Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CHIẾN THẮNG VÂN ĐỒN

VẪN LÀ Ở... VÂN ĐỒN !




Đ ặt ra điều này có vẻ hơi ... kì cục. Nhưng tiếc thay nó lại là một vấn đề lớn, không ... kì cục một chút nào. Hơn thế nữa nó lại là một vấn đề khoa học rất nghiêm túc và đã đến lúc hi vọng có thể lí giải được rõ ràng rồi.

Trong trận đánh có ý nghĩa chiến lược của Trần Khánh Dư, nhấn chìm đoàn thuyền chở 70 vạn thạch lương của Trương Văn Hổ đầu năm 1288, tạo đà thắng cho trận Bạch Đằng, Đại Việt sử kí toàn thư ( ĐVSKTT) tập 2, của ta, chỉ ghi là tại Vân Đồn“chiến thắng Vân Đồn” ( không ghi kèm một địa danh nào) “ bắt được quân lương, khí giới của giặc nhiều không kể xiết”. Trong khi đó, Nguyên sử, quyển 209, ghi là tại “ Đồn Sơn – Lục Thủy Dương” ( Đồn Sơn - biển Lục Thủy)“thuyền mất 11 chiếc, lương chìm 14.300 thạch, lính chết 220 người”. Số thống kê này của Nguyên sử chắc chắn là thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Và Tân Nguyên sử , quyển 182, lại ghi, Trương Văn Hổ “nhận chức Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ,đeo hổ phù, chở lương đến Tùng Bách loan ( vịnh Tùng Bách) ”...Và An Nam chí lược, quyển 4, lại ghi: “ Trương Văn Hổ gặp địch ở cửa An Bang, lương hãm...”. Như vậy, ngay ghi chép của sử gia nhà Nguyên ở 3 quyển cũng có 3 địa danh khác nhau.

Khi ta dịch thì cho rằng: “Đồn Sơn” là Vân Đồn, còn “Lục Thủy Dương” thì là Cưả Lục(?), “Tùng Bách Loan” thì “chắc cũng chỉ vùng Cửa Lục” (?), còn “ cửa An Bang” thì là cửa Quảng Yên (?) ( Theo Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII của Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm – Nxb KHXH, 1968). Chữ “Cửa Lục” thường được dùng và sau này, ta dựa vào Nguyên sử mà gọi là “chiến thắng Vân Đồn – Cửa Lục”. Chữ “Cửa Lục” hiện nay được hiểu là vùng nước từ Vựng Đâng chảy qua chân cầu Bãi Cháy ra vịnh Hạ Long. Căn cứ vào đó, khoảng vài chục năm trước, “sử gia” của ta viết rằng: thuyền lương Trương Văn Hổ dạt vào bờ Bãi Cháy, Trần Khánh Dư đánh hỏa công, lửa táp lên cháy hết cả khu rừng ven bờ, nên vùng bãi bờ ấy sau này gọi là Bãi Cháy (?) Thực ra cái tên Bãi Cháy được nhân dân đặt cho, rất đơn giản. Những người dân chài đánh cá trên Vịnh Hạ Long, đêm đêm nhìn vào bờ thấy cả một giải bờ biển, lửa cháy sáng rực. Ấy là lửa đốt những phiến gỗ xẻ cho cong hợp với dáng thuyền để ghép gỗ vào khung thuyển, và ở chỗ khác trên bờ biển là lửa đốt lá thông khô với cỏ ràng ràng để hun thuyền, để thui những con hà bám vào thuyền. Lửa đốt ván và lửa hun thuyền cháy đỏ cả một giải bãi biển nên gọi là Bãi Cháy. Chỉ có thế thôi. Lại “bái phục” sự tưởng tượng ( như nhà thơ) của các nhà sử học, khi ghi trận hỏa công của Trần Khánh Dư tại Bãi Cháy năm 1288 vào tất cả các loại sách khoa học lịch sử ( kể cả sách lịch sử Đảng – chương ghi về truyền thống dân tộc ) rằng đó là trận đánh hỏa công của Trần Khánh Dư (!). Từ cách hiểu này, nhiều năm nay, ta tách chiến thắng của Trần Khánh Dư ra làm hai, nửa đầu ở Vân Đồn, nửa sau, có tính quyết định, lại là ở tại Cửa Lục - Hòn Gai. Và như thế, nếu theo cách hiểu đó - chiến thắng này phải ghi là Cửa Lục - Hòn Gai (?) mới đúng. Tôi ngờ rằng, chữ Cửa Lục với hàm ý nước ở đây do 6 ( lục) con sông suối từ Hoành Bồ - Mông Dương đổ xuống, hoặc cũng có thể là vùng nước xanh – vì không rõ nguyên bản viết chữ “lục” nào - thời ấy (1288) chắc chưa có tên. Còn một nơi thứ ba là An Bang (Quảng Yên) (?) thì không thấy ai nói đến, chắc thấy nó vô lí quá.

