Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Shri Aurobindo (1872-1950)






YẾU CƯƠNG VÀ MẶC TƯỞNG (I)



Kỳ thứ I
 
Shri Aurobindo (1872-1950), người Ấn độ: thi sĩ, học giả, triết gia, huyền nghiệm sĩ. Sau một thời gian làm việc chính trị, tranh đấu cho phong trào giành độc lập cho Ấn độ, ông sáng lập ra lý thuyết integral yoga (du già tính nguyên), nhằm vào thăng hoa đời sống qua tâm thức, tượng trưng cho đời sống tâm linh thoát khỏi sự tàn hủy vật chất.
[HPV]

***

Vài Giòng Về Tác Giả 

   Aurobindo Ghose: sinh năm 1872 trong một gia đình quyền quý ở Bengal Ấn độ, thường gọi là Sri Aurobindo. Cha ông muốn người con trở thành một viên chức cao cấp trong guồng máy cai trị của Anh đã gửi ông qua du học tại mẫu quốc từ lúc còn niên thiếu. Ông theo học tại trường St Paul ở Luân đôn, rồi vào King's College ở Cambridge. Khi trở về Ấn năm 1893 ông tham gia vào phong trào quốc gia, trở thành một trong những lãnh đạo có sức lôi cuốn quần chúng. Mục đích ông theo đuổi trong thời gian này là gầy dựng một hệ tư tưởng và chương trình hành động mang tính dân tộc, thoát khỏi mọi ảnh hưởng ngoại bang. Aurobindo đã tạo một sức mạnh cho hàng triệu dân Ấn khiến thực dân Anh bắt cầm tù ông năm 1908. Vào lúc này ông có một kinh nghiệm tôn giáo nên khi được tự do năm 1910, ông định cư ở Pondicherry lập một cộng đồng tín ngưỡng gọi là Ashram (nghĩa là một trung tâm để nghiên cứu và suy niệm; ashrama để chỉ bốn giai đoạn của đời sống là brahmacharya/niên thiếu học tập theo thày và cha mẹ, grihashta/thành niên lập gia đình, vanaprastha/hoàn tất mọi nghĩa vụ để quy ẩn, sannyasa/giải thoát) , có đông người theo kể cả một số tín đồ ở phương Tây. 

   Chính trong thời gian này Aurobindo mới trở thành một triết gia huyền nhiệm của Ấn. Những trước tác chính của ông là Đời sống thần thánh, Chu kỳ con người, Thống nhất lý tưởng người, Tổng hợp Du già. Ý tưởng chính trong quan niệm tiến hóa tâm linh của ông bao gồm trong thực tại là tâm linh. Mọi hiện hữu động vật hay tĩnh vật đều mang tâm linh và vũ trụ là biểu hiện của tiến hóa tinh thần dưới nhiều dạng. Sự tiến hóa này có thể diễn tả qua biến đổi của Brahman thành vật chất, tạo thành một hệ thống bản thể theo đường lối mỗi giai đoạn cao hơn chứa đựng trong nó những cái có trước (đã biến đổi). Theo ông tiến hóa này chưa hoàn tất ở giai đoạn Homo sapiens/Con người có tri thức mà ở giai đoạn sắp tới, biến đổi đặc tính của đời sống cá thể, văn hóa xã hội. 

   Để thực hiện giai đoạn này, con người cần đến triết học. Nhưng triết học nào?  Theo Aurobindo: Vấn đề tư tưởng là phải tìm ra chính ý và chính lộ của hòa hợp; tái thiết chân lý tâm linh cổ và vĩnh cửu của Ngã, ngõ hầu có thể bao dung, thâm nhập và ngự trị đời sống thể chất và tinh thần; phát triển những phương pháp sinh động và sâu sắc nhất của kỷ luật tự giác và tự thân phát triển tâm lý ngõ hầu đời sống tinh thần và tâm lý có thể diễn đạt đời sống tâm linh qua sự bành trướng tối đa có thể của sự phong phú, quyền lực và phức hợp của nó; đồng thời cũng tìm những phương tiện và động lực nhờ đó đời sống bên ngoài, xã hội và những định chế của con người có thể đúc lại tiệm tiến trong chân lý của tâm linh và phát triển về hòa hợp tối đa có thể giữa tự do cá nhân và thống nhất xã hội. 

   Quan niệm tiến hóa tâm linh của Aurobindo không giống với những quan niệm tiến hóa khác ở chỗ ông coi mọi hiện hữu đều là tiến hóa của tâm linh, như vậy mọi hiện hữu có cái chung vì cái hiện hữu ở mức thấp, chẳng hạn như cây cỏ luôn nỗ lực để vươn lên cái cao, và cái cao luôn phản ảnh trong cái thấp. Vũ trụ là một trò biến hóa không ngừng giữa cao và thấp, và cực điểm của tiến hóa là đạt tới saccidànanda, nghĩa là Hữu thuần tuý, Ý thức thuần tuý, Hoan lạc thuần tuý. Hữu, ý thức, ý chí là tam thế của cùng một vận động ba mặt: hữu cho hiệu quả bản thể, ý thức cho hiệu quả về tri thức và ý chí cho hiệu quả về sức mạnh tự hoàn tất. Aurobindo xác định ý tưởng chỉ là ánh sáng của thực tại tự chiếu, không phải là tâm tư hay tri tưởng, nhưng thực sự chính là tự thức. 

  ĐẶNG PHÙNG QUÂN

   [Từ Điển Triết Học Giản Yếu – tr.147-149 – Gió Văn xb.2010]

   LỜI TỰA

   Shri Aurobindo sinh ở Calcutta năm 1872. Cha mẹ ông là người Bengale.
   Từ năm 1879 đến năm 1893 ông học tại Anh quốc, hoàn toàn theo cách học phương Tây, không có một tiếp xúc nào với văn hóa nước Mẹ. Trong vòng 14 năm đó, ông ân hưởng kiến thức quảng bác về văn chương, lịch sử và về văn hóa châu Âu. Ông thông thạo tiếng Hy-lạp và La-tinh, thấu rõ ngôn ngữ Pháp một cách kỳ diệu; ông đọc nguyên bản của Dante và Goethe. Về phần Anh ngữ, ông không nhường một tác giả đương thời nào về tính chính xác và trong sáng. Gần trọn bộ tác phẩm triết học của ông được viết chính bằng Anh ngữ.
Nhờ sự thâm nhập thâm thuý và dài lâu với phương Tây nầy của ông, mà cách thức của người Tây phương chúng ta [tác giả bài Tựa này, Jean Herbert viết cho người Pháp] hiểu biết, phản ứng, lý luận, suy nghĩ trong nhiều loại vấn đề không còn là những bí ẩn đối với ông. Đó là điều thuận lợi để ông nói bằng một ngôn ngữ mà chúng ta hiểu được, để ông trình bày những ý kiến dưới một hình thức mà chúng ta có thể thấu đáo được. 
Thay vì chê bỏ - như các nhà hiền triết Đông phương hay làm – tính chất duy vật trong văn minh Phương tây, thì ông nhìn thấy ở đó một sự tham gia quan trọng và hữu ích vào sự tiến bộ của toàn nhân loại. 
   Từ năm 1893 – 1906, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau trong bang Baroda và say mê nghiên cứu văn hoá và triết học Ấn độ, tiếng Phạn và nhiều ngôn ngữ khác nhau của Ấn độ. Ông là bậc thầy trong lãnh vực lý giải [cả về hình thức lẫn nội dung] những tác phẩm cổ điển nền tảng của Ấn độ như: Kinh Vedas, Áo Nghĩa Thư (Upanishads), Chí Tôn Ca (Bhagavad-Gitâ) làm cho uy thế của ông lan tỏa khắp Ấn độ mà ngay cả với những người không chấp nhận hệ thống triết học của ông cũng phải kính trọng.
   Năm 1906 ông công khai bước lên vũ đài chính trị mà từ năm 1902 ông đã có ảnh hưởng sâu đậm. Ông là một trong những sáng lập viên và người lãnh đạo quan trọng của Phong Trào Quốc Gia (mouvement nationaliste) ở Bengale trong thời kỳ bi thảm 1906 – 1910. Ông giúp đưa đến một chuyển biến thực sự trong tư tưởng và tư duy của cả nước Ấn độ nhờ vào nhiều loại tạp chí định kỳ ông xuất bản (Bande Mataram, Karmayogin, Dharma). Nhiều lần bị bắt và bị theo dõi vì những hoạt động chính trị, nhưng ông luôn luôn được tha bổng. Tuy nhiên, vào năm 1908 – 1909, ông bị một năm tạm giam.  
   Năm 1910, ông lui về miền Ấn-Pháp ở Pondichéry, rồi từ độ đó ông ở mãi nơi nầy. Ông hoàn toàn giã từ mọi hoạt động chính trị, nhiều lần ông từ chối chức chủ tịch Quốc hội Ấn độ; và chỉ chuyên tâm vào môn pháp Yoga thần diệu của ông mà ông đã theo đuổi từ nhiều năm qua. 
   'Những Yếu Cương và Mặc Tưởng' [Apercus Et Pensées] (i) là tác phẩm đầu tiên của Shri Aurobindo được xuất hiện trong các nhà sách Pháp ngữ. Với một ít trang giấy, dưới hình thức ngắn gọn rõ ràng và sâu sắc, sách cũng đủ đưa ra những tư tưởng nền tảng và căn yếu của triết học Aurobindo. Mỗi một tư tưởng cung ứng chất liệu cho những triển khai phong phú hơn.  
   Độc gỉa Pháp sẽ tìm thấy ở đây nhiều ý kiến, nhiều ý niệm quả vẫn còn xa lạ và ban đầu không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng điều quan trọng trong một quyển sách không phải là điều người ta thích thú tiếp thu ngay; bởi vì người ta đã sẵn sàng đón nhận nó, người ta gặp lại tư tưởng của riêng mình trong ấy và như vậy, người ta cảm thấy có một sự thỏa mãn nào đó cho lòng tự ái của mình – mà đúng hơn là tư tưởng mới ấy khích động độc giả trầm mình vào suy tư và như vậy lại cung ứng cho họ sự phong phú xác thực. 
   Ai muốn đọc và phê bình những câu châm ngôn này với lý trí luận lý sẽ tìm thấy một chất kích thích mạnh mẽ, một thứ thực phẩm dồi dào và lành mạnh, một môn thể dục bổ khoẻ, một lợi ích đáng kể; nhưng người nào muốn rút từ đó ra cả cái tinh hoa sẽ phải trầm lặng suy tư - với hết cả tâm lực của mình - chứ không phải chỉ với trí năng mà thôi đâu.
    Quả vậy, không phải yếu tố thuần trí mà tác giả gắn cho nó tầm quan trọng nhất, hoặc gỉa là để phát biểu một cách căn cơ. Nhưng ông đánh thức cái phần tiềm ẩn khá sâu thẳm ngủ yên trong hữu thể chúng ta. Như những triết gia lớn đại diện cho nền triết học Ấn độ, ông quan niệm tri thức trí năng biệt lập là cái gì bất toàn, nghèo nàn và khô khốc. Đối với ông, triết gia vẫn là “người bạn của sự khôn ngoan,” và hơn thế nữa, là “hiền giả” – chính là người đi tìm và áp dụng thực tiễn những định luật cuộc sống cho phép cá nhân triển khai bằng cách khuyết sung có phương pháp trọn vẹn hữu thể mà đạt được sự nẩy nở ngày càng rộng lớn và đầy đủ hơn. Trong gíáo huấn của ông, ngôn ngữ, tư tưởng đều cốt chỉ là một trong những phương tiện truyền bá, gia dĩ rất thiếu sót, nhưng là để chuyển tải sức mạnh, cảm hứng và ước muốn thăng hoa. Ông xem chúng như là phương tiện chớ chẳng hề là mục đích, như dao mỗ của nhà phẩu thuật vậy. Tiên vàn, Shri Aurobindo là một người thực tiễn, ông quan tâm đến những thực tại và không để mình vui sướng với những từ ngữ.
   Với ông cũng như với các bậc tiền bối, triết học và đời sống chỉ là một. Socrate chính là triết gia thực sự chứ không phải là nhà chú giải uyên thâm về những tư tưởng đã được những người khác nghĩ ra và đã thông qua. Nhưng ít ra - cũng cho đến thời Vivekânanda - hầu hết các tông phái lớn của Ấn độ đều dẫn đến việc chạy trốn cuộc sống thường nhật trong cục diện thường có của nó, còn Shri Aurobindo gần gũi với những ý niệm đạo đức và tôn giáo của chúng ta – dù chỉ là trong lý thuyết – ông cũng trù định đặt con người vào thế giới và đưa Đấng Thiêng Liêng tham dự vào những việc làm của đời sống vật chất.  
   Ông không chỉ thực hiện sự tổng hợp rộng lớn này của cả hai quan niệm đó, nhưng còn thấy xa hơn, đi xa hơn và ông muốn nâng mình lên trên bình diện ý thức để từ đó ông có thể đưa Đấng Thiêng Liêng vào trong thân xác vật chất và đời sống thể lý cũng như trong tâm trí, tâm hồn và linh hồn nữa. Đối với ông, thân xác không còn là cái lồng cần thiết phải thoát ra, nhưng đó là một dung mạo của công cuộc sáng tạo cũng rất cần thiết, rất đáng tôn trọng và đáng quan tâm như các tạo dựng khác. Cho dầu nó có phản kháng lại với sự thanh luyện hơn, quyến luyến tính ái ngã hơn; vật chất không vì thế mà kém cỏi trong cách trở thành sự biểu hiện hoàn hảo của Đấng Thiêng Liêng dưới mọi hình thức của nó.  
   Lãnh vực mà Shankarâchârya, Thích Ca, Shri Râmakrishna và những vị thầy tâm linh vĩ đại khác chinh phục là hải cảng mà từ đó Shri Aurobindo đáp tàu đi chinh phục vùng đất mới vì lợi ích của nhân loại. Có thể nói Đạo Yoga của ông là toàn hảo, vì ông vận dụng hết mọi con đường do các tông phái Yoga nổi tiếng mở ra, không phải bằng cách đặt chúng cạnh nhau, mà bằng sự dung hợp chúng thành một tổng hợp mới.  
   Trước những toan tính phi thường này, có thể hết sức táo bạo mà con người không hề nghĩ tới, sự phê bình chỉ có thể rơi vào thinh lặng. Nhưng như Vivekânanda, Shri Aurobindo cho rằng kinh nghiệm đưa đến sự độc hữu là vô giá trị, và cả Tôn sư mà môn đồ không noi theo được thì cũng khô héo như cây không quả. Vì thế, nên ông giúp cho một số người có ân sủng riêng đi theo ông trong khả năng của các phương tiện của họ có. Chỉ những ai, bằng một nhiệt tình phấn chấn, bằng sự hiến dâng trọn vẹn, bằng một nỗ lực đầy nhiệt huyết và kiên gan sắt son mới có thể theo chân Shri Aurobindo về đích mà ông chỉ định, mới có thể có đủ kinh nghiệm để tạo cho mình một quan điểm. Tôi có may mắn được biết nhiều thành viên trong các nhóm nhiệt tình ngưỡng vọng tư tưởng Ấn độ. Tất cả, nam-nữ, già-trẻ; dù họ là nghệ sĩ, thương gia, triết gia, kỹ sư, thi sĩ, bác sĩ, tu sĩ hay viên chức; hoặc bất kể chủng tộc, tôn giáo hay nguồn gốc xứ sở nào; mặc lòng, họ vẫn có một lòng tin thâm trầm vào con đường của vị chân sư [gourou] họ chỉ lối, đủ tuyệt đối để họ hiến dâng cả cuộc sống cho cuộc truy tìm nầy. Bằng vào nhiều phương án khác nhau, dưới sự hướng dẫn thường xuyên và tế nhị của Tôn sư, họ thực hiện một cách kiên trì, hết sức tích cực để nâng mình lên đến đấng Thần Linh, và đưa Thần Linh vào mọi ngõ ngách, vào mọi chiều kích, vào mọi xó xỉnh của hữu thể vật lý, của tâm trí, của tiềm thức, của ý chí, của khát vọng, của sinh hoạt của họ. 
   Shri Aurobindo kém may mắn hơn Râmakhrisna, Vivekânanda và Gandhi vì thiếu một người tán trợ như Romain Rolland. Tuy nhiên tác giả này (R. Rolland) cũng đã tiên cảm được tầm quan trọng căn bản của tác phẩm xuất sinh từ Shri Aurobindo mà ông có đề cập đến trong một số tác phẩm của ông (ii): 
“Như thế, sự hòa quyện của tri thức hoàn hảo nhất với hành động cường liệt nhất trở nên hoàn thiện trong đất nước Ấn độ đầy tôn giáo tính, thông thái và anh hùng đang phục sinh. Và vị Huyền nghiệm sĩ cuối cùng trong các Đại sư thấu thị (Rishis) của Ấn độ nắm trong tay chiếc cung căng thẳng của đấng Hóa Công Phóng Thể.” 
Và tôi tin tưởng rằng nếu người đồng hương vĩ đại của chúng ta còn tiếp tục viết loạt sách kỳ diệu của ông về “Nước Ấn độ sống động” hẳn ông sẽ cung hiến quyển thứ năm cho Shri Aurobindo.

   Pondichéry, tháng Hai 1937 

   Jean HERBERT

   [dịch từ nguyên tác Anh ngữ sang Pháp ngữ]

   (i). “Nguyên bản tiếng Anh xuất hiện từ năm 1915 đến 1917 trong tạp chí tiếng Anh “ARYA” xuất bản ở Pondichéry. Những bài viết này được gom lại và xuất bản thành sách lần đầu vào năm 1920. Bản dịch sang Pháp văn được chính Shri Aurobindo sửa chữa và hiệu đính.” [Chú thích của bản Pháp văn] 
   (ii). Romain Rolland, La Vie de Vivekânanda et l’Evangile Universel, vol.II, pages 189. [Chú thích của bản Pháp văn]



CHÂM NGÔN  

CỨU CÁNH  

Khi chúng ta đã kinh qua những hiểu biết, chúng ta có được kiến thức. Lý trí làm trợ tá viên giúp sức; chính lý trí là xích xiềng. 

Khi chúng ta đã kinh qua những manh ý, chúng ta có được uy lực. Sự cố gắng làm trợ tá viên giúp sức; chính cố gắng là xích xiềng. 

Khi chúng ta đã kinh qua những lạc thú, chúng ta được hạnh phúc. Ước muốn làm trợ tá viên giúp sức; chính ước muốn là xích xiềng. 

Khi chúng ta đã kinh qua cái ngã vị hóa, chúng ta là những thực hữu nhân vị. Tự ngã làm trợ tá viên giúp sức; chính tự ngã là xích xiềng. 

Khi chúng ta vươn đến nhân tính, chúng ta sẽ trở thành người. Động vật làm trợ tá viên giúp sức, chính động vật là xích xiềng. 

Hãy chuyển hóa lý trí ngươi thành trực quan thuần chính; thì tất cả trong ngươi liền rực ánh hào quang. Cứu cánh của ngươi là thế ấy. 

Hãy chuyển hóa sức cố gắng thành đợt sóng phương chính và tối thượng của sức mạnh tâm hồn; tất cả trong ngươi liền trở thành sức mạnh ý thức. Cứu cánh của ngươi là thế ấy. 

Hãy chuyển hóa lạc thú thành sự ngất ngây miên trường và không đối tượng; tất cả trong ngươi liền biến thành chân phúc. Cứu cánh của ngươi là thế ấy. 

Hãy chuyển hóa cái mãnh múm cá vị thành phẩm cách nhân loại; tất cả trong ngươi liền trở nên thần linh. Cứu cánh của ngươi là thế ấy.

Hãy chuyển hóa con vật thành chủ chăn; tất cả trong ngươi liền trở nên Krishna. Cứu cánh của ngươi là thế ấy.  

Việc gì giờ đây ta chưa thể làm là dấu chỉ ta sẽ làm về sau. Cảm thức bất khả thể là khởi thuỷ của mọi khả thể. Chính vì thế, vũ trụ hiện tiền đây là nghịch lý và bất khả thể mà Vĩnh Cửu đã hiến tác từ hữu thể mình. 

Bất khả thể chỉ là toàn bộ những khả thể lớn lao chưa hiện thể. Nó phủ che trạng huống còn khá xa xăm và chuyến viễn du hãy còn lênh đênh. 

Nếu ngươi muốn cho nhân tính phát đạt, hãy triệt hạ tất cả những thành kiến đi. Tư tưởng được đánh động như thế sẽ choàng thức và biến thành sức sáng tạo. Nếu không, tư tưởng cứ bám riết vào sự trùng phức máy móc mà nó nhầm lẫn với hoạt năng chân thực của mình. 

Quay quanh trục của nó không chỉ là sự vận hành duy nhất của nhân linh mà còn có dẫn lực của Thiên Khải vô tận quay quanh mặt trời nữa. 

Trước tiên phải nắm lấy ý thức trong chính ngươi đã, rồi hãy suy tư và hành động. Tất cả mọi tư tưởng sống động là một thế giới trong dự bị. Tất cả mọi hành tác thực hữu là một tư tưởng hiển lộ. Sở dĩ thế giới vật chất hiện hữu là do tư tưởng manh nha đùa rỡn trong ý thức của Thượng Đế. 

Tư tưởng không là khẩn yếu của hiện sinh và cũng không là căn nguyên của hiện sinh, mà chỉ là phương tiện của sự chuyển hóa: ta trở nên cái mà ta thấy trong chính ta. Tất cả ngững gì tư tưởng dẫn khởi cho ta, ta có thể thực hiện nó. Tất cả những gì tư tưởng khơi gợi lên trong ta, ta có thể trở thành như vậy. Sao cho niềm tin vững bền của nhân loại hiện hữu chính ngay trong ta, vì Thượng Đế hiện diện trong mỗi người. 

Công việc của chúng ta không phải cứ luôn luôn lập lại điều mà người ta đã từng làm, nhưng là để đạt đến những thể hiện mới và những tự chủ tuyệt vời. 

Thời gian – Tâm hồn và Thế giới đã được cung hiến cho chúng ta như một trường hoạt động.

Ảo tưởng – Hy vọng và Tưởng tượng sáng tạo trao tặng chúng ta những cảm hứng.

Ý chí – Tư tưởng và Lao khổ là tất cả những lợi khí công hiệu cho chúng ta. 

Chúng ta có hoàn thành điều gì mới chăng?

- Tình yêu ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ tom góp được hận thù và sự thỏa mãn riêng tư của ta thôi !

- Tri thức ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ qui tụ được sự nhầm lẫn, sự qui nạp và diễn dịch mà thôi !

- Chân phúc ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ thu nhặt được sự thỏa lòng, đau khổ và tính vô tình thôi !

- Quyền lực ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ tóm thâu được sự bạc nhược, nỗ lực và một chiến thắng vô bổ thôi !

- Đời sống ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ đạt đến việc sinh ra - lớn lên – và chết thôi !

- Hợp nhất ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ ôm đồm được chiến tranh và thỏa hiệp thôi !

Tắt một lời là thần tính -  tái tạo chúng ta theo hình ảnh Đấng Chí Tôn.


.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .