Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ (1913-2014)









CÓ MỘT NHÀ THƠ THÔN CA





V ới một người làm thơ đã có ít hay nhiều thành tựu, chỉ cần gọi là nhà thơ hay thi sĩ chẳng hạn, tưởng đã đủ. Thêm vào mấy chữ thôn ca để cái danh hiệu ấy dài ra thành nhà thơ thôn ca, tôi muốn được nhấn mạnh một đặc điểm của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Vì hình như không có những chữ nào, từ nào thích hợp hơn để nói về ông. Và tôi tưởng, ở bên kia thế giới – nếu quả thật có thế giới bên kia – khi biết có người gọi ông như vậy, chắc nhà thơ Đoàn Văn Cừ cũng sẽ hài lòng. Không hài lòng, sao ông lại tâm đắc với hai chữ thôn ca đến mức lấy nó đặt tên cho hai tập thơ của ông xuất bản cách nhau một thời gian khá dài: một in trước Cách mạng (1944), một in sau Cách mạng (1960)? Thôn ca có thể hiểu theo mấy nghĩa: những bài ca về làng quê (hay của làng quê); ca ngợi làng quê; tiếng hát nơi thôn xóm(1)… Suốt một đời làm thơ của mình, Đoàn Văn Cừ đã dành hết công sức, dành hết tâm lực viết về làng quê, ca ngợi làng quê và để lại nhiều câu thơ, bài thơ đẹp và hay như thôn ca - những bài ca của làng quê vậy.
Cũng chính từ những bài thơ thôn ca này mà các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình cũng như công chúng đọc biết tiếng Đoàn Văn Cừ từ rất sớm. Trong quyển sách nổi tiếng Thi nhân Việt Nam (1932-1941) viết về thơ của các nhà “thơ mới”, nhà phê bình Hoài Thanh (và Hoài Chân) đã khẳng định: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”; và lúc bấy giờ, Đoàn Văn Cừ trước sau đăng báo chỉ có sáu, bảy bài thơ. Bài nào cũng hay… Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ, trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng.
Sáu, bảy bài thơ nói đây đều là những bài thơ viết về thôn quê. ấy là phiên Chợ Tết ở một vùng bán sơn địa. ấy là một Đám cưới mùa xuân đi giữa cánh đồng quê. ấy là một Đám hội diễn ra vào một ngày xuân nào ở làng bên. ấy là đêm Trăng hè thơ mộng trong xóm… Tất cả đều sống động, đầy những sắc màu, thơ mộng, và ngộ nghĩnh nữa.
Sống động như:

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ…

Những câu thơ, những đoạn thơ, những bài thơ thôn ca của Đoàn Văn Cừ bấy giờ đã đáp ứng lòng mong mỏi và làm bớt sự âu lo của Hoài Thanh (và Hoài Chân) khi tác giả Thi nhân Việt Nam phàn nàn: “Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gáp ghi chép lấy thì rồi chẳng biết tìm kiếm vào đâu!”.
Có điều, nếu chú ý lắng nghe thì cùng với giọng thơ sống động, thơ mộng, đầy những sắc màu và ngộ nghĩnh kia, ta còn thấy những sắc thái khác của làng quê trong thơ Đoàn Văn Cừ lúc bấy giờ: bâng khuâng, man mác buồn…
Nhưng hơn thế, hơn cả việc tả cảnh đẹp làng quê, hơn cả sự cảm nhận nỗi buồn ở đấy – và cũng là điểm khác cơ bản của Đoàn Văn Cừ với các “nhà thơ đồng quê” bấy giờ như Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân… - nhà thơ còn mang nặng tình quê thể hiện ở chỗ cùng lo nỗi lo của dân chúng. Những nỗi lo sợ phấp phỏng của dân quê bấy giờ trong thơ Đoàn Văn Cừ là lo bão gió, lo vỡ đê, lo cháy nhà và lo sưu thuế (1944):

Đêm thuế đèn dây thắp sáng choang
Đình ran tiếng vọt, tiếng kêu oan
Trát về truyền hạn hai ngày nữa
Trống mõ canh khuya rợn xóm làng

Qua con mắt nhà thơ, một Đám chết nghèo, một buổi Đưa ma, một Bữa cơm quê… hiện ra vừa như một phong tục, tập quán của làng, vừa như một sự cảm thông; cho dù nhà thơ còn cần – và còn có thể – viết hay hơn, viết sâu sắc hơn về những chuyện này.
Âm hưởng chung từ cái Làng của Đoàn Văn Cừ cũng như của nông thôn Việt Nam ta ngày trước, muốn hay không, qua thơ ông, cũng là biểu hiện của một xứ sở bình lặng đến trì đọng:

