Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







PHẬT VÀ CHÚNG SINH





H ầu hết những người theo Đạo Phật đều cho rằng PHẬT là một vị thần linh, vì theo lời Kinh thì Phật "cứu độ cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới". Tất cả mọi sinh vật hữu tình đều là chúng sinh của Ngài, đều bình đẳng được cứu độ. Vì thế, bất cứ ai, cần gì, thì cứ thành khẩn cầu xin là sẽ được ban cho. Từ suy nghĩ đó, ta thấy khắp nơi đều tạc tượng Phật cho to, cho đẹp, rồi ngày mấy thời thắp hương đặt trước tượng Phật để cầu xin. Khi sống thì tăng phúc, tăng thọ, làm ăn thì gặp may mắn, gia đình hạnh phúc, an vui… Lúc chết thì cầu xin được rước về Tây Phương Cực Lạc. Quan niệm này đã ăn sâu vào các Phật Tử từ bao nhiêu đời nay, muốn thay đổi cũng không phải dễ. Nhưng theo chính Kinh thì Phật có hứa cứu độ cho mọi người hay không? Việc cứu độ đó diễn ra trong điều kiện nào? Làm sao mới được Phật cứu?

Trước khi bàn về sự cứu độ của Phật ta nên xem lại về cách hiểu Phật. Phật được hiểu theo hai cách: Với những người được gọi là Nhị Thừa thì đó là Thần Linh, có quyền ban ơn, giáng phúc, cứu khổ, ban vui. Với cách hiểu theo Nhất Thừa, đúng với Chính Kinh, thì Phật là tình trạng Giải Thoát mà mọi người đều có thể đạt tới, không chỉ riêng chư Phật quá khứ. Chính vì vậy mà Đức Thích Ca đã Thọ Ký: "Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành". Cho nên có đến Tam Thế Phật, tức quá khứ đã có người tu hành chứng đắc, thành Phật. Hiện tại, nếu ai hành đúng theo những gì được hướng dẫn theo Chính Kinh cũng có thể chứng đắc, thành Phật. Tương lai cũng thế. Con đường chúng ta đang bàn bạc theo đây gọi là NHẤT THỪA, tức là không nhìn Phật như Thần Linh, mà như một tấm gương và Kinh sách như di chúc, như bản đồ để chúng ta theo đó mà gặp được Phật của chính mình, và theo đường lối này, chúng ta lần theo những căn bản được hướng dẫn trong chính Kinh.

Ai cũng biết Đạo Phật đã được truyền từ rất lâu. Ngay thời Phật còn giảng dạy đã có 5000 người bỏ ra về không thèm nghe Phật giảng thêm vì cho rằng những gì họ hiểu đã đầy đủ. Ai cấm họ sau đó mang những hiểu biết nửa vời đó ra rao giảng? Rồi tiếp theo đó mỗi thời các chùa đều tung ra biết bao nhiêu giảng sư. Thậm chí đến nhà sách ta sẽ thấy cơ man nào là Kinh, sách... Người hiểu Đạo ít nhiều nếu có điều kiện thì giảng, luận Kinh Phật, rồi phát hành… Người sau không thể phân biệt đâu là Chánh, đâu là tà, đâu là người hiểu đúng, đâu là người hiểu sai, vì tất cả đều nhân danh Đạo Phật để giảng dạy! Ngay cả thời các Tổ, ta thấy như Lục Tổ được chính thức truyền Y, Bát chưa mở ra giảng thì Sư Thần Tú không được truyền Y Bát đã mở ra giảng trước cả 16 năm. Người theo học đông đảo không thua bên Lục Tổ đến nỗi người thời đó gọi là Nam NĂNG, Bắc TÚ. Cả hai bên đều có người kế tục nhau thuyết giảng, tu hành mãi đến tận ngày nay, đều dùng Kinh Phật để truyền bá Đạo. Đó là chưa kể đến các Tông. Nội Thiền Tông cũng đã có đến 5 phái: Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Động, Lâm Tế… đào tạo ra biết bao nhiêu Thiền Sư, Giảng sư? Vì thế, người sau chỉ còn biết trông cậy vào Duyên phận, may thì nhờ, rủi thì đành chịu!

Chỉ với lời Thọ Ký: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" chúng ta đã thấy Phật không phải là ngôi vị độc tôn, cũng không phải là thần linh, vì nếu như thế thì làm sao tất cả mọi người đều có thể vào được địa vị đó?

