Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

lễ hội chùa Thầy







NHỮNG LỄ HỘI Ở CHÙA




* L ễ Hội các Chùa Tứ Pháp


Tứ Pháp là những ngôi chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện ở vùng Dâu (gồm các chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng và chùa Dàn) thuộc vùng Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Ngoài ra Tứ Pháp cũng được thờ vùng tây bắc tỉnh Hải Hưng như tại các đình chùa ở An Lạc, Đình Dù, Liễu Hạ, Liễu Trung, Nguyên Xá, Nhạc Lộc, Nhạc Miếu, Ôn Xá, Thái Lạc, Thanh Xá, Tuấn Di, Dị Sử.

Hàng năm những ngôi chùa nầy tổ chức lễ vào ngày mồng 8 tháng 1âm lịch, vào những kỳ hạn hán, dân các làng nầy còn tổ chức cầu mưa (đảo vũ) và những cuộc rước trọng thể ở những làng thờ Tứ Pháp.

Chẳng hạn như cuộc rước ba bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi đến chùa Un (làng Ôn Xá) nơi thờ Pháp Điện. Chùa Dâu tên chữ là Diên Ứng Tự, tọa lạc trên đất làng Dâu, xãThanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Hàng năm lễ hội mở vào ngày 17 tháng giêng âm lịch, đúng vào ngày sinh của Phật mẫu Man Nương.

Chánh hội thì lại được mở vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, trùng với dịp lễ Phật Đản; đây cũng là ngày kỷ niệm khánh thành tượng Tứ Pháp. Theo tài liệu của "Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh" thì: Trong số những nhà sư người Ấn Độ đến Việt Nam, có nhà sư Khâu Đà La (Ksudra), cũng thường được gọi là Già La Chà Lê (Kalacarya), có nghĩa là "ông thầy đen" đã đến cư ngụ và thuyết pháp tại thành Luy Lâu.

Chùa Dâu cách xa thành phố Hà Nội chừng 30 cây số, theo đường tỉnh lộ. Chùa cũng có tên là chùa Cổ Châu dưới đời nhà Lý, chùa Thiền Định dưới đời nhà Trần và chùa Diên Ứng dưới đời Hậu Lê.

Chùa Dâu được xem là ngôi chùa xưa nhất của Việt Nam; nếu tính theo lịch sử vào khoảng thứ II sau Công nguyên và là công trình kiến tạo chung của toàn vùng. Trong giai đoạn trung tâm Luy Lâu được thành lập thì Chùa Dâu là nơi mà những tăng sĩ người Ấn Độ thường qua lại để truyền giáo. Cũng trong thời kỳ nầy, có những ngôi chùa khác như chùa Đậu (tức chùa Thành Đạo) chùa Tướng (tức chùa Phi Tướng) chùa Dàn (tức chùa Phương Quang) chùa Keo (tức chùa Trùng Nghiêm).

Chùa Dâu cũng liên quan đến thiền sư Ấn Độ, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến truyền giáo vùng nầy. Trong thời gian nầy chùa Dâu nằm trong vị trí những trung tâm giao dịch buôn bán sầm uất nhất của thành Luy Lâu, nằm phía ngã tư Thuận Thành (tỉnh Hà Bắc).

Trục giao thông xưa nầy ngã theo hai chiều khác nhau: một chiều hướng chạy về phía vùng Đông Triều, Phả Lại ra mặt biển; chiều hướng thứ hai chạy về vùng Hải Hưng, Khoái Châu về miệt cao nguyên. Nhiều giai thoại kỳ thú chung quanh huyền thoại xây dựng chùa Dâu. Sách Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp) và Thoái Thực Ký Văn (Trương Quốc Dụng) lại cho rằng: (...)

Nguyên chùa Dâu có nhiều liên quan đến chuyện nàng Man Nương. Nàng vốn là con gái của một nông phu thuộc làng Mân Xá, thuộc miệt hạ lưu bên bờ sông Đuống. Vào tuổi nhỏ, nàng đã bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp, nên một mình từ bờ Nam con sông Đuống dùng thuyền qua bờ phía bắc để theo học kinh sách với thiền sư Khâu Đà La tại chùa Linh Quang (nằm trong địa phận của xã Phật Tích, huyện Tiên Sơn).

Thiền sư Khâu Đà La vốn theo Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng, lại kết hợp thêm những tư tưởng tín ngưỡng của người bình dân, có nhiều phép lạ, cho nên có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng của trung tâm Luy Lâu hồi đó. Nhưng rồi, con đường học hỏi Phật Pháp của nàng Man Nương đã không hoàn mãn.

Tương truyền có một hôm, nàng đang ngủ trong chùa Linh Quang, thì thiền sư Khâu Đà La sau giờ nhập thất đã bước qua người của nàng. Sau đó thì nàng thụ thai. Mãi cho đến 14 tháng sau đó, thì nàng sanh được một bé gái kháu khỉnh hình dáng như Phật Bà Quan Âm.

Nàng bồng con đem đến giao trả cho thiền sư. Ngài im lặng nhận lấy và mang bé gái đến bờ sông Đuống. Khi đến một gốc cổ thụ bên bờ sông thì thiền sư niệm thần chú rồi dùng cây thiền trượng gõ vào giữa thân cây. Một đường nứt lớn được mở rộng ra và nhà sư đã đặt bé gái vào gốc cây; chẳng bao lâu thì thân cây khép kín lại như cũ.

Ngay từ hôm đó, từ gốc cây, đã tỏa ra một mùi hương thơm ngát toả khắp vùng. Dân chúng tin là có thần linh, thường đến cúng bái cầu khẩn và đều được toại nguyện. Thiền sư Khâu Đà La ở lại một thời gian ngắn ngủi sau đó, thì cũng từ giã thành Luy Lâu để trở về Thiên Trúc.

Trước khi lên đường, thiền sư tặng cho nàng Man Nương cây thiền trượng của ngài. Theo lời căn dặn của thiền sư Khâu Đà La thì công dụng của cây thiền trượng sẽ giúp cho nông dân trong làng nếu gặp những kỳ hạn hán. Nếu không gặp mưa thì chỉ việc mang cây thiền trượng đến gần gốc cổ thụ kia, cắm xuống đất và cầu nguyện. Kết quả sẽ như ý nguyện.

Man Nương nghe theo và sau đó đã từng giúp dân làng quanh năm được mưa thuận, gió hòa, mùa màng thu hoạch tốt đẹp.

Nhưng rồi một đêm khuya nọ, trời sấm sét nổi lên, mưa to gió lớn, cây cổ thụ trốc gốc và ngả xuống. Cây ngã ngay xuống giòng sông Đuống, để trôi dần về khu vực của làng Dâu mang luôn theo thân xác của con gái nàng Man Nương. Dân làng tin là cây thần, tìm cách để khiêng cây cổ thụ lên bờ. Nhưng họ đã tập trung đông đảo dân làng để trục cây lên, mà cây không nhúc nhích chút nào. Nàng Man Nương vô cùng ngạc nhiên. Nhưng rồi nàng vô tình dùng dãi yếm của mình, buộc nhẹ vào thân cây và kéo lên dễ dàng.

Chùa Dâu nằm trên một khu đất rộng ven con sông Dâu- một chi lưu của sông Đuống – nay trở thành một trong những khu di tích nổi tiếng của miền Bắc được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quan tâm đến. Những vị thiền sư đã từng đặt chân đến cư ngụ và thuyết pháp ở ngôi chùa lịch sử nầy phải kể đến: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Pháp Hiền, Quan Duyên, Trì Bát, Định Không, Thiện Hội...

Trước đây, chùa Dâu chỉ là một ngôi đền có tên là Pháp Vân; nhưng sau cũng đã được sửa chữa và trùng tu lại nhiều lần. Ngôi chùa nầy hiện nay vẫn còn ghi lại nhiều vết tích kiến trúc và điêu khắc của nhà Hậu Lê. Kiến trúc của ngôi chùa nầy theo kiểu "nội công ngoại quốc". Những phần chính của chùa bao gồm: tòa chánh điện, đại bái đường, Phật điện, nhà hậu đường. Trong điện chính nay còn thờ tượng của Phật Bà Pháp Vân; hai bêncó tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ.

Nghệ thuật tạo hình của những pho tượng theo kỹ xảo VN thế kỷ XVII. Những nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật Giáo nhận định: qua những truyền thuyết chung quanh vị sư Khâu Đà La và những pho tượng về Tứ Pháp, thì ngay trong buổi đầu, đã có sự kết hợp chặt chẻ giữa Phật Giáo trong lúc mới du nhập với nền tín ngưỡng dân gian cổ truyền qua sự kiếp lập chùa chiền.

Tuy nhiên, khó có thể hình dung rõ những ngôi chùa dựng lên trong giai đoạn nầy có hình dáng như thế nào? Theo sách "Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh" có ghi: nhà sư Khâu Đà La đã "lập am dưới gốc cây đa" để tu hành. Như vậy, chùa trong giai đoạn nầy chỉ là am nhỏ.

Cũng có thể ức đoán rằng: những ngôi chùa đầu tiên vốn là những đền thờ các vị thần truyền thống, rồi những nhà tu hành hay tín đồ đã đặt thêm điện thờ Phật xen kẻ vào. Không phải người ta đặt tượng Tứ Pháp vào các chùa mà đã đặt những tượng Phật vào những đền thờ Tứ Pháp.

Những tổ chức hội lễ và diễn xướng ở chùa Dâu cũng như hệ thống Tứ Pháp như sau: Hội lễ ngày 17 tháng 1: tương truyền là ngày sinh của Phật mẫu Man Nương; đây là hội thi bánh dày nổi tiếng ở làng Dâu. Để chuẩn bị, hai giáp Đông và Trung, giành mỗi giáp ba sào ruộng tốt cấy lúa nếp; bắt đầu từ ngày 16 tháng 1 các giáp xay giã, chọn nếp tốt, sau đó là các công việc làm bánh.

Sáng sớm ngày 17, chiêng trống nổi lên, các Giáp trưởng điều hành rước bánh ra chùa lễ Phật, rồi dự thi. Bánh dự thi đường kính là 50cm, phủ giấy điều chung quanh. Hàng năm những ngôi chùa nầy tổ chức lễ vào ngày mồng 18 tháng 1âm lịch, vào những kỳ hạn hán, dân các làng nầy còn tổ chức cầu mưa (đảo vũ) và những cuộc rước trọng thể ở những làng thờ Tứ Pháp.

Chẳng hạn như cuộc rước ba bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi đến chùa Un (làng Ôn Xá) nơi thờ Pháp Điện.Theo tục truyền không bao giờ được rước tượng của bà Pháp Điện ra khỏi chùa Un được. Theo dân trong làng, mỗi khi rước tượng Pháp Điện ra, nhiều nhà trong làng phát hỏa ở những ngôi nhà theo hướng mắt của bà nhìn. Ba bà trẩy hội chùa Un là nghi lễ truyền thống khắp trong tỉnh Hà Bắc. Ngoài lễ Cầu mưa là hội lễ chính trong dịp nầy, còn cuộc "rước giao hiếu" giữa các làng có thờ Tứ Pháp.


