Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






TÌM VỀ DÂN TỘC





Lời nói đầu

Trong những năm 1965-67, ý thức dân tộc đã được phát triển mãnh liệt tại miền Nam, song song với những biến chuyển lớn của thời cuộc.
    Trong bối cảnh ấy, Hiệp ước văn hóa Pháp Việt mãn hạn và sinh viên học sinh Saigon đã tổ chức một phong trào đòi đóng cửa các “trường Tây” vào cuối năm 1966. Lúc đó, tôi có nhận một chức vụ tại Bộ Giáo Dục và chủ trương chánh thức của Bộ cũng là chấm dứt sự hiện diện của các trường ngoại quốc tai miền Nam.
    Chủ trương nầy được tán thành nhiều và bị chống đối cũng không ít, từ những thế lực không có lợi lộc gì trong việc “đóng cửa trường Tây”.
    Phần lớn những bài tôi viết trong giai đoạn đó, lúc còn làm ở Bộ Giáo Dục cũng như sau khi từ chức, đều nhắm biện hộ trực tiếp hay gián tiếp cho chủ trương nói trên. Đồng thời, tôi cũng muốn tìm xen hai chữ “dân tộc” có ý nghĩa gì đối với riêng tôi, trên bình diện đời sống và trên bình diện tư tưởng.
    Năm 1967, nhà xuất bản Trình Bày đã gom góp các bài ấy, thêm vào một số bài viết từ thời Ngô Đình Diệm, để làm thành cuốn sách nầy.
    Cuốn sách có vẻ hỗn tạp vì nhiều loại văn: hồi ký, diễn thuyết, bút ký, tâm thư. Nhưng nó cũng có tính cách thống nhứt vì chỉ có một chủ đề là dân tộc.
    Thật sự, đối với tôi cũng như với một số anh em khác, những năm dài sống động nói trên là năm “tìm về dân tộc” và cuốn sách nầy là một chứng tích nhỏ nhoi cho sự “tìm về” đó.
    Nay nhà xuất bản LỬA THIÊNG tái bản cuốn sách, tôi viết những dòng nầy để soi sáng thêm nội dung của nó, hy vọng nó sẽ giúp ích phần nào cho những người trẻ tuổi trên con đường tìm lại quê hương.
    Tháng 8-1972
    L.C.T.


PHẦN I
HỒI KÝ CỦA MỘT CỰU HỌC SINH TRƯỜNG TÂY .


I -
TRƯỜNG TA


Ngày nay, mấy chú mấy cô học trò sư phạm, ra trường mà rủi ro cầm đèn lái trong kỳ thi tốt nghiệp, thì có nhiều may mắn lựa chọn những nhiệm sở mang những cái tên “nho nhã” như An Xuyên, An Giang, Kiến Phong, Kiến Tường v.v... và Vĩnh Bình.

Vĩnh Bình là quê tôi, cách Saigon đúng 204 cây số. Muốn đi Vĩnh Bình, phải về miền Tây, qua Bắc Mỹ Thuận, tới Vĩnh Long rồi rẽ xuống bờ biển. Đi Vĩnh Bình như chui vào một cái rọ: tới nữa là lọt xuống biển, sang hai bên thì đụng cửa sông Cửu Long. Có lẽ vì cái vị trí “đường cùng” đó mà ít người dám tới tỉnh tôi và mặc dầu không xa Saigon lắm, nó vẫn bị xem là một nơi khỉ ho cò gáy.

Nhưng ai chê thì chê cớ đối với dân Vĩnh Bình thì tự nhiên là tỉnh Vĩnh Bình đẹp vô song.

Tỉnh tôi có ao bà Om, chùa ông Mẹc, có những con đường rợp mát ngoằn ngoèo chạy qua những “sóc” Miên trầm lặng, những mái chùa nhọn lễu vàng tươi ẩn hiện giữa những rặng sao cao vút, mùa khô gió lộng thổi, hoa sao bay bay rợp trời, hai cánh quạt vù vù như máy bay lên thẳng, những con “thửng” đủ màu lượn trên nền trời xanh trong...

Lúc trước nó có cai tên cục mịch là Trà Vinh. Trà Vinh từ chữ Prabang mà ra. Prabang biến thành Trà Vang, rồi Trà Vang thành Trà Vinh. Đó là bài ngữ nguyên học đầu tiên của tôi ở trường tiểu học, chẳng biết có đúng hay không nhưng dù sao thì chữ Trà Vinh độc đáo và đượm nhiều hương vị địa phương, nó phát xuất từ lòng đất xứ nầy, nó êm êm và nằng nặng như tiếng nhạc ngũ âm của người Miên.

Nước mặn đồng chua, nhưng lòng người chơn thật. Tôi đã sống nơi nầy một thời thơ ấu yên lành và trong sáng. Cho nên bài thơ con cóc đầu tiên mà tôi đã rị mọ đẻ ra là để ca tụng cái tỉnh “hóc bà tó” của tôi.

“Ở tỉnh Trà Vinh, đất Phật vàng
Đường thêu bóng mát, rộng thênh thang
Chiều chiều sương xuống lên đèn đỏ
Rộn rã tưng bừng tiếng guốc vang...”


* * *


Có lẽ vì cái tánh thơ thẩn lang thang mà năm 1940, tôi thi rớt tiểu học.

Chiến tranh bùng nổ bên Châu Âu, mà ở Việt Nam thì chưa có gì cả. Tỉnh tôi vẫn tiếp tục cuộc sống bình thản của hầu hết các tỉnh miền Tây. Nghe nói có quân đội Nhựt Bổn sang và có chuyện lộn xộn gì đó ở ngoài Bắc, nhưng chưa ai được hân hạnh thấy ông Nhựt Bổn mặt mũi ra làm sao. Cũng nghe nói mấy ông “Cộng Sản” rục rịch miệt Vũng Liêm, Cai Lậy nhưng chưa ai rõ “Cộng Sản” là gì. Chế độ thuộc địa có vẻ vững như bàn thạch: Trọn một tỉnh Trà Vinh chỉ có ba ông Tây chánh cống: một ông Chánh, một ông phó và một ông Cò chỉ huy vài chục lính chưa hề biết trận mạc và được võ trang bằng những cây súng mút cơ tông thời Đệ nhứt thế chiến, nôm na là thời “giặc cách to”. Mấy cây súng tiền bối nầy khi giao lại cho Thanh niên Tiền phong năm 45, phải lau chùi lại cả tuần vì một số đã rỉ sét!

