“ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT”
VỚI MARCEL PROUST
KỲ THỨ I
« Đ i tìm thời gian đã mất » là tựa đề tiếng Việt của bộ truyện « A la recherche du temp perdu » (1) gồm bảy tập của đại văn hào Pháp Marcel Proust được coi thuộc loại tác phẩm văn học giá trị nổi danh thế giới. Tuy nhiên, nếu nhờ tiếng tăm tác phẩm thường được người đời ưa nhắc tới, con số người thực sự tìm đọc để nhận thức giá trị văn học về mặt tìm tòi sáng tạo của Proust lại có thể đếm được trên đầu ngón tay. Bản thân tôi cũng phải thú nhận là chưa đủ can đảm và kiên nhẫn đọc đến nơi đến chốn để ngốn trọn khoảng ba ngàn trang sách được coi thuộc loại khó nuốt của bộ Đi tìm… (mặc dù nay tới lúc phải bước vào giao đoạn tuổi già bóng xế tôi bắt đầu tìm đọc lại, đọc thích thú, đôi lúc còn đọc say mê những trang sách của Proust). Tuy nhiên căn cứ vào những phần của bộ sách đã đọc và tìm kiếm học hỏi thêm, tôi xin tạm tóm lược một cách thô thiển những gì tôi cho là đã hiểu, hay đúng ra tưởng rằng mình đã hiểu được về Proust.
Thời gian “đã mất” và thời gian “đánh mất” theo Proust (*)
Trước hết ta có thể coi “Đi tìm thời gian đã mất” là một câu chuyên đời đồng thời cũng là câu chuyện về một cuộc đời: câu chuyện về Proust. Câu chuyện đời vì là câu chuyện về một giai đoạn từ sau cuộc chiến tranh Pháp-Đức 1870 đến Đệ nhất thế chiến, và về một môi trường xã hội mà Proust quen lui tới: cái xã hội thượng lưu trưởng giả với nếp sống phù phiếm giả tạo ở đó thường thấy xuất hiện một loại nhân vật thời thượng với một thứ ngôn ngữ khoa trương rỗng tuếch. Cũng nhờ được tham dự thường xuyên các buổi tiếp tân của xã hội trưởng giả này và quan sát các nhân vật quay cuồng trong môi trường phù phiếm giả tạo ấy, Proust mới nảy sinh nhu cầu nghiền ngẫm hiện thực để đi tìm cho mình một đời sống mang ý nghĩa đích thực. Ta có thể coi đó là động cơ chủ yếu thúc đẩy Proust dấn thân vào cuộc hành trình “Đi tìm thời gian đã mất”. Cái khái niệm thời gian đã mất mà Proust muốn đi tìm để lấy lại ấy, ta cần phân biệt với khái niệm “thời gian đánh mất” hay “thời gian lãng phí để mất đi” là loại thời gian không thể lấy lại, hoặc có tìm cách lấy lại cũng chẳng đem lại cho ta thích thú nào.
Thời gian đánh mất (du temps gaspillé) là thời gian ta không biết sống cho ta, mà lại thích đeo mặt nạ để sắm vai ta đã chọn trong tấn tuồng đời (như nhân vật thời thượng Legrandin chỉ lo làm bộ tịch cho phù hợp với hình ảnh mình muốn được hiện ra trước mắt mọi người, chứ không dám sống thật với cái tôi của mình – Marcel PROUST: A la recherche du temps perdu – Coll. Bouquins, Edit. Robert Laffont 1987- volume 1 – Du côté de chez Swann, pp 118-125). Nhưng thời gian đánh mất còn là và chủ yếu là thời gian lãng phí của những năm tháng bị mất đi do ta đã sống mê muội để chạy theo những ảo ảnh cuộc đời: danh vọng, địa vị, của cải, chủ nghĩa lý tưởng (như nhân vật Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh)… Nhưng lãnh vực làm ta thường đánh mất và dễ đánh mất thời gian hơn cả, ấy là tình yêu. Như mối tình mê muội của Swann với Odette de Crécy: Trong lúc cùng Odette tham dự một buổi trình tấu nhạc thính phòng tại tư gia Verdurin, tình cờ Swann nhìn ra ở Odette một vài nét phảng phất chân dung của Zephora, vợ Moise, được Boticelli tô họa trên mặt kính của nhà nguyện Sixtine nên đâm ra si mê. Trong khi đó Odette, một góa phụ trở thành loại gái bao hạng sang, bằng những điệu bộ “em chã em chã” lửng lơ con cá vàng kích thích được sự nghi ngờ ghen tuông nơi Swann, làm cho Swann phải cay cú chết mê chết mệt. Khi tỉnh ngộ, biết rằng mình đã chạy theo ảo ảnh, Swann chỉ biết chép miệng mà than: “Vậy là ta đã phí phạm đời ta biết bao năm, vì ta tưởng đã gặp mối tình lớn nhất, và ta tưởng có thể sẵn sàng chết vì một người đàn bà thực ra không làm ta thích thú, chẳng hề hợp với sở thích của ta” (“Dire que j’ai gâché des années de ma vie, que j’ai voulu mourir, que j’ai eu le plus grand amour, pour une femme qui ne me plaisait pas, qui n’était pas mon genre”._ M.Proust: A la recherche du temps perdu – Coll. Bouquins, Edit. Robert Laffont 1987 – volume 1 – Du côté de chez Swann, p.316).
