CÂU LẠC BỘ THƠ
LÀNG MỚI LÊN PHƯỜNG
1. Đúng là lá rụng về cội. Khi bước vào tuổi chòm chèm thất thập đại tá về hưu Nguyễn Văn Huy, tức nhà thơ Huy Hoàng quyết về làng cho dù bà vợ- người cùng làng một mực can ngăn với nhiều lý do nghe ra rất hợp lý. Như hai vợ chồng đã ra thành phố gần 40 năm, nên không quen sống ở làng suốt ngày im ắng, trưa đến chỉ có tiếng gà mái nhẩy ổ. Tối xuống nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm. Chốc chốc tiếng chó sủa, gió thổi. Nhà ở phố lại gần các hiệu ăn, thèm thứ gì cũng có. Thêm nữa lại sẵn bệnh viện các loại, nói dại, vào tuổi này nhỡ có ốm đau đêm hôm, phôn cái, bác sĩ đã ngồi ngay đầu giường. Chứ ở làng, bệnh viện xa hàng chục cây số, có khi đến nơi đã không còn cứu nổi....
Đưa đủ lý do, ông chồng vẫn không chuyển bà vợ làm mình làm mẩy, tuyên bố dõng dạc”cháu tôi ở đâu, tôi ở đấy”. Chưa xong, để quyết ngăn chặn chồng về làng, đại tá phu nhân còn tung ngón đòn cuối cùng đánh vào lòng mê say của đức ông chồng từ khi về hưu. Bà bảo” ở phố xá còn có câu lạc bộ thơ ca cho ông ca dao, hò vè, chứ về làng tuy đã lên phường nhưng làm gì có món đó để ông vui vẻ”. Nghe vợ nói lý do này, đại tá suy nghĩ mất hơn một ngày để trưa hôm sau ngài Huy Hoàng vẫn nhất quyết về làng hoàn chỉnh, nâng cấp căn nhà của bố mẹ ông để lại trên mảnh đất rộng gần nửa sào.
Nhập trạch rồi, nội thất hòm hòm đại tá liên tục về quê, để rồi phát hiện từ ngày lên phường, làng Chiện cũng có hẳn một tổ văn thơ chả kém gì phường nào. Chỉ có điều....Đại tá Huy Hoàng lắc đầu, chợt nẩy một dự định quan trọng...
Hôm đó khi biết tin tổ văn thơ của Phường Chiện họp sơ kết nửa năm hoạt động. Đại tá Huy Hoàng về quê ngủ từ đêm hôm trước. Sáng hôm sau ông dậy thật sớm. Ăn sáng xong, ông nghiêm chỉnh trong bộ quân phục cấp tá được bà vợ là phẳng phiu, đeo đủ quân hiệu, quân hàm, cả bộ huân, huy chương, huy hiệu ông có trong cuộc đời binh nghiệp. Khi ông oai vệ bước ra cổng thì gặp ngày bà cả Ất hàng xóm đi hái rau muống ruộng 5% về cho con dâu mang ra chợ bán sớm. Nhìn thấy ông đứng ngây, cặp mắt kèm nhèm căng hết cỡ để nhìn cho rõ, rồi xuýt xoa:
- Vải may quần áo bộ đội có khác. Chứ vải thường đeo từng ấy thứ trên ngực khéo bục mất.
Đại tá Huy Hoàng cong môi gật đầu:
- Đúng rồi, vải quân phục sĩ quan khác vải may quần áo cho chiến sĩ bà ạ.
- Ra thế .
Bà cả Ất xuýt xoa thán phục nhìn ông hàng xóm nện gót giầy trên mặt cống ngõ.
Ra đến đình, đại tá Huy Hoàng kéo vạt áo, trịnh trọng bước vào nhà tả mạc. Ông ưỡn ngực ra vì thấy tiếng xuýt xoa. Giọng đàn ông nghiện thuốc lào khàn rè cất lên:
- Kìa ông Bòi Hoe. Ông Bòi ở phố mà cũng về dự sơ kết tổ văn thơ làng ta ...