Bất cứ ai đã đến cầu Bãi Cháy bây giờ, đều có thể nhìn vụng nước Cửa Lục – Hòn Gai, được cho là nơi, cùng với Vân Đồn - Trần Khánh Dư “đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ” (?) vừa hẹp vừa vào sâu trong đất liền, với hai bờ chạy dài như hai cái lưỡi kéo, mỗi chiều dài khoảng 30 km. Như vậy Trương Văn Hổ phải dẫn đoàn thuyền lương nặng nề này đi thêm đoạn đường biển dài 60 km trong lúc đang bị tấn công. Lại nữa, với vũng nước hẹp và nông, kéo dài ven bờ như thế, không thể gọi là “dương” ( Lục thủy dương) được. Cho nên “lục thủy dương” mà dịch là vụng Cửa Lục – vùng nước từ chân cầu Bãi Cháy bây giờ đổ ra vịnh Hạ Long - là không có sức thuyết phục.Vậy mà nhiều chục năm nay, ta vẫn tin vào khái niệm địa danh ấy để gọi là chiến thắng Vân Đồn – Cửa Lục, có trong lịch sử các cấp và sách giáo khoa ?

Trong sách “Thời gian lên tiếng” ( 2013), tôi đã tỏ ý ngờ vực điều rất quan trọng này, cho rằng, tên cướp biển nổi tiếng Trương Văn Hổ, được phong “đại tướng” không ngờ nghệch gì mà đưa đoàn thuyền lương nặng nề và chậm chạp – vấn đề sống còn của cuộc xâm lăng của Thoát Hoan - không đi đường thẳng từ Mũi Ngọc, qua biển Minh Châu – Quan Lạn vào cửa Bạch Đằng cho ngắn, mà lại đi theo hình chữ V vào vùng gần chân cầu Bãi Cháy bây giờ, rồi lại quay ra qua Tuần Châu ( như diễu binh trong ngày hội) để vào cửa Bạch Đằng, dài thêm gấp nhiều lần đoạn thẳng trên, cả hai vòng vào và ra này đều rất gần bờ, trong khi quân ta - theo sử ta và sử Nguyên đều ghi giống nhau là ta - đánh ra từ bờ. Và hơn nữa, đoàn thuyền này, theo ĐVSKTT đã bị chìm ngay ở Vân Đồn rồi, làm sao còn chạy vào đây...

Ngày 12/3/1883, cái tên “Vịnh Hạ Long” mới lần đầu xuất hiện bằng chữ Pháp, trên báo Le Temps, tại Paris, do thiếu tá hải quân Henri Laurent Rivière viết. Cái tên Vịnh “con” (tử - Bái Tử Long ) phải ra đời sau tên mẹ là Hạ Long, tức là sau 1883. Do đó tôi nghĩ, 600 năm trước, năm 1288, Vịnh Bái Tử Long chưa có tên, sử gia nhà Nguyên ghi “ từ Đồn Sơn đến Lục Thủy Dương”, nghĩa là vẫn trong vùng Vịnh Bái Tử Long bây giờ, và tôi cho rằng “ Lục Thủy Dương” chính là vùng biển Quan Lạn – Minh Châu khi ấy chưa có tên. Vùng nước này rất rộng, mênh mang như biển lớn, nên các sử gia mới ghi là “dương”. Đoàn thuyền lương giặc đã bị chìm ở đây, sau khi đã bị đánh từ cửa biển sông Mang (Móng Cái). Và như thế, chiến thắng Vân Đồn vẫn chỉ ở ... Vân Đồn như ĐVSKTT đã chép. Còn cách dịch có tính suy diễn như tôi đã nêu trên, dẫn đến cách hiểu cũng có tính suy diễn là “chiến thắng Vân Đồn – Cửa Lục” mà kết thúc ở Cửa Lục – tôi ngờ là không có cơ sở.

Tôi ghi lại ý kiến này, kính trình các bậc cao thâm và các bạn đọc xa gần xem xét, chỉ giáo cho.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Quảng Ninh .