Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Trương Vĩnh Ký(1837-1898).







JEAN BAPTISTE PETRUS
TRƯƠNG VĨNH KÝ




C ụ Jean Baptiste Petrus Trương Chánh Ký, sau đổi thành Trương Vĩnh Ký, sinh ngày 06/12/1837 tại làng Vĩnh Thành, tỉnh Vĩnh Long, tự là Sĩ Tải, con quan Lãnh binh Trương Chánh Thi thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) và vua Thiệu Trị Triều Nguyễn.

Năm cụ lên 2, ông thân sinh cụ, quan Lãnh binh, sang công cán bên Cao Miên, rồi mất tại đấy. Cụ có người chị cả cũng mất sớm. Gặp lúc Pháp – Nam bất thân thiện, Đức Minh Mạng diệt tín đồ đạo Thiên Chúa, cụ chẳng vì lẽ con quan mà lọt khỏi vòng cơ hàn cực khổ. Cụ sống lây lất với người anh và người mẹ già.

Năm lên 5, cụ theo anh đi học chữ Hán ở một nhà Thầy Đồ trong làng (vì vậy sau này tuy thông hiểu Pháp văn và nhiều thứ tiếng và chữ châu Âu, cụ vẫn không bỏ cốt cách con nhà nho gia, xuất thân ở sân trình cửa Khổng).

Năm lên 9, cụ được một vị Linh mục, tục kêu là Cụ Tám, trước kia có nhờ ông thân sinh cụ cứu thoát chết, xin bà mẹ đem về nuôi, dạy cho chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ cùng các kinh sách đạo Gia-tô. Hai năm sau cụ được vào học trường thầy dòng bên Cao Miên. Nhân dịp này cụ được tiếp xúc với người Miên, người Lào và học tiếng nước họ. Cụ lại được Cụ Tám gởi theo Cố Long Gaspard học tập chữ La-tinh. Thời kỳ theo Cố Long Gaspard là thời kỳ gian truân nhất: Vua Minh Mạng muốn diệt đạo Gia-tô, sai tìm bắt các giáo sĩ và các tín đồ đạo Gia-tô. Hơn 4 năm trời cụ theo Cố Long Gaspard trốn tránh rất khổ sở.

Năm 14 tuổi, cụ được gởi qua cù lao Poulo Penang học thêm tiếng La-tinh và chuyên học tiếng Hy Lạp tại trường Delalma, một trường lớn của Công giáo có đủ học sinh Âu Á. Ở trường này cụ đã tỏ ra là một sinh viên xuất sắc, có thiên khiếu về ngôn ngữ và được giải thưởng nhờ một bài luận văn La-tinh. Vốn là người thông minh và hiếu học, lại được tiếp xúc với người nhiều nước, cụ nhân đây học thêm nhiều thứ tiếng khác. Khi ở cù lao Penang về, tính ra cụ thông được nhiều thứ tiếng, mà thạo nhất là các thứ tiếng: Pháp, Anh, La-tinh, Tây Ban Nha, Nhật và chữ Hán.

Năm về nước, cụ được 21 tuổi và phải chịu tang mẹ. Sau tang mẹ ít lâu, cụ lấy vợ người tỉnh Gia Định và lo viết sách soạn văn giúp ích đồng bào. Cụ cho in về Vương Quốc Khmer (1863), Chuyện Đời Xưa (1866).

Cụ tưởng như vậy kéo dài cái đời an nhàn được, nào dè vua Tự Đức lại nối chí cha diệt đạo nên xảy ra việc Phó thủy sư Rigault de Genouilly đánh phá cửa Hàn (01/09/1858) và Hạ Thành Sài Gòn (18/02/1859). Trong nước lúc ấy loạn lạc, mùa màng thất bát, nhân dân khổ cực, nên nhà vua mới cầu hòa với nước Pháp. Cụ Petrus Ký vì vậy bị lôi làm thông ngôn cho hai nước Pháp – Nam điều đình hòa ước 05/06/1862. Khi hòa ước ký xong, cụ xin về quê, nhưng cụ bị giữ lại làm thông ngôn tòa án và đốc học trường Thông Ngôn Sài Gòn.

Năm 1864, vua Tự Đức muốn chuộc lại 3 tỉnh Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), cụ phải sang Pháp với cụ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản làm thông ngôn cho nước Nam điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Tại Paris, cụ có giao du với các văn gia và khoa học gia địa phương như E. Renan, Paul Bert… Do đó, sau này cụ có chân trong các hội của Pháp như: Hội Nhân Chủng học và Khoa học miền Tây, Hội Ngôn ngữ học, Hội Địa dư Paris… Giới học thuật đương thời xếp cụ vào hàng thứ 17 trong các nhà thông thái toàn cầu. Cụ có sang yết kiến Đức Giáo Hoàng tại Roma.

