Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

thi sĩ Nguyễn Bính (1918-1966)








NGƯỜI CHỊ TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH




C ác thi sĩ thường có một người em trong thơ. Có thể đó là một em tưởng tượng, cũng có thể là những “em thiệt”, là một nhân vật thật sự nào đó, một người thật ở ngoài đời.

      Trường hợp Hàn Mặc Tử tương đối rõ. Ví dụ ông viết “Đêm qua trong mộng gặp Thương Thương” thì quả thật có một cô tên như thế, em thi sĩ Hoàng Diệp và cũng chính Hoàng Diệp giới thiệu cô em bà con của mình cho Hàn Mặc Tử. Nhân vật “em” Hàn Mặc Tử nói nhiều nhất là Mộng Cầm, người ông nhắc đến nhiều lần trong bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết”. Chẳng hạn ông viết “Ta đến nơi nàng ấy vắng lâu rồi, nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ”. Cái “vắng lâu rồi” chỉ là tưởng tượng! Mộng Cầm đã cùng với ông đi chơi lầu ông Hoàng (Lầu ông Hoàng người thiên hạ đồn vang, Là nơi ấy đã yêu thương tha thiết! Ông trời ơi là Phan Thiết, Phan Thiết!” Chỉ khác một điều, Hàn Mặc Tử đã “thi hóa” cô em ấy khi đưa vào thơ. (1)

    Nhạc sĩ, như Trịnh Công Sơn cũng vậy: “Quỳnh Hương”  hay “Nguyệt Ca” thì Quỳnh Hương và Nguyệt với nhạc sĩ là “Người thật, việc thật” (...........) đã được “nhạc hóa” vậy!

       Dĩ  nhiên, Nguyễn Bính cũng có một “em” nào  đó. Có thể là một “Em Hàng Xóm”  như trong câu thơ “Từ độ mồng tơi thôi trổ lá, thì cô hàng xóm cũng thổi sang”, hay “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi cách nhau có dậu mồng tơi xanh rờn”. Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Binh, người đọc thường thấy xuất hiện một người chị, một người chị ông rất thương mến, hay tâm sự. Điều ấy đem lại cho người đọc nhiều mối xúc cảm khi đọc thơ ông, như tôi chẳng hạn!

      Xin đọc bài thơ sau đây để biết ít nhiều về  người chị của Nguyễn Bính:

       Lỡ  Bước Sang Ngang, tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính được sáng tác vào năm 1940:

“Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ nay.
Rượu hồng em uống cho say,
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng.
(Rồi đây sóng gió ngang sông,
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ)
Miếu thiêng vụng kén người thờ,
Nhà hương khói lạnh, chị nhờ cậy em.
Đêm nay là trắng ba đêm,
Chị thương chị, kiếp con chim lìa đàn.
Một vai gánh vác giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương.
Mắt quầng, tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu,
Cách mấy mươi con sông sâu,
Và trăm nghìn vạn nhịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi... cũng là đành...
Sang ngang lỡ buớc riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào,
Đầy thuyền hận có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa, em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em!
Một đi bảy nổi ba chìm,
Trăm cay nghìn đắng, con tim héo dần
Dù em thương chị mười phần,
Cũng không ngăn nỗi một lần chị đi.”

Chị tôi nước mắt đầm đìa,
Chào hai họ để đi về nhà ai...
Mẹ trông theo, mẹ thở dài,
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran.
Tôi ra đứng ở đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa.

Giời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bẩy tuổi chị đi lấy chồng.
Người ta: pháo đỏ rượu hồng
Mà trên hồn chị: một vòng hoa tang.
Lần đầu chị bước sang ngang,
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường.
Ở nhà em nhớ mẹ thương
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ.
Mẹ ngồi bên cửi se tơ
Thời thường nhắc: “Chị mầy giờ ra sao?”
“- Chị bây giờ”... nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang.
Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời dông bão, giữa tràng giang, lật thuyền.
Xuôi dòng nước chảy liên miên,
Đưa thân thế chị tới miền đau thương,
Mười năm gối hận bên giường,
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
Mười năm đưa đám một mình,
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên.
Mười năm lòng lạnh như tiền,
“Tim đi hết máu, cái duyên không về.
Nhưng em ơi một đêm hè,
Hoa soan nở, xác con ve hoàn hồn.
Dừng chân bên bến sông buồn,
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang.
Đoái thương, duyên chị lỡ làng.
Đoái thương phận chị dở dang những ngàỵ
Rồi ... rồi ... chị nói sao đây!
Em ơi, nói nhỏ câu này với em...
...Thế rồi máu trở về tim
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi.
Chị nay lòng ấm lại rồi,
Mối tình chết, đã có người hồi sinh.
Chị từ dan díu với tình,
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.”