Đại tá Huy Hoàng không nhìn người đàn ông thấp lùn, mặc sơ mi ròng rọc cho vào trong quần lũn chũn đứng lên đon đả. Liền lúc đó ông to ngang, đầu rậm rì tóc bạc ngồi ở hàng ghế đầu đứng dậy, giơ tay bắt tay đại tá, trịnh trọng giới thiệu:
- Kìa ông Ba Tý ...Xin trân trọng giới thiệu với toàn thể thi hữu trong tổ văn thơ Hương Lá gai đây là đại tá Huy Hoàng, cũng là một nhà thơ người làng đã có đơn xin được ra cùng sinh hoạt với chúng ta...
Có tiếng lộn xộn, lao xao:
- Huy Hoàng...Tay Bòi Hoe...Đại tá kia à...Nom oách nhỉ ...Thế thì tổ này tha hồ...Vinh dự nhỉ..Người Chiện mình đấy.
Đại tá Huy Hoàng bắt tay ông to ngang, rồi vươn cổ nói ngay:
- Theo tôi làng mình giờ đã là Phường nên không thể gọi là tổ nghe như tổ đổi công, tổ công đoàn ngày trước mà theo như ngoài phố ta phải gọi là câu lạc bộ văn thơ Hương...Hương .
Ông to ngang nhổm mông nhắc:
- Hương Lá gai.
- Còn như ông Mẫu, ngoài phố gọi là ông chủ nhiệm Câu lạc bộ. Các vị nên biết. Chữ câu lạc bộ không phải tiếng ta đâu mà là tiếng nước ngoài. Phiên âm là cờ lúp bờ, tức là câu lạc bộ đấy...
Tiếng trầm trồ thán phục lại rộ lên:
- Đại tá có khác. Cái gì cũng biết. Thạo cả tiếng tây
Ông Ba Tý nhìn đại tá nhoẻn cười:
- Giờ ông đổi là Huy Hoàng à ?
- Vâng, đúng thế. Đại tá, nhà thơ Huy Hoàng. Xin đọc một bài thơ tôi vừa sáng tác để các vị cùng thưởng thức.
Sau hai tiếng dặng hắng, giọng nhà thơ Huy Hoàng vang lên oang oang:
“Hương Lá gai, Hương Lá gai
Phường Chiện ta thực xứng vai muôn phường
Dạt dào sông Cái tình thương
Bâng khuâng những buổi hội trường có em....”
Tiếng vỗ tay, tiếng xuýt xoa khen hay ầm ỹ chồi lên lộn xộn.
2. Tiết mục thứ ba của buổi sơ kết hôm ấy là hát múa chèo. Năm bà to béo, khi nghe giới thiệu tiết mục của mình đều hăm hở, nhưng khi lên trình diễn thì mặt bốn vị khó đăm đăm như phát hiện mùi cơm khê con dâu vụng nấu. Mỗi lần năm vị lắc theo làn điệu xẩm xoan thì năm bộ ngực như mười nửa quả dưa hấu loại to và năm cặp mông lồng bàn dùng đậy cỗ họ rung lên núng nính. Bà ở giữa, chừng thon thả nhất giữ được bộ mặt tươi mưởi. Đôi mi giả cong, cứng của bà chốc chốc lại hướng về nhà thơ đại tá chớp chớp. Bàn tay còn loang phấn hồng lúc trang điểm cầm vạt áo dài đỏ thêu kim tuyến tung lên. Vành khăn Nam Phương Hoàng hậu vàng khè nhấp nhô. Liếc thấy nhà thơ Huy Hoàng gật gù, chủ nhiệm Mẫu không dấu sự sung sướng hỏi khẽ:
- Ông thấy khả năng của tổ, quên của câu lạc bộ Hương Lá gai làng à phường ta thế nào ?
Đại tá hích nhẹ bộ ngực nặng trĩu huy chương gật gù :
- Cũng không kém ngoài phố mấy.
Khen xong ông Huy Hoàng hạ giọng :
- Thế cô ở giữa... người làng mình à ?.
- Ông không nhận ra sao ?. Phải thôi, ông đi ngần nấy năm mà lại. Ngày xưa gọi là cái Tý con nhà Thống Còi đấy. Nó lấy một tay miền nam tập kết. Chồng chết ba, bốn năm nay. Giờ lên bà ngoại rồi. Cuối năm nay cưới nốt cho thằng con trai thì đủ chức bà nội.
- Hình như cô này kém mình năm, sáu tuổi thì phải. Hồi bé hay vặt khế chua nhà bà cả Đào ...Cô ta biết làm thơ chứ ?
