Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










TUỔI THƠ VÀ
TUỔI THIẾU NIÊN CỦA DOSTOIEVSKI

(1821-1881)





Kiến Thức Văn Học

(Trích NHỮNG MẨU RỜI DẤU ÁI Tập I) 
 

(Viết cho Âu Cơ, con gái đã đọc một cách say mê Tội Ác Và Hình Phạt khi chưa đầy 14 tuổi.)


N ăm 1812, chỉ 9 năm trước khi Dostoievski chào đời, vị Hoàng đế lừng danh nước Pháp, Napoléon đệ I, và cả đạo quân hùng hậu của ông đã bị tống khứ ra khỏi nước Nga trong cuộc chiến Franco-Russie (kéo dài từ 24/6/1812 đến 30/12/1812). Sự kiêu hãnh theo điều này lan tràn trong toàn thể nước Nga. Tại một hội nghị ở Vienne, Alexandre I, vị Nga hoàng trẻ tuổi đọc lên bài diễn văn ca ngợi cái chiến thắng vang lừng ấy. Dân chúng Nga trong cơn say sưa cao độ của lòng yêu nước đã tự cho rằng quốc gia họ hơn hẳn các nước Tây Âu.

Tuy nhiên, một sự thật vẫn xảy ra ở Nga là giai cấp nông nô còn hiện hữu và những luật lệ khắc nghiệt của giới quý tộc và giới tu hành vẫn cứ vững mạnh. Lớp dân chúng, đại đa số đều nghèo khổ và ngu dốt. Khái niệm về sự tự do cá nhân đã từ lâu ổn định trên các nước Anh, Pháp, Mỹ, thì lúc bấy giờ chỉ mới bắt đầu xâm nhập vào nước Nga.

Đó là một thời kỳ vô cùng rối loạn về thay đổi chính trị và xã hội ở Nga. Mọi người dân hầu như cảm nhận rằng quê hương họ đang sắp sửa bước vào một kỷ nguyên mới trên đủ mọi mặt (trước khi dẫn đến tột điểm cuối cùng hoàn toàn cắt đứt với quá khứ là cuộc cách mạng vô sản 1917 xảy ra gần một thế kỷ sau.)

Chào đời năm 1821, đúng vào thời điểm Púshkin bắt đầu bước lên đài danh vọng và Gogol còn chưa được ai biết đến, cũng là thời gian trị vì ngai vua của Alexandre I, Dostoievski đã sống trọn đời mình trong cuộc chuyển hướng đổi thay của vùng trời nơi ông được sinh ra tại đó. Ông rút tỉa những kinh nghiệm tận cùng trải qua từ cuộc xáo trộn quan trọng của quê hương, cho đến những đắng cay nghiệt ngã phải nhận lãnh trong số phận riêng để giới thiệu vào thế giới văn chương bằng một tài năng phong phú đã được Thượng Đế ban riêng như một thứ gia tài hiếm có. Từ thuở thiếu niên, sự bất hạnh của kẻ khác đã tạo nên trong ông một ấn tượng mạnh mẽ. Suốt cả cuộc đời về sau, “đau khổ” hiện hữu là chủ đề chính trong các tác phẩm lớn của ông. Đau khổ cần thiết phải có để làm thăng hoa cuộc sống. Đau khổ trở thành mật ngọt cứu rỗi linh hồn con người.

Được nhìn nhận bởi André Gide(1) là “văn hào vĩ đại nhất thế giới” và được Freud đặt để vị trí cạnh bên chỗ đứng Shakespeare(2), có thể nói rằng không tác giả nào viết về cá chất người Nga một cách hoàn hảo cho bằng Dostoievski, nhà văn lớn mà tính chất vĩ đại của văn chương ông không chỉ được công nhận riêng đối với dân tộc Nga mà còn đối cả với bên ngoài thế giới.

Dù rằng suốt gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi tiếng tăm Dostoievski lên tới tột đỉnh danh vọng, cuộc cách mạng chính trị và kinh tế rộng lớn đã chiếm chỗ trong toàn thể nước Nga, nhưng cái tinh thần Nga của người dân Nga được khám phá từ Dostoievski vẫn y như cũ.

Nếu muốn hiểu về dân tộc và dân chúng Nga, người ta phải đọc văn chương Dostoievski, bởi không có gì thâm thúy và chính xác hơn trên vấn đề này ngoài nguồn cội ấy. Và cũng hơn tất cả mọi nhà văn Nga khác, Dostoievski chính là “một người Nga” thuần túy. Một người Nga nguyên thủy trên cả hai nghĩa đen và bóng của từ ngữ này.