Lễ Hội Chùa Hương


Hội chùa Hương được khách thập phương từ trong nước cũng như từ ngoài nước về tham dự. Lễ nầy bắt đầu đón khách thập phương từ ngày rằm tháng giêng và cứ thế kéo dài cho đến ngày rằm tháng ba âm lịch.

Tuy nhiên, khách vãn cảnh chùa để tìm những hương sắc nổi tiếng thì quanh năm suốt tháng tưởng không bao giờ dứt cả. Hội chùa Hương được đánh giá là lễ hội và diễn xướng về tôn giáo được ngưỡng mộ hơn hết. Đã vậy, không gian của cảnh quan chùa Hương rất rộng lớn bên cạnh vùng sông Đáy bao la.

Tuy nhiên lễ chính thức thì được cử hành từ ngày 15 cho đến ngày 20 tháng 2 âm lịch. Theo những chi tiết được ghi trong Tự Phả của chùa Trong thì ngày 19 tháng 2 âm lịch chính là ngày sinh và ngày 18 tháng 2 âm lịch là ngày hoá của bà Chúa Ba (mà dân chúng thường quan niệm là hóa thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát), cho nên trong hai ngày nầy không khí trong suốt dặm đường dài từ ngoài vào trong náo nức hơn bao giờ hết. Hàng năm ngày 6 tháng giêng là lễ Mở cửa rừng, sau khi chuẩn bị xong mọi cuộc chỉnh đốn cần thiết để đón khách thập phương.

Lễ Mở cửa rừng: Lễ nầy được khai sinh từ năm 1762, còn được gọi là Lễ Khai Sơn doThiền Sư Huệ Đăng tổ chức hồi đó. Lễ được tiến hành ở đền Trình (tức là Ngũ Nhạc). Ngôi đền Trình vì điạ thế cho nên không lớn lắm, được kiến trúc (1755) theo kiểu chữ "tam", với vị thế phong thủy mang hình ảnh của "thượng sơn lâu đài, hạ sơn lưu thủy", có đủ sơn triều, thủy tụ, tiền án, hậu chẩm.

Đền toạ lạc phía trướcnúi và được gắn một phần sâu vào lưng núi. Tương truyền thìvùng đất nầy trường kia thường có nhiều cọp dữ về, cho nên tại đólại có thêm đền thờ Sơn Thần (Thần hổ), theo tập tục tín ngưỡng thời nguyên thủy. Về sau thì Sơn Thần đã được chuyển hoá dần để trở thành Nhân Thần và được ghi chép theo Thần phả đầy đủ.

Thần phả tại đây còn cho biết thêm rằng; Hùng Lang, một trong những vịtướng của Thánh Dóng đã vào đây tổ chức phục kích và giết được Thạch Linh, tướng của nhà Ân.Như đã nói, lễ Mở cửa được tổ chức vào 5 giờ sáng ngày mồng sáu tháng giêng, với một nghi lễ khác đặc biệt: sau lễ Mộc dục thì tiếp theo lễ tạ chúa Rừng (Ông Hổ), lễ Thần núi, lễ Cầu mùa, rồi đến lễ Cầu an. Vì tính chất của những lễ nầy liên quan đến sinh hoạt của dân chúng trong vùng cho nên dân trong bốn xã lân cận đều đến tham dự rất đông đúc. Sau ngày lễ nầy thì dân chúng trongvùng mới được phép vào khu rừng phía sau để săn bắn hay khai thácnhững thổ sản.

Lễ Nhập đền: Vì đền Trình là ngôi đền đầu tiên nằm trong hệ thống những đền chùa trong toàn cảnh Hương Tích, cho nên khi lễ Mở cửa rừng được cử hành thì đó cũng là lễ Khai trương cho toàn chùa chiền vùng nầy. Dân chúng khắp nơi chờ đợi sẵn sau ngày lễ để có thể đi vào các tuyến đến những ngôi chùa danh tiếng trong vùng nầy.

Lễ hội: Lễ hội chùa Hương được trải dài trọng mùa Xuân từ sau ngày Mở Cửa Rừng cho đến cuối tháng ba. Rồi sau đó những ngày lễ Phật Đản, lễ Trung Nguyên, lễ Trùng Cửu, lễ vía Liễu Hạnh Thánh Mẫu, lễ Bà Chúa Thượng Ngàn, lễ Vân Hương Thánh Mẫu, bất cứ lễ hội nào cũng được thập phương đến cúng bái.

Trong những ngày đó, từ bến Yến thuyền tấp nập chen chúc nhau đi vào, từ bến Trò thuyền ra; khách lên, khách xuống hết chùa nầy sang động khác, trên bến dưới thuyền nườm nượp. Những nơi có lên đồng bóng thì con công đệ tử ở lại lâu hơn, và trong những trường hợp nầy thì lễ hội lại càng nghiêm trang, đa dạng hơn. Đi lần từ bến Trò, dọc theo những con đường đất để leo lên chùa Thiên Trù (bếp trời) miên man nào là nhang đèn, vàng mã, những hàng quán nhỏ bán trầm hương, trầu cau, quán cơm, thậm chí có những ngôi quán bán loại "gậy lụi" để khách hành hương dùng để chống leo núi chùa Hương.