Ông Nguyễn Văn Khuê, vừa đậu Cử nhơn Văn chương bên Pháp về, mở ngay một trường Trung học tư thục lấy tên là “Lycéum Nguyễn Văn Khuê” và cho đi quảng cáo khắp miền lục tỉnh. Một số con em gia đình khá giả được gởi lên học trong đó có tác giả bài nầy để khỏi ở lại một năm lớp Nhứt.

Lúc ấy, ở các tỉnh mà “đi học trường trên” là cả một vinh dự và một phiêu lưu: rương tráp quần áo được cụ bị cả tháng trước và buổi tiển đưa diễn hành đúng theo bài tập đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư: “Cơm nước xong, trời vừa tối...” Khác một điều là đi lên xe đò chứ không phải đi xuống thuyền, nhưng vẫn “cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”

Năm 1940, nếu tôi không lầm, Saigon mới có sáu trường trung học tư thục: Taberd, Saint Paul, Lycéum Paul Doumer là của người Pháp; người Việt chỉ có ba trường là Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh và Nguyễn Văn Khuê. Trường Văn Khuê chưa phải là cái buynh đinh đồ sộ của trường Bồ Đề bây giờ, mà chỉ gồm một dãy phố lầu cũ kỹ khác hẵn dãy trường nguy nga được vẽ trong giấy quảng cáo! Từng trên làm phòng ngủ cho học sinh nội trú, từng dưới làm lớp học.

Bên cạnh trường, ngôi nhà bây giờ là tu viện Phan Xi Cô, lúc ấy là nội trú của vài chục cô đầm lai, hình như là con rơi của những ông nhà binh Pháp, tối tối mấy cô đi chơi với bạn trai về, hun hít chùn chụt hoặc cải nhau chí choé. Phía bên trái, đi mút đại lộ Kít-sơ-ne , là chợ cầu ông Lãnh với một đám anh chị danh tiếng cả một thời. Phía sau trường, cách vài trăm thước, lại có con đường Lơ-Pheo, với những dãy nhà chứa điếm công khai, chiều chiều mấy cô ả em cháu Tú Bà, phấn son loè loẹt, nhởn nhơ níu kéo khách hàng, nói cười tíu tít. Một khu xóm “lành mạnh” như vậy mà ông Khuê dám mở trường, kể cũng là gan.

Anh hùng tứ chiếng miền Đông miền Tây, con cháu địa chủ, thương gia. công chức, từ những thằng oắt con 12, 13 tuổi cho tới những “anh lớn” tròm trèm 20, tụ hợp trong 10 căn phố nhỏ (mỗi phòng ngủ chứa 20 giường sắp lớp như cá mòi hộp) , giữa một bối cảnh như đã nói ở trên làm sao cho khỏi sanh giặc!

Hai tháng đầu, còn một chút kỷ luật. Sau đó cho tới cuối nhiên học, là chơi thả cửa: lớn theo điệu lớn, nhỏ theo điệu nhỏ. Oắt con như chúng tôi thì có những cái thú đi tiệm nước uống xịt xủi và phá mấy chú ba Tàu, xuống chợ cầu ông Lãnh ăn lôm chôm, măng cụt, la cà ở Sở Thú và Đại Thế Giới, hoặc nấu chè khuya những đêm trăng, vừa ăn vừa tán dóc. Những cái thú của mấy “anh lớn” thì khác xa, và không tiện kể lại đây.

Chỉ nên nói rằng câu “vô lậu bất thành nhơn” là câu châm ngôn của một số lớn mấy ảnh và ai mà hiền lành không chịu đi chơi thì bị coi như... con gái! Mấy “anh lớn” chơi bời một cây đó bây giờ đã thành những “bậc đàn anh” chững chạc khệnh khạng, cháu ngoại cháu nội cả bầy, nên lâu lâu chắc cũng bắt chước Ông Bà, ngửa mặt lên trời khóc ba tiếng mà than rằng: “Ô hô! Phong hoá suy đồi, thanh niên hư hỏng!” Nhưng nếu so sánh thanh niên bây giờ với thời mà mấy ảnh còn mơn mởn 20 cái xuân xanh, thì chắc gì ai đã hơn ai!

Chơi riết cũng nhàm nên mấy “anh lớn” bày cái chuyện “làm reo” lấy cớ nhà trường cho ăn quá khổ. Ngày đó, vừa nhập bữa cơm trưa, một “anh lớn” đứng lên, quăng chén cơm xuống đất. Thế là 200 học sinh nhứt tề lật đổ các bàn ăn; chén dĩa bể rổn rảng, canh cá văng tứ tung. Tôi lãnh đủ hai dĩa nước mắm và thịt kho, tắm gội hai ngày chưa hết mùi.

Đại khái những cái bê bối (kể ra được) là như vậy. Nhưng bây giờ nhớ lại năm học đó, tôi vẫn giữ một mối cảm tình sâu đậm với trường Nguyễn Văn Khuê. Chắc không phải vì được rong chơi thả cửa, mà đúng hơn, vì đó là một trường hoàn toàn Việt Nam với một sự ấm cúng đặc biệt của quê hương tôi, dầu là một quê hương bê bối, dơ dáy và hỗn loạn. Không bao giờ tôi tìm lại được sự ấm cúng đó trong những ngôi trường tốt đẹp sạch sẽ, ngăn nắp mà tôi được học sau nầy.

Cũng trong niên học ấy, tôi bắt đầu yêu văn chương Việt Nam, mê Tự Lực Văn Đoàn, say thơ Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, bắt đầu làm thơ con cóc và viết những dòng “lưu bút” lâm ly cho mấy thằng bạn quỷ sứ ma gà.

