Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







“EM BÉ” CÁT ĐẰNG



D ẫu giờ đây tóc tôi đã nhuốm màu khói sương, lòng tôi vẫn bồi hồi mỗi khi nhìn giàn hoa Cát Đằng nhà ai đó đang buông thỏng đong đưa những chùm hoa sắc tím tím mộng mơ lãng mạn. ..            

   Cát Đằng là tên một loài dây leo có những chùm hoa với nhiều sắc khác nhau như màu xanh tím nhạt, màu vàng, trắng, đỏ, cam, hồng. Ở VN cây mọc hoang hoặc do người ta trồng ở hàng rào hay trồng leo trên giàn tạo thêm bóng mát sân vườn. Mùa hoa nở, từng chùm hoa thòng xuống tạo thêm vẻ thơ mộng đáng yêu cho những khu vườn. Là giống cây có gốc bản địa, được trồng nhiều ở Ấn độ và các nước Châu Á nhiệt đới nên dù cơn nắng mùa hè xứ Huế đang gay gắt chiếu xuống chói chang, những chùm hoa Cát Đằng vẫn thấp thoáng trong lùm lá xanh ngọc bích, khoe sắc tím tím nhẹ nhàng làm dịu mát tuổi thơ của tôi trong suốt chặng thời thơ ấu.             

  Nhà tôi ngày ấy là khu nhà vườn trong nội thành Huế, với ngôi nhà cổ kiểu kiến trúc năm gian hai chái. Trước sân nhà từ cổng vào có bức bình phong. Sau bình phong là bể cạn nước với hòn giả sơn. Cạnh bên là gốc Mai lão cứ đến mùa xuân trổ hoa nở bay bay khắp vườn những cánh hóa vàng mong manh. Phía hiên trái nhà, ông tôi cho dựng một giàn tre và trồng cây Cát Đằng leo phủ tạo một khoảnh sân đầy bóng mát. Có thể ông tôi không ngờ rằng ngoài việc trang trí cho khu vườn, cây Cát Đằng về sau còn tạo cô cháu nhỏ tập tành bài học làm bà mẹ nhỏ, cô giáo nhỏ mỗi ngày với những nụ hoa Cát Đằng xinh xắn.            

   Khi tôi được sinh ra, đã nhìn thấy cây Cát Đằng cổi mà gốc cây đã hóa gỗ phân nhiều cành, leo lên trùm kín giàn tạo bóng mát rợp cả một khoảnh sân dài. Cây hoa ấy đã được bà tôi hái lá, dùng tươi hoặc phơi hoặc sấy khô làm thuốc.Từ lời chỉ vẻ của bà, tôi được biết trong dân gian lá Cát Đằng được dùng làm vị thuốc chữa rắn cắn rất phổ biến. Khi người nhà ra vườn xui xẻo bị rắn cắn, bà tức tốc sai hái một nắm lá Cát Đằng tươi, bỏ cuống, rửa sạch, cho vào cối giã nhỏ, thêm ít nước, vắt lấy nước. Bà dùng tay tẩm ướt thứ nước này, xoa bóp từ trên xuống dưới nơi vết thương do rắn cắn chừng 5-10 phút rồi sau đó lấy bã đắp lên vết cắn, dùng vải sạch băng lại. Ngày làm 2 lần cho đến khi khỏi. Thường bà chỉ làm 4-5 lần là có kết quả ngay. Chúng tôi xúm quanh mở tròn xoe mắt xem bà làm với lòng khâm phục.           

    Khoảnh sân nhỏ dưới giàn hoa ấy là nơi tôi chọn để chơi biết bao trò chơi: Chơi bán hàng con trẻ, chơi làm cô giáo dạy học trò, chơi ô làng,chơi nhày cò cò…Trong một số trò chơi ấy luôn có sự tham dự của những bông hoa Cát Đằng mà chúng tôi đã yêu thương gọi tên EM BÉ.            

   Chẳng ai dạy, ai bày mà tự hình dáng của nụ hoa khiến lũ chúng tôi nghĩ ra trò chơi hái nụ hoa búp Cát Đằng đang thòng xuống, tách phiến lá xanh để lộ ra một nụ hoa có hình khuôn mặt người. Chỉ việc lấy bút chấm phá thêm hai mắt, mũi, miệng là có ngay một em bé hoa nhỏ xíu.Và em bé hoa ấy đã theo chúng tôi suốt những cuộc chơi.             

  Lúc đóng vai bà mẹ nâng niu bế cô con gái Cát Đằng trong lòng bàn tay đi chợ mua quà. Bà mẹ tí hon cũng học đòi người lớn đỏng đảnh mặc cả giá bán mua để mua cho được cái áo đầm xòe tí teo mà cô bán hàng vừa cắt từ tờ giấy thủ công ngũ sắc:          

     “ Răng mà o bán mắc rứa? Cái áo đầm ni vải cũng thường thôi mà. Bán cho tui ba đồng nghe. Năm đồng mắc quá.Nhà tui hết tiền rồi!”             

  O bán hàng cũng không kém chanh chua đáp lại:            

   “ Vải may áo đầm xòe ni mà bác chê há? Rứa thì hai mẹ con bác qua hàng khác mua đi. Tui không bán nữa mô! Mỳ xưa mỳ xẩu chi mà chán quá! Chắc hàng tui hôm nay xui xẻo ế ẩm cả ngày!”           

    Tuy là thế nhưng cuối cùng bà mẹ trẻ vẫn mua được áo đầm xòe cho con gái Cát Đằng. Vì tiền có nhọc công lao động suốt tháng mới lãnh lương như cha mẹ đâu mà chỉ việc chạy ra bờ rào hái thêm mấy ngọn lá Dâm bụt. Lá to tính mười đồng. Lá nhỏ tính một đồng. Thế là mẹ dư sức mua cho con một lố áo đủ màu xanh đỏ tím vàng…rồi sau đó liên tục thay áo mới cho con, miệng luôn nựng yêu:           

    “ Con gái ngoan mẹ sẽ mua thêm áo đẹp nghe! Mẹ sẽ bồng đi chơi nghe!”          

     Lại có hôm chúng tôi không chơi trò làm mẹ nữa mà lại học đòi làm cô giáo dạy học. Cô giáo tí hon ngồi trên ghế cầm cái thước dài nhịp nhịp.Lũ học trò là một bầy em bé Cát Đằng được sắp một hàng dài trên bàn trước mặt cô. Cô giáo đọc to:” A- bờ a ba” rồi gõ thước cho học trò đọc theo. Cô đọc khản cả giọng mà suốt buổi dạy chẳng ai nghe tiếng đọc theo của lũ học trò. Chúng nằm im thin thít. Thế mà cô vẫn giả bộ hí hoáy cho điểm vào sổ rồi lên giọng nhận xét :           

    “ Hôm nay em Mi Mi học ngoan cô cho mười điểm. Em cu Tũn ham chơi đánh vần không đúng, chỉ được bốn điểm. Lần sau phải gắng lên!”             

  Với những em bé Cát Đằng xinh xinh trên tay, lũ con gái chúng tôi ngày ấy đã tập tành làm mẹ, làm cô giáo khi tuổi đời chỉ vừa lên ba, lên bốn. Do quan sát hành vi ứng xử của mẹ, biết nói lời ngọt ngào với con gái Cát Đằng. Biết bắt chước cô giáo dạy Mầm non dạy lại học trò Cát Đằng học đánh vần tiếng mẹ Việt Nam…Mỗi ngày tập tành một ít qua trò chơi đóng vai ấy có ngờ đâu để rồi hôm nay khi lớn lên làm mẹ thật, cô giáo thật giúp hình thành trong tôi phong thái nhẹ nhàng đôn hậu khi ứng xử với các con và các thế hệ học trò.      

  Giờ đây mảnh vườn xưa với giàn hoa Cát Đằng đong đưa không còn nữa. Tuổi thơ của tôi cũng đã mất theo dòng thời gian. Nhưng bóng hình em bé Cát Đằng cứ mãi theo tôi. Để hôm nay khi dừng chân bên giàn hoa nơi miền đất lạ, tôi bồi hồi rủ rê năm ba bé gái vẻ bày cho các cháu trò chơi cùng những em bé Cát Đằng.