MÙA XUÂN ĐỐT LÁ
N hững cọng cỏ khô, những xác lá khô bên đường đã được gom lại thành từng đống dài theo mấy con đường trong thành phố. Đêm cuối chạp, tiếng chổi của chị công nhân vệ sinh vẫn xoàn xoạt, xoàn xoạt đều đặn, cần mẫn. Từng cụm, từng cụm rác nhỏ đùn lên được gom lại thành một đống lớn ở góc đường, cuối cùng một mồi lửa thảy vào, lửa cháy bùng lên.. Nhắm mắt lại, hình ảnh ngọn lửa đỏ rực, nhảy múa trong những đêm giáp Tết ngày xưa vẫn còn sáng bừng trong trí nhớ. Tiếng chổi quét đường, tiếng lá khô, cỏ khô nổ lách tách trong ánh lửa vẫn còn âm hưởng đâu đây. Đặc biệt là cái mùi thơm phực vào mũi của cỏ, của lá đốt lên trong đêm ấy, cái hương vị lạ lùng, thơm thơm, nồng nồng, khen khét lấp đầy không gian ngày Tết ấy làm sao có thể quên!
Đến giờ tôi vẫn không hiểu, lá khô, xác cỏ hầu như ngày nào cũng có trên mọi nẻo đường, vậy mà sao những ngày thường, những phu quét đường cũng chỉ hốt vào xe rác mang đi theo các bọc rác sinh hoạt từ các khu dân cư thôi, chí có sát Tết, sát đêm giao thừa công nhân vệ sinh mới gom đống rồi đốt như vậy. Nhà tôi ở gần chợ, mỗi năm trên con đường nhỏ ra chợ Tết đêm, hình ảnh chị công nhân gom rác, đốt rác đã thành quen thuộc. Có hôm nào đó đi bên người yêu, con bé còn được chị khen một câu sướng rân cả người “Mái tóc dài đẹp quá!”. Có lẽ vì vậy mà mùi hương thơm nồng của những đống lá đốt bên đường kia đã trở thành nỗi nhớ man mác miên man mỗi lúc xuấn về, Tết đến.
Hình ảnh này lại gợi nhớ đến hình ảnh kia. Những mùa Tết xưa, tôi thường theo bà ngoại về quê mấy ngày giáp Tết vui vầy cùng gia đình ông cậu, người giữ mảnh đất hương hỏa của nhà. Cậu có thằng con trai bằng tuổi tôi, lại gởi ra nhà tôi ở thành phố đi học nên hai đứa chơi rất thân. Năm nào hai đứa cũng ngồi canh nồi bánh tét bên bờ sông. Mấy gốc củi lớn đặt dưới cái bếp lò bằng ba cục gạch cháy bừng bừng rồi từ từ dịu xuống, ánh lửa tỏa ra từ đám than hồng rực, ấm áp. Nồi bánh bắc lên từ lúc chạng vạng sẽ được vớt lên vừa kịp lúc giao thừa để đặt lên bàn thờ cúng ông bà. Còn nhớ bọn tôi cũng hay gom lá khô quanh đó đốt lên đống lửa nhỏ để un muỗi. Bởi tuy có gió đêm, bầy muỗi từ khu vườn nhà cũng túa ra tấp nập, đốt khoanh nhang muỗi để dưới chân cũng không ăn thua.
Hai chị em cứ ngồi đó, nghe gió thổi xào xạc trên mấy ngọn dừa ven sông, nghe tiếng nước róc rách vỗ vào bờ rạch, lâu lâu có tiếng kêu lẻ loi của một con chim gì đó vút qua đầu xé tan sự yên tĩnh của đêm thôn dã. Mùi oi nồng của củi cháy, mùi hăng hắc thơm thơm của cỏ khô, lá khô đốt lên hòa với mùi ngây ngấy của sình bùn, của sông nước như quyện vào nhau thấm vào trí nhớ đọng lại mãi tới giờ. Đôi lúc nhìn vô trong xóm lại thấy đóm lửa lập lòe từ bó đuốc lá dừa của ai đó đi chơi đêm hay đến nhà hàng xóm ngồi coi TV đón giao thừa… Ôi mùa Tết ở vùng quê trong kí ức tôi sao mà ngọt thơm hương vị, lâng lâng êm ả là vậy!
Bây giờ ngoại tôi, cậu mợ tôi đã mất, mấy đứa em trong quê cũng không có ai gói bánh tét cúng giao thừa. Mà cả xóm cũng có ai còn nấu bánh đâu, bánh có thể mua, có thể đặt làm mọi nơi mà. Thằng em thân thiết của tôi giờ cũng đang ở xứ người, không biết mỗi khi xuân về Tết đến thắp cây nhang lên bàn thờ trong nhà nó có nhớ những mùa Tết xưa cùng ngồi bên ánh lửa thơm nồng, cùng canh nồi bánh tét cúng giao thừa không?
Riêng tôi, mỗi đêm cuối năm tôi lại lang thang trên phố, đi qua các con đường quen thuộc, tìm hoài một đống cỏ rác bên đường, tìm hoài cái mùi thơm thơm, nồng nồng của lá, của cỏ khô đốt lên trong cái đêm giao thoa của năm cũ năm mới ấy để nhặt nhạnh một chút kỷ niệm đẹp đẽ một thời. Nhưng giống như xuân thì đã cạn, mái tóc xưa óng mượt đã gội rửa nước thời gian, cái mùi cỏ cháy đêm xuân ấy đã mãi nằm sâu trong kí ức…Lại nhớ câu nói của chị công nhân gom xác lá khô ven đường năm xưa khi cô gái trẻ ngất ngây hạnh phúc nép sát vào người yêu trong một tối giao thừa “Mái tóc dài đẹp quá”! mà lòng rưng rưng.
Mùa xuân, hương cỏ cháy đã xa xôi, mù khuất như một thuở xuân thì không trở lại. Đêm giao thừa này tôi sẽ thức cùng thành phố, lắng nghe cái thời khắc giao thoa của đất trời vào xuân và tự đốt lá trong tim mình. Biết đâu cái mùi hương thơm nồng, ngây ngây ấy sẽ một lần nữa bay qua, bay qua…