Tôi được may mắn học Việt Văn với cụ Diệp Văn Kỳ - mà chúng tôi gọi là Papa - một nhà báo nổi tiếng thời đó. Papa Kỳ làm biếng không ai bằng, trọn một năm chỉ cho một bài luận mà cuối năm, khi chúng tôi dâng hoa và đọc đít cua từ biệt, có đứa cắc cớ nhắc lại bài luận đó thì Papa cười hề hề mà nói: “Văn của tụi bây ai mà sửa cho nổi”. Nhưng Papa có tài đặc biệt đưa tâm hồn chúng tôi vào không khí một áng văn, một bài thơ. Papa tuỳ hứng mà dạy, không theo một chương trình nào, nên năm đó, chúng tôi được thưởng thức đến cả thơ Lý- Bạch: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai...”. Viết lại những giòng nầy tôi có cản tưởng còn nghe nước sông Hoàng Hà từ lưng trời ào ào đổ xuống theo giọng nói sang sảng của Papa Kỳ. Đó là cái vốn “văn hoá dân tộc” tối thiểu mà sau nầy tôi mới thấy rõ tầm quan trọng.

Cuối năm học, mặc dù tôi đã giựt được mảnh bằng tiểu học một cách oai hùng, mẹ tôi có lẽ muốn noi gương bà Mạnh mẫu, quyết định gởi thằng con hoang đàng vào “Trường mấy ông Thầy Dòng”. Thế là ba tháng hè năm đó, tôi phải bù đầu học tiếng La-tinh để có thể vào lớp Đệ ngũ (Classe de Cinquième) ban cổ điển A, chương trình Pháp chánh cống, trường Taberd. Lần đầu tiên, tôi vào một thế giới Công giáo. Đó cũng là một thế giới Tây.

II -
TRƯỜNG TÂY


Năm 1942, trường Taberd không quá đồ sộ như bây giờ., nhưng vẫn là một trong những trường trung học lớn nhứt Đông Dương và có một kỷ luật nghiêm minh nhứt. Vào “Trường Thầy Dòng” là quì chai đầu gối, tỉnh tôi thiên hạ vẫn đồn như vậy.

Qua cánh cổng vĩ đại, ba dãy lầu cổ kính sưng sững nhìn xuống một sân cỏ trang nghiêm. Những hành lang hun hút chạy dài qua những lớp học quang đãng, không một chút bụi bặm rác rến. Hàng ngàn học sinh đồng phục trắng răm rắp tuân theo cặp mắt, bàn tay của các vị Sư huynh đồng phục đen, hiền từ nhưng nghiêm khắc.

Đối với tôi, đã quen chui lỗ chó đi phá làng phá xóm ở trường Nguyễn Văn Khuê, cái cảnh 300 học sinh nội trú nhứt tề ngủ, nhứt tề đọc kinh, nhứt tề rửa mặt v.v... là một cảm giác mới lạ vừa buồn cười vừa khâm phục, như anh nhà quê được xem lần đầu một cuộc diễu binh, tự hỏi làm sao cả ngàn người có thể “ắc ê” đi đồng nhịp như vậy.

Kỷ luật, trật tự, tổ chức: Đó là sự khám phá đầu tiên của tôi ở trường Taberd. Sau những ngày bực bội, tôi cảm thấy sống ở đây thoải mái, dễ chịu hơn là cai nếp hoang đàng của trường Nguyễn Văn Khuê, Nơi đây tất cả đều hợp lý, sạch sẽ, sáng sủa. Giờ học phải học, giờ chơi được chơi, giờ ngủ phải ngủ. Tôi vào đây để học thì chỉ phải lo có một chuyện là học. Không lo thì các Sư huynh có biện pháp hữu hiệu để bắt buộc phải lo.

Không còn những cảnh vừa tắm vừa phải lấy gáo dội những con dòi trong cầu tiêu lúc nhúc bò ra tấn công; hoặc đang ngồi “etude” buổi tối lại có vài thằng quỉ sứ trần truồng như nhộng, sà bông đầy mình chơi cút bắt hò hét chạy ngang qua lớp; hoặc lối một hai giờ khuya, mọi người đang ngủ, một anh lớn đi chơi về, phựt đèn sáng trưng, vừa thay đồ vừa chưởi thề rang rảng, rồi bắt mọi người thức dậy, để nghe câu chuyện “mần ăn” của ảnh đêm đó! Nhưng ngược lại, cũng không còn những cảnh năm ba thằng con nít thương nhau tha thiết, chiều chiều xuống bếp xin miếng cơm cháy thoa mỡ hàng vừa ăn vừa “tâm sự”, hoặc trưa trưa mua năm xu hột xoay đi la cà trong sở thú, vừa chọc khỉ vừa “tâm sự” hoặc tối tối trải chiếu ngoài terace, nằm gát chân lên nhau vừa ngắm trăng vừa “tâm sự”, tâm sự đến cuối năm chưa hết! Được cái nầy mất cái kia. Được cái trật tự, mất cái ấm cúng. Cho nên vấn đề là làm sao có được cả hai.

Cái khám phá thứ hai của tôi là đạo giáo. Gia đình tôi cũng như một số gia đình Việt Nam thời đó, không có đạo nào rõ rệt. Ông tôi lúc về già có theo đạo Tin lành, nhưng vì không đồng ý với ông Mục sư nên không chịu rửa tội mà chỉ “thơ chúa trong tinh thần và sự thật” như đã bảo tong Tân ước. Những kỷ niệm xa nhứt của tôi về đạo giáo là tờ “Thánh kinh báo” (một tờ nguyệt san Tin lành rất buồn ngủ và nhức đầu) mà bà tôi thường bắt tôi đọc cho bà nghe những buổi trưa hè và một bài hát Nô-en của người Tin lành mà ông tôi đã dạy những lần tôi đấm lưng cho ông:

Trời thanh sao sáng
Người lặng nghiêm trang
Bổng đâu mục đồng
Chợt thấy hào quang
Alleeluia, hát lên mừng thay
Jesus con Chúa xuống thế ngày nay!

Tôi có một bà dì vô đạo Thiên chúa vì phải “theo đạo chồng” và một lần tôi có xem những “chặng đàng thánh giá” của Chúa Giêsu trong cuốn sách lễ của dì. Tôi nhớ đã cảm thấy tội nghiệp cái ông Giêsu và oán ghét tụi “quân dữ”. Rồi không để ý tới nữa.

Nói chung là cho đến khi “học trường trên” tôi chẳng có một kinh nghiệm tôn giáo nào. Người Công giáo đầu tiên tôi quen là một “anh lớn” ở trường Nguyễn Văn Khuê tên là Simon L. Trong khắp nội trú chỉ biết có mình anh là Công giáo, vì lúc nào anh cũng đeo lủng lẳng tượng ảnh Đức Bà trước ngực. Simon cao lớn dềnh dàng, nói tiếng Tây rất giỏi (vì ở trường Tây chánh cống trôi qua bên nầy), nói tiếng An nam với một giọng rất Tây, tính nết lại hiền lành, thường can gián những vụ cãi lộn đấm đá những lúc các tiểu anh hùng ngứa ngáy tay chân, nên được cảm tình của mọi người. Nhưng có một cái gì ngăn cách anh với chúng tôi, khiến cho chúng tôi không thể xem anh hoàn toàn “như chúng tôi” được. Ngay cái tượng ảnh của anh đã là một ngăn cách: con trai mà đeo “giây chuyền vàng” chúng tôi thấy kỳ kỳ thế nào! Tại trường Nguyễn Văn Khuê không ai bàn đến tôn giáo. Chỉ có một lần, nghe một “anh lớn” cãi nhau với anh Simon về đạo Thiên Chúa, mà anh kia cho là một “entreprise commerciale”, anh Simon giận đỏ mặt rồi quày quả bỏ đi.

Đạo Thiên Chúa là cả một sự bí mật đối với chúng tôi mà lâu lâu có nhắc tới, chúng tôi tìm cách giải thích bằng những chuyện quái đản (như anh lớn vừa nói), có những chuyện bây giờ nhớ lại còn tức cười hoặc ớn xương sống. Nhưng đó chỉ là tán dóc mà chơi chớ sự bí mật của đạo Thiên Chúa không khêu gợi trí tò mò của chúng tôi. Chúng tôi xem nó như không thuộc về thế giới của chúng tôi , như một cái gì hoàn toàn xa lạ, không phải riêng đạo Thiên Chúa mà tất cả các đạo giáo nói chung. Đạo Thiên Chúa chỉ xa lạ hơn hết vì bị chúng tôi cho là đạo của Tây, Nhưng các đạo khác cũng không thân mật gì với chúng tôi, kể cả Phật giáo. Thế hệ chúng tôi quả là một thế hệ “vô đạo” và do đó, phải nói rằng cái “cảm thức tôn giáo” (sentiment religieux) đưa đến sự lo âu tìm tòi về cái ý nghĩa sau cùng của cuộc đời, không phải là cái gì tự nhiên mà phải tạo nên do môi trường giáo dục.

Bây giờ, vào trường Taberd là vào thế giới của đạo giáo. Đạo giáo bao trùm đời sống và việc học. Kinh kệ khởi đầu và kết thúc mọi hoạt động. Mỗi buổi sáng nửa giờ đầu luôn luôn dành cho giáo lý.

Phương pháp là học và trả bài thuộc lòng. Ông thầy chỉ một chú học trò và gõ thước cái cốp, chú nầy đứng dậy trả lời câu thứ nhứt: “Hỏi: Đức Chúa Trời là gì? - Thưa: Đức chúa Trời là đấng tạo nên trời đất muôn vật...” (bằng tiếng Tây). Thước lại gõ cái cốp và chú học sinh thứ hai đứng dậy... cho đến khi hết bài. Tôi là thằng làm biếng tổ, sáng nào cũng co rúm người, cố làm cho mình nhỏ lại như hột cát để thoát khỏi cái nhìn của Sư huynh.

Nhưng cái cực hình kinh khủng nhứt đời tôi là đầu lớp học buổi trưa, học sinh phải lần nguyên một chuỗi tràng hạt. Trời nóng như thiêu, giọng kinh trầm trầm kéo dài như không bao giờ dứt, đứng yên một chỗ không cục cựa, tôi cảm thấy tứ chi ngứa ngáy rần rần như có trăm ngàn con kiến đang bò lên.

Nhưng riết rồi cũng quen và một khi đã thuộc kinh, tôi cũng ê a hằng giờ với mấy đứa kia không còn bực bội nữa: Tiên học lễ, hậu học văn là vậy.

Qua buổi sơ giao tôi bắt đầu choá mắt bởi cái huy hoàng tôn nghiêm của lễ nghi Công giáo. Những buổi đại lễ, đèn đuốc sáng choang, hương trầm nghi ngút, những bản thánh ca vang lên trầm buồn hoặc phấn khởi theo tiếng đàn Harmonium, các vị chủ tế, phụ tế và đàn trẻ “giúp lễ”, áo mão rỡ ràng, tiến kui đồng nhịp...

Cái hay của lễ nghi Công giáo là nó vừa thoả mãn lý trí; nó phù hợp với tâm tình người Việt Nam, vốn giàu tình cảm, hơn lễ nghi Tin lành. Tôi nhớ lúc nhỏ có đi theo bà tôi vài lần đến “Nhà nguyện” Tin lành ngày chúa nhựt. Những buổi lẽ đó không gây cho tôi một xúc động nào cả.

Dần dần, từ cái vỏ bề ngoài, tôi khám phá được cái bề trong, khám phá được Đức Kito, và đó là món quà quí báu nhứt mà tôi thọ lãnh ở trường Taberd. Nhờ món quà nầy, con người của tôi mới bớt đi phần nào cái sự bê bối... Bao nhiêu đó đủ cho tôi nhớ ơn muôn đời các vị Sư huynh.

Nhưng phải nói thêm rằng những giờ “giáo lý” vơi những cái nhịp cốp cốp rùng rợn của cây thước, hầu như không có một tác dụng nào trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, mà đúng hơn là gương mặt trong sáng an hoà của một vài Sư huynh khả kính...

Khám phá thứ ba của tôi là thế giới của người Tây. Ở tỉnh tôi chỉ có ba ông Tây. Trong ba ông nầy có “ông Cò” là gặp thường nhứt vì sáng nào ông cũng xách cây roi gân bò đi rảo chợ, mặt mày đỏ hoét, râu ria xồm xoàm, thấy mà phát ớn. Còn hai ông kia thì rút trong những dinh thự đồ sộ, họ cao xa như trăng sao, mơ hồ như huyền thoại, bí mật như vua chúa.

Bây giờ được sống với mấy thằng Tây con, được học với mấy ông thầy Tây (hầu hết các Sư huynh lúc đó là người Pháp), làm sao mà không hãnh diện!

Tôi thân ngay với thằng nhóc cùng tuổi tên là Michel. Một tháng sau, tôi nói tiếng Tây chẳng thua gì nó và chưởi thì giỏi hơn nhiều. Hai đứa thân nhau cho đến nỗi vào cuối niên học, ba nó đổi lên Đàlạt, nó từ biệt tôi mà khóc như mưa như gió.

Sau nầy gặp lại nó đang học luật bên Pháp, hai đứa chẳng còn gì để nói: giữa chúng tôi có cuộc chiến tranh Việt-Pháp mà thằng Michel, vì là dân thuộc địa không thể nào hiểu được. Tình bạn xưa cũ nhắc lại cho chúng tôi cái thời người Pháp còn làm mua là gió ở xứ nầy; Michel thích cáo thời đó, tôi thì không. Chúng tôi ngượng nghịu từ giã nhau, hẹn gặp lần nữa để khong bao giờ gặp nhau lại...

Người Tây không còn xa lạ đối với tôi. Michel gắn liền với ông Chánh, ông Phó, ông Cò tỉnh Trà Vinh. Tôi tập tểnh bước vào “giai cấp thống trị”!

Bãi trường No-En, về nhà, tôi đi xem lễ tại nhà thờ tỉnh, mặc dầu chưa “vô đạo” (thời đó nói “vô đạo” - “đi đạo” theo tiếng Bắc - có nghĩa mặc nhiên là vô đạo Thiên Chúa, như thể không theo đạo Thiên Chúa thì không có đạo gì cả). Nhà thờ nhỏ, xinh xinh, không khác gì mấy cái nhà thờ bên Pháp mà sau nầy tôi có dịp đi lễ. Ở giữa, hai hàng ghế quỳ cá nhân có nệm, dành cho bổn đạo “hạng sang”. Hai bên là những chiếc băng cây dành cho bổn đạo “bình dân”. Nói “dành cho” là không đúng lắm vì không có chỉ thị nào cấm những người bình dân chiếm hai hàng ghế giữa. Nhưng suốt mấy năm đi lễ ở đó, chưa bao giờ tôi thấy “xóm nhà lá” dám tràn qua “xóm nhà ngói”.

mút phía trước hai hàng ghế giữa là những chỗ dành cho các ông quan Tây với những chiếc ghế bành to tướng. Lúc ấy, ông Chánh là người mộ đạo nên các quan lớn đều đi lễ với quí vị phu nhân và các cậu Tây Đầm con cũng “về quê” như tôi, trong dịp Nô-en.

Tôi quỳ ở hàng ghế giữa ngoài sau, với các gia đình “danh giá”. Nhìn mấy chú Tây con, tôi nhớ tới thằng Michel và cảm thấy gần chúng nó hơn là mấy thằng con nít An Nam đang chen chút trên những chiếc băng cây bên cạnh.

Không bao giờ tôi quên được cảm giác nầy; cái cảm giác khoan khoái dễ chịu được thuộc vào một lớp người sang cả, thơm tho, đẹp đẽ, được quì trên một chiếc ghế riêng, êm ái, tách rời khỏi cái đám đông hôi hám lúc nhúc chung quanh.

Đi từ Nguyễn Văn Khuê qua Taberd cũng là rời bỏ đám đông để nhập vào nhóm người sang cả.

Cái cảm giác tách rời rõ rệt nhứt trong một buổi lễ “thanh niên” được tổ chức cho các trường trung học Saigon. Lúc ấy, đô đốc Đờ Cu còn ngự trị phây phây trên toàn cõi Đông Dương mặc dầu quân đội Nhựt hoàng đã chiếm đóng xứ nầy với cái danh nghĩa là giải phóng các dân tộc Đông Nam Á. Một tiểu tướng có tài, ông đại tá Du-Cu-Roi, phát động một phong trào thanh niên thể thao rầm rộ để ru ngủ người Việt Nam. Những trận tranh hùng (đá banh, xe đạp, điền kinh v.v... giữa năm xứ Miên, Lèo, Nam, Trung, Bắc vừa có tác dụng gây chia rẽ vừa tạo cái huyền thoại có một “nước” Đông Dương trên đó, người Pháp - và những kẻ theo Pháp - đương nhiên nắm vai trò lãnh đạo.

Ngày lễ Thánh Jeanne D' Arc được cử hành cực kỳ trọng thể với sự tham dự của tất cả học sinh đồng hát những bài “ái quốc” theo kiểu nầy:

Giờ phút nầy, tất cả nước Pháp
Đứng dậy, với những đứa con yêu
(trong đó chúng tôi dân Anamít
Để chào mừng ngọn cờ oanh liệt
Của người trinh nữ Orléans...”

Sáng nào chúng tôi cũng on-đơ đi hàng tư và hát:

“Thưa Thống chế (Pétain) có chúng con đây
“Trước mặt Ngài vị cứu tinh của Pháp quốc!”

Ngày đó, một cuộc biểu diễn thể thao được tổ chức tại sân “Cercle sportif” bây giờ là sân Tao Đàn. Tôi đi trong hàng ngũ trắng muốt chỉnh tề của trường Taberd, cạnh thằng Michel. Trước cửa sân Cercle đụng đầu với đạo quân Nguyễn Văn Khuê: trông tụi nó lôi thôi lếch thếch thiểu não làm sao. Mấy thằng bạn cũ thấy tôi mừng quýnh kêu la inh ỏi. Thằng Michel thúc cùi chỏ vào hông tôi hỏi nhỏ: “Bạn cũ của mầy phải không?” Tôi cảm thấy khó chịu và xấu hỗ về những thằng bạn nầy, như ông nhà giàu khi phải giới thiệu một người bà con rách rưới cho ông khách sang trọng. Và tôi không trả lời thằng Michel, chỉ nhún vai một cái - như Tây.

Cũng trong năm đó, tôi bắt đầu mê văn chương Pháp, như tôi đã mê văn chương Việt Nam. Từ những cuốn sách hồng của bà Comtesse de Ségur cho đến những bài thơ của Lamartine, Musset, Baudelaire, đụng cái gì đọc ngấu cái đó. Các Sư huynh chăm sóc học sinh rất kỹ lưỡng nhưng không thể coi chừng học sinh tới trong... cầu tiêu! Và cầu tiêu là chỗ đọc sách thú vị nhứt, đặc biệt là những sách “cấm”. Thằng Michel ở ngoại trú, chuyên môn tiếp tế cho tôi những cuốn sách loại nầy, ăn cắp trong tủ sách ba nó. Vì mãi mê đọc sách mà nó với tôi cầm đèn lái liên miên. Cầm đèn lái (học hạng bét) ở Taberd là cả một tủi nhục: đầu tuần Sư huynh giám học vào lớp, mang theo hai chồng học bạ và kêu từng đứa, những đứa đứng đầu sổ lên lảnh học bạ trước và đứng ở đầu lớp, gần ánh sáng mặt trời; những đứa cầm đèn lái cũng phải lên lảnh học bạ rồi xuống đứng ở cuối lớp, nơi tối tăm mù mịt “có những tiếng khóc và tiếng nghiến răng” (Thánh Kinh). Thật là một cực hình. Nhưng bù lại, có cái thú đọc sách Tây. Năm đó, tôi chưa có can đảm hy sinh cái thú nầy vì nó đưa tôi vào một thế giới xa lạ vô cùng hấp dẫn.

Càng đi sâu vào thế giới Tây, tôi càng bực bội cái thế giới An Nam mà tôi bắt buộc phải tham dự, càng nhìn thấy những cái xấu xí quê ba cục của dân da vàng mũi xệp mà tôi cảm thấy liên đới vì cũng mũi xệp da vàng. Bãi trường về nhà tôi ưa cãi nhau với người bà con lớn tuổi - nhưng “nhà quê” - không coi ai có ký lô nào cả.

Ông bà tôi có cái lệ mời những người tá điền ở lại ăn cơm khi gặp bữa, những lần họ đến thăm. Lúc trước, tôi không để ý gì, nhưng bây giờ cảm thấy khó chịu khi phải ăn chung với những nông phu chất phát hiền lành đó. Những cử chỉ đặc biệt “nhà quê” như uống rượu khề khà, húp canh xột xoẹt, xỉa răng xong lại súc miệng rột rẹt v.v...làm tôi nổi gai nổi góc cùng mình.

Những sự phân biệt tế nhị của trường Taberd tăng gia cảm giác bực bội đó. Thời ấy, trường có hai ban: ban Trung học Pháp chánh cống và ban “Cao Đẳng Tiểu học Đông Dương”. Dân Trung học Tây chiếm giải lầu chánh phía trước, dân Cao Đẳng Đông Dương ở ngoài sau, trong một toà nhà rất xưa, có lẽ toà nhà được xây cất đầu tiên, phía đường Gia Long bây giờ. Một bức tường nhỏ phân chia hai thế giới, có một cánh cửa thông qua, nhưng chỉ có các Sư huynh và những người giúp việc đi lại, còn học sinh thì ai ở nhà nấy nên không bao giờ gặp nhau. Lâu lâu chúng tôi mới thấy các anh “Đông Dương” ở xa xa - mấy anh thường mặc áo bà ba trắng, ngày lễ thì mặc áo dài - xem cù lần không chịu nỗi!

Bên tụi “Tây” thì không có phân biệt gì, trừ cái việc ăn uống: có tụi ăn cơm Tây và có tụi ăn cơm An Nam. Hầu hết học sinh Việt Nam đều ăn cơm ta nghĩa là ngày ba bữa: cơm, cơm và cơm. Tụi ăn cơm Tây chắc cũng không sang gì hơn, nhưng tụi nó có vẻ sướng hơn. Thú thiệt, sáng sáng thấy tụi nó uống cà phê sữa mà thèm. Mỗi bữa chiều, trước giờ chơi, lại có ông bồi già, khệ nệ mang vào lớp một giỏ bánh mì và chuối sứ. Đó là buổi “gouter” cho học sinh ăn cơm Tây. Khoảng đầu tháng, học sinh ít để ý đến giỏ bánh mì nầy, vì đứa nào cũng có tiền và ngoài quán chú Xồi bán bánh ngon hơn. Nhưng khoảng cuối tháng, khi cái bóp lép xẹp thì giỏ bánh mì chuối sứ có vẻ hấp dẫn lạ lùng! Nhưng đó là của riêng dành cho tụi ăn cơm Tây, dân ăm cơm Anamít không được mó vô. Thật là cái thế giới Tây nó tôn ti trật tự lắm vậy! trong thế giới Tây nhưng lại không được thành Tây thật sự, vừa cảm thấy mình “hơn” những người Việt Nam khác vì được gần Tây, nhưng cảm thấy mình vẫn “thua” Tây ở một điểm nào đó, cái tâm trạng người An Nam sống trong một thế giới Tây thật là rắc rối. Nói cho đúng, chúng tôi không có “thua” mà trái lại hơn tụi nó ở nhiều điểm, đặc biệt là trong việc học hành. Suốt mấy năm Trung học, không có thằng Tây con nào được đứng đầu lớp. Có một lần, tôi nghe hai Sư huynh người Pháp nói chuện với nhau về cái hiện tượng học sinh Tây thua học sinh An-Nam, và một ông đổ thừa cho cái khí hậu nực nội của xứ nầy. Chúng tôi không thua nhưng vẫn cảm thấy thua vì ở trong thế giới Tây là bắt buộc ước muốn những gì mình không thể có: làm sao có được cái mũi lõ tóc quăn như Tây, làm sao được coi như người Tây chính cống trong một chế độ thuộc địa, ngay cả những người đã được “vô dân Tây”, nghĩa là thành Tây thật sự trên phương diện pháp lý! Để bù trừ cái mặc cảm tự ty, chúng tôi trở lại khinh dể tụi Tây con, cho tụi nó là ngu si, ngờ nghệch, dạy tụi nó những chữ An-Nam tục tĩu rồi phá lên cười những lần chúng nó lập lại một cách ngô nghê những chữ đó.

Có lẽ vì những tình cảm mâu thuẫn nầy mà bây giờ, nhớ lại những năm học trường Taberd, tôi không có được nỗi luyến tiếc đậm đà như đối với trường Nguyễn Văn Khuê. Nơi đây, không có những phân chia tế nhị mà chỉ có rặc ròng một hạng học sinh An-nam, cùng chung một số phận và một nếp sống, chúng tôi sống trong cái thế giới An-Nam đó như cá trong nước, không tự tôn mà cũng chẳng tự ty; chúng tôi là chúng tôi, thế thôi.

* * *

Sang năm 1943, cụ Jacques Lê Văn Đức giới thiệu cho gia đình tôi trường Providence (bây giờ là Thiên Hựu) ở Huế và mẹ tôi, noi gương bà Mạnh mẫu một lần nữa, gởi tôi ra chốn Thần kinh, thọ giáo với các linh mục của Hội Thừa Sai Paris.

Lúc ấy đường ra Huế còn xa diệu vợi: đi xe lửa phải mất hai đêm và một ngày. Những người Nam, Trung, Bắc không mấy thuở mà được gặp nhau. Hồi ở Taberd, tôi nhớ chỉ có một anh học sinh duy nhứt người Bắc, cha mẹ vào làm ăn ở trong Nam, và ra học trường Providence năm ấy, chỉ vỏn vẹn có 9 thằng Nam kỳ.

Nói đến xứ Trung kỳ, nghe xa lạ làm sao. Mà thật cái gì ở đây cũng lạ, từ giọng nói đến y phục: ai cũng bận áo dài, và chữ nào cũng bỏ dấu nặng! Lạ nhứt là cái lá cờ vàng sọc đỏ.

Từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ biết có cờ tam sắc. Lật cuốn tự điển Larousse, ở chữ “pavillon”, thấy cờ các nước khác nhưng không có cờ xứ An-Nam. Bây giờ ra Huế, mới hay rằng xứ An-Nam còn một lá cờ!

Nhưng lá cờ vàng phất phơ trên cửa Ngọ Môn, bức thành hùng vĩ soi bóng bên giòng sông xanh biếc, không gây cho tôi một sự hãnh diện nào mà trái lại: Tất cả những vật đó có vẻ mốc meo , mục nát, lỗi thời, không một chút gì liên hệ với tôi.

Tôi còn nhớ rõ buổi lễ chào cờ trọng thể đầu niên học tại trường Providence. Toà Khâm xứ và Chánh phủ Nam triều đề cử đại đến đến tham dự. Bên người Pháp là hai ông sĩ quan trẻ, hùng dũng trong bộ quân phục trắng tinh. Bên người Việt có hai cụ xồn xồn bụng phệ, khăn đóng áo rộng thùng thình, lẹp xẹp đôi giày hàm ếch, lại còn phe phẩy cái quạt đồi mồi ngay trong lúc thượng cờ, Chúa ơi trông mơi chán đời làm sao!

Cũng trong buổi lễ đó, tôi được nghe lần đầu bản Quốc thiều An-Nam:

Bên núi sông hùng vĩ trời Nam
Đã bao đời vết anh hùng chưa hề tan.

Đó là một bản nhạc hay, đượm nhiều “dân tộc tánh”, trang nhiêm như làn khói lư trầm, trịnh trọng như người dân xứ Huế. Nhưng nó buồn quá đỗi, với cái nốt “sol” đầu kéo dài lê thê như một lời than. Nghe bản nhạc Mạc xây-de trổi lên sau bản Quốc thiều An-Nam, tôi có cảm tưởng nghe một ngọn thác đang ầm ầm đổ xuống giòng sông Hương trầm lặng! Xứ An-Nam thời ấy như cô gái Huế xanh xao, ẻo lả tựa vào đức lang quân Đại Pháp mày râu sậm rạp. Tôi là con trai mới lớn, làm sao không khỏi cảm thấy gần cái hùng hổ của gã đàn ông hơn là cái yếu mềm của cô thiếu nữ.

Lễ No-en năm 1944, Hoàng tử Bảo Long, lúc ấy còn nhỏ lắm, đến chỉ toạ đêm liên hoan của học sinh Providence. Đúng giờ, ông Khâm Sứ Pháp “dắt” Hoàng tử vào trường. Hoàng tử đẹp trai trong chiếc áo vàng, khăn vàng sáng chói, tuy còn nhỏ xíu nhưng đã nghiêm trang chững chạc, suốt buổi liên hoan ngồi yên trên chiếc ngai nhỏ, không thấy cười bao giờ. Tôi cảm thấy một thứ thán phục và âu yếm đối với chú bé nầy, như là một món đồ xưa nhỏ nhắn, xinh xinh của ông bà để lại - thật là quí giá, nhưng không biết dùng để làm gì!

Ra Huế, tôi lại càng tách xa cái thế giới An-Nam, càng thấy mình là Tây. Năm đó, có tổ chức một Đại hội Hướng Đạo sinh Huế. Chúng tôi lá “Hướng Đạo sinh Pháp” (Scouts de France), hô khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, hát những bài hát Pháp, và không ngờ rằng vẫn một thứ Hướng Đạo khác là Hướng Đạo “Đông Dương” (Scouts Indochinois) hô khẩu hiệu bằng tiền An-Nam, hát những bài An-Nam. Ngày nhập trại, được nghe lần đầu tiên những khẩu hiệu An-Nam, chúng tôi ngơ ngác và tức cười nôn ruột. Giống như người dân Parisien của Montesquieux, chúng tôi tự hỏi: “Comment peut-on être Annamite?”

