Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









KỶ NIỆM 250 NĂM

NGÀY MẤT DANH NHÂN VĂN HÓA TRẦN TIẾN

(1770 - 2020)





T rần Tiến là một nhà văn, nhà sử học lớn của nước ta ở thời Lê. Từ nhiều chục năm nay, sách giáo khoa phổ thông Ngữ văn lớp 10 nâng cao của Bộ Giáo dục - Đào tạo, vinh danh Trần Tiến là 1 trong 5 nhà viết kí xuất sắc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam ( 938 – 1858): Vũ Phương Đề ( 1698 – 1761), Trần Tiến ( 1709 – 1770), Lê Hữu Trác ( 1720 – 1791), Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) và Lí Văn Phức (1785 – 1849), trong đó Vũ Phương Đề, Trần Tiến và Phạm Đình Hổ là người Hải Dương, Lê Hữu Trác là người Hưng Yên sau định cư ở Hà Tĩnh, và Lí Văn Phức là người Hà Nội.

Trần Tiến người làng Điền Trì, phủ Nam Sách, là con nhà Nông học, Tiến sĩ, Tham tụng Lễ bộ Thương thư, Diệu Quận công Trần Cảnh, cháu nhà Ngoại giao, Tiến sĩ, Tham tụng Hình bộ Thượng thư, Phương Trì hầu Trần Thọ. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1748, làm quan Phó đô Ngự sử, tước Sách Huân bá, sau thăng Lễ bộ Thượng thư, tác giả nhiều bộ sách lớn, trong đó còn 3 tác phẩm, rất may không bị thất lạc, hiện vẫn có tác động tích cực vào đời sống văn hóa của đất nước là “Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi”, “Đăng khoa lục sưu giảng”“Niên phả lục”. Ông sinh giờ Dần ngày 18/ 11 năm Kỉ Sửu ( 1709), mất giờ Mão ngày 7/ 5 năm Canh Dần ( 1770). Mộ ông táng tại đống Đồng Thành thôn Đông Thôn, thuộc bản xã Quốc Tuấn, năm 1968 đã bị bọn tội phạm đào phá. Mộ và nhà thờ thờ ông, cùng cha ông là Tiến sĩ Trần Cảnh, ông nội ông là Tiến sĩ Trần Thọ (cùng các liệt tổ của Dòng họ Trần Điền Trì) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, tại Quyết định số 31/ QĐ-BVHTTDL, ngày 07/ 01/ 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Và như thế, từ nay, mộ 3 danh nhân và ngôi nhà thờ họ Trần Điền Trì đã được bảo vệ theo hiến pháp và pháp luật.

Văn học Việt Nam thời trung đại viết bằng chữ Hán. “Niên phả lục” của Trần Tiến là một trong các tác phẩm văn xuôi xuất sắc của thời kì văn học này, viết theo nguyên lí đã định của người xưa “ văn sử bất phân”. Và điều này, so với 4 nhà văn trên, ở Trần Tiến trong “Niên phả lục” là rõ rệt hơn cả. Đây là tác phẩm sử học mang nặng chất văn chương, viết như văn chương, đồng thời cũng là tác phẩm văn chương mang đậm chất sử học, viết như một công trình khoa học lịch sử. PGS-TS Nguyễn Đăng Na, nhà nghiên cứu hàng đầu về văn học trung đại Việt Nam, nhận định rằng, văn của Trần Tiến trong “Niên phả lục ” là: “ văn của bậc đại gia, rất điêu luyện và thâm hậu, được viết theo bút pháp “Sử kí”của Tư Mã Thiên ”.

Chưa kể “Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi” “Đăng khoa lục sưu giảng”, chỉ tính riêng “Niên phả lục ” cũng đã đủ định danh những cống hiến lớn lao của danh nhân văn hóa Trần Tiến ở xứ Đông. Trần Tiến đã hoàn thành tác phẩm lớn này vào mùa Đông, năm Long Tập, Giáp Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25 ( 1764). Sau khi Trần Tiến mất, một số vị thức giả đã biết đến văn bản này. Ông còn một tập ghi chép về phong tục tập quán quê hương, rất tiếc đã bị đốt mất, mà nhiều trang trong đó, tôi đã được các bậc cao tuổi dịch cho nghe, như cách Thừa chỉ phu nhân ( vợ Trần Phúc, cụ nội tác giả ) têm trầu cánh phượng và chuyện Ngài Khuyến nông sứ ( Trần Cảnh – phụ thân của tác giả) dạy tá điền vực nghé. Những năm 1925 – 1926, nhà văn nổi tiếng người Nam Sách, tác giả tiểu thuyết “Quả dưa đỏ” là Nguyễn Trọng Thuật, đã dịch “Niên phả lục” và đăng nhiều số báo Nam Phong. Nhưng phải đến tháng 7 năm 2003, tác phẩm này mới được PGS-TS Nguyễn Đăng Na dịch và xuất bản trọn bộ, gồm 2 thiên kí sự nổi tiếng, dầy 304 trang ở Nhà xuất bàn Văn học. Bản gốc tác phẩm này vẫn còn lưu tại Nhà thờ dòng họ, do con cháu đã cất giấu đi.