Con đường từ chùa Ngoài vào chùa Trong vào khoảng 2km, nhiều dốc cao, mấp mô; tuy nhiên không vì thế mà khách hành hương bỏ cuộc. Họ nối đuôi nhau thành một suối người liên tục, từng lớp, từng nhóm từng đôi, từng đoàn, lên lên, xuống xuống. Khách thập phương chỉ mong tham quan lễ bái cho cùng khắp các chùa chiền trong vùng; mỗi khi vào hội, mọi chùa, đền, hang, động thì mọi người như bừng tỉnh hẳn. Họ chuẩn bị những lễ vật cúng bái rất tươm tất, xin xăm bói quẻ cầu mong gặp nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng. Dù những ngôi chùa xa xuôi, trong hang động, nhưng toàn thể hương án, điện thờ, đồ thờ đều được lau chùi sạch sẽ, đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút.

Đi chùa Hương là để lễ Phật và như vậy, đất Hương Sơn như bao nhiêu khách thập phương gọi cảnh quan toàn vùng là "đất Phật". Những vị tăng sĩ đảm trách công việc trông nom hương khói, cúng bái trong chùa là chư Hoà Thượng hay Thượng Tọa dù trong thời chiến hay thời bình. Hương Sơn tiếp nhận khách thập phương cho nên nguồn tín ngưỡng nơi đây mang tính chất dân gian; sự pha trộn giữa Phật Giáo và Lão Giáo không thể nào tránh được, theo nhu cầu thờ phượng củaquần chúng.

Trong chùa, ngoài việc thờ Tam Tôn, Tam Thế Phật, cũng đã tiếp nhận thêm những tín ngưỡng cổ của địa phương; chẳng hạn như nhiều ngôi chùa của quần thể nầy có tục dùng bái giới tự nhiên (thờ thần đá, tín ngưỡng phồn thực), tín ngưỡng thờ Thần bản mệnh, đạo Tứ Phủ. Đi lễ chùa ở đây, sẽ gặp sự hỗn dung của các cách thờ cúng dân gian.Tại ngôi chùa chính, bức tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát Chuẩn đề có nhiều đường nét điêu khắc theo kiểu dáng nghệ thuật đời Hậu Lê, bên cạnh đó là một hệ thống các tượng Phật như ở nhà Tam Bảo thuộc chùa Ngoài.

Trong động chúa Tiên có 5 pho tượng bằng đá: đó là tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, tượng Phạm Thiên, Đế Thích, Văn Thù Sư Lợi BồTát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. Sự hỗn dung trong tín ngưỡng nầy khiến cho thập phương cảm thấy gần gủi hơn trong tín ngưỡng và lễbái, cầu khẩn. Tại chùa còn có quả chuông đồng ghi rõ "Bảo Đài Hương Tích Sơn Hồng Chung" có niên đại vào 1655. Qua những bia văn, di tích lịch sử kể cả những di vật khảo cổ học khai quậtđược, là dấu ấn hoạt động văn hoá - tôn giáo. Bia cổ nhất là"Thiên Trù Tự Bi Ký" dựng lên năm 1686.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên khi viết về thờ cúng Hương Sơn nhấn mạnh: "(...) Con người sinh sống ở đây trong vùng đồng bằng, xa dần rừng núi, cho nên Nhạc Phủ (Mẫu Thượng Ngàn vùng rừng núi) đã mờ nhạt đi nhiều. Thiên Phủ thì do triết lý âm dương nỗi trôi, cho nên đã chuyển thành thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Địa phủ, Thủy phủ được tôn thờ, do đó quyền năng cai quản đất đai thuộc về các bà Chúa Xứ, bà Chúa Hòn, Chúa Động, kể cả bà Mẹ xứ sở người Chăm - Pa trở thành bà ChúaNgọc, bà Hồng, cô Hồng.

Về ý nghĩa thiêng liêng tôn thờ, là tiếp tục tôn thờ triết lýsáng tạo âm dương ngũ hành, cho nên có Ngũ Hành Nương Nương, Bà Thủy, bà Hoả. Về ý thức nhớ lại nguồn ở việc thờ bà Chúa Tiên(Liễu Hạnh) ở bà Thiên Hậu (Tứ Vị Nương Nương), bà mẹ Thai Sinh (ở người Hoa).Thành thử ý niệm thiêng liêng về triết lý thờ Mẫu ở Nam Phần Việt Nam, cũng như trong tín ngưỡng thờ thần, đã được sự hỗn dung từ nhiều nguồn, nhiều phía. Như thế, vừa giữ được tính chất truyềnthống trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu, lại vừa có tinh thần sáng tạo nữa...".

Việc tổ chức nơi thờ cúng của miền Bắc cũng không giốngnhau. Nếu ở Bắc Phần Việt Nam, thờ Mẫu thường được tổ chức ở những phủ, những đền cũng như những đạo quán và thông thường là chiếm một phần trong các chùa chiền, thì ở đây trước tiên thường thấy phổ biến Mẫu ngự ở các đình làng. Việc thờ nầy thường chung với các thần ở trong chính tẩm hay có miếu thờ riêng ở sân đình làng. Thông thường, để thể hiện biểu tượng thiêng liêng về Thánh Mẫu ở Hương Sơn bằng cách viết chữ Hán trên bài vị: Cửu Thiên Huyền Nữ, Ngũ HànhNương Nương, Chúa Tiên, Chúa Ngọc...

Ngoài động Hương Tích, du khách còn có thể rẽ qua khu rừng Mơ, để đến lễ bái chùa Hinh Bồng, rồi từ đó men theo con suối Tuyết để vào đền Mẫu Hạ thờ Vân Hương Thánh Mẫu và bà Chúa Thượng Ngàn; từ đây một quần thể khác gồm có: núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy; từ đây xuống bến Tuyết để đi vào một thắng cảnh khác: chùa Bảo Đài. Leo lên núi nầy cho đến Bạch Tuyết Môn, vào điện Cô, du khách tới thăm chùa Tuyết Sơn còn có tên là Ngọc Long Động. Nơi đây vào năm 1770, chúa Trịnh Sâm có khắc vào bài thơ "Đăng Tuyết Sơn Hữu Hứng".


