Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







ÔNG CHÚ ĐẾN TỪ LIÊN XÔ





Đ ầu hè ba năm trước Oleg, người họ hàng bên họ ngoại của vợ tôi liên lạc qua email, thông báo ngắn gọn là anh sắp có việc từ Đức sang Anh và muốn hẹn đến thăm.

Vợ tôi là người Ba Lan nhưng bà ngoại người Nga, sinh ra ở Odessa. Bà lấy ông ngoại, một kiề̉u dân Ba Lan lưu lạc sang Liên Xô từ trước Thế Chiến II. Sau chiến tranh Ba Lan mất nhiều dân số nên kêu gọi kiều dân từ các nước châu Âu hồi hương, và hứa sẽ cấp nhà, cấp đất cho họ. Ông ngoại Viktor là một người như vậy. Năm 1947, ông bà đưa bé gái mới sinh là Eugenia, người sau là mẹ vợ tôi, về Ba Lan.

Trong suốt thời còn Liên Xô bà ngoại Antonina thường xuyên đưa các cháu về Odessa thăm họ hàng. Nhưng kể từ khi bà qua đời và sau khi Liên Xô sụp đổ, hai bên không còn liên lạc nhiều. Tôi nghe nói gia đình ở Odessa không thích thú gì tư cách công dân một nước khác, Ukraine. Vì họ là người Nga thực sự, không ai biết tiếng Ukraine cả. Con cháu trong nhà dần bỏ đi nơi khác, người sang Úc, người về Moscow là quê gốc của họ, người trẻ hơn lên Kiev lập nghiệp. Oleg đi xa hơn cả, sang Đức làm cho một công ty điện toán.

Một tuần trôi qua thấy Oleg trả lời, tôi phải gọi về Ba Lan tìm nhà địa chỉ, email của họ hàng ở Odessa. Mấy hôm sau tôi nhận được email từ bà Tatiana, mẹ của Oleg. Bà viết bằng một thứ tiếng Anh hơi cứng, ngữ pháp chuẩn – chả gì hồi chưa về hưu bà là giáo sư môn kinh tế học xã hội chủ nghĩa – nhưng có giọng trách móc:

“Cháu thân mến, thật tiếc là Oleg không kịp liên lạc rồi. Mà sao cháu không tìm cách liên lạc sớm hơn. Nó đã sang Manchester và về mất rồi. Tiếc quá, tiếc quá (so much regrets, regrets!!!)...”


♣ ♣ ♣

Tôi nhớ lại là bốn năm trước, bà Eugenia, mẹ vợ tôi đã bỏ công đi tàu trở lại Odessa thăm quê ngoại và trở về Ba Lan đầy thất vọng. Các cô các bác đã qua đời. Thành phố Odessa xấu đi hơn so với thời Liên Xô, ai có tiền là xây cất lung tung ngay bãi biển, mức sống đi sau Ba Lan 20 năm. Đại loại đó là những bình luận về quê mẹ mà bà Eugenia kể lại cho chúng tôi.

Tôi chỉ là cháu rể nên bỏ qua chuyện bị bà bác họ đằng vợ, 'giáo sư Liên Xô về hưu' tự nhiên trách móc qua email. Thế nhưng không hiểu sao vài hôm sau thì Olegi gọi thẳng cho tôi và nói đã tới Manchester. Nói tiếng Anh đặc giọng Nga, anh báo là sẽ mua vé tàu xuống London ngay ngày hôm sau. Tôi hiểu cách nghĩ của những người từ các nước nghèo hơn sang Phương Tây. Không thấy chúng tôi hẹn ngày cụ thể để đến thăm nên anh ngại không dám hỏi.

Một chiều thứ Sáu, ông anh họ người Nga tới văn phòng làm việc của tôi. Hết giờ làm, tôi đưa anh đi xuống khu trung tâm xem tháp Big Ben, Điện Westminster, đi dọc sông Thames, vào một quán bia ngồi nói chuyện trước khi lên tàu hỏa về nhà. Mặc một chiếc quần bò màu tím, khoác áo len đen, bên ngoài có thêm áo khoác nhỏ màu xám, anh để râu ria đã mấy ngày không cạo, tóc tai không mấy gọn gàng, trông thật giống những người trên đường phố Moscow tôi gặp năm 1991trước khi Liên Xô giải tán.