Có thể nói trong trường hợp chạy theo ái tình ảo ảnh này, Swann đã là nạn nhân của điều mà Stendhal, trong tiểu luận “De l’amour” (1822) gọi là sự “kết tinh” (la cristallisation) để giải thích về hiện tượng tình yêu mù quáng: Như một nhánh cây khô trụi lá được vùi sâu trong mỏ muối ở vùng Salzbourg, vài tháng sau khi lấy lên, nhánh cây đó được phủ đầy những hạt óng ánh như một cành kim cương; cũng vậy tình yêu mê muội là sụ kết tinh của những phẩm chất, những dức tính được thêu dệt trong trí tưởng tượng và đem ghép lên nhân vật ta theo đuổi. Nói khác đi, đối tượng cuồng si của ta không phải là bản thân con nguời bằng xương bằng thịt ta định theo đuổi, mà là hình ảnh người yêu lý tưởng ta thêu dệt trong trí tưởng tượng và đem ghép lên con người đó. Rồi tới khi được “giải kết”(décristallisé) ta mới biết là ta đã bị vỡ mặt vì điều mà thiên hạ vẫn gọi là cú sét ái tình. Bản thân Proust cũng đã thể nghiệm được điều này, khi mượn lời nhân vật xưng tôi để nói về Albertine mà tác giả, trong truyện, đã có thời si mê và ghen tuông cuồng nhiệt : ”Ta tưởng ta yêu một cô gái nhưng, hỡi ôi, ta lại chỉ yêu ở cô ta có cái hào quang ửng hồng thoáng hiện trên khuôn mặt.” (Nous croyons aimer une jeune fille et nous n’aimons, hélas, en elle que cette aurore dont le vísage reflète momentanément la rougeur._ M. Proust: A la recherche du temps perdu, Edit. Laffont 1987 Vol.3 La Fugitive, p.517). Những vụ si mê theo kiểu “bé cái lầm” ấy ta thường gặp trong đời sống hàng ngày. Nhưng thay vì tìm hiểu xem có phải là môt trường hợp “kết tinh” hay không, ta lại thường ngả theo khuynh hướng cho rằng chàng trai hay cô gái si tình đã ăn phải bả hay bị bùa ngải. Nhưng dù là nạn nhân của hiện tượng “kết tinh” hay bị bùa ngải thì cũng đều là thí dụ về thời gian đánh mất.
Khác với thời gian đánh mất là thời gian do ta lãng phí, thời gian đã mất (du temps perdu ou oublié) là thời gian bị ta vô tình để rơi vào quên lãng nên tưởng rằng nó đã mất đi, nhưng thực ra nó chỉ bị thất lạc mà thôi nên ta vẫn có thể tìm lại được. Vấn đề là ta có biết cách hay đúng ra có cơ hội để “nhớ lại” và làm cho nó sống lại hay không? Gọi là thời gian đã mất (chứ không phải thời gian đánh mất) vì là thời gian ta được sống và sống thực sự cho bản thân ta, bởi ta và cho ta, làm nên cuộc sống của ta. Nhưng vì là thời gian ta sống cho ta và, vì cho rằng đã là của ta, nên ta ít quan tâm tới nó hơn là thời gian ta sống với nguời khác hay vì người khác. Cũng bởi thế nó mới dễ bị lơ là, bỏ rơi để dần dần chìm sâu trong quên lãng và có thể vĩnh viễn mất đi nếu không nhờ một cơ hội ngẫu nhiên hay tình cờ nào đó gợi nhớ cho ta cái thời gian bị lãng quên đó và thâu hồi nó toàn vẹn. Bởi vậy, theo Proust, chỉ có thời gian đã mất hay để chìm sâu trong lãng quên mới là thời gian thực sự thuộc về ta, làm nên cuộc sống đích thực của ta: nó chính là kho tích lũy những cảm xúc, những giây phút ý vị nhất đem lại ý nghĩa cho đời sống của ta. Nhưng cũng như cõi vô thức mới là nền tảng của cái ngã theo phân tâm học của Freud, thời gian đã mất (hay có thể mất đi) mới chính là kho báu vật ẩn dấu của cõi sống tâm linh theo Proust. Nhưng làm thế nào để tìm lại được kho tàng bí mật đó? Câu trả lời không đơn giản như ta tưởng. Ta có thể nói ngay rằng, cái kho tàng bí mật hay cái thời gian đã mất ấy, ta không thể biết được để đi kiếm nó ; mà chỉ do ngẫu nhiên hay tình cờ ta mới gặp được nó mà thôi. Tại sao vậy ? Trước khi đi vào giải thích, ta cần bàn qua về khái niệm ''trí nhớ'' mà, với Proust, ta phải gọi là ''ký ức''. Đây không phải là một trò chơi chữ nghĩa. Có nắm được sự khác biệt về nội dung ý nghĩa của hai từ này ta mới thấy được cái nhìn khai phá sáng tạo của Proust.