Cứ thế làng tôi tháng lại năm
Sống bên ruộng lúa, cạnh ao đầm
Đời như mặt nước ao tù lắng
Gió lạ không hề thổi gợn tăm…

Về nghệ thuật thơ, ngoài những gì thể hiện ở cách nhìn cảnh, nhìn người, nhìn đời đã thấy ở trên, Đoàn Văn Cừ còn có những giọng điệu, những cung bậc khác. Chẳng hạn, hóm hỉnh. Ta rất hay thấy thấp thoáng trong thơ Đoàn Văn Cừ những nụ cười ý nhị. Trong phiên chợ Tết đông đúc:

áo cụ lý bị người chen sấn kéo
Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra
ở một đám hội, lại cũng thấy cụ lý:
Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát
Một chị đang đu ngửa tít trên không
Cụ lý già dừng lại ngửng đầu trông
Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh.

Đã có đôi mục kỉnh (đôi kính) lại còn phải hấp háy mắt nữa, cụ lý già mới nhìn rõ cái chị đu ngửa tít trên không kia!
Rồi sau khi chia phần lễ thánh ở đình làng, nhà thơ để ý, thấy người ta

Phần chia vừa hết, kéo nhau ra
Ông nọ còn quên phẩm oản nhà
Bổ lại đâm vào ông bước tới
Tay rời xâu thịt bắn đi xa!

Trong thơ trữ tình của Đoàn Văn Cừ, lắm khi có vị trào phúng như vậy.
Viết từ hơn sáu chục năm trước ở một làng quê hẻo lánh, mà cho đến nay, không ít câu thơ, bài thơ Đoàn Văn Cừ còn giữ được tính hiện đại. Tôi chưa thấy nhà thơ nào có thể có câu thơ hay hơn, mà sự giản dị tột bực và trí liên tưởng tuyệt vời đã tạo ra được, như câu thơ Đoàn Văn Cừ nói về quan hệ giữa thời gian và tuổi tác con người:

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau (2)

Tôi cũng chưa từng thấy có bài thơ nào, từ đầu đề đến câu cuối cùng, mật độ dấu hai chấm dày đặc đến thế, để giải thích một hiện tượng, một sự việc theo quan niệm dân gian trong bài: Điềm ứng: lành dữ, thời tiết
Trong ngữ pháp tiếng Việt (và một số tiếng nước khác, như Trung Quốc) có một thứ từ thường được gọi là quán từ, hay loại từ, đã được dùng một cách quen thuộc, gần như một thứ “luật”. Đó là cái (cái áo chẳng hạn), chiếc (chiếc lá chẳng hạn), con (con chim chẳng hạn)… Để “lạ hoá” câu thơ, để đa dạng cách diễn đạt, để hấp dẫn người đọc, đôi khi thi sĩ đã “tự ý” thay đổi cách sử dụng thứ từ này. Năm 1968, trong bài Trận địa bỏ không, chú bé mười tuổi Trần Đăng Khoa có câu:

Cá cờ một chiếc đớp ria cánh bèo (3)

Năm 1972, trong bài Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ… nhà thơ Chế Lan Viên viết:
Nhà thi sĩ như con chim bói cá, mắt bao gồm đầm hồ bát ngát, phải thấy cả tam thiên mẫu của đời trước khi lao vào bắt một chiếc cá con.

Trước Trần Đăng Khoa và Chế Lan Viên ba chục năm, Đoàn Văn Cừ đã gọi chiếc: chiếc sao (từ quen thuộc: ngôi sao, vì sao) trong bài Trăng hè (1939):

Sao trời từng chiếc rơi thành lệ

Và sau đó mấy năm, Đoàn Văn Cừ còn viết (trong bài Dưới bóng đa):

Chiếc chim sẻ trên cành sa xuống mổ…

Ta còn thấy, năm 1963 nhà thơ Huy Cận viết:

Con dê mỏm đá
Nhai cả mùa xanh
Theo cùng ngọn lá

Trước Huy Cận hai chục năm, Đoàn Văn Cừ đã viết:

Con trâu đen chúi mũi đứng bên đồng
Cứ liếm mãi nắng vàng trên cỏ biếc
(Nắng xuân)

