Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





MỘT THỜI NÀO DỄ ĐÂU QUÊN








       C uối năm 1965 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan nhanh ra miền Bắc, Trường đại học Bách khoa Hà Nội phải sơ tán lên vùng rừng núi huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn gần kề biên giới Việt - Trung. Lớp Vô tuyến điện 64A của chúng tôi là một trong những lớp đầu tiên lên đường sơ tán. Rời Hà Nội vào độ trung thu trên một đoàn tàu đêm lặng lẽ không đèn, chúng tôi tới Đồng Đăng giữa khuya se se sương lạnh và bắt đầu một cuộc hành quân chân đất với đủ thứ trên vai như một đoàn quân ra trận. Con đường dài ngót năm mươi cây số qua Na Sầm, Lũng Vài - những địa danh quen thuộc trong chiến dịch Thu Đông từ hồi chống Pháp. Chúng tôi vượt đèo Bố Củng, băng rừng qua Bình Độ để tới bản Nà Lình - một bản nhỏ bên bờ sông Kỳ Cùng dốc đứng.

    Lặng lẽ đi trong đêm, không hiểu vì sao tôi chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Thi "... Người ra đi đầu không ngoảnh lại...". Thật vậy, sau lưng chúng tôi là Hà Nội, là mái Trường Bách khoa vừa xây dựng xong mà chúng tôi chưa một ngày được ngồi trên giảng đường khang trang bề thế. Sau lưng là gia đình ấm cúng, là bè bạn thân quen, là ánh mắt chờ mong, là nỗi niềm da diết. Sau lưng còn là nhà cửa ruộng đồng quê hương đang từng ngày từng giờ bị đạn bom đe doạ; là một nửa đất nước đang ngập chìm trong khói lửa! Chúng tôi phải tới một nơi thật là an toàn để đảm bảo cho khoá học đạt kết quả, bởi vì lớp chúng tôi là một trong những lớp quan trọng nhất phục vụ thiết thực cho công cuộc chống Mỹ sau này. Chúng tôi đi học nhưng thực sự là đi chiến đấu.

    Nà Lình là một bản nhỏ cổ sơ, hầu như cách biệt với thế giới bên ngoài. Nhiều người không biết tiếng phổ thông. Những ngôi nhà sàn nằm ẩn mình sau cánh rừng giữa âm thanh rì rào bất tận của dòng Kỳ Cùng lúc hiền hoà, lúc hung dữ. Mãi chúng tôi mới quen được cái "hương vị" đặc biệt của nhà sàn. Bên trên là người ở, là chỗ ăn, chỗ ngủ, bên dưới là trâu, bò, lợn, gà đầm mình trong các vũng phân bùn! Như nhiều vùng heo hút khác, ánh sáng văn minh chưa kịp rọi tới nơi đây.

    Nhưng lòng người thì thật là tuyệt diệu! Dân bản vốn hiền hành, chất phác, tốt bụng. Bà con giúp chúng tôi không thiếu một thứ gì. Họ thật sự coi chúng tôi như những người thân, như chính con em họ. Cái bản nhỏ ấy với chúng tôi mau chóng trở nên thân thiết lạ lùng. Tôi còn nhớ ngay trong số đầu tiên của tờ báo tường hồi ấy, tôi đã viết mấy câu thơ mà các bạn trong lớp rất tâm đắc:

            LÊN RỪNG

  Ta lên rừng cây rừng vẫy lá
Mới quen mà biết mấy yêu thân
Có phải đấy là nhành cây bụi cỏ
Hay nghĩa tình sâu đậm giữa lòng dân?
  Đây nào phải chi là nơi "đất ở” (*)
Đợi ngày đi đất mới hoá tâm hồn?
Ôi mỗi buổi bình minh ta nhẹ thở
Thấy say nồng mùi lúa chín quê hương!

  10/1965
*Chế Lan Viên: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn!

       Lên tới nơi là chúng tôi lao ngay vào việc học tập và xây dựng lán trại. Ngày ngày cứ sáng sớm mỗi người xách một chiếc ghế con ra gốc đa bên bờ sông nghe giảng. Cái lớp học này chẳng khác gì một lớp học xoá mù chữ gần chục năm về trước. Một tấm phên dưng bên gốc đa dùng làm bảng. Đầu gối là chiếc bàn cơ động của mỗi người. Cái khó khăn lớn nhất hồi đó lại là giấy vở. Giáo trình hầu như không có, mà giấy viết lại cực kỳ khan hiếm. Chúng tôi nhặt từng mẩu bao thuốc lá, từng mẩu giấy cũ, giấy báo ngâm nước nhạt màu rồi phơi khô để viết. Thế vẫn không đủ, nhiều lúc đành phân nhau chép từng đoạn bài giảng để về cùng học. Đêm không đèn đốt củi học bài là chuyện thường. Buổi chiều tất cả vào rừng chặt tre, vầu, cắt cỏ tranh về dựng lớp, làm nhà. Chừng hai tháng sau là mọi việc đã đâu vào đấy. Lớp học vẫn dựng bên gốc đa, bốn dãy nhà tập thể khang trang bao quanh sân bóng, dãy nhà ăn chênh vênh bên bờ sông dốc đứng kề một ngôi nhà nhỏ xinh xinh cho các “chị nuôi” sống với gia đình. Biết chắc việc sơ tán là lâu dài nên ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã lo vào rừng phát rẫy trồng sắn, xuống bãi sông trồng củ cải, su hào... Vùng này có giống củ cải rất to, thường bằng cái phích 2 lít rưỡi. Cuối năm ấy lớp tôi đã thu hoạch được những củ cải nặng tới 5,6 ký được các thầy đem về Hà Nội triển lãm. Thực phẩm ở đây rất rẻ, nhưng với chúng tôi thì vẫn cứ luôn thiếu thốn, vì thiếu thốn từ "vấn đề đầu tiên".

     Nhưng thiếu thốn vật chất đâu thể so được với thiếu thốn về mặt tinh thần. Thư từ, tin tức tới được nơi xa xôi heo hút này thật là hiếm hoi! Nhiều bạn trẻ mới xa nhà lần đầu, cứ chiều chiều mong thư đến đỏ mắt. Thường thì thư từ được gửi theo địa chỉ Hà Nội, chờ có ai lên khu sơ tán mới chuyển lên cho. Những hôm có chuyển thư lên, cả lớp vui như ngày hội. Nhiều lần giữa đêm khuya giá rét, thầy chủ nhiệm Thái Thanh Sơn từ Hà Nội lên lặng lẽ đến từng nhà đánh thức từng người để trao thư. Thầy biết chúng tôi mong thư đến cháy lòng nên không nở để đến hôm sau. Nếu bạn biết thế nào là cái rét cắt thịt giữa hun hút gió ngàn của vùng này thì mới thấu hiểu được sự biết ơn của chúng tôi đối với sự tận tuỵ của thầy đến nhường nào. Hơn ba chục năm rồi mà tôi như còn cảm nhận được hơi ấm từ người thầy kính yêu truyền lại! Với những Người Thầy như thế, sinh viên chúng tôi có thể nào quên?

     Với sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Phiệt và thầy Phan Kế Phúc, chúng tôi xây dựng được một trạm thuỷ điện chuỗi cung cấp đủ ánh sáng cho cả lớp. Đêm đêm ánh đèn nê-ông lấp loáng một khúc sông. Dưới ánh điện này, có lần nhà thơ Xuân Diệu đã đến đọc thơ xuân và trò chuyện tới tận khuya với chúng tôi.

     Chiến tranh ngày càng ác liệt, để rút ngắn thời gian đào tạo, kịp đáp ứng với đòi hỏi cấp bách của chiến trường, chúng tôi không nghỉ hè, bớt nghỉ tiết và tăng thêm giờ học. Ăn đói, mặc rét, thiếu thốn đủ đường nhưng chất lượng dạy và học vẫn luôn luôn được giữ vững với đòi hỏi cao nhất. Đó chính là nhiệm vụ chiến đấu mà mỗi người chúng tôi luôn luôn tâm niệm.

     Đầu năm 1967, chúng tôi chuyển về Hà Nội để thực tập và làm đồ án tốt nghiệp. Được về xuôi ai cũng vui mừng, nhưng không hiểu sao mỗi bước chân đi, tôi như cảm thấy một điều gì níu kéo sau lưng. Mảnh đất xa lạ ngày nào đã trở nên thân thuộc như quê hương. Biết bao giờ mới trở lại?

    Năm học cuối cùng chúng tôi còn gặp bao nỗi long đong lật đật, chạy hết tỉnh này đến tỉnh kia, bị dội bom bao trận, đã có thầy có trò đổ máu... nhưng việc học vẫn chưa một lần gián đoạn. Cuối năm ấy, gần hai phần ba lớp đã lên đường ra mặt trận, không kịp chờ nhận tấm bằng kỹ sư.

    Tháng 10/1996, sau gần 30 năm xa cách, lớp chúng tôi lại có dịp họp mặt nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường. Chỉ chừng một phần ba có mặt! Bây giờ mỗi người đều mái tóc muối tiêu, đều mang trên mình một chức danh, một phẩm hàm, nhưng ai cũng thấy mình trẻ trung như được sống lại trong khung cảnh hơn 30 năm về trước. Và tất cả đều có chung một ước muốn: được hành hương thăm lại bản Nà Lình - "nơi đất ở" của một thời không thể nào quên!

       Hè 1997