Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Tranh vẽ Kiều của nữ họa sĩ Ngọc Mai (SàiGòn)









YÊU - GHÉT HOẠN THƯ






K hông cần phải chờ đến ba trăm năm sau, thiên hạ - mà trước hết là các thi nhân hậu thế đã "khóc" cùng ông : "Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều" ( Tố Hữu ) . Với Truyện Kiều, Nguyễn Du là người " Có con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ tới muôn đời " ( Mộng Liên Đường ) . 3254 câu thơ lục bát trong Truyện Kiều như những giọt phù sa bồi đắp tâm hồn Việt và, mỗi nhân vật trong đó, từ lâu đã là một biểu trưng cho những trạng thái tình cảm trong đời sống thường nhật người Việt Nam : Xót thương, ghét yêu, tráo trở, lọc lừa …
Ai đó trót nhẹ dạ, cả tin : Trót yêu, trót phụng thờ, dâng hiến và bị ruồng bỏ đều nuốt nước mắt gọi người tình là quân Sở Khanh. Một cuộc tình tay ba, sau trận đòn ghen đều gọi kẻ tình địch của mình là con mụ Hoạn Thư … Truyện Kiều đã thấm sâu vào đời sống văn hoá, tâm linh người dân đất Việt . Thuý Kiều như một người con gái bước ra từ pho sách hay ( cảo thơm ) của cụ Nguyễn Tiên Điền như ta vẫn thường gặp giữa đời với tấm lòng yêu vì sắc, trọng vì tài và xót thương cho một thân phận, số kiếp nổi chìm trong thời buổi hỗn mang . Các nhân vật trong Truyện Kiều được phân tuyến rõ ràng . Song đôi khi trong dân gian, cán cân tình cảm lại chưa chuẩn xác, nặng cảm tính và ngộ nhận với những nhân vật đối lập với Thuý Kiều .

. Hoạn Thư là người đàn bà đáng yêu hay là đáng ghét ?

Sinh ra trong một gia đình gia giáo và có thế lực :



" Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư "

Nàng là người phụ nữ chịu sự giáo huấn tam cương, ngũ thường . Trong quan hệ gia đình biết kính trên nhường dưới và là người đàn bà sắc xảo :

" ở ăn, thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già "

Chung thuỷ với chồng và lượng cả bao dung là hai đức tính cao đẹp của người phụ nữ Á Đông mà Hoạn Thư có được :

"Lửa tâm càng dập càng nồng
Trách người đen bạc, ra lòng trăng hoa
Ví bằng thú thật cùng ta
Cũng dung kẻ dưới, mới là lượng trên "

Nhưng Thúc Sinh là người nhu nhược, mặc dù đã thuyết phục được cha sau khi phải đưa nhau đến chốn cửa quan, ( nhờ tấm lòng vàng đá của Kiều chịu phép "gia hình" ) đã cưới Kiều làm thiếp mà không giám hé răng thú thật với Hoạn Thư bởi Thúc Sinh biết Hoạn Thư là người đàn bà đầy bản lĩnh .
Trong một xã hội mà ý thức hệ dung nạp, cho phép người đàn ông được quyền năm thiếp bảy thê thì sự nhu nhược chính là bức chân dung đặc tả tính cách của Thúc Sinh . Chính sự nhu nhược đã tạo ra bức vải thưa, phớt lờ vị thế vợ cả này đã buộc Hoạn Thư phải ra tay :

" Làm cho nhìn chẳng thấy nhau
Làm cho đày đoạ cất đầu chẳng lên "


Sau khi cho gia nhân bắt cóc Kiều về tư thất và đốt nhà nơi Thúc Sinh giấu Kiều rồi đem xác chết trôi sông thế chỗ làm Thúc Sinh ngỡ Kiều bị chết vì hoả hoạn :

"Gieo mình, vật vã, khóc than
Con người thế ấy, thác oan thế này ! "


Qua cơn thịnh nộ nhiếc mắng, cho gia nhân đánh đập Kiều vì " ghen tuông thường tình " không đáng trách, Hoạn Thư cũng đã rủ lòng :

" Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân . "


Do sự xắp đặt của mẫu thân và cũng để "chào đón", "chúc mừng" Thúc Sinh, người chồng tưởng đã qua mặt nàng vì thói trăng hoa ở Lâm Tri mới về , màn kịch Thúc Sinh và Thuý Kiều từ chỗ " Huệ lan sực nức một nhà " trong nghĩa phu thê thoắt đã thành vai chủ tớ . Cho Thúc Sinh "ngậm bồ hòn " xong Hoạn Thư đã thể tất cho Kiều : " Rằng : Tài nên trọng, mà tình nên thương " đã cho Kiều ra Quan Âm các chép kinh để tránh vòng luỵ tục .

"áo xanh đổi lấy cà sa
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền"


Thúc Sinh đã lén gắp Kiều, dẫu có thương hoa tiếc nguyệt nhưng đã tỏ ra bất lực :

"Liệu mà cao chạy xa bay
ái ân ta có ngần này mà thôi ! "


Bị Hoạn Thư bắt gặp nhưng thái độ vẫn

" Cười cười nói nói ngọt ngào"

càng làm cho Kiều sợ hãi và phải mang theo một ít đồ thờ bằng kim ngân để hộ thân rồi trốn khỏi Quan Âm các .
Sau

" Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần ",


nhờ uy lực của Từ Hải, phiên toà

" Báo ân rồi sẽ trả thù "

đã được Thuý Kiều xét xử công minh . Các bị cáo đều cúi đầu nhận tội . Duy chỉ có một bị cáo dám chống án và lật được thế cờ : Người đó là Hoạn Thư .

Là người có bản lĩnh, giảo hoạt, tài lập luận của nàng vừa thấu tình, vừa đạt lý :

" Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình !
" Nghĩ cho khi các chép kinh
Với khi khỏi cửa, dứt tình chẳng theo
" Lòng riêng , riêng những kính yêu
Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai "


Hẳn vị quan toà Thuý Kiều khi ấy cũng chợt nhận ra rằng : Từ khi dan díu với Thúc Sinh :

" Trước còn giăng gió, sau ra đá vàng "

đến khi ra khỏi Quan Âm các, Hoạn Thư và Thuý từng có một vị thế giữa " Hậu " và " Phi " .

Vâng ! Chúng ta thật thiếu công bằng khi không mảy may dành cho Hoạn Thư một chút thiện cảm .

Nhân đây cũng tiện nói thêm : Xuyên suốt Truyện Kiều của Nguyễn Du, chủ nghĩa số phận được bao trùm toàn bộ tác phẩm . Giấc mộng báo ứng của Đạm Tiên, bến sông Tiền Đường và khúc đoàn viên được xem là một thứ quan hệ nhân quả, một lối kết thúc có hậu như một số tác phẩm cổ điển, cận đại khiến nhiều người ngộ nhận .
Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng : Chương tái hồi Kim Thuý là một bi kịch lớn . Sau mười lăm năm lưu lạc, Kiều thấy mình không xứng với tình yêu của Kim Trọng :

" Có làm chi nữa cái mình bỏ đi "

( Thực tế thì Kiều đã không còn khả năng làm vợ, làm mẹ ) . Nhưng nhờ được Kim Trọng " chiêu tuyết " :

" Thân tàn gạn đục khơi trong
Là nhờ quân tử khác lòng người ta "


mà Thuý mới bằng lòng kết tóc xe tơ . Đêm động phòng hoa chúc, biết rõ mình, Kiều đã đề nghị chàng Kim đổi duyên cầm sắt thành duyên cầm kỳ .
Theo ông, giá trị tố cáo của tác phẩm và thiên tài của Nguyễn Du nằm ở trong bi kịch đó .

Chúng ta đọc Kiều, lẩy Kiều và cả bói Kiều cũng là để được tự soi mình, để được một lần "gạn đục khơi trong", để được "khóc" cùng ông cũng nhu khát vọng đến được Nguyễn Du trong hành trình nhân bản ./.