Lại nữa, đến mấy chục năm gần đây, các nhà thơ ta mới viết loại thơ hai câu. Từ những năm 1940-1942, Đoàn Văn Cừ đã có loại thơ này. Chỉ xin kể mấy bài:

Cơn mưa

Nắng vụt tắt, sấm rền vang… sét nổ
ánh chớp xa lè lưỡi liếm chân mây

Ban mai

Giọt nước nằm trong kẽ lá
Lấp ló con mắt xanh trong

Trưa

Tia sáng động trên cành vui vẻ nháy
Gió trưa hé hây hẩy quạt như ru…

Xem thế mới biết, Đoàn Văn Cừ đổi mới từ khá sớm (mà nhà thơ nào, nhà sáng tác nào chẳng phải tự đổi mới khi cầm bút – dù đổi mới về cách nhìn, cách nghĩ hay cách viết?).

Dễ thấy một điều: trước Cách mạng, khác với nhà thơ đồng hương Nam Định là Nguyễn Bính (1918-1966) hay lang thang, xê dịch, Đoàn Văn Cừ ưa sống một cuộc sống yên ổn đến trầm lặng, không thích ồn ào, bon chen. Ông dạy học ở làng, gửi thơ đăng báo (thường là báo Tết) và “ẩn mình” đến mức tác giả quyển Thi nhân Việt Nam đã phải mấy lần rao tin tìm kiếm. Lần thứ nhất, Hoài Thanh (và Hoài Chân) viết trên báo: “Cho đến hôm nay, viết mấy lời giới thiệu thơ Đoàn Văn Cừ, tôi vẫn chưa biết gì thêm về con người ấy”. Lần thứ hai: “Khi quyển sách này đưa in, chúng tôi vẫn chưa biết gì thêm về ông Đoàn Văn Cừ tuy đã hỏi rất nhiều người… Ông ở đâu làm ơn cho chúng tôi biết”. Và lần thứ ba, khi quyển sách tái bản: “Vẫn chưa biết ông Đoàn Văn Cừ ở đâu!”. Trong khi đó, với tất cả các nhà thơ khác, tác giả Thi nhân Việt Nam đều có địa chỉ để trao đổi thư từ, hay tìm gặp. Kể cũng… lạ!

Sau Cách mạng tháng Tám, khác hẳn với ngày trước, Đoàn Văn Cừ nhiệt tình tham gia các hoạt động kháng chiến chống Pháp, trong đó có một thời gian dài mặc áo lính. Thơ Đoàn Văn Cừ vẫn tràn trề một tấm lòng yêu quê hương, đất nước, nhưng tất nhiên không chỉ trong vùng quê bé nhỏ của ông, mà trải ra một diện rộng hơn, với những vấn đề lớn hơn – những vấn đề của cả quốc gia, dân tộc chống ngoại xâm, giành độc lập, hoà bình và xây dựng đất nước. Có thể thấy rõ điều này ngay từ tên các bài thơ của Đoàn Văn Cừ: Hồn dân tộc, Làng tôi chống giặc, Con đò căm giặc hay Ôi diệu kỳ Tổ quốc chúng ta, Trên cánh đồng cơ giới hoá, Chống hạn, Được mùa, v.v… Vẫn cái giọng bình dị , chân chất, nhiều khi có phần đơn giản, “hồn nhiên”, ông góp sức cùng quân dân ta đánh giặc và ngợi ca Tổ quốc, quê hương. Cũng có khi ta gặp lại một cách diễn đạt của Đoàn Văn Cừ trước Cách mạng, như khi ông viết về người dân những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cũng có khi ta gặp lại những hoài niệm gợi nhớ về một thời ấu thơ thanh bình và trong sáng

Cũng có khi ta thấy một tâm hồn lãng mạn có phần khác phong cách thơ Đoàn Văn Cừ

(Nét lạ này cũng đã thấy một lần ở thơ Đoàn Văn Cừ trước Cách mạng – năm 1940 – Tôi thích chiều chiều ra đứng đón – Nàng thu trong tấm áo sương hồng)…

Cũng không nên quên bài sử ca lục bát Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc dài hơn ba trăm câu, viết năm 1958, sửa năm 1971. Đây lại là một biểu hiện của lòng yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc ở nhà thơ. Dù còn sơ sài và mang tính chất “diễn ca”, Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc vẫn có sức gợi người đọc về một quá khứ hào hùng. Đoạn thơ nói về sự hung hăng của giặc Nguyên, lột tả khá sinh động bản chất của kẻ thù. >

Có điều ta dễ nhận thấy là, cho dù đã cố gắng có được tiếng nói mới để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống mới, ấn tượng mà Đoàn Văn Cừ để lại trong người đọc sâu đậm hơn, vẫn là những bài thơ viết trước Cách mạng.
Mãi đến mấy năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, tôi mới được gặp nhà thơ Đoàn Văn Cừ tại đại hội của giới văn học nghệ thuật tỉnh Nam Hà (bây giờ trở lại là hai tỉnh Nam Định, Hà Nam như cũ). Lúc bấy giờ, tôi đã có mấy bài bình luận thơ Đoàn Văn Cừ đăng trên báo chí. Sau đó, tôi còn được gặp ông mấy lần nữa ở Đại hội Nhà văn và một số cuộc hội nghị khác. Ông coi tôi như một người bạn vong niên. Tuổi cao, không đi được xa, ông lấy việc trao đổi thư từ với đồng nghiệp trong giới văn chương làm một nguồn vui và có thể là một việc hàng đầu. Hầu như vài ba tuần ông lại gửi thư cho tôi. Khi thì ông gửi bài cho tạp chí Văn nghệ quân đội do tôi “đặt hàng” (thường là tâm sự về nghề thơ). Khi thì nhờ tôi chuyển cho tạp chí mấy đôi câu đối Tết. Khi thì tặng tôi mấy câu thơ ông mới viết. Khi thì “yêu cầu” tôi nhận xét, góp ý một bài thơ của ông. Khi thì nhờ tìm cho một bài thơ chữ Hán mà ông chỉ nhớ mấy câu. Khi thì ghi lại một danh ngôn cổ kim, đông tây… Và cứ một năm mới sắp đến, ông lại có thiếp chúc Tết; có cái thiếp ông cắt dán từ tranh ảnh trên báo chí. Đôi khi bận việc này việc khác, tôi chưa kịp trả lời, ông đã lại gửi tiếp một thư khác. Cuối mỗi thư, ông thường ghi nơi ở của mình bằng những cái tên Quê hương Trần Tế Xương, Quê hương Nguyễn Hiền, Thảo lư sông Ngọc… và tự gọi mình là cư sĩ, kẻ sĩ áo nâu, kẻ sĩ chân đất, kẻ sĩ Nam Hà, kẻ sĩ miền Bắc, sĩ phu sông Vị… Thư đầu, tôi gọi ông bằng bác xưng cháu. Ông liền viết thư trả lời: “Đoàn Văn Cừ đã nhận được thư hồi âm của bác… Vô cùng mừng rỡ, nhưng xin chân thành ước ao được bác dùng cách xưng hô thật bạn bè, thật thân, thật ngang hàng trong việc trao đổi tâm tư, tình cảm, nghề nghiệp giữa Cừ và bác – những người cầm bút. Những bậc tiền bối của chúng ta trong văn chương không hề lấy tuổi tác để phân biệt ranh giới, vị trí trong xưng hô theo hệ thống máu thịt gia đình. Cừ xin dùng cách xưng hô bạn bè “tôi – bác thân thiết”. (Thư đề ngày 26-6-1995. Những chữ in nghiêng do nhà thơ nhấn mạnh).
Trong trí tôi, Đoàn Văn Cừ thuộc lớp trí thức hiền lành, khiêm tốn vào bậc nhất. Có lần, ông nói với tôi; sau đó còn nhắc lại trong một bức thư: ông là một “cây bút đồng quê, có tâm nhưng kém lực”. Tôi bằng tuổi con cháu nhà thơ mà mở đầu các bức thư của mình, ông một điều thưa bác, hai điều thưa bác, và cuối thư, trước khi dừng bút, bao giờ cũng có hai chữ kính thư thật trân trọng.

Biết tin tôi làm nhà mới, Đoàn Văn Cừ rất mừng, gửi tặng bài thơ chữ Hán Đề ức Trai bích của Lý Tử Tấn (một nhà thơ ở thế kỷ XV); thư sau lại ghi tặng hai câu thơ Đỗ Phủ: An đắc quảng hạ thiên vạn gian - Đại trí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan và ông “tạm dịch”:

