Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






TIN & HÀNH ĐẠO PHẬT

THẾ NÀO CHO ĐÚNG CHÁNH PHÁP 





N hiểu người nghĩ rằng cứ Tin Phật, đi Chùa đều đặn là đã đúng Chánh Pháp, không biết rằng việc TIN Phật cũng có tin đúng, tin sai. Tin Phật mà tu hành, thành tựu. và cũng Tin Phật mà trở thành Nhị Thừa, càng Tin, càng Hành càng xa rời Đạo Phật chân chính. 

Tôi nghĩ rằng vấn đề này khi chưa nêu ra thì không ai thắc mắc, nhưng khi đã nêu ra rồi thì hẳn một số Phật Tử cũng không khỏi hoang mang, không biết sự thật như thế nào ? Vậy thì Tin Phật như thế nào mới là đúng Chánh Pháp, bởi vì từ xưa đến nay Phật Tử vẫn được dạy Tin Phật như một vị Thần Linh có toàn quyền cứu độ Tam Thiên Đại Thiên thế giới, cứu khổn, phò nguy, độ thoát cho mọi người như Chùa chiền vẫn truyền từ bao thế hệ đến nay ? 

Giải thích về niềm Tin, Kinh Đại Bát Niết Bàn viết : “Tín tâm lại có hai thứ : Một là từ nghe pháp mà sanh lòng tin. Tín tâm của người này do nghe pháp mà sanh, chẳng phải do Tư Duy, nên gọi là Tín tâm chẳng đầy đủ”. 

“Thiện Nam Tử ! Do đây nên trong khế kinh ta nói rằng có hai hạng người hủy báng Phật Pháp Tăng : Một là người chẳng tin vì họ giận hờn; hai là người dầu Tin nhưng chẳng hiểu nghĩa”. 

“Nếu người chẳng tin vì tâm họ giận hờn nên nói  rằng không có Phật, Pháp, Tăng. Người tin mà không Trí Huệ giải nghĩa điên đảo làm cho người nghe hủy báng Phật Pháp Tăng, do đây nên ta nói người chẳng tin vì lòng hờn giận, người Tin lại không Trí Huệ, những người này hủy báng Phật Pháp Tăng”. 

Từ nhiều đời rồi, đa phần Phật Tử thì Tin những gì được nghe giảng dạy. Chư Tăng thì cứ “xưa bày nay làm”. Phần lớn thì giờ dành cho Tụng kinh, niệm Phật, học Pháp, giảng pháp. Hơn nữa, họ hoàn toàn tin tưởng vào các vị tiền bối, vào hệ thống đào tạo đã sẵn bài bản nên đâu có gì thắc mắc để tham khảo để tìm cho ra ý nghĩa thật sự của Đạo Phật ? Do hầu hết đều TIN Phật là Thần Linh, vì thế, lúc nào các Chùa cũng khói hương nghi ngút. Các vị Tăng Xuất Gia là để “phụng sự cho Phật”, “hiến trọn cuộc đời cho Phật” nên lúc nào cũng tôn thờ, cầu, xin, nương tựa vào Phật, Bồ Tát, và giảng rộng về những đức tính Từ, Bi, Hỉ, Xả của Phật để hướng dẫn cho bá tánh cầu xin Phật cứu khổ cứu nạn, phù hộ, độ trì cho, lúc còn đang sống cũng như rước về Tây Phương Cực Lạc khi qua đời. Bá tánh làm sao biết rằng Tin như thế là Nhị Thừa, không phải là niềm Tin Phật đúng theo Chánh Pháp ? 

Vậy thì thế nào là Đạo Phật chân chính ? Tin Phật theo đúng Chánh Pháp là Tin như thế nào ? 

Muốn biết thế nào là Đạo Phật chân chính thì cách tốt nhất là chúng ta nên theo dõi lịch sử tu hành của Thái Tử Sĩ Đạt Ta, để tìm hiểu xem : 

l/- Ngài thắc mắc điều gì mà phải bỏ gia đình đi Xuất Gia để đi tìm câu trả lời ? 

2/- Ngài đã học những gì ? Hành những gì ? 

3/- Ngài đã Đắc cái gì ? Làm gì để Chứng Đắc ? Cái Chứng Đắc mang lại cho Ngài được những gì ? 