Chủ tịch Mẫu quay sang:
- Bợm lắm. Làm được câu nào là chuyển sang chèo luôn. Hát lên véo von nghe như đài.
- Giỏi nhỉ .
- Chuyện.
- Hồi trẻ, cô này có thời yêu thằng Cháo nhà Chè đúng không ?
Chủ tịch Mẫu gật gù:
- Ông nhớ dai thật. Thằng cha ấy sau lấy người thiên hạ, đẻ một đống con. Còn đất như ông, nhưng chắc không có khả năng nên vẫn để cái nhà cũ chả biết xụp lúc nào.
Hai ông đang thì thào thì bất ngờ đằng sau, tiếng đàn bà chua lói cất lên:
- Hai nhà thơ nói xấu gì em đấy ?
Đại tá nhà thơ ngoảnh lại, bắt gặp ngay cặp mắt có cặp mi giả đang đu đưa nhướn lên. Đôi môi đỏ choét chúm lại. Chưa có tiếng trả lời thì giọng cô Tý lại vổng lên:
- Em biết rồi nhé . Không dấu được em đâu.
Chủ tịch Mẩu mỉm cười:
- Đang khen cô Tý thơ hay, hát ngọt đấy .
- Anh này. Anh phải gọi bút danh Cẩm Nhung chứ. Ai lại réo cái tên quê mùa của em ra thế. Mà, mà anh Huy Hoàng không mời bọn em đến mừng nhà mới à ?
Đại tá Huy Hoàng rạng hai đầu gối, ngửng lên, giọng ngân nga như ngâm thơ :
- Xin mời. Chiều nay nhà thơ Cẩm Nhung đến nhé.
Hôm ấy là ngày giữa tuần, vợ Bòi Hoe cho kẹo cũng không thể theo chồng về quê. Đơn giản vì đám cháu đi học, bố mẹ chúng đi làm, mọi việc ở nhà tinh quân bà cáng đáng.
Thành ra, buổi chiều hôm đó, đâu như khoảng ba giờ Huy Hoàng phải một mình tiếp khách.
Tiếng là “bọn em” song chỉ có mình cô Tý đến chơi. Chiếc áo bà ba màu lam hiện rõ thớ lườn, bụng nom như cái giò buộc lạt quá chặt cùng chiếc quần lụa mầu mỡ gà phấp phới. Ngón tay nần nẫn ấn vào núm chuông. Nghe tiếng chuông, Bòi Hoe từ ban công gác hai nhìn xuống. Nhà thơ đại tá nở nụ cười nhẹ. Giọng trầm bổng:
- Chờ tý, chờ tý.
Chủ nhà vội mở tủ bếp lôi ra hộp bánh Nanisa, ba chai nước dứa, hai chiếc cốc đặt lên bàn. Cô Tý vừa đặt chân lên bậc thềm đã tấm tắc:
- Nhà anh đẹp nhất làng.
- Cô quá khen.
- Em định rủ mấy thi hữu đến. Tiếc, chị Mùa Thu đi thăm thông gia ốm, cô Bình Minh con dâu thứ hai mới đẻ. Ra được hội nghị hôm nay là cố lắm. Trót hẹn với nhà thơ nên em...
- Tên các bà ở làng giờ cũng hay như ngoài phố ấy nhỉ.
- Bút danh làm thơ mà lỵ. Bây giờ chúng em gọi nhau như thế chứ cứ Tý, Chắt, Mười nghe quê chết...Mà này..
- Sao ...cô là ...
- Em là Cẩm Nhung. Hôm nọ tờ thông tin quận in thơ em lại đăng là Cẩm Nhưng, em ghét quá không thèm lên lấy nữa.
- Bút danh của cô rất hay. Cẩm Nhung định nói gì nhỉ ?.
Một tràng cười khanh khách tóe lên:
- Người em thế này mà anh lại cho ăn bánh ngọt, uống nước dứa thì... Anh có cà phê G7 không ?
- Có chứ.... Em uống được cà phê à ?
Chuỗi cười nhí nhảnh phọt ra:
- Phải học mãi đấy. Giờ thì nghiện rồi. Tối nào làm thơ em cũng chơi một gói. Tối qua, em uống hẳn hai, mới viết xong bài thơ .