Lễ Hội Chùa Keo


Chùa Keo tọa lạc tại làng Keo, tức xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Chùa có tên là Thần Quang Tự. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi chép về kiểu kiến trúc nầy như sau: Ngày trước, còn xây cột đá ở bên cạnh, sau đó hàng trăm người thợ đã dựng lên; rồi dùng dây đồng để ràng lấy đỉnh tháp. Chỏm tháp cũng được trang điểm những hoa văn nhỏ cực kỳ tinh vilàm bằng đồng. Những di tích nổi tiếng nầy, trải qua nhiều thươnghải tang điền, thì nay đã không còn lại là bao nhiêu nữa.

Nhưng theo những tài liệu được ghi trong Không Lộ Thiền Sư Ký Ngữ Lục năm 1061,thì nhà sư Không Lộ đã dựng lên ngôi chùa Nghiêm Quang tại địa phận của làng Giao Thủy (cũng gọi là làng Keo) ở về phía hữu ngạn của con sôngHồng. Sau khi thiền sư Không Lộ qua đời thì chùa Nghiêm Quang được đổi tên là chùa Thần Quang.Năm 1611, trận lụt lớn trong vùng sông Hồng đã cuốn phăng đi tất cả làngmạc trong vùng kể cả chùa Keo nữa.

Dân chúng trong làng đã di chuyển về vùng Đông Nam hữu ngạn sông Hồng dựng chùa Keo ở khu vực làng Hành Thiện; còn số người khác thì đến lập nghiệp tại phía đông bắc tả ngạn sông Hồng và dựng lên chùa Keo ở Thái Bình. Những chứng liệu cho biết là chùa làng Keo ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình rộng đến 58,000m2 và hàng chục công trình khác nhau. Bên ngoài chùa có đến hai lớp tam quan, rồi đến sân lát đá, hồ sen, chùa thờ Phật, gác chuông, nhà tổ và khu tăng xá. Phía sau chùa có nhiều bửu tháp mà quan trọnghơn cả vẫn là tháp của ngài Không Lộ.

Trong những công trình kiến trúc tại chùa Keo thì gác chuông của chùanầy quả là một công trình nghệ thuật dựng lên bằng gỗ khá quy mô. Phía dưới là một nền bằng gạch, trong khung hình vuông. Gác chuông có ba tầng, được cấu tạo theo kỹ thuật những con sơn được lắp mộng và chồng lên nhau khá thẩm mỹ. Trong gác tầng dưới cùng có khánh đá và chuông đồng lớn hơn hết; tầng giữa có chuông trung bình; tầng trên cùng có chuông nhỏ hơn. Thông thường thì dùng chuông dưới cùng, tiếng chuông vang dội cả một vùng.

Mỗi năm chùa có hai ngày hội lớn chùa làng Keo: hội mùa Xuân và hội mùa Thu. Những ngày hội nầy được tổ chức rất trang trọng và đa dạng, bao gồm lễ rước kiệu ngài Không Lộ, rước hương án thờ, long đình, hội thuyền rồng. Những cuộc thi bơi trải trên sông Trà Lĩnh, thi biểu diễn những loại nhạc khí như kèn trống và trình bày những điệu múa. Về chuyện thiền sư Không Lộ có nhiều truyền thuyết. Ngài tên thật là Nguyễn Chí Thành; chịu ảnh hưởng của Mật Giáo do từ ngài Vô Ngôn Thông truyền thừa. Ngài từng sang Ấn Độ học giáo lývà bùa phép Mật Tông và đắc quả Lục trì thần thông có nhiều khả năng trị bệnh.

Tục truyền rằng Không Lộ đã có công trong sự tạo thành bốn tác phẩm lớn thời Lý được gọi là Tứ đại khí: tháp chùa Báo Thiên,tượng Phật A Di Đà chùa Quỳnh Lâm, đỉnh chuông Phổ Minh và chuông chùa Phả Lại. Tuy nhiên nhiều thuyết đã bác bỏ về việc kiến tạo các công trình nầy của ngài Không Lộ. Hiện nay, tại chùa Keo còn bảo lưu được nhiều di vật tương truyền là của ngài Không Lộ.

Hội vui Xuân tại chùa Keo tổ chức chánh thức vào ngày mùng 4 tết,nhưng trước đó phải chuẩn bị từ tháng 10 năm trước; hội lễ nầy cũng kéo dài cho đến ngày 15 tháng giêng mới chấm dứt. Hội Xuân tại chùa Keo mang tính chất nghi lễ nông nghiệp và thi tài với những trò vui chơi khác như; thi bắt vịt, thi ném pháo, thinấu cơm... giữa những thành viên trong làng và các giáp liên hệ. Ngày lễ chính vẫn là lễ cúng Phật với đủ mọi nghi thức cổ truyền; lễ nầy cũng để cầu mong cho dân chúng trong vùng được mọi sự an lành.

Hội lễ nầy cũng gắn liền với sự tích của thiền sư Dương Không Lộ, một vị quốc sư vào đời nhà Lý, đã từng trụ trì tại chùa Keo và được công nhận là vị tổ thứ nhất của chùa. Ngày 13 tháng 9 là tuần 100 ngày mất (ngài Không Lộ viên tịch vào ngày 3 tháng 6 âm lịch). Ngày 14 tháng 9 là ngày sinh của Thiền sư, theo đó lễ hội hàng năm cũng được tiến hành.

Thiền sư Dương Không Lộ (? -1119) vốn làm nghề chài lưới, quê ở vùng Hà Nam Ninh, là bạn của các nhà sư danh tiếng như: Từ Đạo Hạnh và Giác Hải thiền sư, cũng nổi tiếng về những phép thần thông biến hoá. Cuối đời mình, thiêns ư về quê, dựng chùa Keo và viên tịch tại chùa nầy. Ngày từ ngày kỵ của thiền sư (ngày 3 tháng 6) các nghi lễ cũng đã được cử hành trọng thể: lễ kỵ Thánh, dân chúng trong làng dâng bánh bìa, làm bằng bột gạo nếp trộn với mật ong tinh chất, nấu cách thủy trong hai ngày hai đêm liền. Bốn trai đinh trong làng được chọn trang trí tượng Thánh phải ăn chay nằm đất cả một năm ròng và phải tắm rửa sạch sẽ trước khi vào điện thờ tòng sự.

Tượng Thánh được tắm bằng nước dừa tốt nhất, sau đó xức phấn thơm trộn với nước hạt bưởi. Những xiêm áo hàng năm của Thánh có gần100 vuông lụa; các công việc nầy làm xong trước ngày rằm tháng tám. Ngày 11 tháng 9, cây phướn cao hơn 100 thước ta (40m) được trồng trước tam quan ngoại. Trên cây phướn treo cờ đại rộng đến25m2, chung quanh tam quan ngoại còn có 8 lá cờ của 8 giáp; chínhgiữa có thêu hàng chữ "Cung phụng Thánh tổ". Đồng thời tại sân lát đá trước tam quan toàn thể trai làng tham dự kỳ sát hạch để chọn 42 người tham dự các lễ rước: kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh trong ngày lễ Thánh.

Ngày 12 tháng 9, lại tuyển chọn trong số 42 trai làng để lấy 4 người vào đòn gồng. Từ ngày 10 tháng 9 cho đến ngày 12 tháng 9, các giáp hạ thủy 8 chiếc thuyền bơi trải, từ sông Trà Lĩnh ngay trước cửa chùa ra đến sông Hồng trên một quảng dài 4 cây số.Mỗi chiếc thuyền tham dự dài 12m, có từ 8 đến 10 đôi bơi chèo, một người chấp hiệu (cầm mõ) và một người lái, với ý tập dượt để chọn người tham dự trong buổi lễ. Sáng ngày 13 tháng 9, lễ hội chính thức khai mạc. Trước hết là cuộc rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh từ chùa Keo ra tam quan, rồi tối rước trở về lại. Cuộc thi bơi trải của 8 giáp trên sông Trà Lĩnh từ cửa chùa đến sông Hồng.

Dân chúng đứng hai bên bờ cổ võ cho thuyền đua của giáp mình. Tiếng trống, tiếng phèn la đánh liên hồi. Hội thi bơi trải trong dịp lễ chùa Keo được xem là mục hấp dẫn nhất và đặc sắc nhất. Chiều ngày 13 tháng 8, tại Giá Roi, có hội "thi thầy đọc", với sự tham dự của các thầy cúng có giọng đọc hay và hay văn thuộc hạ lưu sông Hồng. Đặcđiểm của hội thi nầy là các thầy tự sáng tác ra văn cúng, theo đề tài lễ Thánh và bằng văn nôm với lời văn và giọng đọc sinh động pha chút trào phúng theo phong cách sinh thời của thiền sư Không Lộ.

Kết thúc hội thi, vị chủ hội chọn lấy 4 người xuất sắc để trao giải thưởng trong những địa hạt khác nhau. Vào khoảng 12 giờ đêm,có lễ tế gốc cây phướn, tuy đơn giản nhưng nghiêm trang, theo một nghi thức cổ truyền khá độc đáo.Ngày 14 tháng 9, hội lễ kỷ niệm ngày sinh của Thánh, với lễ rước kiệu long trọng: trống giục từ lúc 3 giờ sáng; đến 6 giờ sáng thì cuộc rước bắt đầu. Đi đầu là hai con ngựa màu hồng và bạch, đặt trên bánh xe có 8 người túc vệ; sau đó là 8 lá cờ thần; tiếp đến là tốp người vác đồ bát bửu; sau cùng là rước thuyền rồng, phường bát âm, long đỉnh. Đến chùa, các lễ hội tiếp diễn.


Lễ Hội Chùa Thầy


Cũng như chùa Láng ở quận Đống Đa, chùa Thầy là nơi trụ trì của ngài Từ Đạo Hạnh trong giai đoạn sau cùng của đời ngài. Chùa nầy tọa lạc trong khu vực của dãy núi Sài Sơn, thuộc làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

Theo tài liệu được ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí thì: Chúa Trịnh Căn từng đến vãn cảnh chùa nầy đã viết trong một bài Kýghi trên vách núi Sài Sơn: "Chùa Thầy cũng tựa như một viên ngọc quý, vươn lên giữa những đám sỏi đá, khắp nơi rạng ngời vẻ tươi thắm trong khắp bốn mùa quanh năm. Khi vào động trên của chùa, thì giống hệt như lạc vào cõi thanh hư, trên vách động hiện lên sắc mây màu ráng trời chiều. Khu vực ao rồng thì được thông lên bến siêu độ giải thoát; cầu tiên in hình nhật nguyệt. Hình tựa như bình phong chắn ngang, sông trải dài như giải lụa...".