Tôi đã làm tour guide cho rất nhiều người đến thăm London nhưng chưa thấy ai hào hứng như Oleg Đứng trước Westminster Palace chụp ảnh với tượng Richard Sư tử tâm, anh sung sướng bảo:

“Tuyệt vời quá, đây là ước mơ thành hiện thực. Đúng rồi, đây là vua Anh trong phim Ivanhoe. Tuyệt vời quá, tôi mơ được đến đây một lần trong đời, mơ từ bé...nay thành hiện thực.”

Tôi bảo:

“Anh đã sang Đức sống rồi sau này có thẻ định cư thì xin visa vào Anh rất dễ, rồi sẽ còn quay lại không chỉ một lần.”

 Anh cười như đứa trẻ được kẹo.

Ngồi trên tàu, anh móc trong túi áo khoác ra một cái tẩu và ít thuốc lá sợi. Anh chỉ móc ra rồi hỏi tôi dù đã biết:

“Ở Anh không được hút thuốc trên tàu, như ở Đức phải không?”

“Tất nhiên là không.”

Anh tần ngần cất tẩu đi rồi móc từ trong backpack ra một một chai rượu vang từ Đức cho tôi xem, nói là để làm quà cho chúng tôi. Tôi ngượng quá vì hai chúng tôi ngồi giữa hai hàng ghế đầy hành khách người Anh khác xung quanh, và trên xe lửa Anh, không ai đem rượu ra coi như thế.

Về đến ga, vợ tôi chạy xe ra đón. Gặp lại nhau sau gần ba thập niên, hai người ôm chầm lấy nhau vừa ngỡ ngàng, vừa vui thích. Xe về đến nhà, vợ tôi gọi để hai con ra mở cửa và đón khách. Bọn trẻ nhà tôi không vồn vã như cha mẹ mà còn hơi e ngại khi Oleg ôm hôn chúng nó. Cậu con trai tôi buông một câu, “He is a truly Soviet man” (Chú này đúng là người Liên Xô).

Sau bữa ăn tối, Oleg móc tẩu thuốc lá ra và xin phép ra vườn ngồi hút thuốc. Thú thực là từ ngày sang Anh đã hơn 15 năm về trước, chưa có ai đến nhà chúng tôi lại hút tẩu. Anh lấy bật lửa ga gí vào nõ để hút phập phập, trông lạ mắt.

Ngày hôm sau, Oleg nối mượn laptop và gõ nhì nhằng tiếng Nga và mạng xã hội của người Nga để nối với mẹ anh ở Odessa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà Tatiana qua video. Bà rất đẹp lão, toát lên vẻ uy quyền của trí thức Nga. Bà mặc nhiên coi là cả nhà chúng tôi biết tiếng Nga nên cứ nói thứ tiếng đó. Khổ nỗi vợ tôi đã quên tiếng Nga nhiều, nghe vẫn hiểu nhưng nói thì phải pha trộn tiếng Ba Lan rất nhiều. Bà Tatiana ra lệnh cho Oleg quay máy tính ra để xem bọn trẻ con và phán ngay rằng con gái chúng tôi rất giống cháu Masha của bà ở Úc. Vẫn qua video, bà bắt cả nhà tôi ngồi yên trên sofa để chụp ảnh...từ xa. Bị ra lệnh liên hồi nhưng chúng tôi thấy vui. Vui và lạ như gặp lại một thứ tình cảm từ quá khứ trở lại bằng máy thời gian.

Ông chú “đến từ Liên Xô” ở chơi thêm một ngày thứ Bảy rồi đến Chủ Nhật lên tàu về Manchester. Chúng tôi đưa anh đi ăn một quán Việt ở Deptford, đi chơi quanh vùng Đông Nam của London rồi về nhà, đến tối lại ra một quán pub trong thị trấn uống bia.

Oleg nói tiếng Anh khá tốt khi kể về phần chuyên môn IT. Anh đang làm cho một công ty an ninh mạng của Đức, có bộ phận bên Anh. Nhưng những câu chuyện đời thường thì anh thiếu từ nên chúng tôi đề nghị anh cứ nói tiếng Nga. Tôi học tiếng Nga ba năm ở Việt Nam nên đã quên thế mà nghe kỹ thì theo dõi được gần hết câu chuyện. Hơn nữa là các nhân vật được nhắc đến thì tôi đã biết, và nhờ từ ngữ về gia đình của hai tiếng Nga và Ba Lan khá gần nhau. Tôi dùng tiếng Anh để hỏi Alex về chuyện chính trị Ukraine và những đánh giá thời sự của anh.Thế là chúng tôi dùng cả ba ngôn ngữ để nói, hỏi thăm, trao đổi, thảo luận khá thú vị.

Trong lịch sử ba dân tộc Nga, Ukraine và Ba Lan thì 'danh tính' người Ukraine là khó xác định nhất. Truyền thuyết đại bàng trắng ở Ba Lan nói thời xa xưa có ba anh em Lech, Czech và Rus cùng một nhà và sau khi cha mẹ mất phải lên đường đi tha phương. Lech tìm đến mảnh đất rộng có đại bàng trắng là lập ra nước Ba Lan, vốn từ chữ 'pole' cánh đồng, sau thành tên nước 'Polska'. Người Ba Lan ngày nay vẫn có lên anh chàng Lech (Lach), mà nổi tiếng nhất là cựu tổng thống Lech Walesa. Czech đi sang bên kia rặng núi và lập ra nước Czechy (Czechia – Tiệp), còn cậu em út phải đi rất xa về phía Đông mới có đồng ruộng của mình và lập ra nước Rusia/Rossiya – Nga.

Mở rộng lãnh địa Kiev (Kievan Rus), người Nga xuống theo sông Volga, tới sông Đông, xuống tận vùng Biển Đen. Từ một dân tộc Nga đó, họ chia làm ba: Chernaya Rus (Nga Mẹ ở vùng đất đen phì nhiêu); Malaya Russia (Nga Nhỏ, vùng biên thùy hay còn gọi là Ukraine); Belaya Russia (Bạch Nga).

Vài trăm năm sau, họ đi về phía Nam, lập ra Novaya Russia (đấ̃t Nga Mới), là vùng chiếm được của người Tatar và đế quốc Ottoman, nằm bên Biển Đen. Odessa nằm ở vùng đất mới nhất này, nơi đạo Chính Thống mới bé rễ trên 100 năm. Cụ ngoại của vợ tôi, ông Ivan Okhlopovsky là thế hệ giáo sĩ thứ ba đến truyền giáo ở vùng Biển Đen. Nay tên tuổi cụ Ivan Okhlopovsky được thờ trong Giáo đường Transfiguration of Jesus của Chính Thống giáo bên quảng trường Soborna, Odessa, theo lời Oleg. Thời Liên Xô, ba nước cộng hòa Nga, Belarus và Ukraine không có khác gì nhau, đều dùng tiếng Nga là ngôn ngữ chính. Mỗi vùng phía Tây Ukraine – từng thuộc về Ba Lan trên 400 năm – có cư dân nông thôn nói tiếng Ukraine.

Gần đây, mâu thuẫn chính trị Nga – Ukraine xảy ra theo đúng vết cắt văn hóa – ngôn ngữ xa xưa đó. Dân chúng miền Tây Ukraine ủng hộ chính phủ Kiev, hướng về EU, còn miền Đông nói tiếng Nga nên hướng về Moscow. Cuộc chiến đã làm hàng nghìn người thiệt mạng.


♣ ♣ ♣

Những gì Oleg kể hôm đó vẽ ra một bức tranh khá buồn về Odessa, những con người bị chia rẽ thành hai quốc gia, hai dân tộc. Dù là người Nga, anh tự hào có tấm hộ chiếu Ukraine. Anh còn bảo thật đáng tiếc là hồi nhỏ anh không có cơ hội học tiếng Ukraine. Anh thuộc thế hệ nhận bản sắc mới, gần với EU hơn, còn cha mẹ anh vẫn hoàn toàn nghĩ họ là công dân Liên Xô bị kẹt ở một quốc gia thù nghịch . Chị gái lớn nhất trong gia đình đó, Anna, sau khi có bằng tiến sỹ vật lý đã cùng chồng đưa con gái sang Úc sinh sống, và sau khi sinh thêm một con trai ở Sydney, họ quyết định không trở về Ukraina nữa. Lần cuối cùng gia đình chị thăm cha mẹ ở Odessa là năm năm về trước. Và họ chỉ về đó được vài ngày.

Ước mơ của những trí thức Nga là hướng về Phương Tây. Chị Anna sau 10 năm ở Úc mới có giấy tờ. Tấm hộ chiếu Úc cho phép họ du lịch châu Âu thoải mái. Chuyến đi đầu tiên họ về châu Âu là đi thăm Ý và Pháp, những trung tâm văn hóa của Phương Tây mà hồi còn nhỏ ở Liên Xô là thứ nằm ngoài tầm với của họ. Tuần cuối cả nhà bay về Kiev thăm các bạn bè hồi học đại học và trước khi về Úc mới xuống Odessa thăm cha mẹ già. Oleg kể cha mẹ anh khá thất vọng vì cậu cháu trai sinh ra ở Úc không còn nói được tiếng Nga, chỉ có cháu gái thì vẫn hiểu ông bà nói gì. Tình cảnh ông bà không nói chuyện được với cháu chắt vì bất đồng ngôn ngữ xảy ra ở khắp nơi. Nhưng cảm giác mất mát với bác Tatiana về quá khứ hoàng kim một thuở hẳn lại càng thêm sâu nặng.

Hiện nay một phần gia đình bên nội của Alex vẫn ở Nga. Mấy năm trước hai nước Ukraine và Nga chưa thù địch, Oleg tới Moscow sống cùng anh em họ và kiếm tiền trong nghề IT. Thế nhưng cuộc chiến ở miền Đông Ukraine từ 2014 làm quan hệ xuống dốc, thêm lệnh cấm vận kinh tế nên công ty bên Nga không chuyển tiền sang Odessa được và Oleg phải về nước. Nhờ EU đổi luật cho công dân Ukraine được vào làm việc tới 90 ngày không cần visa anh tìm cách sang Đức. Lại một cuộc đi xa làm ăn khác, và nếu tốt thì ở lại.

Đi thăm Công viên Hoàng gia Greenwich ở Đông Nam London, bên sông Thames Oleg rất vui, kể cho vợ tôi về một số người họ hàng khác bên đó mà tôi không biết. Nhìn bảo tàng Hải quân Hoàng gia Anh, anh kể có anh họ vào hải quân, đóng ở Kamchatka, vùng Viễn Đông. Tôi hỏi đùa anh là nếu hải quân Nga ngày nay tấn công Ukraine thì anh ủng hộ phe nào. Anh nghiêm giọng bảo “Là người Ukraine thì phải ủng hộ Ukraine!” Điều tôi nói tưởng là đùa thì đã xảy ra cuối 2018. Nga bắt hai thuyền tuần tra có súng máy của hải quân Ukraine ở eo biển Kerch. Khủng hoảng ngoại giao nổ ra giữa Moscow và Kiev. Qua câu chuyện Oleg, người không có chút gốc gác Ukraine, tôi tin rằng có những dân Ukraine gốc Nga thật sự ủng hộ chính phủ Kiev. Giờ thì anh muốn định cư tại Đức. Tôi nghĩ con cái anh chỉ một đời là lại có thể 'dịch chuyển dân tộc' thành người Đức.

Từng để ý đến điều gọi là 'dân tộc tính' ở các nước châu Âu, tôi nhận thấy hai vấn đề song hành của họ: một là niềm tự hào sâu sắc về di sản văn hóa, sắc tộc riêng, hai là khả năng dễ dàng hội nhập, tiếp nhận bản sắc mới. Người châu Âu có ưu thế là đổi quốc tịch mà vẫn trong vùng văn hóa, chủng tộc của họ, họ rất nhanh chóng trở thành người bản địa. Dân châu Á thì vì lý do văn hóa đặc thù, dân châu Phi vì màu da luôn khó tự hòa nhập và kể cả khi rất cố gắng vẫn không dễ được chấp nhận 100% vào xã hội mới. Nói ngắn gọn thì hình dáng, màu da của con người, tôn giáo và truyền thống sinh hoạt xã hội ở tất cả các nước Âu – Mỹ vẫn có tính tương đồng và hoán chuyển rất cao, kể cả khi trình độ phát triển kinh tế chênh lệch nhau.


♣ ♣ ♣

Câu chuyện tôi kể ở đây về từng đó con người của gia đình bên nhà vợ mà dòng thời gian thế kỷ qua đã đưa đẩy qua không gian Liên Xô, Nga, Ukraine, Ba Lan, Anh Quốc, Đức...chỉ bừng sáng trở lại nhờ chuyến thăm của 'ông chú đến từ Liên Xô'. Oleg có hành trang quá khứ nhưng đang tiến nhanh đến hiện tại và sự xuất hiện bất ngờ của anh làm sống dậy câu chuyện mà nếu không có gương mặt người thật thì chỉ là một thứ cổ tích trong gia đình, thật xa lạ đối với hai đứa con sinh ra lớn lên ở Anh của vợ chồng tôi.

Trong một bộ phim khoa học cho BBC mang ít màu sắc triết lý, Brian Cox đặt câu hỏi 'Sự sống là gì?' Bộ phim là nỗ lực tìm câu trả lời và Brian Cox đi tới kết luận rằng sự sống là một quá trình (process), cụ thể hơn là một quá trình chuyển giao, vay mượn và cho đi năng lượng. Cá thể nào cũng sẽ phải chết nhưng không có nghĩa là quá trình đó kết thúc. Chúng ta để lại cho đời sau các bộ DNA không đổi về cấu trúc cộng thêm một ít thông tin di truyền – thực chất là kinh nghiệm, trải nghiệm mới của mỗi thế hệ ghi lại.

'Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?' Số phận của chúng ta là thế chăng? Nhưng tôi không nghĩ di cư là điều mỏi mệt. Chúng ta cứ đi, như bị thúc đẩy bởi định luật 'bảo toàn năng lượng' trong vũ trụ mà con người liên tục vay và trả. Đi để đem cái tôi nơi này vun đắp vào một cuộc đời chỗ mới, để mất mát và bù đắp bằng nỗi nhớ về nơi đã từng sống, từng qua. Nhìn qua lăng kính câu chuyện của chỉ mới một gia đình thì ta đã thấy thể chế, chính trị, biên giới, ngôn ngữ đều quan trọng nhưng chỉ là bối cảnh nhất thời, là nền nhạc cho bản trường ca không ngừng của con người trên đôi chân ra đi.

Chia tay chúng tôi, Oleg để lại câu chuyện nhỏ về bà ngoại của vợ tôi. Bà Antonina lấy chồng người Ba Lan muộn, lúc đã gần 40 tuổi vì trước đó có đính hôn với một phi công. Người đó hy sinh trong Cuộc chiến Vệ quốc Vĩ đại năm 1944, bị quân Đức bắn rơi máy bay trên vùng trời Nam Liên Xô.. Oleg không nhớ tên người phi công ấy, nhưng tôi chợt nghĩ anh phi công còn sống thì bà Antonina chẳng bao giờ lấy chồng Ba Lan, sinh ra mẹ vợ tôi và di cư sang Ba Lan. Cứ thế suy ra thì chẳng có cô vợ tôi, Sylvia, trên đời này và bọn trẻ con nhà tôi như hiện nay?

Đó là chuyện định mệnh hay tình cờ? Nikolai Gogol có viết câu rằng nhà văn “có định mệnh lên đường cùng những kẻ lạ để soi xét sự vĩ đại dâng trào của cuộc đời, qua tiếng cười và nước mắt, những giọt có người đã thấy và cả những giọt chưa hề ai biết”.

Tiễn Oleg rời Anh Quốc, tôi nghĩ hành trình đi qua cuộc đời thường đủ vui buồn, gồm cả những nỗi niềm trong quá khứ của những người thân chúng ta chưa hề gặp, chỉ nghe nói đến, cả những người vì lý do nào đó chia tay chúng ta rất sớm. Những điều chưa hề xảy ra lại có sức mạnh tạo ra hồi ức cho tất cả chúng ta chứ không phải chỉ cho các nhà văn.

Kent, Anh Quốc 2019



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả từ Kent-Luân Đôn (Anh Quốc) ngày 27.12.2020 .