Lịch sử ghi rất rõ ràng : Trước lúc Xuất Gia, Thái Tử Sĩ Đạt Ta hoàn toàn là một con người bình thường. Là một Thái Tử sắp nối ngôi. Có vợ là một Công Chúa rất xinh đẹp, và một con trai. Nhân lần đầu tiên đi ra ngoại thành, nhìn thấy cảnh Sinh, Lão, Bệnh, Tử đè nặng lên cái Thân con người làm Thái xúc động mạnh, nên đã hỏi vị quan theo hầu là liệu Ngài có thoát những cảnh đó không ? Vị quan trả lời là bất cứ ai, dù là vua quan hay cấp bậc nào trong xã hội cũng đều không thể Thoát. 

Về hoàng cung, Thái Tử suy nghĩ mãi, muốn tìm một cách nào khác, để không phải chịu cảnh Sinh, Lão, Bệnh, Tử quái ác kia. Thấy rằng, nếu tiếp tục ở trong hoàng cung thì sẽ bị ràng buộc với vợ con, sẽ phải nối ngôi để trị nước không còn thì giờ để tìm ra câu trả lời cho điều đang trăn trở. Cuối cùng Ngài quyết định bỏ lại vợ và con nhỏ, trốn ra ngoại thành, gia nhập vào đoàn thể Du Tăng hy vọng sẽ tìm được câu trả lời. 

Sáu năm, học với Sáu vị Thầy. Với Thầy nào Thái Tử cũng đạt hết tuyệt kỹ của họ, đến độ khi Ngài cho biết sẽ ra đi, thì họ đều khẩn khoản mời Ngài ở lại và hứa chia đệ tử cho. Nhưng ngai vàng mà Ngài còn bỏ thì sá gì lợi dưỡng, đệ  tử cung phụng ? Bởi mục đích của Ngài đã được xác định ngay từ lúc rời Hoàng cung, nên khi biết rằng phương pháp đang được đào tạo không đưa đến kết quả mong mỏi, nên Ngài cương quyết bỏ đi để tìm thầy khác. 

Trong thời gian đi tìm câu trả lời cho điều mình trăn trở, Ngài đã hành qua đủ thứ phương pháp đang thịnh hành đương thời, kể cả Lõa Thể, Khổ Hạnh, nhịn ăn đến thân thể chỉ còn là bộ xương, đi, đứng không nổi, nhưng vẫn không tìm ra đáp án. Sau cùng, Ngài chợt nhớ ra là “tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối”, nên nhận bát cháo sữa cũa cô gái chăn bò và trải tòa cỏ, ngồi Thiền Định dưới cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện “Sẽ không rời chỗ ngồi cho tới lúc tìm ra chân lý”. 

Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài đã tìm thấy điều mình cần tìm : Đó là KẺ ĐÃ LÀM RA NGÔI NHÀ SINH TỬ và cách thức hóa giải, nên Xả Thiền đứng dậy, tuyên bố : “ Ta ngược xuôi trong vòng Luân Hồi qua bao nhiêu kiếp. Tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi KẺ LÀM NHÀ. Ta đã gặp được người rồi. Ngươi không được xây nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của người đã gảy vụn cả rồi. Tui mè của ngươi cũng tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải Thoát”. 

Lý do Phát Tâm và những cách thức mà Đức Thích Ca đã hành trì để “Đắc Đạo” cho chúng ta thấy 2 điều : 

1/- /- Bao nhiêu công phu khác đều không đưa đến kết  quả, chỉ khi NGỒI THIỀN thì Ngài mới tìm ra được câu trả lời cho điều đã thắc mắc, ôm ấp suốt mấy năm dài. 

2/- “Đắc Đạo” chỉ có nghĩa là GẶP được hay TÌM ĐƯỢC CON ĐƯỜNG mà Ngài phải bỏ cung điện, vợ con để đi tìm. Đó là CÁCH THỨC ĐỂ THOÁT CẢNH SINH, LÃO, BỆNH, TỬ đè nặng lên cái Thân người. 

3/- Kết quả“Đắc Đạo”của Đức Thích Ca chỉ là TÌM RA THỦ PHẠM ĐÃ XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ, không phải là biến Ngài từ con người bình thường trở thành Thần Linh. 