Một cõi nhân sinh trong một tách trà (*)
Để bước vào hành trình đi tìm giải thích, ta cần trở về với trích đoạn liên quan tới mẩu chuyện về vị bánh madeleine tức là loại bánh ngọt nhỏ có những đường gân như được đúc từ khuôn một vỏ sò. Trích đoạn này, mà các sách giáo khoa thường gán cho tựa đề « Un univers dans une tasse de thé » (M. Proust :A la recherche du temps perdu – Edit. Laffont – vol.1 – Du côté de chez Swann, pp 56-59), có thể nói là một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất mà bất cứ ai muốn nói về Proust không thể không nhắc tới, cũng như đoạn đường chiến binh với một quân nhân vậy (dù rằng đoạn văn này không phải là tất cả Proust, cũng như đoạn đường chiến binh không phải là binh nghiệp của một quân nhân).
Đoạn văn này liên quan đến quãng đời niên thiếu của Proust, khoảng thời gian từ 1878 đến 1884, khi vào những dịp lễ Pâques Proust cùng gia đình về nghỉ mát ở nhà ông cậu tại Illiers-Combray, một thị trấn thuộc hạt Eure-et-Loire cách thành phố Chartres 24 cây số về phía tây nam. Illiers-Combray, mà trong truyện Proust chỉ gọi là Combray, là khởi điểm cho toàn bộ tập truyện vì nó là sân khấu cho một bi kịch nhỏ với cậu bé Proust, nhưng với một kết thúc happy end nên dã để lại một ấn tượng sâu sắc cho Proust, đồng thời tạo nên mối gút mắc cho toàn bộ « Đi tìm… ». Là một đứa bé yếu đuối nhưng đa cảm và nhạy cảm, Proust quen sống dưới sự nuông chiều của mẹ. Có một nhu cầu trở thành hầu như nghi thức (rite), có được thỏa mãn mới giúp cho Proust dễ dàng tìm ra giấc ngủ : đó là cái hôn của mẹ mỗi tối đặt lên trán Proust để chúc Proust ngủ ngon lành. Nhưng một bữa nhà có khách là Swann tới dùng cơm tối. Vì bận tiếp khách nên tới giờ đi ngủ mẹ không thể tới hôn trán Proust như thường lệ. Tìm mọi cách để nhắc mẹ không được, Proust quyết định ra hành lang đứng chờ mẹ để đòi cho được cái hôn. Tới khi bố mẹ bắt gặp sau khi tiễn khách ra về, Proust lại đâm bối rối lo sợ là bố sẽ la, mẹ sẽ giận. Nhưng khi nhìn thấy bộ mặt hốt hoảng thiểu não của con, bố Proust, thường lệ rất nghiêm khắc, đã không la rầy mà còn để cho mẹ ở lại với Proust. Thế là đêm đó cậu bé Proust không chỉ có nhận được cái hôn và lời chúc ngủ ngon của mẹ mà còn được mẹ nằm cạnh đọc cho nghe truyện François le Champi của nhà văn George Sand. Và cái đêm thần tiên ấy, tuy biết là đêm độc nhất, nhưng Proust vẫn muốn nó được tái diễn. Kỷ niệm vủa Proust về cái đêm được mẹ nằm cạnh đọc cho nghe truyện Francois Le Champi ấy, làm tôi liên tưởng tới mối tình đầu của tôi khi còn là học sinh trung học, Hồi ấy, đang phải chuẩn bị thi tú tài nên tôi chỉ lo chúi mũi vào bài vở, mong sao giành cho được tấm bằng mà thôi. Ấy vậy mà một bữa tôi bỗng dưng phải lòng một cô gái không cùng lớp nhưng chung một trường. Sau vài lần gạ gẫm làm quen không được, tôi đành chơi bạo thảo một bức thư trao tay với vài lời mở đầu như sau: “Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng… Có người con gái đẹp như trăng...” Không biết có phải vì cô gái có trí nhớ tốt, hay vì tôi nét chữ rồng bay phượng múa mà sau bữa đó, mỗi lần đối diện gặp nhau, cô lại miệng ngậm một ngón tay cái mủm mỉm cười, tay kia che nửa mặt ra vẻ e lệ thẹn thùng, khiến con tim tôi cứ nhảy cà tưng cà tưng như muốn gõ nhịp cho vũ điệu mambo chachacha í.,, Nhưng mối tình học trò của tôi chỉ đi được chặng đường đó là gặp đèn đỏ. Năm sau, chỉ mình tôi lủi thủi trên con đường đên trường vẫn đầy lá rụng, còn miệng lại lầu bầu : « Thu đến làm chi cho lá phải rụng rơi… Lá rơi (mẹ kiếp) cho đám cưới về…”. Mối tình đầu của tôi, với thời gian, rồi cũng lên da non và chỉ để lại một vết thẹo nhỏ. Nhỏ thì có nhỏ, nhưng cũng đủ làm tôi quên bẵng cái không khí hồn nhiên vô tư của tuổi học trò. Cái tuổi dành cho đám thư sinh tóc xanh như tôi, đến trường tai nghe lời thầy giảng, nhưng mắt lại nghếch về phía mấy cô bạn học dãy bàn bên cạnh miệng cũng đang lép nhép thì thầm với nhau. Nhưng cũng nhờ vết thẹo đó, nay tôi mới hiểu tại sao mỗi lần nghe nhắc tới Combray, Proust chỉ nhớ có căn phòng nơi mỗi tối được mẹ tới ban cho nụ hôn và một lần được mẹ nằm bên cạnh, đọc cho nghe truyện Francois Le Champi của George Sand . Còn lại những gì thuộc về Combray, những sinh hoạt với khung cảnh quen thuộc của thị trấn ấy, đều bị gạt qua bên lề, để rồi dần dà bị vùi sâu trong quên lãng.