Điều thứ hai chúng ta cần xét là Phật đã Giải Thoát khỏi điều gì? Ngài đã làm gì để đạt được tình trạng Giải Thoát đó?

Muốn biết được điều này thì chúng ta cần quay về với lý do khiến Thái Tử Sĩ Đạt Ta phát tâm đi tu. Ai cũng biết là trong một lần đi dạo ở ngoại thành, lần đầu tiên Ngài trông thấy cảnh người Già, Bệnh, Chết làm cho xúc động mãnh liệt. Khi biết rằng tất cả mọi người, không từ ai, đều phải Sinh, Lão, bệnh, Tử, nên Thái Tử phát tâm muốn đi tìm cách thức để giải thoát khỏi quy luật này. Ngài đã rời khỏi hoàng cung và gia nhập với các nhóm tu đang thời, hy vọng họ sẽ tìm ra lời giải đáp, nhưng chỉ học được thần thông, phép màu, làm cho Ngài thất vọng. Cuối cùng ngài đã tìm ra đáp án sau 49 ngày đêm Ngồi Thiền Định dưới cội cây Bồ Đề.

Qua lời tuyên bố khi cho rằng mình đã hoàn toàn Giải Thoát. Ta thấy Đức Thích Ca đã tìm ra được thủ phạm đã làm ra ngôi nhà Sinh, Lão, Bịnh, Tử, và cho rằng kể từ đó hắn sẽ không xây được ngôi nhà Sinh Tử nữa. Điều Ngài tìm được gọi là Chân Lý Giải Thoát, và Ngài dùng cả cuộc đời còn lại để rao giảng chân lý đó. Đó là tóm tắt Đạo Phật và đạo này đã được 33 vị Tổ truyền nhau để giảng dạy cho đến khi Y Bát mất dấu thì mạnh ai nấy rao giảng tràn lan, hậu quả là cho đến thời này ta không còn thấy được người thật sự chứng đắc, chỉ thấy truyền nhau tạc tượng cho to, cất chùa cho hoành tráng để Thờ Phật, để cầu xin "được độ". Việc tu hành để thành Phật không còn nghe nói đến nữa! Như vậy, muốn quay về với đúng Chánh Pháp để thực hiện lời Thọ Ký thì ta buộc phải tìm hiểu "Thành Phật" là thành như thế nào? Phải làm gì để thành?

Xét từ lý do phát tâm của Đức Thích Ca thì ta thấy rằng "Thành Phật" không phải là thành một "ông Phật" có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp có thể cứu độ cả tam thiên đại thiên thể giới, mà chỉ là "thành tựu con đường Giải Thoát" cho bản thân người thành mà thôi. Và Giải Thoát đó, là giải thoát khỏi sự kềm tỏa của Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Nhưng người không tìm hiểu cho rõ thì đến đây sẽ gặp một mâu thuẫn lớn, vì ta sẽ giải thích thế nào, khi lý thuyết của Đạo Phật là để "Thoát" Sinh, lão, Bệnh, Tử trong khi chính người sáng lập là Đức Thích Ca cũng đã Già, đã Chết, đã trà tỳ? Đó là những gì mà những người Nhị Thừa, xem Phật như Thần Linh không dám bàn tới, vì nếu Phật thật sự là một vị Thần Linh lẽ ra phải "bất tử" mới đúng. Bản thân Ngài đã không "Thoát Tử" mà ta còn cầu xin Ngài độ cho mình thoát Tử sao được?!

Nếu có đọc chính Kinh ta càng thấy rõ hơn. Trong Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN, trong một lần Phật giảng pháp thì La Hầu La lơ đãng không nghe, viện lẽ mình còn nhỏ, tâm trí còn non nớt, để chờ lớn.

Phật hỏi: "Muôn vật vô thường, thân người khó giữ được, vậy ngươi có thể giữ được mạng ngươi đến lớn không?"

Hầu La trả lời: "La Vân con đây không thể giữ được, nhưng Phật há chẳng giữ giùm mạng con ư?"

Phật bảo: "Này La Vân, Ta còn không giữ được cho ta, huống chi là giữ giùm cho ngươi". (tr. 27)

Phật đã không giữ được cho mình, cũng không giữ được cho con, lẽ nào Ngài có thể giữ giùm cho ta. Bởi vì nếu Ngài đã cãi được quy luật thì Ngài còn đưa thuyết Vô Thường ra để nhắc nhở chúng ta làm gì?

Đức Thích Ca cũng sinh ra từ mẹ như mọi người. Truyền thuyết Ngài ra đời từ nách của Hoàng Hậu Maya đã được những nhà nghiên cứu soi rọi: Đó là vị trí mà người Ấn Độ Xưa dùng để nói về các thứ bậc trong xã hội. Vua, chúa, quan quyền thì sinh ra từ đầu, trán, nách. Thương gia thì sinh ở bụng. Thứ dân thì sinh ở chân. Chẳng phải là một sự linh thiêng huyền bí nào. Khi Đức Thích Ca đắc đạo, ra thuyết giảng rồi thì cũng sinh hoạt như một người bình thường. Nếu Ngài là thần linh hẳn đã hóa phép để có cơm cho mình và các đệ tử dùng. Trái lại, Ngài cũng "theo thứ tự đến từng nhà khất thực xong trở về tịnh xá, dùng cơm xong rồi, cất y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi" (Kim Cang). Nhiều lần Ngài cũng bị bịnh, Ngài Anan phải mang bát đi xin sữa. Cuối đời Ngài cũng bị "ngộ độc thực phẩm" do dùng bữa cơm cúng dường của Thuần Đà mà chết. Như vậy tại sao chết rồi lại trở thành linh thiêng, "cứu độ cả tam thiên đại thiên thế giới"? Vậy thì Ngài có cứu độ cho mọi người chăng? Cứu độ như thế nào? Cái Thoát Sinh Tử của Ngài là gì?

Đó là những gì cần xét lại về "Độ Chúng Sinh" của Đức Phật

Trước hết, một điều chắc chắn rằng chúng ta không phải là chúng sinh của Phật, vì muốn thành Phật thì phải "Độ tận chúng sinh". Đức Thích Ca đã "độ tận chúng sinh" nên Ngài mới thành Phật. Chúng sinh được độ thì đã thành Phật, đã về cõi Niết Bàn, không còn phiền não nữa. Nhưng chúng ta thì vẫn còn ở trần lao và phiền não dẫy đầy, nên không phải là chúng sinh của Phật.

Thứ hai: Chúng sinh và Cõi Phật đều ở trong Tâm, vì vậy Tu Phật được gọi là Tu Tâm. Tâm và cõi Phật là một, nên Kinh Duy Ma Cật viết: "Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh". Như vậy, cõi Phật không phải ở Đông Phương, Tây phương bên ngoài được. Vì nếu ở bên ngoài thì đó là của Phật khác.

Thứ ba: Chúng Sinh là gì thì Lục Tổ giải thích: "Chư Thiện tri Thức. Chúng sanh trong tâm mình tức là: lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là chúng sanh. Mỗi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mình mới gọi là thiệt độ".

Chính vì mỗi người đều có thể "độ" được cho chúng sinh của mình, cho nên Đức Thích Ca mới Thọ Ký: Tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành. Chúng sinh của mỗi người ở trong Tâm của mỗi một, nên người ngoài không thể Độ được. Chính vì vậy, Đạo Phật dạy phải Tự Độ. Nếu Đức Thích Ca đã "độ tha" được thì trước hết Ngài phải độ cho con ruột là La Hầu La và em là Anan. Nhưng tất cả họ đều phải tu hành chứng tỏ Ngài không có "độ tha". Vì thế, người cầu xin được "độ"là làm sai, do hiểu sai ý kinh, lời Phật!

Việc cứu độ cho "Tam Thiên Đại thiên Thế Giới" được hiểu như sau. Do thời xưa ngôn ngữ còn hạn chế Đức Thích Ca khó thể diễn tả được những suy nghĩ trong nội Tâm nên Ngài phải mượn cảnh bên ngoài để làm thí dụ. Con người thường bị BA ĐỘC, tức là THAM, SÂN và SI làm cho phiền não không yên. Từng sát na chúng ta khởi biết bao nhiêu tư tưởng loại này. Một kiếp sống thành ra vô số kể. Gần đây, các nhà tư tưởng học của Úc đã tính ra mỗi ngày một người sinh ra khoảng 50.000 tư tưởng. Nhưng từ cách đây mấy ngàn năm Đức Phật đã quán sát thấy điều đó và Ngài thấy số lượng tư tưởng (Ngài gọi là Chúng Sinh) nhiều như cư dân trong cả một nước. Vì có đến 3 chủng loại, nên Ngài gọi đó là Tam Thiên Đại thiên Thế giới. Phật của mỗi người có nhiệm vụ cứu độ cho tam Thiên Đại thiên thế giới của chính mình mà thôi. Phải "độ" cho tới hết thì mới được Giải Thoát. Do không còn những chúng sinh các loại đó nữa, nên gọi là "độ tận chúng sinh".

Nhưng nếu Chúng Sinh là tư tưởng thì chẳng lẽ "độ"hết những tư tưởng để còn cái tâm rỗng không như gỗ đá, gọi đó là "thành Phật" hay sao?

Kinh chỉ dạy "Trừ Vọng Tâm" hay là: "Trừ Tam Tâm" tức là Trừ Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Si - không phải là trừ Tâm quá khứ, hiện tại, vị lai… như nhiều người đã lầm nghĩ - để đầu óc trở thành trống rỗng như người vô hồn! Bởi vì Đạo Phật còn có Tứ Vô Lượng Tâm tức Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả phải thực hành. Ngoài ra, người tu còn phải có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp. Đâu phải tu để trở thành gỗ, đá, vô tri, vô giác, không còn làm ăn sinh sống, không còn phân biệt tốt, xấu, thiện, ác?

Vậy thì cái "Thoát Sinh Tử" của Đức Thích Ca phải hiểu như thế nào?

Phàm phu thì chấp Tướng nên phải Khổ vì Tướng. Những người thấy Cái Thân là Mình tức nhiên là sẽ phải khổ, vui, sống, chết với nó. Trong cảnh tạm sống trong cái Thân lại vì nó mà gây tạo biết bao nhiêu Quả xấu, rồi phải luân lưu để trả, thành ra Sinh Tử Luân Hồi. Đức Thích Ca biết rằng cái Thân của mỗi người thật ra chỉ là sự phối hợp của các Duyên cho Nhân Quả thể hiện trong một kiếp của cái Thân mà thôi. Hết Duyên, hết Nghiệp là cái Thân sẽ tan rã. Cái TA thật sự của mỗi người là cái CHÂN TÁNH vẫn song hành cùng cái Thân, nhưng không cùng sống, chết với nó, mà bất sinh, bất tử. Vì thế, người nào tìm về được với CHÂN TÁNH của mình, trụ ở đó, thì không còn phiền não, sống chết nữa, vì phiền não, sống, chết, là những Pháp diễn ra với cái Giả Tướng là cái Thân mà thôi. Do Đức Thích Ca không còn đắm nhiễm vào cái Thân nữa nên đã Thoát Sinh Tử, và bất cứ người tu nào khi chứng đắc cũng đều như đạt được như Ngài, nên gọi là Phật trước, Phật sau đều bình đẳng.

Tóm lại, Đạo Phật dạy "Cầu mà không Cầu", tức là cứ gieo Nhân Thiện thì đương nhiên Quả Lành sẽ đến. Không Phật nào có thể đưa ta về cõi Phật của các vị được. Đông Phương Tịnh Quốc hay Tây Phương Cực Lạc chính là ở Cõi Tâm của mỗi người sau khi cải tạo hết những chúng sinh xấu, ác. Hơn nữa, Đạo Phật là Đạo Nhân Quả mà ta cứ cầu xin thì khác gì những tín đồ của các tôn giáo hữu thần khác, vậy còn làm sao cho tôn giáo của mình là Chân Lý? Chính vì vậy mà một trong 4 điều Phật dặn dò là "Y KINH LIỄU NGHĨA, BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA", vì khi chưa Liễu nghĩa mà đã Y rồi thì dễ hiểu lầm phương tiện của Đạo Phật, biến Đạo Phật từ Nhất Thừa trở thành Nhị thừa, mình trở thành kẻ mê tín chỉ biết nương tựa, cầu xin, mà Kinh đã dùng thí dụ rất nặng: cho đó là những "Gã Cùng Tử", là con của trưởng giả mà không dám vào nhà cha để nhận gia tài, chỉ quanh quẩn hốt phân để kiếm ăn qua ngày! Đó là nói về những Phật Tử, là người có khả năng "Tự Độ" để tự mình "thành Phật" lại cứ cho rằng mình là Chúng Sinh của Phật, rồi chỉ biết cầu xin " được độ" thôi. Chúng Sinh của Phật thì Ngài đã "độ tận" rồi, còn chúng sinh của chúng ta không lẽ để cho chúng nó trầm luân trong bể khổ mãi? Đã tự xưng là Con của Phật mà không chịu nghe lời của cha, không thực hiện lời Thọ Ký, thì coi chừng không khéo mình trở thành kẻ "báng Phật, nhạo Pháp" mà không hay vậy.


(Tháng 6/2010)



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .