NHỮNG TRẬN CHIẾN
CỦA ĐẠI TÁ WACLAW
T rong cả gia đình ở Ba Lan, tôi là người cuối cùng đến thăm bác Waclaw, và sau khi đã ra nước ngoài sinh sống hơn 10 năm cũng vẫn chính tôi thành người báo tin bác qua đời cho con trai bác, anh Adam.
Hồi còn sống ở Ba Lan, vợ chồng tôi hay đến thăm bác. Khi ấy bác đã về hưu, thời oanh liệt 'nay còn đâu', như người ta nói về các quân nhân hưu trí. Không chỉ vậy. Thời thế thay đổi, từ sau 1989, quá khứ của một thế hệ các bác, những đảng viên cộng sản trong Quân đội Nhân dân Ba Lan (Wojskie Polskie Ludowe), còn bị các đảng phái cánh hữu lôi ra phê phán ngay tại diễn đàn Quốc hội, trên truyền hình quốc gia. Một hôm đang ngồi ở nhà bác chúng tôi nghe tin cựu Đại tướng Wojeciech Jaruzelski bị một đảng nhỏ của phe Công đoàn Đoàn kết cũ đòi xem ra tòa xử vì tội “phản quốc”. Bác Waclaw trừng mắt chỉ vào TV mắng:
“Bọn mất dạy, nếu chúng động đến Jaruzelski thì tao sẽ xuống đường đập cho chúng một trận.”
Vợ tôi, là cháu của bác, vội can, “Thôi 'wujek' ơi, cứ để yên, tin vào toà án. Không ai làm gì ông Jaruzelski đâu.”
'Wujek' là cậu hoặc bác đều được vì tiếng Ba Lan không phân biệt ngôi thứ rõ ràng. Đúng ra đại tá Waclaw không phải là bác ruột mà là bác rể, nhưng nay là người thân nhất của chúng tôi ở Warszawa vì bác gái, chị ruột mẹ vợ tôi, đã qua đời.
Bác trai sống một mình trong căn biệt thự ba tầng chính quyền Ba Lan cung cấp cho ông theo tiêu chuẩn sĩ quan cao cấp. Sau thay đổi chế độ, chẳng ai đòi bác trả nhà, và lương hưu cùng các tiêu chuẩn vẫn được giữ nguyên. Căn nhà nằm trên phố Arciszewskiego, khu Bemowo, ngay đằng sau Học viện Kỹ thuật Quân sự Ba Lan tức WAT – Wojskowa Academia Techniczna. Cả khu phố thật đẹp, là các dãy biệt thự nối đuôi nhau bên lề một cánh rừng, nhà nào cũng có cây xanh, hàng rào có rặng nho, hoa dây leo, tạo cảm giác kín cổng cao tường, đúng với không khí một khu vực của giới tướng tá. Nhà bác còn có vườn trước, vườn sau rộng rãi, với táo, lê và anh đào đã lâu năm. Những chiều mùa hè, sau bữa tối, bác hay dẫn chúng tôi đi dạo. Bác chỉ cho đây là nhà của tư lệnh hải quân, kia là nhà của quân khu trưởng duyên hải. Qua hai phố nữa, đến nhà một phó thủ tướng, bác chỉ vào hàng rào có hàng hoa giấy hồng tím nói với vợ tôi:
“Bác gái cháu ngày xưa thân với bà ấy lắm. Một phụ nữ đẹp, sang trọng, trí thức, tiếng Nga rất giỏi.”
Vợ tôi hỏi lại, “Cháu tưởng Lala (tên bác gái) là bạn với phu nhân của tướng Jaruzelski?”
Bác Waclaw cười hãnh diện:
“Lala làm phiên dịch tiếng Pháp cho Bộ Tổng tham mưu nhiều năm thì vợ tướng nào mà không quen. Còn bà Jaruzelska. Một phụ nữ quý phái. Dòng họ quý tộc lâu đời đấy.”
Tất cả những người bác kể đều đã thuộc về quá khứ nhưng bác không bao giờ dùng từ “nguyên”, hay “cựu”, như thể họ vẫn còn đương chức.