Về mặt lịch sử, thiên kí sự thứ nhất:“Tiên Tướng công niên phả lục”, viết về phụ thân ông là Diệu Quận công Trần Cảnh, làm sống lại một thời kì phức tạp và rối ren nhất của đất nước, từ năm 1684 đến năm 1796 ở các tỉnh phía Bắc. Cuộc nổi dậy của 3 ông hoàng là Lê Duy Mật, Lê Duy Quy và Lê Duy Chúc ở Thanh Hoa những năm 1738 – 1739, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh những năm 1740 – 1741 và tiếp theo là Nguyễn Hữu Cầu những năm 1743 đến 1751 ( Nguyễn Hữu Cầu lấy Nguyễn Thị Quỳnh, con gái Nguyễn Cừ )… Theo PGS- TS Nguyễn Đăng Na, viết trong “Lời giới thiệu” in ở đầu sách, thì ở Việt Nam, “ chưa có tài liệu nào ghi lại đầy đủ chính xác, đến từng ngày, từng giờ, từng địa điểm, từng số quân, số thuyền bè, súng ống, các diễn biến chiến sự… như trong bộ “Niên phả lục” của Trần Tiến” . Về văn chương, thì đây là một kí sự chính trị chưa từng có ở Việt Nam, với chân dung, tâm trạng, tình huống của đủ các hạng người, với những nét chạm khắc rất điển hình, từ vua thì tăm tối, “sáng nói một đằng, chiều làm một nẻo, bụng dạ thật khó lường”, các quan trong triều thì chỉ “đưa mắt nhìn nhau, chờ đón ý thánh chỉ, rồi ăn theo nói leo, không ai dám đề xuất một điều gì có lợi cho dân cho nước”, các tướng lĩnh thời Lê, thì “tiếng là đi bảo vệ dân, nhưng thực chất là đi ăn cướp của dân, vơ vét từ chủi cùn rế rách, ăn cho béo xác, cờ bạc rượu chè thâu đêm suốt sáng”, còn dân thì bị “cường hào các làng xã áp bức đến mức chỉ còn một con đường là “ gửi thân cho giặc ” mà chống lại triều đình”... Nếu không đọc bằng mắt, thực khó mà tin là ở thời Lê, Trần Tiến đã nhận ra những điều đó.

Tập II, với “Trần Khiêm Đường niên phả lục”, Trần Tiến đã sáng tạo ra một thể loại văn học chưa từng có ở Việt Nam là thể “Kí tự thuật” từ năm 1764, với những câu mở đầu: “ Tôi họ Trần, thuở bé tên là Tân, lớn lên tên là Kính, tự là Khiêm Đường, con của Thừa tướng Trần công, do bà phu nhân họ Nguyễn sinh ra. Thuở bé, tôi ngỗ ngược, khó dạy dỗ, người nhà đều lấy làm lo ngại…” ( tr. 208). Đây là một tập kí đặc sắc về bản thân mình, từ lúc ra đời rồi đi thi, thi đỗ, ra làm quan, rồi đi coi thi, chấm thi… với đủ mọi chuyện lùng nhùng về thi cử, mua điểm, chạy đỗ, và các mối quan hệ xã hội phức tạp… mà sau này, theo PGS-TS Nguyễn Đăng Na: hai nhà văn lớn lớp sau là Lê Hữu Trác và Phạm Đình Hổ noi theo ... Đến bây giờ, thì truyện tự thuật và các hồi kí đã trở thành một dòng lớn của nền văn học nước ta, khởi nguồn từ Trần Tiến.

Dòng họ Trần Điền Trì đang chuẩn bị làm Lễ kỉ niệm 250 năm ngày mất của ông và các thế hệ con cháu, cùng ngành giáo dục địa phương, ghi nhận những đóng góp lớn lao của ông vào các giá trị tinh thần bền vững của vùng văn hiến xứ Đông và của cả đất nước.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Quảng Ninh .