Tim ai khắc một chữ “nàng”
Mà tim chị một chữ “chàng” khắc theo.
Nhưng yêu chỉ để mà yêu,
Chị còn dám ước một điều gì hơn.
Một lần hai lỡ keo sơn,
Mong gì gắn lại phím đàn ngang cung.
Rồi đêm kia, lệ ròng ròng
Tiễn đưa người ấy sang sông chị về.
Tháng ngày qua cửa buồn the,
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.
Úp mặt vào hai bàn tay,
Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm.
“Đã đành máu trở về tim,
Nhưng không ngăn nỗi cánh chim giang hồ.
Người đi xây dựng cơ đồ...
Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
Người đi khoác áo phong trần,
Chị về may áo liệm dần nhớ thương.
Hồn trinh ôm chặt chân giường,
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây.
Năm xưa đêm ấy giường này,
Nghiến răng... nhắm mắt... chau mày... cực chưa!
Thế là tàn một giấc mơ,
Thế là cả một bài thơ não nùng!
Tuổi son má đỏ môi hồng,
Bước chân về đến nhà chồng là thôi!
Đêm qua mưa gió đầy giời,
Trong hồn chị, có một người đi qua...
Em về thương lấy mẹ già,
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công.
Chị giờ sống cũng như không
Coi như chị đã sang sông đắm đò."

      Bài thơ nầy xuất hiện sau “hiện tượng TTKH”.

      Tôi nói “hiện tượng TTKH” là vì có câu chuyện như thế nầy: Năm 1937, trước khi Nguyễn Bính làm bài thơ nầy 3 năm, có một cô gái, “đẹp và thùy mị”, tự tay đem đến cho tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy một bài thơ, xin đăng. Bài thơ nhan đề là “Hai Sắc Hoa Ti-gôn.” Cô gái nầy không cho địa chỉ và cũng không để lại một dấu tích lý lịch gì cô ta cả. Nội dung bài thơ kể lể tâm tình một cô gái trẻ đẹp, có một người yêu, - một người tình lý tưởng – nhưng vì ép buộc phải lấy một ông chồng già, như Nguyễn Bính mô tả về sau, chị ông cũng ở trong trường hợp tương tự như vậy: “Đêm đêm bên cạnh chồng già, Và bên cạnh bóng người xa hiện về.”

       Không rõ câu chuyện nầy có thật không! Mấy ông nhà báo là chúa hay phịa cho câu chuyện có vẽ ly kỳ, gay cấn để câu độc giả. Sở dĩ tôi nói thế vì có người kể lại rằng, chẳng có một TTKH nào hết. Đầu đuôi là do Tuấn Trình, còn có tên là Thâm Tâm. Ông nầy có một bài thơ rất nổi tiếng là bài “Tống Biệt Hành” (Đưa người ta không đưa sang sông, Sao có tiếng sóng ở trong lòng. Bóng chiều không thắm, không vàng vọt, Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong). Ông có một người yêu. Cô ấy bị cha mẹ buộc đi lấy chồng, không rõ lấy chồng già hay trẻ. Dĩ nhiên cả hai đều đau khổ. Rồi Thâm Tâm làm bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” đưa nhà báo đăng. Rắc rối là ông không đề tên ông mà lại đề TTKH, có nghĩa là Thâm Tâm (hay Tuấn Trình) và Khánh. Khánh là tên cô gái phụ tình ông. Ông không nói là bài thơ nầy do ông làm ra và câu chuyện cô gái “trẻ đẹp thùy mị” đến tòa báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đưa thơ xin đang là do mấy ông phịa ra!

       Dĩ  nhiên có người không đồng ý như thế. Bài “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” tuy cảm động, nhưng cách làm thơ như thế, kỹ thuật thơ như thế, không phải là thơ của Thâm Tâm.

       Chuyện chẳng rõ ra làm sao cả. Cho đến nay, những bài thơ của TTKH, tất cả có 4 bài: “Hai Sắc Hoa Ti-gôn”, “Bài Thơ Thứ Nhất”, “Bài Thơ Đan Áo Cho Chồng” và “Bài Thơ Cuối Cùng” vẫn còn là nghi vấn trong văn học.

      Thế  rồi bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” làm khuấy động dư luận báo chí thi ca hồi đó. Một mặt là vì bấy giờ, qua chủ trương của “Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn” và một số nhà văn, thơ khác, người ta đang cổ võ chủ nghĩa cá nhân, chống đối việc hôn nhân “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Mặt khác, bài “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” là một bài thơ hay, xuất hiện trong một trường hợp khá đặc biệt (tác giả dấu tên, dấu mặt). Bài thơ lại xuất hiện sau tiểu thuyết “Hoa Ti-gôn” của Thanh Châu cũng đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy cùng năm.

      Chính Nguyễn Bính cũng như Thâm Tâm lại tham gia sự kiện thơ nầy. Nguyễn Bính có bài “Cô gái vườn Thanh” và Thâm Tâm bài “Màu máu Ti-gôn”.

