Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






THÚ CHƠI TAO NHÃ






"C ầm kỳ thi hoạ” là thú chơi tao nhã của người quân tử phương Đông và Việt Nam. Đặc biệt, người Việt từ cổ xưa quen sống bằng bản năng trong sạch, gắn kết với thiên nhiên vạn vật, khả năng nhận thức bằng trực giác rất mạnh, nên dễ  bật ra thơ. Tiếng nói của người Việt lên bổng xuống trầm với sáu thanh: “bằng, trắc, hỏi, ngã, nặng, không” đã là nhạc là thơ rồi. Bởi vậy, người Việt Nam “xuất khẩu thành thơ”.

Ca dao dân ca Việt Nam, hồn thơ chan chứa chảy trôi như sông nước trên cánh đồng Việt Nam. Hồn người Việt Nam chân chất dịu dàng như ca dao. Bởi thế, người ta không lạ trước hiện tượng người dân cả nước Việt Nam làm thơ.

Thơ không thuộc lãnh địa cấm kỵ hay quyền sở hữu của riêng ai. Ai thích thì cứ việc làm thơ, đọc thơ, tự mua vui cho mình. Ai có tiền thì cứ tự in thành những tập thơ mà phân phát cho nhau và gửi lại cháu con. Ai thích thơ ai thì rủ nhau lập hội hè, xúm vào chơi với nhau. Chẳng chết ai.

Song người xuất bản thơ cũng nên tỉnh thức “Ở đời vui Đạo cũng tuỳ duyên”, không nên sính in thơ đến mức phải bắt vợ con, người thân phải lao đao trả nợ kinh tế.

Thơ Việt cực hay thì các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… đã giữ cửa rồi. Nay con cháu theo các cụ làm thơ như một thú chơi tao nhã mà thôi. Nhất là với những người cao tuổi.

Để trang bị kiến thức cho mình, những người làm thơ không nên quên cuộc hành trình của chữ viết trong tiến trình văn hóa Việt Nam.

Có một cuộc hành trình ngoạn mục của chữ viết, tạo nên hồn cốt của văn hóa, tâm hồn, văn học Việt Nam suốt mười thế kỷ nay.

Cùng với sự xâm lựơc của phương Bắc, chữ Nho và Hán học dần dần được truyền bá sang nước ta vào hồi đầu Công Nguyên. Thế kỷ X, nước ta giành độc lập, đã dùng chữ Hán (chữ Nho) làm văn tự chính thức của nhà nước và dùng nó để sáng tác văn học. Văn học chữ Hán là bộ phận văn học thành văn đầu tiên ở nước ta với những thể loại văn học được du nhập từ văn học Trung Quốc. Thơ chữ Hán được các nhà thơ dùng để nói lên cảm xúc trước con người, cuộc sống, thiên nhiên, tạo vật… phổ biến nhất là thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú, ngoài ra còn có thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ ngũ ngôn, thơ trường thiên, phú. Văn xuôi chữ Hán được dùng chủ yếu trong các tác phẩm tự sự hay chính luận…

Song chữ Hán là chữ nước ngoài, không đủ sức diễn tả hết sự phong phú, tinh tế, trong tâm hồn Việt. Điều đó đã thôi thúc cha ông ta sáng tạo ra chữ Nôm để biểu cảm tâm trí dân tộc. Chữ Nôm dùng nguyên hình chữ Hán hoặc lấy hai ba chữ Hán ghép lại thành tiếng ta. Đời Trần, thế kỷ XIII Hàn Thuyên làm thơ, phú bằng chữ Nôm. Nửa cuối thế kỷ XVIII Hồ Xuân Hương trở thành “Bà Chúa thơ Nôm”.

Nhưng chữ Nôm không chặt chẽ, một chữ Nôm có nhiều cách đọc, hay một tiếng có thể viết bằng nhiều chữ Nôm khác nhau, làm trở ngại cho việc viết và đọc tác phẩm.