Trong thơ của Chu mạnh Trinh có viết: Siêu linh như cõi chùa Thầy, Ao rồng, động thẵm, chốn nầy thanh hư. Trong thời gian đầu tiên thì chùa Thầy chỉ là một ngôi am nhỏ, nhà tranh vách đất, nơi là sư Từ Đạo Hạnh dùng làm chỗ tu trì của mình trong giai đoạn sau cùng. Nơi nầy được gọi là Hương Hải Am, căn cứ theo một bài văn từ của ngài Từ Đạo Hạnh viết ra. Cho đến đời vua Lý Nhân Tông thì chùa được trùng tu lại đại quy mô. Chùa được kiến tạo theo hai quần thể riêng biệt với nhau: chùa Cao và chùa Dưới. Chùa Cao tức là Đỉnh Sơn Tự sau nầy; chùa Dưới tức là Thiên Phú Tự, hay chùa Cả. Năm 1655, dưới triều Hậu Lê, Dĩnh Quận Công và Hoàng Quốc Công cùng các hoàng thân quốc thích trong triều đã góp công của trùng tu thêm cho chùa Thầy; chương trình tu tạo trong lần nầy bao gồm những công trình cơ bản như sau: ngôi chánh điện, nhà Tổ, nhà Hậu, toà nhà bia, gác Thanh Vân...

Tài liệu của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim cho biết: Ngôi chùa Thầy được dựng lên trong hình thái một con rồng đang tung mình lên; về tiền diện của ngôi chùa có ngọn núi Long Đẩu nằm về bên phía trái; sau lưng của chùa thì được tựa vào dãy Sài Sơn khá vững chắc; chùa quay về hướng Nam khá thanh thoát rộng rãi. Xen kẻ vào giữa hai ngọn Long Đẩu và Sài Sơn là hồ Long Trì. Sân trước của chùa tựa như là hàm rồng được mở rộng ra: một cảnh quan như thế được tạo thế phong thủy hoành tráng.

Năm 1603, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan đến viếng cảnh chùavà hiểu được cảnh sắc bố trí, nên cho xây thêm hai chiếc cầu có mái ngói: cầu Nhật Tiên và cầu Nguyệt Tiên. Hai chiếc cầu tựa như hai chiếc răng nanh của rồng, tăng thêm vẻ uy nghi của toàn cảnh. Du khách thường đi theo một hành trình: chùa Cao - chùa Một Mái -hang Bụt Mọc - hang Thánh Hóa - hang Cắc Cớ - động Gió Lùa - chợ Trời - rồi trở lại Ao Rồng - nhà Rối phía trước ngôi chùa chính. Chùa Cao cũng được gọi là am Hiển Thụy, nằm vào vị trí đẹp trong khu vực, tòa kiến trúc gồm 3 gian, có gác chuông cao, vách chùa có nhiều bút tích của các danh nho như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan... sau chùa Cao là hang Thánh Hóa. Theo tục truyền, để được đầu thai làm vua nhà Lý, chính vào giờ sinh của Dương Hoán (con trai của Sùng Hiền Hầu, cháu gọi vua Lý Nhân Tông bằng bác) thì ở hang Thánh Hóa, thiền sư Từ Đạo Hạnh trút xác để hoá thân vào Dương Hoán, mà sau nầy vì không có con nối nghiệp cho nên vua Lý Nhân Tông đã truyền ngôi lại cho Dương Hoán tức là vua Thần Tông (1128 - 1138).

Hang nằm lưng chừng núi đá, lối vào hang chênh vênh, theo tụctruyền trong hang có di cốt của ngài Từ Đạo Hạnh. Sau cuộc leo vào hang Thánh Hóa trở ra sân chùa Cao tiếp tục vàohang Cắc Cớ huyền nhiệm; muốn vào hang phải mang theo đuốc và lửa; càng xuống sâu thì hang càng rộng, với nhiều ngóc ngách, lối đá rêu phong trơn tuột với những cột đá sáng long lanh như được khảm bạc dát vàng, những âm thanh tưởng chừng như từ cõi âm ty vang lên, những lỗ thông ra ngoài hang để ánh sáng luồn vào nhảy múa trong màn đêm. Trong tận cùng của hang động tục truyền có hài cốt của quân nhà Triệu do Lữ Gia chỉ huy trong cuộc chiến chống lại nhà Hán từ đầu thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Ngược chiều với hang Cắc Cớ, từ sân chùa Cao đi lên là chợ Trời, nằm chính trên đỉnh núi Thầy.

Trên một diện tích không rộng, chung quanh là thành đá lởm chởm, tương truyền đây là chỗ tụ hội của các tiên ông từ thượng giới xuống. Trở lại chùa Thầy, ngôi chùa được mang tên dân gian là chùa Cả, gồm có ba tòa lộng lẫy: chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ. Tòa kiến trúc nầy mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ XVIII, nhưng vốn trước kia do vua Lý Thần Tông dựng lên mà sau nầy được tu bổ lại.

Trong chùa có tượng vua Lý Thần Tông và ngài Từ Đạo Hạnh, hai pho tượng tục truyền là đại diện cho 2 kiếp khác nhau của Pháp sư. Pho tượng ngài Đạo Hạnh tạc bằng gỗ bạch đàn, cấu tạo theo khớp của tay chân, có lắp máy giật, làm cho pho tượng cử động được, lúc đứng lên, lúc ngồi xuống.Hai bên chùa Cả là hai chiếc cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên (gọi chung là Nhật Nguyệt Tiên Kiều) do Trạng Bùng điều động xây cất lên.

Trước chùa Cả có hồ, giữa hồ có nhà rối nước trong dịp hội lễ của những thời điểm khác nhau; tương truyền chính ngài Từ Đạo Hạnh đã sáng tạo ra trò múa rối truyền lại cho dân chúng sau nầy. Ôngđược thờ làm Thần tổ của múa rối nước Việt Nam. Thiên Phúc Tự tức chùa Cả ở hướng dưới của Sài Sơn được bố cục theo hình đồ chữ tam, phân chia làm ba lớp tương xứng liên hoàn với nhau khá chặt chẻ. Phía ngoài của chùa là nhà Chánh tế của thập phương; phía giữa là ngôi Chánh điện thờ Tam thế Phật; phía sau hết là nơi thờ ngài Từ Đạo Hạnh.

Nhiều tài liệu kiến trúc và mỹ thuật lại diễn dịch rằng: Ba lớp nầy là biểu tượng chính yếu cho ba thánh kiếp của nhà sư Từ Đạo Hạnh, suốt theo quá trình tu hành của ngài. Về sau, nhiều nhà kiếntrúc lại điểm xuyết thêm nhiều nét tân kỳ; chẳng hạn như pho tượngtoàn thân của ngài Từ Đạo Hạnh được tạc theo loại gỗ kim bạch đàn được lấy từ núi Tiên Yên; bên trong lại được lập thêm máy móc chuyển động được. Nhiều truyền thuyết lại cho rằng chính ngài Từ Đạo Hạnh đã bày ra trò chơi múa rối được truyền bá khắp nhân gian.

Ý nghĩa là: cuộc đời tranh chấp trên thế gian nầy chỉ là hư ảo như trò múa rối.Ngày nay, hằng năm trong dịp tế lễ ngài Từ Đạo Hạnh ở chùa Láng cũng như chùa Thầy cũng đều có tổ chức tục múa rối.

Lễ hội tổ chức từ ngày mùng 5 tháng ba âm lịch, khách thập phương đã đến vãn chùa, nhưng tập trung đông nhất là ngày 7 tháng 3, ngày chính hội; mọi người từ bốn phương tám hướng đến lễ bái, cúng dường, đồng bóng, xin xăm.. rất đông đúc. Dân làng Đoài cùng với hàng ngàn, hàng vạn khách thập phương, nhất là người dân từ thành phố Hà Nội đổ về dự hội.

Lễ Túc yết được tổ chức vào lúc 0 giờ ngày 8 tháng 3 (âm lịch). Những người tham gia chủ lễ có: vị chánh bái, các bô lão, ban quản trị; phía sau có 4 học trò và 4 đạo thầy. Vật cúng là: heo trắng, mâm xôi, mâm trái cây, mâm trầu cao, một đĩa gạo muối. Vào lễ, vị chánh bái niêm hương. Hai người xướng lễ thay phiên nhau điều hành toàn thể buổi lễ theo trình tự sắp đặt sẵn. Kế đến là phần khởi cổ: nhạc trỗi lên, chuông trống bát nhã, dâng hương, chúc tửu, hiến trà. Dâng hoa rồi cúng rượu ba tuần, cúng trà ba lần. Người chủ sớ đọc văn tế. Heo cúng được lật ngữa trước khi khiêng đi. Lễ cáo chung. Cũng có khi diễn những vỡ tuồng anh hùng liệt sĩ khác như: Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Sát Thát. Bài bản đã được biên dựng từ trước. Mỗi năm có thêm phần bổ sung trong trường hợp những phần nào cần được cập nhật hoá. Lễ xây chầu được tổ chức trước chánh điện.

Vị chánh bái khấn vái, dâng lễ và trình tấu về ý nghĩa của lễ. Trước khi xây chầu, vịchánh bái làm lễ Tam sái. Tam sái là 3 lượt rãi nước bằng cành dương liễu. Nước rãi tượng trưng cho mưa rơi xuống, cây cối mùa màng tốt tươi. Lễ nầy được tổ chức vào 4 giờ sáng ngày 8 tháng ba (âm lịch). Nghi thức cúng tế đại cương gần giống như lễ túc yết. Lễ nầy là phần quan trọng nhất cũng là phần hoàn mãn cho lễ tế. Sau đó thì thỉnh những bài vị trở về đền.

Hào hứng nhất tại chùa Thầy là múa rối nước. Múa rối nước cũng là một thể điệu diễn xướng dân gian truyền thống vào những ngày đầu năm. Rối nước được biểu diễn trên mặt nước, thường được gọi là sân khấu nước. Những người xem thì đứng chung quanh bờ hồ. Giữa hồ có dựng lên thuỷ đình, có màng che là hậu trường của rối nước, nơi các nghệ nhân dấu mình điều khiển các con rối trên mặt nước, qua những bộ điều khiển đặt ngầm dưới nước. Trong thủy đình, còn có dàn nhạc đệm và diễn viên hát theo những động tác của những con rối. Tất cả đều phù hợp vớinhau, được tập luyện công phu. Múa rối nước có từ lâu đời; theo Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp) rối nước có từ đời Trần (1225). Để có rối nước, phải tạo hình những con rối khéo léo từng nhân vật, có "bộ điều khiển", thành thạo các động tác của rối. Nhiều trò diễn cần đến dăm bảy nghệ nhân; có khi con rối cách xa người điều khiển đến 7 mét.

Những vùng có rối nước là phường rối Bình Phú, Chàng Sơn, Thạch Xá (huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây), phường rối nước Nam Chấn (tỉnh Thái Bình), phường rối nước Bắc Chấn (tỉnh Nam Định).



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HoaKỳ .