Truyện của NEDRA TYRE
S uốt đời tôi, tôi luôn luôn mong ước có được một mái ấm để tránh nắng, che mưa. Tôi không mơ một cái gì to lớn, vĩ đại, mà chỉ mơ về một căn phòng nhỏ, bốn bức vách mới, thơm nức mùi vôi mới quét, một vài món đồ dùng nho nhỏ xinh xinh, và một khung cửa sổ, vừa đủ ánh dương để một vài bình hoa be bé giữ được nét tươi tốt. Vâng, ước mơ của tôi chỉ nhỏ bé như vậy thôi. Tôi không mong ước được phủ phê tình yêu, tiền bạc, áo quần, mặc dù tôi là một cô gái khá xinh đẹp, và quần áo đẹp có thể làm tôi xinh đẹp hơn - tôi nói rất thành thật, không hề mảy may khoe khoang.
Nỗi bất hạnh đổ xuống đầu tôi ngay từ khi tôi mới mười lăm tuổi. Đó là thời điểm mẹ tôi lâm trọng bịnh, và mọi việc trong nhà như săn sóc cho ba tôi và hai ông anh trai - cố nhiên là cả việc nuôi bệnh nhân là mẹ tôi nữa - đều nằm gọn trong trách nhiệm của tôi. Một thời gian ngắn sau đó, ba tôi buộc phải bán trang trại và chúng tôi dọn về thành phố ở. Tôi không muốn nhớ lại căn nhà ổ chuột của chúng tôi ở gần đường xe lửa, dù rằng lúc đó tôi vẫn cho là mình còn may mắn có chốn che nắng đụt mưa; cuộc sống vào lúc đó cực kỳ khó khăn và không thiếu gì người không có nổi một mái nhà dột nát, mỗi khi mưa thì chẳng có đủ chậu, bát hay thau để mà hứng nước.
Mẹ tôi là người đau liệt giường, nhưng ba tôi lại là người " đi xa" trước - cuộc sống ở thành thị không thích hợp với ông. Vào lúc ba tôi mất, hai anh tôi đã lập gia đình, mẹ tôi và tôi dọn đến ở một căn phòng nhỏ trông ra một con hẻm mà ai nấy đều vác rác rưởi tới đổ. Các anh tôi thỉnh thoảng đảo về nhà và cho mẹ tôi và tôi vừa đủ để sống đỡ, mặc dầu các chị dâu của tôi cằn nhằn họ.
Tôi làm hết sức để mẹ tôi có thể cảm thấy thoải mái. Tôi chiều tất cả mọi tính khó của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng. Hơn nữa tôi có lý do để mong mẹ tồn tại càng lâu càng tốt. Tôi biết là ngày nào mẹ còn thở, ngày ấy tôi còn một mái ấm, dù nó tồi tàn mấy đi nữa! Tôi lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy đến với tôi ngày mẹ không còn nữa. Tôi không có bằng cấp cao, không có một xu kinh nghiệm làm việc ngoài đời, và tôi biết chắc các chị dâu của tôi sẽ không cho tôi tới ở nhà họ, đồng thời cũng sẽ không cho các anh tôi giúp đỡ tôi sau ngày mẹ mất.
Rồi ngày đó cũng tới, mẹ tôi từ giã cõi đời, với một nụ cười trên môi, cảm ơn tôi đã chăm sóc cho người cho tới phút chót.
Ngay tức khắc các chị dâu của tôi, Norine và Thelma, ra tay ngay và tôi bị đẩy ra ngoài đường ngay từ phút đó. Từ đó cái ám ảnh đêm nay biết mình về đâu, chiếm lĩnh tâm hồn tôi và chẳng bao giờ rời tôi nữa.
Tôi được xả hơi đôi chút khi ông Williams, một người đàn ông góa vợ, già hơn tôi hai mươi bốn tuổi xin nhận tôi làm vợ. Tôi tự nguyện sẽ là người vợ tốt, và tôi đã thực sự chăm sóc, yêu thương ông. Nhưng, căn nhà mà chúng tôi sống chung, ôi nó bẩn thỉu biết bao, và nước non thì chảy nhỏ giọt. Tôi phải đá vào ống nước đến sứt cả chân, mới có được chút nước mà dùng.
Rồi ông Williams lại cũng ngã bịnh và phải nghỉ không tiếp tục trông nom được cái tiệm sửa giày nhỏ bé của ông. Ông có được chút ít tiền dành dụm, vài tờ công khố phiếu và một chút tiền bảo hiểm thương tật, nhưng tất cả đều hết nhẵn trong khoảng sáu tháng trời sau.
Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể để ông được tiếp tục vui sống. Tôi giặt giũ và luôn luôn giữ cho áo quần ông sạch sẽ thơm tho, và luôn luôn thu xếp cho cạnh chỗ ông nằm có một bình hoa nhỏ. Tôi còn thúc dục hai cô con gái của ông gửi thiếp thăm hỏi sức khỏe ông và họ cũng có gửi được một hai lần. Tôi còn viết thơ gửi ngay cho ông, giả làm các khách hàng cũ vẫn nhớ tới ông và chúc ông mau lành bệnh.
Và đương nhiên là khi ông mất, hai đứa con gái của ông có mặt ngay tại chỗ để chia nhau chút đỉnh tiền do bán căn hộ tồi tàn của ông. Tôi cũng chẳng giận họ - tôi không ưa cãi cọ phân bua vì những tính xấu của con người.
Tôi ghét nhớ lại những nỗi khổ cực tôi đã phải chịu sau ngày ông Williams mất. Điều đau khổ nhất là tìm một nơi chốn để trú chân, bởi vì dù sao đi nữa người ta vẫn có thể tìm quanh quẩn đâu đó được đồ ăn. Có thiếu gì thùng rác để lục lọi - đôi khi bạn có thể kinh ngạc sao trong đời có nhiều kẻ phung phí, thừa thãi đến thế! Có khối thứ đồ ăn tốt mà họ thẳng tay quăng đi! Một đôi khi tôi rảo vào các siêu thị vờ thử ăn một vài thứ trái cây để chọn mua. Tôi không tìm ăn những trái ngon nhất, mà chỉ lấy những trái quá chín, hoặc hôi thối mà nếu tôi không lấy chắc người bán cũng vất đi. Tôi không tham ăn như một chú heo, mà chỉ ăn vừa đủ để giữ cho mình được sống. Như vậy, các bạn thấy đấy, tôi vẫn xoay sỏa để sống được qua ngày. Các công việc nuôi bệnh tôi kiếm được chỉ cho phép tôi mướn những phòng ngủ bẩn thỉu tồi tàn. Tôi không phải là một y tá chuyên nghiệp nhưng tôi có kinh nghiệm nuôi bệnh; những người dùng tôi vẫn bảo vì tôi không có bằng cấp nên không thể có được lương bổng cao. Họ thực sự chỉ cần tôi hầu hạ thân nhân bệnh tật của họ trong đêm, và cho rằng công việc của tôi chỉ đáng được cho ăn và cho ngủ nhờ thôi.
Tôi yêu thương tất cả những người bệnh tật đó cũng như tôi đã yêu thương mẹ tôi và ông Williams, và tôi không bao giờ muốn cho họ chết - trước là vì quyền lợi của họ, sau là vì quyền lợi của chính tôi vì tôi ghét việc lại phải đi tìm chỗ khác mà ở.
Vì chỉ được cho ở và chỉ được nuôi cơm, cuộc sống của tôi thiếu thốn quá. Mỗi khi tôi mở miệng xin con cháu, anh, em những người bệnh thêm chút đỉnh tiền bạc để mua các đồ cần dùng, họ đều nhìn tôi như là kẻ đang tống tiền họ. Với họ, được cho ở nhờ và được nuôi cơm đã là quá đủ với tôi. Do đó, dù không muốn nói ra, tôi phải thú nhận đã có những lúc tôi ăn cắp vặt. Tôi chỉ lấy những thứ họ bỏ xó trong đáy hòm hoặc để quên ở trên các kệ cao. Tôi lấy những thứ đồ lặt vặt đó rồi đem bán cho những ổ bán lạc xoong; nhưng mỗi khi bán được một đồng, thì khi về tôi lại cố gắng làm một việc gì cho đáng với một đồng đó, thí dụ như giặt quần áo, lau nhà vv… Nhưng dù sao đi nữa thì tôi cũng đã có ăn cắp của họ… Tôi thừa nhận như vậy.
Nhưng, tôi không ăn cắp cái hộp bằng bạc đó!
Đối với chiếc hộp bằng bạc đó tôi hoàn toàn vô tội. Do đó, khi viên cảnh sát đó xông lại giựt cái hộp ở tay tôi, tôi đã né sang một bên, và có thể đã vô tình đẩy anh ta một cái khiến anh ta ngã xuống cầu thang và thiệt mạng. Anh ta không có quyền hành động như vậy khi cái hộp bạc đó là của tôi, mặc dầu cô cháu gái của bà Crowe nói gì cũng vậy!
Năm mươi ngàn cô cháu gái cũng không thể làm cho cái hộp đó không phải là của tôi!
Dù sao đi nữa thì viên cảnh sát đã thiệt mạng, mặc dầu tôi đâu có muốn anh ta phải chết. Rồi tôi nghĩ trong đầu rằng tuy tôi không ăn cắp cái hộp bằng bạc của bà Crowe, nhưng cũng đã có những lúc tôi ăn cắp vặt, và bây giờ tôi phải đền tội, có vay tất có trả, tôi đã thấy ông mục sư nói vậy.
Sự việc đã xảy ra luôn luôn mơ hồ, mông lung trong đầu óc tôi; tôi thực sự không để tâm nhiều đến những gì đã xảy ra, và cũng chẳng nhớ được.
Bà Crowe là người bệnh tốt nhất mà tôi đã phục vụ. Bà bị liệt và hầu như không cử động gì được. Tôi không nghĩ là người y tá làm việc ban ngày cho rằng chị ta có bổn phận phải xoa bóp cho bà, nên mỗi đêm tôi đều xoa bóp cho bà và bà cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu. Bà cảm ơn tôi từng tí một, khi tôi kê cho bà chiếc gối, khi tôi rỏ vài giọt nước hoa vào vành tai bà, khi tôi trải lại khăn giường.
Thỉnh thoảng tôi giỡn với bà và giả đò nói rằng tôi biết xem bói. Tôi cầm tay bà và nói bà và nói bà sẽ có một ngày tuyệt đẹp, nhưng phải cẩn thận đối với một chàng trai lạ mặt tóc vàng - tôi nói bậy bạ như vậy cốt để làm bà vui cười. Bà rất ít ngủ trong đêm, nên thường lấy làm thích thú được kể cho tôi nghe về thời niên thiếu của bà và về người chồng đã quá cố.
Nhưng rồi bà yếu dần, yếu dần, và hai đêm trước lúc bà qua đời, bà bảo tôi rằng bà muốn làm một cái gì cho tôi, muốn tặng tôi một cái gì đó, nhưng tiếc thay trước khi đau ốm bà đã ký giao tất cả tài sản của bà cho cô cháu gái. Nhưng dù thế nào đi nữa, bà mong rằng tôi vui vẻ nhận chiếc hộp bằng bạc của bà. Tôi đã cảm ơn bà. Tôi thích thú vì biết bà thương tôi nên mới cho tôi cái hộp bằng bạc. Tôi chẳng biết sẽ dùng cái hộp để làm gì. Kể ra thì có thể dùng để để những đồ nữ trang rẻ tiền, nhưng tôi có tí nữ trang rẻ tiền nào đâu? Chiếc hộp có vẻ là một vật rất quý giá đối với bà Crowe, mỗi khi bà nhìn vào nó thì mắt bà sáng lên, và bà luôn giữ nó ở bên mình.
Vậy hôm bà qua đời, người cháu gái của bà mà tôi gặp lần đầu tiên cho tôi nghỉ việc. Tôi nhặt nhạnh vài thứ đồ lặt vặt và cái hộp bạc để ra đi. Tôi không đi đưa đám bà được vì tôi được biết tang lễ sẽ cử hành một cách thật riêng tư, vả lại nếu muốn đi tôi cũng chả có quần áo để mà mặc.
Tôi vẫn còn được vài Đô nên tôi mướn một chỗ tạm trú trong một tuần. Đây là nhà trọ tồi tệ nhất mà tôi đã xử dụng. Trời lạnh cóng và không có một chút hơi ấm nào lên tới lầu ba là nơi tôi ở. Trong căn phòng có những bức tường loang lổ và có sàn nhà đầy những chú gián, tôi quấn tất cả những áo quần tôi có vào người và ngồi chờ nắng lên để có được chút hơi ấm. Bỗng nhiên, cô cháu gái của bà Crowe, đầu đội nón lông thú, mình mặc áo choàng mũ bằng lông thú lộng lẫy, chân đi giầy bốt đen bóng lộn, chạy ào vào trong phòng tôi. Mặt cô ta tím bầm vì giận dữ, khi cô thét bảo tôi rằng đã tìm được nơi tôi ở vì nhờ một thám tử tư, và tôi phải trả lại món tài sản của cô mà tôi đã đánh cắp. Tôi ngớ người, không nói lên được một lời, trong khi cô ta tiếp tục gào thét rằng nếu tôi chịu trả lại cái hộp bằng bạc thì cô sẽ bỏ qua không thưa kiện. Khi lấy lại được lời nói, tôi cho cô ta hay là cái hộp bạc là do bà Crowe cho tôi; cô ta hỏi tôi có bằng cớ gì chứng minh lời nói đó, và tôi trả lời rằng: khi ai cho tôi cái gì thì tôi cảm ơn, chứ không hề nghĩ tới đòi bằng chứng hoặc nhân chứng. Sau cùng tôi cho cô ta biết là không có cái gì có thể làm cho tôi rời bỏ cái hộp bằng bạc bà Crowe đã cho tôi.
Cô ta đứng đơ người và thở hồng hộc.
"Rồi mày biết", cô ta hét lên, rồi bước ra khỏi phòng.
Căn phòng trở nên lạnh lẽo hơn bao giờ hết, và răng tôi đánh lập cập.
Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng chân người lên cầu thang thình thịch. Tôi biết là cô cháu đã thực hiện lời đe dọa, và đang mang cảnh sát lại bắt tôi.
Tôi sợ run lên, và bồn chồn chạy quanh trong phòng như con chuột bị con mèo đuổi đàng sau. Tôi nghĩ nếu cảnh sát xét phòng mà không tìm thấy cái hộp, thì tôi có thể có thì giờ để quyết định sẽ phải làm gì. Tôi lấy cái hộp ra khỏi cái tủ nhỏ, mở cửa sau và chuồn ra cầu thang phía sau căn phòng. Từ lầu ba xuống tới mặt đất, cầu thang này hầu như thẳng đứng và các bậc thang đều bị tuyết phủ và đóng băng. Tôi định leo xuống tìm chỗ dấu cái hộp, trong bụi rậm, hoặc trong một thùng đựng rác nào đó. Tôi bắt đầu bước xuống và trượt chân. Cái thành cầu thang đã cứu tôi, tôi một tay nắm lấy thành cầu thang, một tay cố giữ cái hộp bạc; dần dần tôi lấy lại được thăng bằng, và đặt chân trên các bậc thang đóng băng để lần xuống.
Xuống được nửa đường, tôi bỗng nghe thấy có ai réo tên tôi. Rồi tôi thấy một người to béo đang đuổi ở ngay sau lưng tôi, hắn nhảy hai ba bậc thang một. Tôi chưa từng thấy ai có vẻ mặt hung bạo giận dữ như thế! Rồi hắn tới sát sau lưng tôi, giơ tay vồ cái hộp bạc.
Tôi né để không bị hắn tóm được, và hắn chửi tôi thậm tệ. Có thể tôi đã đẩy hắn. Tôi không dám chắc là tôi đã đẩy - không dám chắc một tí nào!
Dù sao đi nữa hắn trượt chân và té xuống, té xuống, rồi xuống tới đất, hắn nằm bất động luôn. Đầu hắn gối trên nấc thang cuối cùng và thân xác hắn nằm sát bờ tường.
Rồi, y như một con chó nhỏ muốn chạy theo chủ nó, chiếc hộp bạc rớt khỏi tay tôi, nẩy nẩy trên các bậc thang, rồi rớt ngay cạnh tai bên trái của nạn nhân.
Óc tôi đông lại. Tôi cảm thấy như bị tê liệt. Rồi tôi hét lên.
Những người ở trong nhà trọ đó và những nhà kế cận đều mở toang cửa để xem chuyện gì đã xảy ra, rồi một vài người bắt đầu chạy về phía sân sau. Viên cảnh sát cùng đi với người chết ra lệnh cho họ phải đứng giãn ra xa. Một lúc sau có thêm nhiều viên cảnh sát tới, họ mang xác người chết đi và giải tôi về nhốt ở đồn cảnh sát.
Ngay từ lúc đầu, tôi đã không thích người luật sư trẻ mà tòa chỉ định biện hộ miễn phí cho tôi. Tôi thấy chẳng có thể bấu víu gì được vào hắn ta và còn cảm thấy không thoải mái khi hắn ta có mặt. Tên hắn ta là Stanton. Dĩ nhiên là hắn ta có một cái họ, nhưng hắn ta không muốn tôi biết họ của hắn và bảo tôi gọi hắn ta là Bat, như các bạn của hắn thường gọi.
Hắn luôn luôn tươi cười và trấn an tôi, khi mà chẳng có gì đáng tươi cười và trấn an cả; lẽ ra hắn phải biết rõ như vậy, thay vì phỉnh gạt tôi với những hy vọng hão huyền.
Niềm an ủi duy nhất của tôi là Mẹ, Cha, và ông Williams đều đã chết, và điều ô nhục của tôi không ảnh hưởng được tới họ nữa.
"Không sao đâu", tên luật sư luôn luôn bảo tôi vậy cho tới giờ chót để rồi sau đó hắn rêu rao là hắn bất nhẫn khi tôi bị kết tội chống lại nhân viên, công lực, gây thiệt mạng cho một cảnh sát, và ăn trộm nữa - đã có sự bàn cãi rất hăng về điểm tôi có cố ý và ăn cắp hay không. Đương nhiên là tôi có ăn cắp cái hộp bạc đâu, nhưng cái khổ là chẳng có ai chịu tin là như vậy.
Nhìn cử chỉ, hành động, và cách nói năng của hắn, người ta có thể tưởng là hắn bị kết án chứ không phải tôi. Hắn gọi đó là một bất công lớn, một sự nhầm lẫn lớn của công lý, làm người ta tưởng đang sống trở lại ở thể kỷ thứ mười tám, khi trẻ em cũng bị treo cổ.
Đó là một cách hắn nói quá thôi, ở đây chẳng có ai bị treo cổ, cũng chẳng có ai là con nít. Viên cảnh sát đó đã chết, và tôi cũng có phần lỗi trong cái chết đó. Có lẽ tôi đã đẩy hắn cũng nên. Tôi không dám chắc. Trong thâm tâm tôi tuyệt đối không mong sự dữ cho anh ta. Tôi chỉ quá sợ thôi. Nhưng dù sao anh ta cũng đã thiệt mạng. Còn về việc ăn cắp thì tôi không ăn cắp cái hộp bạc đó, nhưng lúc trước cũng có lúc tôi đã ăn cắp, nhiều hơn một lần là chắc.
Và rồi điều kỳ diệu đã xảy đến ngay khi tôi được đưa về trại giam. Thật là cả một phép lạ. Suốt đời tôi, tôi vẫn mơ ước có riêng một căn phòng xinh xắn, một mái ấm, và giờ đây, tôi đã có được đúng những gì tôi mơ ước.
Căn phòng tuy thuộc về loại nhỏ, nhưng nó chứa đựng tất cả những gì tôi cần, ngay cả một cái la-va-bô có nước lạnh và nước nóng; tường thì mới sơn, và rồi họ còn cho tôi được lựa chọn giữa một cái ghế đu đưa hay một cái ghế bành. Tôi còn phải quyết định sẽ dùng khăn trải giường màu gì nữa. Cửa sổ nhìn ra một khi vườn có cây cối, và bà trưởng trại còn nói tôi được phép đến nhà ươm cây để chọn một vài thứ cây có thể trồng trong chậu, để để trong phòng của tôi. Ngày hôm sau tôi lựa một vài bông cúc vàng và một loài hoa trắng, bông nhỏ li ti.
Tôi không quan tâm tới sự hiện diện của các chấn song sắt nơi cửa sổ một tý nào. Trong thời đại nhiễu nhương này, thiếu gì dinh thự, lâu đài cũng phải có chấn song sắt để đề phòng bọn trộm đạo. Còn nói về các bữa ăn - tôi đơn giản không thể tin rằng trên đời lại có thể có những thức ăn ngon như vậy. Người nữ tù nhân phụ trách ẩm thực đã thụt két của một đại công ty lương thực, nơi chị ta làm việc và đã ngoi lên, từ chức vụ bếp phụ tới chức vụ thủ quỹ.
Các người bạn tù khác đều rất thân thiện, và mỗi người trong họ là mỗi cảnh đời đặc biệt, khác thường. Một vài nữ tù nhân một đôi khi sử dụng tiếng Đức, hoặc những từ chỉ có thể thấy được viết trên tường những nhà cầu công cộng, nhưng khi bị khiển trách, họ lại biết xin lỗi hẳn hoi!
Một đôi khi cũng có vài kẻ nổi tam bành và cũng có xảy ra chuyện cấu xé, giật tóc nhau, nhưng không bao giờ có chuyện quá nghiêm trọng. Ngoài ra lại còn có cả một ca đoàn - tôi không biết hát nhưng lại rất yêu âm nhạc - mỗi tuần vào sáng thứ ba, có một buổi hòa nhạc ở nhà nguyện, và tối thứ năm nào cũng có chương trình chiếu phim, đương nhiên là miễn phí; ai nấy chỉ việc cắp đít vào xem rồi muốn ngồi đâu thì tùy.
Mỗi người trong chúng tôi được giao một công việc, và tôi được điều về bệnh xá của nhà lao. Nơi đây cả ông bác sĩ và cô y tá đều "chịu đèn" và khen tôi. Ông ta nói lẽ ra tôi phải được huấn luyện để trở thành nữ y tá thứ thiệt; theo ông, bệnh nhân có lòng tin tưởng ở tôi, và tôi có khả năng giúp họ chóng bình phục. Không biết ông ta nói có đúng không, nhưng tôi thực sự cảm nhận thấy mình có năng khiếu nuôi bệnh, vì lòng tôi luôn luôn ưa thích giúp đỡ những ai đau ốm, khổ sở.
Tôi vui mừng đến nỗi nhiều đêm không nhắm mắt được. Những đêm như vậy tôi bật đèn cho sáng, để ngồi ngắm nghía những món đồ dùng mộc mạc, dễ thương, và bốn bức tường mới sơn, mùi sơn còn thơm phức. Khó mà tin được rằng giờ đây tôi có được một mái ấm tuyệt diệu dường này. Tôi nhớ mãi có một buổi chiều tôi đã ăn tới hai bát súp măng trong bữa tối, vì trong bữa đó tôi đã so sánh sự phủ phê của mình với những ngày đói khổ lúc trước, khi phải lân la vào các chợ tìm các trái cây thối ăn cho đỡ đói lòng.
Nhưng rồi, bất hạnh thay, một ngày kia tên luật sư đó lại bất ngờ tái xuất hiện. Hắn luýnh quýnh nhảy múa quanh tôi, mồm liến thoắng những lời chúc tụng rằng đơn kháng cáo của tôi đã được xét lại, và hắn còn nói lung tung rất nhiều từ về luật pháp gì nữa mà tôi không hiểu, nhưng tựu chung là, nhờ tài ba và lòng tốt của hắn, tôi đã được trả lại tự do và, như chim sổ lồng, tôi có thể rời nhà tù ngay lúc này. Hắn bảo chị trại trưởng hãy tạm giữ đồ đạc của tôi để tôi trở lại lấy sau, rồi lôi tuột tôi ra ngoài, nơi các phóng viên báo chí và nhiếp ảnh đang tụ tập chờ đợi.
Ngay khi các máy quay bắt đầu quay rè rè và các phó nhòm bắt đầu giơ máy lên ngắm, hắn hôn vào má tôi và gài vào ngực tôi một bông hồng.
Hắn làm một bài diễn văn ngắn đại ý nói một sự nhầm lẫn tệ hại của công lý đã được điều chỉnh và vô hiệu hóa. Bị thúc đẩy bởi lương tâm nghề nghiệp và lý tưởng bênh vực kẻ yếu hèn, hắn đã cố gắng tìm được những nhân chứng xác nhận rằng bà Crowe đã thực sự cho tôi cái hộp bằng bạc - thì ra khi cho tôi cái hộp bà có nói cho chị người làm và bác làm vườn biết. Thoạt đầu, họ từ chối ra làm chứng vì không muốn dây dưa gì với cảnh sát, nhưng hắn đã thuyết phục được họ, vì công lý và nhân đạo, mà ra tay cứu vớt tôi. Ngoài ra, hắn cũng đã lục lọi trong hồ sơ của nạn nhân và được biết rằng người này bị coi là không còn thích hợp với chức vụ cảnh sát, và một nhà tâm lý học đã có thông báo cho ông cảnh sát trưởng là không nên tiếp tục sử dụng viên cảnh sát này nữa, nếu không có ngày tai họa sẽ xảy đến cho hắn, hoặc cho một người bị tình nghi nào khác. Điều tức cười là trong lúc nói vào micro, tên luật sư luôn luôn túm chặt tay tôi, hắn làm như tôi là đứa trẻ lên ba, có thể vùng bỏ chạy bất cứ lúc nào. Tôi đứng thần người ra để nghe hắn nói. Khi hắn nói xong, tôi nghe thấy các phóng viên báo chí khen hắn rằng: "giống như người chú và người anh của hắn", hắn cũng sẽ dành được ghế thống đốc, nhưng ở một hạn tuổi trẻ hơn rất nhiều! Sau đó tên luật sư ngoác miệng cười trước ống kính, khoa khoa tay để tạm biệt, và đẩy tôi lên xe hơi của hắn.
Tôi sợ tái người. Thôi rồi! Cái mái ấm mà tôi đã may mắn có được giờ đây đã không còn nữa. Cơn ác mộng của những ngày xưa cũ lại đang trở lại - tôi tự hỏi ngày mai sẽ ra sao, phải làm những gì để có ăn, phải ăn cắp vặt thêm bao nhiêu lần nữa? Tất cả mọi khổ đau đó chỉ nhằm để được sống lê lết qua ngày!
Chưa chịu bỏ cuộc, các máy quay phim và các phóng viên nhiếp ảnh vẫn đeo theo xe chúng tôi.
Một phóng viên nhiếp ảnh bảo tôi hạ tấm kính xe ở phía tôi ngồi xuống thật thấp, và rồi tôi nghe thấy đập vào tai tôi những lời đàm thoại của hai người nào đó ở phía sau. Tai tôi thính lắm, hồi còn mồ ma ông cụ, cha tôi thường nói tôi có thể nghe thấy tiếng sấm ở cách xa ba tiểu bang! Trong sự ồn ào hỗn loạn, tôi nghe thấy rõ ràng có ai đó ở phía sau nói: "Thật quá lắm, ông thấy không? Bat của chúng ta đang chứng tỏ rằng hắn là anh hùng bảo vệ những kẻ khốn cùng đấy. Mấy lần trước hắn đã dùng nhiều thủ đoạn để tự quảng cáo mình như là một kẻ bảo vệ thanh thiếu niên. Giờ thì hắn thủ vai người hùng bảo vệ kẻ nghèo khổ, thân cô thế cô. Lẽ ra hắn phải đưa ngay những chứng cứ về người cảnh sát bị chết, và đưa ngay hai nhân chứng kia ra, thì làm cóc gì có vụ xử, hoặc chuyện kết án. Nhưng nếu hắn làm như vậy thì hắn tự quảng cáo thế quái nào được? Nên hắn phải sắp xếp sự việc theo cung cách quá ư thủ đoạn của hắn!" Tôi lại nghe thấy người đối thoại luôn luôn nói "anh nói trúng phoóc" sau mỗi câu nói của người kia.
Rồi chúng tôi rời bỏ đám đông, nhưng tôi không dám nhìn về phía sau, vì con tim tôi tan nát, khi phải rời bỏ mái ấm mà suốt đời tôi hằng mơ ước.
Tên luật sư đưa tôi về văn phòng của hắn. Hắn bảo tôi rằng hắn mong là tôi không nên quan ngại vì một số công việc bận rộn, nhưng hào hứng, trong mấy ngày sắp tới. Hắn đã sắp xếp một vài sự xuất hiện trước ống kính và trước công chúng cho tôi. Sáng mai tôi lại phải lên tivi nữa, nhưng chẳng có gì đáng lo ngại, hắn sẽ luôn luôn ở bên tôi, để giúp đỡ tôi, như hắn đã làm trong suốt thời gian tôi lâm nạn. Tôi chỉ phải làm một việc duy nhất là tuyên bố trên đài truyền hình là tôi được trả tự do là nhờ ở sự giúp đỡ chân tình của hắn. Tôi nghĩ lúc nghe hắn nói vậy, nét mặt tôi lộ vẻ ngạc nhiên lắm hay sao, mà hắn vội bảo tôi "tuy em không có tiền trả thù lao, nhưng những việc em đang làm đủ trả ơn tôi - không phải bằng tiền, mà bằng cách nói cho mọi người biết tôi là người bạn thân thiết, người bảo vệ những kẻ bất hạnh như em".
Tôi bảo hắn rằng tòa đã chỉ định hắn cãi cho tôi miễn phí, nhưng quan điểm của hắn là tôi có thể trả công hắn bằng cách nói cho công chúng hay là nhờ hắn, nhờ sự tài giỏi và lòng tận tụy của hắn, mà tôi được trả tự do. Hắn nói điều quan trọng nhất là phải nói cho rành rọt khi xuất hiện trước ống kính truyền hình. Hắn cho biết, hắn sẽ đích thân chỉ cho tôi cách nói cho thật hiệu quả, nhưng bây giờ thì hắn phải vào văn phòng để dặn nhân viên của hắn lo mấy việc trong lúc hắn bận với tôi. Khi hắn bước vào buồng phía trong và đóng cửa lại, tôi thấy hắn nói có lý. Đúng là nhờ hắn mà tôi được tự do. Nhưng, hắn không thể nào biết được là với tôi, HẮN KHÔNG NHỮNG KHÔNG ĐƯỢC BIẾT ƠN, CA TỤNG, MÀ HẮN CÒN ĐÁNG BỊ NGUYỀN RỦA NGÀN LẦN, ôi tên luật sư láu cá, gian manh, cà chớn, giầu mà vẫn ham!
Quỷ thần nào đã dẫn lối chỉ đường cho hắn bứt tôi ra khỏi mái ấm thân yêu mà tôi cả đời mơ ước, ra khỏi những công việc làm mà tôi ưa thích, và nhất là ra khỏi những bữa ăn tuyệt diệu mà tôi chưa được tận hưởng!
ĐÂY LÀ LẦN ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI TÔI THẬT SỰ THẤU HIỂU THẾ NÀO LÀ KHINH GHÉT MỘT CON NGƯỜI!
Tôi cực kỳ thù ghét hắn!
Hôm ở tòa, khi tôi bị kết án giết người, đã có rất nhiều sự bàn cãi và nhiều ý kiến đối nghịch nhau về điểm tôi cố ý hay vô tình.
Lần này thì không cần một sự bàn cãi ấm ớ nào cả.
Lần trước tôi thực bụng không mong có điều bất hạnh gì xảy đến với viên cảnh sát đuổi bắt tôi. Nhưng bây giờ, tôi thực sự mong điều bất hạnh lớn nhất, ập ngay xuống đầu tên luật sư gian manh này.
Tôi lượm con dao rọc giấy trên bàn của cô thư ký tiếp tân, đưa tay ra rà xoát độ sắc bén của lưỡi dao. Tôi đợi ở sau cửa, và rồi khi hắn bước ra, tôi lấy hết sức bình sinh lụi thẳng vào người hắn, tôi lụi đi, lụi lại, lụi đi, lụi lại nữa… cho thật đã tay…
GIỜ THÌ TÔI ĐÃ DÀNH LẠI ĐƯỢC MÁI ẤM THÂN YÊU - CĂN PHÒNG LÝ TƯỞNG NHƯ TÔI HẰNG MƠ ƯỚC…