[]

I.

Dostoievski là một nhánh trong một họ tộc quí phái cổ kính xứ Lithuanie, một vùng thuộc Nga, nằm về hướng tây-bắc nước Nga.

Cái họ Dostoievski phát sinh từ chữ “Dostoyny” có nghĩa là “giá trị” hay “xứng đáng”. Hậu duệ của dòng dõi này được gọi là “Dostoyniki” (“những người giá trị của Hoàng thân”).

Cùng gốc rễ còn có Dostoyevo, tên một tỉnh lỵ cách chừng 50km về phía Pinsk (chỗ hợp lưu của các dòng sông Pina và Pripyat, nằm ở vùng cận đông của kênh đào và cũng là hải cảng quan trọng Dneprovsko-Bugski), trong đó bây giờ chỉ toàn người Bạch Nga sinh sống. Năm 1506, một tiền nhân nhiều đời của nhà văn, Danila Ivanovich Irtish, được vị hoàng thân địa phương ân thưởng cho một phần đất của tỉnh, và người cháu nội vị tiền nhân này đã đổi họ thành ra Dostoievski.

Ngay thời ấy, người Lithuanie đã bị ảnh hưởng người Ba Lan rất nhiều, nhưng về sau, nhà văn luôn luôn nhấn mạnh sự phân biệt: “Dòng tộc Dostoievski là người Lithuanie chứ không phải Ba Lan. Lithuanie và Ba Lan là hai xứ sở hoàn toàn khác biệt.”

Tuy nhiên, các ranh giới địa lý và tôn giáo giữa Lithuanie và Ba Lan thì liên tục ở vào tình trạng thay đổi.

Cuối thế kỷ 16, những phần tử trong dòng tộc Dostoievski có thể được tìm thấy ở Lithuanie, Ba Lan và Nga. Đây là thời kỳ náo động dữ dội: sự xung đột giữa Nga và Ba Lan xảy ra không ngớt, và một cuộc chiến đấu cuồng điên đau khổ liên tiếp tiến hành giữa người Nga Chính Thống giáo và Ba Lan Thiên Chúa giáo.

Các nhánh của họ tộc Dostoievski có mặt trên cả hai phía và đạt những kết quả khác nhau. Phía Ba Lan Thiên Chúa giáo dành được địa vị trong hàng ngũ chính quyền cao cấp, còn phía những người Dostoievski Chính Thống giáo lại rơi vào tình trạng sống tồi tệ. Vài lý do cho sự sút kém này có thể được tìm thấy trong những tập hồ sơ pháp lý của thời ấy.

Đặc biệt, dòng tộc Dostoievski bị mang tiếng xấu về cách cư xử hung tợn. Có vài tội ác vang dậy khắp vùng. Ví dụ, ngày 14/10/1606, Marina Stefanovna Dostoievskaya nhử người chồng, Stanislav Karlovich, tới căn nhà tắm trong trang trại của họ. Khi ông này xuất hiện bèn bị ngay một người đầy tớ bắn bị thương. Máu chảy lênh láng, Stanislav lớn tiếng cầu cứu nhưng không thấy ai chạy đến. Ông vừa đi vừa vấp té về phía căn nhà chính, nhưng vợ ông đã cài chốt cửa lại. Ông đứng ngoài trời, cầu  xin được vào, bất thần lại bị người đầy tớ tấn công lần nữa –lần này bằng gươm. Còn bà vợ Marina Dostoievskaya lại rít lên với người đầy tớ: ‘Đưa ông ta xuống địa ngục đi!’ Ông chồng gục chết. Những con chó, những con heo vây quanh cái xác. Còn Marina thì giấu kẻ sát nhân trong vựa thóc. Vài ngày sau đó, người ta thấy tên đầy tớ này đứng kế bà chủ trong buổi tang lễ của chồng.

  Những tài liệu hợp lý khác lại nói lên các cuộc phiêu lưu đầy máu của những người trong dòng tộc Dostoievski tại các vùng đất láng giềng; hoặc cái ý muốn nung nấu sự chiếm lấn của họ trên tài sản thuộc chính quyền và giáo hội.

Tuy nhiên, giống như sự diễn tả về sau trong các tiểu thuyết của nhà văn, cũng đã có sự xuất hiện của những khuôn mặt thánh thiện. Vào đầu thế kỷ 18, Akindy Dostoievski là tu sĩ trong một tu viện đáng tôn kính ở Kiev.

Từ thế kỷ 17, những người Dostoievski Chính Thống giáo đã đến định cư tại Volhynia, xứ Ukraine. Do những tiêu xài quá độ mà họ bị mất hết tiền bạc, tài sản.

