Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







OXFORD VÀ

NHỮNG NGỌN THÁP MỘNG MƠ






H ồi cuối năm 2017 ở Anh nổ ra cuộc tranh luận lớn về di sản tốt-xấu của Đế quốc Anh và một giáo sư đại học Oxford bị phê phán nặng nề. Ông Nigel Biggar và dự án mang tên Ethics and Empire' (Luân lý và Đế quốc) bị nhiều nhân vật có tiếng tăm ở Anh, Mỹ, châu Phi, Ấn Độ bị gọi là người “bào chữa cho Đế quốc Anh”.

Sang giữa năm 2020, cùng các kiến nghị của phong trào Black Lives Matter đòi dỡ tượng Cecil Rhodes, chính khách thuộc địa Anh ở châu Phi khỏi trường Oriel, ĐH Oxford, người ta lại nhắc đến ông Biggar.

Ngoài chuyện đòi giật đổ 60 tượng đài thời vinh quanh của Đế quốc Anh vẫn ngự ở các quảng trường, công viên trên cả nước, người ta còn đòi gỡ một tranh tường trong Bộ Ngoại giao Anh.

David Wearing từ Royal Halloway, University of London nói bức 'Britannica Pacificatrix' vẽ nữ thần Anh Quốc yêu hòa bình đứng giữa, bao quanh bởi các dân tộc tụ về ngợi ca là biểu hiện của phân biệt chủng tộc. Tranh có người da đen, thổ dân, chiến binh Hồi giáo cho đủ mặt nhân loại. Góc trái có cô gái mặc áo kimono. Nhật Bản chỉ đáng 'thần phục' Anh hay sao? Đầu óc tự tôn Anh ghê thật. Nhưng bạn thử nghĩ, tự ái dân tộc ai chẳng có còn tham vọng xoay chuyển trật tự thế giới theo ý mình lại là việc khác hẳn. Hoa Kỳ mới chỉ tỏ ý muốn bỏ vị trí lãnh đạo hàng đầu mà các đồng minh Đức, Nhật đều lo phát sốt. Nếu bức tranh vẽ cho hôm nay mà trống khoảng giữa – không có ai lãnh đạo – thì chúng ta nghĩ sao?

Dù sao đi nữa, tôi quan sát thấy cuộc tranh luận xét lại quá khứ đế quốc đang kéo dài ở Anh trong một mùa hè oi bức, dịch Covid-19 chưa nguôi và Brexit còn dang dở.

Nhà đang bề bộn bệnh tật, ly hôn sao lôi bàn thờ cha ông ra đập để làm cái gì? Có người ở bên ngoài sẽ hỏi như vậy.

Tôi chỉ chú ý đến vụ giáo sư Nigel Biggar bị công kích vì ông là thầy cũ, hướng dẫn luận án cho tôi trong khóa fellowship về truyền thông ở ĐH Oxford năm 2010.

Có vẻ như ông kiên trì với quan điểm bảo vệ gạn đục khơi trong về Đế quốc Anh.

Ông viết trên Twitter hồi năm 2019 như sau:

“On British Empire, I don't doubt it contained moments of great wrongdoing. But so do all large-scale, longstanding human enterprises. And like most such enterprises, the Empire also achieved great good, too. How to make an all-things-considered judgment is an interesting task.”

Tạm dịch:

“Về Đế quốc Anh, tôi không có nghi ngờ gì là nó từng có những thời khắc sai trái rất lớn. Nhưng tất cả các sự nghiệp to tát, dài lâu của con người đều thế cả. Và như đa số các sự nghiệp/dự án đó, Đế quốc Anh cũng có thành tự rất lớn nữa. Làm sao để đánh giá tất cả cùng một lúc cho xác đáng hẳn là một nhiệm vụ đáng chú ý.”

Đại học Oxford ra đời như thế nào?

Xin kể lại một vài kỷ niệm với GS Nigel Biggar và nhân thể nêu ra một số nhận xét của tôi về Anh giáo, vì ông thầy cũ còn là mục sư cao cấp của Giáo hội Anh.

Sinh năm 1955, GS Nigel Biggar là giám đốc McDonald Centre ở Đại học Oxford và giáo sư Christ Church College.

Tên đầy đủ của trung tâm là McDonald Centre for Theology, Ethics and Public Life, chuyên về triết học, thần học, luân lý, toàn thứ 'khó nhằn'. Đầu năm 2010, vào học kỳ Hilary Term ở Reuters Institute for the Study of Journalism, tôi được giám đốc chuyên môn James Painter giới thiệu với giáo sư Nigel Biggar, mà từ đây tôi gọi là thầy Nigel. Luận án của tôi làm là về truyền thông tôn giáo tiếng Việt, và tôi cũng là nhà nghiên cứu (fellow) đầu tiên người Việt Nam ở Oxford thầy Nigel nhận hướng dẫn bài.

Qua email, ông mời tôi đến nhà, ở ngay trong Christ Church College để làm quen và lên lịch làm việc. Ai đến Oxford đều biết mỗi trường (college, viện đại học) là một trung tâm giảng dạy kèm ký túc xá sinh viên, nhà của giảng viên. College hoạt động độc lập, có trụ sở riêng, có sinh hoạt chung theo truyền thống lâu đời. Làm nghiên cứu ở Viện Reuters chúng tôi được nhận vào Green Templeton College. Tôi có thẻ ra vào trường đó, có quyền ăn trưa, ăn tối, dự tiệc, sinh hoạt thể thao. Nhưng sang Christ Church College thì tôi chỉ là 'visitor' nên cần trình báo với bảo vệ. Khi tôi nói là tôi có cuộc hẹn với Giáo sư Nigel Biggar, ông gác cổng cẩn thận dẫn tôi vào qua khuôn viên rất to của trường, tới tận cửa nhà.

Tôi bấm chuông, một người đàn ông cao lớn, mặc áo len đỏ, quần dạ, mắt sáng và có bộ râu bạc trắng tỉa khá sắc ra mở cửa. Trông ông như một vị tướng của quân đội Anh mặc thường phục hơn là giáo sư đại học. Uống trà nói chuyện, ông rất quan tâm đến chủ đề tôi làm và hỏi rất nhiều về Việt Nam, về chiến tranh, về xã hội, về các tôn giáo.

Ngoài các hướng dẫn bài vở, cần đọc sách gì, làm quen với ai, ông dẫn tôi đi thăm Christ Church College, đặc biệt là Giáo đường – Cathedral ngay trong trường. Ông giữ chức Canon (mục sư cao cấp) của Giáo đường Christ Church, với chức danh do Nữ hoàng Anh phong tặng. Nghe ông nói vậy tôi nhớ theo luật thì Nữ hoàng Elizabeth II là người đứng đầu của Giáo hội Anh.

Christ Church College có tháp Tom Tower do kiến trúc sư lừng danh Christopher Wren thiết kế năm 1681. Cũng trường này tạo cảnh cho phim Harry Potter nên du khách biết nhiều. Nhưng trường có giáo đường riêng thì không phải ai cũng rõ, một phần vì nó nằm sâu phía trong, người lạ không vào được.

Ông Nigel có mời tôi và gia đình đến dự lễ ở Giáo đường. Tôi không phải tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng ông bảo đến “xem lễ” vẫn được hoan nghênh. Ngoài ra là các buổi seminar về thần học và triết học ở Christ Church College ông muốn tôi dự.

Xin nói một chút về Oxford và tìm câu trả lời cho 'tinh thần tôn giáo' của đại học này.

Một số bạn ở Việt Nam chỉ nghĩ các đại học nổi tiếng thế giới: Sorbonne, Oxford, Cambridge, Harvard là những trung tâm khoa học. Tôi xin chia sẻ một góc nhìn khác. Phần hồn lâu đời của các đại học này là tôn giáo. Đúng vậy bạn ạ, nhiều đại học hàng đầu ở Phương Tây được lập ra nhờ đầu tư của nhà hảo tâm sùng đạo, qua quyết định của quý tộc, vua chúa Ki Tô giáo hoặc từ đề xuất của giáo hội.

Cứ phải theo Ki Tô giáo thì mới văn minh? Ta trở lại câu hỏi về di sản của Đế quốc Anh và thấy là không hẳn thế.

Nhưng tôn giáo đã tạo ra nền tảng Đại học Oxford, thành phố của những ngọn tháp mộng mơ.

Bạn nào học tiếng Anh đều biết câu 'Oxford, City of Dreaming Spires'. Spire là tháp, nhưng không phải tháp canh, tháp nước mà là ngọn tháp nhà thờ, nhà nguyện có thập tự hoặc kiến trúc nóc nhà hình tháp nhấp nhô. Công trình nổi tiếng, thư viện Radcliffe Camera mà ai đến Oxford cũng chụp hình, vẫn còn nguyên hình tháp, tuy không gắn thánh giá vì xây về sau này. Hình tượng 'những hàng tháp nằm mơ' tuyệt duyệu đã đi vào văn học Anh như biểu tượng của trí tuệ nghiêm trang và tự do bay bổng, lãng mạn.

Nhà thơ Anh của kỷ nguyên Victoria, Matthew Arnold viết về Oxford như một cô gái đẹp đến nỗi không còn cần nắng tháng Sáu để xinh hơn, để ngọt ngào hơn trong giấc ngủ cùng hàng tháp cổ, một ngày gió ấm của mùa Xuân.

“...This winter-eve is warm, Humid the air; leafless, yet soft as spring, The tender purple spray on copse and briers; And that sweet City with her dreaming spires She needs not June for beauty’s heightening, Lovely all times she lies, lovely to-night.”

Thay vì dịch đoạn thơ trên, tôi ghi ra đoạn thơ Truyện Kiều tươi đẹp tương tự, về thời khắc hoàng hôn chơi đùa cùng nắng lá, sân nhà, sương gió mùa Xuân:

“Kiều từ trở gót trướng hoa, Mặt trời gác núi chiêng đà thu không. Gương nga chênh chếch dòm song, Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân. Hải đường lả ngọn đông lân, Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.”

Oxford bắt đầu có các lớp dạy học của Giáo hội năm 1096, sau Sorbonne của Pháp. Việc giảng dạy này phát triển mạnh vì xung khắc Anh – Pháp. Vua Henry II của Anh cấm sinh viên Anh sang Paris học nên từ 1167, Oxford nhận ngày một nhiều sinh viên. Viện đại học đầu tiên, University College ra đời năm 1249. Ngày nay (2020) trường có 45 college và nhiều viện nghiên cứu.

Tương tự như Quốc tử giám ở Việt Nam và Trung Hoa ra đời để dạy từ chương, kinh viện và luân lý của Khổng giáo, ban đầu đại học Oxford là trường cho các nhà thần học và tu sĩ (university for monastic scholars) để phục vụ giáo hội và nhà nước.

Mọi người đều biết quyền lực ở châu Âu thời phong kiến nằm trong tay vua chúa và các giám mục. Bên đời cầm quyền, cầm cương ngựa, bên đạo nắm phần hồn từ lúc sinh linh bé bỏng chào đời đến giờ về với Chúa. Nhiều giám mục Anh có quyền 'palatine' (chủ 'cung điện, lâu đài') kiêm lãnh chúa một vùng. Họ bảo trợ cho việc học trong nhiều thế kỷ. Màu áo của các hồng y từng thấp thoáng đâu đó sau bóng những ngọn tháp Oxford.

Kết hợp kiến thức cổ Hy Lạp và tín điều về Chúa Trời:

Các college cổ nhất Oxford đều có nhà nguyện riêng cho sinh viên và giáo viên, nhưng việc học lại không chỉ về tôn giáo và gồm cả môn học về Hy Lạp cổ đại (Greek classics).

Đó cũng là mục tiêu của Giáo hội những năm 1100-1300 ở châu Âu: làm sao kết hợp trí tuệ phóng khoáng và tư duy duy lý (rational thinking) của các nhà triết học, toán học, logic học của Hy Lạp cổ đại, với giáo điều đạo Ki Tô.

Tại Anh, đại học Oxford được chọn làm trung tâm nghiên cứu, dịch thuật cổ văn Hy Lạp để giải quyết câu hỏi của thời đại: Di sản đa thần – gồm nhiều thần tình yêu - của Hy Lạp cổ có hòa hợp nổi với niềm tin duy nhất vào Thượng Đế toàn năng của Ki Tô giáo?