Là người Việt Nam sang Ba Lan học đại học vào đúng lúc chế độ chuyển sang dân chủ, các sách giáo khoa cũng đổi hết theo trào lưu mới nhưng tôi không có vấn đề gì với chuyện bác Waclaw là cựu quân nhân của khối xã hội chủ nghĩa cũ. Đó là chuyện đã thành lịch sử, và với chúng tôi, điều thiết thực hơn cả là biệt thự cùng vườn cây rộng của bác trở thành điểm lý tưởng để rủ bạn bè đến chơi. Con phố toàn các ông bà già Ba Lan về hưu thường rất yên tĩnh bỗng có những ngày cuối tuần ồn ào đủ các loại người. Chúng tôi lôi tới đó các bạn Việt Nam, Romania, Nga, Ba Lan, đốt than khói um lên, làm tiệc thịt nướng, gọi là 'grillowanie' ngay dưới hàng táo quả cứ rụng đầy xuống cỏ. Bác Waclaw chạy lăng xăng giúp đồ uống. Bà hàng xóm Alina, vợ góa một ông đô đốc hải quân, nướng bánh mang sang góp vui. Mùa hè vùng Trung Âu mặt trời ở lâu không chịu đi ngủ. Chúng tôi cũng thế, cứ ăn uống chán rồi còn đàn hát, tiếng gì, ai hát được cứ hát tới tận đêm. Xong rồi cả bọn dọn sạch mọi thứ, chào và cảm ơn bác, ra về. Sau vài lần thì bác quen hết các bạn của tôi, chỉ không thể nào nói được tên hai cậu Hùng và Hưng. Vắng các bạn tôi là bác hỏi thăm. Một lần bác hỏi sao lâu không thấy 'Hung', cái thằng tóc húi cua, da đen nhẻm đến nướng thịt nữa. Tôi phải nói dối:
“Dạ, cậu đó giờ về Việt Nam rồi bác ạ.”
Bác cau mặt: “Thế nó đi mà không làm tiệc chia tay à? Nhà rộng thế này cứ đến có sao đâu.”
Tôi ầm ừ cho qua chuyện vì không muốn nói là đã rủ đến nhà bác các thân phận phong trần chẳng hiếm trong cuộc sống dân ta lưu lạc ở nước ngoài. Cậu Hưng mà bác hỏi mới tuần trước vì “đứt giấy tờ” đã luồn rừng sang Đức, hiện bị biên phòng gần Guben bắt, đang ngồi trong tại tạm giam, xin tỵ nạn. Nó cũng nhỉ nhắn tin cho tôi thế chứ tôi biết mà chẳng giúp được gì. Nhưng mà thôi, bác Waclaw ở địa vị cao sang, xa hẳn những điều phức tạp ngoài đời, có nói về di dân lậu, về buôn bán chợ trời, và đủ thứ bất thường xảy ra suốt ngày ngoài phố bác cũng chẳng hiểu. Thế giới của bác đã dừng lại ở một thời xa vắng thì tôi cứ đành để nó ở đấy.
Mùa đông, tôi và vợ thường đến thăm bác rồi ở lại qua đêm trong căn nhà có bốn phòng ngủ thênh thang. Ngoài vườn tuyết rơi, trời giá lạnh, trong căn nhà ấm áp, chúng tôi uống trà, ăn bánh, nghe ông kể các chuyện ngày xưa. Trong câu chuyện đó luôn có một người vắng mặt là anh Adam, định cư ở Canada.
Quê bác Waclaw ở vùng tranh chấp hàng trăm năm với Đức và chỉ thuộc về Ba Lan sau giành độc lập năm 1918. Khi bác còn là cậu bé học lớp 6 thì Thế Chiến 2 nổ ra. Quân Hitler tấn công Ba Lan, nhanh chóng đánh bại quân đội nước cộng hòa tư sản yếu ớt và đem ngay cả vùng phía Tây nước này nhập vào Đế chế phát-xít, gọi là 'giành lại lãnh thổ'. Tư lệnh lực lượng SS khét tiếng, Heinrich Himmler ra sắc lệnh phân loại cư dân, ưu tiên nhóm thiểu số Đức (Volkdeutsch) và đặt người Ba Lan làm công dân hạng hai, đối tượng bị đồng hóa cưỡng bức. Nếu như người Do Thái ở các vùng Đức chiếm đóng phải mang dấu màu vàng, hình ngôi sao David sáu cánh có đóng dấu J (Juden), bị tống vào các biệt khu để chờ đi trại tập trung, thì quân Đức “tử tế” hơn với người Ba Lan. Họ không phải dán chữ gì trước ngực áo nhưng trong giấy tờ có dấu P – Polak (Ba Lan), để phân biệt với người Đức. Gia đình bác Waclaw không muốn con phải học trường tiếng Đức của chế độ Hitler nên để con trai học ở nhà theo chương trình của Ba Lan. Giáo dục bí mật như vậy là hành động phản kháng, nếu bị lộ thì nhẹ là đi tù, còn nặng là bị bắn tại chỗ. Thật may, Waclaw trải qua tuổi thiếu niên khá yên lặng và không thiếu đói, nhờ cha mẹ có cửa hàng thực phẩm, bán sữa, nông sản. Ngoài giờ làm phụ cha mẹ ở cửa hàng, anh tự học, đọc sách, đọc Kinh Thánh trong hầm chứa rau. Nhưng khi Waclaw đến tuổi 17 thì một vấn đề nan giải xảy ra. Tới giữa năm 1944, khi quân Đức thua liên tiếp ở Mặt trận Phía Đông chống Liên Xô, chính quyền Nazi tăng cường bắt lính. Chúng đổi luật, mở rộng tiêu chuẩn 'người gốc Đức', từ nay bao gồm cả con em các gia đình từng sống ở vùng thuộc Đức trước năm 1918. Waclaw có nguy cơ bị bắt vào quân đội Đức nên cả nhà đã làm một bước mạo hiểm là cho anh đi trốn, vượt tuyến sang phía Đông, nơi binh đoàn quân Ba Lan cộng sản của Tướng Zygmunt Berling cùng quân Liên Xô đã tiến vào lãnh thổ phía Đông Ba Lan. Ngày quân Đức bị đuổi hết đi, binh nhì Waclaw trở về quê, oai phong trong quân phục của Quân đội Nhân dân Ba Lan. Vì vào quân đội và Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan từ ngày lập quốc nên chiến sĩ Waclaw nhanh chóng thăng tiến trong binh nghiệp ở thời đại mới.
