Thử đặt lại vấn đề
VÙNG ĐỊA LÝ CỔ VIỆT NAM
TRONG CHINH PHỤ NGÂM KHÚC
C hinh phụ ngâm khúc - nguyên tác thuộc loại nhạc phủ bằng Hán văn do Đặng Trần Côn (1710 - 1745) sáng tác và được Đoàn Thị Điểm (1705 - 1746) diễn dịch ra tiếng Việt (diễn Nôm) là một thi phẩm nổi tiếng từ thời Hậu Lê đầu thế kỷ thứ 18, chẳng những ở trong nước mà còn phổ biến ra các tỉnh lân cận của Trung Quốc. Cho tới nay tác phẩm thi ca nổi tiếng này vẫn được nhiều người biết đến và đưa vào giảng dạy trong trường học như các truyện thơ nổi tiếng khác: Kim Vân Kiều của Cụ Nguyễn Du, Lục vân Tiên của Cụ Đồ Chiểu...
Hầu như toàn bộ các áng thi ca nổi tiếng nói trên đều được tác giả vay mượn cốt truyện và ý tứ của văn học Trung Quốc để gởi gấm tâm sự của mình hoặc nói đến hoàn cảnh đau thương của đất nước. Riêng ca khúc Chinh phụ ngâm có cái đặc biệt hết sức riêng lẻ là cốt truyện không vay mượn, là một sáng tác phẩm hoàn toàn mới do chính tác giả hun đúc nên, được khơi dậy từ tâm trạng của một viên quan chức thời phong kiến xót xa trước cảnh chia ly và đau khổ của những cặp vợ chồng son trẻ trong chinh chiến (thời Trịnh Nguyễn phân tranh) mặc dù vẫn không tránh khỏi việc sử dụng nhiều thành ngữ, điển tích và bối cảnh theo lối "tầm chương trích cú" của văn học phương bắc. Tuy nhiên, lối vay mượn này đều có dụng ý và vùng địa lý mà nhà sáng tác đề cập tới lại có liên quan tới vùng sinh tụ thuở ban đầu của người Việt dân tộc Kinh.
Nói một cách khác, đó là vùng địa lý của Cổ Việt Nam được thể hiện trong Chinh phụ ngâm khúc. Qua một thời gian nghiên cứu và đối chiếu, chúng tôi phát hiện ra câu chuyện chia ly của anh lính chiến và người vợ trẻ xảy ra ở vùng đất thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc ngày nay - nơi dân tộc Hán chiếm ngụ và đóng đô lúc ban đầu của các triều đại phong kiến từ đời Tây Chu (1134 - 770) tới đời Đông Chu (770-221) đã từng diễn ra các cuộc chiến ác liệt và lâu dài hàng mấy trăm năm mà Khổng Tử gọi là thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc. Trước khi xảy ra cuộc chiến đẫm máu và dài ngày này là thời kỳ thanh bình của cả ngàn bộ tộc đang bắt đầu chấm dứt các cuộc sống du mục, di cư khắp miền đất nước Trung Quốc hay nói theo Mác - Ăng ghen, thời kỳ chế độ thị tộc chuyển sang thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ. Tác giả Chinh phụ ngâm khúc ca ngợi tình hình đất nước lúc đó, đã viết:
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Và chiến tranh xảy ra đột ngột là do người Hoa Bắc vốn sinh sống lâu đời ở vùng Trung - Hạ du sông Hoàng Hà cách đây trên bốn ngàn năm khởi sự "bành trướng" về hướng Đông để diệt Đông Di, về hướng Tây dẹp rợ Nhục Chi, Khuyển Nhung (rợ Khương) và vượt sông Hoàng Hà xuống phía nam đánh đuổi Man Di để lập ra Trung Nguyên. Đó là thảm cảnh được miêu tả mở đầu khúc Chinh phụ ngâm và được lồng vào thân phận của người phụ nữ để giới thiệu nhân vật chính mà ca khúc mang tên:
Thuở trời
đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
Ngòi viết của nhà thơ Đặng Trần Côn đã miêu tả thảm cảnh và tội ác của chiến tranh dưới chế độ phong kiến bắt đầu bằng hai câu thơ miêu tả cảnh quan và địa điểm xảy ra chiến tranh:
Trống Trường
thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây!
Thảm cảnh trên làm cho ta liên tưởng tới sau này, lúc giặc Pháp đánh chiếm và gây tang tóc cho đồng bào vô tội ở đất Đồng Nai - Gia Định, cụ Đồ Chiểu đã đau đớn than thở:
Bến Nghé
của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây!
Trường thành là những đoạn thành dài của nước Yên, Triệu, Tần xây lên nằm dọc theo phía Bắc của vùng lãnh thổ của người Hoa Bắc hay Hoa Hạ để chống Hung Nô (tổ tiên của người Mông Cổ nay) thường xâm nhập từ phía Bắc mà về sau Tần Thỉ Hoàng (246 - 207 trước Tây lịch) thống nhất đất nước Trung Quốc mới liên kết những đoạn ấy thành Vạn lý Trường thành dài 6.500 km. Cam Tuyền hay Cam Toàn là ngọn núi nằm phía dưới Trường thành bên bờ sông Lạc Thuỷ (phụ lưu sông Vị Thủy và chi nhánh của sông Hoàng Hà) thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay, cách thành Diên An 40 km và Hàm Dương 120 km. Đây là khu vực ra quân của các chiến sĩ để đi chinh chiến miền xa theo lệnh hoàng đế khi có lửa khói báo hiệu trên núi Cam và tiếng trống khua vang trên vọng lâu trường thành. Đây là hiệu lệnh được báo động khi có giặc xâm phạm biên cương từ thời Thương, Chu:
Người chiến sĩ hay chinh phu từ giã người vợ hiền hăng hái lên ngựa băng qua cầu sông Vị trong cảnh trời đầy gió thu buồn:
Giã nhà
đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.
Hình ảnh đó cho thấy đoàn quân của nhà Tiền Hán thời ấy lên đường chinh chiến. Lớp theo ngã Lũng Tây do tướng Phó Giới Tử chỉ huy để tiêu diệt bộ tộc Lâu Lan (rợ Nhục Chi hay Tokhares, tổ tiên người Hoa hợp chủng với Mông cổ mang tên Bắc Mongolic tới thời Hán thì bị tiêu diệt) ở đất phía Tây Vực (Tân Cương ngày nay) giáp với Turkestan gốc người Nga. Lớp xuống phía nam vùng đất Kinh nằm ở mạn trên và mạn dưới sông Dương Tử (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam ngày nay) do Phục Ba tướng quân Mã Viện nhằm đánh đuổi Man Di. Cũng chính tướng này khi đã lão thành 62 tuổi lại tiếp tục đưa quân đánh Giao Chỉ do Hai Bà Trưng giành độc lập được ba năm.
Đặng Trần Côn đã khéo léo dùng các điển tích thời nhà Chu, Tần, Hán để khơi lại một vùng địa lý thuộc cương vực cổ của người Việt mang tộc Kinh mà các triều đại phong kiến phương Bắc cổ đặt tên là đất Kinh Man ở khu vực Thiểm Tây (Trung Nguyên) mà Sở, Tần, Hán lần lượt đánh chiếm khiến người Việt gốc Kinh phải đi xuống phía Nam.
Theo nhiều nguồn tư liệu cổ của Trung Quốc và thông qua khoa Tiền sử học và Khảo cổ học của phương tây mà nhiều nhà bác học Pháp đã dày công thực hiện các cuộc khai quật các di chỉ từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam và Đông Nam Á cho biết cách nay hơn bốn ngàn năm, chủng Hoa đã có mặt tại miền Bắc và Đông Bắc Trung Quốc (vùng đất Hoàng Thổ của khu vực đất vàng thuộc châu thổ sông Hoàng Hà), chủ yếu là khu vực tỉnh Sơn Tây và Sơn Đông (gốc người vượn Bắc Kinh ở Chu Khải Điếm) phía trên sông Hoàng Hà. Đây là thời kỳ tương ứng với các triều đại Tam Hoàng, Ngũ Đế và Hạ, Thương, Chu. Trong khi đó chủng Mã lai - Indonésiens - Mongoloid (chủng chính của các dân tộc Đông Nam Á) di cư từ vùng thuộc thung lũng Hi-malaya (có nghĩa là vùng núi của dân tộc Malaysia) đã vượt qua miền Tây Tạng và Tân Cương tới định cư ở bờ nam sông Hoàng Hà, chủ yếu bên bờ sông Lạc Thủy và Vị Thủy. Chủng tộc này định cư chưa bao lâu thì người Hoa Bắc vượt sông Hoàng Hà để đánh chiếm và đuổi đi. Cổ sử Trung Quốc gọi là cuộc chiến giữa thủ lĩnh Hiên Viên (tộc Hoa) và Xuy Vưu (tộc Việt). Vua Thuấn lại tiếp tục sai tướng Vũ (sẽ là một trong ba vua hiền đức) đánh đuổi tộc Miêu, Lê ở bờ nam Hoàng Hà (theo sách Kinh Thi). Bách Việt được hình thành, trong đó có Lạc Việt với dụng cụ cầm tay là lưỡi rìu Quốc Oai (phát hiện ở di chỉ nằm giữa Hà Đông và Sơn Tây nước ta) hay còn gọi "búa mặt nguyệt" khi chạy về phương nam (cái việt = lưỡi rìu bằng đồng hình cong có cán gỗ nằm ngang thành hình chữ Việt mà người Hán viết theo tượng hình này để gọi bộ tộc ở đất Kinh: dân tộc Kinh liên tục về phương Nam. Lưỡi rìu này về sau ta cải tiến thành cái liềm hái).
Tác giả "Việt Nam sử lược", cụ Trần Trọng Kim gọi thị tộc của thời kỳ này là Họ Hồng Bàng không phải là không có cơ sở nhưng lại không giải thích cụ thể theo khoa học. Đất Kinh Man có Kinh Việt và Dương Việt rộng từ Hoa Trung đến Hoa Nam tương ứng với tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam nằm khắp các khu vực bắc và nam sông Dương Tử, trong đó có hồ lớn Động Đình. Hai sông Tiêu và sông Tương chảy vào hồ này. Tác giả khúc Chinh phụ ngâm tha thiết viết nỗi lòng của chinh phụ:
Chốn Hàm
Dương chàng còn ngoảnh lại
(chỉ phía Bắc lúc phát tích và còn luyến tiếc khi phải
rời bỏ chiếc nôi cũ).
Bến Tiêu,
Tương thiếp hãy trông sang
(chỉ phía Nam sau khi di cư mà các dân tộc vẫn còn chia
ly, sinh sống còn cách xa nhau).
Khói Tiêu
Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu, Tương mấy trùng
(liên tưởng hai phương trời cũ.
hồi tưởng cảnh vật xưa).
Vua của đất Kinh Việt và Dương Việt được đặt tên là Kinh Dương vương và có tên nước là Xích Quỷ. Tác giả Trần Trọng Kim viết: "Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải" (Sđd trang 23). Chữ Hán ở cổ thư gọi phương nam là "quỷ", "xích" là vùng đất có màu đỏ hay vùng có khi hậu nắng nóng (giống như Xích đạo) có khí hậu hoàn toàn khác lạ với miền Hoa Bắc giá lạnh và xám xịt.
"Chuyện vua Thần Nông tuần thú phương Nam theo ngành khảo cổ đó là thời đại dân Việt tộc Kinh phát minh trồng lúc nước trên đường di tản xuống phương Nam.
18 đời vua Hùng có lẽ sau đó đã xảy ra từ hồ Động Đình cho tới đất Văn Lang. Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương vào năm 2.879 trước CN. Sự tích Phù Đổng Tiên vương vào thời Hùng Vương thứ 6 đánh giặc Ân là có thật. Nhà Ân thời ấy nằm ở khu vực sông Hoàng Hà thuộc tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây đã trực tiếp đánh chiếm nước Việt cổ của Hùng Vương. Biến cố lịch sử này được dân tộc Kinh ghi nhớ từ lâu đời nhưng con cháu sau này khi định cư ở vùng sông Hồng mới nhớ lại để lập đền thờ và lịch sử truyền miệng trở thành huyền thoại mà tới lúc ấy mới kể như cổ tích. Thời Tần, Sở tiếp tục đánh đuổi Bách Việt lấn chiếm dần dần xuống phía nam nên 9 chi Lạc (Cửu Lê) đã tách ra làm hai chi Âu và Lạc với truyền thuyết Âu Cơ chia tay với Lạc Long Quân (cũng có sách cho đó là cuộc tách ra của người Mường (có Thái) và người Việt để hình thành nên nước Văn Lang và Tây Âu. Vị trí Tây Âu nằm phía Bắc của Văn Lang, khoảng giữa Quảng Đông và Quảng Tây và phía Bắc có Quý Châu. Văn Lang là miền đất còn lại sau cùng của vua Hùng dân tộc Kinh hay Lạc nằm trên địa phận Bắc Bộ ngày nay, từ Lào Cai - Vĩnh Phú tới Thanh Hoá - Nghệ An. Nếu kinh đô Phong Châu - Bạch Hạc là trung tâm đất nước Văn Lang thì cương vực của Văn Lang phải rộng và kéo dài lên phía Bắc rất xa ở lúc ban đầu.
Và còn nhiều điển tích lẫn tên các địa phương trong suốt khúc Chinh phụ ngâm mà tác giả Đặng Trần Côn cố ý đưa vào thi phẩm của mình để cho thấy vùng đất cũ của dân tộc Việt Nam khá rộng lớn lúc phát tích nhưng tới sau này đã bị các triều đại phương Bắc lấn chiếm gần hết, chỉ còn lại một miền viễn xứ nhỏ ở phương nam nhưng cũng không yên ổn để an cư lạc nghiệp và thường xuyên bị đe dọa, xâm lược tiếp một ngàn năm nữa và sau này vẫn cứ lấn chiếm… Đó là từ thời nhà Hán tới nhà Đường với suốt trên một ngàn năm Bắc thuộc. Nhưng người Việt dân tộc Kinh đã cùng với đông đảo dân tộc thiểu số khác lần lượt di cư tới lánh nạn rồi lập nghiệp lâu dài trên dải đất Việt Nam qua nhiều thời kỳ từ thời Hùng Vương cho tới hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp đánh Mỹ.
Dân tộc Kinh người Việt đã dẫn đầu mở cuộc Nam tiến để sinh tồn suốt hơn bốn ngàn năm lịch sử được tính từ thời mới di cư tới miền nam Hoàng Hà đã biết nông nghiệp với lưỡi rìu (cái việt) cầm tay và trống đồng vác vai. Tộc Việt (Lạc, không phải chim Lạc là vật tổ) đã biết đồng pha thau từ lúc còn ở miền Thiểm Tây. Trống đồng đã theo chân các tộc Lê khác đi khắp Đông nam Á. Còn người Hoa Hán chính thống không biết chế tạo trống đồng. Trái lại, Hoa Nam có là của Bách Việt.
Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Đặng Trần Côn, một trí thức Bắc Hà đã sáng tác Chinh phụ ngâm khúc bằng Hán văn vào thời buổi Trịnh Nguyễn phân tranh cả trăm năm gây tang tóc đau thương cho nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ có gắn kết với hình ảnh cuộc đánh đuổi, chém giết cả ngàn năm của phong kiến phương Bắc đối với Bách Việt. Tác giả Chinh phụ ngâm khúc đã từng đi sứ Trung Quốc nên bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu sử sách cổ và vùng đất cố cựu của Cổ Việt Nam. Hôm nay, đặt lại vấn đề này âu cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm về một miền viễn xứ xa xăm cố cựu của một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến.
Theo nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc, tất cả các sắc dân nằm trên vùng Đông Nam Châu Á, kể cả Ấn Độ đều có cùng phát tích ở Malaysia hay Indonesia, đợt thứ nhất đã rời khỏi địa bàn từ thời đồ đá di cư lên phía Bắc, chủ yếu qua vùng Đông Dương, có nhóm lên tận vùng Hi-Malaya, Ấn Độ và Hoa Bắc cách dây trên 5.000 năm, trong đó có tộc Việt Nam sau này. (Chính vì lẽ đó mà ta tự hào với 4-5 ngàn năm văn hiến). Đợt thứ hai di chuyển sau lối 2.000 năm chỉ tới vùng Hoa Trung mà thôi. Khi tộc Việt bị người Hoa Bắc đánh đuổi chạy về phương Nam trước thì đã có nền văn minh Sông Hồng, Đông Sơn… Còn các tộc cùng chủng chạy theo sau. Khi Văn Lăng mở nước thì họ tới cư ngụ ở biên giới phía Bắc nước ta như ngày nay cho thấy có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống đoàn kết với nhau như anh em.