Ước gì nhà rộng vạn gian
Cho bao hàn sĩ hân hoan ở cùng

Tôi hay tranh thủ “khai thác” nhà thơ chuyện thơ, chuyện đời. Có lần, tôi hỏi cái từ ốc và tù và trong thơ Đoàn Văn Cừ trước Cách mạng, mà tuổi nhỏ tôi không được biết (có trong các câu: Tiếng ốc trên chòi rúc thiết tha và Buổi tối bác cầm ngọn dáo ra – Vai đeo lũng lịu chiếc tù và). Nhà thơ trả lời: “Hai từ đó cùng một nghĩa. Nó dùng để báo hiệu khi tuần tra, canh gác thôn xã, làng xóm ngày đêm”. Thấy viết thế chưa đủ, cuối thư ông còn cẩn thận tái bút: “Xin được ghi thêm về trang bị của người phu tuần miền quê thời Pháp thuộc. ốc: vỏ ốc biển. Tù và: sừng trâu hoặc sừng bò. Tác dụng: Truyền hiệu lệnh lúc thường và khi có biến động”. Tôi hỏi về chuyện mấy lần Hoài Thanh (và Hoài Chân) nhắn tin. Nhà thơ trả lời: “Về việc nhà văn Hoài Thanh có tin trên báo và sách mấy lần hỏi địa chỉ bạn của bác Hồng Diệu, tôi đều không biết; bởi lẽ rất dễ hiểu là tôi ở quê xa, rất hẻo lánh, có mấy khi được đọc sách báo từ Hà Nội!”. Tôi hỏi về nhuận bút mấy bài thơ nổi tiếng của Đoàn Văn Cừ trước Cách mạng. Nhà thơ trả lời: “Thời Cừ gửi thơ đăng báo Ngày nay, bài đầu tiên (Chợ Tết) nhuận bút là 8 đồng, từ bài sau trở đi là 5 đồng hoặc 4 đồng… Giá gạo ngày ấy 2 hào một thùng thóc (10 cân), lương tháng 5 đồng, ăn cơm hết 2 đồng rưỡi (nhà chủ thương thầy, lấy thế thôi!”, “Về các bài được chọn in trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh kính mến gửi biếu tác giả một sách tặng và một ngân phiếu 15 đồng”. Thật không ngờ vào tuổi 85 (năm 1998), trí nhớ nhà thơ còn tốt đến thế!…

Bây giờ thì nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã về cõi vĩnh hằng. Tôi may mắn kịp về làng Đô Quân thắp hương viếng ông vào chiều 28-6-2004 ấy, và cũng kịp có mấy dòng tưởng niệm nhà thơ trên báo (4). (Thật tiếc, cùng trong tỉnh Nam Định mà xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường quê tôi cách xã Nam Lợi, huyện Nam Trực quê ông có hai chục kilômét, nơi tôi ở lâu nay là Hà Nội cách quê ông cũng chẳng xa xôi gì, mà trước đó, tôi chưa một lần đến thăm!)…

Tôi nghĩ, với những gì đã làm cho đời, cho Cách mạng, cho thơ, nhà thơ Đoàn Văn Cừ có quyền thảnh thơi yên nghỉ. Tôi cũng xin được coi những dòng này như một nén tâm hương cầu chúc cho nhà thơ siêu sinh tịnh độ.

(1) Mấy năm vừa rồi, trong những bức thư gửi cho chúng tôi, có đến mấy lần nhà thơ Đoàn Văn Cừ ghi câu thơ chữ Hán này như một danh ngôn: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ”. Đây là một câu trong bài thơ Thanh minh ngẫu hứng của Nguyễn Du, có nghĩa: tiếng hát nơi thôn xóm giúp ta học những tiếng, những lời nói về chuyện trồng dâu, trồng gai. Chúng tôi rất tiếc chưa kịp hỏi nhà thơ Đoàn Văn Cừ hồi đặt tên cho hai tập thơ của mình, ông có nghĩ đến câu thơ này không và dùng hai chữ thôn ca với nghĩa nào – H.D.
(2) Về ý này, mấy năm trước, nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh cũng có hai câu: Tháng năm xanh ai đốt – Tàn tro bay trắng đầu. Kể cũng hay, nhưng so với câu thơ Đoàn Văn Cừ thì không giản dị bằng – H.D.
(3) Nghe nói, từ chiếc này do nhà thơ Xuân Diệu chữa cho Trần Đăng Khoa. Có lẽ vì muốn giữ lại cái gì của mình, trong những bản in gần đây, câu thơ này được Trần Đăng Khoa sửa lại là: Cá cờ đớp nắng, động ria cánh bèo - H.D.
(4) Vĩnh biệt “nhà thơ thôn ca” Đoàn Văn Cừ, báo Quân đội nhân dân cuối tuần, 11-7-2004.