Bác Waclaw có kể sau cuộc chiến chống phát-xít Đức, bác tham gia chiến dịch Wisla truy quét Quân đội Quốc gia Ukraina (UPA), lực lượng đánh Đức trong Thế chiến nhưng không tuân phục Liên Xô và từ năm 1946 đã lập chiến khu ở phía Tây Nam Ukraina, hoạt động cả trên lãnh thổ Ba Lan. Tháng 3 năm 1947, họ chặn đường, đánh mìn giết chết tướng Karol Swierczewski của quân đội Ba Lan. Chính quyền quyết định đem 20 nghìn quân chủ lực vào cuộc. Với sự hỗ trợ của xe tăng, trọng pháo Liên Xô, được cả quân Tiệp Khắc khóa biên giới giúp, quân Ba Lan tiến vào vùng núi của ba tỉnh Krakow, Rzeszow và Lublin, bình định các thung lũng, làng mạc. Bác Waclaw nói giao tranh có xảy ra nhưng không nhiều và số thương vong hai bên thực ra là chẳng đáng kể, so với các chiến dịch vĩ đại năm 1945. Bác kể lại kỷ niệm lần đầu không có sữa bò mà phải uống sữa dê vài tuần liền khi đi vào đóng sâu trong hẻm núi. Sau ba tháng hành quân, phía Ba Lan xóa sổ hết các tiểu đoàn của Quân UPA, khiến họ chỉ còn chừng trên 500 quân chạy trốn vào các vùng núi cao.
Nhưng điều bác Waclaw không kể hoặc không muốn kể mà tôi đọc được về sau, là chiến dịch Wisla chỉ là chương đầu cho một câu chuyện buồn đau về vấn đề sắc tộc. Từ năm 1947 đến 1950, để đảm bảo an ninh vùng biên giới Đông Nam, Ba Lan cưỡng bức hàng trăm nghìn dân thiểu số Ukraina và sắc tộc Lemko phải bỏ nhà, lên định cư ở vùng biển Baltic. Vài nghìn đàn ông bị nhốt vào trại Jaworzno, một cơ sở cũ thuộc mạng lưới trại tập trung Auschwitz của phát-xít Đức trước kia. Sau nhiều tháng ngồi tù không án, họ được thả, và là những người may mắn hơn đồng hương của họ bên phía Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Ukraina thuộc Liên Xô. Bên đó, hàng nghìn người bị đày đi Siberia.
Phải sang thập niên 1990, hai nước Ba Lan và Ukraina thời dân chủ mới có các động tác hàn gắn, hòa giải mà nổi tiếng nhất là cuộc gặp của hai tổng thống Kwasniewski và Kuchma, tưởng niệm tất cả các nạn nhân chiến tranh. Ở Ba Lan, người ta còn dựng trong khu trại Jaworzno một bức tượng tưởng niệm những người thiệt mạng. Tôi không hỏi bác Waclaw về những điều mới xảy ra sau này. Mà có hỏi chắc gì bác đã trả lời.
Một lần xem bộ ảnh cũ, tôi thấy hình bác mang hàm đại uý, dáng cao lớn, đội mũ sĩ quan lệch sang một bên, đứng giữa hai cô gái xinh đẹp, cười rất tươi, Đằng sau họ là căn nhà treo tấm băng-rôn chào mừng quân đội Ba Lan. Tôi hỏi bác ảnh ở đâu. Bác đeo mục kỉnh lại xem cho kỹ rồi bảo, “À, ở Tiệp Khắc năm 1968”. Tôi giật mình. Sang Ba Lan tôi học lại môn lịch sử nước này và biết về cuộc tiến quân của Khối Warszawa vào Praha. Sự kiện lịch sử đẫm máu này nay bị dư luận lên án.
Bác Waclaw tham gia chiến dịch Danube, làm trợ lý tác chiến cho một tiểu đoàn trưởng pháo binh cùng Quân đoàn II Ba Lan tiến vào chiếm vùng Tây Bắc Tiệp Khắc, bọc lót các tuyến hành quân cho sư đoàn thiết giáp của Liên Xô từ căn cứ Legnica, nằm sát biên giới Ba Lan – Đông Đức kéo thẳng vào thủ đô Liên bang Tiệp Khắc, dập tắt Mùa Xuân Prague. Năm ấy, Moscow quyết định giải tán ban lãnh đạo của Tổng bí thư Aleksander Dubcek vì họ đòi dân chủ và tự do chính trị. Bác Waclaw kể quân đội Tiệp Khắc đã bị đánh lừa nên không phòng bị gì hết. Là thành viên của Khối Hiệp ước Warszawa họ chỉ đề phòng NATO, không ngờ bị các đồng chí cùng phe đánh vào. Bác nhớ lại là quân Ba Lan từ vùng núi Silesia phía Nam di chuyển đến biên giới là xe pháo dừng lại, quân xa tắt máy trước đường biên hàng chục cây số. Ngày hôm trước, lính biên phòng Ba Lan ở cửa khẩu Lubawka còn sang uống bia ở đồn biên phòng Kralovec của Tiệp Khắc và để một nhóm đặc công Ba Lan cải trang, đã ở lại qua đêm bên đất bạn. Bác Waclaw nhớ rất kỹ là rạng sáng hôm sau, ngày 21 tháng Tám, trời nắng chói chang, vùng núi biên cương nhiệt độ lên cao, bác cùng đơn vị tiến sang Tiệp Khắc. Không một ai kháng cự. Bác Waclaw cùng các chiến sĩ quân Ba Lan vẫn vào các quán bia và được hầu bàn bưng bia ra mời. Nhưng sau đó, họ muốn trả tiền cũng không ai nhận. Dân tộc Czech vốn từng bị Hitler khuất phục trong Thế Chiến II, có cách phản kháng tế nhị: “Các anh có thể lấy bia nhưng chúng tôi không bán.” Sau một đêm, tại nơi đại uý Waclaw và đồng đội đóng quân, trên tấm bạt phủ pháo xuất hiện các dòng chữ tiếng Ba Lan: “Các bạn đang chiếm đóng một đất nước xã hội chủ nghĩa.” Một hôm khác lại có những dòng chữ bằng vôi trắng trên tường nhà: “Polacy! (Người Ba Lan ơi), tổ quốc của các anh nằm bên kia biên giới”. Người Tiệp xoay biển phố để quân Ba Lan và Liên Xô đi lạc đường. Họ cũng hát các bài ca cách mạng từ thời chống phát-xít Đức. Tình hình ngày càng không đơn giản và đến tháng 9 năm đó, quân Ba Lan rút về. Tôi hỏi từ đâu mà bác có tấm hình chụp với hai cô gái Czech. Bác cười bảo đó là tư liệu tuyên truyền quân Ba Lan mang sang chứ người địa phương không ai chào đón cả. Hai cô gái đó hóa ra cũng là lính Ba Lan trong một đơn vị quân y. Tuy thế, bác Waclaw cam đoan với tôi rằng không hề có chuyện dân Czech thù oán đoàn quân của bác năm đó.
Bác giải thích: “Người Czech không ưa thích gì người Ba Lan đã từ nhiều thế kỷ rồi, chứ không phải vì vụ 1968. Họ chỉ thích theo Đức. Cháu thấy đấy, suốt thời Hitler chiếm Tiệp Khắc có người Czech nào chiến đấu đâu. Họ đầu hàng để bảo vệ phố cổ Praha.” Ông già phẩy tay ra vẻ coi thường. Tôi im bặt. Kinh nghiệm sống ở nước ngoài khiến tôi học được thói quen không tỏ thái độ chê bai bất cứ dân tộc nào. Vả lại, những ý nghĩ của bác đã như quân lệnh cứng trong trí nhớ rồi, tranh cãi khó làm lay chuyển điều gì.
Sau chiến dịch Danube, ông Waclaw lên thiếu tá và chuyển về làm giảng viên khoa Pháo binh – Tên lửa ở Học viện Kỹ thuật Quân sự danh tiếng tại thủ đô. Adam đi học ở Warszawa, và là con một nên được cha mẹ chiều chuộng. Anh hưởng hết những gì tốt đẹp nhất nước Ba Lan của thập niên 1970 đem lại. Đó là thời Ba Lan mở cửa, nhập hàng hóa Phương Tây, nhận đầu tư từ Ý, Pháp, Anh. Năm 1974, bác Waclaw lên đại tá, lương cao hơn, tiêu chuẩn cao hơn và tham gia nhiều dự án lớn của quân đội Ba Lan trong Khối Warszawa. Các chuyến công tác thường đưa bác sang Moscow, Đông Berlin, Praha, Budapest, Sofia và nhiều lần như vậy, Adam và mẹ được đi cùng cha dự các buổi giao lưu với gia đình sĩ quan các nước anh em, kết thúc bằng kỳ nghỉ ở Biển Đen hoặc hồ Balaton. Adam học giỏi, thạo ngoại ngữ Anh, Pháp và sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương (SGH) danh giá, đã vào làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu của nhà nước. Cuộc đời tưởng như chẳng còn gì đẹp hơn cho đến khi xảy ra biến cố đảo lộn cuộc sống của cả ba người.
Trận đánh lớn thứ nhì của bác Waclaw không phải là cuộc hành quân ra ngoài biên giới mà là Thiết quân luật năm 1981. Vợ tôi kể lại là hồi còn học lớn 5, một ngày mùa đông âm độ, hai tuần trước Giáng Sinh năm 1981, ba mẹ cô ấy mở cửa sổ ra ban-công nhìn thấy xe tăng và quân lính đứng chặn góc phố. Bật truyền hình lên thì mọi chương trình bình thường đã biến mất, chỉ có đại tướng Wojciech Jaruzelski ban bố thiết quân luật, đưa đất nước 38 triệu dân vào chế độ quân quản. Ở thủ đô, các sĩ quan cao cấp như đại tác Waclaw nghiễm nhiên được phụ trách việc giám sát cả các hoạt động dân sự ở khu phố. Ở khu nhà binh tưởng chẳng có gì phải lo nhưng thực tế lại khác hẳn. Điều này tôi nghe bà mẹ vợ kể lại chứ bác Waclaw không hề kể.
Hơn một năm rưỡi thiết quân luật phá nát các tế bào trong xã hội Ba Lan. Với bác Waclaw, sự phản kháng đến ngay từ bác gái trong nhà. Và không chỉ có bà mà nhiều vợ tướng tá khác ngày càng không hài lòng với tình trạng Thiết quân luật kéo dài, và họ thể hiện bằng nhiều động thái 'không chê vào đâu được'. Như hàng vạn người Ba Lan khác, đầu tiên là họ tẩy chay bản tin thời sự buổi tối trên truyền hình đã biến thành truyền hình quân đội, chỉ đăng các bản tin ca ngợi sự ổn định của xã hội do Hội đồng Quốc phòng Cứu nước lãnh đạo. Cứ đến giờ là các bà vợ bỏ ra ngoài cùng nhau đi dạo. Họ đi hết phố này sang phố khác cho đến khi bản tin 30 phút chấm dứt mới về nhà. Mạnh mẽ hơn, mỗi khi tin tức nghe lén qua BBC Luân Đôn, qua đài Châu Âu Tự do từ Munich cho biết rằng có thêm một công nhân bị bắt chết, các bà vợ, bà mẹ Ba Lan, gồm cả bác gái Lala, lại đốt một ngọn nến để trên cửa sổ nhà.
Bác Waclaw bị đuổi ra ngủ ở phòng riêng và cậu con trai thì ít về thăm cha mẹ hơn. Adam luôn viện lý do là cha mẹ ở phố quân đội, ra vào bị quân cảnh xét hỏi nên anh ở chỗ thuê nhà với bạn gái cho dễ thở. Thường thì anh vẫn gọi điện đều hỏi thăm sức khoẻ hai người nhưng bỗng bẵng đi sau dịp năm mới 1982.
Thiết quân luật lại là thời gian bận rộn với đại tác Waclaw. Các hoạt động chung với quân Liên Xô tăng lên. Nhờ sự trung thành với Đảng và nhà nước, kiên định với đường lối chính trị chính thống, ông được chọn sang Liên Xô học khóa chính trị cao cấp ở Học viện Bộ Tổng Tham mưu mang tên nguyên soái Kliment Voroshilov. Đây là tiêu chuẩn quan trọng để ông lên cấp tướng. Một ngày đầu mùa hè, ông ra nhà ga trung tâm, chia tay vợ và lên tàu liên vận cùng một nhóm sĩ quan Ba Lan sang Moscow. Con tàu chậm chậm qua sông Wisla đi về phía Đông nhưng đến ga tiếp theo thì dừng lại, và dừng khá lâu. Một nhóm quân cảnh lên toa yêu cầu ông Waclaw xuống tàu và quay trở về Bộ Quốc phòng Ba Lan “có việc gấp”. Tại đó, ông đau đớn nghe tin Adam cùng người yêu đã trốn sang Áo, vào trại tỵ nạn ở Vienna và tuyên bố từ bỏ Ba Lan, xin ở lại Phương Tây. Anh không phải là người duy nhất bỏ đi vì kể từ khi có Thiết quân luật, hàng vạn dân Ba Lan đã trốn sang Tây Berlin, Áo bằng đường bộ. Có người còn bơi thuyền thể thao sang Thụy Điển thành công. Nhưng việc Adam bỏ đi đã chấm dứt sự nghiệp của bác Waclaw. Vì lý do an ninh, người ta còn khám nhà hai bác xem Adam có lấy tài liệu quân sự gì củ̉a cha mang sang Phương Tây hay không. Lý lịch của bác Waclaw bị đen. Cho đến ngày về hưu bác không còn được thăng cấp.