      Tôi nghĩ rằng từ “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” nên có người chị xuất hiện trong bài “Lỡ Bước Sang Ngang” của Nguyễn Bính sáng tác năm 1940, sau “hiện tượng TTKH” 3 năm.

 

      “Lỡ Bước Sang Ngang” là một bài thơ hay, được đặt làm nhan đề cho tập  thơ “Lỡ Bước Sang Ngang” của ông xuất bản cùng thời gian ấy, và sau nầy ở vùng Quốc Gia và ở Miền Nam tái bản nhiều lần.

      Bài thơ bắt đầu bằng một câu ca dao: “Em ơi! Em ở lại nhà, Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương” Có phải đó là lời một người chị đi lấy chồng, gởi gắm mẹ lại cho em phụng dưỡng, giao vườn dâu lại cho em chăm sóc. Nó cũng tương tự như cô Thúy Kiều gởi gắm mẹ lại cho cô Thúy Vân vậy. Bài “Dặn Dò” của Phạm Duy, ý có khác đi. Đó là lời dặn dò của một người ra đi chiến trường, dặn vợ ở lại chăm sóc mẹ già: “Em ở lại nhà, em ơi! Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương. Còn anh vác súng lên đường…”

      Như  tôi nói, bài thơ nầy bắt đầu bằng hai câu ca dao. Với Nguyễn Bính, việc ấy không lạ vì như có người đã nhận xét, ông là nhà thơ của đồng quê, của ruộng rẫy, lại có khi rất quê, như trong bài “Chân Quê” chẳng hạn. (2)

  Công việc của người con gái Việt Nam ngày xưa là: “Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải” như trong “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán. Thật ra, vùng Bắc Ninh người ta mới nuôi tằm nhiều. Con gái xứ nuôi tằm, ít làm ruộng, chân tay trắng trẻo hơn. Vì vậy, ngoài Bắc, ngày xưa, con gái Bắc Ninh nổi tiếng đẹp. “Cô gái Việt gánh gồng xinh xinh, Đâu cũng là những cô gái Bắc Ninh.” (Việt Nam Độc Lập - Xuân Diệu). Bắc Ninh là quê hương của Quan Họ, một lối hát rất dễ làm nảy sinh tình cảm trai gái. Từ đó, yêu một người nhưng phải kết duyên với một người khác, và có câu ca dao: “Em ở lại nhà, vườn dâu em đốn mẹ già em thương.”

      Theo phong tục Việt Nam ngày xưa thì con gái lấy chồng rất sớm. Mới yêu, mới kịp hẹn hò, giao ước, như cô Kiều vậy thì cha mẹ gả đi lấy chồng. Cũng theo phong tục đó, con cái không chống lại được! Trong vài trường hợp, nó tạo ra thảm cảnh cho người con gái giàu tình cảm. Cũng từ ý nghĩa đó, người ta thấy nội dung bài “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” (xem phụ lục) diễn tả tâm trạng đau khổ một người con gái yêu một người nhưng lại phải lấy một người khác, mà lại là một ông chồng già.

      Có  thể câu chuyện tình nầy là chuyện thật. Yêu một người, lấy một người khác. Điều ấy rất dễ xảy ra trong xã hội cũ. Nhưng đem câu chuyện cũ ấy đặt vào thời kỳ văn chương Việt Nam chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân và thi ca Pháp, với Lamartine, Chateaubriand, Paul Valery… thì cũng dễ gây nhiều phản ứng.

     Tuy nhiên, theo tôi, khó nói rằng người đời nay lãng mạn hơn người đời xưa. Cô Thúy Kiều không phải là người lãng mạn hay sao? Nếu độc giả chịu khó đọc ca dao, suy gẫm với nó, xúc cảm với nó, độc giả sẽ thấy rằng, trong khung cảnh đồng ruộng, sông nước, lũy tre làng, bóng trăng xanh, những lúc cấy gặt trên đồng, những đêm hò đạp nước, giả gạo, người Việt Nam ngày xưa lãng mạn không thua chi người Tây phương, không phải đợi đến khi người Pháp sang cai trị ta, đem văn chương của họ sang ta, người Việt Nam mới có thi ca lãng mạn. Ngươi Pháp tạo ảnh hưởng trong thi ca Việt Nam, điều ấy, có lẽ nó đúng trong tầng lớp trung lưu thành thị, bị Tống Nho trói buộc nhiều bằng gia phong, lễ nghĩa. Lắm khi ở chốn đồng quê thanh vắng, dù “lệ làng” có khắt khe, người dân quê Việt Nam vẫn có một tâm hồn, một sức sống tình cảm tràn đầy.

      Tuy câu chuyện tình trong “Lỡ Bước Sang Ngang” không khác mấy với “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” nhưng cách biểu thị của Nguyễn Bính, thiên về ca dao, dân ca, trong khi “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” thiên về thể thơ mới, cái hay của Nguyễn Bính dễ xoáy động lòng người đọc, qua đó, ông lại có những câu thơ, những ý rất hay.