Vào Google tìm câu “How to reconcile Greek philosophy with Christian Theology?” bạn sẽ thấy cuộc đấu tranh tư tưởng vô cùng thú vị một thời của trí thức châu Âu mà Oxford đóng vai trò hàng đầu. Tôi nghiệm thấy rằng người Việt Nam vẫn luôn băn khoăn vì sao Phương Tây 'tự do, sáng tạo mà vẫn kỷ luật'. Câu trả lời nằm ở các công trình triết học, thần học áp dụng (applied theology) Oxford bắt đầu cần mẫn tìm tòi từ thế kỷ 13.

Sau giai đoạn Cải cách Tôn giáo vào thế kỷ 16, Anh lập ra giáo hội riêng, tách khỏi Vatican nhưng truyền thống kết hợp triết học cổ điển của văn minh Hy Lạp, chính trị, pháp luật La Mã và thần học của giáo hội vẫn tiếp tục.

Tôi nghe thầy Nigel ông kể nhiều về các vị tiền bối ở Christ Church College, viện đại học thuộc loại giàu nhất và to nhất Oxford. Hồng y Wolsey lập ra nền tảng của trường năm 1524 để “đào tạo ra những người phụng sự cho giáo hội và vương triều Anh”.

Trong thời Nội chiến Anh (English Civil War), vua Charles bị phe Nghị viện (Parliamentarians) đuổi khỏi London nên đã phải trụ ở Oxford, và trường Christ Church là nơi ông tá túc bốn năm liền. Oxford trong những năm ấy đã là 'thủ đô' của ông vua tỵ nạn trong thế kỷ 17. Hồi học ở Oxford tôi hay hẹn bạn ra quán bia The Eagle and Child mà phải sau này đọc trên trang web của quán mới biết đây là địa điểm quân Bảo hoàng trung thành với vua Charles thường tụ tập để bàn mưu đánh phe Nghị viện, giành lại London.

Christ Church College đào tạo ra 13 thủ tướng Anh, nhưng cựu giảng viên nổi tiếng nhất thế giới không phải là chính khách, mà là nhà văn Lewis Carroll. Ông viết 'Alice's Adventures in the Wondeland' khi dạy toán ở trường này. Tên thật là Charles Dodgson, sinh viên và sau là giảng viên Christh Church gặp Alice Liddel, con gái thầy hiệu trưởng, chủ tế Giáo đường Christ Church năm 1862 và viết tặng cô bé câu chuyện thần tiên để tặng em vào Giáng Sinh năm 1864. Thầy giáo toán mơ mộng tình cảm về con gái của giáo sư ở Oxford đã để lại tác phẩm muôn thuở. Cuộc phiêu lưu vào thế giới của thần linh, quái vật và những trải nghiệm hiểm nguy, những cảnh đời nực cười của Alice là thứ tôi và bạn ai cũng phải trải qua. Nếu may mắn ta sẽ tỉnh giấc yên lành trong căn nhà của mình.

Tôn giáo hiểu theo nghĩa triết học là sự tự tín cao độ, cao nhất, bắt con người so mình với giá trị tuyệt đối. Tinh thần tôn giáo và niềm tin rằng hướng thiện, hướng tới Chúa Trời hoặc đấng tuyệt đối nào đó là con đường duy nhất con người (một loài động vật) mở mang đầu óc, phát triển kiến thức, trí tuệ tốt nhất. Tôn giáo Phương Tây sau thời Trung Cổ cuồng tín, đen tối đã chuyển sang chấp nhận Phục Hưng và kỷ nguyên Khai Sáng.

Người ta không thấy mâu thuẫn gì giữa tự do tư tưởng và niềm tin vào Chúa Trời – đấng siêu nhiên, trừu tượng. Không có tư duy trừu tượng thì không có toán học, nhạc cổ điển, vật lý nguyên tử và máy vi tính. Dám học theo vị Sáng Thế thì người ta mới tạo ra vật liệu mới, nếu không chỉ là thợ thủ công chăm chỉ gọt dũa nhưng gì có sẵn trong thiên nhiên.

Triết gia Anh John Stuart Mill từng coi tự do của cá thể có được là nhờ niềm hy vọng vào Chúa (a hope in God). Việt Nam theo truyền thống Nho giáo trên 900 năm nên vấn đề Chúa, Thượng Đế duy nhất của tín ngưỡng độc thần coi như bị bỏ qua. Phần này tôi và thầy Nigel có trao đổi với nhau, khi ông hỏi tôi về Công giáo La Mã du nhập vào xã hội truyền thống Đông Dương ra sao.

Khổng tử khuyên con người “kính nhi viễn chi” với thần linh, ma quỷ. Nho giáo bởi vậy tránh các câu hỏi siêu nhiên, trừu tượng mà đi vào lễ nghĩa để nâng con người lên khỏi động vật và xác định chỗ đứng khiêm trong trong trật tự mơ hồ Thiên – Địa – Nhân. Hoàng đế Đông Á nhận lãnh vai trò đôi (dual role), vừa lo phần thế tục của triều chính, vừa là đại diện của Trời.

Thay dân cúng trời đất ở đàn Nam Giao cầu cho mưa thuận gió hòa, vua Việt Nam làm vai trò 'điều phối viên' về môi trường, không phải giáo chủ của Anh giáo như Henry VIII hay người kế tục, Nữ hoàng Elizabeth II hiện nay.

Các buổi học về luật tự nhiên (natural rights) với thầy Nigel và các giáo sư khác nhắc lại hồi tôi học về triết và xã hội học trước khi sang Anh. Câu 'con người sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng' là của 'tự nhiên luận'. Nói thật ra thì làm gì có cái gì gọi là tự nhiên. Tất cả do con người đặt ra với nhau mà thôi. Nhưng ta trao cho nhau 'quyền tự nhiên được hưởng' để hợp thức hóa tính người, ai cũng như ai, từ lúc sinh ra, không phải giành quyền ưu tiên từ lúc chưa rời bụng mẹ. Đây là tiến bộ lớn về nhận thức xã hội, mở đường cho văn minh, tách xa quần thể thú vật, con nào nanh sắc hơn thì 'có quyền' chén con yếu hơn.

Tôi hỏi thầy Nigel về việc đạo thì được biết ông hoạt động bình thường như một giáo sĩ trong Christh Church Cathedral và có các việc khác trong Giáo hội Anh giáo. Tranh luận về triết học, tôi không thấy ông coi là có mâu thuẫn giữa tín điều (dogma) của tôn giáo và tự do tư tưởng. Tôi tìm đọc thêm về John Locke (1632-1704), triết gia cũng xuất thân từ Christ Church mà ra và nhận thấy tư tưởng của chủ nghĩa tự do (liberalism) ở Anh thời Khai sáng nói như vậy. Nhận thức luận của Locke đi tiên phong bác bỏ tín điều rằng “Chúa Trời tạo ra thần dân một cách tự nhiên để vua chúa quản trị” (God had made all people naturally subject to a monarch). Lập luận của ông là “Chúa Trời tạo ra mọi cá nhân tự do và bình đẳng với nhau, không phải sinh ra là đã có kẻ bị trị”.

Đây là câu tiến bộ hơn câu về luật tự nhiên và mang tính chính trị to lớn, chỉ đường cho dân chủ.

Làm gì với di sản thực dân, đế quốc?

Trở lại chuyện thầy Nigel bị phê phán vì ca ngợi mặt tốt của chủ nghĩa thực dân Anh, tôi thấy điều người ta quên đi là phần sau câu ông nói.

Ông coi 'Đế quốc Anh' là một trong nhiều 'công trình của loài người' (human enterprises). Mà đã là của con người thì không gì hoàn hảo. Bạn đừng hoài công ca ngợi một chiều chính những việc của mình, của đồng đạo, đồng chí mình. Tự phê quá thì u mê nhưng tự khen nhiều là thiếu hiểu biết.

Trong bộ phim tài liệu du hành 'Great Asian Railway Journeys' vừa chiếu ở Anh, nhà báo Michael Portillo đã đi thăm lại nhiều nước có di sản “thực dân, đế quốc” bằng hỏa xa Anh, Pháp, Hà Lan đã xây ở Đông Nam Á. Ở George Town, thành phố mang tên vua George của Anh, Malaysia người dân không đồng ý xóa bỏ tên thành phố đổi sang tiếng Mã Lai. Họ nói nhờ đầu tư của Anh ngày xưa mà bây giờ họ được hưởng các di sản: giáo dục, giao thông, hải cảng.

Tại Indonesia, Michael Portillo đi trên con tàu vách gỗ, kéo còi bằng dây bên ngoài Yojakarta xây thời thực dân Hà Lan.Cô hướng dẫn viên du lịch nhỏ nhắn, trùm khăn, nói câu tương tự: nhờ Hà Lan thì dân chúng tôi có đường xe lửa. Họ đã đi rồi thì sao phải phá, cứ giữ tàu hỏa lại để người Indonesia đi.

Phim có cả hai kỳ 60 phút với Michael Portillo đi từ TP HCM ra Hội An, rồi từ Huế tới Hạ Long bằng xe lửa. Phải nói đó cũng là một di sản quan trọng Pháp để lại ở Việt Nam, mà ông ca ngợi là hành trình tuyệt vời (spectacular) dài 1000km trên tàu Thống Nhất.

Đề cập đến một vấn đề gay góc là chủ nghĩa thực dân Pháp và vai trò của Giáo hội Công giáo thời đánh nhà Nguyễn, sự thật là hai nhân tố này đã song hành ở giai đoạn đầu. Người Pháp quyết định đánh Đại Nam vì hai ly do: bảo vệ Công giáo và xâm chiếm thuộc địa.

Cuộc xâm lăng 1858 của 14 chiến thuyền Pháp cộng thêm 1 thuyền với 450 lính Tây Ban Nha 'ăn theo' đánh vào Đà Nẵng dẫn tới cuộc chiến kéo dài, tới hết khởi nghĩa Yên Thế (1913) là gần 50 năm. Xung đột ý thức hệ Hán hóa của Đại Nam và Cộng hòa Pháp thiên vị Công giáo đã kéo quá dài, hết sức hoài phí cho Việt Nam vì người Việt mất nước và bị chậm lại nửa thế kỷ.

Thực ra đạo Công giáo đã không chiếm trọn Việt Nam như Philippines mà chỉ đóng vai trò ban đầu của công cuộc xâm lăng. Còn về sau, các chính phủ Cộng hòa Pháp như của thủ tướng, nhà cải cách giáo dục lớn Jules Ferry hoàn toàn loại Giáo hội ở Đông Dương ra khỏi nền giáo dục thuộc địa được xây dựng theo mô hình Pháp, thế tục, phổ thông, không phân biệt giai cấp, giới tính. Việc dạy cho trẻ Việt trong nhà dòng (trường bà sơ) bị kiểm soát. Sách giáo khoa Nha Học chính Đông Pháp soạn bằng Quốc ngữ lần đầu đưa các sự tích Hồng Bàng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Quang Trung vào từ lớp đồng ấu, cắ̃t bỏ tư duy Hán, Đường. Chủ nghĩa dân tộc Việt ra đời theo ý tưởng cộng hòa từ Pháp, các thần dân dần lớn dần, trưởng thành lần đầu từ hai nghìn năm thành công dân.

Một lần ra đảo Phú Quốc, tôi đến thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực. Bức tượng ông đứng cạnh một ao sen nhắc tôi về cái chết của vị lãnh binh anh hùng. Ông chạy trốn ra nơi cùng trời cuối đất này rồi bị người Pháp bắt, đem về đất liền xử tử. Nhiều thế hệ người Việt sau đó đã hy sinh đòi độc lập và bị thực dân giết khi rất trẻ: Nguyễn Thái Học năm 28 tuổi, Phó Đức Chính năm 23 tuổi, Nguyễn Văn Cừ năm 29 tuổi, Hà Huy Tập năm 35 tuổi...Một lần nữa ta thấy sứ mệnh khai hóa (mission civilisatrice) của Pháp có phần văn minh và phần đẫm máu, giống như người Anglo-Saxon theo Tin Lành đã làm ở Mỹ, người Anh ở Ấn Độ, châu Phi. Bỏ sang một bên vấn đề chủng tộc thì chủ nghĩa thực dân, quân phiệt nào cũng ghê rợn, chẳng hạn như chế độ chiếm đóng của Nhật ở Triều Tiên và Đông Bắc Trung Quốc. Đó đã là quá khứ nhưng cần nhớ, không quên.

Di sản chủ nghĩa thực dân Pháp với Việt Nam nay nhìn lại cho công bằng thì gồm hai mặt: tích cực về văn minh công nghệ, giáo dục, ngôn ngữ, nhưng tiêu cực về kinh tế và xã hội cho nông dân Bắc và Trung Bộ, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc cảm tính, lạc hậu. Tri thức Pháp đưa vào đô thị chưa kịp tạo ra tầng lớp trí thức đông đảo, có chiều sâu. Ví dụ niên khóa 1940-41 chỉ có 5000 học sinh tốt nghiệp cấp 2 trường thuộc địa trên tổng số 20 triệu dân ở ba miền Việt Nam, sinh viên đại học thì còn vô cùng ít, nên văn minh châu Âu cho đến 1945 vẫn là lớp sơn mỏng ở thành phố lớn. Vì thế, ngòi lửa cách mạng rất dễ bùng lên trong dân nghèo, nạn nhân của đối xử bất bình đẳng vì nạn phân biệt chủng tộc. Di sản đáng trách đó của chủ nghĩa thực dân và các hệ lụy nó đem tới cần được xem lại nghiêm túc.

Lật lại lịch sử là việc cần phải làm liên tục nhưng làm mà thiếu khiêm tốn, không thừa nhận bản tính dễ sai lầm của con người như thầy Nigel viết thì chúng ta có nguy cơ cào bằng, giật đổ kiểu Hồng Vệ binh. Cùng lúc, ai cũng phải ôn cố tri tân để không quên về chủ nghĩa thực dân cũ, sòng phẳng với nó, nhằm tránh bị rơi vào chế độ thực dân mới. Từ nay về sau, 'colonialism' không còn là khai thác tài nguyên thiên nhiên mà có cả khai thác trí não, hành vi con người qua các mạng trí tuệ nhân tạo tinh vi. Nhân phẩm và nhân tính của mọi cộng đồng đều có có nguy cơ bị hút vào và nhào nặn trong máy AI, nơi sự sinh tồn của mỗi người được quy định bằng một dòng các con số.

Tìm đường để chuẩn bị sang thế kỷ 22

Thế kỷ 20 không đối xử nhẹ nhàng với Việt Nam. Nước này trở thành từ đồng nghĩa với Vietnam War. Hôm nay ta đã bước vào Toàn cầu hóa và gọi là 'có chút của ăn của để', đời sống vật chất đã lên cao, nhưng di sản tinh thần của kéo dài của Chiến tranh Lạnh vẫn còn dai dẳng ngoài thực địa: biển đảo, biên giới và vấn đề giáo dục, thể chế.

Để đi tiếp cần bình tâm và công bằng đánh giá lại mọi di sản hơn 100 năm qua và xem cần gì, bỏ gì. Đó là di sản của chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa/Nho giáo; thời thực dân Pháp; Hoa Kỳ can thiệp vào Nam Việt Nam và CHND Trung Hoa ở miền Bắc; ảnh hưởng của Liên Xô cũ và khối Đông Âu với quốc gia thống nhất, sau cùng là trạng thái chuyển đổi không ngừng của những năm qua.

Mỗi thời kỳ đều để lại các trạng thái tâm lý, quan hệ chính trị, kinh tệ́ và cả sợi dây ràng buộc tinh thần khác nhau mà ý muốn của ai đó đòi cắt đi một đoạn 'vì không hợp nhãn' đều không ổn.

Ngược lại, trong thời đại của mạng xã hội ai ai cũng hùa theo đám đông để khen, chê cho sướng miệng, thỏa mãn uẩn ức bệnh lý mỗi người một kiểu, chúng ta càng phải có trách nhiệm đi chậm lại, xem hành trang tinh thần của cả xã hội còn gì.

Bài học tôi rút ra là các học giả Oxford đã tìm được phương thuốc để Anh lên ngôi cường quốc.

Sự hòa trộn hai di sản La Mã (đế quốc La Mã và Công giáo), Hy Lạp (logic, mỹ lệ) với đạo Tin Lành được vương triều hỗ trợ đã cải tạo hòn đảo bên rìa châu Âu thành nền văn minh lớn.

Việt Nam cần chọn ra từ các di sản bề bộn tự có và nhập ngoại để hun đúc lên cái gì đó riêng cho bản thân trong quỹ thời gian một thế kỷ nữa?

Ở Việt Nam ngày nay có tự do tôn giáo theo nghĩa ai cũng có quyền tìm hiểu, đi theo những gì bạn muốn. Thờ cúng dân gian nở rộ, đền chùa được tu tạo tưng bừng, nhà thờ xây mới, tôn tạo lại. Nhưng sự biểu đạt của niềm tin còn như dừng ở mức giành không gian cho đạo của mình hơn là nghĩ rộng cho tinh thần của toàn cục. Ở Anh ngày nay, Công giáo, Tin Lành và mọi đạo khác chung sống hòa bình và còn liên tục thảo luận về triết học, thần học, tư tưởng. Ở Việt Nam, một phong trào nghiên cứu chính thống về tôn giáo với tư cách là bộ môn triết học về con người và quyền lực giống Đại học Oxford thời xưa và Trung tâm McDonald Centre của Giáo sư Nigel Biggar, thì chưa thấy.

Nếu đồng ý là những gì đang hiện hữu, hiện hành đã quá tốt thì thôi, chẳng cần lo nghĩ.

Nếu đồng ý rằng sự yếu kém của xã hội đến từ tâm thế èo uột, thiếu ý chí, hoặc vay mượn ý chí, sống ảo, rằng 'role model' đại gia vênh vang, hoa hậu nhả nhớt được báo chí tung hô là chỉ dấu của sợ hãi nội tâm, hốt hoảng trước thế giới chuyện động nhanh, chúng ta sẽ vỡ ra hướng đi cao thượng.

Cần dám nhìn thẳng lên trời cao, dám nằm mơ như những ngọn tháp Oxford.

Ở Việt Nam là cảnh Kiều “một mình lặng ngắm bóng nga”, là câu tự vấn “Mình là gì trước vũ trụ?”

Nếu đồng ý rằng tự do tôn giáo thực chất là khái quát cao nhất của tự do tư tưởng thì ta đã sáng ra rất nhiều.

Ngày nay, di sản Đế quốc Anh to lớn như vậy mà còn bị lôi ra xem xét cho phù hợp với nhận thức của thế kỷ 21 thì không có gì là vĩnh cửu.

Tư duy xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã đạt được những điều khó phủ nhận, nhưng cũng đang bị thời gian thách thức. Châu Âu vẫn giữ tinh hoa lý tưởng xã hội (socialist ideals) nhưng đấy chứ nhưng đã bỏ đấu tranh giai cấp tàn khốc. Mặt khác, câu hỏi lớn không lời đáp của ngày hôm nay là Trung Quốc vươn lên nhanh và mạnh hơn bất cứ chuyên gia nào dự đoán. Quốc gia hùng mạnh đó sẽ đánh dấu 100 năm hệ thống chính trị hiện hành ra đời: 1949-2049. Sự kiện đó sẽ xảy ra, nhưng sau đó là gì?

Việc tìm ra một Con Đường cho Việt Nam không nhất thiết phải là đi theo Tin Lành, Công giáo hay một đạo nào cụ thể. Người ta hay nói đến Nội lực, khái niệm tinh thần, tự có trong ta, không thể cứ lên gân là được. Bao dung tư tưởng cho mọi hệ phái tư duy khác nhau cùng đua nở xem ra là điều kiện đầu tiên, prima facie, giúp có 'thành phẩm' đa dạng cho bữa tiệc tinh thần Việt Nam.

Hôm vừa rồi truyền hình Anh chiếu phim về công tác phục chế Giáo đường Winchester. Hiện phần nền móng đang được gia cố ở tòa giáo đường bằng đá 927 năm tuổi. Người thuyết minh cho biết năm 2037 họ sẽ bắt tay vào sửa mái và các ngọn tháp, và dự kiến thêm 100 năm nữa, tức là khoảng năm 2130-2135 sẽ hoàn tất toàn bộ.

Chỉ một công trình kiến trúc ở tỉnh mà người Anh lên lịch sửa sang dài hơi đến thế, “để cho hậu thế chiêm ngưỡng nhiều thế kỷ tiếp theo”. Tôi thấy thật đáng nể.

Nếu chưa làm được ngay bây giờ, không ai cấm chúng ta chuẩn bị cho các bước đi từ thế kỷ 21 bước sang thế kỷ 22 phải không các bạn?

Chúng ta cần nghĩ nhiều hơn.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả từ Kent-Luân Đôn (Anh Quốc) ngày 10.02.2021 .