đã khước từ, dấu mặt, không cho ông vào thăm (như Tần phi “Thà nép mày hoa, thiếp phụ chàng)

  Thiên tài của nhà thơ là đem câu chuyện tình của người ông yêu ngày nay để ví với câu chuyện một cung Tần như đã nói ở trên. Người cung phi trong câu chuyện và cá tính của người yêu ông có những nét giống nhau, không chịu để người mình yêu thấy cái nhan sắc tàn phai của mình, muốn để lại trong lòng người yêu những ấn tượng về vẽ đẹp, về tình yêu, về nhớ nhung. Làm sao nó giữ được nguyên vẹn như thuở ban đầu. Trong viễn tượng đó, nhà thơ còn bày tỏ được sự kín dáo, e lệ, và dịu dàng của giai nhân, bằng những hình ảnh, âm thanh, màu sắc, xưa nay, cũ mới, không gian, thời gian, yêu đương, nhớ nhung và tuyệt vọng trong một tình tự đặc biệt, qua những hình ảnh của cung nhân đẹp đẽ, trong cái lạnh lẽo của cung phòng, v.v… với những danh từ xưa nay lẫn lộn.

 Ví dụ “phụng quân vương” là tiếng cổ, ngày nay nếu chúng ta có nghe tới thì cũng chỉ thấy trong những tuồng cổ (hát bội hay cải lương). Bên cạnh đó “thiếp phụ chàng” là những tiếng của thời đại ông. Tản Đà viết: “Vàng bay mấy lá năm hồ hết, Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng.” Lại cũng qua đó, ta thấy hình ảnh cô Kiều cắt tóc thề bồi cùng Kim Trọng: “Tóc mây một món chiếc dao vàng.”

    Một điều khác, rất đặc sắc và mới lạ của bài thơ của ông là màu sắc. Khi nói tới màu sắc, thường người ta nói tới không gian: Màu trời, màu chiều, màu núi sông, thành quách. Đoàn Phú Tứ có cái nhìn đặc biệt: Ông thấy màu sắc trong thời gian. Đó là màu tím, màu buồn; mà lại tím ngắt, là tím Huế, tím của thành quách cung đền miếu mạo, cũng có thể là màu của cung A Phòng nữa chăng, nên nó lại càng buồn hơn.

 Đọc bài thơ nầy của ông, người đọc cảm thấy buồn, nhưng cái cảm nhận ấy, không phải ở món tóc cắt thề nguyền, không phải vì “cung lạnh”, không phải “tình trăm năm không vẹn”, mà chính ở màu thời gian buồn bã do ông vẽ ra trước mắt người đọc, trong trí tưởng của người đọc. Màu thời gian đó, cộng hưởng với hương thời gian, hai thứ quyện lẫn vào nhau, đan chéo vào nhau và đem lại cho người đọc một nỗi buồn nhẹ nhàng mà sâu lắng vô cùng.

 

  Trong chiến tranh chống Pháp, phần đông những người theo kháng chiến còn ít nhiều bản chát tiểu tư sản, ít người không biết tới bài thơ “Màu Tín Hoa Sim” của Hữu Loan. Mặc dù lúc bấy giờ, chính quyền Việt đã có lệnh cấm và lưu giữ bài thơ nầy, nhưng hầu hết trong ba lô những người nói trên, trong sổ tay họ đều có bài thơ nầy:

 

MÀU TÍM HOA SIM

Hữu Loan

Nàng có ba người anh đi bộ đội 
Những em nàng 
Có em chưa biết nói  
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ 
quốc quân 
xa gia đình 
Yêu nàng như tình yêu em gái 
Ngày hợp hôn 
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ
quân nhân 
đôi giày đinh 
bết bùn đất hành quân  
Nàng cười xinh xinh 
bên anh chồng độc đáo 
Tôi ở đơn vị về 
Cưới nhau xong là đi 
Từ chiến khu xa  
Nhớ về ái ngại  
Lấy chồng thời chiến binh 
Mấy người đi trở lại 
Nhỡ khi mình không về  
thì thương  
người vợ chờ  
bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết 
người trai khói lửa  
Mà chết  
người gái nhỏ hậu phương 
Tôi về  
không gặp nàng 
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối  
Chiếc bình hoa ngày cưới 
thành bình hương  
tàn lạnh vây quanh Tóc nàng xanh xanh 
ngắn chưa đầy búi  
Em ơi giây phút cuối 
không được nghe nhau nói  
không được trông nhau một lần Ngày xưa nàng yêu
hoa sim tím 
áo nàng màu tím hoa sim 
Ngày xưa 
một mình đèn khuya 
bóng nhỏ 
Nàng vá cho chồng tấm áo 
ngày xưa...

Một chiều rừng
mưa 
Ba người anh trên chiến trường đông bắc  
Được tin em gái mất 
trước tin em lấy chồng 
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông  
Đứa em nhỏ lớn lên 
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị 
Khi gió sớm thu về 
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân  
Qua những đồi hoa sim 
Những đồi hoa sim 
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết  
Màu tím hoa sim 
tím chiều hoang biền biệt 
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa 
Áo anh sứt chỉ đường tà  
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu 
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau 
Chiều hoang tím có chiều hoang biết  
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết  
Nhìn áo rách vai 
Tôi hát trong màu hoa 
Áo anh sứt chỉ đường tà 
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...  
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm  
Tím tình ơi lệ ứa  
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành  
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn  
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím  
Tôi vớí vọng về đâu 
Tôi với vọng về đâu  
Áo anh nát chỉ dù lâu...

   Nội dung bài thơ là một câu chuyện thật, diễn tả tâm trạng một người đi bộ đội. Anh ta và người vợ yêu nhau tha thiết, đám cưới đơn sơ vì chiến tranh, vì hoàn cảnh, nhưng rồi họ xa nhau rất sớm. Người chồng lên đường vì nhiệm vụ, người vợ ở lại quê nhà và mất sớm. Thay vì người lính “sợ khi mình không về, thì thương người vợ chờ…” thì lại “chết người em nhỏ hậu phương.”

    Tại sao cô ta ở hậu phương mà chết sớm? Có riêng gì một trường hợp người vợ trẻ của Hữu Loan chết đuối mà trong cuộc chiến tàn bạo xảy ra 30 năm trên dãi đất Việt Nam, có biết bao nhiêu nghịch cảnh. Cuộc chiến nầy là cuộc chiến nhân dân, người ở bên nầy hay bên kia, dù hậu phương cũng dễ chết không kém gì người ở tiền tuyến: Máy bay oanh tạc, pháo kích bừa bãi, bị bắt dân công cực khổ, đói rách bệnh tật, chết chóc, nhất là các dân công trên đường Trường Sơn…

   Nội dung bài thơ là một tâm tình đau đớn của những người đi trong chiến tranh, sống trong chiến tranh và tồn tại trong chiến tranh. Chính những kẻ sống sót và tồn tại trong chiến tranh, chính là những người mang một tâm trạng đau đớn nhất vì những mất mát, chia ly, đói khổ và tù đày.

  Trước năm 1954, những người ở vùng quốc gia ít ai biết bài thơ nầy. Năm 1957, trên tuần báo Mùa Lúa Mới xuất bản ở Huế, Đỗ Tấn giới thiệu bài thơ nầy với độc giả miền Nam vĩ tuyến 17. Thế rồi qua báo chí, bài thơ được phổ biến ở Saigon, nhiều người thích thú, đọc, in lại, chép lại và trao cho nhau. Dũng Chinh là người đầu tiên phổ nhạc bài thơ nầy, dưới tiêu đề “Những Đồi Hoa Sim” và “Con Nhạn Trắng Gò Công” đã truyền thụ những cảm xúc về thân phận người Việt Nam trong chiến tranh bằng giọng hát của cô trên khắp miền Nam và ra tới miền Bắc. Vào Nam, không ít cán bô, bộ đội miền Bắc, tìm nghe cho được tiếng hát Phương Dung qua bản “Những Đồi Hoa Sim” của Dũng Chinh.

  Dũng Chinh tốt nghiệp khóa 26 (hay 27 Thủ Đức?) và hy sinh ở đồi Peatrice ở Phan Thiết chỉ mấy tháng sau khi tốt nghiệp, khi mới 28 tuổi. J. Leiba có câu thơ “Người đẹp thường hay chết yểu, Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai.” Trong trường hợp nầy, thi nhân lại là một nhạc sĩ tài hoa.

 (Phạm Duy cũng có phổ nhạc bài thơ nầy, lời ca của ông sát với bài thơ của Hữu Loan hơn, nhưng không được phổ biến bằng bìa hát của Dũng Chinh).

    Câu chuyện tình tuy đơn giản, nhưng lời thơ thì rất hay, được đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhứt thi ca Việt Nam hiện đại.

    Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu gia đình người vợ của ông: Thời chinh chiến, cả ba người anh trai đều tham gia bộ đội, trong khi đó, người vợ ông còn có những em quá nhỏ (chưa biết nói). Cô cũng vừa mới lớn (tóc nàng xanh xanh, ngắn chưa đầy búi). Đám cưới hai người rất đơn giản: tác giả là người lính Vệ Quốc quân, xa gia đình. Cô gái thì “không đòi may áo cưới” vì biết gia đình người chồng nghèo. Người chồng cũng chỉ có bộ “đồ quân nhân”, và cũng là người độc đáo: trẻ, đang làm nhiệm vụ của người con trai trong cơn khói lửa và biết làm thơ. Anh ta bê bối hay lười biếng độc đáo đến độ đôi giày đinh không lau sạch, còn “bết đất hành quân.”

  Một điều đáng buồn hơn: họ không có tuần trăng mật, “cưới xong là đi” ra chiến trường.

 Bài thơ nầy có nhiều hình ảnh đặc biệt: Màu hoa sim tím buồn bã và cảnh u tối của ngôi mộ trong bóng chiều hôm: “Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối.” Và một hình ảnh khác, không những buồn bã mà còn là nghèo khổ, nghèo đến độ không mua nỗi một bát nhang, dùng cái bình hoa ngày cưới để biểu tượng cho người đã chết, một bình hoa có nhiều tàn hương lạnh chung quanh chưa kịp quét: “Chiếc bình hoa ngày cưới, thành bình hương tàn lạnh vậy quanh”.

 Ý tưởng hay và hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ chính là cảnh “tím cả chiều hoang biền biệt!”

 

“Chiều hành quân  
Qua những đồi hoa sim 
Những đồi hoa sim 
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết  
Màu tím hoa sim 
tím chiều hoang biền biệt!”

 

     Buổi chiều, người lính đi qua những đồi hoa sim, với một nỗi buồn da diết, hết “thương người vợ chờ” thì nay lại “tôi về không gặp nàng, má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối”.

    Có ai từng đi qua những vùng đồi hoang gần chân núi Trường Sơn ở miền Trung nước Việt mới thấy những ngọn đồi thoai thoải chập chùng, kéo dài đến bất tận. Đi trong cảnh trời chiều lặng lẽ ấy, người ta dễ cảm nhận hết nỗi buồn của nguời xa quê. Đó là những ngọn đồi hoang, với rừng cây hoang, phần nhiều là cây sim dại, cây mua dại. Cây mua và cây sim đều có hoa mầu tím như nhau, khác chỉ là trái mua không ăn được.

   Vùng đồi nầy là vùng cây hoang, nên tác giả mới gọi là chiều hoang. Tiếng hoang nầy là danh từ Hán-Việt, có nhiều nghĩa, vừa là cây cối mọc hoang, không ai trồng, không ai chăm sóc, vừa có nghĩa là mênh mông, xa tít mù khơi tới tận chân trời. Cây mọc hoang ở đây là cây sim, đến mùa hoa nở thì màu tím trùm khắp cả ngọn đồi, từ đồi nầy qua đồi khác. Màu hoa sim lan xa mãi, trải dài ra mãi, đi biền biệt tới cuối chân trời. Vì vậy, tác giả nhắc đi nhắc lại những mấy lần câu “những đồi hoa sim”:

Qua những đồi hoa sim 
Những đồi hoa sim 
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết  

 Màu tím là mầu buồn, nhưng không hẵn mầu ấy không nhắc người lính nhớ tới một kỷ niệm, một hình ảnh.

  Những người con gái thường thích mặc áo mầu tím. Mầu tím phản ảnh với nước da trắng làm cho các cô trắng thêm. Hơn thế nữa, nó là mầu của tuổi biết yêu, đã có tình yêu, đã có cá tính riêng hay có một kỹ niệm, một tâm sự.