      Ví  dụ:

     Vừa mở đầu, ông nhắc lại những hai lần: “Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.” Không những ông lợi dụng cái hay của ca dao, mà nói như thế là ông muốn nhấn mạnh tới nỗi đau khổ của cô gái phải đi lấy chồng sớm, chưa kịp đền ơn nghĩa sinh thành. Trong xã hội cũ, điều ấy rõ lắm. Vì thương mẹ, các cô gái đi lấy chồng thường khóc, không hay cười như con gái bây giờ. Mặc chiếc áo cưới vào, các cô gái xưa nước mắt đã đầm đìa lã chã. Đội cái khăn cưới vào, khăn rủ xuống tận đất, các cô đời nay sao cười vui thế?! Họ không nghĩ tới việc mình phải xa mẹ hay sao? Không nghĩ tới chuyện làm dâu quê chồng, không nghĩ tới việc “Chốn phong ba em làm dâu nhà người” như Chế Linh hát hay sao?! Họ không gặp phải cảnh, có hôm nào “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều!” Thời kỳ ấy qua rồi, không bao giờ trở lại, thật là may cho con gái bây giờ!

   Cảnh sắc trong thơ ông rất xưa, cổ.

      Ví  dụ: Thơ ông có miếu, chỗ người ta hẹn nhau đến đó thề bồi. Vì bội ước lời thề nên “Miếu thiêng vụng kén người thờ” cũng như trên bàn thờ tổ tiên thiếu người nên “Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em”.

     Ngày nay, người ta có thể kết hôn rồi li dị, và kết hôn đôi ba lần nữa cũng chẳng có gì phải e ngại. Người xưa không thể. Đời chỉ có một lần, có nghĩa là chỉ cưới một lần, lấy chồng một lần. Ít khi người ta nại lý do nầy khác để lấy chồng lần thứ hai:

 

 Một lần này bước ra đi 
Là  không hẹn một lần về nữa đâu,

   Cách ví von (dùng thể hứng, là thể thường thấy trong ca dao) của Nguyễn Bính, trong nhiều trường hợp, xử dụng khá hay.

   Ví  dụ: Trong ca dao người ta dùng thể hứng “Trèo lên cây bưởi,” hay “bước ra vườn cà…” là dùng hoa bưởi, hoa cà để làm cớ nói chuyện với cô hàng xóm “Em lấy chồng anh tiếc lắm thay.”

    Nguyễn Bính cũng dùng cách như thế để nói tới việc chị ông đi lấy chồng lúc còn trẻ:

  

“Trời mưa ướt áo làm gì
Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng.”

 

  Việc chị ông đi lấy chồng có liên hệ gì tới “trời mưa ướt áo” khiến ông đan kết hai việc ấy lại trong hai câu thơ?

   Khó  giải thích ý đó của ông! Có thể có  một ông giáo sư môn văn chương nào đó “tán” rằng việc trời mưa ướt áo gần giống với việc chị ông khóc ướt áo nên làm ông nhớ tới việc chị ông đi lấy chồng. Giải thích như thế cũng không đến nỗi gượng bởi vì chị ông đâu có khóc một lần mà khóc tới nhiều lần: “Chị tôi nước mắt đầm đìa, chào hai họ để đi về nhà ai?” hay “Chị tôi khóc hết một ngày một đêm.” Khóc như thế thì ướt áo cũng không có chi lạ!

   Cách ví von trong thơ ông cũng khá hay. Đám cưới thì có “pháo đỏ rượu nồng”, ấy là cách xưa, nhưng ông ví pháo ấy với rượu ấy như… “một vòng hoa tang”: “Người ta pháo đỏ rượu nồng, Mà trong lòng chị một vòng hoa tang.” Rồi ông vẽ lại một cảnh xưa ngày nay khó thấy lại:

“Mẹ trông theo, mẹ thở dài,
Một dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran
Tôi ra đứng ở đầu làng,
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu xanh.

    Xứ  ta có nhiều sông nước nên thuyền đò là phương tiện di chuyển rất phổ thông. Trong lịch sử và văn chương cổ, không ít những hình ảnh đón dâu bằng thuyền. Đám cưới đi bằng thuyền, lỡ khi gãy một mái chèo là điềm xui. Trong bài thơ nầy, tôi không thấy nói tới gãy mái chèo. Nhưng cảnh đón dâu bằng thuyền, qua sông không có gì vui vẻ! Nó chỉ là “Lỡ Bước Sang Ngang” tức là đi qua một chuyến đò ngang, nghĩa bóng là đi lấy chồng, hoặc “Đầy thuyền hận…”, hay “giữa tràng giang lật thuyền”. Xin đọc bài thơ, độc giả sẽ thấy thêm nhiều cái hay của nó.

   Có  một sự khác biệt giữa cô gái trong thơ TTKH và người chị của ông trong “Lỡ Bước Sang Ngang”. Người thơ TTHK phụ tình, lấy chồng, và… yên phận với chồng để rồi lo “Đan áo cho chồng” và chấm dứt câu chuyện tình bằng “Bài Thơ Cuối Cùng.”