Nhà văn tương lai xuất thân từ một gia đình công chức nghèo khổ. Cả hai phía ông cố và ông nội đều là tu sĩ trong giáo hội Uniat Ukrainian ở Bratslava, một tỉnh thuộc vùng Podolsk của Ukraine. Tại đây, ông Mikhail Andreyevich Dostoievski (cha của nhà văn) được chào đời năm 1789.

    II.

Trong thế giới văn chương, có vài người cha của các nhà văn được đề cập tỉ mỉ với tầm vóc quan trọng, nhưng không ai từng gợi hứng cho các cuộc bàn cãi nhiều như ông Mikhail Andreyevich (cha của Dostoievski). Nói về ông, người ta nghĩ ngay đến hai luồng dư luận đối nghịch dữ dội:

1/ Từ Lyubov Dostoievskaya, con gái nhà văn, diễn tả ông nội giống như một bạo chúa chuyên chế trong gia đình, tính tình keo kiệt bủn xỉn, say sưa, dữ tợn và trụy lạc.

2/ Từ Andrei Mikhailovich Dostoievski, em trai nhà văn, nói về cha như một người biết yêu thương gia đình, dẫu tính khí bất thường, mau nổi nóng, nhưng lại có từ tâm.

Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu để lại, bác sĩ Dostoievski rõ ràng là một người phức tạp với những dấu nét xung đột cá nhân. Vẻ bề ngoài buồn sầu, ảm đạm, lầm lì ít nói, tính nết đa nghi, khó chịu, ông cũng lại là một người can đảm, đầy nghị lực, không ngừng nghĩ đến vợ con và sâu xa tận tụy vì họ.

Giống như cha và ông nội, năm 15 tuổi, ông Mikhail Andreyevich Dostoievski được chỉ định đi vào con đường tu hành. Những năm tháng trải qua ở tu viện trong Kamenets-Podolsk đã cho ông một nền giáo dục tốt, đặc biệt về ngôn ngữ và văn chương.

Nhưng khác với tiền nhân, ông Mikhail cảm thấy không có tiếng gọi thiêng liêng tuôn chảy trong hồn. Do đó, lúc 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp tại tu viện Kamenets-Podolsk, thay vì tiếp nhận chức vụ linh mục, ông lại bỏ trốn, thẳng đường đến Moscow học về thuốc. Cuộc tan vỡ gia tộc rõ ràng bi thảm. Về sau, ông thất bại trong việc nối lại giao hảo với gia đình. Cũng vì thế mà không ai trong số các con ông từng biết được những họ hàng phía bên nội.

Mùa thu năm 1809, (một phần do bởi sự trôi chảy trong tiếng Latin), ông Mikhail Andreyevich Dostoievski được cấp một học bổng tại trường Y Khoa Phẫu Thuật Hoàng Gia Moscow, nơi đào tạo những y sĩ giải phẫu cho lục quân và thủy quân. Hầu hết sinh viên tại đây đều trẻ tuổi, xuất thân từ những gia đình trung lưu hay bình dân. Thời gian này thật khó khăn cho Mikhail Andreyevich. Ông không có phương tiện, lại chẳng quen biết ai; nhưng với ý chí bất khuất, ông cố gắng tối đa để luôn luôn đạt tới vị trí dẫn đầu trong chương trình học.

Cuộc xâm lăng của Napoléon năm 1812 kết thúc sự học của Mikhail Andreyevich. Ông bị gửi ra tiền tuyến. Trong trận Borodino, Mikhail Andreyevich làm việc tại một bệnh viện dã chiến. Mùa thu năm đó, ông nổi bật trên vai trò phục vụ hăng say và can đảm trong cuộc tản cư hơn ba mươi ngàn thương binh khỏi Moscow. Về sau, ông tham gia chiến dịch chống lại chứng thương hàn khi ấy đang lan tràn trầm trọng trong nhiều tỉnh.

Sự tận tình của Mikhail Andreyevich Dostoievski trong vô số các vụ phẫu thuật, những cảnh tàn phá dữ dội nhìn thấy hằng ngày trong thời kỳ chiến tranh đã để lại dấu ấn nặng nề trên cá chất ông. Ông thường xuyên gay gắt, nghiêm khắc và rất hiếm khi cười. Tuy nhiên, sự chuyên cần và nhiệt tâm đã dẫn Mikhail Andreyevich đến những thăng tiến vững vàng trong nghề nghiệp. Năm 1813, ông được ban thưởng chức vụ bác sĩ chính thức, và năm 1818, được chỉ định làm giám đốc bác sĩ trưởng tại Quân Y Viện Moscow.

Năm 1819, ông cưới một cô gái 19 tuổi tên Maria Fyodorovna Nechayeva làm vợ. Khi đứa con đầu lòng chào đời, để có được một đời sống ổn định, gần cuối năm 1820, ông đệ đơn xin giải ngũ.

♣♣

Tính tình hoạt bát vui vẻ, Marya Fyodorovna là con gái  của Fyodor Nerchayev, vị thương buôn giàu có ở Moscow nhưng đã mất gần hết tài sản trong cuộc xâm lăng năm 1812 của quân đội Napoléon.

Giống như nhiều người trong gia đình, bà cũng có khiếu âm nhạc và duy trì mối ưa thích sâu xa về văn chương nghệ thuật trong tâm khảm. Ông ngoại bà, Mikhail Kotelniski, là người có kiến thức rộng, ham đọc sách, hành nghề sửa bản in thử tại cơ quan Báo Chí Giáo Hội trong Moscow. Người chú tên Vasily Kotelniski là giáo sư y khoa của trường Đại Học Moscow. Khi bà được 13 tuổi, mẹ chết. Một cô gái trẻ tên Olga Yakovlevna vào thay thế vai trò người mẹ. (Trong nhiều năm sau, bà dì ghẻ này không nhận được sự đón tiếp ấm áp của gia đình Dostoievski).

Cuộc hôn nhân với Mikhail Andreyevich Dostoievski không nẩy sinh từ lý do tình cảm. Là con gái một thương buôn bị phá sản, Marya Fyodorovna chỉ đơn giản nghĩ đến việc lấy chồng như một sự nương tựa vào người đàn ông có thể bảo bọc cho mình. Bà chị lớn tên Alexandra được nhiều may mắn hơn trên phương diện này; bà lấy một thương buôn rất giàu tên Alexandre Kumanin. Về sau, bà cũng là mẹ đỡ đầu của tất cả các đứa con nhà Dostoievski. Nhưng dẫu với điều này, mối liên hệ giữa hai gia đình vẫn gượng ép. Vị bác sĩ kiêu hãnh xem sự trợ giúp tài chánh của bà chị vợ cho gia đình ông giống như một sự sỉ nhục, và cậu con nhà văn tương lai lại có chút coi thường đối với “những vị chủ quán đáng thương” này. (Dù vậy, ở vào tuổi thanh niên, mỗi khi túng tiền, gia đình Kumanin lại là những “quý nhân” quan trọng của chính Fyodor Dostoievski).

Cũng nhờ ảnh hưởng họ hàng của Marya Fyodorovna mà từ năm 1821, bác sĩ Mikhail Andreyevich Dostoievski được nhận vào làm việc trong bệnh viện Mariinskaya được dựng nên khoảng giữa 1803-1806, dưới quyền bảo trợ của Hoàng hậu Nga.(3) 

            III.

Mariinskaya là bệnh viện dành riêng cho người nghèo, tọa lạc tại một trong các vùng dơ bẩn tồi tàn nhất ở ngoại ô Moscow. Cặp vợ chồng trẻ xây tổ ấm trong tòa nhà bên phía phải của bệnh viện.

Nơi đây, Fyodor Mikhailovich DOSTOIEVSKI chào đời ngày 30/10/1821.

Vài năm sau, gia đình dời sang tòa nhà phía trái và lưu trú trên tầng lầu nhìn ra đường phố. Trong khoảng không gian cô lập xa rời những bệnh nhân lao phổi của bệnh viện, cắt đứt hẳn với thế giới bên ngoài, thời thơ ấu của Dostoievski đã trải qua.

Vùng đất chung quanh cũng chẳng mấy gợi nên bao nhiêu thích thú. Dân chúng không tùy thuộc vào xứ đạo. Đàng sau bệnh viện là nhà xác, nơi dung thân cho những tên du thủ và cướp bóc. Gần đó là một trạm dừng của những phạm nhân bị chuyển đi Tây Bá Lợi Á. Bên ngoài cửa sổ phòng khách, thỉnh thoảng vẫn có các người tù khổ sai kéo lê mệt nhọc tấm thân còm cõi dọc dài con đường Novya Bosyedomka trên chuyến lưu đày khổ sai của họ.

Phần đen tối của cuộc đời được nhìn thấy rất sớm dưới đôi mắt Dostoievski.

Trong căn nhà thời thơ ấu, nhà văn thường xuyên chứng kiến cảnh tượng ảm đạm về sự đau khổ, nghèo khó và sự chết.

Cũng từ tuổi nhỏ, Dostoievski đã học cách cưu mang sự đau khổ sâu xa bên trong tâm hồn mình.