Vĩnh viễn vùi sâu ? Có thể lắm chứ, nếu như không có cái buổi chiều đông ấy : Một buổi chiều đông ảm đạm khi Proust từ trường trở về nhà, mẹ sợ Proust lạnh bèn sai pha một bình trà và đem đến một chiếc bánh madeleine để Proust ăn cho ấm bụng. Tuy không đói, nhưng để vui lòng mẹ Proust nhận lời. Ai dè mới cắn vào miếng bánh vừa được nhúng trong tách trà, Proust bỗng thấy dâng lên một niềm hoan lạc làm tan biến mọi ý tưởng bi quan chán chường. Niềm hoan lạc này do đâu mà ra ? Proust tợp ngụm thứ hai, rồi thêm ngụm nữa, vừa tợp vừa nhấm nháp mùi vị làm thức dậy cảm giác hoan lạc nơi Proust. Nhưng mùi vị vẫn đó mà cảm giác đã không tăng lại còn tan loãng. Vậy là cảm giác có liên hệ với vị bánh nhúng trà, nhưng lại không phải do vị bánh mà ra. Proust cố nhớ lại xem đã gặp cảm giác này ở đâu, khi nào ? Nhưng càng vận dụng trí nhớ, cảm giác càng chơi vơi y như bong bóng xà bông với một chú bé : càng giơ tay với, bong bóng càng bay cao cho tới lúc tan vỡ. Cuối cùng Proust quyết định buông xuôi và chấp nhận quay về với những bận bịu ưu tư hàng ngày. Đúng vào lúc ấy dĩ vãng vụt hiện lên : Thì ra cái mùi vị đã làm sống dậy cảm giác hoan lạc nơi Proust chính là cái mùi vị của miếng bánh Madeleine nhúng vào tách trà mà trước đây, vào một dịp hè ở Combray, dì Léonie đã cho Proust nếm khi Proust đến thăm hỏi dì một sáng chủ nhật. Và rồi cùng với mùi vị bánh madeleine, cả một khung trời kỷ niệm liên quan đến thị xã Combray, nơi Proust đã trải qua những chuỗi hè hạnh phúc êm ả chợt bừng thức dậy : những nhân vật thân quen Proust vẫn chào hỏi hàng ngày, ngôi nhà thờ, khu phố chợ, những con đường quen thuộc thường qua lại để mua đồ cho mẹ…
Đoạn văn nói về miếng bánh madeleine có thể được coi là đoạn văn được nhắc tới nhiều nhất trong tác phẩm của Proust, và cũng là đoạn văn tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần : đọc khi còn là học sinh trung học để chuẩn bị cho bài giảng văn trong lớp ; đọc lại khi lên đại học để được nghe giáo sư giảng dạy cho hiểu biết thêm ; và nay đọc lại với những phần khác của tác phẩm để nghiền ngẫm. Đọc nhẩn nha. Đọc tà tà. Đọc mới được vài trang đã quẳng sách đi. Quẳng sách đi bất thần lôi ra dọc lại. Vừa đọc vừa kiểm nghiệm với những giây phút sống của bản thân để hiểu sâu hơn, hiểu sát hơn, hiểu được đúng hơn ý tác giả. Ấy, có lẽ nhờ chịu khó đọc theo kiểu ngâm tôm như vậy (con tôm cần ngâm cho ngấu thì mắm mới lên men và bốc mùi thơm được, có đúng không nào ?), nên một lần đọc là một lần thích thú, một lần đọc là một lần tôi lại phát hiện thêm được một vài điều mới mẻ.
Miếng bánh madeleine và hai loại ký ức. (*)
Điều phát hiện đầu tiên đem lại cho tôi nhiều thích thú, ấy là cái nhìn sáng tạo khai phá của Proust về điều mà ta vẫn quen gọi là '' trí nhớ'' thực ra không đơn giản như ta tưởng. Trái lại với Proust, cái khái niệm '' trí nhớ'' này lại chỉ có một nội dung hạn hẹp, không thể dùng để diễn tả được điều mà miếng bánh madeleine đã làm sống dạy trọn vẹn kỷ niệm nơi Proust về thời niên thiếu tại Combray,
Để làm sáng tỏ hơn tầm quan trọng của tính khai phá sáng tạo của Proust về khái niệm mà ta vẫn quen gọi '' trí nhớ '' ấy, đề nghi ta hãy đọc lại đoạn văn tôi dã nêu trên, nhưng lại với cái tiểu đề « La petite madeleine ou les deux mémoires » (Miếng bánh madeleine và hai loại ký ức). Đây cũng là tiểu đề của một số sách giáo khoa có lẽ dựa trên tiểu đề của nhà phê bình Claude Mauriac trong cuốn sách về Proust của ông : ('' Proust '' .- Ecrivains de toujours, Editions du Seuil, pp. 143 – 146), loại sách giáo khoa được đem ra giảng dạy thời tôi dang chuẩn bị thi tú tài. Giả dụ lúc đó có ai nhờ tôi dịch cái tựa bày ra tiếng Việt, tôi sẽ dịch tức khắc, dịch tút suỵt ra là « Miếng bánh madeleine và hai loại trí nhớ ». Dịch chắc ăn như bắp, dịch đầy tin tưởng như khi ta mua được đúng loại thuốc trừ hôi nách chính hiệu Con nai vàng ngơ ngác hay của Bà Lang trọc. Sở dĩ lúc đó tôi dịch tin tưởng như vậy, bởi vì tra bất cứ cuốn từ điển Pháp-Việt nào ta chẳng thấy rằng từ mémoire được dịch ngay ra là trí nhớ. Nhưng sư tin tưởng ấy là chỉ dựa trên cái hiểu biết của cậu học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Cũng may, khi đó người nhờ dịch đã không bắt tôi phải đi sâu vào nội dung của cái hiện thực Proust muốn làm sống dậy. Nếu không chắc là tôi mới thấy rằng từ trí nhớ được chọn là không ổn khiến tôi đâm lúng túng.
Bởi vì từ trí nhớ, theo nghĩa thường dùng, để chỉ những sự việc xảy ra ta muốn dùng trí óc để ghi lại hoặc vận dụng trí óc đê có thể nhớ lại. Như khi ta khen một cậu bé có trí nhớ tốt vì học bài chóng thuộc mà lại nhớ dai ; hoặc khi ta vỗ trán than rằng « trí nhớ mình sao hồi này nó cùn quá » chỉ vì vừa gặp một người trông quen mặt mà moi óc mãi không nhớ ra tên. Trí nhớ hiểu theo nghĩa thông dụng này, Proust lại cho rằng chỉ có một ý nghĩa hạn hẹp, phiến diện và nhất thời. Hạn hẹp vì các sự kiện ghi nhớ thường là do chọn lọc chủ quan với mục đích thực dụng : cậu học trò chỉ học thuộc những bài phải học để trả bài, hoặc những điều cần ghi nhớ để làm bài kiểm hay đi thi. Phiến diện là do ý đồ thực dụng của nó : anh thí sinh chọn học một số bài cho là quan trọng với hi vọng sẽ trúng tủ ; nhưng khi bị trât đường rầy anh ta lại thấy những bài đó là vô tích sự. Cũng bởi tính hạn hẹp và phiến diên đó nên cái hiện thực do trí nhớ đem lại thường chỉ có giá trị thực dụng nhất thời. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, những bài học ở lớp dưới thường bị bỏ quên để nhường chỗ cho những bài học mới ở lớp trên. Bởi vậy ta có thể ví trí nhớ, theo nghĩa thông dụng, như là một ngăn tủ cất giữ hồ sơ. Chừng nào các hồ sơ còn hữu ích, hữu dụng ta còn muốn lưu giữ. Nhưng khi đánh giá chúng không còn cần thiết, ta sẵn sàng đem rục bỏ để nhường chỗ cho những hồ sơ mới. Bởi vậy Proust mới cho rằng cái ta vẫn gọi là trí nhớ lại chẳng xứng với danh hiệu trí nhớ chút nào. Cái trí mà ta cứ tưởng khôn ngoan đáo để ra phết ây nào có biết nhớ cho ra hồn : cái đáng nhớ nhiều khi lại chẳng chịu nhớ, đôi khi lại chỉ thích nhớ toàn những thứ tào lao gì đâu. Ngay cái đêm được nằm cạnh mẹ ở Combray mà Proust cho là phải được khắc họa suốt đời, nay có nhớ lại, chắc Proust cũng chỉ nhún vai tự nhủ : ừa, mà sao hồi đó mình lại con nít thế nhỉ ! Cũng may là còn lại mùi vị của chiếc bánh madeleine tẩm trà. Bằng không cả một bàu trời hạnh phúc của những ngày hè êm ả tại Combray có thể theo thời gian đã bị vùi lấp trong lãng quên. Bởi vậy Proust mới cho rằng : « Cái làm ta nhớ lại được nhiều nhất về một hữu thể lại chính là cái ta lơ là bỏ quên (vì bị ta rẻ rúng nên nó mới bảo toàn được trọn vẹn hương nhụy). Do đó cái phần tốt đẹp nhất của ký ức lại nằm ở ngoài ta : trong cái chớm lạnh của cơn mưa đầu mùa, trong mùi hương của một khuê phòng cài kín song the hay trong hơi khói tỏa ra từ vung cơm thơm mùa lúa mới… trong bất cứ những gì bị trí tuệ coi là vô tích sự nên không mảy may đoái hoài ; vậy mà chính những cái ấy mới làm cho ta gặp lại được chính ta, và cũng chỉ có những cái ấy mới là kho dự trữ cuối cùng của dĩ vãng, tức là cái phần tốt đẹp nhất bởi lẽ, khi mà những giọt nước mắt tưởng như đã khô cạn, chỉ riêng chúng mới làm ta còn rưng rưng khóc được. Ở bên ngoài ta ? Đúng ra là ở trong ta, nhưng lại vuột ra khỏi tầm nhìn của ta, nên mới bị đắm chìm ít nhiều trong quên lãng » (… ce qui nous rappelle le mieux un être, c’est justement ce que nous avions oublié (parce que c’était insignifiant et que nous lui avons ainsi laissé toute sa force). C’est pourquoi la meilleure part de notre mémoire est hors de nous, dans un souffle pluvieux, dans l’odeur de renfermé d’une chambre ou dans l’odeur d’une première flambée, partout où nous retrouvons de nous-même ce que notre intelligence, n’en ayant pas l’emploi, avait dédaigné, la dernière réserve du passé, la meilleure, celle qui quand toutes nos larmes semblent taries, sait nous faire pleurer encore. Hors de nous ? En nous pour mieux dire, mais dérobé à nos propres regards, dans un oubli plus ou moins prolongé.- M. Proust : A la recherche du temps perdu, Edit. R. Laffont 1987. Vol.1 A l’ombre des jeunes filles en fleurs, p.534)
Tới đây chắc quí bạn đọc cũng thông cảm cho phần nào tại sao tôi muốn xin rút lại từ « trí nhớ », như là từ ta vẫn thường gặp khi tra chữ « mémoire » trong từ điển. Thế nhưng tại sao Proust lại không coi « trí nhớ » là nguyên nhân đem lại cho Proust cái niềm hoan lạc khi được nhấm vào miếng bánh madeleine tẩm trà đó ? Để trả lời cho được minh bạch và cũng đồng thời cho thấy cái nhìn khai phá sáng tạo của Proust, ta cần đọc lại kỹ đoạn văn dưới đây : « Thoạt nhìn, miếng bánh madeleine chẳng gợi gì trong tôi trước khi tôi nhấm nháp nó ; có lẽ từ bữa đó tới giờ tôi đã quen nhìn thứ bánh đó trên khay các tiệm bánh ngọt mà không hề mó tới, nên hình ảnh nó đã tách rời với chuỗi ngày ở Combray để gắn bó với thời gian những ngày sau đó ; cũng có thể kỷ niệm của những ngày xa xưa từ lâu bị ký ức bỏ rơi, hay đã ngủ miệt mài … nên không còn đủ sức để ngoi lên vùng ý thức. Nhưng, từ một quá khứ xa xôi mọi hữu thể tưởng chừng như đã mất đi, tưởng như đã tan biến, tưởng như không còn gi tồn tại, thì chỉ riêng những cái mảnh mai hơn, sương khói hơn, nhưng dai dẳng hơn, đó là mùi hương và mùi vị vẫn tồn tại, như những linh hồn để nhắc nhở, như để chờ được hồi sinh, như để dựng lại trên đống gạch đổ nát cả một vùng trời bao la kỷ niệm. » ( La vue de la petite madeleine ne m'a rien rappelé avant que je n'y eusse goûté ; peut-être, en ayant souvent aperçu depuis, sans en manger, sur les tablettes des pâtissiers, leur image avait quitté ces jours de Combray, pour se livrer à d'autres plus récents ; peut-être parce que, de ces souvenirs abandonnés si longtemps hors de la mémoire, rien ne survivait, tout s'était désagrégé ; les formes – et celle aussi du petit coquillage de pâtisserie, et si grassement sensuel sous son plissage sévère et dévot – s'étaient abolies, ou, ensommeillées, avaient perdu la force d'expansion, qui leur eût permis de rejoindre la conscience. Mais, quand d'un passé ancien rien ne subsiste, après la mort des êtres, après la destruction des choses, seules, plus frêles, mais plus vivaces, plus immatérielles, plus persistantes, plus fidèle, l'odeur et la saveur restent encore longtemps, comme des âmes, à se rappeler, à attendre, à espérer, sur la ruine de tout le reste, à porter sans fléchir, sur leur gouttelette presque impalpable, l'édifice immense du souvenir. - M. Proust : A la recherche du temps perdu, Edit. Laffont 1987. Vol. 1 Du côté de chez Swann, pp. 58-69).
Vậy là, như đã trình bày ở trên, từ '' trí nhớ'' không phản ánh đúng tinh thần nội dung của sự nhớ lại theo Proust. Hai là, nếu dùng từ « trí nhớ » để dịch toàn bộ các chữ « mémoire » trong tác phẩm, việc làm này chẳng những đã không giúp cho người đọc tách thoát khỏi quan niệm cố hữu về sự nhớ lại bằng vận dụng trí tuệ, mà có thê còn gây ra một lẫn lộn mơ hồ khiến họ khó nắm bắt được sự phát hiện mang tính chất khai phá sáng tạo của Proust về sự nhớ lại. Bởi không kiếm ra được từ nào khác để thay thế từ mémoire, Proust đành phải mượn tính từ volontaire (mémoire volontaire) hoặc cụm từ bổ túc de l’intelligence (mémoire de l’intelligence) để chỉ sự nhớ lại theo nghĩa « trí nhớ », và tĩnh từ involontaire để chỉ hiện tượng nhớ lại do tình cờ hoặc không chủ ý (mémoire involontaire) theo quan niệm của ông. May mắn hơn Proust, tiếp tục tra cứu từ điển và tài liệu sách vở, tôi kiếm ra được hai từ khác, tuy đồng nghĩa với « trí nhớ », nhưng lại không mang chỉ dấu là các sự kiện được lưu giữ và nhớ lại phải chịu sự điều động của trí tuệ, đó là « lưu ức ». Bên cạnh đó là từ « hồi ức » để nói lên sự phục hồi một dĩ vãng vẫn ngủ yên trong cõi vô thức của ta, nay được làm bừng tỉnh thức giấc nhờ một yếu tố ngoại lai tình cờ; cũng như trong truyện cổ tích, cô công chúa ngủ trong rừng đã không tự mình sống lại, mà nhờ có nụ hôn của chàng hoàng tử. Sau một hồi đắn đo cân nhắc, cuối cùng tôi quyết định đổi tiểu đề thành : « Miếng bánh madeleine và hai loại ký ức ».
Từ ký ức chọn cho cái tiểu đề này có thê hiểu theo nghĩa từ điển quen dùng, nghĩa là để chỉ tất cả những gì, dù là bằng trí tuệ hay qua cảm nhận giác quan, được tích lũy làm nên đời sống tâm linh của ta. Nói khác đi, ta có thể ví từ ký ức như một nhà kho chất chứa đủ loại vật dụng trong nhà. Còn lưu ức là khu vực dành riêng cho những dụng cụ được chọn lọc để ta sử dụng khi cần đến. Còn hồi ức là nơi chất đống những thứ không cần thiết hoặc đồ thuộc lọai xêp xó, nhưng vì tiếc rẻ nên ta mới dồn vào một góc tường. Vậy là bên cạnh từ ký ức để nói về toàn thể các sự kiện được bảo tồn trong tâm thức của ta ; còn các từ lưu ức và hồi ức lại lưu ý ta rằng, theo quan niệm của Proust, trong thao tác nhớ lại, không chỉ có bản chất các sự kiện được nhớ lại, mà thể thức làm cho các sự kiện đó được làm sống lại cũng quan trọng không kém. Có nắm được sự phân định này của Proust giữa '' lưu ức'' và ''hồi ức'', ta mới hiểu được tại sao cùng một đoạn văn liên quan đến miếng bánh madeleine, lại có thể chọn hai tiểu đề khác nhau. Thực ra, dù là “Một cõi nhân sinh trong một tách trà” hay “Miếng bánh madeleine và hai loại ký ức”, hai tiểu đề này không hề đối nghịch nhau; trái lại, chúng còn bổ sung cho nhau để soi sáng cho ta về sự khác biệt giữa hai loại ký ức và khả năng phục hồi dĩ vãng của chúng: Cái tựa “ Miếng bánh madeleine hay hai loại ký ức” là để lưu ý ta về vai trò của cái bánh madeleine như là động cơ thúc đây Proust tìm ra được sự khác biệt ra hai loại ký ức. Còn cái tựa “ Một cõi nhân sinh trong một tách trà” lại nhắc nhở ta rằng hình ảnh cái bánh madeleine không thôi, không đủ để làm sống dậy kỷ niệm của cái thời niên thiếu ở Illiers-Combray. Trái lại, chỉ khi miếng bánh được tẩm trà tilleul, hương vị và mùi vị của nó mới làm thức dậy niềm khoái cảm buổi sáng chủ nhật khi Proust được dì Leonie trao cho miếng bánh, và cùng với khoái cảm này là cả một niềm hoan lạc của chuỗi ngày niên thiếu đẹp đẽ Proust đã được trải qua tại Combray.
