Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






CHUYỆN SAU TRẬN LỤT




   T huỳ dìu Nhân đi dạo trong vườn bệnh viện tâm thần. Đột nhiên, Nhân dừng chân, nghiêng tai nghe ngóng rồi nhớn nhác nhìn cô:

- Chạy! Chạy mau! Nước lụt... đuổi... nó đuổi...!

Thuỳ vội giữ chặt tay chồng

- Không! Anh Nhân... em đây mà! Làm gì có nước... ngồi xuống ghế này nghỉ nhé!

Nhưng không kịp. Chỉ ba bước chân, bằng những động tác điêu luyện như khỉ làm xiếc, Nhân đã tót lên cành cao nhất trên cây xà cừ, hò hét inh ỏi. Cả bệnh viện chộn rộn. Những khuôn mặt ngô nghê ló ra sau cửa sổ, những cái mồm cười ngây dại. Các bác sĩ, y tá, hộ lý phòng “khám chữa theo yêu cầu” ùa ra, ngửa cổ nhìn lên. Độ cao phải đến sáu, bảy mét. Bác sĩ Quang bắc loa tay gọi với lên:

- Anh Nhân làm gì đấy? Xuống đi! Có muốn đi săn với tôi không?

Nhân lắc đầu quầy quậy, khua tay rối rít:

- Không! Vỡ đê đấy! Các người vào lấy thuyền đi, không chết cả nút bây giờ! A ha! Ta biết rồi! Các người biết bơi, ta là ta chỉ biết chơi, ta không biết bơi... đừng hòng đánh lừa nhé. Ô hô hô! Ngập rồi... Nổi phềnh phềnh... Trông kìa, cả lũ nổi phềnh phềnh...

Một tay bám vào cây, tay kia múa may, chân giậm xuống cành, rung ầm ầm. Mặt Thuỳ tái mét. Các bác sĩ hội ý chớp nhoáng. Một cái đệm mút to đoành, dày cộp được khênh ra, mỗi người túm một góc. Bác sĩ Quang cố lấy giọng thân mật:

- Anh Nhân ơi! Thuyền đây rồi! Xuống đi! Mau vào bờ còn lên núi với tôi chứ!

Nhân đứng im bặt, nhìn trân trân cái đệm, nói dỗi: “ Thuyền đâu mà thuyền, phao chứ! ” “ ừ thì phao, phao càng nổi... xuống đi! ” “ Bác sĩ nói dối, Nhân ứ xuống nữa! ”. Quang vỗ về: “ Xin lỗi nhé! Quên mất...Xin lỗi hai lần nhé!” Nhân nhe răng cười: “ Xin lỗi rồi hử, thì xuống, nào một... hai... ba...” Nhân giơ chân, làm động tác nhảy, mọi người nín thở, giữ chặt tấm đệm. Nhưng ông tâm thần khựng lại: “ Sao vợ tôi lại ở ngoài thế kia? Vào phao kẻo chìm, mình ơi!”. Thuỳ lại phải giả làm động tác bơi: “ Được rồi, em bơi vào bờ đây, anh cứ xuống đi!” Cuối cùng thì người ta cũng dụ được anh chàng điên tụt xuống. Cách mặt đất khoảng ba mét, anh ta nhảy vào tấm đệm, lại còn va đầu cái “bốp” vào thân cây làm ai nấy xanh mặt. Thuỳ xoa xoa cái cục bươu trên đầu chồng: “Có mỗi cái “gáo dừa” này mà cứ bị ghè mãi, lần thứ ba rồi đấy!”. Còn anh ta, mồm “ nhong nhong” khi được mọi người khiêng vào giường:

- Nào, lên bờ, lên bờ ăn kẹo!

Một lát, sau khi uống hai viên thuốc, Nhân bắt đầu ngủ. Lạt – người đàn bà cùng phòng bệnh với Nhân, đi thăm nuôi người nhà ( bệnh nhân này tạm thời bị nhốt vào cũi do lên cơn phá phách) nhìn Thuỳ ái ngại:

- Chú ấy bị nặng đấy! Sao lại để đến nông nỗi này mới đi chữa?