Trường Providence tân tiến hơn trường Taberd và có một nền giáo dục hoàn bị, cởi mở hơn: trí, đức, thể dục được chăm sóc đồng đều, kỷ luật mềm dẻo, phóng khoáng, các cha gần gũi thân mật với học sinh hơn các Sư huynh; những hội đoàn thanh niên: Hướng đạo, Thanh Sinh công, v.v... hoạt động hăng say: xứ Huế, với núi đồi bát ngát, lăng tẩm u tịch, là nơi lý tưởng để cắm trại. Tôi đã sống ở đây những năm học trong sáng và phong phú nhứt.

Nơi đây, tôi đã hấp thụ những kiến thức vững chắc để có thể hiểu biết và thưởng thức nền văn hoá Tây phương là một nền văn hoá quân bình, nhân bản và sâu sắc. Tôi đã thấm nhuần nền đạo lý Ki-Tô giáo để cảm thấy vài đòi hỏi (ít ra cũng như thế!) hướng cuộc đời mình về một cái gì tốt.

Nền giáo dục nầy hội nhiều điều kiện cho tôi “thành người”. Chỉ tiếc một điều là “con người” đào tạo nơi đây không phải là con người Việt Nam!

Quê hương hoàn toàn vắng bóng ngay giữa lòng quê hương. Bốn thế kỷ trước, ông bà chúng tôi đã từ những đồi núi nầy, lấy đà tiến lần vào Nam. Và cũng từ những đồi núi nầy, đoàn quân Nam đã đổ ngược về nguồn cội đất Bắc, thống nhứt sơn hà sau ba trăm năm phân cách. Nhưng không ai đã nhắc lại cho chúng tôi những điều ấy.

Thành quách, cung điện, lăng tẩm còn đó, như không ai chỉ cho chúng tôi thấy vết chân của người xưa.

Lúc ấy, - cũng như bây giờ - để lấy lòng người An-Nam, Chánh phủ bảo hộ có dành vài giờ cho văn chương Việt- Nam trong chương trình Trung học Pháp. Không biết những lớp kia thế nào, chớ tại lớp tôi, niên học 1943-44, trọn năm chúng tôi phải nhai đi nhai lại cuốn “lục súc tranh công” với một ông giáo sư cà lăm nói tiếng Việt chưa rành... Làm sao “Lục súc tranh công” có thể đương đầu vối Le Cid hoặc Horace? Đã xa lắm rồi, những giờ Việt Văn của Papa Kỳ ở trường Nguyễn Văn Khuê.

Năm 1944, lịch sử chuyển mình bước sang giai đoạn mới, sinh viên Hà Nội bắt đầu sáng tác những bản hùng ca, nhưng trong cái tháp ngà văn hoá thuần tuý của trường Providence, chúng tôi vẫn cặm cụi phiên dịch Cicéron, Tacite, sao cho thật đúng nghĩa, cạo gọt những câu Pháp văn sao cho nghe đúng điệu, phân tách một vở kịch của Corneille, Racine sao cho ý nhị thâm trầm... như thể đó là những điều quan trọng nhứt của cuộc đời, như thể nhân loại vẫn đứng nguyên một chỗ từ thời Homère, Virgile như thể người Pháp sẽ mãi mãi làm cha trên đất nước nầy.

Trong những trường hợp tốt nhứt của nền giáo dục ấy, chúng tôi có thể trở thành những “con người” tốt, nhưng đó là con người của muôn nơi muôn thuở, con người “nói chung”, không một chỗ đứng nào trên đất mẹ. Và, như Hegel đã viết, “con người nói chung” không có! Chỉ có tôi, có anh sống giữa dân tộc nầy, trong giai đoạn lịch sử nầy. Và có dân tộc, có lịch sử mới có anh, có tôi.

Trong mấy năm trường, chúng tôi đã sống bên ngoài dân tộc, bên lề lịch sử. Cho nên, đêm mùng 9 tháng 3 năm 1945, khi tiếng súng của quân đội Nhựt đì đoàng báo hiệu sự cáo chung của nền đô hộ Pháp, chúng tôi chẳng hiểu mô tê gì, chỉ biết xót thương một anh học sinh Pháp của nhà trường đã bị bắn chết đêm ấy.

Vài ngày sau, học sinh các trường Khải Định, Đồng Khánh biểu tình mừng độc lập. Việt Nam độc lập! “Việt Nam” đã lạ tai rồi, “độc lập” nghe còn quái đản hơn. Thiệt tình, lúc ấy chúng tôi không có một ý niệm nào về chủ quyền quốc gia, kể cả những anh lớn sắp sửa thi Tú tài.

Ngày biểu tình, chúng tôi tò mò đi xem toán năm, toán bảy, nhìn thiên hạ vác biểu ngữ reo hò Việt Nam, Việt Nam mà chẳng thấy vui mừng chi, chỉ nghe bực bội ấm ức và cảm thấy mình bơ vơ lạc loài giữa đám đông. Tôi còn nhớ trong bọn một đứa nói lớn: “Độc lập cái cóc gì?” Câu hỏi xấc xược ngô nghê nầy diễn đạt tâm trạng chung của chúng tôi lúc ấy. Quả tình chúng tôi không hiểu...

Nhưng 20 năm sau, câu nói trên vẫn còn sáng rực trong tâm trí tôi như một hàng chữ lửa cũng như cái cảm giác cô đơn giá lạnh mà tôi cảm thấy giữa quần chúng, giữa đồng bào ruột thịt của tôi một ngày vui chung của dân tộc.

....... CÒN TIẾP .

Chân thành cảm tạ nhà biên khảo Tuệ Chương Hoàng Long Hải đã đánh máy lại toàn bộ tác phẩm này và uỷ thác cho VVM NVA phổ biến
. Cập nhật ngày 15.03.2021 . . Trích đăng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn vietvanmoi.fr