Người anh cả Mikhail, lớn hơn một tuổi, và cô em gái kế Varenka lại nhỏ hơn Dostoievski một tuổi.(4) Riêng Andrei, em trai nhà văn, lại có một tầm quan trọng cho giới học giả bởi những hồi ký ông viết về thời thơ ấu của đám trẻ nhà Dostoievski. Ngoài những thư từ liên lạc giữa Fyodor và cha mẹ, tập hồi ký của Andrei đã soi sáng rất nhiều những diễn biến trong thuở thiếu thời của nhà văn.

Nơi cư trú của gia đình Dostoievski tương đối khá rộng. Đó là một căn chung cư dính liền với nhà thương Mariinskaya, dành riêng cho nhân viên bệnh viện. Từ ngoài bước vào là một tiền sảnh nhỏ, ban ngày dùng làm nơi khám bệnh tư của bác sĩ Dostoievski, ban đêm là chỗ ngủ của Mikhail và Fyodor, hai cậu con trai lớn. Kế tiếp là phòng khách rộng có ba cửa sổ nhìn ra sân và hai cửa sổ khác nhìn bao quát khắp đường phố. Phòng đọc sách cạnh bên, hơi nhỏ hơn phòng khách và cũng có những cửa sổ nhìn ra đường phố. Nơi đây, bác sĩ Dostoievski từng dạy những buổi học Latin cho hai người con lớn và hằng buổi chiều, cả nhà quây quần lại, đọc sách cho nhau nghe. Đàng sau phòng đọc sách là phòng ngủ rộng, ngăn ra làm hai buồng nhỏ bằng một bức tường thấp, một căn dành cho hai ông bà Dostoievski, căn còn lại là chỗ ngủ của các người con nhỏ.

Với quá trình giai cấp tu sĩ nghèo khổ, và lúc bấy giờ, từ sáng đến tối chỉ toàn nhìn thấy sự nghèo khó, bác sĩ Dostoievski không ngừng bị ám ảnh bởi sự sợ hãi nghèo khổ. Đầu óc ông lúc nào cũng lởn vởn ý tưởng làm sao để đưa gia đình lên một địa vị đáng tôn kính hơn trong xã hội. Cuộc tranh đấu thật gay go. Trong vai trò bác sĩ tại bệnh viện Mariinskaya, lương của ông chỉ được vài trăm rúp một năm; có những lần ông phải vay trước mới đủ cho gia đình xoay sở. Tuy nhiên, ông được cho phép chữa bệnh riêng ngoài giờ làm việc và thu được một số lợi tức kha khá.

Để phù hợp với địa vị bác sĩ, ông đã tậu một chiếc xe bốn ngựa và thuê được 7 người hầu phục vụ trong gia đình. (Nông nô ở Nga thời ấy đầy dẫy và thuê giá rất rẻ. Một gia đình khá giả thường có khoảng 60, 70 nông nô.)

Theo từng ngày, nghề nghiệp của bác sĩ thăng tiến. Các huân chương “vì những phục vụ đặc biệt” thường xuyên được trao vào tay ông. Cuối cùng, ông đạt tới chức giám đốc bác sĩ trưởng bệnh viện Mariinskaya. Cho đến tháng 4/1828, ông nhận huy chương hạng ba và được đề cử lên hàng hội viên hội đồng y khoa trong toàn nước Nga. Điều này tạo cho ông cái quyền ngang hàng với giới quý tộc trong hệ thống giai cấp ở Nga. Không bỏ lỡ cơ hội, bác sĩ vội vã đệ đơn lên triều đình. Vì vậy, ngày 28/6/1828, tên của ông cùng hai người con lớn (Mikhail và Fyodor Dostoievski) được ghi vào hàng danh sách giới quý tộc cha truyền con nối ở Moscow.

            IV.

Đám trẻ bắt đầu sự học của họ vào tuổi lên bốn. Người mẹ dạy các con những mẫu tự Nga xuyên qua quyển Cựu Ước & Tân Ước. Một cách tự nhiên, Thánh Kinh là quyển sách quan trọng nhất trong lối giáo dục của gia đình Dostoievski.

Là một phụ nữ thụ động, bà Dostoievski hiện thân cho kiểu mẫu dịu dàng, hy sinh, tôn kính chồng và lúc nào cũng chỉ quanh quẩn trong nhà. Bà rất sùng đạo Thiên Chúa. Fyodor học được lòng sùng kính này từ khi thơ ấu vẫn quỳ bên gối mẹ mà nghe giảng giải. Nhà văn luôn giữ trong tim hình ảnh mẹ như một thiên thần vừa giang rộng đôi cánh bay vừa cất lời hát: (5)

          “J’ai le coeur tout plein d’amour,
          Quand l’aurez-vous à votre tour?”