Thuỳ sửa lại gối cho chồng nằm ngay ngắn rồi sụt sùi kể: “ Nhà em mới bị sau trận lụt vừa rồi chị ạ. Anh ấy va đầu vào đá. Em cứ tưởng không việc gì, ai ngờ...”. Lạt chép miệng: “ Rõ khổ! bị ngã à?” “ Vâng! Là như thế này. Nhà em đi thả ống lươn vào đúng cái hôm đê vỡ ấy. Mấy hôm mưa nhiều, nước ngập úng đồng, anh ấy bảo đi kiếm tí chút cải thiện. Con sông nước đã cao hơn mặt đồng đến mấy mét, khúc đê mỏng mảnh không chịu nổi. “Uc” một cái, đê vỡ. Chị tính, dòng nước mạnh như thác ấy mà cuốn thì đến trâu cũng phăng teo chứ nói gì đến người. Suýt bị trôi ra cửa sông... May mà anh ấy bị mắc vào tảng đá, được xuồng cứu hộ đến đúng lúc, nhưng đầu va đập mạnh nên mới sinh ra nông nỗi này... Số nhà em vất vả lắm chị à...”.

Nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt gầy gò của người thiếu phụ mới gần bốn mươi. Chị thẫn thờ nhìn ra sân bệnh viện. Ngoài kia, nắng vàng rời rợi, gió thu mơn man trên những vòm lá xanh biếc. Đôi chim sâu lích rích âu yếm bên nhau. Chị ngồi đây, sống những ngày tháng giả điên theo chồng, chẳng biết đến bao giờ... Lạt ngắm khuôn mặt Thuỳ, thở dài:

- Âu cũng là cái số em ạ. Nhà chị, tam, tứ đời răn dạy nhau ăn ở phải thật hiền lành, ấy thế mà tự dưng lại nảy ra cái thằng út điên khổ điên sở thế này... Nó mà lên cơn thì chỉ còn mỗi cách là nhốt vào cũi sắt.

Ngừng một lát, Lạt lại tiếp:

- Tôi trông tướng mạo chú ấy là người nho nhã, trí thức. Cái mắt ấy là mắt khôn, không ngây ngây, đờ đẫn như mấy ông tượng gỗ kia. Khốn khổ, cố mà chữa cho chú ấy... may ra...

Thuỳ gạt nước mắt:

- Vâng, nhà em trước là giáo viên dạy môn văn đấy. Làm cái nghề dạy học mà nóng tính lắm. Một lần, có học trò, vì bị anh ấy cho điểm kém, tìm cớ chửi tên tục cụ tổ nhà anh ấy ngay trước lớp. Ông ấy nóng tiết lên, đấm con người ta vẹo cả mũi, bị cấp trên kỷ luật, không cho đứng lớp. Lại vớ phải nhà Chí Phèo, đòi phạt vạ một trăm triệu. Anh ấy buồn, làm đơn xin thôi việc luôn, về đi xe ôm.

Lạt đập tay xuống giường:

- Gìơi ạ! Sao lại bỏ việc? Chịu kỷ luật một thời gian rồi lại đi làm chứ. Phụ huynh bây giờ cũng có dăm bảy đường phụ huynh. Những cái loại suốt ngày vợ chồng chỉ cờ bạc, đề đóm, chửi nhau như hát hay thì làm sao có được những đứa con tử tế, chấp làm gì cái giống ấy...Kìa! Chú ấy dậy rồi.

Nhân đã mở mắt từ lúc nào, mủm mỉm cười một mình. Thuỳ đỡ chồng ngồi dậy:

- Mình dậy chuẩn bị ăn cơm nào!