Qua đó, chúng ta cũng thấy rằng : Qua Sáu năm tu hành và tất cả những gì đã hành trì, không có môn nào có khả năng biến Thái Tử Sĩ Đạt Ta thành ra Thần Linh, có quyền vạn năng, có thể cứu độ cho người khác, mà chỉ là tìm ra điều Ngài muốn tìm : Thủ phạm đả gây ra cảnh SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Thế thôi. Sau đó Ngài dành hết cuộc đời còn lại để truyền cho những người có nhu cầu muốn THOÁT KHỔ, muốn GIẢI THOÁT SINH TỬ như Ngài. Cái GIẢI THOÁT khỏi những nỗi Khổ, hay Thoát Sinh Tử gọi là THÀNH PHẬT. 

ĐẠO có nghĩa là CON ĐƯỜNG. PHẬT có nghĩa là GIÃI THOÁT ĐẠO PHẬT chỉ là CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN GIẢI THOÁT, không phải là một Tôn Giáo dạy Thờ Phật Thích Ca và những vị Phật, Bồ Tát để cầu xin phù hộ. 

PHẬT, không phải là Đức Thích Ca, A Di Đà, hay Phật Tổ Như Lai, hiểu theo kiểu là những vị “Thần Linh có quyền cứu khổ ban vui, cứu khổn, phò nguy cho bá tánh”, mà PHẬT là danh hiệu của người đã đạt được kết quả Giải Thoát. Đức Thích Ca đã đạt được thành tựu Giải Thoát nên hiệu của Ngài là Phật Thích Ca. Tất cả mọi người đều có thể đạt được như Ngài, vì thế mà Ngài đã Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. 

Làm sao biết rằng tất cả mọi người đều có thể Thành Phật ? 

Bởi vì mọi người đều có PHẬT TÁNH, tức là Chủng Tử của Phật. Đã có Chúng Tử của Phật thì chắc chắn sẽ thành Phật. Nói theo ngôn ngữ hiện đời là Gen di truyền, hay hột giống của một loại cây nào đó. Khi gieo xuống, đủ nhân duyên, đất, phân, nước.. thì nó sẽ mọc lên cây con có đầy đủ tính chất của cây mẹ. Kinh thì ví mọi người là Vương Tử, tức là con của Vua, tương lai sẽ nối ngôi Vua của cha. Là Phật Tử, tức Con của Phật, thì tương lai phải Thành Phật. Chỉ cần hiểu cho rõ đường lối mà Đức Thích Ca và Chư Tổ để lại, rồi hành trì theo đó để đạt kết quả mà thôi. Do đó, những người ngày mấy buổi thắp hương quỳ lạy cầu xin Phật ban ân, giáng phúc, phù hộ độ trì, được Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA gọi là Gã Cùng Tử, vì mọi người vốn là con của Trưởng Giả, sao không chịu vô nhà cha để lãnh gia tài, lại chấp nhận vai trò của tên đầy tớ, ở ngoài chuồng trâu, quét dọn phân nhơ để chỉ cầu xin được ngày hai bữa ăn để sống qua ngày ? Vô nhà của Cha có nghĩa là khi biết mình CÓ  PHẬT TÁNH, CÓ KHẢ NĂNG LÀM PHẬT thì phải tìm xem ý Kinh nói PHẬT là gì ? THÀNH PHẬT là như thế nào ? Phải làm gì để Thành Phật ? rồi bắt tay vào thực hành. Không phải Tin Phật rồi Xuất Gia, vô Chùa tu hành, ngày ngày tụng kinh, Niệm Phật cầu xin Phật Độ như Phật Tử bị hướng dẫn sai đã làm từ nhiều đời nay. 

Do không biết rằng mỗi người đều có thể Tự Giải Thoát hay Thành Phật như Đức Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ. Mọi người cứ cắm cúi Thờ Phật, lạy Phật. Tổ Đạt Ma dạy trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT : “ Chúng sanh không biết tự Tâm là Phật, cứ hướng ra ngoài mà gìn giữ, cầu cạnh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật, lạy Phật. Phật tại nơi đâu ? Đừng nên có những lối thấy ấy. “Tự Tâm là Phật 

Đừng nên đem Phật ra lễ Phật như vậy” 

Và ...”Người lạy ắt không biết. 

Người biết ắt không lạy” 

Do người xưa không giải thích rõ : Phật chỉ có nghĩa là Giải Thoát. Nghĩa của Phật chỉ là tình trạng Giải Thoát trong Tâm, mà người hành đúng sẽ đạt được. Rồi muốn tìm Phật là họ vô Chùa, lạy Tượng, mà cho là lạy Phật ! Do đó, Tổ Đạt Ma dạy : “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”. 

