MÙA NƯỚC NỔI NAM BỘ
H ôm rồi con gái đi chợ về, khoe mua được mớ cá linh còn tươi rói. Hỏi bao nhiêu một ký? Câu trả lời làm giật mình: Sáu chục ngàn! Con chỉ mua nửa ký kho lạt ăn đỡ ghiền thôi. Biết cả nhà mình thích cá linh mà. Nhìn mấy con cá vẫy bạc lấp lánh lớn cở hai ngón tay nằm trong thau mà lòng nao nao bao nỗi cảm hoài.
Cứ mỗi năm con nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước từ từ dâng lên, dâng lên. Cư dân hai bên sông lại hồi họp, náo nức đợi nước tràn về, kéo theo bao loài cá tôm. Ngay từ tháng sáu, tháng bảy, khi lớp lớp phù sa cuồn cuộn đổ về thành mùa nước son đỏ quạch, đám cá bống trong hang hốc sông rạch bị đỏ mắt phải trồi lên bám vào các chùm rễ của những giề lục bình trôi trên sông. Chỉ cần nắm một giề lục bình đưa lên cao, đã nghe tiếng lách tách quẫy mình của loại cá nhỏ xíu đem “Kho tiêu, kho mỡ, kho hành” ăn hoài không biết chán này. Qua mùa nước son, cùng với những ngày mưa già trên vùng châu thổ là mùa nước nổi. Trong lòng người dân miền Nam, hình như cái tên gọi “mùa lũ” vẫn còn lạ lẫm bởi con nước từ trên đổ về phía hạ nguồn vẫn dâng lên từng bước cho đến lúc khắp nơi con nước trên sông rạch tràn trề miên man . Tôi nhớ cách đây chỉ vài chục năm thôi, những ngày rằm, ngày ba mươi tháng tám, tháng chín và cao điểm nhất là tháng mười, cư dân theo nghề hạ bạc vẫn vui vẻ đón mùa nước về với hi vọng cuộc mưu sinh những ngày này sẽ khấm khá hơn, sẽ thêm chút thu nhập để chuẩn bị đón cái Tết liền kề. Đó cũng là lúc cá linh về trắng chợ, đầy sông. Làm sao quên được mùi vị ngọt thơm, béo ngậy của nồi cá linh non nấu ngót nhúng bông điên điển rực vàng mà bà con chống xuồng đi tuốt từng cụm thả vào khoang cho đến khi đầy ắp. Có người còn nói sống ở đồng bằng Nam Bộ mà chưa ăn được món này thì coi như uổng phí cả cuộc đời. Đâu chỉ có vậy, con cá linh về nhiều đến nỗi mắm cá linh, nước mắm cá linh cũng trở thành đặc sản của vùng châu thổ này. Quả có một thời những mùa nước nổi hằng năm đem nước về tưới tắm cho ruộng đồng rồi khi rút đi đã để lại lớp lớp phù sa màu mỡ cho vườn tượt xanh mướt, sum xuê. Nếu gọi đây là mùa lũ thì đó cũng là cơn lũ lành mà cư dân xứ này bao đời biết sống chung hòa bình với nó.
Mấy năm gần đây nào là đắp đê bao chống lũ, nào là xây đập thủy điện và bao nhiêu thứ khác nữa, mùa nước nổi mỗi năm dường như ngày càng cạn nước, héo hắt. Lưu lượng nước bất thường, lên xuống không đều khiến những người sống bám vào sông nước càng ngày càng hoi hóp, khốn đốn. Còn nhớ những năm cá nhiều đến nổi mỗi ký mua tại ghe chỉ có 5000 đồng, lên sạp thì được 10.000. Buồn nhất là những nồi lẫu cá linh bây giờ có khi phải ăn cùng bông điên điển trồng bên Thái Lan làm giảm đi biết mấy mùi vị của món ngon mùa nước nổi này. Bởi giờ làm gì có điên điển mọc hoang khắp nơi, ngày thường khô cằn, chỉ đợi nước về là ra bông rực vàng, mỗi lần tuốt xuống cả ôm, ăn không hết như ngày xưa.
Ơi, những mùa nước nổi tràn sông! Ơi, những chú cá bống nhảy lách tách, lách tách trong mưa, những chú cá linh quẫy mình trắng dã trong khoang ghe…Có phải mọi thứ rồi mỗi ngày mỗi xa?