Nhân đưa mắt nhìn Thuỳ và Lạt, vẻ trịnh trọng: “ Tôi vừa mới chiến thắng nhé!”. “ Xin chào người anh hùng! Chiến thắng gì thế?” – Bác sĩ Quang đến, tươi cười cầm tay Nhân, bắt mạch, anh mừng thầm: “ Rất đều, vẻ mặt anh ta... lạy Chúa...có khi còn khôn hơn mặt mình... ”. Quang dặn dò Thuỳ chịu khó lắng nghe những câu chuyên, đặc biệt chú ý thái độ phân biệt đúng, sai của Nhân trước mọi sự việc vô lý mà Thuỳ cũng phải thủ vai theo. Chờ bác sĩ ra khỏi phòng, Nhân ba hoa: “ Chiến thắng nhé! Có nghe không thì bảo”. Người điên dựa người vào tường và bắt đầu một câu chuyện mà ngay chính cả hai người đàn bà tỉnh táo cũng bị cuốn hút vào lúc nào không hay:

... Tôi trèo lên tảng đá, vuốt máu và nước chảy trên mặt, mở mắt. Tôi nhìn thấy cái gì thế này? A ha! Một con sên chuẩn bị ăn thịt một con rết. Để tôi vận dụng văn tả cái đã... Con rết phải to bằng ngón tay, đỏ sậm. Đôi răng nanh đen bóng, nhọn, khoằm. Đôi râu dài thượt với hàng trăm cái chân đỏ rờn rợn, rờn rợn. Hàng ngày trông ghê gớm thế mà bây giờ cụp cả lại. Con ốc sên chỉ bằng ngón chân cái của tôi là cùng, nhích từng tí một. Lúc đầu, tôi không hiểu hai cái giống gớm chết ấy định làm gì nhau nhưng khi thấy vẻ đờ đẫn của con rết và cái dáng nghênh ngang của con sên múa đôi râu, đồng thời cũng là đôi mắt kỳ quái của nó lên trước mặt con rết, tôi đã hiểu tất cả. Mặc dù rất ghét loài rết – Cái giống có nọc độc chết người, nhưng lúc này, tôi không thể không kêu lên: Ngu thế! Chạy đi! Mày có nhiều chân thế cơ mà!

Thuỳ tròn mắt nhìn chồng, quay sang Lạt:

- Chị Lạt, chỉ có người tỉnh mới có thể kể được như thế.

Lạt cười:

- Em quên mất chồng mình vốn là giáo viên văn à? Nói năng gãy gọn, khúc triết là thói quen của người ta. Hãy cứ để yên nghe tiếp nào!

... Nhưng con rết vẫn không cựa quậy nổi trong khi dư sức chạy trốn được hàng trăm lần khỏi cái chết. Con sên lờ đờ bò quanh con rết, để lại một vòng sáng nhễu. Thì ra, nó trói kẻ sắp bị hành hình bằng một thứ dây đầy hơi tử khí đây mà. Làm xong cái công việc bao vây đó, con sên dừng lại nghỉ ngơi. Nó đang hưởng thụ thú vui man rợ: ngắm nghía nỗi khiếp đảm của kẻ sắp bị hành quyết. Con rết đã hoàn toàn bất động, những cái chân không còn ngo ngoe nữa. Tôi ngứa mắt định giẵm nát con sên nhưng sự co ro, bất động của con rết làm tôi dừng lại: “ Kẻ hèn nhát cũng không nên sống làm gì”...

Bây giờ thì đến lượt Lạt kêu lên:

- Đi gọi bác sĩ Quang, mau! Trời thương cô rồi! Chú ấy tỉnh rồi!

Nhưng Nhân đã gọi giật Thuỳ lại:

- Không gọi ai cả, Quang quác cái gì! Cha ấy ở đây trước sau rồi cũng bị điên! Nghe chuyện thì nghe cho hết. Các bà tưởng tôi bịa đấy hả? Rõ cái đồ tâm thần!

Thuỳ nhìn chăm chăm vào mắt chồng:

- Vâng, vâng... Anh kể tiếp đi! Thế con sên và con rết cũng ở trên cái tảng đá mà anh trèo lên hôm bị nước cuốn ấy à?

Nhân cười hiền lành:

- Chứ còn gì nữa! bọn chúng cũng chạy lụt. Nhưng không phải chỉ có thế thôi đâu. Vẫn còn một nhân mạng nữa, tên này chuyên trị văng tục “ cặc... cặc...cặc... cặc...!”... Để yên người ta kể cho mà nghe, cứ xen vào!

Cả Thuỳ và Lạt cười ngả cười nghiêng. Thuỳ chảy cả nước mắt, tự lấy tay vả vào miệng:

- Đánh chừa cái mồm hay nói leo này! Để yên anh Nhân kể chuyện cổ tích cho mà nghe nào!

Nhân lườm vợ:

- Cứ như trẻ mẫu giáo ấy. Cổ tích cái gì? Chuyện chạy lụt, suýt chết hôm nọ lại bảo cổ tích!

Mắt Thuỳ sáng lấp lánh:

- Vâng, dạo này em hay nói lẫn quá. Anh kể đến đoạn con sên sắp làm thịt con rết rồi.

...Tôi đang khoái trí nhìn con sên từ từ lè cái lưỡi to bẩn thỉu ra vừa cuộn, vừa nuốt con rết vào bụng thì bỗng nhiên: cặc...cặc... cặc... Chắc là cũng bị thuỷ thần cuốn trôi, mắc vào tảng đá, nó vội chúi mỏ chạy lên, vỗ cánh phành phạch, chân bước tập tễnh. Thế là thêm một cư dân lên đảo nữa: Con vịt què. Tôi nằm im, xem con vịt làm gì. Sau một hồi rung rẩy, ngó nghiêng, nó phát hiện ra ốc sên. Nó chúi cái mỏ bèm bẹp xuống, kẹp con ốc rồi ngửa cổ lên trời. Thế là ốc sên nằm trong bụng vịt! Hay quá! Thằng ốc nuốt thằng rết; thằng vịt nuốt thằng ốc! A ha! Vậy thằng nào nuốt mày hả vịt? Là thằng tao chứ còn ai nữa? Tao là chúa đảo! Tao sẽ nuốt mày!

Nhân ngoác mồm rõ to, làm cử chỉ nuốt chửng. Thuỳ sợ hãi nhìn chồng:

- Trời ơi! Anh Nhân! Thế không lo chạy, lại nuốt vịt à? Nuốt làm sao được?

Mắt Nhân bắt đầu có những vằn đỏ:

- Cô im đi! Cô cũng là con vịt bầu! Vịt bầu mà xáo với măng, rê rê mí rê sì...

Lạt lắc đầu ngao ngán Có tiếng Quang gọi to: “ Chị Thuỳ, cho anh ấy đi ăn cơm nhé!”. Thuỳ chạy ra, níu áo bác sĩ Quang, kể vội kể vàng mọi chuyện. Quang chú ý lắng nghe, trán nhíu lại:

- Rất mừng là đã có nhiều biểu hiện tỉnh táo. lúc đó, chị phải dẫn dắt anh ấy về với hiện thực, chị khá thông minh để làm việc này đấy. Nhưng chưa hết hẳn u mê đâu, anh ấy là người nhạy cảm, bị chấn động mạnh, nên chị phải kiên trì. Ban nãy lại va đầu vào cây, tôi hơi lo đấy. Những lúc anh ấy bị mê, tốt nhất là lái câu chuyện sang một hướng khác và để đầu óc nghỉ ngơi. Bây giờ, ăn cơm đi! Nhớ uống thêm nước tâm sen, nhân trần. Mai, chị để tôi đi dạo cùng anh ấy.

Hôm nay, Quang khoác tay Nhân, phòng xảy ra “sự cố” như hôm qua thì sẽ ứng phó kịp thời. Anh ngước mắt lên cây xà cừ:

- Nhân này, nhãn năm nay chẳng có quả gì cả!