          (Tôi có trái tim đầy tình tự.  
          Còn em, đến bao giờ mới được điều trên?”

Ngoài ra, đám trẻ còn được ban cho những bài học rút từ quyển sách phiên dịch từ tiếng Đức: Một Trăm Lẻ Bốn Câu Chuyện Các Thánh Chọn Lọc Từ Cựu Ước Và Tân Ước Dành Cho Trẻ Em. Quyển sách to lớn này, một gạch chéo giữa các câu chuyện trong Thánh Kinh và sách giáo lý, được đòi hỏi thuộc lòng. Sự sáng tạo thế giới, hai vị thủy tổ Adam và Eva trong vườn Địa Đàng, Cơn Đại Hồng Thủy, cuộc phục sinh Lazarus... là những nguyên ủy đầu tiên về đạo Thiên Chúa mà Dostoievski đã học được và về sau chiếm một vị trí rất lớn trong văn chương ông.

Không dữ kiện quan trọng nào trong gia đình Dostoievski lại không được mở đầu bằng một cuộc thánh lễ. Do đó, lòng mộ đạo của Fyodor khai mở rất sớm.

Ngay cả trước khi biết đọc, Fyodor đã bị xúc động sâu xa bởi các huyền thoại về đời sống những vị thánh trên con đường tu khổ hạnh đi đến cùng Thượng Đế với tấm lòng trắc ẩn vị tha. Trên hết, Chúa Jésus là kiểu mẫu trong sạch, hy sinh hoàn hảo nhất. Ngay từ tuổi nhỏ cho đến mãi về sau, nhà văn luôn bị mê hoặc bởi hình ảnh cao thượng của Đấng Cứu Thế. Ngoài ra, quyển sách của thánh Job, một bi kịch tôn giáo, cũng đã mang một tác động to lớn.

[Trước khi chết, Dostoievski đã viết cho vợ những lời này: “Anh đọc Job và bị đau đớn đến độ ngây ngất. Anh đặt sách xuống, đi vòng vòng quanh phòng nhiều giờ. Điều duy nhất anh có thể làm là giữ cho mình khỏi khóc. Thật lạ, Anya à, đó là một trong những quyển đầu tiên làm xúc động anh sâu xa khi anh mới chỉ là một đứa trẻ”.]

Khi đám trẻ còn bé, một thầy giáo tư được mời tới dạy kèm cho họ. Anh em Dostoievski đặc biệt giỏi tiếng Pháp và ông cha bác sĩ tỏ ra rất kiêu hãnh khi họ vinh danh ông với lòng kính trọng bằng tiếng Pháp trong ngày lễ tên thánh của ông.

Với bác sĩ, phương tiện thu thập hiểu biết hay ho hàng đầu chính là sự đọc sách. Do đó, ông không ngừng rèn luyện các con sự ý thức quan trọng của việc tự kỷ và lao động đầu óc.

Riêng hai cậu con trai lớn, bác sĩ thường lưu ý họ –như một tấm gương sáng- về vị tu sĩ trong bệnh viện, người đã hoàn thành tốt những cuộc thi vào đại học, xong kết luận: “Tưởng tượng các con ta mà làm được thế, ta hẳn sẽ chết trong an ổn.”

Những lời này của ông đã là nguyên nhân thúc đẩy và làm tăng trưởng ước muốn thành công trong hai người con lớn.

[Dostoievski viết trong tác phẩm Tuổi Trẻ Trinh Nguyên rằng: “Từ khi tôi bắt đầu biết mơ mộng, ngay thuở ấu thời, kéo dài trong mọi hoàn cảnh sống về sau, tôi không làm việc gì mà không tưởng nghĩ đến câu nói ấy của cha tôi.”]

Bác sĩ tỏ ra rất gắt gao trong việc học của đám con, đặc biệt với Mikhail và Fyodor. Trong các ngày nghỉ lễ, ông cũng buộc họ phải chu toàn các bài toán hình học để thì giờ khỏi bị lãng phí. Tệ hơn cả là các bài học Latin do chính ông dạy cho hai con.

[Trong tập hồi ký, Andrei Mikhailovich đã minh họa được một bức vẽ sống động về người cha khí chất nóng nảy: “Các anh tôi luôn sợ hãi những buổi học Latin, thường kéo dài khoảng một giờ,    hay hơn chút nữa. Họ chẳng dám ngồi và cả không dám tựa tay lên mặt bàn. Họ phải đứng thẳng giống như những tượng đá, khi đến lượt ai thì người ấy cúi đầu trả bài ‘mensa, mensae’ hoặc cùng đọc to ‘amo, amas, amat’ (...)

Dù rằng tốt tính, cha cũng là một người cực kỳ không kiên nhẫn. Trên tất cả, ông mau nổi nóng. Nếu chẳng may trong lúc trả bài mà các anh vấp phải một lỗi nhẹ nhất, cha cũng la thật lớn, gọi họ là đồ khùng điên lười biếng. Trong cơn giận cao độ, dù ít khi xảy ra, ông ngưng ngang bài học. Điều này phải kể là tồi tệ hơn bất cứ hình phạt nào.”(6) Với Fyodor, các bài học Latin lại là đặc biệt khó. “Họ cười vào tôi bởi vì tôi không thể theo kịp anh tôi”, nhiều năm sau, nhà văn viết.]

  V.

Gia đình Dostoievski không bao giờ viếng thăm ai hoặc chấp nhận khách đến thăm viếng. Con cái cũng chẳng được cưng chiều âu yếm hoặc để cho tự do phóng túng. Tất cả đều rất kỷ luật, thận trọng và ý tứ đối với mọi người lẫn thực trạng sống chung quanh.

Ngoài vài đứa trẻ gia đình các nhân viên cùng cư ngụ chung trong khu bệnh viện, anh em Dostoievski không có bạn chơi cùng tuổi và cũng gần như không liên lạc với thế giới bên ngoài. Có một cô gái nhỏ 9 tuổi, bạn thân nhất của Fyodor, một ngày kia được tìm thấy bị hiếp trong sân bệnh viện. Cô chết ít lâu sau đó. Biến cố kinh khủng này làm thành một ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn nhà văn và sẽ trở đi trở lại mãi trong các tác phẩm của ông về sau.

Bác sĩ Dostoievski cố gắng giữ không cho đám con đến gần những bệnh nhân và không bao giờ cho phép họ ra khỏi bệnh viện mà không có sự đồng hành của người hầu hay cha mẹ. Mãi đến năm 16 tuổi, Fyodor đi đâu cũng có người lớn kèm theo một bên. Nhưng khi đám trẻ lén trốn đi đến chơi nhà chị người làm Maria Grove đáng yêu, cư ngụ phía đàng sau bệnh viện, hai người con lớn luôn dẫn đầu các trò tinh nghịch.

Tính tình Fyodor đặc biệt nóng nảy. Cha mẹ gọi ông là “đứa bộp chộp”. Ông bị tiếng ngoan cố và hay thề thốt. “Từ từ nào, Fedya, nếu không con sẽ bị mắc vào điều ấy”, cha ông thường cảnh giác. “Rồi sẽ thấy, con phải kết thúc cuộc đời bằng cái mũ đỏ mà thôi!” Vị bác sĩ, tiên tri một cách vô thức khi ám chỉ đến những cái mũ đỏ các người tù lao dịch phải đội trong trung đoàn khổ sai ở Sibérie.

Tuy nhiên, cái thế giới nhỏ bé thân mật với những luật lệ bất biến trong gia đình; đàng sau cánh cổng rào khu vườn bệnh viện có những bệnh nhân mặc áo ngủ, đội mũ ấm, vừa tản bộ vừa trò chuyện; các lời kể về Con Chim Lửa và Chàng Ivan Tsarevich của cô y tá Lukerya; buổi lễ nhà thờ ngày Chủ Nhật dài thậm thượt phải đứng suốt và các buổi đọc sách ban đêm trong gia đình... tất cả đã chính là những hình ảnh tổng hợp, kết nên thời thơ ấu của Dostoievski. Ông gìn giữ kỷ niệm về bà vú già to lớn tên Alyona Frolovna đã dạy lời cầu nguyện cho ông khi lên ba tuổi. Ông tích trữ hình ảnh những cuộc dạo chơi mùa hè trong rừng Mary, các cuộc hành hương hằng năm tại tu viện St. Trinity Sergius ở ngoại ô Moscow, lối kiến trúc ngôi giáo đường Kremlin trang trí đẹp đẽ, giọng hát thánh lễ và vô số khách hành hương... như những gia sản êm đềm quý báu.

Chân dung Dostoievski là “nhà văn của giới nghèo, xuất thân trong một gia đình gần như vô sản” thì không có nền tảng vững chắc.

Giống như hầu hết các nhà văn Nga thế kỷ 19, Dostoievski cũng là một người quý tộc. Tuy nhiên, tính quý tộc của gia đình ông chỉ đứng vào một hàng ngũ thấp hơn so với giai cấp thượng lưu cổ kính mà Tolstoi và Tourgueniev đã thuộc vào. Sự chiến đấu của bác sĩ Dostoievski cho địa vị xã hội của gia đình, chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong sự thấm cảm của chàng tuổi trẻ Fyodor về những phân việt giai cấp trong xã hội Nga thời ấy. Những nhận thức tinh tế về nỗi đau khổ của giới người hèn kém –-không phải bắt nguồn từ sự nghèo khó mà chính từ những sỉ nhục phải nhận lãnh từ giới quyền thế-- đã sớm trở thành mối đau khổ lớn của Fyodor Dostoievski.

Nhưng nói chung, giữa ông bà bác sĩ và các nông nô có một quan hệ tốt. Trong tất cả các người hầu, Alyona Frolovna là quan trọng nhất với Fyodor. Vóc dáng cao lớn, béo mập, tâm hồn khoáng đạt, bà ở với ông bà Dostoievski từ khi hai người mới cưới nhau. Năm Fyodor lên ba tuổi, chính bà đã dạy cho cậu câu kinh đọc mỗi đêm trước khi đi ngủ “Lạy Mẹ Maria, tất cả những hy vọng của con đều đặt vào Mẹ. Xin cho con được nương tựa dưới sự che chở của Mẹ.”

[Dostoievski không bao giờ quên câu kinh này. Ông nhắc mãi trong suốt cuộc đời và dạy lại cho các con mình. “Tôi xuất thân từ một gia đình Nga”, ông nói trong tuổi thanh niên, “chúng tôi biết Kinh Thánh ngay từ cái nôi thơ ấu.” Sau vụ cháy tiêu tan tòa thái ấp Darovoyo của gia đình Dostoievski năm 1832, bà Alyona đã sốt sắng dâng biếu cho chủ nhân toàn thể số tiền tiết kiệm của bà: “Xin hãy nhận số tiền hèn mọn này. Tôi không có nhu cầu để tiêu dùng nó.” Dostoievski cũng không bao giờ quên dữ kiện này. Về sau, nhà văn biểu dương Alyona như một điển hình sáng chói của giới bình dân Nga, những người được trui rèn bởi lý tưởng Thiên Chúa giáo.]

Những bà vú thường xuyên thay đổi đã đóng một vai trò quan trọng với đám trẻ nhà Dostoievski. Tài năng những phụ nữ này được phơi bày rõ qua các câu chuyện thần tiên. Khi tiếng kể bắt đầu, đám trẻ bị cuốn hút bởi sự sợ hãi pha lẫn hoan hỉ. Căn phòng không một tiếng động, chỉ âm thanh duy nhất được nghe là tiếng sột soạt của cây bút trong tay bác sĩ bên phòng kế cận; (ông đang viết những toa thuốc và giấy khai tử cho bệnh nhân). Dưới ảnh hưởng của các người đàn bà nhà quê, chuyện dân gian là cái mốc gặp gỡ đầu tiên giữa Fyodor và nghệ thuật kể chuyện.

“Ba tuổi, tôi đã được nghe những chuyện thần tiên không thể nào quên được.”

Sự thích thú của Fyodor trên lãnh vực này càng tăng trưởng sâu đậm hơn qua cuộc thăm viếng của gia đình trong buổi hội ở Shrovetide. Tại đây, nhà văn nhìn thấy ca kịch dân gian thật sự của người Nga với những con gấu nhảy múa, những con khỉ được huấn luyện diễn trò, các anh hề vui nhộn, các người đàn ông khỏe mạnh đi trên hai chiếc cà khêu. Khi trở về, ông nhắc lại mãi một cách thật linh hoạt tất cả những gì nhìn thấy.(7)

Tuy nhiên, các cuộc đi chơi tập thể không mấy khi xảy ra. Trong một dịp duy nhất, bác sĩ đem đám con đến nhà hát xem trình diễn kịch phẩm Những Kẻ Cướp của Schiller do đại diễn viên Mochalov thủ vai chính.

[Kịch phẩm được xem khi Fyodor lên mười lại là nguồn cảm hứng tương lai cấu tạo nên Anh Em Nhà Karamazov: “Ấn tượng mạnh mẽ từ kịch bản này về sau đã có một hiệu quả sâu đậm trên sự      khai mở tinh thần của tôi. Tôi luôn luôn ngưỡng mộ Schiller kể từ thuở ấy”, nhà văn viết lúc gần cuối đời.]

... CÒN TIẾP ...


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ HoaKỳ.