      Chị  ông thì không. Người tình cũ lại về. Chị ông những tưởng “Xác con ve hoàn hồn”và vui trở lại. Nhưng niềm vui ấy kéo dài không lâu vì người tình chị ông lại ra đi. Việc ấy, Nguyễn Bính có một cách ví von khá hay: “Máu chảy về tim.”

 
 

  “Đã đành máu trở về tim,
Nhưng không ngăn nỗi cánh chim giang hồ. 
Người đi xây dựng cơ đồ...
Chị  về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
Người đi khoác áo phong trần,
Chị  về may áo liệm dần nhớ thương.

 Đây là một đoạn thơ rất hay và rất cảm động, khó ai viết được như ông. Trước đây hơn 50 năm, nói về việc người ra đi rồi trở về với cái gốc của mình, để viết thành thơ “Máu chảy về tim” hoặc “Tim đi hết máu mà duyên không về” là mới lạ lắm! Bây giờ, ý đó, người ta viết nhiều nên nó thường ra, không còn hay nữa.

 Trong đoạn thơ trên, người đọc không khỏi lưu ý tới mấy chữ “Cánh chim giang hồ”. Giang hồ là cái “mốt” của giới nghệ sĩ ngày ấy. Ông nhà văn nhà thơ nào cũng muốn đi giang hồ, hoặc có khi còn gọi là “giang hồ phiêu bạt”, hoặc“Phong sương, hoặc “Phong Trần”. Hàn Mặc Tử, khi mới làm thơ, lấy bút hiệu là P.T. P.T. là “Phong Trần” đấy.

Nguyễn Tuân có tập văn nhan đề là “Thèm Đi”. Thèm đi đây đi đó, làm như lúc nào  ông cũng nghe tiếng gọi từ cuối Thiên Nhai. Thiên Nhai là chữ Nguyễn Tuân hay dùng trong “Thèm Đi”., là chân trời, xin đừng lầm với Thiên Thai là cõi tiên. Ở Hà Nội, các ông lên mạn ngược. Lên mạn ngược để lấy cái hứng thú mà viết, như Lê Văn Trương viết “Trường Đời” là chuyện trên mạn ngược, Lan Khai thì viết “Ai hát giữa rừng khuya” hay TCHYA thì viết “Thần Hổ” và Thế Lữ viết “Vàng và Máu”, v.v.. và v,v…

 Cũng không ít người đi vào Nam, vào Saigon để đăng đàn diễn thuyết, nói về văn chương thi phú. Nhưng đi  đâu cũng không bằng Hà Nội. Người đọc, người nghe, người thưởng thức không đâu đông bằng Hà Nội, vì dễ hiểu, Hà Nội là “đất ngàn năm văn vật.”

Hầu hết người đi đều về, riêng Nguyễn Bính có  về thì cũng lâu lắm mới về. Từ Hà  Nội, ông lên mạn ngược rồi vào Huế, ở một thời gian khá lâu, và buồn với cái buồn của cố đô điêu tàn. Ông viết “Cô Lái Đò” là câu chuyện tình của mấy câu ca dao “Trăm năm nhiều nỗi hẹn hò”, tôi có nói tới trong bài “Thổ âm Trị Thiên” (Xem Viết Về Huế 1, Văn Mới xuất bản), về “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” (Ngự Viên là vườn thượng uyển của vua), về “Giời mưa ở Huế sao buồn thế!” Có lẽ nhờ ông là nhà thơ nên ông cảm nhận rất nhanh cảnh mưa buồn xứ Huế mà về sau, không ít thi sĩ nhắc tới, như Đỗ Tấn viết “Đêm Huế mưa buồn như em không nói.” vậy

Thế  rồi Nguyễn Bính đi tuốt vào Nam, sống vơ vất  ở Saigon một đỗi, rồi ông đi dần xuống miền Tây Nam Bộ và theo kháng chiến. Mãi đến hiệp định Genève 1954, ông [ ] tập kết ra Bắc. Ra Bắc, ông làm báo “Trăm Hoa”, những tưởng vài năm ông sẽ về lại miền Nam,. Nơi ông có một đứa con trai, ngày tập kết, ông đã bỏ lại miền Nam.

Trong suốt cuộc đời phiêu bạt của ông, chỉ kể tới khi Nam Bộ Kháng Chiến, bao giờ ông cũng mang theo trong lòng ông bóng dáng một người chị… tưởng tượng, với nhiều nỗi nhớ thương. Chị thương em và em thương chị:

Chị cho em chị chiếc khăn thêu,
Ý chị thương em khóc đã nhiều.

Rượu và nước mắt là hai điều ông thường bày tỏ cho chị ông. Hết một đêm “say rượu cần” thì lại đến chiếc khăn hồng của chị cho đẫm nước mắt: Câu trên thì “Chị cho em chị chiếc khăn thêu, Ý chị thương em khác đã nhiều.” hoặc “Ồ say thương nhớ vô cùng, Rượu say lệ ướt khăn hồng chị ơi!”

