LÝ SƯ SƯ -
NGHÌN TRÙNG E LỆ
PHỤNG QUÂN VƯƠNG (1)
L ý Sư Sư là danh kỹ tuyệt đẹp sống ở Biện kinh cuối thời Bắc Tống. Nàng có vẻ đẹp thoát tục, vẻ đẹp long lanh như sương khói, mỏng manh mà không hề yếu đuối, lại giỏi cầm kỳ thi họa, thật là tài sắc vẹn toàn. Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Tần Quán, Chu Bang Ngạn… đối với nàng rất thân thiết, thường hay lui tới, còn làm thơ và từ tặng nàng.
Lý Sư Sư là con gái Vương Di (tức Dần) làm nghề thợ nhuộm ờ phường Vĩnh Khánh, Biện kinh. Vợ Vương Di sinh Sư Sư xong thì mất, Di phải dùng sữa đậu nành nuôi con thay sữa mẹ. Mặc dù mồ côi mẹ rất sớm, nhưng Sư Sư rất dễ nuôi, không hề gào khóc.
Theo tục lệ ở Biện kinh, con gái phải gửi vào chùa một thời gian trước khi trở về đời thường để lấy chồng. Sư Sư cũng vậy, được cha gửi vào chùa Bảo Quang. Thấy đứa bé kháu khỉnh, vị sư già liền hỏi:
- Cháu bé từ đâu đến đây?
Sư Sư òa khóc. Vị sư già xoa đầu liền nín. Vương Di mừng lắm, nói rằng:
- Con bé này đúng là đệ tử của nhà Phật.
Lúc vào chùa, Sư Sư chưa được đặt tên. Người tu ở chùa được gọi là sư, dù là sư nam hay sư nữ, nhân đó nhà chùa đặt tên cho con bé là Sư Sư. Năm Sư Sư được bốn tuổi thì Vương Di phạm tội, bị bắt giam rồi chết trong ngục. Sư Sư trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một hôm mụ Lý là chủ một kỹ viện ở phường Trấn An, Biện kinh, lên chùa cúng lễ, thấy Sư Sư xinh đẹp và ngoan ngoãn bèn xin về nuôi và từ đó Sư Sư theo họ Lý của mụ thành tên Lý Sư Sư.
Sư Sư càng lớn càng đẹp, hát hay, đàn giỏi khiến các nhà văn, nhà thơ và các nhà quyền quí ở Biện kinh đều say đắm tài sắc của nàng.
Bấy giờ vua Tống Huy Tông lên ngôi, sửa sang cung thất xong xuôi, có ý tìm một mỹ nhân để cùng vui chơi hôm sớm mặc dù trong cung không thiếu gì phi tần trẻ đẹp nhưng đã quen thuộc quá rồi. Biết ý của đấng quân vương, một cận thần là Trương Địch giới thiệu với vua nàng Sư Sư là người tài sắc vẹn toàn khiến vua ao ước. Nguyên khi chưa vào cung, Trương Địch thường hay la cà ở các kỹ viện nên quen thân với mụ Lý và biết rõ Sư Sư.
Một đêm kia, Trương Địch dẫn đường, nhà vua vi hành đóng vai phú thương Triệu Ất, đem theo rất nhiều nhung, nỉ, ngọc châu và bạch kim đến kỹ viện của mụ Lý. Tới nơi, vua bào đoàn tùy tùng ở ngoài, chỉ vua và Trương Địch vào trong. Thấy khách là người giàu có và hào phóng, mụ Lý ân cần tiếp rước, mang các thứ trái cây ngon quí ra mời khách, nhưng hồi lâu vẫn chưa thấy Sư Sư ra tiếp.
Trương Địch tìm cách rút lui để vua được tự nhiên. Mụ Lý dẫn vua tới một mái hiên, bên ngoài có một hàng trúc xanh mát, mời vua ngồi nghỉ. Một lát sau, mụ lại mời vua vào một phòng khác, bày cỗ thết đãi nhưng vua có thiết gì ăn uống. Sư Sư vẫn chưa ra.