Đôi môi hơi dầy của cô Tý vênh lên nũng nịu:
- Em định ngâm sáng nay nhưng bài thơ buồn quá. Làm xong, đọc lại mà em khóc đấy, vì thế ...
Bòi Hoe đang cầm thìa ngoáy cà phê quay lại :
- Ở ngoài phố làm được thơ buồn phải người tài lắm .
- Em chả biết thế nào...cơ mà ...nghĩ thế nào viết thế ấy. Anh nghe nhé.
Bòi hoe đặt cốc cà phê xuống bàn:
- Uống cho thêm hứng rồi nhà thơ đọc đi.
Nhà thơ Cẩm Nhung đưa cốc cà phê điệu đàng chạm vào môi. Đít cốc cà phê chưa bén mặt bàn thì giọng đọc thơ giống như điệu xử rầu cất lên.
- Em buồn sao bỗng nhiên buồn Mưa tuôn rồi lại mưa tuôn bốn bề Lòng em sao thấy nặng nề Bao giờ em được trở về tuổi xanh Bao giờ em gặp lại anh bao giờ ta lại hợp thành lứa đôi...
Đang đọc Cẩm Nhung đưa hai tay lên ôm mặt. Đôi vai ụ lên run rẩy. Đại tá luống cuống rút tờ giấy ăn, nghĩ thế nào ông thọc tay vào túi quần rút khăn tay chìa về phía khách. Cẩm Nhung đột nhiên nắm lấy tay chủ nhà, mặt cô Tý ngước lên nhìn, lắp bắp:
- Anh thông cảm cho em. Bài thơ buồn quá, nên em..em không nén được.
Nhà thơ chủ nhà ngồi xuống bên nhà thơ khách, nhẹ nhàng an ủi:
- Thơ ngoài phố cũng phải thế...phải thế, phải...
Đến tiếng “phải thế” thứ ba thì đầu nhà thơ nữ hạ xuống bờ vai vững chắc của nhà thơ nam.
Tay Cháo con nhà Chè cuối cùng cũng về làng. Y về đúng dịp Câu lạc bộ văn thơ “Hương Lá gai” phường Chiện tổng kết cuối năm. Người thì bảo do sự tình cờ mà trúng, kẻ thạo tin thì cho rằng đó là cả sự tính toán của Cháo, một tay có tiếng sát cá một thời của Chiện. Đến mịt mù tăm cá mà Cháo ta còn biết câu chỗ nào, giờ nào, mồi gì mới trúng được thì việc trên đời sờ sờ ra thế huống hồ...
Cũng là người đi ăn cơm thiên hạ như Bòi Hoe, nhưng so với đại tá thì Cháo ta không thể bằng. Duyên do, vợ chồng Cháo đông con quá. Thời thóc cao gạo kém, lương phụ xe buýt tuyến Chiện- Hàng Vôi ba cọc ba đồng thì đủ cơm nhét vào bẩy tàu há mồm thật vất vả.
Có điều, trời không đóng cửa ai. Đàn con bỏ đầy bỏ liều phương trưởng dần. Hai đứa con gái, trộm vía cứ đằng thằng thì khó lấy chồng bởi sự cao lớn quá khổ, chân tay ngều ngào. Ai dè, hai đứa vừa loe hoe đủ tuổi đăng kí thì một đứa lấy chồng Pháp, một đứa được tay người Úc già mốc rước.
Tiền con rể, con gái gửi về, gia đình Cháo đổi đời hẳn. Trước thèm lắm Cháo chỉ dám uống một cốc bia, nay bia chai Hà Nội cho lành bét ra cũng năm chai một lần rẽ vào cửa hàng.
Ngồi nói chuyện với dân hàng phố, giọng Cháo oang oang. “Ở Pa di có quận 13 bẩn chả kém gì Hà Nội, thua xa bên Sít Nêi. Bên ấy nhiều chuột túi thế. Con nào cũng to gấp rưỡi con cáo”.
Vợ chồng nở mày bở mặt được ba cái tết, thì vợ Cháo bị đột tử vì bệnh tim. Nửa năm cô đơn, lại có đồng ra đồng vào nên Cháo ta cũng lá rụng về cội.