Về nước cụ được bổ nhiệm làm giáo viên Đông Phương Ngữ, rồi Đốc học của trường Thông Ngôn và Hậu Bổ ở Sàigòn. Năm 1868, cụ xin từ chức tại các trường này. Kể từ tháng 08/1869, cụ làm chủ bút tại tờ Gia Định Báo, là tờ báo Việt ngữ đầu tiên với sự cộng tác của Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký. Cụ cũng trông coi luôn tờ An Nam Chính trị Xã hội. Năm 1874, cụ cộng tác với đại sứ Tây Ban Nha tại Trung Hoa và được nhận là hội viên Á Châu Hội. Năm 1874, đi công tác ở ngoài Bắc về, cụ có viết cuốn Voyage au Tonkin en 1876, cụ được cử vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn. Từ 1877 – 1885, cụ trước tác, phiên âm và phiên dịch một số sách và bài vở như: Chuyện Khôi Hài (1882), Grammaire De La Langue Annamite (1883), Petit Dictionnaire Francais Annamite (1884), Cours D'histoire Annamite 2 vol (1875-1877), Histoire de la Chine, Poème Kim Vân Kiều truyện transcrit pour la première fois en Quốc ngữ avec notes explicatives (1875), Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (1875), Hịch Quảng Định (1882), Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi (1882), Hịch Con Quạ (1883), Phép Lịch Sự Annam, Sách dạy chữ Nho, Sách dạy chữ Quốc Ngữ, Kiếp Phong Trần (1885).

Ngày 02/04/1886, thống đốc Bắc kỳ Paul Bert vừa sang nhậm chức ở Hà Nội đã đề cử cụ ra Huế giúp vua Đồng Khánh với chức Giám quan trong Cơ mật viện. Cuối năm ấy cụ trở về nhà ở Chợ Quán – Sàigòn. Năm sau cụ làm giáo sư ngôn ngữ Đông Phương tại các trường Hậu Bổ và Thông Ngôn. Cũng trong năm 1886 này cụ rút ra khỏi hoạn trường ở tuổi 50, để trong hơn 10 năm cuối đời tập trung toàn lực vào công việc trước tác; sống một cuộc sống thanh bạch, thiếu thốn, và trước khi qua đời để lại bài thơ tuyệt mệnh:

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gởi tên con mọt sách
Công danh rút cuộc cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chun bước
Bò sối côn trùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

Cụ bệnh mất tại tư thất ngày 01/09/1898, tức ngày 16/7 năm Mậu Tuất, hưởng thọ 61 tuổi. Cụ để lại 118 tác phẩm về ngôn ngữ và gần 20 cuốn sách đang soạn dở.

Về văn học, khoa học cũng như khảo cứu, cụ là một học giả cự phách của nước Nam ta hồi hậu bán thế kỷ 19. Cụ là một văn hào đầu tiên đề xướng việc dùng chữ quốc ngữ viết văn, ghi công đầu trong việc xây dựng văn xuôi quốc ngữ ở thời kỳ phôi thai.

CHỨC VỤ, HUÂN HUY CHƯƠNG

Không những Trương Vĩnh Ký là một nhà văn tiền phong của nền văn học chữ quốc ngữ, mà ông còn lạ một học giả rất nổi tiếng. Trong quá trình hoạt động, ông đã được nhận các chức vụ và huân huy chương:

· Nhận huy chương Dũng sĩ Cứu thế của Tòa thánh La Mã ngày 01/10/1863

· Năm 1871, được cử làm hội viên Hội Nhân Văn và Khoa Học vùng Tây Nam nước Pháp, Hội Nhân Chủng Học, Hội Giáo Dục Á châu.

· Năm 1874, được phong giáo sư ngôn ngữ Á Đông, vì Pétrus Ký đã thông hiểu 27 ngôn ngữ trên thế giới.

· Trong cuộc bầu chọn "Toàn cầu Bác học Danh gia" vào năm 1874, Pétrus Ký đã được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 "Thế Giới Thập Bát Văn Hào".

· Nhận huy chương Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha ngày 27/06/1886

· Trở thành hội viên Hội Chuyên Khảo về Văn hóa Á châu ngày 15/02/1876

· Trở thành hội viên Hội Chuyên Học Địa Dư ở Paris ngày 07/07/1878

· Nhận huy chương Hàn Lâm Viện Đệ nhị đẳng của Pháp ngày 17/05/1883

· Nhận Tứ Đẳng Long Tinh, Ngọc Khánh, Long Khánh của Nam triều ngày 17/05/1886

· Nhận Bắc Đẩu Bội Tinh Đệ ngũ đẳng của Pháp ngày 04/08/1886

· Nhận Hàn Lâm Viện Đệ nhất đẳng của Pháp ngày 03/06/1887

· Nhận Hàn Lâm Viện Đệ nhất đẳng của Hoàng gia Campuchea

· Vua Đồng Khánh ban cho ông chức Hàn Lâm Viện Thị Giảng học sĩ

· Vua Khải Định ban hàm Lễ Bộ Tham Tri

· Vua Bảo Đại ban hàm Lễ Bộ Thượng Thư

· Trước đây, tên của ông được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa đặt cho một ngôi trường Trung học lớn nhất miền Nam. Sau năm 1975, trường này được đổi tên là trường Trung học Lê Hồng Phong ở t/p Hồ Chí Minh.

· Hiện nay tại Tp.HCM cũng có một trường mang tên Trương Vĩnh Ký là trường THPT Tư thục Trương Vĩnh Ký, ở đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình, và tại quận Tân Phú cũng có một con đường lớn mang tên P. Trương Vĩnh Ký.