KÝ ỨC VỀ XUÂN
C on người chưa bao giờ thôi nói về Mùa Xuân, bởi mỗi cuối năm, mỗi người đều có những kỷ niệm, những tâm trạng khác nhau khi Xuân về, cũng như cách thức chuẩn bị chờ đón mùa Xuân mới sắp đến.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ miền Tây Nam Bộ. Thuở nhỏ thì tôi không để ý, không cần biết cha má tôi hay những người lớn trong làng chuẩn bị hay làm như thế nào để đón Xuân, nhưng giờ ôn lại thì tôi nhớ như in, vì tuy không quan tâm, nhưng nó đã âm thầm tự lưu giữ vào ký ức không bao giờ quên.
Khi những tờ lịch vơi dần, là lúc mà những người mẹ, người chị ở quê lo chuẩn bị sẵn những nguyên liệu để làm bánh, làm mứt để đón Xuân. Họ lấy những bẹ chuối, rọc thành từng sợi nhỏ rồi mang phơi khô để dành cột bánh tét. Nhà nào không có trồng chuối thì tới những nhà có trồng chuối để dặn chừa lá cho mình, chừng nào gói bánh thì sẽ đến rọc để lấy. Họ mua nếp, hay nhà nào có nếp thì cũng mang ra, ngồi lựa từng hột, loại những hột gạo còn sót trong nếp, để khi ăn thì cái bánh dẻo đều, không phải vướng những hột gạo làm sượng, mất ngon. Họ muối dưa hành, làm củ kiệu, làm mứt, quết bánh phồng, làm bánh tổ… Những ngày cuối năm thì cả xóm rộn ràng, nhà nào nhà nấy tất bật. Họ chuẩn bị sẵn để đón Tết, một phần để chờ những đứa con đi làm, đi học xa trở về. Càng cận Tết là việc sắm sửa càng tưng bừng hơn. Nhà nào nhà nấy khoác lên một màu sắc khác hẳn bình thường, trong bếp bao giờ cũng treo lủng lẳng nhiều cặp bánh tét. Bánh Phồng xếp đống trên bàn, những hũ dưa kiệu, dưa hành ngâm chua, những mẻ mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt khóm đang xên thơm lừng cả gian bếp. Những đứa trẻ được dịp bốc chỗ này một miếng, chỗ kia một miếng rồi bỏ chạy, vì bị la, để dành Tết mới cho ăn… Vui làm sao.
Càng sát Tết thì những đứa con đi xa cũng trở về với quà cáp, tay xách nách mang. Cả một Mùa Xuân đang về với làng quê vốn quanh năm im ắng. Những ngày tháng trước đây, mọi người sáng sớm mạnh ai nấy ra đồng làm việc của mình, thỉnh thoảng đi trên đường gặp nhau thì trao đổi đôi câu. Học trò thì đi học. Mỗi sáng sớm ở quê tôi quen thuộc với tiếng chuông nhà thờ, báo hiệu Thánh lễ Misa, rồi vài tiếng sau là tiếng trống trường vang dậy để dục học sinh nhanh bước đến trường. Cuộc sống thật là thanh bình, yên ả, chỉ rộn ràng vào hai ngày lễ, là Noel và ngày lễ được chuẩn bị kỹ càng nhất là ngày Tết. Quanh năm mọi người chân lấm, tay bùn, nên dồn tất cả cho ngày đầu năm. Mọi thứ quý nhất, tốt nhất đều được bày ra. Từ rèm cửa cho tới khăn trải bàn đều được thay mới. Có nhà còn sơn nhà để ăn Tết. Hàng rào có hư cũng sửa cho tươm tất, không để lô xô như ngày thường! Nhà nào có chén dĩa đẹp thì ngày đó cũng lấy ra để dọn ăn. Họ chưng dọn cho căn nhà với những chậu hoa vàng, đỏ, hai màu này càng nhiều càng tốt để cầu mong phước, lộc cho năm mới. Bàn thờ thì lộng lẫy hơn bao giờ hết với dĩa trái cây đủ màu: màu vàng của đu đủ, màu xanh của cam, của xoài, màu đỏ của trái bom, màu hồng của trái khóm non. Hai bên là cặp dưa hấu dán giấy đỏ, cộng với hai bình hoa rực rỡ nên bàn thờ cũng trang trọng hẳn ra. Bộ lư, chân đèn cũng được đánh bóng sáng choang.
