Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









TÚP NHÀ BÊN SƯỜN NÚI





H ai anh em Khôi và Nhi mang mỗi đứa mỗi bó củi vừa hái được bước lại bên suối. Bỏ bó củi trên bờ, hai đứa lội xuống suối tắm. Nước suối trong, mát, róc rách từ các khe trên triền cao, cùng tiếng đùa vui của hai đứa trẻ khuấy động cả vùng rừng chiều đang chìm trong yên tĩnh. Ánh nắng chiều rớt xuống từng vạt mỏng qua bóng cây hai bên bờ suối một mầu vàng nhạt, tiếng chim gọi nhau ríu rít trên những lùm cây, như rủ gọi nhau về tổ.

Khôi ngụp sâu xuống dòng nước, hai tay sải về phía trước, hai chân đập trườn tới một hồi, rồi ngoi lên mặt nước. Khôi mừng rỡ reo lên:

-Nhi ơi! Anh biết bơi rồi, biết bơi rồi.

-Thiệt há anh Hai, anh giỏi ghê hen, ít bữa em cũng sẽ bơi được như anh.

-Ừ! Đừng sợ, em cứ nằm xuống tập đi, sát trong bờ á, rồi ra dần một chút. Nước cạn xợt hà.

Nhi nghe lời anh, nằm xuống vung tay đập mạnh một hồi rồi cười lớn:

-Mát quá! Lần nào đi lượm củi mình cũng xuống suối tập nhen anh Hai.

-Ừ!

Chiều xuống sâu dần, ánh nắng còn vương mấy dãi le lói trên cành cao, chưa muốn chìm hẳn. Hai anh em Khôi đội củi lên đầu rời suối về nhà, vừa đi vừa nhắc kể đủ thứ chuyện rôm rả. Chúng thoăn thoắt trên con đường mòn quen thuộc, không như những ngày mới đến đây, bỡ ngỡ, xa lạ với con đường lởm chởm đất đá, gai góc. Chúng như đôi chim ríu rít giữa rừng chiều trên đường về tổ, nơi ấy có người mẹ thân yêu đang ngóng chờ cùng bữa cơm chiều đã bày sẵn trong căn nhà nhỏ bên sườn núi. Nói là căn nhà, nhưng thật ra đó như túp lều che nắng, che mưa; nắng thì dọi lổ chổ, mưa thì dột khắp nơi, nhưng đó là nơi an trú của họ từ ngày phải rời xa ngôi nhà mái ngói mới xây được vài năm ở thị trấn. Túp nhà ấy rộng 5m, dài khoảng 8m, phía trước che một mái tranh để chiếc bàn nhỏ và mấy chiếc ghế cho khách qua đèo dừng chân uống nước. Bên trong nhà, một chiếc sạp bằng cây rừng được kê cao là chỗ ngủ cho Khôi bên kệ sách và bàn học; phía sau là sạp ngủ của Diệu và Nhi, sau cùng là bếp. Túp nhà mong manh, nép mình bên sườn núi, được dáng núi che chắn gió mưa; cho nên, dù mưa gió lớn, túp nhà cũng không hề hấn gì.

Hằng ngày, Diệu bán nước giải khát và những thứ lặt vặt cần dùng cho khách qua đường mỗi khi lên xuống đèo dừng chân, hay cho toán người làm cây, hái củi. Khách cần ăn gì, chị cũng gắng làm cho họ - khi chả trứng vịt cuốn bánh tráng, khi nấu cháo gà, lúc mì tôm. Gà chị đã nuôi sẵn, với ít trứng gà, trứng vịt mua thêm ở khu chợ dưới chân đèo xa khoảng 2, 3 cây số, để dành sẵn trong nhà. Mẹ con Diệu sống lây lất, đắp đổi qua ngày, chờ Lân - chồng chị, đang học tập tận miền nam xa lắc, trở về. Sự chờ đợi ấy, là niềm hy vọng, để chị vượt qua bao vất vả, gian nan, bao nỗi buồn đau, và cô đơn giữa đèo xa lạnh lẽo, heo hút.

Năm 1976, gia đình chị nằm trong diện phải đi kinh tế mới, vì chồng chị là sĩ quan của chế độ cũ, đang học tập cải tạo, và gia đình Diệu không có ruộng để canh tác. Từ xưa giờ chị chỉ biết ăn học, rồi đi dạy, có biết khai hoang trồng trọt là gì; còn hai đứa con nhỏ, liệu có sống được giữa vùng kinh tế mới xa xôi nào mà chị chưa hề đặt chân đến? Chị bàng hoàng khi nhận được lệnh, chưa biết phải xoay xở làm sao, thì người chị gái lấy chồng ở Dục Mỹ, nhượng lại miếng đất trồng mì sát sườn núi, dưới chân đèo Đơn Dương, đã gọi Diệu vào. Chị thu xếp chuyện nhà, rồi đưa hai con đến sống nơi đây, như một sự xa lìa đau lòng. Diệu nghĩ, nếu mang con nhỏ đến vùng đất lạ rừng thiêng, liệu chúng có thể kham nổi không? Còn việc học hành của chúng sẽ ra sao? Ít ra về đây, mỗi ngày chị cũng có thể thấy xe cộ qua lại, mối liên hệ với đời sống còn gần gũi, con chị có thể đến trường, dù phải đi bộ đến hơn ba cây số đường dốc. Nhất là, mỗi lần nhớ cha mẹ, nhớ quê cũ, muốn về thăm cũng dễ dàng hơn nhiều!.

Ở đây, trong túp nhà tạm bợ nơi sườn núi hoang vu không điện, không nước; hằng ngày chị phải xuống suối gánh nước về để sinh hoạt. Suối cách nhà khoảng ba, bốn trăm mét, nhưng phải xuống một cái dốc sâu; nên mỗi lần muốn lấy nước, chị phải xách bằng hai tay, lên khỏi dốc rồi mới gánh về được. Lâu dần, Diệu cảm thấy quen, không còn có cảm giác lo sợ, lấy nước về nhà dễ dàng không như những ngày mới đặt chân đến. Cứ đứng trên sườn dốc nhìn hố nước và con dốc sâu, lòng chị hoang mang, buồn tủi cùng cực.

Hai đứa con chị, ngoài giờ học ở trường, về nhà phụ giúp chị rất nhiều việc; khi hái củi, khi xuống suối cùng xách nước, khi coi giúp chiếc quán nhỏ bên đường cho chị đi chợ. Mỗi ngày Khôi và Nhi phải đi bộ hơn ba cây số đường dốc đến trường. Diệu cứ mãi nhìn theo bóng hai con - quần xanh, áo trắng, tung tăng mang cặp trên con đường hai bên là rừng cây vắng vẻ, mà thương, mà nhớ. Trong ánh mắt dõi nhìn của mọi người - nhất là với những người ngồi trên xe đò ngang đèo, ai cũng ngoái đầu nhìn chúng, ngạc nhiên. Có lẽ, họ đều không ngờ ở chốn rừng núi quạnh vắng nầy, còn có sự sống, niềm hy vọng đang trỗi dậy? Trời mưa cũng như nắng, hai anh em Khôi và Nhi đều nhẫn nại đến lớp, không bỏ buổi học nào; dù trẻ em rải rác quanh đây, muốn là nghỉ học, thầy cô cũng không nỡ quở trách.

Vào những ngày mùa đông rét mướt, người qua lại thưa thớt hẳn đi, ai cũng vội vã muốn mau về đến nhà, nên ít có người dừng chân ghé quán. Ngồi một mình trong chiếc quán lộng gió, Diệu nhớ quê nhà quay quắt, lại ao ước muốn về thăm; nhưng rồi Diệu tự vỗ về mình cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Chị bày trò chơi cùng các con, khi bắt nẻ, khi nhảy dây, khi trốn tìm, khi bấm điện. Tiếng cười hồn nhiên, vô tư của hai đứa trẻ làm chị ấm lòng, quên dần nỗi buồn nhớ quê, nhớ chồng; và chị như quên tất cả nỗi buồn đau, khi bị các con phạt phải nhảy lò cò quanh nhà cùng với tiếng cười dòn dã của cả ba mẹ con.

Những lúc thư thả việc nhà, hay vắng khách, Diệu luôn kèm dạy thêm cho các con học - đó là nguồn vui, là niềm hy vọng của chị khi chọn về sống nơi đây. Chị đã lỡ mất một thời tương lai, nên luôn mong các con chị được học hành đến nơi, đến chốn. Nhờ sự kèm dạy, nhắc nhở và thương yêu của chị, Khôi và Nhi luôn được nhận phần thưởng và giấy khen cuối học kỳ. Những tấm giấy khen tuy nhỏ nhắn, đơn sơ của Khôi và Nhi mang về khoe hằng tháng, nhưng chúng có một sức mạnh to lớn thúc đẩy chị bước tới và vượt qua mọi gian nguy đang muốn nhận chìm đời sống của chị.

Ba tháng một lần, chị mua sắm vài vật dụng cần thiết để đi thăm Lân. Lúc nào cũng có một thẩu đường đen chặt sẵn từng cục, một chồng bánh tráng, một thẩu thịt heo kho, một thẩu cá thưng, một bịch bột ngũ cốc (chị tự mua đậu về rửa sạch, rang rồi đem máy xay) và một ít thuốc hút. Đường xa, tàu xe khó khăn, nhiều khi phải đứng không có chỗ ngồi suốt chặng đường dài mỏi rã người; nhưng chị luôn dẫn con theo cho chúng gặp anh mỗi lần thăm nuôi như thế; để chúng nhớ anh, mai mốt về cha con không còn xa lạ.

Khôi và Nhi bỏ củi vào chái bếp rồi rửa tay chân vào nhà thay đồ. Diệu đã dọn cơm ra chiếc bàn ở sân trước chờ con, chị gọi lớn:

-Nhanh ra ăn cơm kẻo tối rồi đó hai đứa, hôm sau về sớm một chút nhen, không điện đuốc gì hết trơn, đèn dầu lù mù thấy đường đâu mà ăn với uống.

Nhi nhanh nhảu chạy ra cười giã lã:

-Dạ, con xong rồi đây. Anh Hai bơi được rồi đó nhen mẹ.

-Bơi gì mà bơi, coi chừng uống nước chết đó à nhen.

-Thiệt mà, anh Hai bơi được rồi mà, mai mốt con cũng vậy.

Khôi thay đồ xong ra ngồi vào ghế, chị bới cơm cho hai đứa rồi ôn tồn dặn dò:

-Tụi con cẩn thận đấy, tập bơi chỗ nước cạn thôi. Hai đứa ăn cơm đi, kẻo tối.

Mặt trời đã chìm dần sau dãy núi phía tây, hoàng hôn buông nhanh xuống một mầu vàng sẫm. Chị bật lửa thắp cây đèn dầu lên, ánh sáng vàng vọt hắt ra từ chiếc đèn trông mù mờ rồi sáng dần lên, ấm áp. Một ngày đã trôi qua, thời gian chờ đợi sự trở về của Lân như được thu ngắn lại - chị âu yếm nhìn các con trong ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn dầu nhỏ, lòng yêu thương tràn qua đôi mắt.

   
***

Năm đã gần hết, tết đang đến. Vùng sườn đồi bỗng nhuốm vẻ buồn hiu trong sự trống trải, lạnh lẽo. Diệu ngó quanh, không bóng dáng bà con, quyến thuộc, không bánh mứt, hoa quả - không gì hết. Túp nhà trống trơn, những ngày cuối năm càng trông quạnh vắng.

Diệu chạy xuống chợ mua ít thức ăn, về làm mâm cơm cúng rước ông bà. Chiều ba mươi, sao đường vắng vẻ quá, chốc chốc mới có một chiếc xe chạy vụt qua hối hả mong trở về cho kịp ngày sum họp cùng gia đình. Kiểm lại, còn thừa ít tiền - Diệu vội mua cho các con mỗi đứa một bộ đồ mới để chúng vui mừng đón tết, dù chúng chẳng đi đâu xa, ngoài con đường mòn dẫn xuống làng để nhìn người qua lại.

Những giọt nắng hanh vàng cuối ngày rớt xuống hàng bạch đàn phía bên kia đường khiến Diệu chạnh lòng, thương con. Chị chợt nghĩ đến mấy cái am nhỏ người ta thờ rải rác trên đèo, thế nào ngày cuối năm cũng có bánh mứt, trái cây của những chiếc xe thường ngang qua dừng lại dâng cúng. Diệu xuống nhà dưới lấy chiếc áo dài tay, khoác lên người rồi vội vã ra đường.

Một lát, chị trở về trên tay một bịch ny lon đầy bánh mứt, trái cây. Chị lấy cái dĩa, cắt mấy quả cam rồi cười vui với các con:

-Mẹ con mình ăn tết nhen, các con ăn đi, muốn ăn thứ gì ăn. Cam sành ngọt lại bổ, ăn nhiều vào.

Bé Nhi cầm miếng cam đưa vào miệng ăn, xuýt xoa:

-Cam ngọt ghê, ở đâu mà nhiều vậy mẹ?

Khôi nhìn mẹ, ánh mắt đầy thương yêu, rồi quay qua Nhi, nó nói nhỏ:

-Ở đâu có thì ăn đi, hỏi chi, nhiều chuyện.

Diệu cười, đôi mắt đỏ rưng rưng:

-Mẹ mua chớ đâu, các con ăn đi.

Ba mẹ con ăn trái cây, bánh mứt, nhắc chuyện xưa. Những ngày tết có Lân, cả nhà cùng nhau về nội, về ngoại mừng tuổi ông bà, rồi về chùa lễ Phật. Ngày ấy sao mà vui, sao mà ấm áp hạnh phúc đến vậy!

Khôi nằm thao thức, trăn trở - thầm nghĩ, mẹ Diệu của nó thương con nhất, giỏi nhất, cái gì cũng nhất đối với nó. Nó biết, khi chiều mẹ nó đã lên trên đèo, nhặt xin “các bác, cô hồn” ở các am thờ dọc đường bánh kẹo, trái cây mang về cho anh em nó, chứ mẹ làm gì có tiền nhiều mà mua sắm những thứ ngon vậy?. Trằn trọc, xoay qua trở lại suy nghĩ một hồi, rồi Khôi cũng ngủ thiếp - giấc ngủ nhẹ nhàng an lành của tuổi thơ.

Sáng mùng một tết, hai anh em Khôi mặc đồ mới đi ra, đi vào. Ăn sáng xong, ba mẹ con Diệu đèo nhau trên chiếc xe đạp xuống thăm làng, vào chùa lạy Phật. Trưa, Khôi rủ Nhi đi chơi. Hai đứa lén mẹ lên đèo. Khôi dắt Nhi lại đứng trước cái am nhỏ còn nghi ngút khói hương. Nó chắp tay run run khấn: “Xin các bác hưởng cái hơi, cho con xin cái tàng”, bái bái mấy cái rồi lấy mớ bánh mứt bỏ vào túi ny lon mang theo bên mình. Nhi thấy anh làm vậy, cũng bắt chước làm theo anh. Hai đứa đi một đoạn đến đỉnh đèo rồi quay lại, bịch ny lon đã gần đầy.

Khôi cầm tay Nhi, đứng trên đèo nhìn xuống túp nhà nhỏ nằm nép mình bên sườn núi, trông lè tè nhỏ bé, nhưng sao nó bỗng thấy yêu quý quá. Khôi thoáng nghĩ, sau này, dù có đi bất cứ nơi đâu; túp nhà ấy luôn là ngôi nhà hạnh phúc nhất, xinh đẹp nhất trong phần đời của mình với mẹ và em gái.

06/2018