Mụ Lý lại dẫn vua vào nhà sau, trên bàn đã bày sẵn rượu trà hoa quả nhưng vẫn không thấy Sư Sư. Một hồi lâu, mụ Lý mới dẫn vua vào phòng trong, trang trí cực kỳ lộng lẫy, trong phòng đèn nến sáng trưng nhưng không một bóng người. Sự kiêu căng của người đẹp chẳng những không làm vua phật lòng, trái lại ngài lại càng tò mò, háo hức muốn biết người đẹp cỡ nào mà kiêu căng đến thế.
Một lúc lâu sau mụ Lý mới đưa cô gái tới. Nhà vua trông thấy bỗng sững sờ. Nàng không phấn son, mặc áo lụa trắng giản dị nhưng xinh đẹp lạ thường như một đóa hoa chớm nở khiến vua say đắm. Vua hỏi tuổi, nàng không trả lời, lại ngồi ra xa. Mụ Lý ghé tai vua:
- Tính cháu nó ưa tĩnh, mong quan nhân không nên vội vã.
Rồi mụ buông rèm, đi ra ngoài. Bấy giờ Sư Sư mới đứng lên, cởi bỏ áo khoác ngoài, với tay lấy cây đàn trên vách rồi gảy luôn khúc “Bình sa lạc nhạn” . Vua cảm thấy nhẹ nhàng lâng lâng như lạc vào tiên cảnh. Sau ba khúc đàn, gà đã gáy sáng, nhà vua trở về cung.
Từ đó cứ năm ba hôm một lần, vua lại ra với Sư Sư. Mối tình giữa hai người ngày càng thắm thiết. Lâu dần rồi việc này cũng lộ ra. Dư luận xầm xì bàn tán. Chuyện đến tai mụ Lý khiến mụ vô cùng sợ hãi, e rằng sẽ bị giết cả họ. Nhưng Sư Sư trấn an:
- Xin mẹ cứ yên tâm. Nếu nhà vua thực lòng yêu con thì sẽ không làm hại chúng ta đâu.
Đầu năm sau, vua Huy Tông sai Trương Địch mang tặng Sư Sư cây đàn Sa Phụ và 50 lạng bạch kim. Tháng ba, vua lại tìm đến.
Sư Sư quì trước thềm đón vua. Vua cho đứng dậy và cầm tay nàng dắt vào nhà trong, bảo nàng hãy gảy đàn Sa Phụ. Nàng ôm đàn gảy khúc “Hoa mai” khiến nhà vua say sưa ngây ngất và hết lời khen ngợi.Chuyện nhà vua si mê Sư Sư ngày càng có nhiều người biết nên đồn đãi lung tung. Nhà vua cũng thấy ngại, hỏi ý kiến Trương Địch. Địch tâu:
- Bệ hạ thường ra ngoài ban đêm rất không tiện và có thể nguy hiểm nữa. Nay ly cung Cấn Nhạc có hai ba dặm đất công giáp phường Trấn An là nơi có kỹ viện của mụ Lý, nếu ta đào một đường hầm từ ly cung đến thẳng phường Trấn An thì việc đi lại của Bệ hạ rất kín đáo, không ai biết. Vua phán:
- Tốt lắm. Nhà ngươi nên xúc tiến việc ấy ngay đi!
Đường hầm đào xong, từ đó nhà vua tha hồ đến với Sư Sư hằng đêm mà không bị lộ tung tích.
Có lần, ngồi chơi vui ở trong cung, một cung phi hỏi vua:
- Sao Bệ hạ quí cô gái họ Lý thế?
Vua đáp:
- Bây giờ nếu cho một trăm người trong các khanh trang điểm lộng lẫy, mặc xiêm y thật đẹp đứng chung với cô gái ấy thì cô ấy cũng sẽ nổi bật hẳn thôi (2).