Nhưng nói Tâm mình là Phật thì liệu có Tăng Thượng Mạn không ? Nếu Tâm mình là Phật thì tại sao mình không biết ? Hay là mình đã thành Phật từ bao giờ rồi mà mình không hay ? Đó là một câu hỏi của người bạn đồng tu của tôi cách đây mấy mươi năm đã nêu ra một cách nghiêm túc. vì không hiểu rằng Thành Phật chỉ là thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ. Đó là lý do mọi người cứ tôn vinh Phật và cầu xin Phật, Bồ tát để trở thành Thần quyền, mê tín mà không hay biết. 

Lý do là buổi đầu khi Phật nhóm họp để hướng dẫn thì Tăng Đoàn chỉ có một khối duy nhất. Trước lúc nhập diệt, Phật đã Truyền Y Bát để giao lại trách nhiệm truyền Đạo cho người được Truyền Y Bát. Nhưng Phật mới nhập diệt khoảng 100 năm, thì Tăng Đoàn đã phân chia thành hai Phái, Đại Thừa và Tiếu Thừa. Từ đó, những người không được Truyền Y bát cũng mở ra giảng dạy Đạo Phật theo cách mà họ hiểu. Nhất là từ lúc Y Bát bên Đại Thừa mất dấu thì mạnh ai nấy giảng Đạo Phật. Cứ vô Chùa tu một thời gian, học thuộc một số nghi thức, một số Pháp là ra giảng dạy. Nếu có để ý chúng ta sẽ thấy, từ xưa đến nay hầu như các Chùa không nơi nào dạy Tu Sĩ tu để thành Phật, mà chỉ đào tạo Giảng Sư, chuyên đi thuyết Pháp, rồi cứ thế nối tiếp nhau, hết đời này đến đời khác, coi đó là truyền Đạo, hay“Hoằng Dương Chánh Pháp” của Đạo Phật ! 

Đa phần người tu hiện nay chỉ chú trọng đến hình tướng, và chấp vào thời gian tu học, cho là tu lâu thì cao Đạo. Nhưng nếu đọc kỹ những yêu cầu của Đạo Phật ta thấy, người muốn tu hành ngoài GIỚI-ĐINH-HUỆ còn phải VĂN- TƯ-TU, vì GIỚI chỉ sinh sức Định cho hành giả, nếu không TƯ DUY thì làm sao có Trí Huệ ? mà đã không có Trí Huệ thì làm sao QUA BỜ BÊN KIA ? Chưa biết “Bờ bên kia” là gì ? Chưa biết làm thế nào để qua ? Chưa qua được bên kia bờ mà dám hướng dẫn cho người khác, thì tội Vọng Ngữ, Vọng Hành e khó tránh. 

Có đối chiếu cách Tin Phật thời nay, ta thấy : Giáo pháp của Đại Thừa hay Phật Giáo Nguyên Thủy cũng đều nói rằng : “Phật không phải là Thần Linh, chỉ là người bình thường, nhờ đoạn trừ lậu hoặc mà được Giải Thoát”. Vậy mà không hiểu sao không thấy Chùa nào dạy cho Phật Tử cách thức “đoạn trừ lậu hoặc để được Giải Thoát”, mà chỉ khuyến khích Phật Tử hương khói cầu xin Phật phù hộ độ trì ? Mang tiếng là học Đạo Giải Thoát, mà cầu xin, nương tựa không khác gì những Tôn Giáo Thần Quyền khác ! 

Có một số câu hỏi được đặt ra để chúng ta tự kiểm điểm như sau : 

- Đã xưng là Đệ Tử Phật, tức là Con, em của Phật  thì lẽ ra Tu Phật là để thành Phật. Tu Phật là phải Thành Phật. Như vậy nếu Tu một đời mà không thành Phật thì tu để làm gì ? Phật đâu có cần ai phụng sự hay chiêu mộ cho đông người Quy Y theo ngài ? 

- Đức Thích Ca Ngồi Thiền có 49 ngày đêm mà Đắc Đạo, tại sao người thời nay ngồi mãi mà không đắc ? Có vị Thượng Tọa rất có uy tín nói rằng Cư Sĩ do có gia đình nên không thanh tịnh, không thể đắc đạo được. Vậy Tu Sĩ bao nhiêu thời nay được bao nhiêu người Đắc Đạo ? Họ đều độc thân, đầy đủ hình tướng : Đầu tròn, áo vuông, khoác lên người bộ Y Ca sa thì còn thiếu điều kiện gì ? Nếu điều đơn giản đó mà không giải thích được thì xưng là Thiền Sư e rằng không đúng với tinh thần của Đạo Phật chân chính. 

Kết luận : TIN PHẬT, theo đúng Chánh Pháp không phải là Tin Đức Phật Thích Ca hay Tin các vị PHẬT, rồi cất chùa cho to, dựng Tượng cho lớn để thờ phụng, tôn vinh các Ngài. Mà Tin rằng ĐẠO PHẬT là CON ĐƯỜNG ĐƯA NGƯỜI HÀNH TRÌ THEO ĐẠT ĐẾN KẾT QUẢ GIẢI THOÁT. Bất cứ ai nếu nương theo Giáo Pháp của Đạo Phật mà hành trì thì chắc chắn sẽ đạt kết quả như Đức Thích Ca và Chư vị Giác Ngộ đã đạt được, rồi tìm hiểu những điều cần phải hiểu, sau đó dưa vào thực hành trong cuộc sống để Tự Độ cho chính mình. Đạo Phật cho rằng : “ Giải Thoát hay ràng buộc chỉ ở nơi cái Tâm”, nên việc tu hành là tập trung Sửa nơi Tâm, gọi là TU TÂM. Hình tướng không cần thiết, không quan trọng. 

Nói đến phương tiện tu hành, ta thấy Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA dạy : Đạo Phật có 4 giai đoạn : KHAI, THỊ, NGỘ và NHẬP. KHAI, tức là người Thầy hay người đi trước MỞ cho đệ tử những cái cần BIẾT về Đạo Phật. THỊ là nhờ những gì người Thầy giảng, hay Kinh sách ghi lại, mà người tu học sẽ THẤY những điều từ xưa đến nay chưa từng Thấy. NGỘ là sự ý thức rõ ràng hơn, sau cái Thấy. Có thể dùng thí dụ một cách thực tế là, cũng như người từ nào đến giờ chưa từng nghe nói rằng ở nơi nào đó có một Ngôi nhà vì bị che khuất tầm nhìn. Sau khi có người chỉ dẫn, thì họ đứng từ xa cũng đã trông Thấy ngôi nhà, nhưng chưa rõ ràng, chưa thật sự bước vô nhà. NGỘ là đã Biết chắc chắn rằng Có Ngôi Nhà, đã đặt chân đến thềm nhà. Biết mình đang bước từng bước vào Nhà. Và NHẬP là thật sự đã vô Nhà, sống trong Ngôi nhà, sinh hoạt trong đó. 

Những người không hiểu rõ ràng thế nào là công việc Tu Phật đã làm cho việc tu hành trở thành rắc rối, phức tạp, với hàng mấy trăm Giới, làm cho người Tu Phật trở thành là nô lệ cho Giới. Họ không được làm gì hết, vì quay đâu ? nhìn gì ? làm gì cũng đụng Giới, làm cho cuộc sống phải lệ thuộc, gò bó với Giới mà chẳng được lợi ích gì. Cũng chẳng thể xem đó là công năng tu hành, vì từ xưa đến nay không có người tu nào chỉ do Giới mà thành Đạo. 

Đạo Phật được đặt ra là vì con người, vì muốn con người được an vui, hạnh phúc trong cuộc sống, không phải để đóng khung con người trong khuôn khổ, lễ nghi. Càng không phải bắt buộc con người sống chỉ để phụng sự cho Phật. Có đọc 32 Tướng Tốt và 80 vẻ đẹp của Phật, ta sẽ thấy đó chỉ là phương tiện để dụ cho con người cư xử với nhau cho tốt đẹp hơn mà thôi, vì Đạo Phật dạy người tu xong còn phải đền Tứ Ân. Do đó, những người cho rằng mình sợ Mất Giới để rồi chỉ ngồi không, tụng Kinh, Niệm Phật, bắt người khác phải cung dưỡng để mình thảnh thơi, an nhàn thì không chỉ có lỗi với cuộc đời mà còn có lỗi với Đạo Phật, vì Đạo Phật không bắt buộc người tu phải bỏ hết mọi việc đời để chỉ nghĩ đến Đạo. Trái lại, Đạo Phật dùng phương tiện Đạo để đào tạo con người. Hứa Quả vị, tả Phật Quốc với khung cảnh tuyệt vời đầy châu báu, Niết bàn với sự thanh tịnh, an lạc, là để con người vì ham về đó mà chấp nhận tu sửa Thân, Tâm, bỏ hết những tính xấu để bản thân và người chung quanh được an vui trong kiếp sống mà thôi. 

Tu Phật thật ra chỉ là SỬA, là cởi bỏ những gì đã ràng buộc để được Giải Thoát. Do đó, người muốn Tu, thì việc làm đầu tiên là phải biết điều gì đã ràng buộc ? Cởi trói cách nào ? rồi tiến hành. Việc Tu Sửa đó diễn ra trong nội TÂM, nên hình tướng. có gia đình hay độc thân, già hay trẻ, trình độ cao hay thấp, nam hay nữ, xuất thân từ giai cấp nào cũng không quan trọng, miễn là Biết cần phải làm gì ? và Biết cách làm. 

Việc tìm Thầy để hướng dẫn cũng rất quan trọng, quyết định trình độ cho người học. Kinh VIÊN GIÁC viết : “Này Thiện Nam Tử. Có loại Chúng Sinh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ chúng thành Tiểu Thừa. Còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chúng thành  Phật Thừa”. Lời Kinh viết cách đây hàng mấy trăm năm đến nay cũng không thể thay đổi, bởi người học không thể vượt quá trình độ của người Thầy được. 

Nếu có chịu khó tìm hiểu, ta sẽ thấy rằng chỉ với cái TIN Phật, thì Chánh, Tà đã phân rõ, bởi TIN sai sẽ kéo theo hàng loạt hiểu sai, hành sai, do đó càng hành càng xa rời Chánh Đạo mà không hay.. Ngay cả khi đã hiểu đúng Đạo Phật, đã có được cái Phát Tâm chân chính nhưng không phải bất cứ ai tu hành cũng đều thành tựu nếu thiếu Trí Huệ . Bát Nhã Tâm Kinh viết : “Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa mà đắc Vô Thượng Bồ Đề”. Muốn có Trí Huệ lại phải có ĐINH. Muốn ĐỊNH thì cần có GIỚI. Khi đầy đủ Giới rồi thì có sức Định tức là Chỉ. Hành giả sẽ nương sức định đó để Quán. Kinh Viên Giác viết : “Đây là phương tiện đầu tiên tu hành của Hành giả, tức là Ba Pháp Quán (CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU). Nếu các chúng sanh tinh tấn siêng tu Ba Pháp Quán này được hoàn toàn, tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian vậy”. Qua đó, chúng ta thấy : Đạo Phật không phải là một Tôn Giáo, mà chỉ là một giáo trình để đào tạo con người qua những phương tiện để người bị dắt không thấy nản chí. Thật vậy. Nói “Các Pháp là Không” là để con người rời bỏ cái Chấp Có. Nói “Tây Phương Cực Lạc đầy dẫu châu báu” để con người buông bỏ những đam mê vật chất tạm bợ, không vì đó mà tranh dành, tàn sát lẩn nhau. Rồi muốn đến Tây Phương Cực Lạc thì phải giữ Giới, phải đi trong Bát Chánh Đạo. Thử hỏi nếu tất cả mọi người mà từ suy nghĩ đến nói năng, hành động đều Chân Chánh. Nuôi mạng bằng nghề nghiệp Chân chánh. Thân, Khẩu, Ý lúc nào cũng giữ gìn không tạo ba Nghiệp Tham, Sân, Si thì chẳng phải là trần gian đã biến thành Niết Bàn rồi hay sao ? Lúc sống đã chẳng tạo Nghiệp thì khi hết kiếp đương nhiên sẽ về nơi tốt đẹp cần gì ai phải rước ? Do đó, chỉ cần có một niềm TIN chân chánh, một sự hiểu biết chân chánh thì hành giả đã tiến một bước khá dài trên con đường tu tập mà không cần sự hỗ trợ rườm rà của hình tướng. Sau đó, tùy mức độ Tinh Tấn của hành giả mà việc đạt mục đích Tu Phật chỉ là vấn đề thời gian thôi vậy. 


(Tháng 4/2020)



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .