Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







TINH TÚY CỦA THƠ XƯA






T hơ Trung Hoa xưa chú ý đến việc viết sao cho có thần.

Nghiêm Vũ đời Tống trong Thương Lang Thi Thoại viết :

" Điểm tuyệt diệu nhất của thơ chỉ có một, đó là Nhập Thần. Thơ mà đạt tới chỗ nhập thần thì tận thiện, tận mỹ. Không thể thêm thắt gì được nữa ! Duy chỉ có Lý Bạch, Đỗ Phủ đạt được mà thôi. Những người khác có lẽ hiếm lắm. "

Chính Đỗ Phủ cũng tự nói về mình : " Đọc sách vở muôn quyển, hạ bút như có thần " .

Lưu Hiệp đời Tề trong Văn Tâm Điêu Long cũng nói : " Khi cấu tứ văn chương, cái thần thật vô cùng rộng lớn. Cho nên khi tâm hồn lặng lẽ dứt hết lo nghĩ, thì tứ thơ có thể liên hệ tới những sự vật từ ngàn năm trước. Trong phút giây tình cảm xúc động, trí tưởng tượng như được chấp cánh bay ngoài vạn dậm xa."

Lúc nhà thơ hứng thú ngâm nga, bên tai văng vẳng tựa như tiếng vàng tiếng ngọc. Hoặc khi mắt nhìn chăm chú dường như thấy gío mây biến đổi khôn lường, ấy là hiện tượng kỳ diệu của sự cấu tứ nghệ thuật chăng ? Vì vậy lĩnh vực cấu tứ văn học nghệ thuật thật là kỳ diệu, thần và vật cùng lúc chu du với nhau vậy " .

Trước Lưu Hiệp, Lục Cơ đời Tấn trong Văn Phú cũng đã viết : " Thoạt đầu, mắt tai đều nhắm lại, tư tưởng tập trung, tinh thần rong chơi nơi tám cõi, tâm hồn bay bổng chốn vạn tầng. Khi cảm hứng, cấu tứ tới, thì tình le lói rồi rõ ràng, sự vật hiện ra ngay trước mắt, văn chương bay dào dạt trong lòng, tinh hoa " lục kinh " thơm tho nơi miệng. Lúc như thanh thản trôi nổi vực trời, lúc được ngụp lặn tăm tắp nơi suối núi. Thế rồi văn tứ sôi sục như cá mắc câu giãy giụa ra khỏi nơi vực sâu, lời lẽ dạt dào tựa con chim trúng tên rớt xuống từ tầng mây thẳm, trong chớp mắt có thể quán thông kim cổ, trong phút giây có thể bốn biển rong chơi ".

Muốn đạt tới cảnh giới nhập Thần, trước hết phải có sự rung động về Tình, tiếp đó phải có Hứng.
Lưu Hiệp cho rằng " Tình đến như Tặng, Hứng về như Đáp " . Lục Cơ nhận thấy " Hứng tới không thể ngăn, Hứng đi không thể giữ, xuất phát từ khoảnh khắc cảm thông với vũ trụ và vạn vật " .

Sự xuất hiện của cảm hứng đã được Tô Đông Pha miêu tả sinh động khi nói về hội họa : " Khi Tôn Trí Vi ở viện Thọ Ninh chùa Đại Từ, định vẽ bốn bức : hồ , bãi, nước, đá, ông đã thai nghén hàng năm mà cuối cùng vẫn không chịu hạ bút. Bỗng một hôm thảng thốt vào chùa, vội vàng lấy bút mực ra, phất tay áo nhanh như gió, giây lát vẽ xong, khí thế ào ào cuồn cuộn, tưởng như muốn đổ cả nhà. Bồ Vĩnh Thăng cũng như vậy, khi nào ông chưa có hứng vẽ thì dầu cho vương công qúy nhân dùng thế lực bắt ép sai khiến, Vĩnh Thăng cũng chỉ cười hì hì rồi bỏ đi ? Nhưng lúc nào thích vẽ, thì bất kể sang hèn, trong khoảnh khắc là vẽ xong ngay ".
Có hứng mới gợi nên Tứ, có Tứ rồi thì tả Cảnh, thuật Sự trên cái gốc của Tình, nhưng phải thể hiện cho có Thần.

Muốn đạt được cái Thần, phải có cái Khí đầy đủ. Trong bài thơ Quan Công Đại Nương Đệ Tử Vũ Kiếm Khí Hành , Đỗ Phủ kể chuyện Trương Húc muốn luyện khí để viết chữ thảo cho có Thần phải xem Công Tôn Đại Nương múa kiếm qua đó thấy khí của người phát ra trong Kiếm Khí. Nhắc lại chuyện Trương Húc, nhà thơ kiêm họa gia Trịnh Bản Kiều đời Thanh viết : " Người xưa học chữ thảo tới chỗ nhập thần, hoặc xem cảnh rắn đánh nhau, hoặc xem mây mùa hạ mà thấy có chỗ gợi ý. Hoặc xem người gồng gánh nhường đường cho công chúa, hoặc xem Công Tôn Đại Nương múa kiếm ở bờ sông Tây Hạ, phải chăng cứ phải học theo cách thức đã có sẵn của phép viết thảo, rồi cứ khư khư theo phép tắc ấy mà thành đâu ! Mà tinh thần phải chuyên nhất, phấn đấu gian khổ hàng chục năm, rồi sẽ như được thần gíup cho, được qủy bảo cho, được người và vật khơi gợi cho vậy. Không chịu phấn đấu gian khổ mà muốn có hiệu qủa ngay, thì chỉ rơi vào chỗ tuổi trẻ thì phù phiếm, về gìa thì bế tắc mà thôi. "

Vậy thì cái Khí ấy ở đâu mà ra ?

Khí là lực lượng vật chất vận hành trong tự nhiên, con người hấp thụ cái khí của vũ trụ để tạo nên khí chất của mình, từ đó biểu hiện ra thành nguyên tố tinh thần dẫn dắt đến tình cảm và hành động, và thể hiện thành thơ, văn, nghệ thuật. Vương Sung trong Luận Hành đã viết : " Cây cỏ cảm thấy sự vận hành của Khí và chim thương dương nhảy múa trước cơn mưa. Khí gío nổi trên trời cao, sóng cuộn ở dưới thấp " .Cảm giác, tình cảm và năng lực sáng tạo của con người cũng thay đổi do chịu ảnh hưởng của Khí.

Khổng Tử trong thiên Thập Dực của Kinh Dịch nói : " Các âm thanh giống nhau thì hô ứng nhau, các Khí giống nhau thì tìm đến nhau ". Lưu An trong Hoài Nam Tử cũng nói : " Các vật cùng loại dựa nhau vào vận động. " Nhưng cách thức vận động của mỗi vật có khác nhau. Tuân Tử nói : " Lửa và nước vốn có Khí nhưng không có sự Sống. Cây cỏ có sự Sống nhưng vô tri (không có ý thức). Cầm thú vốn có Ý thức nhưng không có Nghĩa (nghĩa vụ và lẽ công bằng). Con người vốn có cả : Khí,sự Sống, Ý thức và Nghĩa do đó nó là cái qúy nhất trong thiên hạ ". Bởi vậy con người sáng tác được Thơ, Văn, Nghệ Thuật.

Trang Tử nói : " Tập trung mọi Ý Tứ, thu thập chúng thành một khối trong Tâm, đưa sự nhìn, nghe vào trật tự-và anh sẽ nhận thức được cái thâm viễn bằng sức mạnh căng thẳng của Tinh Khí. "

Theo Lưu Hiệp, quyền uy vô hạn của cái tâm nhà thơ có được là do sự tập trung trong đó tất cả Sinh Khí, do tích lũy cái tinh túy của thế giới, biến nó thành cái Thần trong sáng. Ông nói : " Thần ở trong Tâm mà chí khí thì giữ lấy cái then chốt, và nếu then chốt tắt cứng thì Thần rời bỏ Tâm." Thần của con người nuôi dưỡng cái Khí của nó và điều khiển Khí một cách khéo léo, vận động theo các sự vật và hiện tượng của thế giới bên ngoài. Lưu Hiệp nói : " Vật sắc Động, Tâm cũng động theo, Tình đổi theo Vật, Lời nẩy theo Tình. " Lưu Hiệp đã minh họa ý này bằng hình ảnh : " Chỉ cần để cho Thần và Tứ tự do thì vạn nẻo đường hiện ra liên tiếp Thần và Tứ khắc gọt nơi hư không, vẽ ra những Văn (hoa văn đẹp) vô hình…Anh leo lên núi thì núi đầy Tình, mắt nhìn ra bể thì bể tràn trề Ý. Dù tài tôi ít hay nhiều cũng đều ruổi theo gió mây. Và tay tôi vừa nhắc bút thì Khí của tôi đã đi trước ngôn từ. "

Qua đó chúng ta thấy Khí như một nguồn nuôi dưỡng cho sáng tạo ngôn từ. Ý này được nêu ra trước tiên từ Mạnh Tử. Mạnh Tử cho rằng Khí sinh ra nhờ tích lũy Nghĩa, chứ không vì những biểu hiện ngẫu nhiên. Nhưng nếu trong hành động có cái gì ngược với Tâm thì Khí khô kiệt ngay. Ông cho rằng năng lực phân biệt lời nói của người khác mà con người có được là toát ra nhờ "sự tích lũy của Khí" Mạnh Tử nói : " Khí nào đầy thì lời sẽ phát ra như nó cần phải có ." Hàn Dũ cho rằng muốn Tích Lũy Khí thì phải Dưỡng Thần. Có khi ông ví Thần của nhà văn với nước, còn sáng tác thì ví với vật thể nổi trên mặt nước, và nói rằng nước càng cao thì cái vật mà nước có thể làm nổi càng lớn. Ông quan niệm Thần như một hệ thống rễ cây, còn sự thể hiện nghệ thuật của nó là tàn lá, hoa và qủa : " Chớ nên mê đắm vẻ ngoài, hãy chăm cho rễ mọc và chờ đợi qủa, hãy vun gốc cây để đón lấy hoa. Hễ rễ cây to thì khắc qủa lớn, đất màu mỡ thì hoa xum xê. " Tô Triệt đời Tống cũng khẳng định " Văn là hình thức thể hiện của Khí ", cùng một quan niệm với Tào Phi khi cho rằng " Văn lấy Khí làm chủ ". Như vậy Hứng là xung động sáng tạo, Khí là năng lượng sáng tạo, còn Thần là nắm bắt được bản chất của sự vật mà thể hiện ra ngôn ngữ nghệ thuật. Từ mối quan hệ giữa Tâm, Nghĩa, Tình, Hứng, Khí, Thần với ngôn từ văn chương nói trên, nhiều nhà lý luận thi ca đã đúc kết lại thành nguyên lý, như Bạch Cư Dị cho rằng : " Đối với Thơ, Tình là gốc, Ý là cành, Thanh là hoa, Nghĩa là qủa. " Lưu Đại Khôi đời Thanh đòi hỏi thơ cần phải có bảy phương diện : Bút Lão ( bút gìa dặn), Ý Chân (ý chân thực), Từ Thiết ( tứ chuẩn xác), Vị Đạm (vị thanh đạm), Khí Ổn (khí đầy đủ), Phẩm Qúy (phẩm chất cao qúy), Thần Viễn (thần cao xa). Không cứ gì thơ, ngay cả nghệ thuật sân khấu cũng đòi hỏi người diễn viên phải có đầy đủ các điều kiện : Thanh (giọng hát), Sắc ( nhan sắc), Thục ( kỹ thuật thành thục), và Tinh, Khí, Thần. Mạng Xứng Thuấn đời Minh cho rằng người diễn viên sân khấu phải biểu hiện đạt tới mức " Cười thì có Thanh, Khóc thì có Lệ, Vui thì hiện ở Thần, Thở Than thì phát ra Khí. " Khí không đầy đủ thì không đạt được mức nhập thần. Muốn cho nhập thần thì phải mất công rèn luyện, để có sáng tạo mới không rập theo cố nhân. Chương Học Thành đời Thanh nói : " Đối với cổ nhân, hình thức kỹ sảo văn chương chưa bao giờ có cách thức định sẵn nào cả. Tả người thì thích ứng với người đó. Thuật sự thì thích ứng với việc đó. Trong cái không định sẵn ấy lại có cái cố định vậy. Nhận thức được điều đó thì có thể tùy lúc, tùy nơi biểu hiệu được sự vật một cách cụ thể ; Không nhận thức được điều đó, thì chỉ biểu hiện được cái ngoại hình của sự vật, chứ không biểu hiện được cái Thần của sự vật vậy ". Thẩm Quát đời Tống cũng nói : " Hoàn toàn theo phép tắc, phép tắc đầy đủ hoàn toàn, thì vẫn chỉ là cách viết nô lệ mà thôi. Mà hãy nên từ đó, đi sâu thêm nữa, vượt qua đoạn đường đó mới tới chỗ diệu cảnh, không nhìn thấy tí dấu vết nào, sau đó mới nhập thần ". Thơ như vậy được coi như " Thiên Y Vô Phùng " - áo trời không thấy đường may - tức là tranh khéo với thiên nhiên, và nghệ thuật chỉ có một ông thầy , đó là Tự Nhiên.

. Theo nguyên bản trong "Khúc Đoạn Đi Qua" do cố văn sĩ Nguyễn Mai chuyển, Từ Vũ đánh máy và đã đăng tải trên vietart.voila.fr (tiền thân của NVA và Việt Văn Mới) .



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả trong Văn Tuyển số 4 tháng 5.1996 do nxb Văn Nghệ tp HCM phát hành.

Trở Về Trang Chính