Thế kỷ XVII. Giáo sĩ phương Tây vào truyền đạo Thiên Chúa, thấy người Việt nói một đằng, viết một nẻo, tiếng nói và chữ viết không khớp nhau, đã dùng chữ cái Latinh để ghi âm tiếng Việt. Giáo sĩ Bồ Đào Nha đã soạn Từ vựng An Nam- Bồ Đào. Năm 1651 Alexandre de Rhodes xuất bản từ điển An Nam- Bồ Đào và Latinh. Năm 1865, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ ra đời ( Gia Định báo). Những năm cuối thế kỷ XIX, người Việt ở Nam Bộ bắt đầu dùng chữ Quốc Ngữ. Trương Vĩnh Ký dịch các tác phẩm Đại học, Trung dung từ chữ Hán sang Quốc Ngữ. Trương Vĩnh Ký dịch một số tác phẩm văn chương từ Pháp văn sang Quốc Ngữ. Đầu thế kỷ XX, bãi bỏ chế độ thi cử bằng chữ Hán (khoa thi chữ Hán cuối cùng triều Nguyễn- 1918) chuyển sang chữ Quốc Ngữ. Các sĩ phu trong phong trào Duy Tân và hội Đông Kinh Nghĩa Thục, tiêu biểu là Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng… hô hào học chữ Quốc Ngữ để nâng cao dân trí, tiếp xúc với phương Tây.

Những năm 1930- 1945, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi lớn, dẫn đến sự thay đổi sâu sắc tâm trí con người, văn chương Tự Lực Văn  Đoàn và phong trào Thơ Mới ra đời đã làm cho chữ Quốc Ngữ có bước  chuyển động nhảy vọt, biểu cảm được thế giới tinh thần tinh tế, đa chiều của người Việt Nam trong sự gặp gỡ với phương Tây mà Hoài Thanh, Hoài Chân gọi là“ Cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”. Người ta công kích thơ Đường luật và kết luận:” Thơ ta phải mới, mới văn thể và mới ý tưởng”.

Thơ Đường luật và các thể loại thơ truyền thống trở nên vắng bóng trên văn đàn. Tản Đà (1889- 1939) ra đi mang theo người tình là nàng thơ cũ, nhường chỗ cho làng thơ mới với nàng thơ xuân cung đàn muôn điệu của họ.

Thế kỷ XX.  Một nữ sĩ Bắc Hà sinh và mất tại đất Kinh kỳ- Kẻ Chợ  (1916- 2002) sống trong môi trường văn hóa đầy ắp chữ Hán và chữ Quốc Ngữ, cô bé sớm phát lộ năng khiếu bẩm sinh, sáu tuổi đã thốt thành thơ:” Tàu về rồi tàu lại đi/ Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga.” Hồn thơ ấy cứ đeo đẳng bám theo cuộc đời tài hoa, bạc mệnh của bà suốt hơn tám mươi năm. Đó là một hồn thơ cổ xưa mang cốt cách thịnh Đường đã thấm sâu vào hồn cha ông mấy nghìn năm trước, không dễ lụi tàn trong tâm hồn Việt Nam. Đọc thơ Ngân Giang ta gặp hồn dân tộc, hay mảnh hồn của nòi giống, tổ tiên đã gieo vào lòng ta qua di truyền văn hóa và chữ viết.

Hoài Thanh, Hoài Chân dù hân hoan cổ vũ cho Thơ mới, nhưng cũng phải dè dặt mà nói rằng:” Ảnh hưởng Pháp đã giúp ta nhận thức cái cá tính của ta. Hoặc trở về thơ Việt xưa, hoặc tìm đến thơ Đường, thơ Pháp, đi đâu thì ta cũng cốt tìm ta. Ta tìm và nhiều lần ta đã gặp”.(Thi nhân Việt Nam trang 36).

Năm 1969, đất nước bị chia cắt Nam- Bắc, thi sĩ Đông Hồ (1906- 1969) quê Hà Tiên “là người thứ nhất đã đưa vào thi ca cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng” (Thi nhân Việt Nam, trang 296). Vậy mà, Đông Hồ đã ra đi trong nỗi xúc động ngập tràn khi giảng đoạn kết bài thơ Đường “Trưng nữ vương” của Ngân Giang :

Ải Bắc quân thù kinh vó  ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ  vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

Chữ Quốc Ngữ ra đời sau khi đã có một kho báu di sản là những từ Hán Việt. Khoảng 60% từ Hán Việt được dùng trong hệ thống chữ Quốc Ngữ là một may mắn lớn cho chúng ta.

Kho báu từ Hán Việt đó, nằm trong các bài thơ, bài văn chữ Hán của ông bà ta. Đó là hồn cốt của nền văn hóa Việt ngàn năm trước. Nay đã bị chúng ta vùi dập. Vùi dập nó là ta đã tự xóa ngàn năm sáng tạo văn hóa của dân tộc. Chỉ còn lại hơn ba trăm năm chữ Quốc Ngữ non trẻ. Sự non trẻ của chữ Quốc Ngữ nhiều khi hóa buồn cười. Ai lại yêu nhau vớ vẩn, ngô nghê “Có khó gì đâu một buổi chiều/ Rồi thương, rồi nhớ thế là yêu”. Và buồn cũng vẩn vơ, vơ vẩn chẳng ra hồn người “Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn”… Yêu kiểu ấy. Buồn kiểu ấy. Chết hết là phải. Chả thế mà, Hồ Gươm đầu thế kỷ XX, nhiều thiếu nữ Hà Thành khuê các, nhảy xuống Hồ Gươm tự tử vì tình.

Từ Hán Việt chứa nhiều dung lượng thông tin. Mạnh. Rõ ràng. Kiệm lời. Trí tuệ. Tư duy thẳm sâu, ý tại ngôn ngoại. Đẫm hồn cha ông ngàn năm đã dùng nó. Nếu biết dùng nó trong văn chương Quốc Ngữ, sẽ sáng đẹp và bùng nổ. Tiếc rằng chúng ta đã quá say  chữ Quốc Ngữ, vì nó dễ dãi, nên bỏ mất kho báu văn chương chữ Hán. Không học. Không dạy trong nhà trường. Thế nên, cuối thế kỷ XX, văn hóa dân tộc đã bị sói mòn.

Dẫu biết rằng “Lá rụng nhiều, đâu phải bởi mùa thu”, có vị giáo sư đã tức tưởi kêu: “Chữ thay đổi là văn hóa thay đổi. Tại chữ Quốc Ngữ nên mất hồn cha ông”

Ngày nay, chúng ta hiểu được sức mạnh thơ truyền thống tiềm ẩn trong hồn người Việt Nam, nên tiến sĩ Đinh Công Vĩ đã cùng nhà thơ, nhà giáo Lý Văn Thăng, nhà nghiên cứu sử Nguyễn Thành, nhà ngoại cảm TS Đặng Văn Phú… thành lập “Liên hiệp các Câu lạc bộ thơ truyền thống”, dưới sự bảo trợ của Trung tâm văn hóa Người cao tuổi với các nhiệm vụ: Tổ chức hoạt động bảo tồn và phát triển các thể thơ truyền thống của dân tộc như: Lục bát, Song thất lục bát, Thơ Đường luật, Ca trù, phú, Văn tế, Câu đối… Tổ chức các chương trình giao lưu, sáng tác, bình luận, Hội thảo khoa học về thơ ca truyền thống. Tổ chức in ấn thơ truyền thống đúng luật xuất bản Nhà nước.

Tiến sĩ Đinh Công Vĩ là Giám đốc điều hành của Liên hiệp các Câu lạc bộ thơ truyền thống Việt Nam.

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vĩ mà tôi rất yêu quí, nể phục. Nếu không có những tác phẩm nghiên cứu lịch sử của anh, thì tôi sẽ mù tịt. Không thể viết được văn. Tôi viết văn theo quan niệm truyền thống. Văn dĩ tải đạo. Văn sử triết bất phân. Tôi thích đắm mình vào các nhân vật lịch sử, để đồng vọng luân hồi. Tái hiện nhân vật lịch sử sống lại cùng thời đại của mình và ẩn hiện hồn mình trong đó.

Những tác phẩm lịch sử của Đinh Công Vĩ  như:

Thảm án các công thần khai quốc đời Lê, Phương pháp làm sử của Lê Quí Đôn, Các bậc khai quốc triều Lê- Bí sử một vương triều, Bên lề chính sử, Các chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam…” là những công trình nghiên cứu lịch sử nghiêm túc, tôn trọng sự thật theo phương pháp làm sử của Lê Quí Đôn, được Đinh Công Vĩ viết với trái tim đầy chất thơ truyền thống.

Những nghiên cứu công phu, trung thực với lịch sử của Đinh Công Vĩ đã thổi hồn vào những con người trong quá khứ, giúp họ sống lại, nói với chúng ta về cuộc sống của họ thời xa ấy. Họ nói về những ước mơ, tình yêu, nỗi đau, bi kịch, máu và nước mắt của họ đã phải đổ ra như thế nào? Họ trao cho chúng ta cả những lầm lạc, tội lỗi họ từng mắc phải, giúp chúng ta hiểu và suy ngẫm, không giẫm vào vết xe đổ, phải tự tìm con đường mới mà đi…

Có lẽ bởi Đinh Công Vĩ yêu tha thiết các bậc anh hùng, thi sĩ, mỹ nhân Long Thành một thủa, nên hồn họ tràn về, nâng hồn Đinh Công Vĩ thành nhạc, thành thơ, giúp anh dâng hiến cho đời những cuốn sách lịch sử giá trị, mà tôi luôn để trang trọng trên giá sách, nơi dễ tra cứu, tham khảo mỗi khi sáng tác văn chương.

Cuốn Nguyễn Du- Tình và đời (NXB Phụ Nữ- 2006) Đinh Công vĩ công bố những tư liệu, những tháng ngày đoạn trường của Nguyễn Du, nhưng được viết với hai phần chính: Ký truyện và trường ca.

Trường ca Nguyễn Du viết bằng thể thơ song thất lục bát, vang tiếng ca Phường Vải, âm điệu tươi ngọt, tiếng thơ Tiên Điền thánh thót. Và hình bóng Tố Như chiều mưa gió hiện lên:   

Nguyễn Du tới đợi đò ngang
Bỗng đâu mù mịt khắp vùng mưa giông
Dòng sông lớn mênh mông bão tố
Một cô đò lướt gió hát vang
Sóng to thuyền bé khó sang
Em nguyện Thiên- Địa giúp chàng một phen

Tình tài tử giai nhân, tình thi sĩ mênh mang Trời- Đất ấy, phải tìm đến con thuyền thơ tao ngộ mới có thể diễn tả được một phần. Đinh Công Vĩ đã chọn con thuyền thơ truyền thống, chứa chan nhịp điệu tâm hồn cha ông, làm sống lại những chuyện đời, chuyện tình của họ.

Trường ca Nguyễn Du của Đinh Công Vĩ đẫm nước mắt Tố Như khóc thương cô Cầm:   

Long Thành Hồ Giám tiệc ca
Nghe nhạc tiễn sứ nhận ra cô Cầm
Tây Sơn mất chuyển sang triều mới
Còn nàng vào tuổi hoàng hôn
Nhìn nàng mặt đẫm lệ buồn
Chứa chan đôi mắt biết còn nói sao?

Đinh Công Vĩ đã dùng thơ truyền thống chở  nỗi lòng thầm kín của mình. Anh đã xuất bản tập thơ  Trái tim đồng điệu cảm xúc mãnh liệt, tình yêu cuộc sống con người, tình bạn, và những khát vọng lớn của riêng mình bằng thể thơ truyền thống đã thành nhịp điệu tâm hồn anh…

Hơn một năm thành lập, Liên hiệp các Câu lạc bộ thơ truyền thống Việt Nam đã thu hút đông đảo bạn yêu thơ truyền thống cả nước tham gia, làm sống dậy tâm hồn Việt, văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, âm nhạc Việt, bảo tồn sức sống Việt trong thời Hội nhập kinh tế toàn cầu như vũ bão, có nguy cơ phá vỡ bản sắc văn hóa Việt Nam:

À ơi! Tiếng mẹ lòng bà
Tiếng tơ tiếng trúc nghĩa tình ông cha
Tiếng đàn tiếng sáo ngân nga
Vang trên Văn Miếu mặn mà câu thơ
Ngàn năm hồn Việt chẳng mờ
Cha truyền con nối chữ Tâm mình thờ

(Mai Thục)

Song chúng ta không vì cố gò ép vào niêm luật và vần điệu của thơ truyền thống mà viết ra những bài thơ nhàn nhạt, không chở được sức nặng của tư duy thơ và sự bùng nổ của ngôn từ. 

 

    Hồ Gươm- Văn Miếu đầu Đông- 2010