́Trong căn nhà rộng nay chỉ còn mình người quân nhân góa, sinh hoạt hàng ngày rất đơn giản nhưng hết sức kỷ luật. Bác Waclaw luôn dậy sớm, từ 5 giờ30, như thể tiếng kèn doanh trại vẫn gọi. Bác đi kiểm tra khắp các phòng, lên cả tầng trên cùng, để xem lỡ đâu mưa đêm hôm trước có làm dột mái. Bác mở một số cửa số cho thoáng khí từng phòng, và sẽ đóng lại vào buổi tối. Sau bác xuống bếp làm bữa sáng, luôn là một quả trứng tráng với một khúc xúc-xích, cốc trà đen bỏ hai viên đường, và một lát bánh mì. Mỗi tuần hai lần, bác ra thăm mộ vợ và trên đường về thì xách một bình nước nguồn ở vòi công cộng, cung cấp nước từ tầng địa chất Olgocen mà người Ba Lan tin là sạch và nhiều khoáng chất tốt hơn nước máy bình thường. Bác dùng nước đó để nấu ăn, pha cà phê và trà. Bác còn cặm cụi hái cả hoa và lá non cây cẩm quỳ (lipa) xấy khô để đun thành một loại trà mà bác bảo uống tốt lắm. Sau nhiều mùa lượm lặt, căn bếp củ̉a bác đầy ắp các lọ đựng hoa, lá xấy khô, bên cạnh chao ôi là nhiều bình dưa chuột muối. Nói thật là tôi đã thử trà lá cây của bác mà không thấy ngon, chỉ độc một vị hăng hăng. Nhưng người già ở đâu chẳng thế, luôn lo xa những điều vụn vặt và ham tích trữ những thứ “có lợi cho sức khoẻ”. Những lần đến ở nhà bác tôi để ý thấy lưng bác đã còng, bước lên cầu thang chân đã chậm, và sau bữa sáng luôn là giờ đo huyết áp, và uống thuốc.
Một lần thay vì rán trứng, vợ tôi đun gói mì tôm cho bác ăn sáng. Bác khen ngon nhưng ngay lập tức hỏi:
“Chúng mày cho bác biết ăn thứ mì lạ này sau có uống thuốc được ngay không?”
Bọn tôi ngớ người ra. Bác băn khoăn về chuyện đó tới mức chúng tôi phải bịa ra là mì Việt Nam rất tốt cho người cao huyết áp, bác đừng lo.
Bác gật gù bảo: “Học viên quân sự Việt Nam ngày xưa học trong khoa Tên lửa của bác đứa nào cũng gầy nhom mà khoẻ lắm.”
Rồi bác chỉ tay vào tôi, hỏi: “Quê cháu chắc không có người cao huyết áp, béo phì?”.
Tôi bật cười, “Nhiều lắm bác ơi, kinh tế phát triển thì lại ăn lắm, béo hú lên ấy.”
Giờ thì đến lượt bác gật gù:
“Đúng đấy. Cái thời này chẳng ra gì, Ba Lan cũng vậy, có nhiều tiền nhưng chỉ đua nhau ăn và phá. Nghị sĩ quốc hội gì mà toàn bụng bự. Thanh thiếu niên thì vô kỷ luật.”
Rồi bác lại quay về chuyện ngày xưa:
“Adam trước ngày nào cũng phải tập thể dục đúng giờ, phải đạp xe, tập tạ. Không như bọn trẻ bây giờ, cháu bà Alina kia kìa. Quần rách, thắt lưng đeo kiểu gì mà hở cả đít, đầu tóc xanh xanh đỏ đỏ chẳng ra con ma gì.”
Bọn tôi cười vang nhà. May mà hôm đó vợ tôi không mặc cái quần cắt ống, rách “sành điệu” vài nhát ở đùi. Mẹ vợ tôi kể Adam ngày xưa sợ ông bố “quân kỷ” nhất nhất bắt anh phải cắt tóc ngắn, phải mặc quần áo nghiêm chỉnh. Muốn đi chơi, mặc quần jeans, áo chim cò của thời 1970 cũng phải có bộ riêng để ở nhà bạn, lúc đi chơi thì sang thay. Anh không có biểu hiện “nổi loạn” công khai chống lại cha cho đến ngày không chịu được thì vượt biên luôn. Thế nhưng, đã bao năm qua mà căn nhà vẫn đầy hình ảnh của Adam. Chỗ này có giấy khen học sinh giỏi của Adam, chỗ kia huy chương thể thao vàng rực. Trên kệ còn để nguyên các tập ảnh anh không mang đi. Tôi chú ý nhất tới một tranh chân dung của anh do bạn hồi sinh viên vẽ, để trên bệ tủ đầy họa báo về ô-tô, xe máy Ba Lan thời xã hội chủ nghĩa. Từ bức tranh nền xanh là một thanh niên tóc vàng, khoác trên vai một tấm khăn có hình đại bàng đỏ kiểu của tụi thanh niên thời đó đi nghe các băng nhạc rock Ba Lan. Anh nghiêng đầu, nheo mắt nhìn ngược về phía sau, vẻ ngỗ nghịch. Bác Waclaw còn giữ nguyên phòng củ̉a Adam như lúc anh còn ở nhà, cho đến khi tôi đòi lấy chiếc xe đạp thể thao còn khác tốt của anh ấy ra chạy. Bác đồng ý ngay và bảo bác vẫn lau xích, tra dầu bảo quản nó, chỉ có lốp xe cần bơm lại. Nói thế chứ tôi không dám phá chiếc xe mà bác nâng niu bao năm. Những ngày đẹp trời, tôi chỉ lấy nó ra phố, chạy vài vòng quanh khu trường bắn cũ của Học viện quân sự rồi phóng về, lau chùi cẩn thận để bác không phật ý.
Tôi biết về anh Adam khá lâu trước khi gặp lần đầu, và cũng là lần cuối cùng. Đó là khi anh từ Canada cùng một phái đoàn cao cấp thăm Ba Lan. Buổi trưa, Adam gọi điện bảo tôi đến đón ở Marriott, khách sạn sang trọng nhất thủ đô Ba Lan những năm ấy. Tôi phóng chiếc xe cũ kỹ tới tòa nhà chót vót mà không biết đỗ xe chỗ nào. Cuối cùng, tôi phi luôn xe vào cổng chính. Một anh bảo vệ mặc 'quân phục' có cầu vai như tướng Nga, phù hiệu đỏ rực ra hỏi. Tôi nói tôi đến đón vị khách từ Canada ở phòng như thế, tên như thế và cần đỗ xe. Anh ta chỉ cho tôi vào lối tới bãi đỗ xe dưới hầm ngầm, tất nhiên là 'miễn phí'. Tôi lấy thang máy lên phòng g̣ặp Adam trên tầng 18. Cửa mở, một người đàn ông cao to, rất điển trai mời tôi vào. Đây là Adam, trong bộ áo véc len gì rất mịn, rất sang, khác hẳn áo ngả màu của mấy ông giáo sư trường tôi. Anh có mái tóc không còn vàng mà ngã màu nâu đậm, đã cắt ngắn, không để dài như trong ảnh hồi trẻ. Đã bao nhiêu năm rồi còn gì. Anh bắt tay tôi tự nhiên như thể đã quen từ lâu. Tôi chở anh về nhà ông bác.
Hai người nói chuyện với nhau rất gượng gạo như thể chẳng có gì để nói. Tôi xin phép về thì Adam bảo cứ đợi rồi lát nữa đưa anh quay trở lại khách sạn. Anh nói với tôi để cho bác Waclaw cùng nghe rằng anh chỉ có chiều nay rảnh, vì lúc này, thủ tướng Canada Jean Chretien đang hội đàm với tổng thống Ba Lan Lech Walesa. Anh thuộc phái đoàn doanh nhân không dự họp nhưng đến tối sẽ về cùng đoàn dự tiệc ở Hoàng cung, do chính phủ Ba Lan chiêu đãi.
Tôi hỏi anh chuyện chính trị hai nước đã đọc ở đâu rằng năm trước ông Walesa thăm Canada và nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Canada để Ba Lan gia nhập NATO.
Adam xác nhận, “Đúng thế, và lần này Jean Chretien sang thăm Ba Lan đáp lễ, và sẽ ra tuyên bố về hợp tác quân sự.”
Bác Waclaw nghe đến đó thì bật ra một câu, “Việc gì phải vào NATO, để làm tay sai cho Mỹ à? Canada có một nhúm dân nên phải theo đuôi Mỹ, Ba Lan đã thôi Liên Xô thì phải độc lập. Độc lập thật, không theo thằng nào.”
Không khí nóng lên, anh Adam nói câu gì đó tiếng Ba Lan mà tôi không kịp nghe. Uống hết cốc trà bác Waclaw pha cho, anh đứng lên luôn, cầm mũ, bảo tôi đưa anh ra trung tâm “có chút việc”. Tôi ớ người ra, không dám nói gì. Họ gặp nhau nhanh quá. Mỗi lần về Việt Nam thăm nhà tôi đều cố gắng ở lâu hơn, mà nay chỉ mươi phút anh Adam đã bỏ đi, thật tiếc thay cho họ. Hay là lỗi tại tôi đem chuyện chính trị ra hỏi? Thế nhưng tôi dù gì thì cũng vẫn là người ngoài, và là người nước ngoài nữa. Có cảm giác là hai người đàn ông Ba Lan, một già, một trung niên sắp cãi nhau vì những bất đồng tồn đọng từ lâu, tôi xin phép ra xe trước.
Chở Adam vào lại khu trung tâm qua khu phố nghèo Wola đầy đường ray tàu điện cũ kỹ, gồ ghề, lục cục dưới bánh xe ô-tô, tôi nói chuyện với anh và hiểu vì sao anh ra đi không trở lại. Anh muốn chạy trốn khỏi người cha quân nhân khó tính, muốn tìm tự do, bỏ nước Ba Lan lúc ấy chỉ một màu xám. Bác Waclaw có nhiều thành tích chiến trận, có mặt ở tất cả những lần “động binh lớn” của quân đội Ba Lan, nhưng đã không thể thắng được những suy tư của con trai, của một thế hệ khác khi đất nước Ba Lan củ̉a bác chuyển mình. Càng nói chuyện tôi càng thấy Adam không lạnh lùng, cao sang, xa lạ như “người từ Phương Tây trở về” mà trái lại rất dễ chịu, có hiểu biết rộng. Từ ngày sang Canada anh đã ly hôn một lần, rồi lập gia đình với một phụ nữ vùng Quebec, nói tiếng Pháp. Anh đã đi khắp thế giới và rất thành công trong sự nghiệp. Anh nói cha anh không chỉ có cái nhìn rất hạn hẹp về thế giới, mà còn hết sức khó tính với mẹ anh lúc bà còn sống. Anh ẫn giận cha đã không cho mẹ sang thăm anh khi vợ chồng anh sinh con đầu lòng. Tôi lắng nghe, không lên tiếng gì bênh bác Waclaw. Tôi hỏi anh muốn đi đâu, anh nói cứ để anh xuống ở khu Thành Cổ, anh đi dạo rồi sẽ tự về khách sạn.