Về làng, Cháo mới hay cô Tý ngày trước mặn mà với Cháo, chì vì hai bà mẹ tranh nhau mớ lá mía mà không thành. Giờ Tý lại góa chồng. Cháo này lại góa vợ. Hôm ngồi uống bia với tay Viên ve từng là bạn hôi cá hồi nhỏ ở Đào Viên quán nhìn thấy Tý đi chợ mà rạo rực. Người cô ấy giờ đẫy đà hơn hồi trẻ, nhưng nước da ấy, cái mũi và cặp môi ấy...
Dốc chai bia vào miệng ừng ực, Cháo nghĩ đến câu “tình cũ không rũ cũng đến”mà lâng lâng. Ai dè sự lâng lâng của Cháo bị cắt ngang, khi y nghe Viên ve nói như trêu tức rằng cô Tý ấy giờ thành nhà thơ. Thơ cô hay lắm. Cậu không biết làm thơ thì cô ấy không thèm bắt chuyện đâu. Đấy là chưa kể nhà thơ Cẩm Nhung tức Tý ấy lại trở thành bạn thân của nhà thơ Huy Hoàng từ phố về .
- Huy Hoàng là tay nào ?
Cháo làm vẻ thản nhiên hỏi. Viên ve hấp hay đôi mắt, đưa chai bia lên miệng tu một hơi rồi ề à nói:
- Cậu có nhớ tay Bòi hoe nhà Tư lác.
- Lạ gì. Cái thằng có lần bị tớ vụt khăng trúng cẳng chân đúng không?
Viên ve gật đầu cái rụp:
- Đúng. Mà này. Ả Tý một mình… nhưng cậu có khoái…cũng khó lắm đấy.
- Sao lại khó ?
Viên ve vểnh mặt lên:
- Cậu biết làm thơ không ?
- Khó chó gì. Học vài buổi làm được tất. Ngoài phố tớ ở có tay Nhâm thọt mới học hết lớp năm mà còn làm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ .
- Vậy thì, coi xong món này. Cậu nên nhớ tay Bòi Hoe vừa biết làm thơ, lại là đại tá. Lương hưu tay ấy vô địch làng ta.
- Tiền chả ngại lắm.Tháng nào con gái tớ chả gửi, ăn tiêu nhòe.
- Sao không về sửa lại cái nhà đi ?
- Cứ từ từ.
Viễn ve mở thêm chai bia, ngửa cổ tu rồi ngiêng đầu về phía Cháo hạ giọng:
- Nhà từ từ cũng được, nhưng cậu phải nhanh chóng biết làm thơ, vào câu lạc bộ. Trước tiên phải mở túi ra tài trợ cho cuộc tổng kết sắp tới của Hương Lá Gai. Hai ba hộp bia đối với cậu là muỗi. Tay Mẩu chủ nhiệm khoái Sài gòn lùn lắm đấy.
5.Câu lạc bộ Hương Lá gai tổ chức tổng kết ở nhà tả mạc đình Chiện. Trên hàng đại biểu có ông chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Quận, một ông già đã ngoại 80, trên đầu còn khoảng năm sợi tóc vắt ngang vầng trán có cái bớt hình con ngài.
Các nhà phê bình và tướng số bảo vì có con ngài đó nên ông này làm thơ tình tứ tuyệt cực hay. Khối cô chưa đầy 30 mê thơ mà say tác giả khiến hai ông con và đàn cháu nội của cụ phải can thiệp.
Ngồi kề ông tứ tuyệt là cô phó giám đốc nhà văn hóa Quận suýt mất chức vì cãi nhau hàng tôm hàng cá với bà bún chả hôm đi ăn trưa. Liền đó là tay Cháo đang ngồi ngửa mặt hãnh diện nhìn các chai bia lùn xếp trên các bàn thành cụm năm chai một. Nhìn chùm bia tài trợ một chặp y ta hơi bĩu mồm nhìn Bòi hoe có vẻ nặng nề vì chùm huân, huy chương đeo trên ngực và quân hàm đeo ở cầu vai.
Một lát sau, Cháo hơi nhíu lại làm duyên khi y đưa mắt đến chỗ Tý chờ gặp ánh mắt của người yêu cũ, nhưng lập tức Cháo thấy sôi lên khi thấy bà ngoại thằng Tép đang hướng về Bòi hoe nhấm nháy. Cháo vừa bặm môi thì ngay lập tức lại dãn ngay ra vì nghe chủ tịch Mẩu oang oang giới thiệu :
- Tý nữa sẽ tiến hành thủ tục kết nạp hội viên mới của Câu lạc bộ ta. Trước hết tôi xin trân trọng giới thiệu nhà thơ Văn Cháo, người Chiện trước tham gia văn thơ ngoài phố nay về sinh hoạt cùng các thi hữu phường Chiện ta. Nhà thơ Văn Cháo cũng là người tài trợ hoa quả và nhất là bia Sài gòn lùn hôm nay
Tiếng xì xào bàn tán, tiếng cười, tiếng vỗ tay lao xao như mưa rào đập vào mẹt một lúc thì chủ nhiệm Mẩu lại giơ tay lên:
- Theo yêu cầu của nhà thơ Văn Cháo, ông xin được đọc bài thơ vừa sáng tác để ra mắt câu lạc bộ chúng ta. Xin mời Văn Cháo .
Cháo ta cố nở đôi môi dầy thâm nhợt, gật đầu, đứng lên.Y rút tờ giấy gập làm tư trong túi quần, mở hộp lấy kính rồi cất giọng đọc luôn:
- Hôm nay về với làng ta
- Giờ là phường rồi.
Cháo gỡ kính nhìn về phía tiếng nói vừa phát ra, y bặm môi khi nhận ra Bòi hoe đang vuốt tay lên bộ huân, huy chương đứng lên.
- Vâng vâng. Ông Bòi hoe đã nhắc.
Tiếng cười lại rộ lên, khiến chủ nhiệm Mẩu phải đứng lên giơ tay :
- Xin mọi người trật tự để nhà thơ Văn Cháo trình bầy nốt bài thơ. Tiện thể mời thi hữu mở bia uống cho vui .
Chủ tịch Mẩu vừa lấy cái mở bia cầm chai bia lên vừa nói:
- Ông Cháo chơi tiếp đi.
Giọng Cháo lại vang lên giữa những tiếng mở chai :
- Hôm nay về với phường ta Lòng vui khấp khởi hơn quà mẹ cho Còn gì sung sướng tự do Dưới cờ mở hội ấm no suốt đời. Hết đấy ạ
Sau tiếng hết đấy ạ thì có nhà thơ Huy Hoàng đứng dậy:
-Tôi xin có ý kiến thế này.
Chủ tịch Mẩu cầm cốc bia nhìn người phát biểu, ông đưa cốc bia chạm vào cốc của ông thơ tình tứ tuyệt:
- Thế bác phát biểu sau nhé.
Thấy nhà thơ hơn tám chục gật đầu, chủ nhiệm Mẩu nỏi tiếp:
- Vâng xin mời đại tá nhà thơ Huy Hoàng lên bục phát biểu cho đàng hoàng.
Bòi Hoe- Huy Hoàng vươn thẳng ngực hùng dũng bước lên. Thật bất ngờ khi đi ngang qua hàng ghế đại biểu...Không hiểu sao tự nhiên như vấp phải cái gì, ông loạng choạng, rồi ngã lao về phía trước. Đầu nhà thơ đập mạnh vào bục phát biểu. Cái mi cô đen xì bật trúng trán Bòi hoe. Cả hội trường đứng dậy nhốn nháo. Nhà thơ Cẩm Nhung lạch xạch chạy lên, lo lắng cúi xuống đỡ tay nhà thơ đại tá đang giơ ra, giọng mềm nhũn:
- Kìa, trán anh chảy máu kìa. Trời ơi. Khổ quá mất thôi.
Nhà thơ Văn Cháo mím môi nhìn người tình cũ đang xuýt xoa bèn quát to:
- Cô dẹp ra. Tôi có ê gâu đây...
- E gâu cầm máu hả .Thế thì tốt quá.
Chủ nhiệm Mẩu rối rít, lo lắng, lắp bắp nói trong khi đại tá đưa khăn tay lên bịt chỗ máu chẩy, miệng rít lên:
- Tôi không cần, không cần.Việc này phải điều tra rõ ràng...Không thể, không thể...
Nghe nói sau sự cố hôm đó nhà thơ Bòi hoe-đại tá Huy Hoàng xin ra khỏi câu lạc bộ văn thơ Hương Lá gai. Hình như ông cũng giã từ thơ
luôn thì phải