Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








TẾT, ĐỢI CHỜ CON






Ô ng Hoàng cứ đi ra lại vào, chẳng tập trung được việc nào cho ra hồn. Pha ấm trà sáng, thì quên cho trà, xúc rửa cẩn thận ấm, rồi tráng chén, đến khi nhấc ấm ủ trong giành tích, rót ra, thì không nước; buổi sáng thắp nén nhang cho vợ, tìm bật lửa khắp nơi khắp chốn, chả thấy đâu, hóa ra nó đang trên tay ông. Ông sốt ruột ngóng thằng con trai về ăn Tết, điện thoại nó hẹn, hai tám sẽ về. “Bố nó chứ” ông cười, nghĩ bụng, gần ba mươi tuổi, mà nhõng nhẹo, nũng nịu như thằng Cún ngày nào. Vắng mẹ mà. 

Ngày ấy nó đã lớn tướng, gần chục tuổi rồi, vẫn một tay sờ ti, một tay sờ tai bố, ngủ rồi, miệng vẫn còn chóp chép. Xem lịch nhẩm đếm, ba ngày nữa tới cúng ông Táo chầu giời, vậy là ông sốt ruột, ra ngóng vào trông. Sáng vừa mở mắt, vội ra xé tờ lịch, lẩm nhẩm tính đếm: còn 11 ngày, 10 ngày,… Và hôm nay, hai mươi tháng Chạp, còn tròn 8 ngày nữa, con trai vàng bạc của ông - như thuở vợ ông còn sống, thường âu yếm gọi thằng con vậy. Nó sẽ về thăm bố nó.

Ông Hoàng nghỉ hưu được dăm năm. Đúng ngày đúng giờ là nghỉ, không nằn nèo, không tiếc rẻ, cũng chả leo lẻo đòi phấn đấu, cống hiến tiếp. Lấy đâu ra người phấn đấu, chỉ dạng đục khoét, xà xẻo là sẵn. Hai kỳ mười năm cương vị cấp vụ, ông được đánh giá là để lại khá nhiều dấu ấn cho đơn vị, hoàn thành ối việc Bộ giao.

Từ khi về quê, ông hay ví von, mình ở ẩn, sống thú điền viên, gọi là lão giả an chi. Trong vườn ông yêu quý, chăm bẵm nhất mấy khóm nhài. Sớm tinh sương đã ra vườn thưởng thức hương nhài thoang thoảng, ngắt vào dăm bông, úp chén, ướp lấy hương nhài. Sáng nơi quê thanh bình, nhấm nháp thưởng thức ngụm trà thoảng hương nhai. Thật là thú tao nhã của người Tràng An. Ông đâu độc ẩm, sẽ ới gọi dăm ba bạn già sang thưởng thức, đàm đạo chuyện thời cuộc: trong làng, lắm khi rộng ra tận thế giới.

Nghỉ hưu ông mới có thời gian mở sử sách ra đọc. Trước đây công tác, làm gì có thời gian. Đọc nhiều, nên ông ngẫm ra lắm thứ, như ông vua Lê Dụ Tông chẳng hạn. Vị này được truyền ngôi năm Ất Dậu – 1705 - với niên hiệu Bảo Thái. Ở ngôi, mà Vua luôn bị nhà Chúa ép, tới mức phải nhường ngôi. Vì uất ức thượng hoàng băng hà ở tuổi 51. Chết nào đã yên. Tháng 2 năm 1958, kẻ nông phu kia ở làng Bái Trạch, tỉnh Thanh Hóa, phát hiện ra mả của ngài, năm 1964, thì người ta khai quật ngài lên. Quan quách bằng gỗ ngọc am. Xác của ngài được rước về bảo quản trong gian kho tầng trệt Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ ngài ngự nơi ấy, để rồi năm 2010, lại lần nữa được về với cát bụi. Đến bậc đế vương còn thế, huống hồ là mình - ông ngẫm vậy.

Làng ông xưa mấy cụ làm quan, có cụ làm mãi tận trong Kinh thành Huế, khi hưu quan, về lại quê nhà, xứ Đông Ngàn, sống cảnh điền viên. Cụ tiên chỉ làng này chẳng hạn, thi Hương năm Canh Tý - 1900 tại trường Hà, đậu cử nhân. Tổng, xã gọi là cụ Xứ Doãn, hay cụ cử Doãn, bởi cụ từng đỗ đầu xứ. Được bổ chân tri huyện vùng Hưng Yên, nơi phủ nghèo “oai oái như phủ Khoái xin tương”. Làm quan mươi năm, cụ từ quan, về làng dạy chữ, bốc thuốc và làm chân tiên chỉ ngót nghét ba chục năm. Khổ nỗi, con người đức cao vọng trọng ấy, hồi Cải cách ruộng đất cuối năm năm lăm, bị đem ra đấu tố, chết khổ chết sở. Nay ở đình làng và khối gia đình, còn giữ nhiều bức đại tự, hoành phi, câu đối là chữ của cụ. Ngay nhà ông, đôi câu đối cũng là chữ xin của cụ. Nét chữ phóng khoáng, nhìn là thấy một người lòng đầy tâm sáng. Chính thân phụ của ông từng là trò, theo học chữ thầy. Tết vừa rồi, ông đến dự giỗ cụ. Trai trưởng của cụ nay ngấp nghến tuổi cửu tuần, nhìn học trò, con cháu của trò nhiều thế hệ đầu tóc bạc rung rinh, đến tưởng nhớ vong linh cha mình, cụ cảm động quá!

Làm quan phải có đạo quan, thanh liêm chính trực. Đường quan lộ của ông khá hanh thông, gần bốn mươi là chân Trưởng phòng, bước vào tuổi năm mươi lên quan cấp vụ. Ông lên quan, đâu nào tranh giành, thủ đoạn, cướp giật của ai. Vì chuyên môn và tính khí ngay thẳng, ông được bổ đấy. Ở đơn vị mình, ông nghĩ về cô nàng kia. Để lên chân cấp phòng, nàng ta đem trôn ra trao đổi, khuyến mãi, khuyến mại khắp lượt. Đồng nghiệp thì thầm và đặt cho nàng ta cái tên: em điếu cày của vụ, của Bộ. Khi hay tin ông sắp lên quan, sắp là thủ trưởng, nàng ta sấn đến lân la. Ông từng ngầm so sánh, đức hạnh nàng ta còn kém cô ca ve sống, hành nghề ở ngõ nhà ông. Cô ca ve sòng phẳng, cứ thuận mua vừa bán. Một bữa chính ông chứng kiến, bà vợ nhà kia đến đánh ghen, cô nàng oang oang trước ngõ, chỏ tay vào mặt bà vợ nhà kia:

- Này này! Lão chồng mụ tự nguyện mua bán đấy. Gái này đếch gì phải dụ. Mà lão ấy còn quỵt của gái đây cả triệu. Mụ có trả, thì bảo, hay để chồng mụ là dạng làng chơi quỵt? Nhục! Thế mà cũng đòi là cán bộ! Cán bộ đểu!

Nói rồi thị ta vỗ đành đạch, quay mông, lộn vào nhà, trơ khấc lại mụ vợ có tay chồng chơi gái quỵt. Bà vợ kia dơ dáng quá, đành cun cút đánh nước lủi. Ở làng ông có gia đình kia nữa. Khi cậu con trai làm quan, gia đình, từ cha chí mẹ đều vênh vang, ỷ và khoe con giàu. Xưa ông bố dân thợ cày, bám đít trâu; bà mẹ mặt sấp xuống ruộng, chổng mông lên trời, cấy lúa. Vậy mà nay rất ta đây. Chỉ khi cậu con vào tù, tội danh tham nhũng, nhà ấy mới im thin thít. Nay tòa biệt thự to vật, then cài cửa đóng, kể cả làng hội hè, đình đám, chả dám vác mặt ra.

           
♣ ♣ ♣

 

Nghỉ hưu là ông về quê luôn. Ở lại Hà Nội cũng đâu có được. Gian nhà phân phối, diện tích vỏn vẹn hai chục mét vuông, xây từ thuở những năm đầu thập niên chín mươi, của thế kỷ trước. Về quê, với cuốn sổ tiết kiệm gần trăm triệu, tích cóp được sau cả đời làm việc cho nhà nước, ông đem sửa sang ngôi nhà trên mảnh đất hơn sào, của hương hỏa do cha ông để lại. Ngày mới về quê, dân làng đồn thổi, ông giàu có lắm, chắc có tiền tỷ, chả gì cũng là ông vụ, ông cục: “Lão ta giấu diếm thôi.” Một năm, hai năm,... vẫn thấy nhà ông đơn sơ, họ mới hay rằng, ông cũng thuộc diện nghèo. Khi đã rõ ông nghèo, có kẻ trong làng lại mỉa mai, mỉa mai ngay giữa bữa cỗ giỗ, chỉ cách chỗ ông ngồi dự cỗ, đôi ba mâm:

- Lão hâm!

Hay là ông hâm thật? Làm quan với chức tước vậy, thời phong kiến là cụ phủ, cụ huyện, hang ngũ, lục phẩm. Thời buổi nay, mươi ông quan, thì tới bảy, tám ông giàu có quật, chí ít cũng đôi ba căn hộ, tiền tỷ găm, gửi ngân hàng. Ấy còn là diện quan sạch sẽ, liêm chính. Từng đọc báo, thấy ông quan kia, vì vợ chồng gấp gáp cho chuyến du lịch, quên béng cất gói vàng bà quan mới mua về, vứt tọt vào gầm giường. Con chó tưởng là gì, tha lôi ra vườn, gặm chơi.

Hồi tại chức, có nhân viên trong vụ từng đùa sếp, ví ông là vị quan sạch sẽ, còn sót lại, độ vài ba mươi ông. Nhiều lúc ông lẩn mẩn nghĩ ngợi và chép miệng, ấy cũng là tùy họ nghĩ, đánh giá, xã hội vẫn còn đầy người như ông, đâu họ phải kẻ hâm, hay chập mạch. Nếu vì phép giời, luật nước, nay trở lại làm quan, ông vẫn thế, sống thế, thứ quan thanh sạch, không để ai khinh, có tức bực, ganh ghét, thì cũng để trong bụng, hay phán vụng sau lưng ông – rằng ông là kẻ hâm. Đục khoét của dân, của nước, bóp nặn lính, nã ra tiền, thì ngày ngày giỏi xơi nuốt nổi dăm ba lạng thịt nạc, chả ai mỗi lúc uống lấy cả vốc thuốc tiểu đường, hạ huyết áp,... Ông giờ ngày hai bận sáng tối làm viên thuốc hạ huyết áp, lắm khi còn quên quên nhớ nhớ.

       
♣ ♣ ♣

                   

Nhớ và ngóng con, ông lại lây sang nhớ thương vợ. Hồi vợ chồng chưa được phân gian nhà tạm ở khu tập thể, vợ chồng sống ở quê, bên kia con sông Đuống, sớm chiều tất tả đạp chiếc xe lóc cóc qua đò Đông Trù. Vợ ông từng có bài thơ tả con đò, bến nước ấy:

 

Đò chiều chở giấc mơ trưa
Đò nay chở giấc mơ xưa dập dình
Một người mang một khối tình
Xuống đò đò đắm một mình chơi vơi

Nay có dịp đi qua lại con đường Thanh niên (Cổ Ngư), ông bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm yêu xưa, nó cũng là lần sang trọng nhất, ông dẫn người yêu tới quán bánh tôm hồ Tây. Năm ấy vợ chồng dân biên chế Nhà nước túng đói; thằng Cún mới ba tuổi. Chiều muộn đó đi làm về, ông lúi húi bổ củi, nhóm bếp và nhặt mớ rau muống già đanh - vợ tranh thủ tạt vào mua ở một cửa hàng rau dưa mậu dịch ven đường; vợ thì tong tả chen ra hứng nước vòi nước tập thể, giặt chậu quần áo ngâm suông, bởi hết tiệt xà phòng, lại cả tuần mất nước, chậu quần áo om đến hôi rình.

Lúc ông bê dọn mâm cơm, vô tình vấp phải đám đồ chơi do cu Cún bày ra, mâm cơm đổ tiệt. Đĩa rau luộc và bát nước rau chả bốc, vét được, vợ chồng đành đánh bát cơm nhạt. Riêng đĩa trứng tráng - dành cho cu Cún - nhìn vợ hót vét từ nền nhà lên, nhất là lúc cu Cún nhăn mặt, nhổ phì phì, trứng lẫn cát sạn, ông thấy thương vợ con quá! Tối ấy lại mất điện. Sau khi buông giắt màn, cỗ màn chỗ thì vá chằng đụp, chỗ túm buộc dúm dó, vợ soi đèn dầu đánh bắt muỗi, con ngủ rồi, vợ chồng trằn trọc, chợt nghe vợ thì thào. Ngày đó nhà tập thể, gian này áp nhà kia, ngăn cách bằng tấm cót, bên này nói, bên kia nghe rõ:

- Mình ơi! Thôi, em phải đi thôi. Sống thế này, khổ quá - y như con vật ấy! Chúng mình cắn răng chịu được, chứ con, ngẫm em xót lắm!

Quàng tay ôm vợ, thơm những cái thơm dài lên người đàn bà đầu gối tay ấp, anh chồng nuốt những giọt nước mắt mặn chát của vợ, của mình tràn chảy. Vợ chồng đành tạm chia ly. Người đàn bà là vợ ông sẽ đi lao động xuất khẩu sang Đức. Vợ chồng, đành là vợ chồng Ngâu.

Sang đến đó, thư vợ gửi về cho hay, lao động ngay tại Thủ đô Đông Đức, thành phố Bec - lin. Khổ thân vợ quá! Con gái Phố cổ, biết gì cây lúa, củ khoai, nay sang nước người, lao động trồng rau, vào mùa vụ khuân vác, thu hoạch. Đọc thư, lòng ông thương vợ quá, lại cả tủi hận nữa. Cứ ngẫm, làm cái phận thằng đàn ông, thằng chồng, sao hèn hạ thế, đẩy và để vợ phải tha hương, kiếm tiền nuôi con trốn xứ người. 

"Anh và con nhớ thương! Cứ nghĩ đến bữa cu Cún ăn đĩa trứng sạn, em lại ứa nước mắt. Thôi thì bên này, em cố gắng! Công việc vất vả đấy. Em mới xoay thêm được việc, tôi tối ngồi cắt may. Đám đàn ông khỏe mạnh, làm thêm nhiều nghề, nhứ "lắc chảo",… còn cánh phụ nữ chân yếu tay mềm, đành cắt may, ra chợ bán dạo… Nghe nói, mấy chợ quê quanh vùng Béc - lin, bán chác được. Chị em rủ nhau túm tụm đi dăm ba người, có gì còn giúp đỡ nhau. Bọn đầu trọc bên này, hay gây sự với dân Việt ta. Chúng gọi mình là dân đầu đen. Có lẽ dịp Nô - en, em sẽ theo chị em đến mấy chợ quê, bán quần áo. À, tháng này em dành dụm, mua được cái xe đạp rồi. Cứ tích cóp, dồn đóng hàng, mươi tháng gửi về công hàng… Rồi chúng mình sẽ bớt khổ, sẽ giàu, anh à!..." – thư vợ ông gửi cho chồng đó.

Sau này có dịp sang Bec-lin, ông lần mò đến vùng có nông trang kia, đến mấy chợ ngoại ô, đứng ngâm mình trong tuyết rơi, tưởng tượng và xót xa nghĩ thương cho người vợ mảnh mai, yếu đuối, dân Phố cổ, từng một thuở có ý định vất vưởng, cực nhọc bán chác, trao đổi, mua bán ở cái chợ ngoại ô này. Và rồi, ước mơ lang thang bán hàng chợ quê của vợ, về những công ten nơ hàng gửi cho chồng con hết khổ - cái ước mơ giản dị, thanh sạch ấy, nào vợ ông có thực hiện nổi đâu. Nàng đã vội vàng về nước Chúa. Sớm tối đi làm, khuya khuya thực đạp máy may, làm ra những chiếc quần bò rao chợ và chắc lại trằn trọc nhớ thương con, nàng đã lơ đãng lúc qua đường, bị xe tải cán chết.

Nhớ và thương nhất cảnh cu Cún, mới bốn tuổi, đầu quấn vành khăn trắng, hớn hở cùng mọi người ra sân bay Nội Bài “đón mẹ”. Thấy bà, bố và mấy dì mắt mũi đỏ hoe, nó hỏi, sao khóc. Ở sân bay, lúc nhận lọ tro cốt, mọi người bảo, mẹ anh cu đấy, thằng Cún giãy lên, nói không phải mẹ của nó và bắt đền, trả mẹ y nguyên của nó. Nhìn thằng cu lăn lộn, gào gọi, ông đã không cầm nổi lòng, cứ ghì chặt lấy thằng bé, nước mắt rơi lã chã. “Con ơi, mẹ con bao lần hứa và dỗ, cho cu lên Bờ hồ ăn kem, mà đã đưa được thằng cu đi lần nào đâu!” Ông ân hận quá. Sao một kẻ làm chồng, lại nỡ đẩy vợ đến cảnh phải kiếm sống nơi xứ người, để đến nỗi vợ thất hứa, không đưa nổi thằng con một lần lên Bờ hồ ăn kem. 

♣ ♣ ♣

                               

Hai tám Tết theo lịch con giai hẹn, ông thức đợi đến tận giữa đêm, rồi bước qua ngày hai chín, con ông vẫn chưa về. Lúc đó ông Hoàng thoáng hờn trách, sao chưa về con ơi. Nhớ ngày xưa, bố gà trống nuôi con, anh cu nhèo nhẽo như cái đuôi, đến đón con ở cổng trường muộn một tẹo là mắt mũi đỏ hoe, hờn dỗi, đứng nín lặng, hỏi gì cũng chả chịu trả lời. Lắm khi con còn hờn dỗi cả với mẹ, dù mẹ đã ở trên trời cao. Lần ấy con ốm sốt, mê sảng, hét gọi mẹ, cứ đòi mẹ phải về và khóc ngằn ngặt, bắt đền mẹ. 

Nay bước sang ngày hai chín Tết rồi, anh cu của bố vẫn chưa về? Trưa, chiều hai chín Tết, ông ngong ngóng. Mâm cơm đợi con lạnh tanh ngắt, hâm lên luộc xuống đôi lần, con trai ông vẫn chưa về, nó còn chẳng chịu gọi điện thoại. Trách con, rồi ông đâm lo, hay thằng cu có việc gì? Lập cập ra ban thờ, thắp nén nhang, ông lầm rầm khấn vái, ông nhờ vợ phù hộ cho đứa con trai của chúng mình.

Tận mười giờ, đã hết hi vọng, con không về rồi, ông thở dài thất vọng, đậy lồng bàn mâm cơm, bất ngờ nghe tiếng gọi ríu rít:

- Bố, bố!

Ông thảng thốt, nó đã về! Đúng là tiếng gọi của anh cu Cún, nũng nịu. Ông Hoàng cập rập, líu ríu bước ra sân. Anh cu ào vào, lao nhanh lại phía bố. “Bố nó chứ, vẫn như ngày xưa, cứ ôm ấp, ghì gập bố.” Nó ôm, ghì bố, lại còn đùa đùa hà hít, ngửi ngửi, y như con cún và còn quàng tay sờ sờ nắn nắn ti bố, y như ngày bé dại, nhớ ti mẹ quá, sờ sờ nắn nắn ti bố. Thoáng ông phân vân, vì không chỉ có anh cu, mà theo sau, còn có cô gái và một người đàn ông, trước cổng chiếc ô tô sang trọng đỗ đó. Thằng Cún sau khi hà hít bố xong, quay về phía cô gái, âu yếm khoác tay lên vai và nhăn nhở cười cười với bố. Cô gái người thanh mảnh bao nhiêu, thì cu cậu cồng kềnh, cao to bấy nhiều, hơn cô gái cả cái đầu:

- Bố! Đây là dâu thảo của bố đấy!

Cô gái thẹn thùng, nép mình vào con trai ông. Nhìn cảnh ấy ông Hoàng thoáng chành chạnh lòng, con trai giờ đâu còn là của riêng ông nữa. Rồi ông chợt nghĩ, thôi, nó có nơi có chốn, có bờ bến đỗ đậu rồi. Chờ bố con gặp gỡ, chào hỏi nhau xong xuôi, người đàn ông lạ xin phép ông Hoàng cho bày chút lễ mọn lên bàn thờ, thắp nén nhang rồi anh ta ngồi xuống bàn nước. Trong câu chuyện, anh ta hết lời cảm ơn con trai ông và cảm tạ những bậc sinh thành ra anh bác sỹ Cún. Hóa ra anh Cún lỡ hẹn với bố, bởi có ca bệnh trọng. Hội chẩn, rồi mổ xẻ vất vả mấy ngày, bệnh nhân tưởng chừng mười phần chết, có một phần sống, con ông đã cứu giúp người ta qua đận ấy. Mang ơn cứu mạng em gái mình, cậu anh trai sống ở Hà Nội, biết chàng bác sỹ hủy chuyến bay về thăm cha, nên kỳ cạch ngược xuôi lo được suất vé, anh ta còn tự lái xe lên sân bay đón rước con trai ông về quê. Trong lúc nói chuyện, thi thoảng ông Hoàng ngầm quan sát dâu con, như anh Cún giới thiệu. Nó bước đi vẻ rụt rè, cẩn trọng. Mà ơ kìa, bụng sao như lùm lùm ấy. Biết bố ngầm quan sát, tranh thủ lúc chỉ có hai người, con trai cười cười với bố:

- Nhà con được gần năm tháng rồi. Siêu âm, cháu trai bố ạ. Cháu “đít nhôm” của ông đấy! Ông Hoàng thoáng cười: "Bố nhà anh chứ. Chỉ được cái hư là giỏi. Y như cái tính của bố mày ấy. Xưa bố mẹ mày cũng ăn cơm trước kẻng. Ngày cưới giấu như mèo giấu cứt. Nhìn hai đứa âu yếm gắp múc cho nhau, ông Hoàng thấy lòng ấm áp. "Ra Giêng ông sẽ có mâm lễ trình tổ tông: họ nhà mình có thêm suất đinh và với cả bà ấy nữa, chúng mình có cháu nội rồi đó./.

(Hà Nội, viết lúc 8h 45, sáng mồng 4 tết Bính Thân - 11/2/2016)