  Saigòn náo nhiệt, hình như mầu tím chìm đi trong cái náo nhiệt và ồn ào của thủ đô miền Nam, chiếc áo tím chìm đi trong muôn vàn màu sắc rực rỡ. Huế thì trái lại. Cùng với hoàng thành âm u, với dòng sông chảy chầm chậm, ngập ngừng với phố xá không quá đông đúc, chiếc áo tím của các cô gái Huế nổi bật lên, khiến người ta không chú ý không được.

   Hoa tím có nhiều loại: Hoa sim, hoa mua, hoa cà, hoa khoai lang, hoa sầu đông. Hoa sim, hoa cà ít có mùi hương; hoa sầu đông hương thơm ngào ngạt…

  Người miền quê ưa mặc áo tím hoa cà, đậm hơn một chút người ta chọn mầu hoa sim. Các cô gái Huế, không hiểu có phải chịu ảnh hưởng màu tử cấm thành, mầu hoàng thành mà chọn mầu tím đậm, mầu tím than, Nguyễn Bính gọi là “Tím Huế”.

    Trời chiều mầu tím làm cho nhạc sĩ Đan Thọ xúc cảm mà phổ thơ bài Chiều Tím của Đinh Hùng, “Ngàn Thu Áo Tím” của Hoàng Trọng, hoặc câu chuyện một cô gái thích mặc áo tím đi dạo phố mà thành “Ngàn Thu Áo Tím”, của Hoàng Trọng, “Tà Áo Tím” của Hoàng Nguyên hoặc Văn Quang vì yêu “Chân Trời Tím” nên viết cuốn sách cùng tên.

  Đó là “Mầu Kỷ Niệm” của Nguyên Sa được Phạm Đình Chưong phổ thành nhạc. Người học trò viết thư bằng mực tím, nhưng pha mực cho đậm hơn chút nữa cho “vừa mầu nhớ thương!

     Trở lại câu chuyện tình của Hữu Loan. Liệu ông ta có chung thủy với người vợ mới qua đời?

    Nếu quả thật ông giữ lòng nguyên vẹn trước sau, thì tại sao trong cảnh trời mầu tím buồn thảm của một buổi chiều mênh mông, ông ta lại có thể hát một câu ca dao lẵng lơ, nguời ta tưởng như ông đã quên người vợ trẻ quá cố rồi:

 

“Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu,
Áo anh sứt chỉ đã lâu…
Nhờ em tốt bụng em khâu giúp rồi        
Áo anh sứt chỉ đường tà 
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu  
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng  
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho  
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo lại đèo buồng cau
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm  
 
 

 
   Màu Kỷ Niệm

Phạm Đình Chương 
Lời: Thơ: Nguyên Sa

  Nhớ ngày nào tan trường về chung lối  
Mắt thuyền sương, nghiêng nón ngất ngây đời   
Lòng trao lòng cho tình vút lên khơi,  
Cho ngon màu trìu mến ướt lên môi  
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,  
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.  
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương.  
Anh pha mực cho vừa màu luyến thương.  
Ngày hành quân, anh đi về cánh rừng thưa,  
Thấy sắc hoa tươi nên mơ màu áo năm xưa  
Kỷ niệm đâu len lén trở về tâm tư,  
Có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ  
Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau  
Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu  
Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi,  
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời  
Ôi màu hoa, màu thương nhớ.  
 
  Rồi một ngày kia em khoe áo mới xanh hơn mây trời.  
Hai đứa chung vui khi xuân vừa tới thơ ngây cuộc đời.  
Trò chơi trẻ con em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu.  
Chú rể ngân ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu.  
 
Mười mấy năm qua khi hoa vừa hé  
nhụy thì đời trai vui chinh chiến  
Anh xuôi miền xa bao lần đếm bước xuân qua  
Anh ơi, kỷ niệm xưa em còn giữ mãi trong lòng  
 
Em biết không em, xuân lại trở về,  
đường rừng chiều hoang sương xuống.  
Thương sao là thương trong màu tím sắc hoa xưa ...  
Dĩ vãng đâu trôi về nhắc ta ngày xưa.

 

Ngàn Thu Áo Tím   

Nhạc và Lời: Vĩnh Phúc và Hoàng Trọng 
 
Ngày xưa xa xôi, em rất yêu màu tím.  
Ngày xưa vô tư, em sống trong trìu mến.  
Chiều xuống, áo tím thường thướt tha,  
Bước trên đường gấm hoa, ngắm mây chiều thướt tha.  
Từ khi yêu anh, anh bắt xa màu tím.  
Sầu thương cho em, mơ ước chưa kịp đến.  
Trời đã rét mướt, cùng gió mưa,  
Khóc anh chiều tiễn đưa, thế thôi tàn giấc mơ!!!  
 
Ðiệp khúc :  
Anh xa xôi, bóng mưa giăng mờ lối,  
Anh xa xôi, áo bay trong chiều rơi,  
Anh xa xôi, áo ôm tim lẻ loi,  
Tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi.  
Mưa rơi rơi, bóng anh như làn khói,  
Mưa rơi rơi, bóng anh xa ngàn khơi,  
Mưa rơi rơi, có hay chăng lòng tôi,  
Có hay bao giờ bóng người yêu tới !!?  
 
Từ khi xa anh, em vẫn yêu và nhớ,  
Mà sao anh đi, đi mãi không về nữa???  
Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ,  
Ước trong chiều gió mưa, khóc thương hình bóng xưa.  
Ngàn thu mưa rơi, trên áo em màu tím.  
Ngàn thu đau thương, vương áo em màu tím.  
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau,  
Tháng năm còn lướt mau, biết bao giờ thấy nhau?  
Tháng năm còn lướt mau, biết bao giờ thấy nhau?

 

Chiều Tím 
 
 
Lời: Đinh Hùng  
Nhạc: Đan Thọ  
 
Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài  
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian  
Mây bay quan san, có hay?  
 
Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài  
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi  
Lúc chia tay còn nhớ chăng?  
 
Ai nhớ ... mắt xanh năm nào  
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu  
Kề hai mái đầu nhìn mây tím... nhớ nhau...  
 
Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài  
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao  
Nếp chinh bào biếc ánh sao...  
 
Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vỹ cầm  
Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!  
Thương ai hoa rơi lá rơi...  
 
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào  
Tìm trong tiếng đàn... mùi hương chưa phai  
Ý giao hòa người nhớ chăng?  
 
Mây gió... bốn phương giăng hàng  
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng  
Và em với chàng kề vai áo... vấn vương  
 
Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu  
Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao  
Tóc bay dài, gió viễn khơi

 

Tà Áo Tím

Hoàng Nguyên

Một chiều lang thang bên giòng Hương giang  
Tôi gặp một tà áo tím  
Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương  
Màu áo tím ôi luyến thương  
Màu áo tím ôi vấn vương  
 
Rồi về đêm đêm mơ màu áo ấy  
Màu áo tím hôm nào  
Dường quyến luyến trăng sầu  
Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao  
Mơ một tà áo, một tà áo qua đường  
Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương  
Mặc thời gian dìu đôi cánh biếc  
Mặc giòng sông dịu hiền luyến tiếc  
Mà chiều thu buồn như gối chiếc  
Tôi mơ.., màu áo  
Ước mong sao áo màu khép kín tim nhau  
 
Để rồi chiều chiều lê chân bên giòng Hương giang  
Mong tìm lại tà áo ấy  
Màu áo tím nay thấy đâu  
Người áo tím nay thấy đâu  
Giòng nước vẫn trôi cuốn mau  
Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn  
Người áo tím qua cầu  
Tà áo tím phai màu  
Để giòng Hương giang hờ hững cũng nao nao  
 

(1) Trong hội nghị Paris về chiến tranh Việt Nam, thường có buổi họp tay đôi giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, Thọ thường tổ chức ăn nhậu mời Kissinger đến dự. Một hôm, Thọ biếu Kissinger một giò hoa phong lan, nói là của bộ đội Cộng Sản hái trên rừng Trường Sơn và giải thích ý nghĩa “đạt nhân quân tử” của nó làm Kissinger thích lắm, đem về treo ở nhà của mình. Một hôm có khách đến thăm Kissinger, là một giáo sư môn sinh vật, thấy giò phong lan bèn nói cho Kissinger hay rằng đó không phải là hoa phong lan, mà chính là một loại cây tầm gửi. Trò ba que xỏ lá là ngón nghề của Cộng Sản, đông cũng như tây.



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ HoaKỳ .