Còn nhớ năm tôi mới lớn, lần đầu tiên ngày Tết được may cho cái áo dài màu tím nhạt, có in hoa tím trên đó với chiếc quần trắng mới tinh kèm theo đôi guốc mới. Chiều hôm trước là tôi ủi thẳng, ngắm nghía, ướm thử lên người. Đêm đó không ngủ được, trằn trọc trông cho mau sáng để mặc bộ áo dài mới đi nhà thờ. Sáng sớm Mồng Một, tôi thức dậy, rửa mặt sạch sẽ, chải tóc gọn gàng xong là mặc bộ áo quần mới vô ngay. Bước tới gương soi, tôi thấy mình lớn hẳn, đẹp hẳn lên như một người xa lạ. Mặc bộ đồ mới tinh, mang đôi guốc mới đi tới nhà thờ mà lòng phơi phới, có cảm giác như mọi người đang nhìn mình. Lễ xong, tôi về nhà, cùng chị em mừng tuổi cha mẹ xong là đi mừng tuổi bà con. Tôi sung sướng nhận được những bao tiền lì xì, nhìn những đám trẻ khác như tôi cũng đang tung tăng đi chúc Tết mà lòng rộn ràng. Phải nói là cái không khí Tết ở quê rất đặc biệt, hoàn toàn không giống với mọi ngày, bởi ai cũng diện đồ mới. Thuở đó thì xe gắn máy chưa có nên đa phần đi bộ, nhiều lắm là xe đạp, mọi người xuôi ngược đi chúc Tết họ hàng tạo thành một bức tranh sinh động nhiều màu sắc. Ngang qua nhà ai cũng thấy bày bông hoa trước cửa. Nhìn vô thì nhà nào nhà nấy chất đầy bánh trái trên bàn cộng với bộ bình trà để chờ khách.
Lớn lên, tôi được cho lên Saigon để tiếp tục học. Cứ mỗi dịp Tết lại về quê ăn Tết với cha mẹ, lúc trở lên Saigon chỉ thấy những đống rác ngồn ngộn ngoài đường, xác pháo thì vương vãi khắp nơi. Đường phố còn thưa thớt bởi những cư dân đã về quê ăn Tết chưa lên. Hết mấy ngày Tết thì thành phố mới trở lại nhịp sống tấp nập thường nhật. Lớn thêm chút nữa, có gia đình, con cái, tôi không còn về quê để ăn Tết nữa, mà sắm Tết tại nhà, cũng bông hoa, bánh trái, nhưng không thấy được cái không khí rộn ràng, ấm áp, nô nức như Tết ở miền quê thời tuổi nhỏ.
Tưởng chỉ riêng mình do không hợp với bầu không khí bon chen, náo nhiệt của thành phố mà luyến tiếc những cảnh đón Tết thanh bình êm ả với những sản phẩm “cây nhà lá vườn” của những bà mẹ quê. Không ngờ, Tết năm vừa qua tôi đọc thấy những nhà văn Miền Bắc cũng có những hoài niệm như tôi. Họ viết say sưa về những vại cà, chum tương do mẹ làm. Những cảnh cỡi trâu, bắt cá với những đám bạn ở quê, mà giờ dù đã trưởng thành, giàu sang hơn, đầy đủ hơn, nhưng họ vẫn tiếc nuối thời xa xưa đó.
Vừa rồi, nước ta đốt pháo bông mừng Tết Tây. Sáng hôm sau báo chí đưa lên: Hình ảnh vườn hoa Hà Nội xơ xác do mọi người dẫm đạp lên để giành chỗ đứng xem pháo hoa. Ở Tp.HCM thì hình ảnh đưa lên chỉ thấy lúc nhúc người là người, mới nhìn qua đã có cảm tưởng ngột ngạt, và thật sự thì đã có người bị xỉu. Và rồi cuối cùng mọi người kết luận là Tết… nhạt, vì chỉ kéo nhau, chen lấn để xem pháo bông nổ trên trời, xong rồi nhà ai nấy về, bỏ lại đường phố những vỏ chai, bao ny lon tràn ngập. Những người công nhân quét đường lại thêm một phen vất vả gom, hốt, thu dọn! Và đến Tết ta thì cũng nhà ai nấy ăn. Nhà giàu thì khuân về những món mắc tiền, những chậu hoa lớn. Nhà nghèo thì chờ trưa Ba Mươi đi mua những giỏ hoa mà đường phố chuẩn bị dọn dẹp đón Tết nên bán rẻ thay vì phải tốn tiền chở về. Qua Mồng 4 thì tất cả được đẩy ra đường, những chậu Vạn Thọ chen lẫn những cành Đào, cành Mai xơ xác, cộng với những thứ đã tiêu thụ trong ba ngày Tết. Tết thành phố chỉ có thế, bởi mọi người xa lạ với nhau. Ra đường thì mạnh ai nấy phóng xe vù vù. Trong khi ở nhà quê mọi người xem nhau như bà con, ngày nào cũng gặp, cũng chào hỏi. Khi có giỗ, hay cưới xin thì đều mời nhau. Thảo nào người từng sống ở quê đều tiếc nuối những cái Tết sum vầy bên ông bà, cha mẹ, anh chị em, cộng thêm không khí rộn ràng của cả làng.
Từ lúc đi làm, có điều kiện, cứ chiều Thứ Bảy, tan sở ra là tôi ghé đường Tạ Thu Thâu, lúc đó có những cửa hàng chuyên bán hàng soie, mousseline mới nhập, để mua một xấp vải áo dài. Ngày Chủ Nhật là ngồi cắt may. Sáng Thứ Hai lại diện áo mới... Vậy mà cũng không thấy vui sướng, háo hức như chiếc áo dài đầu đời được cha mẹ may cho. Thức ăn cũng thế. Thành phố đâu có thiếu món gì? Bánh Phồng, bánh Tét, bánh Ít, bánh Bò ngày nào chẳng có? Vậy mà vẫn thua đòn bánh Tét do mẹ nấu hay cái bánh Bò chén do chị Út hàng xóm đổ, cứ trưa trưa là cho con bưng đi bán. Buổi trưa, đang đói, cắn miếng bánh bò còn nóng hổi, chấm với nước cốt dừa sao mà nó ngon gì đâu! Bây giờ không còn tìm được cảm giác đó nữa. Chẳng hiểu do cuộc sống no đủ làm cho hết thèm thuồng, nên khi ăn cũng mất ngon, hay là cái không khí, cái tình cảm chân quê làm cho miếng bánh thêm quyến rũ để nhớ mãi không quên?
Tôi chợt nghĩ, mai kia, lớp con cháu mình, kêu nó tả về Tết chắc chẳng có gì để nói, vì cứ ra Siêu Thị mà khuân về, họ nấu nướng ngon dở ra sao thì khi ăn vô mới biết. Mới vài hôm trước đây thôi, báo mạng có đưa hình ảnh có người mua phải một chiếc bánh chưng, mở ra có kèm một con rít to đùng. Chẳng hiểu sao mà người gói không thấy, vì nếp thì từng hột nhỏ, rời rạc,trong khi con rít nó dài cả tấc. Chắc họ làm nhanh để còn tính số lượng, nên lấy cái chén lường nếp, chẳng cần biết trong đó có gì, cứ thế khỏa đều, cho nhân vô rồi gói lại! Mẻ bánh chưng đó chắc nhiều người được thưởng thức vị Rít, vì khi nấu, nước Rít sẽ loang ra cả nồi! Khiếp! Chắc sau đó ai muốn ăn bánh chưng có nước mua lá, mua nếp, đậu, ba rọi để tự gói lấy cho chắc ăn! Từ đó, mọi người mới có dịp so sánh giữa bánh nhà gói và bánh mua ở hàng. Bởi vậy mà thành phố thời gian gần đây đã có những tiệm cơm để bảng hiệu là “Cơm mẹ nấu”, nhưng chắc chắn cũng không thể có cái Hồn như những bữa cơm quê do chính bàn tay mẹ nấu với những trái bầu, bí hay những đọt rau, cây cải vừa cắt ngoài vườn vô, còn đậm đà vị ngọt. Cũng như không khí Tết ở miền quê, không xa hoa, không diêm dúa, mà nó có cái gì đó làm cho những người con dù lưu lạc phương trời nào, hay như tôi, dù nay tuổi đời cũng đã hơn 70 cũng không thể nào quên được.