Kiếm ra từ để dịch tiểu đề cũng như để phân định hai loại ký ức (lưu ức và hồi ức), tôi mới thấy là mình may mắn hơn Proust vì có khả năng lựa chọn từ thích đáng để trình bày sự nhớ lại cho phù hợp với quan niệm sáng tạo của Proust. Từ đó tôi lại phát hiện thêm một điều mới mẻ khác khá thú vị : tiếng Việt là một ngôn ngữ dồi dào sức sống nhờ có một tiềm năng lớn sáng tạo. Tiềm năng sáng tạo đó trước hết do tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm nhưng lại có cấu trúc câu được làm thành bởi các từ ghép là những từ có thể do hai hoặc ba từ khác nhau ghép lại thành. Thứ đến, tiếng Việt là sự hội nhập của nhiều tiếng gốc khác nhau : tiếng Hán, tiếng Pháp (với gốc la tinh) và tiếng Việt chính gốc. Nhờ vào đặc tính của tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm lại gồm các từ vựng được cấu tạo bởi các từ ghép nên ta có thể, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân vật, tùy theo tâm trạng, tùy theo cảm nghĩ, tạo ra từ mới bằng cách hoán đổi vị trí của chữ trong một từ, hoặc thay thế một chữ nào đó bằng một chữ khác trong một từ để làm cho ý tưởng được sáng tỏ, hoặc làm nổi bật sắc thái (nuance), âm hưởng (résonnance) đặc biệt của điều ta muốn diễn tả. Tôi cho rằng nếu chịu khó tìm hiểu thấu đáo và để ý sử dụng chữ nghĩa một cách ý thức, có cân nhắc, có lọc lựa, ta sẽ thấy tiếng Việt là một ngôn ngữ sáng tạo, có phép thần thông biến hóa không thua gì ông Tề thiên đại thánh dám đánh cả trời luôn. Để dẫn chứng tôi xin tạm liệt kê sau đây danh sách các từ vựng được tạo thành với từ tưởng chọn làm gốc tôi đã sưu tầm được : ý tưởng, tư tưởng, suy tưởng, lý tưởng, tưởng tượng, tưởng nhớ, tưởng niệm, tin tưởng, hồi tưởng, hoài tưởng, mơ tưởng, tơ tưởng, vọng tưởng, đồng tưởng, giả tưởng, ảo tưởng, không tưởng, hư tưởng, hoang tưởng, bệnh tưởng, cuồng tưởng, huyễn tưởng… Bây giờ tôi xin nhờ mấy vị soạn từ điển hoặc các nhà lý luận phê bình định nghĩa dùm tôi mỗi từ trên và, nếu có thể được, cho một câu thí dụ kèm theo để giúp tôi nắm vững cách sử dụng chúng thích đáng. Có thế, ta mới thấy khả năng diễn đạt của tiếng Việt đa dạng và phong phú như thế nào. Cụ thể hơn, tôi xin lấy chữ ức làm thí dụ. Chi riêng với chữ này làm gốc, tôi có thể kiếm ra ba từ khác nhau : ký ức, lưu ức, hồi ức để diễn tả không mấy khó khăn điều mà Proust đã phải vận dụng tới các cụm từ như mémoire affective, mémoire involontaire hoặc mémoire volontaire, mémoire de l'intelligence, mà cũng chỉ để giải thích hơn là diễn tả. Có lẽ vì vậy nên các cụm từ kể trên được coi thuộc loại từ vựng của riêng ông (du vocabulaire proustien), chứ không được sủ dụng phổ quát như là ngôn ngữ đại chúng. Về phần tiếng Việt, nhờ vào các đặc tính kể trên, có thể được coi là một mảnh đất phì nhiêu, một tài nguyên phong phú, mà nếu biết cách, nghĩa là nếu chịu khó chọn lọc và sử dụng từ có cân nhắc, ta sẽ có được một nền văn học sáng giá, như một mảnh vườn quí với những bông hồng rực rỡ, Điều này đã được kiểm chứng với những tác phẩm văn học có giá trị của ta qua các giai đoạn lịch sử vừa qua. Nhưng thôi, đây không phải là mục đích của bài viết này. Tôi đã có dịp bàn về khả năng diễn đạt của tiếng Việt trong một bài viết trước đây (2), cũng như hiện tượng sử dụng cẩu thả ngôn ngữ Việt hiện nay ở trong nước rồi (3). Vậy xin trỏ về với chủ đề Proust còn đang bàn dở để đào sâu hơn nữa về sự khác biệt giữa lưu ức và hồi ức, theo Proust.
CÒN TIẾP ..........