Nhân phì cười:

- Nhãn đâu mà nhãn! Xà cừ chứ! Bác sĩ đừng thử tôi nữa. Tôi đang rất tỉnh táo. Muốn về nhà lắm rồi!

Quang điềm tĩnh nhìn bệnh nhân:

- Vội gì, ở đây thoáng đãng, cây cối mát mẻ, anh em mình tâm sự với nhau cho đỡ buồn. Thế trước đây anh dạy văn à? Hồi xưa, tôi dốt văn lắm....

Anh mắt Nhân chợt buồn, đến nỗi Quang cảm thấy ân hận vì câu hỏi của mình. Giọng Nhân trầm đục, khác hẳn những tiếng the thé, dại ngây hàng ngày: “Vâng, nhưng trẻ con bây giờ không thích học văn. Tôi cũng không thích chương trình, cũng như cách dạy văn theo kiểu đang hiện hành”. “ Vậy anh có thể kiến nghị, góp ý với cấp trên...”. Rồi Quang lảng sang chuyện khác: “ à, bà xã buôn bán có khá không... ” Nhân như chợt nhớ ra điều gì: “ Chết rồi! Tôi còn nợ hai mụ ấy câu chuyện trên đảo đá. Hôm qua đang kể thì lại gọi đi ăn cơm. Mấy lần định kể tiếp thì mụ ấy cứ nói nhăng nói cuội, toàn chuyện vớ vẩn, như con mẹ điên ấy, có khi ông phải chữa cho mụ ấy đi. Bây giờ, tôi phải về phòng kể tiếp.” Quang nhìn thẳng vào mắt Nhân: “ Chuyện ấy có thật không?” “ Anh cứ nghe rồi sẽ biết”. Quang theo Nhân về phòng.

... Đến cái đoạn nào rồi nhỉ? à, vịt... tôi nói nuốt tức là muốn bắt nó về mà làm thịt chứ bố ai mà nuốt được, hoạ có là cá sấu. Sau khi băng chặt vết thương trên đầu - thực ra vết thương lúc này chưa bị nặng lắm, chỉ chảy máu nhiều thôi, cú ngã sau mới làm tôi bất tỉnh - tôi quyết tâm bắt con vịt, hy vọng được bữa xáo măng. Đằng nào thì cũng phải chốt ở cái đảo đá này, chờ ứng cứu, tôi bơi kém mà nước lại rất sâu, mênh mông bốn bề trắng xoá. Được cái nước cũng bắt đầu chững lại, không dâng cao nữa. Con vịt què luôn giữ một khoảng cách với tôi, mắt nó đảo đi đảo lại đầy vẻ cảnh giác. Tôi sờ soạng tìm được hai cục đá: Bốp! Mày chết với bố rồi! Con vịt què loạng choạng, toan bay xuống nước nhưng tôi đã túm được, trói nghiến nó lại. Có vẻ như đã hàng tiếng đồng hồ trên đảo, tôi bắt đầu lo lắng ngóng ra xa. Đồng không mông quạnh, mù trắng nước. Mà tôi hỏi bác sĩ câu này, khí không phải: Khi lo lắng quá, người ta sinh ra đau bụng, mót đi ngoài... đúng không? Hầy! Giữa lúc đang bận phải làm cái nhiệm vụ đại tiện cao cả đó thì cái quân khốn nạn ấy xuất hiện... tức thật! Thế mà cũng gọi là Lãnh chúa trời xanh, quân ăn cướp...

Nhân đưa mắt nhìn mọi người, hình như ánh mắt bắt đầu dài dại. Quang đưa cốc nước cho Nhân:

- Anh uống nước đi! Có cần cho thêm đá không?

- Vợ tôi bảo không nên uống nhiều nước đá, dể bị viêm họng... Hừ... cái giống đại bàng lớn quả là ghê gớm. Tôi vừa kéo quần đứng lên, vừa gào thét mà nó vẫn điềm nhiên quắp con vịt của tôi, quạt cánh bay lên. Tôi nhảy với theo, trượt chân ngã bổ chửng, cú ngã này mới là đau đời đây! Trước khi ngất lịm, tôi lờ mờ thấy một con đại bàng khổng lồ thứ hai sà xuống chỗ tôi nằm, nó muốn ăn thịt tôi... Trời ơi! Nó muốn ăn thịt tôi...giữa lúc tôi cô độc nhất, yếu ớt nhất trên thế gian này! Tôi thét lên một tiếng và không biết gì nữa...

Tất cả như hoá đá. Quang nhìn Nhân, giọng anh trầm và ấm, nghe như tiếng vọng sau hậu trường:

- Các vị có thấy không, con người đâu đã phải là chúa tể của muôn loài? Hẳn anh Nhân còn nhớ câu chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Năm nào Thuỷ Tinh cũng đem quân đi đánh Sơn Tinh, chứng tỏ chưa bao giờ Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh cả, mặc dù được Hùng Vương hết lòng ủng hộ.

Nhân mỉm cười:

- Chúng ta nên nhìn nhận câu chuyện này dưới góc độ giải thích hiện tượng thiên nhiên. Nếu ở góc độ tình yêu, theo tôi, chính Thuỷ Tinh mới là kẻ sắt son với mối tình của mình, mặc dù cái cách trả thù của hắn là một sự mù quáng, điên rồ, phải không anh Quang? Có lẽ cả cuộc đời làm bác sĩ, chưa bao giờ Quang lại có những biểu hiện lạ lùng như lúc này. Anh chạy như bay ra ngoài sân, khua cái mũ trắng, hét đến lạc cả giọng:

- Mọi người ơi! Anh Nhân tỉnh rồi! Khôn lắm rồi...!

Thuỳ vừa cười vừa khóc, còn Lạt thì cứ cầm tay Nhân mà lắc:

- Thánh thật! Chú Nhân ơi! Phúc đức cho cô chú quá!


* * *

Việc Nhân khỏi bệnh tâm thần, trở về làng sớm làm mọi người rất vui. Người ta cho rằng Nhân bình phục là do cú va đầu vào gốc cây, khi nhảy xuống tấm đệm. Nó làm “cân bằng” hai lần va đầu vào đá trước đó. Đích thân trưởng phòng giáo dục đến thăm và mời anh quay lại trường dạy học. Vì , như ông ta nói : “ Tôi là người biết nhìn nhận năng lực chuyên môn của anh. Thú thực, tôi rất khâm phục trí tuệ uyên bác của anh...”. Nhưng Nhân lắc đầu buồn bã: “ Cảm ơn anh! . Dù sao đi chăng nữa, tôi cũng có di chứng tâm thần rồi, học sinh nhìn vào... Vả lại, khi lên lớp giảng văn, lúc say sưa quá, tôi hay “lên cơn”, phiền mọi người lắm!”.

Hai tháng sau.

Được sự trợ giúp của Quang và Lạt, Nhân mở một cửa hàng bán sách ngoài thị xã. Mới được vài tuần, dân thị xã đã kháo nhau: Hình như tay này lại giở chứng “hấp” hay sao ấy. Người ta đến mua sách thì cứ việc bán, tiền đút túi là xong. Đằng này, đưa sách cho người ta, bố ấy còn lải nhải: Tác phẩm này hay đấy, đã đọc thì đọc cho kỹ, kẻo phí mẹ nó tiền...; Ôi trời! Cậu có nhớ cái đoạn giữa trang ấy không? Tuyệt cú! Tả thế mới gọi là tả chứ... ; Ai viết đây, ông có biết không? Tôi gọi bằng thánh sống đấy...! vv và vv... Mắt sáng quắc lên, mép thì xầu cả bọt. Có lúc, anh ta còn chửi nhau với cả tay nào vô tình buông vài lời nhận xét dớ dẩn với tác phẩm “ máu thịt” của anh ta.

Âý thế mà không hiểu sao, cửa hàng “ Trọng Nhân – bán sách” lúc nào cũng đông khách.

  Hải Phòng- Tháng 12/2007