Các văn nhân tài tử cũng như các quan lớn nhỏ trong triều thường hay đến chỗ Sư Sư từ khi biết nàng là tư ái của nhà vua thì không ai dám đến kỹ viện của mụ Lý nữa. Chỉ riêng Chu Bang Ngạn thỉnh thoảng còn lai vãng bởi Sư Sư yêu Chu vì tài mạo song toàn, lại đa tình đa cảm nên nhất thời không sao xa được. Sư Sư thường hay hát những bài từ do Bang Ngạn soạn. Hai người thường kề vai ngoạn cảnh, lúc dưới ánh trăng, khi bên khóm trúc, vô cùng ân ái nồng nàn. Nào ngờ vua Huy Tông xuất hiện, chiếm nàng cho riêng mình khiến Bang Ngạn vô cùng đau khổ.
Một đêm kia, không thấy hoàng thượng đến lâm hạnh, Sư Sư liền sai người tìm Bang Ngạn tới để tình tự. Trong lúc hai người đang kể lể nỗi niềm thì chợt có tin thánh thượng giá lâm. Bang Ngạn kinh hoàng, chui xuống gầm giường mà trốn, còn Sư Sư ra tiếp giá. Một lát sau, vua cầm tay Sư Sư dắt vào phòng. Huy Tông vui đùa với Sư Sư một hồi rồi ngỏ ý muốn hồi cung. Sư Sư vờ cầm nhà vua lại, nhưng vua lấy cớ mệt mỏi muốn về nghỉ. Sư Sư nhớ tới Bang Ngạn đang ở dưới gầm giường nên không nài ép, vui vẻ tiễn vua về. Khi nàng quay vào thì Bang Ngạn chui ra và hú vía. Nghĩ lại tình cảnh của mình lúc đó, Bang Ngạn viết bài “Thiếu niên du” .
Mấy hôm sau, Huy Tông lại đến vui thú với Sư Sư rồi bảo nàng hát một bài cho vui tiệc rượu. Sư Sư vô tình hát bài “Thiếu niên du” mà nàng rất thích. Huy Tông vốn sành âm luật, lời hát lại giống tình cảnh đêm hôm ấy nên gặng hỏi, Sư Sư buột miệng tâu:
- Đây chính là bài ca của Chu Bang Ngạn.
Nói xong mới biết lỡ lời. Vua Huy Tông rất tức giận nên tìm cớ cách chức Bang Ngạn và đuổi ra khỏi kinh thành.
Hai hôm sau nhà vua đến thì Sư Sư đi vắng nên phải ngồi chờ. Khi trời tối hẳn Sư Sư mới về, nước mắt lã chã. Vua kinh ngạc, hỏi có việc gì thì nàng đáp:
- Bang Ngạn mắc tội với triều đình, bị áp giải ra khỏi kinh thành. Vốn là chỗ cố tri, tiện thiếp có chén rượu đưa tiễn nên về muộn. Xin thánh thượng tha tội.
Huy Tông hỏi:
- Lúc lâm biệt, Bang Ngạn có bài ca từ nào không?
- Thưa có, đó là khúc “Lan Lăng vương”
- Khanh có thể ca cho trẫm nghe không?
Sư Sư sai bày tiệc rượu rồi cầm đàn, so dây, nắn phím, buồn rầu cất tiếng ca, khúc ca rất hay mà cũng rất bi thương dễ làm lay động lòng người (3). Huy Tông cảm thấy xót xa vì yêu tài của Bang Ngạn và cảm thông nỗi buồn của Sư Sư nên hôm sau có chỉ triệu Bang Ngạn về kinh nhận chức Đại thành nhạc chính.
Được vua sủng hạnh rồi, Sư Sư năn nỉ xin vua đưa mình vào cung. Huy Tông rất yêu nàng, cũng muốn nàng luôn luôn ở cạnh mình. Một hôm, vào lúc hoàng hôn, bỗng có nội thị tìm đến kỹ viện của mụ Lý tuyên triệu Sư Sư vào cung. Sư Sư vui mừng khôn xiết, vội vàng trang điểm rồi theo nội thị đi gặp đấng quân vương. Lần đầu vào cung, Sư Sư vô cùng ngạc nhiên trước những lâu đài điện các dãy dọc tòa ngang cực kỳ đồ sộ và hoa lệ. Như đã được dặn trước, nội thị không cần truyền báo mà đưa nàng vào thẳng nội thất, có Huy Tông đang chờ ở đó. Vua dắt Sư Sư vào trướng rồi cùng nhau tâm tình như đôi vợ chồng mới cưới. Hôm sau vua xuống chiếu sắc phong Sư Sư làm Doanh quốc phu nhân Lý Minh phi. Từ đó Sư Sư thường được vua gọi đến hầu. Về sau, quen đường thuộc lối, nàng tự do ra vào nội thất của nhà vua không cần lệnh gọi. Sư Sư rất khéo ăn ở nên phi tần ở hậu cung, kể cả Lưu phi, Kiều quí phi, đều rất thích nàng.
Sử Mộng Lan đời Thanh có bài thơ “Vi Tống diễm đề từ” (Đề từ cho bức tranh người đẹp đời Tống) như sau:
Tống sử cao tiêu đạo học danh,
Phong lưu thiên tử khước đa tình.
An An Đường dữ Sư Sư Lý
Tận đắc thừa ân nhập cấm thành.
Châu Hải Đường dịch:
Tống sử nêu cao người học đạo,
Phong lưu thiên tử cũng đa tình.
An An Đường với Sư Sư Lý
Đều được ơn vua đến Cấm thành.
(Đường An An là một danh kỹ ở Hàng Châu được vua Tống Lý Tông rất sủng ái).
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sau khi diệt nước Liêu rồi (1125), người Kim kéo quân vào đất Tống với thái độ rất ngạo mạn vì biết Tống đang suy yếu. Chúng vây hãm Yên kinh (Bắc kinh ngày nay). Huy Tông thấy nguy, nhường ngôi cho Thái tử Triệu Hoàn, tức vua Khâm Tông (1126) rồi lui về cung Long Đức, xưng là Đạo quân giáo chủ. Lý Sư Sư mất chỗ dựa, bị phế làm thư dân và bị đuổi ra khỏi kinh thành.
Chiếm Yên kinh rồi, giặc Kim hãm Biện kinh. Khâm Tông muốn chạy trốn nhưng Binh bộ thị lang Lý Cương khóc can, nguyện tử thủ. Khâm Tông phải ở lại.
Quân Kim vây Biện kinh một tháng không phá được thành bèn rút về hết. Ai cũng tưởng hòa nghị đã xong nên yên lòng, không phòng bị. Chẳng ngờ một năm sau, người Kim đem binh hãm kinh thành. Vua Khâm Tông phải tới trại Kim xin cầu hòa. Kim đòi vàng 1000 vạn lạng, bạc 2000 vạn lạng. lụa 1000 vạn tấm, Khâm Tông không sao kham nổi. Quân Kim bèn lập Trương Bang Xương – một hàng thần của nhà Tống – lên làm vua rồi bắt Thượng hoàng Huy Tông, vua Khâm Tông, Thái tử, các hậu phi, hoàng tộc đến 3000 người và cướp sạch con gái, vàng lụa trong kinh thành đem về bắc (1127).
Thắng lợi rồi, chủ soái quân Kim là Thát Lãn nghe danh tiếng của Lý Sư Sư là bậc quốc sắc thiên hương nên sai quân lùng bắt nàng. Nhưng lùng tìm đã nhiều ngày mà không bắt được. Tên phản thần Trương Bang Xương cho người theo dõi và bắt được Sư Sư dâng cho tướng Kim để lập công. Sư Sư mắng bọn Bang Xương:
- Ta là kỹ nữ hèn hạ, được đội ơn vua, quyết lấy cái chết để đền đáp. Các ngươi quan cao lộc hậu, triều đình có phụ bạc gì các ngươi mà nỡ cam tâm làm tôi đòi cho kẻ khác, hủy diệt tông miếu xã tắc, thờ giặc làm vua, hỏi có còn xứng đáng làm người nữa không?
Nhận được Sư Sư từ bọn Bang Xương, tướng Kim mừng rỡ định đem nàng đi luôn, nhưng Sư Sư nói:
- Thượng hoàng với ta có chút ân tình, hãy cho ta thăm Thượng hoàng đã rồi sẽ theo các ngươi về Bắc.
Người Kim đưa Sư Sư đến gặp Thượng hoàng (Huy Tông). Hai người nhìn nhau khóc lóc rất thảm thiết, nói sao hết nỗi thương tâm. Không muốn hai người ở lâu bên nhau, người Kim kéo Sư Sư ra ngoài. Nàng còn cố quay lại nói thêm “Thượng hoàng bảo trọng” rồi rũ xuống khóc như mưa. Thừa lúc quân Kim không để ý, nàng bẻ chiếc trâm vàng nuốt vào bụng mà tự tận. Huy Tông nghe tin Sư Sư mất, khóc than thương tiếc khôn nguôi.
***
Những ngày cuối đời của Sư Sư có nhiều sách chép khác nhau. Sách “Thanh Nê Liên Hoa ký” viết : “Trong loạn Tĩnh Khang, Sư Sư chạy xuống vùng Hồ-Tương ở phương Nam, có người thấy nàng đã già nua, tiều tụy, không còn trẻ trung xinh đẹp như trước nữa”.
Sách “Thủy Hử hậu truyện” của Trần Thẩm và “Mặc Trang Mạn Lục” đời Thanh cũng viết như vậy, chỉ khác là sách “Thủy Hử hậu truyện” thì cho rằng Sư Sư lưu lạc đến Lâm An (Hàng Châu), còn sách “Mặc Trang Mạn Lục” viết rằng nàng lưu lạc đến Triết Giang. Nhưng dù lưu lạc đến nơi nào ở phương Nam cũng không quan trọng, điều quan trọng là những ngày cuối đời nàng sống như thế nào.
Bài thơ “Biện kinh ký sự thi” của Lưu Tử Huy đời Tống cho ta biết phần nào cuộc sống của nàng buổi vãn niên và xác nhận nàng lưu lạc đến Hồ - Tương:
Liễn cốc phồn hoa sự khả thương,
Sư Sư thùy lão quá Hồ - Tương.
Lũ kim đàn bản kim vô sắc,
Nhất khúc đương niên động đế vương.
Châu Hải Đường dịch:
Xe ngựa phồn hoa chuyện khá thương.
Sư Sư già lão đến Hồ - Tương.
Áo vàng đàn phách nay đâu nhỉ?
Một khúc năm xưa động đế vương.
*******
(1) Thơ Đoàn Phú Tứ
(2) 20 nữ nhân Trung Quốc.
(3) Khúc “Lan Lăng vương” của Chu Bang Ngạn:
“Liễu rủ cành, xanh rờn như ngọc bích. Trên triền đê, từng thấy mấy người, buồn bã sầu tư đưa tiễn. Vọng nhìn cố quốc, kinh thành hoa lệ làm mệt khách hồng trần. Đường trường đình, tháng đợi năm chờ, bẻ gãy biết bao cành liễu nhỏ.
Về chốn cũ, lại rượu cùng khúc bi ai. Ánh đèn mờ ảo dọi bữa cơm chiều lạnh ngắt. Sâu từng khúc như từng đợt gió, con sào vẫn khuấy nước. Quay đầu lại, đã bỏ xa bao quán dịch, dõi nhìn theo người trời bắc.
Thê thảm quá, hận chất đầy. Xa dần bến đò cũ, người quen xưa. Vầng dương nhạt dần, ngày xuân chưa tới.
Nhớ lúc tay trong tay, dưới ánh trăng mờ, bên cầu nghe tiếng sáo. Ngẫm chuyện cũ, tưởng như mơ, lệ trào khóe mắt” (Tống cung mười tám triều).