Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








CÔ GÁI MẶC ÁO TƠI  






C ụ Nhiêu Thử sinh ra ba ông: Chấn, Lơi, Chịch. Ông nào cũng đông con nên họ Đỗ mãi không thoát khỏi cảnh cùng đinh ở làng Phú Mãn

Ba người con của ông Chấn là cái Ghẻ, cái Lở, thằng Vòi. Chả ai chịu gọi đúng tên khai sinh: NGHĨA, HIẾU, TRUNG mà ông đã muốn gửi gắm một chút mơ ước nhân văn trong đó. Thật sự ông cũng thích dân làng gọi con ông bằng những cái tên “xấu xí”cho dễ nuôi, mong chúng sớm được làm người. Còn như cái nghèo, cái cực thì muốn dứt ra  mấy đời nay cũng chưa xong. Trai họ Đỗ đều là những lực điền, râu quai nón, gái họ Đỗ da trắng, tóc dài, thắt đáy lưng ong, khó họ nào sánh kịp, nhưng hễ thấy làng vào đám, khao vọng, hội hè là gái trai họ Đỗ đều lánh mặt.         

Ngày hội làng 12-3 (Ngày hóa của Thành Hoàng) năm nay, làng Mãn có “Mới” ở Thái Bình đến xin việc. Cụ Đồ Trúc (họ Ngô) nhắc:     

-Sắp vào tế rồi ! sao chưa thấy thằng Mới nước non hầu hạ các Cụ?     

-Mới đâu!, Lý Trưởng quát:     

-Dạ…dạ , con đây!   

-Mày tên gì?    

-Dạ con là Trong ạ!

Khóa Mân (dòng Nguyễn Tất) bĩu môi:

-Trăm thằng mõ đều “đục”, chứ có thằng nào “trong”! Họ mày đâu?

-Dạ! con không có họ ạ!

-Người không họ như chó không nhà!

-Dạ con quên! Con họ NGUYỄN ạ!

-Bốp! Bốp! Tổng Yên (Chánh tổng) đập tay xuống tráp rồi chỉ mặt thằng Mới: Láo! Láo quá! Họ Tao danh gia vọng tộc làm sao lại có thằng mõ như mày?

-Dạ! Dạ! Con… con họ PHAN.!!! Chương Tình đứng phắt dậy: Họ Phan về đất làng Mãn bao đời đều đứng hàng “Giáp cựu” làm gì nẩy lòi ra đứa ngụ cư?

-Con họ ĐỖ thì phải!???      

Im lặng hồi lâu. Chỉ Chanh phẩy tay:      

 -Anh Chưởng bạ Cường ghi vào sổ: Đỗ Văn Trong cho nó.        

“Cái nghèo làm người ta thấp cổ bé họng”! Họ Đỗ chỉ dám hậm hực với nhau trong đám đất “nghịch”chen chúc những túp lều. Cả họ không một khấu ruộng. Tất cả chỉ cầy thuê, cấy mướn, mò cua bắt ốc kiếm ăn.       

Cô Ghẻ tuổi sắp cập kê vẫn còn đóng khố bao đay. Lúc nào người ta cũng chỉ thấy cô khoác chiếc áo tơi ra đồng. Hai cái giỏ lủng lẳng hai bên hông (cái đựng cua ốc, cái đựng cá tép) Ngày mùa còn có thêm cái giỏ thứ ba đựng những chẽ thóc mót. Hôm nào bắt được con ngóe, con ếch, con rắn thì treo lủng lẳng bên ngoài. Hè cũng như đông, trưa không về. Mấy củ lăn, mầm súng giúp cô ấm bụng. Chiều nào cô cũng về cái chuôm ở Mắt Voi, mặc cả áo tơi hụp lặn. Bọn choai choai độc miệng đứng trên bờ bảo cô đang gãi ghẻ. Cô không đối lời, chỉ lẳng lặng bơi lại phía cuối chuôm để tránh phải về qua cửa Đình.         

 “Lớp này anh phó cối tha hồ mà ăn “chai ”; “Anh Phó Cối mê hai cái giỏ lúc lắc  của cô ta rồi”;“Nó không có áo nên khoác áo tơi?”. Nghe những lời gièm pha ấy anh chỉ cười: “Tôi yêu con người lao động, lam lũ, biết cách tự kiếm miếng ăn!”. Anh âm thầm chuẩn bị cho ngày cưới. Nhờ bác Soan qua Hà Đông mua lụa, đến làng Lưu mua vải sồi, mang về làng nhờ ông Phó Xước cắt may.         