Sống đời giang hồ, ông thường nghĩ đến sự xa cách giữa chị ông với ông và cũng có mơ tới một ngày về.

Ở đây còn có vui gì!  
Vườn dâu xa vắng, lối về chị xa.  
Con đường sang xóm Trữ La,  
Cách một ngày ngựa với ba ngày đò.

Ông rất thường nhớ người chị của ông, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, một đêm xuân say rượu chẳng hạn:

Viết cho chị cánh thư này,  
Một đêm lữ thứ, em say rượu cần.  
Nhớ người cách một mùa xuân,  
Hình như người đã một lần sang sông.
 

Lữ thứ là nhà trọ ở phương xa. Cảnh đó là:

Một thân quán trọ sầu phong tỏa.  
Đốt ngọn đèn lên, bóng rợn tường.  
Đêm ba mươi tết quê người cũng,  
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương.

Đêm 30 tết, ông buồn và nhớ.Ông đi đâu mà say rượu cần. Rượu cần là rượu của người dân miền cao. Có lẽ lúc nầy ông đang “giang hồ” đâu trên mạn ngược.

Cảnh giang hồ của ông là không có định hướng gì cả. Đi để mà đi, đi vì “Thèm Đi” như Nguyễn Tuân vậy. Cách ấy, người ta gọi là giang hồ phiêu bạt, có nghĩa là trôi giạt (phiêu) không định (bạt), nay đây mai đó, vui ở buồn đi. Vì vậy, có lúc, ông viết thư cho chị nói:

Hôm qua có chuyến đò xuôi,
Toan về Hà Nội lại thôi không về!

   Tại sao toan về lại không về? Bởi vì ông có định hướng gì đâu!

  Điều nầy khác với Dũng trong Đoạn Tuyệt. Dũng cũng có một người chị, gọi là chị nhưng chẳng bà con gì cả, là cô giáo Thảo, là người trung gian giữa Dũng và Loan sau khi Dũng bỏ nhà ra đi làm cách mạng. Một đêm, trên chiếc đò xuôi trên sông Hồng hay sông Đà, nghe tin Loan trắng án trong vụ giết chồng, Dũng ngồi trên mạn thuyền, bên ngọn đèn nhỏ, viết thư cho cô giáo Thảo, tỏ bày tình yêu của chàng đối Loan. Dù có định hướng như Dũng hay vô định như Nguyễn Bính, những người tiểu tư sản Hà Nội sao lãng mạn thế, chống nhau với Cộng Sản làm sao đươc???

Vậy mà Nguyễn Bính cũng viết được một câu:

Bốn biển vẫn chưa yên sóng gió,
Xuân nầy em chị vẫn tha hương!

Đối với người Việt Nam, hoài bảo của cha mẹ sinh con trai là “Làm trai cho đáng nên trai, Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan.” Tuy nhiên, tôi không tin chàng thi sĩ miền quê hiền hòa, chân chất như Nguyễn Bính có thể làm được việc đó, nên khi nghe ông bảo rằng “Bốn biển vẫn chưa yên sóng gió”, tôi vẫn không tin ông là người có tài kinh bang tế thế để có thể làm đúng như câu đối của cô thôn nữ Ỷ Lan đối lại câu đối của vua nhà Lý: “Yên nước, yên dân, yên luôn bốn bể.” (3) 

Một trong những bài thơ viết về người chị, người yêu, Nguyễn Bính đưa ra một hình ảnh rất thường, nhưng ý nghĩa sâu xa về lãnh vực văn nghệ: “Con tằm”.

“Một ngàn năm, một vạn năm,
Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ.”

Người nghệ sĩ như con tằm vậy. Người họa sĩ vẽ là vì cái nghiệp vẽ, thi sĩ làm thơ vì cái nghiệp thơ, người làm văn thì vì cái nghiệp văn. Nghiệp là nói theo quan điểm nhà Phật, mỗi người tự chọn cho cho mình một cái nghiệp, đời nay hay từ kiếp trước, và người ta phải trả cho hết cái nghiệp của mình.

Con tằm ăn dâu và nhả tơ là cái nghiệp của con tằm. Tự nó, nó không biết cái nhân quả trong việc nó làm. Người làm thơ, người vẽ tranh, người viết văn cũng như con tằm. Viết, vẽ làm thơ là làm cho trọn cái nghiệp, là hành vi vô thức, đâu có phải vẽ để phục vụ cho người nầy xem, làm văn cho người kia đọc, hay làm thơ dâng hiến cho ai.

Cùng quan điểm như vậy, Xuân Diệu viết:

“Tôi là con chim đến từ núi lạ
Khi nắng sớm vào reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng chân trời
 Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn
kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ không xui giùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa
Hát vô ích thế mà chim vở cổ
Héo tim non cho quá độ tài tình
Ca ánh sáng bao lần rây máu đỏ
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh.

Đó là quan điểm của giới “Nghệ thuật vị nghệ thuật.” Quan điểm nầy trái ngược hoàn toàn với người Cộng Sản. Họ chủ trương “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Khoảng các năm 1937, 38, khi “Chính phủ bình dân” lên cầm quyền ở Pháp, ách cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương có phần nới lỏng, thì Trường Chinh hoạt động bán công khai ở Hà Nội, ra báo Tin Tức, cổ xúy quan điểm văn nghệ của Cộng Sản, đã kích dữ dội những ai chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật” như Nguyễn Bính, Xuân Diệu vậy.

Theo phong tục người Việt thì khi người cha qua đời, người anh cả đóng vai cha, lo lắng cho các em. Khi mẹ qua đời sớm thì chị là mẹ.

Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi còn nhỏ, đứa bé nào cũng cần có mẹ, cho nên, vừa vì phong tục, vừa vì tình cảm, ông cần người chị, như một người mẹ vậy. Do đó, những nỗi vui buồn đau đớn, nhớ thương vì tình hay vi đời, ông thường tâm tình với chị.

Không rõ trong đời thực, ông có một người chị hay không? Có thể có thật và nếu không, ông cũng phải tưởng tượng ra một người chị để tâm sự, để thở than, để khóc lóc. Trong trường hợp đó, mộng cũng là thực vậy.

Thật ra, trong đời, khó nói cái gì là thực, cái gì là mộng. Trong Kiều có câu “Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.” Trang sinh mộng thấy mình hóa bướm; thức dậy, không biết mình là bướm hay bướm là mình.

Ngày xưa, có anh tiều phu vào rừng đốn củi, tình cờ giết được một con nai. Anh vùi con nai vào một chỗ nào đó, đợi khi hái củi xong về, sẽ đem con nai về luôn. Đến chiều, khi ra về, anh quên mất nai. Tối lại, đi ngủ, anh nhớ mình có giết con nai, định đem về nhưng quên, rồi anh lại bâng khuâng chuyện giết nai là có thật hay anh nhớ mộng. Ngày mai vào rừng, đi ngang chỗ dấu con nai, anh mới biết chuyện anh giết nai là có thực.

Trong các thi sĩ tiền chiến, Tản Đà là người hay lẫn lộn giữa thực và mộng, ông chìm đắm hết “Giấc Mộng Lớn” đến “Giấc Mộng Con” và ao ước “Mộng được bao nhiêu hay bấy nhiêu.” Ông cứ muốn cho đời là mộng. Nếu đời là mộng, thì nỗi đau khồ ở đời may ra có bớt đi chăng?

Đời là đau khổ, cho đời chìm vào mộng là bớt nỗi khổ đau, nhưng muốn sống trong mộng, người ta phải có rượu. Trong bài thơ “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”, Lý Bạch bảo rằng “Xử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kỳ sinh…” Đời như giấc mộng lớn, làm chi cho thêm mệt…”

Xem ra, Nguyễn Bính là người hay rượu, và nếu như ông có nhớ thương, trông mong, hy vọng, gởi gắm tâm sự mình nơi một người chị mộng tưởng nào đó, thì đó cũng chính là những dằn vặt, khổ đau của một đứa bé mất mẹ từ khi còn thơ ấu vậy./


Chú thích:

(1) Mộng Cầm và bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết”.
Một lần, Hàn Mặc Tử đi chơi với Mộng Cầm ở  “Lầu ông Hoàng”. Theo Quách Tấn, sau lần đi chơi đó về, HMT bị bệnh phung, thất tình và làm bài thơ nói trên. Lầu ông Hoàng do một ông Hoàng ngưới Pháp, công tước Demonpensier, cháu nội vua Louis 16, bỏ ra 82 vạn đồng phí tổn, xây trên một trong năm ngọn đồi ở Phan Thiết, nổi tiếng đẹp. Lầu nằm cạnh tháp Chàm Poshanur, chùa Bửu Sơn, và mộ nhà cách mạng Nguyễn Thông. Xây xong một thời gian, ông Hoàng bỏ về Pháp, ngôi là lầu bỏ hoang, trở thành nơi du ngoạn cho thanh niên nam nữ.
 
(2) “Chân Quê”

Hôm qua em đi tỉnh về  
Đợi em ở mãi con đê đầu làng  
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng  
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!  
 
Nào đâu cái yếm lụa sồi?  
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?  
Nào đâu cái áo tứ thân?  
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?  
 
Nói ra sợ mất lòng em  
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa  
Như hôm em đi lễ chùa  
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!  
 
Hoa chanh nở giữa vườn chanh  
Thầy u mình với chúng mình chân quê  
Hôm qua em đi tỉnh về  
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều


(1936)

Cách nay khoảng 10 năm, một hôm tôi đi ăn ở một nhà hàng, khi ở quầy trả tiền, trên loa trong tiệm đang phát bài Chân Quê phổ nhạc của Nguyễn Bính. Người chủ hỏi tôi: “Ông có biết câu “Em cài khuya bấm em làm khổ anh.” Tôi không rõ ý nói gì?”
Tôi trả lời: “Nút bấm còn gọi là nút bóp, là một loại nút mới du nhập từ bên Tây. Các bà các chị hồi đầu thế kỷ 20 không được xài áo nút bấm, phải xài nút khuy kiểu xưa.”
- “Sao vậy?” Anh ta hỏi.
- “Nút bấm dễ mở, xưa người ta cho rằng đàn bà, con gái dùng nút ấy là không đứng đắn. Anh chàng nhà quê trong bài thơ không muốn người yêu của mình mặc một thứ áo dễ bị mở ra mau lẹ. Bây giờ văn minh, ai cũng xài nút bấm để cởi áo cho nhanh, thành quen nên không mấy ai nhớ chuyện cũ.

(3) Ỷ Lan Phu Nhân
Năm Quý Mão 1063, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai. Vua và hoàng hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng không thành. Một sáng mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu(tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành). Theo dã sử thì khi vua đi ngang làng Thổ Lỗi, có một cô gái quê vẫn điềm nhiên đứng bên cạnh gốc lan, không chịu quì xuống cúi đầu như mọi người. Quan binh cho là phạm thượng bèn la mắng, đưa roi đòi đánh. Vua Lý Thánh Tông thấy lạ, cho người hỏi. Người con gái trả lời khôn ngoan. Thấy vậy, vua nói: “Nay ta ra cho ngươi một câu đối, nếu người đối được, ta tha tội khi quân.” Cô gái chịu lời. Thấy cô ta đẹp nhưng mặt hơi rỗ hoa, nên vua ra đối: “Rỗ chằng, rỗ chịt, rỗ chín mười mươi.” Cô gái đáp ngay: “Yên nước, yên dân, yên luôn bốn bể.”
Vua ưng ý, cho gọi về cung, đặt tên là Ỷ Lan (Ỷ là dựa, vì khi vua tới cô đứng dựa vào cây lan mà nhìn vua). Sau nầy bà là Nguyên Phi.
Năm 1069, vua Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, đánh mãi không được, bèn rút quân về. Được nửa đường, vua nghe thấy người ta ca ngợi bà Nguyên Phi ở nhà làm giám quốc, mọi việc được yên, bèn tự nghĩ: “Người đàn bà còn trị nước được như thế, mà mình đàn ông đem quân đánh giặc không thành công. Vậy đàn ông hèn lắm à!” Nghĩ vậy, bèn ra lệnh quay quân trở lại, phá được quân Chiêm, bắt vua Chiêm là Chế Cũ.

Hai Sắc Hoa Ti-gôn 

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn  
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn  
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc  
Tôi chờ người ấy với yêu thương  
 
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng  
Dải đường xa vút bóng chiều phong,  
Và phương trời thẳm mờ sương cát,  
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.  
 
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,  
Thở dài trong lúc thấy tôi vui.  
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,  
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.  
 
Thuở đó nào tôi có hiểu gì,  
Cánh hoa tan tác của sinh ly,  
Cho nên cười đáp: mầu hoa trắng  
Là chút lòng trong chẳng biến suy.  
 
Đâu biết lần đi một lỡ làng  
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.  
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm  
Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường.  
 
Từ đấy thu rồi thu lại thu,  
Lòng tôi còn giá đến bao giờ.  
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ  
"Người ấy" cho nên vẫn hững hờ.  
 
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,  
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,  
Mà từng thu chết, từng thu chết,  
Vẫn giấu trong tâm bóng một người.  
 
Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết  
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa  
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ  
Và đỏ như màu máu thắm phai  
 
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi,  
Một mùa thu cũ rất xa xôi.  
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã  
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!  
 
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,  
Chiều thu hoa đỏ rụng, chiều thu...  
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,  
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.  
 
Nếu biết rằng tôi đã có chồng,  
Trời ơi, người ấy có buồn không?  
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,  
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.
TTKH
 
NGUYỄN BÍNH tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nay là Hà Nam Ninh). Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi.
Nguyễn Bính được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự  Lực Văn Đoàn năm 1937 với tập thơ Tâm Hồn Tôi.
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, Ty văn hóa thông tin Nam Hà. Năm 1958, Nguyễn Bính làm chủ bút báo Trăm Hoa.
Ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 (chiều 30 Tết) tại Hà Nội.
Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang (1940), Tâm Hồn Tôi (1940), Hương Cố Nhân (1941), Mây Tần (1942), Người Con Gái Ở Lầu Hoa (1942), Tình Nghĩa Đôi Ta (1960), Tuyển Tập Nguyễn Bính (1984); kịch thơ Bóng Giai Nhân (1942); truyện thơ Truyện Tỳ Bà (1944)...



..Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ HoaKỳ .