Bắt tay anh một cái tôi chỉ kịp nói: “Nếu anh không về thì đến hè cho thằng con về thăm bác, bọn em sẽ đón và cho nó đi chơi.” Adam gật đầu rồi rảo bước đi. Hè năm đó, bác Waclaw rất ngạc nhiên và vui là Stanley, cậu con 11 tuổi của Adam về thăm. Chúng tôi đưa bác ra sân bay đón nó, nhìn bác ôm hôn thằng cháu người nước ngoài, chỉ lí nhí được mấy câu chào bằng tiếng Ba Lan mà thấy xúc động lây. Tôi cũng thầm vui đã làm được một việc tốt. Vợ tôi nói được tiếng Pháp đã dọn đến ở nhà bác cả tuần để làm phiên dịch cho hai ông cháu. Hóa ra thằng bé cũng hiểu khá nhiều tiếng Ba Lan vì nghe bố, chỉ chưa bật được ra như đa số bọn trẻ có cha mẹ nhập cư tới một nước khác ngôn ngữ. Sau một tháng hè thì nó nói khá trôi chảy các câu đơn giản và theo ông đi chơi khắp các nhà hàng xóm. Dạo đó tôi bận việc, ít qua thăm bác nhưng vợ tôi kể là bác Waclaw như trẻ lại, suốt ngày bận bịu, nào đưa Stanley đi tàu điện vào phố ăn kem, rồi đi chợ, đi bơi. Bác khoe là Stanley rất thích vào bảo tàng quân sự để vẽ lại súng, pháo, quân xa, những thứ bác rất quen.
́Một sáng mùa đông, đang ngồi trên tàu đi vào London thì tôi nhận điện thoại từ bà mẹ vợ nói bác Waclaw vừa mất. Bà nhờ tôi báo tin dữ cho Adam. Tôi lờ mờ cảm thấy bà không muốn nói chuyện trực tiếp với người cháu vốn đã rời khỏi quê hương từ lâu lắm rồi và sau khi định cư ở Canada chỉ về Ba Lan có vài lần. Chuyện anh ấy ra đi hóa ra vẫn để lại nỗi đau cho các cụ thế hệ đó. Tôi nhẩm ra là giờ Canada còn sớm lắm nên nói với bà là sẽ báo ngay trong ngày.
Đến buổi trưa giờ Anh, tôi bấm máy cho Adam và chỉ nói ngắn gọn là: “Bác vừa mất, anh về đi và cần hỏi chi tiết thì gọi cho bà Alina hàng xóm, bọn em sẽ không về nhưng bố mẹ sẽ tới dự đám tang ở Warszawa.” Anh lặng đi, không nói gì thêm, chỉ cảm ơn tôi và tắt máy.
Bác Waclaw mất được hai năm tôi mới có dịp về thăm lại Ba Lan và vợ dặn là nhớ hỏi thăm bà Alina. Một ngày trước khi trở lại Anh, tôi gọi điện,
chỉ định nói chuyện mấy câu thôi thì lại được bà bảo rằng trước khi bán nhà anh Adam có gửi lại bà một số sách vở chắc là của tôi
vì toàn chữ Việt Nam, nếu tôi muốn lấy thì tới. Trước giờ ra sân bay, tôi lấy taxi lại thăm con phố cũ. Nhà bác Waclaw đã có người
khác dọn vào, ngoài bờ tường đang đầy giàn giáo. Chủ mới hẳn muốn xây lại hoặc nâng thêm tầng cho ngôi biệt thự mà sửa sang lại
sẽ có giá ít nhất một triệu đô la. Tôi nhận mấy cuốn sách, chia tay bà Alina rồi ra phi trường. Máy bay lên cao rồi tôi mới mở cuốn
'Người gác đèn biển' của Henryk Sienkiewicz đã sờn gáy ra xem lại. Một tấm ảnh rơi ra. Bác Waclaw ngồi bên bàn, một bên là tôi,
một bên là bà Alina. Tôi nhớ hôm ấy sau một buổi tụ họp Hưng chụp tấm hình đó và khen “Gia đình đẹp lắm”.
Máy bay tiếp tục lấy độ cao, trườn vào các tầng mây, ra khỏi không phận Ba Lan. Ở trên cao kia, hẳn bác Waclaw gật
đầu đồng ý: “Tak, bardzo ladna rodzina.”
Kent, Anh Quốc 2019