Lần đầu tiên trong đời được thay áo tơi bằng cái áo lụa màu mỡ gà, cái váy thâm vải sồi, yếm đào nhuộm bằng đất son lấy từ Đống Mốc. Chẳng xà-tích không bao tượng nhưng khi đám cưới qua giếng Đình, bóng cô dâu lung linh. Cả làng đều khen vợ anh Phó Cối chẳng khác gì Cô Tấm!         

Hằng ngày, chồng gánh lồng đi đóng cối, vợ dậy sớm khoác áo tơi đeo giỏ ra đồng. Có thức ăn tươi. Có tiền đong gạo!              

  Chiều chiều, mẹ chồng ngồi bậu cửa nhai trầu ngóng con trai, nàng dâu gọi đàn gà về ăn để chúng lên chuồng. Ai nhìn thấy cũng mừng cho cái gia đình êm ấm.           

 Phát xít Nhật bắt nhổ lúa trồng đay. Cái đói đã hiện ra trước mắt. Có thóc đâu mà đóng cối xay! Mẹ con bàn nhau đi buôn nhựa thông từ Đông Triều về xe hương bán. Cô hàng hương xe hương thoăn thoắt cả ngày, vẫn không quên tranh thủ buổi trưa khoác áo tơi ra đồng. Mùa hè nhặt con cua sợ nóng leo lên gốc rạ. Mùa đông kiếm con cá chúi xuống vũng bùn tránh giá.        

Sáng nay, bố chồng nhờ con dâu xay hộ thùng thóc nếp, chuẩn bị cho húy nhật cụ Phó Thỏa (3/9 Âm lịch). Cắp thúng thóc từ nhà thờ, lững thững vừa đi vừa nghĩ ngợi: “Ba năm, hai đốt đầu lòng chê cha mẹ nghèo đã đành…. Hơn hai năm rồi mà sao chưa có gì đổi khác? Hay là …mình…? Hay là…Trời Phật…!           

Chiếc áo tơi cứ phủ lên cái cối xay ở đầu nhà… mãi! Chán! Chẳng muốn mó mẩn việc gì!...” Đang lan man thì giật mình thấy tiếng bác Soan:    

-Thím Na ơi! Sáng nay thím hộ anh một lúc có được không?    

-Em đang bận xay cho ông thùng thóc!     

-Để đấy anh làm cho! Tiền đây, Thím đi chợ Xuôi mua cho anh 3 hào mận nhá!     

-Sao anh mua nhiều thế? Lại làm quà đem lên Đình Bảng hả? Dạo này anh hay đi lắm đấy!

 - Không đi nhiều bằng chú ấy đâu! Giúp anh đi! Chợ xa! Mặt trời gác ngọn tre rồi!  

Từ nhà xuống chợ Xuôi có 9 cây số. Mọi khi chỉ loắng một cái đã đến nơi. Hôm nay chân cứng đơ, hai bên háng mỏi rã, mãi chưa đến chợ? Chợ trưa! May quá, hàng mận vẫn ê hề. Ba hào tương đương hai thùng thóc. Mận ngon cũng được trên lưng rổ ngâm mạ. Cắp không được. Nhờ người nâng lên đội cho dễ đi. “Anh Soan là người hào phóng, quan hệ rộng. Được học nhiều có khác. Cũng cảnh hiếm muộn như em mà chả thấy phiền muộn gì. Nay đi Từ Sơn Đình Bảng, mai lại Hà Nội Hà Đông. Người ta bảo anh ở hội kín? Có người nói anh đi để đất , xem tử vi…”. Vừa đi vừa nhón mận ăn…Nắng xiên khoai mới về tới nhà.    

Rổ mận nhẹ bẫng. Giật mình, hạ xuống. Chỉ còn mươi quả!!!      

-Anh ơi! Em gửi lại tiền!Chợ trưa hết mận rồi! Em chỉ mua mấy quả. Anh ăn thử nếu được thì phiên sau em lại đi mua!      

-Anh thử Thím thôi! Trên Đình Bảng thiếu gì mận Hậu từ Lạng Sơn chuyển về. Thím không phải trả lại tiền! Tối nay chú ấy về anh sẽ báo tin mừng này. Thế là nhà mình đại phúc! Thóc anh xay giã, giần sàng rồi.       

Thúng gạo nếp trắng tinh đặt trên miệng cối xay. Cái áo tơi được treo cẩn thận vào con sỏ trên kèo trái nhà.           

  Em dâu chuyển dạ. Em trai chưa về. Bác Soan phải đi tìm bà đỡ giữa đêm khuya. May mà mẹ tròn con vuông. Thằng bé đẻ cuối giờ Dần nhưng lỗi mùa sinh. Bác lấy lá số rồi vẫn đặt tên cho cháu là Nguyễn Anh Tuấn. Nó khóc dã đề suốt ba tháng.Cả nhà thay nhau vác trên vai. Giữa lúc đói kém chết người! Củ súng, củ lăn, củ chuối không còn mà mói. Vay gạo nhau bẳng vỏ hộp diêm. Người chết đói đầy đường. Người mẹ trẻ  hết nhìn cái cối xay nằm chềnh ềnh ngoài đầu hè cả năm chưa cất tiếng ù …ù…rồi nhìn cái áo tơi treo trên trái nhà cứ để cho gió đánh lắc lư …Lại nhìn đứa con lớn lên bằng những dòng nước mắt. *

    
 

                 ÔNG PHÓ CỐI  

 

G ánh đôi lồng cối từ năm 13 tuổi. Cái chày đập đất chuyên dụng bằng gỗ nghiến đè trên vai đến hết cuộc đời. Đến nỗi người đời quên tên ông là Nguyễn Văn Na mà chỉ kêu ông là “ÔNG PHÓ CỐI”.           

Cả tổng Ba Đông (Nay là xã Phan Sào Nam, Phù Cừ, Hưng Yên) đều tìm tới ông. Ông không bao giờ phải rao tìm việc. Việc tìm đến ông. Người người quý trọng ông bởi tính ông thẳng thắn, thật thà.                   

Cối xay ông làm luôn đẹp, bền, giá thành phải chăng. Bà con mến ông còn ở cái nết bình dân, giản dị. Không uống rượu, không hút thuốc. chỉ uống nước vối hay chè tươi. Cơm thợ cho ông là cơm gia đình thường ngày – quả cà, rau dưa cũng xong. Gia chủ nào có thêm mấy con tép, hay vài miếng đậu phụ thì ông ở lại ăn. Bầy vẽ thịt gà, ngan vịt là ông lấy cớ bận việc không ăn. Gia chủ quý hóa gói thức ăn không bao giờ ông cầm. Nếu trả thêm bữa ăn bằng bát gạo thì ông nhận. Trong nhà cũng như dân làng, ai nói hai lời là ông ghét. Người nào lười nhác dong chơi ông không có ưa. Trẻ con nhõng nhẽo, vòi vĩnh ông càng không thích. Đang làm thấy trẻ con quấy, nghịch ngợm  ông đều “dọa” nhốt vào lồng. Khi trẻ khóc nhè nhiều người lấy “Ông Phó cối” ra để dọa. Nghe nhắc tên ông, bọn trẻ lập tức im bặt.   

Ông thật thà đến mức khó tin: Vào chiều  thu năm 1962:     

Cân xong con lợn 178 kg cho kho thực phẩm Đoàn Đào. Nhận tiền về qua cổng kho rồi, ông bảo vợ: “Quên mất cái thừng, tôi quay lại lấy để ngày mai có cái đi hạ nhãn”. Cả cửa hàng còn đang xúm xít khen con lợn vừa to vừa béo. Ông chạy vào cởi chiếc thừng buộc chân con lợn nói:     

-Đấy các bác xem: Sề thiến béo hơn cả lợn cấn!”

-Lợn của ông là sề thiến à?

-Vâng! Nhà tôi chăm lắm nên mới được thế đấy!

-Lợn cấn có giá 2.700 đ. Cái sề chỉ có  giá 1.800 đ/kg

-Thế thì thiệt hại nhà nước nhiều quá! Tính lại hóa đơn đi! Tôi gửi trả tiền !   

-Sao ông thật thà thế?     

-Tôi không để cho nhà nước phải thiệt!    

Quan niệm của ông rất đơn giản lại rất gần với thực tế. Chuyện xẩy ra vào mùa hè 1967 khi cả nhà đang cưa răm.

-Em muốn thi vào Sư phạm! Anh viết hộ em lá đơn!

-Anh đang cưa răm với bố, để tí nữa!

-Con để bố làm, anh giáo hộ em đi!          

Xem xong lá đơn, cô em tá hỏa:

-Anh viết sai rồi! Em là Nguyễn Tuyết Minh cơ mà!

-Cứ bình tĩnh để anh sửa .

-Không sửa ! Anh phải viết lại!

-Tên đêm thì quan trọng gì? Bố thấy chỉ đệm chữ VĂN ông Phạm Văn Đồng làm Thủ Tướng! Cô Trần Thị Tuyết đệm chữ THỊ ngày nào cũng ngâm thơ trên đài. Anh Tuấn với cả Tuyết Minh, các con đã làm nên cơm cháo gì chưa?  

    Lúc nào ông cũng động chân động tay, không việc này thì việc khác. Ông thường nhắc các con “ Không làm là đói, không học là khổ”, “Làm, học khổ - không chết. Đói - chết”! *