QUÁN CHÁO VỊT
T âm ân cần nắm tay Hạ Vy bước vào quán cháo vịt không tên ở ngả tư một góc đường phố quen thuộc, như bước vào căn nhà cũ của mình. Quán nằm trên vỉa hè của một ngôi nhà đóng cửa, có lẽ chủ quán thuê mặt tiền của người chủ ngôi nhà kia, để bán cháo vịt từ chiều đến tối. Ba bộ bàn ghế nhựa kê dọc theo cửa sắt, phía trước là chiếc bàn cao, trên bàn có tủ kính nhỏ đựng mấy chục con vịt đã luộc sẵn vàng ươm; cạnh chiếc bàn cao, là một nồi cháo bốc khói tỏa mùi thơm hấp dẫn trên lò than đỏ lửa.
Tâm kéo ghế mời Hạ Vy ngồi, rồi lại chỗ cô chủ quán dặn:
-Cho chú hai tô cháo và một đĩa thịt luộc như bữa trước nhé!
-Dạ chú!
Hạ Vy cười với cô bé chủ quán:
- Cháu biết “như bữa trước” là thế nào mà dạ?
Cô bé liếc nhìn Hạ Vy, cười thân tình:
-Dạ cháu biết mà, cô chú đến lần trước cháu nhớ.
Tâm ngạc nhiên:
-Sao cháu nhớ hay vậy?
-Quán cháu, khách toàn là người bình dân không hà, cô chú như thầy cô giáo, vui tính - thật đặc biệt, nên cháu nhớ.
Tom thoáng nhìn Hạ Vy cười, quay sang nói với cô bé:
-Bộ chú giống thầy giáo thiệt hả? Không ai là thầy cô giáo đến ăn ở đây sao? Lạ nhỉ? Thầy cô gì cũng là người bình thường như mọi người thôi mà cháu!
-Dạ.
-Cháu bán cháo ngon vậy, dĩa thịt cắt khéo, mềm, thơm - ngó thấy là thèm ăn liền, không vào ăn thì thật uổng.
-Dạ! Chắc chỗ cháu tuềnh toàng quá nên họ ngại á chú.
Hạ Vy góp chuyện:
- Chỗ sang trọng chưa chắc là ngon đâu - Hạ Vy lại cười, Đi đâu thì đi, nhưng về đây là cứ muốn đến quán này, để thưởng thức tài nghệ cắt thịt vịt lát mỏng như lá lúa của cháu đấy. Chỗ ngồi sang trọng mà làm gì nhỉ?
Cô bé cười thoải mái:
-Dạ, cháu cảm ơn cô chú!
Cô bé lấy phần đùi của con vịt đặt lên thớt chặt từng miếng mỏng bỏ vào rá nhúng vô nồi cháo cho nóng, rồi sắp ra đĩa gọn gàng, đẹp mắt. Cô múc hai tô cháo, lấy một đĩa rau sống, bỏ bên trên một ít chuối chát non và một ít khế xắc mỏng; hai chén mắm gừng, một đĩa dưa cải và cà rốt muối chua; rồi bưng tất cả ra bàn mời Tâm và Hạ Vy.
Tâm cảm ơn cô bé cởi mở thân thiện, nghĩ thầm - tô cháo vịt của cô bé ngon thêm, vì sự vui vẻ nhiệt tình của cô chủ nữa. Anh chậm rải lau đũa muỗng đưa cho Hạ Vy, mời:
-Mời em, ăn nóng cho ngon.
-Dạ! Mời anh!
Anh lựa một miếng, gắp bỏ vào chén cho Hạ Vy, giọng ân cần:
-Em ăn đi, miếng này ngon nè!
Hạ Vy nhìn anh với ánh mắt yêu thương sâu kín, thầm cảm ơn anh đã đến bên cuộc đời nàng như một phép lạ; để nàng hiểu thế nào là tình yêu chân thật, thế nào là hạnh phúc son sắc của đời người. Bấy lâu, nàng đã sống như một cái bóng, thậm chí là cái bóng mờ nhạt. Nỗi cô độc và bất hạnh đã đem nàng đến bên Tâm như cơn gió. Còn Tâm, anh rất ngạc nhiên khi nhận ra từ ngày gặp và yêu thương nàng, tình yêu đã làm cho tâm hồn tưởng đã khô héo, chai mòn của anh trong bao năm, trở nên dịu dàng, tươi mát của tuổi thanh xuân, như một phép lạ.
Hạ Vy múc một muỗng cháo nhỏ, nhè nhẹ đưa lên môi - nàng húp dần từng chút, cảm thấy sự ấm áp như chảy vào tận đáy lòng. Nàng cảm thấy miếng thịt mỏng anh gắp giúp cho, sao mà ngon, mà đậm đà hương vị đến vậy. Hạ Vy lại nhạy cảm nghĩ rằng, dường như tình yêu của anh đã len thấm vào thức ăn, để nàng cảm nhận từng ngõ ngách của cơ thể đang tiếp nhận tình yêu anh ấm áp, và ngọt ngào. Nàng gắp bỏ vào chén cho anh một miếng gan, một miếng thịt, vài cọng rau, lát chuối chát, và dưa cải cà rốt - giọng trìu mến:
-Anh cũng ăn đi, gắp bỏ cho “người ta” hoài, em ăn hết bây giờ nè.
-Em ăn hết đi, anh nhìn em ăn cũng no rồi.
-Sao mà no được, hai đứa cùng ăn thì mới vui. Ngọt bùi cùng nhau, mà anh! Cao lương mỹ vị mà đơn lẻ, thì còn gì là ngon.
- Anh cũng đang ăn cùng em đây mà. Anh rất quý những giây phút như thế nầy bên em. Cuộc đời anh dường như từ thuở mẹ mất năm lên mười tuổi, rất hiếm khi có được một bữa ăn sum họp hạnh phúc, vui vẻ!
Tâm vừa ăn, vừa liếc nhìn Hạ Vy - nhớ lại bóng dáng người con gái hao gầy, yếu ớt vừa trải qua cơn bạo bệnh của ba năm trước, mà anh đã tình cờ gặp được trong buổi triển lãm tranh của một người bạn. Lúc nầy đây đã là người anh yêu, là người nguyện chia sẻ cùng anh những vui buồn, khổ đau trong cuộc sống đơn côi còn lại. Nàng đang ngồi trước mặt anh, cùng ăn tối, chuyện trò, vui đùa với anh. Sau mỗi lần được gần nhau, Tâm đều cảm nhận được sự ngây thơ, hồn nhiên của tâm hồn nàng, cho dù đã trải qua bao thăng trầm, dâu bể. Có lần, nàng đã bật khóc tức tưởi trên vai anh, khi kể về cha, về mẹ, về cuộc sống đầy gian truân mà nàng đã trải qua.
Cha nàng - ông Kỳ, đã không trở về nữa, dù mẹ nàng ngày đêm tìm kiếm, hỏi thăm những người đã làm việc cùng ông, quen thân với ông thuở trước. Mẹ nàng đã tất bật đi dọc khắp bãi biển như một kẻ mất trí, lật từng xác chết để nhìn ngó, nhưng ông vẫn biệt tăm. Có lẽ ông đã ngủ yên trong lòng biển cả, hay đã nằm xuống trên con đường chạy loạn, tránh đạn bom, hận thù!. Về sau, mẹ nàng trở nên trầm cảm, lâu dần như người mắc bệnh tâm thần - quên quên, nhớ nhớ, lúc cười, lúc khóc. Hạ Vy phải bương chải nuôi hai đứa em và kiếm tiền thuốc thang cho mẹ.
Không chịu nổi khổ đau, và bệnh tật - ba năm sau, mẹ nàng cũng đã ra đi, nàng còn lại như người mẹ thứ hai của các em nhỏ. Nàng thầm nguyện sẽ sống vậy với các em, chừng nào các em học hành đến nơi, đến chốn, có mái gia đình riêng, mới nghĩ đến chuyện hạnh phúc cho riêng mình.
Thế rồi, nàng gặp Tâm. Nàng tình nguyện làm con chim hót líu lo trong anh mỗi sáng, mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến cuộc đời đầy bất hạnh của anh.
-Cải chua ngon quá anh hén, về nhà em cũng sẽ làm cho anh ăn - Hạ Vy nhìn anh, ngạc nhiên - anh ăn đi chứ, sao mà thần người vậy?
Tâm thoáng cười, quay về với thực tại, mỉm cười với nàng:
-Thì anh đang ăn mà, nhìn em, anh thấy thương quá.
-Thiệt hông đó, đừng có “nhạo” người ta đấy nha.
-Thiệt mà, anh cũng không hiểu rõ thế nào mà tự nhiên thấy thương không còn chỗ nói nữa đó.
Tâm gắp bỏ vào chén nàng mấy miếng thịt, ít khế, ít dưa chua, miệng luôn nói “ăn đi em, ăn đi em”, đã làm nàng bàng hoàng, xúc động. Chưa bao giờ nàng được chăm sóc, yêu thương đến như vậy. Là một cái bóng đơn lẻ bên đời, Hạ Vy không ngờ rằng cuộc đời mình sẽ có Tâm. Nàng nghĩ, có lẽ ông trời bù đắp cho nàng đã phải gánh chịu nhiều bất hạnh chăng? Nàng sung sướng và nguyện sẽ yêu thương, gắn bó chia sẻ với Tâm nhiều hơn, trong những năm tháng sắp đến để đời anh được ấm áp, được hạnh phúc, bù lại những ngày buồn bã, lao đao mà anh đã trải qua.
-Cho chú một lon Tiger và hai ly đá đi cháu - Tâm nhìn nàng, cũng nên có một chút men cho vui, nha em! Anh cười nhẹ.
-Dạ! Cháu mang lại liền.
Cô bé chủ quán bưng cái khay đặt hai ly đá và lon bia lên bàn, cười vui:
-Cô chú thật xứng đôi, vừa dễ thương, vừa trí thức nữa. Gặp một lần là cháu nhớ liền.
Tâm uống một ngụm bia - cười lớn:
-Chà! Cô bé khéo xắc thịt, lại cũng khéo nói nhỉ! - Uống thêm một ngụm bia - chú mà trí thức gì đâu, khổ quá trời!.
Bà khách ngồi bàn bên cạnh đang chờ tô cháo, nghe cô gái và anh nói qua lại, cũng vui miệng - cười:
-Đúng đấy, tui cũng thấy vậy. Trông đúng là một “cặp đôi hoàn hảo” mà!
Trời bỗng đổ mưa nặng hạt hơn, cơn mưa đầu mùa hạ như trút nước, như muốn làm dịu đi cơn nắng nóng chuẩn bị vào mùa. Nước mưa tạt vào hiên, một cơn gió thổi mạnh làm mái che rung lên. Tâm nhìn Hạ Vy lo lắng:
-Em có lạnh không? Hôm nay chắc ông trời có gì buồn, khóc một chút cho nguôi ngoai ấy mà. Một lát sẽ tạnh thôi.
-Dạ mát chứ lạnh gì anh. Trời buồn, trời khóc; còn anh, buồn có khóc không?
Tâm cười:
-Có! Là người ở trên cõi tạm phiền não, gian truân nầy, ai mà không có lần khóc? Tâm cầm ly bia đưa cho nàng - Anh khóc, nhưng nước mắt chảy vào trong, chứ không như ông trời làm ướt cả phố.
-Em biết anh chịu đựng giỏi mà.- Hạ Vy âu yếm nhìn anh, anh của em giỏi lắm.
-Sao em biết anh giỏi? - Tâm nhìn lướt lên mắt Hạ Vy, em mà làm anh buồn, thì chết với anh.
Hạ Vy cười, trêu chọc:
- Ai chết?
- Thì anh chết trước, em sẽ chết sau chứ sao!
Hạ Vy đưa ly bia lên mời Tâm:
- Em đùa với anh chút vậy thôi, chứ làm gì có chuyện đó, anh nói gì em cũng tin, cũng nghe theo - không bao giờ làm anh buồn đâu.
Tâm giơ tay ra trước mặt Hạ Vy:
-Ngoéo tay nhé.
Nàng cười, đưa tay ra ngoéo tay anh:
-Thôi ăn cho hết đi anh, nguội rồi kìa.
Tâm múc cháo vào chén, vừa ăn vừa nhìn nàng - cười hài lòng. Anh nghĩ, Hạ Vy như tia nắng ấm áp chiếu rọi vào tâm hồn anh, vào đời sống lạnh giá đã tái tê, đau đớn bao phen. Từ dạo ấy, trái tim anh như đã khép lại. Tình cờ, Hạ Vy đã đến, đã gõ cửa, và đang mở dần cánh cửa hạnh phúc cho đời anh còn lại.
Mỗi lúc mưa càng lớn, gió hắt mạnh những giọt nước mưa vào hiên, ướt nhẹp. Mọi người tự đẩy bàn nhích sát vào cửa. Tâm rút chiếc khăn tay trong túi, lau nhẹ mái tóc của Hạ Vy. Một người đàn ông trạc sáu mươi mấy, tay chống nạng, chân khập khiễng, tấp vào quán như những hạt mưa lạnh lẽo. Ông ta cởi chiếc áo mưa sũng nước, loay hoay tìm chỗ ngồi. Hai chiếc bàn kia đã chật người, nhìn qua chỗ Tâm và Hạ Vy, ông ta khẽ gật đầu chào, giọng khiêm tốn:
-Xin lỗi, tui có thể ngồi được không?
Tâm bước qua ngồi cùng phía với Hạ Vy, nhìn ông ta - cười:
-Mời anh ngồi đi, trời mưa quá!
Ông ta lúng túng đặt cây nạng dựa vào cửa sắt, rồi ngồi xuống chiếc ghế của Tâm bỏ trống. Cô bé chủ quán lẹ làng mang ra cho ông ta một tô cháo, đã bỏ sẵn mấy miếng thịt, không cần chờ ông ta gọi. Ông nhìn Tâm và Hạ Vy, ái ngại:
-Xin lỗi anh chị, từ chiều đến giờ chưa ăn gì.
Nói xong, ông cúi xuống tô cháo, sì sụp ăn ngon lành. Cô bé chủ quán nhìn ông - hỏi:
-Hôm nay bán được nhiều không bác, nãy giờ mưa chắc khổ hén.
-Cũng tạm được, cháu - ông ngẩng lên, mưa thì khổ rồi, ít người mua. Thôi kệ, trời phải có lúc mưa, lúc nắng chứ. Như cuộc đời…
Tâm nhìn ông - thương cảm:
-Anh thường ăn trễ vậy, coi chừng đau bao tử.
-Không sao, bao tử của tui quen rồi! Ông dừng ăn - nhìn Tâm, bán vé số, chiều là lo chạy bán cho nhanh, còn là phải lo mang về cho đại lý; chứ lỡ không kịp trả lại, quá giờ xổ số lấy gì mình đắp vào, nhịn đói thôi.
Nhìn ngó ông ta ăn, Tâm nghe có gì nghèn nghẹn trong lòng. Tâm nghĩ, ông đã lớn tuổi, lại phải chống nạng với một cái chân, đi hết con phố này đến con hẻm nọ, dù nắng hay mưa, chắc là mỏi lắm!.
Tâm quay lại nói với cô bé chủ quán:
-Cho chú thêm đĩa thịt nữa đi cháu.
-Dạ!
Cô bé chủ quán mang đĩa thịt ra, Tâm nhìn ông ta cười thân thiện:
-Tui mời anh!
Ông ta dán cái nhìn sững lên mặt Tâm, như vừa nghe thấy một điều lạ lẫm. Ông cúi xuống, đôi mắt ứa đỏ.
-Tui chưa bao giờ được gặp người nào như anh.
-Không có gì đâu, anh! Tâm khẽ cười, coi như chúng ta có duyên với nhau.
-Tui biết là không bao nhiêu - Ông thở dài, từ ngày tui bị cưa mất một cái chân, tui có cảm giác như mình đã bị vất lên bên lề cuộc sống. Buồn lắm! Nhưng phải sống.
-Phải sống, anh ạ! Tâm nghe như mình vừa dặn dò cho chính mình - chết đâu có dễ, mà sao lại phải chết?
Trò chuyện lan man một đỗi như có thêm tình thân. Tâm và Hạ Vy hiểu ông hơn khi nghe ông kể lại nguyên do vì sao ông bị mất một cái chân: Chân của ông bị trúng đạn trên đường rút chạy khỏi Pleiku vào tháng ba năm ấy. Ông lê lết về đến bệnh viện thành phố thì đã hơn hai mươi ngày; chân đã bị nhiễm trùng, hoại tử, buộc phải cắt bỏ.
Ông biết phải làm gì với một cái chân? Mới đầu, vợ con thương tình chăm sóc, nhưng lâu rồi sanh tâm chán nãn, tình cảm phai nhạt dần. Vợ bỏ, ông bơ vơ, không biết làm gì để sống, dù chỉ là sự sinh tồn. Ông hoang mang, lo sợ, như đang bị vất vào một cái hố thăm thẳm, mù mịt. Không có lối ra, ông cứ loay hoay trong tăm tối, đau khổ. Thế rồi, ông học làm đủ thứ, đan rổ, đan thúng, bơm vá xe đạp, xe hon da, rồi cũng lây lất qua ngày. Gần đây, sức khỏe yếu, không làm nổi, phải lang thang ngoài đường, tìm bán từng tấm vé số, về được đến nhà là đôi chân đã rũ rượi.
Hạ Vy nhớ lại hình ảnh mẹ hớt hãi, lang thang lật từng xác người nằm dọc bờ biển tìm kiếm cha năm xưa, lòng quặn thắt.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi đều, chưa ngớt. Có lẽ trong lòng Tâm, Hạ Vy, hay của người bán vé số đang ngồi trước mặt đây,
cũng đang sùi sụt cơn mưa chiều.
Những ngày cuối tháng 07/2018