Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG VÀ NHÀ NƯỚC VĂN LANG

MỞ ĐẦU THỜI KỲ DỰNG NƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM




  
        

T hời kỳ đầu dựng nước Văn Lang có 18 đời vua Hùng Vương (năm 2879 tới năm 258 tr. Công nguyên) chia làm hai giai đoạn : giai đoạn đầu gồm nhà nước Văn lang và nhà nước Âu Lạc.

Thời đại Hùng Vương với 18 triều đại tức 18 Chi kéo dài 2.581 năm. Chi Hùng Vương đầu tiên là Chi Cán có hiệu vua Kinh Dương Vương húy là Lộc Tục với số năm giữ vương quyền là 86 (từ 2879-2794 tr. CN). Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép rằng :”Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hố Nam – Trung Quốc) gặp một nàng tiên lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trai trưởng là Đế Nghi lam vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỹ.” Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ Bắc giáp Động Đình hồ (tỉnh Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (nước Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên), phía Đông giáp biển Nam Hải (trang 23).

Vẫn theo Việt Nam sử lược Sổ tay Báo cáo viên năm 2005, Chi thứ hai là Chi Khan hiệu vua là Lạc Long Quân (2793-2525) húy Sùng Lãm lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ và đẻ ra một lần được một trăm người con trai rồi chia đôi, kẻ lên núi người xuống biển (truyền thuyết Bách Việt hay Bách Bộc). Khoa Khảo cổ học, Dân tộc học và Tiền sử đã giúp cho các nhà nghiên cứu sử học xác định dân Bách Việt thời thượng cổ đã sinh tụ dàn trải khắp đất nước Trung Hoa, trước ở Hoa Bắc rồi vượt sông Hòang Hà xuống sinh tụ ở Hoa Nam sau khi bị Hán tộc đánh đuổi đi và nhà nước Văn Lang được thành lập có cương vực như lãnh thổ Bắc Bộ ngày nay kể luôn cả tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An gồm có 15 bộ, kinh đô là Phong Châu (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú và có đền thờ các vua Hùng). Các vua Hùng thay nhau làm chủ đất nước đầu tiên của dân Việt (Lạc Việt), tới đời thứ 18 là vua cuối cùng thuộc Chi Quý hiệu Hùng Duệ Vương húy Huệ Lang (408-258 Tr. CN).

Vào khoảng năm 218 (tr.CN) cuối đời Hùng Vương thứ 18, Tần Thủy Hoàng sau khi tiêu diệt 6 nước ở Hoa Bắc, Hoa Trung (Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần) đã đưa quân tràn xuống phía Nam đánh chiếm tiếp Hoa Nam thuộc vùng Lĩnh Nam (ta có sách ghi chép các sự kiện huyền thoại trong sách “Lĩnh nam trích quái”) gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây rồi xâm phạm nước Văn Lang (không có người lạnh đạo – có thể vua Hùng 18 đã qua đời nhưng không người thay thế) do tướng Đồ Thư lãnh đạo 50 vạn quân. Cuộc kháng chiến (vào rừng đánh du kích) của nhân dân Văn lang với quân xâm lược nhà Tần kéo dài từ năm 214 đến năm 208 (Tr.CN) thì châm dứt do Tần Thủy Hoàng qua đời. Thời gian này, dân Lạc Việt (nước Văn Lang) liên kết với dân Tây Âu do Thục Phán (một thủ lĩnh nước Thục, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, di cư tới đất Âu Lạc nắm lấy cơ hội – theo nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc) lãnh đạo chống quân xâm lược phương Bắc nên đã chuyển sang nước Âu Lạc ra đời với tên vua tự xưng là An Dương Vương (257-207 tr.CN) đóng đô ở Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc (1907-1985) chép trong sách “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” xuất bản năm 1971, trong 10 năm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết về nguồn gốc dân Việt trong Bách Việt có một quá trình thiên cư lâu dài và gian khổ, khắp cả Đông Nam châu Á và cả châu Mỹ). Ông Bình Nguyên Lộc đã dùng ngôn ngữ học để chứng minh các khu vực có mối liên hệ về tiếng nói như từ “lúa gạo” sau đây :

-Mã Lai (Nam Dương) gọi : Pa-đi

-Ra- Đê (Ê-đê Tây Nguyên VN) : Pơ-đai

-Gia-Rai - : Pơ-đai

-Chăm : Pơ-đai

-Mường : Pơ-đuông

-Việt Nam : Đuống

-Thổ dân châu Mỹ : Pơ-dy

Người Cổ Việt định cư ở khu vực sông Hồng thời kỳ xuất hiện nền “văn minh lúa nước” đặt tên sông Đuống (sông lúa gạo) – tiếng nói cổ chỉ có độc âm.

Người châu Âu sang châu Mỹ mượn từ “Pơ-dy” làm thành “Paddy”. (Sđd trang 720).

Đầu tiên dân Việt có nguồn gốc Mã Lai trong khu vực Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Melanesien, Nam Đảo..) có hàng triệu năm di cư từ nam lên bắc châu Á và ngược lại chia làm hai đợt (vua Hùng thuộc đợt I, dân tộc Mường, Chăm đợt II, mỗi đợt cách nhau lối 2.500 năm) từ thời đồ đá khi lục địa châu Á, châu Úc còn dính liền nhau, biển Bê-Rinh chưa tách rời. Ông đã phân định quá trình này như sau :

* 2.000 năm cựu thạch ở Hi-Malaya.

* 5 năm tân thạch ở Hoa Bắc.

* 2.413 năm tân thạch ở Cổ Việt (Hoa Nam)

* 2.587 năm kim khí ở Việt Nam (Bắc Bộ).

* Tổng cộng : 7.005 năm.

Việt Nam tự xưng có nền văn hiến trên 4.000 năm được tính từ thời kỳ kim khí và từ đầu công nguyên tới nay là có cơ sở.

Cổ Việt được xác định ở vùng Hồ Nam, Hồ Bắc (quanh hồ Động Đình), tương ứng với nước Xích Quỷ như trên đã nói. Khi sinh tụ ở Bắc Bộ, dân Lạc Việt tộc Kinh (lấy từ nguồn gốc Kinh Dương và Kinh Châu thuộc vùng đất giữa Hồ Nam và Hồ Bắc nên dân tộc Hán, Hoa gọi tộc Việt lúc ấy là Kinh man). Trên đường thiên nam, tổ tiên ta có công cụ đá cầm tay “vượt” qua sông Hoàng Hà và Dương Tử mênh mông nên tộc Hán gọi ta là “Việt” có nghĩa chiếc rìu đá, khi định cư ở đồng bằng Bắc Bộ ta có dụng cụ cầm tay – rìu đồng pha (đào được ở Quốc Oai – Hà Đông, núi Voi – Hưng Yên) ứng với thời đại vua Hùng có nền văn minh lúa nước, trống đồng (kim khí) phát triển qua bốn giai đoạn như sau :

1-Giai đoạn Phùng Nguyên : tồn tại vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ II trước công nguyên thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau nhưng chưa có công cụ bằng đồng.

2-Giai đọan Đồng Dậu : ở vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ II trước công nguyên, thuộc trung kỳ thời đại đồng thau. Dụng cụ canh tác nông nghiệp và săn bắt bằng đá lẫn đồng thau.

3-Giai đoạn Gò Mun : tồn tại vào nửa đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên. Tỷ lệ sử dụng công cụ sản xuất, vũ khí bằng đồng cao hơn.(chuyện nỏ thần ở Cổ Loa sử dụng tên đồng).

4-Giai đoạn Đông Sơn : tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VII trước công nguyên đến thế kỷ thứ I sau công nguyên (có trống đồng Đông Sơn, Thanh Hóa) và chuyển sang thời kỳ đồ sắt tới ngày nay. Địa bàn sinh tụ mở rộng tới đồng bằng sông Mã, sông Cả (do vua Hùng chinh phục theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ nước ngoài thuộc trường Bác cổ Viễn đông thời Pháp thuộc trước cách mạng tháng Tám 1945).

Cho tới ngày nay, toàn bộ sử sách và truyền thuyết đều xác nhận tổ tiên ta là dân Lạc Việt định cư sau cùng ở dải đất phương Nam của nước Xích Quỷ và sinh tụ trên một khu vực rộng lớn gồm có 15 bộ (tương ứng với 15 tỉnh, thị trấn) thời lập quốc đầu tiên là Văn Lang kéo dài hơn hai ngàn năm do 18 đời vua Hùng trị vì và đặt kinh đô tại Phong Châu (nay có đền Hùng thuộc tỉnh Vĩnh Phú).

Khoa học ngày nay đã chứng minh truyền thống và nguồn gốc dân Lạc Việt có địa bàn sinh tụ và phát tích tương đương với dân tộc Hán, Hoa và bị Hán, Hoa bành trướng đánh đuổi từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam mà tâm điểm là vùng hồ Động Đình và dãy núi Ngũ Lĩnh (Hồ Quảng ngày nay). Sử Trung Quốc ghi chép : sau Nghiêu, Thuấn là Vũ liên minh nhiều bộ lạc đánh đuổi được các bộ lạc Miêu, Lê (Lạc) ở miền Nam Hoàng Hà xuống tận lưu vực sông Trường Giang (Lịch sử Trung Quốc, NXB Giáo dục năm 1991, trang 13). Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân xuất hiện ở đây. Tới Hùng Vương thứ 6 thì bị quân nhà Ân (thế kỷ XVII-XI) từ Hà Nam (Trung Quốc ngày nay) đánh đuổi tiếp. (Sự tích Phù đổng thiên vương là có thật từ đây nhưng đời sau khi định cư ở sông Hồng tổ tiên ta mới nhớ lại và ghi nhận ở núi Sóc Sơn. Còn Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh ngày nay được đời trước nhớ lại từ núi Ngũ Lĩnh – Trung Quốc. Cuộc chia tay giữa Âu Cơ và Lạc Long quân xảy ra ở hồ Động Đình với sự tích con rồng cháu tiên, về sau ta nhớ lại ở đồng bằng Bắc Bộ).

Nhà Tần (Tần Thủy Hoàng) sau khi tiêu diệt 6 nước phía bắc thống nhất Hoa bắc, Hoa trung nhưng còn Hoa Nam có Quảng Đông, Quảng Tây nên tiếp tục chiếm đóng và tấn công Văn Lang (phần đất Bắc Bộ còn lại thuộc miền nam nước Xích Quỷ rộng lớn trước đây). Dân Lạc Việt liên kết với dân Tây Âu tổ chức trường kỳ kháng chiến và nhà nước Âu Lạc ra đời với sự lãnh đạo của Thục Phán tức An Dương Vương. Nhưng chưa được yên. Các triều đại phương Bắc lại tiếp tục đánh chiếm nước ta nên bị rơi vào nhiều thời kỳ Bắc thuộc (trên 1.000 năm).

Tây Âu thời ấy chiếm cứ một vùng đất rộng lớn bao gồm tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Nam Hồ Nam theo nghiên cứu của ông Bình Nguyên Lộc :”Nói rõ hơn, Nam Hồ Nam và Quảng Tây, Quảng Đông là đất của Tây Âu, đó là một sự kiện chắc chắn.” (Sách Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt Nam, NXB Bách Bộc năm 1971, trang 808). Sau đó, Triệu Đà ở Nam Việt (đất Quảng Châu) đánh chiếm Cổ Loa (qua chuyện tình Trọng Thủy – Mỹ Châu) của An Dương Vương nước Âu Lạc (quốc gia liên kết Tây Âu với Lạc Việt). Nhà Đông Hán đánh chiếm Nam Việt nên chiếm luôn vùng đất này, phân chia ra đất Giao Chỉ còn lại bằng vùng Bắc Bộ ngày nay mà đặt ách đô hộ suốt ngàn năm. Do đó, trong thời kỳ Bắc thuộc, nước ta còn chỉ bằng vùng đất Giao Chỉ (Bặc Bộ ngày nay). Căn cứ vào cơ sở nước Âu Lạc nguyên thủy rộng lớn mà vua Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Thanh đã đề nghị cầu hôn với triều đình Mãn Thanh để đòi lại đất Lưỡng Quảng. Tỉnh Cao Bằng ngày nay còn tên huyện Trùng Khánh và Dạ Lang sát biên giới tỉnh Quảng Đông, có lẽ là phần đất của Tây Âu xưa).

Cho tới năm 939, nước ta mới thoát khỏi họa đô hộ chuyển sang thời kỳ tự chủ. Nhưng từ đó về sau, nước ta vẫn luôn bị các triều đại phương Bắc xâm lăng và chiếm đóng ít nhiều năm từng thời kỳ. Hình như tư tưởng bành trước của nước đại Hán (cộng thêm bị ảnh hưởng văn hóa Mông Cổ và Mãn Thanh thống trị) đã mang tính di truyền nên ngày nay, Việt Nam vẫn còn vướng bận quẩn đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc bịa vẽ ra đường “lưỡi bò”. kéo dài suốt biển Đông mà nước này cho là biển Nam của mình (Nam Hải).Kỳ thực, Nam Hải thời Đông Hán chỉ là vùng đất sát biển Đông của Trung Quốc gồm Quảng Châu, Chiết Giang, Phúc Kiến và đảo Hải Nam. Như vậy, phấn đất cuối cùng phía nam của Trung Quốc chỉ giới hạn ở đảo Hải Nam, chớ không phải biển phía nam. Theo bản đồ Đông Nam Á, phần biển Đông chia làm hai khu vực : biển Đông của Trung Quốc nằm ngang đất nước Trung Quốc và biển Đông của Việt Nam nằm ngang đất nước Việt Nam hình chữ S. Chớ không có biển Nam nào của Trung Quốc cả để bao luôn biển Đông của Việt Nam.

Trong thế giới ngày nay, không có quốc gia nào liên tục tìm cách mở rộng biên giới như Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, trên bộ không được thì trên biển. Theo Luật biển thế giới, vùng biển của một nước được xác định theo thềm lụa địa có một số hải lý bao quanh bờ biển chớ không thể kéo dài lê thê qua bờ biển của nhiều quốc gia.

Dân tộc Kinh người Việt Nam luôn tự hào về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước Văn Lang của vua Hùng, mà chưa tính tới thời kỳ đấu sinh tụ ở Hoa Bắc, Hoa Nam. (Địa danh Tây Ninh, Thái Nguyên, Sơn Tây, Tràng An hay Hà Nam và nhiều địa danh khác nữa được đặt ở Việt Nam ngày nay không phải là không có nguồn gốc từ miền Hoa Bắc, Hoa Trung - Trung Quốc. Cũng với tinh thần đó, huyện Mê Linh thời Hai Bà Trưng ở vùng Sơn Tây phía nam sông Hồng, nay lại là huyện Mê Linh thuộc Vĩnh Phúc ở phía bắc sông Hồng.).

“Chinh phụ ngâm khúc” Hán văn của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm diễn nôm là thi phẩm tuyệt tác đời Hậu Lê mô tả cuộc chia ly của đôi vợ chồng trẻ, vợ tiễn chồng đi đánh giặc đã lấy hoàn cảnh xưa (thời Hán Sở tranh hùng) để chỉ hoàn cảnh nay thời chiến tranh Trịnh – Nguyễn. Đó là cớ để hoài tưởng nguồn gốc chia ly của dân Lạc Việt bị đánh đuổi phải rời bỏ địa bàn sinh tụ cũ từ Bắc xuống Nam vượt sông Hoàng Hà rồi sông Trường Giang. Chinh phụ ngâm khúc thường mô tả chốn cũ như cầu Vị (chi nhánh sông Hoàng Hà), Tràng Dương (Hồ Bắc), Hàm Dương (Thiểm Tây), Tiêu Tương (hồ Động Đình thuộc Hồ Nam), Bạch thành (Sơn Tây)..

Thật đau lòng khi Đặng tiên sinh mô tả cảnh chia ly qua mấy câu thơ :

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãi trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Từ đó, với trên bốn ngàn năm văn hiến, truyền thống dân tộc về yêu nước, thương nòi, đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập và xây dựng nước nhà trong thời kỳ đổi mới, hội nhập thế giới đã nêu cao ý chí quật cường, kiên trì, dũng cảm sánh vai cùng nhân dân tiền bộ trong năm châu bốn biển, thêm bạn bớt thù, khắp nơi đều là anh em.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .