Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





CẦU VỒNG BẨY SẮC






       M   àu trắng là màu tổng hợp của tất cả mọi màu sắc, vật lý quang học đã chứng minh như thế. Qua lăng kính, ánh sáng trắng khúc xạ thành bảy màu cơ bản: ĐỎ, DA CAM, VÀNG, LỤC, LAM, CHÀM, TÍM . Điều kỳ diệu ấy ta vẫn thường được nhìn thấy ngay trong tự nhiên, đó là cầu vồng bảy sắc. Từ trẻ con tới người lớn hẳn không ai là không yêu thích khi ngắm nhìn cầu vồng bắc giữa trời cao với bảy sắc mầu lộng lẫy và huyền ảo! Bảy sắc màu mà tự nhiên ban tặng, nếu để tách riêng từng sắc màu đơn lẻ thì dưới con mắt của mỗi người có thể có màu đẹp, màu tầm thường, thậm chí là màu không đẹp. Nhưng bảy sắc màu ấy khi gắn kết chung thành một cầu vồng bảy sắc thì nó trở nên đẹp đẽ và kỳ diệu, kỳ diệu như trong thần thoại, kỳ diệu đến tuyệt vời!

   Chẵng biết tại sao khi nghĩ về những người thầy thuốc, về ngành Y, tôi lại thường hay liên tưởng đến cầu vồng bảy sắc. Phải chăng tại màu trắng đặc trưng của bệnh viện, màu áo bờ-lu mà mỗi người thầy thuốc thường mặc đã trở nên như một biểu tượng ngành nghề? Màu áo trắng tinh khiết ấy là màu cơ bản của ngành Y, ngẫu nhiên trùng hợp với màu trắng cơ bản tạo nên dải cầu vồng tuyệt diệu mà vật lý đã chứng minh. Và phải chăng giữa những sắc màu hỗn tạp và mờ đục vốn có của xã hội, cầu vồng bảy sắc của ngành Y vẫn đâu đó hiện lên rực rỡ?

   Có lẽ chỉ trừ những miền quê quá xa xôi hẻo lánh, những vùng quá nghèo nàn lạc hậu, không mấy ai trong đời lại không “đụng chạm” tới ngành Y. Một bà hộ sinh ở làng, một cô hàng dược phẩm, một ông bác sĩ nơi phòng khám hay một thầy lang cầm tay bắt mạch... Người già kẻ trẻ; kẻ ngọt ngào người bẳn gắt; người hết lòng tận tuỵ, kẻ lơ đễnh bàng quan; kẻ tham tiền, người nặng nghĩa... Họ là những con người như tất cả mọi người, có kẻ hay người dỡ. Tuy nhiên khi ta nhìn họ thường ta nhìn với một góc nhìn thẳng hơn, có phần xét nét hơn. Bởi vì họ là “LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU”!

   Cuộc sống của con người có hai phần cơ bản. Đó là thể xác và tâm hồn. Một phần là vật chất, một phần là phi vật chất. Có hai nghề vất vả và đầy trách nhiệm, gần như quyết định cho việc duy trì và phát triển của con người, đó là nghề Thầy giáo và nghề Thầy thuốc. Một anh nuôi dưỡng “phần hồn”, một anh chăm lo “phần xác”. Cả hai anh đều được người đời tôn là THẦY, vì thế.  Chính vậy mà hơn tất cả mọi ngành nghề khác, hai nghề này đòi hỏi một chữ “TÂM” rất đậm nét. Và để có được cái chữ “Tâm” đậm nét ấy thì tất nhiên họ chỉ có thể trả giá bằng sự hy sinh bản thân mình vô điều kiện. Một người khi quyết định chọn các nghề này thì trước hết họ phải tự mình vượt qua được tính vị kỷ, vượt qua được mọi cám dỗ tầm thường vẫn tồn tại trong mọi ngóc ngách của trái tim và khối óc của chính họ. Và hơn thế nữa, phải coi việc lựa chọn đó là một niềm say mê bất tận, một lý tưởng sáng trong của cuộc đời. Tôi là một kẻ “ngoại đạo”, không biết nghĩ suy về hai nghề cao đạo ấy như vậy đã thật đúng chưa, đã thật xứng chưa?

   Có bao nhiêu Thầy lang cứu nhân độ thế, lại cũng có vô khối kẻ lang băm trải qua bao thế hệ. Có biết bao Thầy thuốc-mẹ hiền và đồng thời cũng có không ít những thầy thuốc-mẹ mìn đã và đang tồn tại. Cho dù vậy, những con sâu nằm lẩn trốn trong lá rau chưa được nhặt kỹ ấy đâu có thể làm mờ đục bảy sắc màu kỳ diệu của ngành Y!

   Đã hai chục năm rồi mà tôi ngỡ như mới hôm qua. Cái mùa đông năm ấy với gia đình tôi là một cơn ác mộng. Vợ tôi sinh cháu thứ hai thì bị nhiễm trùng nặng do sự “vô ý” của một nữ hộ sinh, may mà Bệnh viện C cứu được. Hai tuần sau thì cháu lớn, mới 7 tuổi bị bỏng nặng (tới 35%)! Thật là “hoạ vô đơn chí”! Đó là một ngày giá rét. Cháu được cấp cứu vào khoa bỏng của một bệnh viện thành phố. Nhìn ông bác sĩ tay dội ca nước lạnh, tay cầm panh bóc từng mảng da trên lưng cháu với một nét mặt vô cảm mà vợ tôi ngất xỉu. Là một người hầu như không biết gì về nghề y nhưng tôi cũng thừa hiểu cách làm không hợp vệ sinh và khá nhẫn tâm của ông ta. Sang ngày hôm sau cháu bị nhiễm trùng mủ xanh toàn bộ! Có một chị y tá cảm thương cháu bé đã bí mật nói cho chúng tôi biết tình trạng của cháu là vô phương cứu chữa (có lẽ vì thế mà ông bác sĩ nọ chỉ làm chiếu lệ, tắc trách đến nhẫn tâm ?). Theo lời khuyên của chị, chúng tôi xin cho cháu vào Khoa Bỏng của Viện Quân y 103 (nay là Viện Bỏng Quốc gia Trần Hữu Trác). Thấy tình trạng của cháu rất nguy kịch, khoa đã dành cho cháu một chế độ điều trị đặc biệt: bệnh nhân nghiên cứu. Từ Giáo sư đầu ngành Lê Thế Trung, Bác sĩ Nguyễn Hữu Đồng - Trưởng Khoa Bỏng, đến các bác sĩ, y tá, hộ lý đều rất tận tâm, suốt một tháng trời đã hết lòng hết sức giành giật cháu từ tay thần chết. Tấm lòng và công sức của những người thầy thuốc ấy chúng tôi có thể nào quên! Đặc biệt có một người mà cho tới bây giờ con trai tôi vẫn luôn nhớ đến như một người thân, đó là cô Minh, một y tá đã chăm sóc cháu như con đẻ của mình. Cô gái gốc người Nghệ An ấy vừa khéo tay lại vừa hiền dịu, biết cách dỗ dành, động viên cháu những lúc tiêm chích, thay băng hết sức đau đớn và cả những lúc cháu yếu mệt không ăn uống được. Cô không quản ngại một điều gì, dù là mệt nhọc, dơ bẩn, đêm hôm. Cô là một người chiến sĩ, một THẦY THUỐC-MẸ HIỀN mà suốt đời chúng tôi không bao giờ quên được. Cô thực sự là người mẹ thứ hai của cháu. Giáo sư Trung, Bác sĩ Đồng, Y tá Minh và cả một tập thể của Khoa Bỏng ấy đã thực sự làm nên một “cầu vồng bảy sắc” mà tôi đã sung sướng được một lần chiêm ngưỡng! Mỗi lần nhìn thấy tấm áo bờ-lu trắng tinh tôi lại như nhìn thấy tất cả những con người đầy lòng nhân hậu và đầy tình yêu nghề nghiệp ấy.

    Có bao nhiêu cầu vồng xuất hiện ở những lúc những nơi mà ta từng biết và ta không biết. Có những dải cầu vồng rực rỡ xuất hiện ngay trên bầu trời nơi ta đang đứng mà ta vô tình hoặc thờ ơ bỏ qua. Thường ta hay chú ý tới những đám mây đen đầy đe doạ mà dễ bỏ qua những sắc màu đẹp đẽ ẩn hiện trên nền trời rộng lớn.

   Bốn thập kỷ trước, khi thế hệ chúng tôi đang ngấp nghé trước cổng trường Đại học thì không biết từ đâu lan truyền một câu vè: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”... Cái câu vè có tính chất chọn lựa ngành nghề ấy một phần nào nói lên vị thế của ngành Y. Nhưng có một thời gian khá dài, ngành Y gần như “giảm giá” vì sự bất tương xứng giữa lao động và hưởng thụ. Mặc, những thầy thuốc chân chính vẫn âm thầm chịu đựng và vượt lên khó khăn thiếu thốn để hoàn thành sứ mệnh vì con người mà họ đã tình nguyện suốt đời phục vụ. Giáo sư Trung, bác sĩ Đồng, y tá Minh... là những người như thế. Họ chẳng đòi hỏi gì ở người bệnh, những người coi họ là ân nhân. Hạnh phúc lớn nhất của họ là đã chiến thắng bệnh tật, chiến thắng thần chết, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Lửa thử vàng là thế! Nhưng rồi trào lưu kinh tế thị trường như một dòng thác chảy cuốn trôi theo trong nó từ cặn bã cho tới bạc vàng. Trong dòng nước xô bồ ấy, có những người không còn nhận rõ đường đi, lầm lẫn giữa vàng và đất sét. Những người thầy thuốc (dẫu sao cũng là những con người) khi ấy cũng bắt đầu có sự tách biệt như dòng sông có hai dòng chảy, bên trong bên đục. Nếu ta chỉ nhìn một phía thì ta không thể biết cả dòng sông.

   Chẳng ai thích thú gì khi phải tới bệnh viện dù vì mình hay vì những người thân. Đến bệnh viện là việc  cực chẳng đã  như người ta thường nói. Và khi đến bệnh viện, tâm lý chung là nhìn thầy thuốc như một vị cứu tinh mà mình trông đợi. Khi đó, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của người thầy thuốc đều mang một ý nghĩa đặc biệt đối với bệnh nhân và với cả người thân của họ, chẳng khác gì những đứa trẻ nhìn vào người lớn, chờ đợi sự chỉ vẽ và khuyên bảo. Một lời chỉ bảo ân cần, một lời khuyên thiết thực, một sự quan tâm đầy lòng nhân ái của người thầy thuốc đã có thể làm vợi đi nỗi đớn đau, giảm đi một phần bệnh tật. Y học cũng đã chứng minh điều đó. Vậy thì một thái độ bẳn gắt, một cử chỉ thờ ơ lạnh nhạt hoặc tắc trách của người thầy thuốc không thể không ảnh hưởng xấu tới bệnh tình người bệnh.

       Mấy năm trước, tôi không may bị tai nạn giao thông, vỡ đầu gối và nứt ống xương. Khi được cấp cứu vào một bệnh viện nọ, tôi đã phải nằm chờ khá lâu mới được người ta ngó tới. Tôi biết là phòng cấp cứu rất đông bệnh nhân, nhưng tại sao có những người bệnh nhẹ hơn (thể hiện qua sắc diện và hoạt động của họ) lại đến sau mà được “ưu tiên” khám trước? Tôi không dám đoan chắc nhưng nhìn cách thì thụt của người nhà các bệnh nhân ấy cũng có thể trả lời được một phần nào. Bước đầu tôi đã bị mất đi một phần hy vọng. Rồi tôi cũng được chụp phim, khám qua loa, bó bột và... cho xuất viện. Một tuần sau, một ông bác sĩ chuyên khoa mà người nhà tôi quen biết, khi xem tấm phim đã cố giấu nỗi ngạc nhiên về cách xử lý của đồng nghiệp ở phòng cấp cứu ấy! Người bác sĩ đã khá lớn tuổi ở phòng cấp cứu chắc không phải là thiếu kinh nghiệm mà có thể là thiếu trách nhiệm, thậm chí là thiếu lương tâm nghề nghiệp. Tôi đã phải “treo giò” (đúng với nghĩa đen của nó) suốt hơn 7 tháng trời và khập khễnh tới bây giờ. Nếu xử lý đúng ngay từ đầu thì chắc đâu đến nỗi! Tôi có thể cho việc ấy chỉ là một sai sót thường tình, không nghĩ xấu về ông bác sĩ nọ nếu như những hoạt động khá tấp nập ngay trong phòng cấp cứu hôm ấy không gây cho tôi một ấn tượng khó quên. Cái màu trắng hôm ấy sao trở nên mờ đục! Tôi có xúc phạm đến các “từ mẫu”, đến ngành Y, đến cầu vồng bảy sắc của tôi không nhỉ? Xin bỏ quá cho tôi nếu như tôi đã đưa ra một bức ảnh trắng đen chụp mặt sau chiếc áo bờ-lu!

       Khác với thời bao cấp trước đây, bây giờ đi đâu, làm việc gì người ta cũng phải hỏi đến “tiền đâu?” (Đó là “vấn đề đầu tiên” mà!). Ngành Y cũng không thể tách ra ngoài điều kiện ấy, vì đó là điều kiện cần để duy trì mọi hoạt động của xã hội như cơm cần cho người, xăng cần cho xe máy. Nhưng bệnh viện khác với cửa hàng, đồng tiền ở đây không mang tính chất thương mại. Công việc cứu chữa bệnh nhân hàm chứa một ý nghĩa vô cùng cao quý là tính nhân đạo mà ta quen gọi là “làm phúc”. Khác với việc trả tiền mua hàng, khi bệnh nhân trả tiền viện phí họ cảm thấy như mình trả ơn người cứu giúp và hầu như không bao giờ thấy mình trả đủ. Họ không hề tính toán suy bì khi mà họ đã được cứu chữa để trở lại với cuộc sống bình thường.

Trên thế gian này đã có biết bao người cảm động trước việc làm nhân đạo của thầy thuốc, đã tình nguyện trao tặng một phần, thậm chí là toàn bộ tài sản cho bệnh viện. Tôi tin chắc rằng chỉ trừ những người có hoàn cảnh quá khó khăn còn không một ai lại trốn chạy khi phải thanh toán những khoản chi phí để cứu mình. Tất nhiên là không tránh khỏi một vài kẻ lưu manh hết sức hãn hữu. Vậy mà có một thực tế đáng buồn, ngay trong nhiều bệnh viện. Đó là việc bắt buộc một cách cứng nhắc bệnh nhân phải đóng tiền trước khi nhập viện với ý nghĩa “nắm đằng chuôi”, sợ bệnh nhân quỵt tiền viện phí. Người bệnh khi cấp cứu thường là rất khẩn cấp, mấy ai đã có đủ thời gian lo toan tất cả. Mà một khoản tiền lớn thì có phải ai và bao giờ cũng có sẵn trong người? Thế mà có nơi có lúc người ta đã không chịu khám và điều trị khi bệnh nhân chưa có tiền ứng trước! “Cứu người như cứu hoả”, liệu người bệnh có thể tự cầm cự để chờ có đủ tiền đem đến? Có những bệnh nhân phải đi xa hàng trăm cây số, xoay xở sao đây? Giá mà các nhân viên y vụ lúc ấy bớt lạnh lùng và nguyên tắc máy móc! Không thể đổ lỗi cho những bản quy định này nọ một cách cứng nhắc trước tính mạng của một con người. Đó chính là y đức của người thầy thuốc, của cả ngành Y. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa ngành Y với bao ngành khác. Chúng ta chưa có các bệnh viện làm phúc, những nơi dành cho người nghèo miễn phí. Vậy thì chẳng nhẽ người nghèo không thể có cơ hội được cứu giúp khi mạng sống của họ bị nguy nan mà họ đang ở ngay trước cửa “mẹ hiền”? Tôi không nhìn nhận vấn đề theo một chiều đâu. Ngành nghề nào, cơ quan nào thì cũng có nguyên tắc, có nội quy, quy định... để làm xương sống cho mọi hoạt động của mình. Nhưng Bác Hồ kính yêu chẳng đã từng nhắc: “Nguyên tắc quá thường hỏng việc” đó sao? Đây lại là việc cứu người, chỉ cần một sai sót là có thể không bao giờ chuộc lại. Một lần, một người đồng hương của tôi tận trong miền Trung xa lắc, sau 3 lần chuyển viện, không đủ khả năng điều trị, người ta đã khẩn cấp chuyển thẳng ra bệnh viện trung ương. Người nhà đi theo không biết trước được tình huống này nên đã không có sự chuẩn bị cần thiết. Khi làm thủ tục nhập viện, nhân viên y vụ khăng khăng không chịu giải quyết vì vừa thiếu tiền lại vừa không có đủ giấy tờ. Thật là nan giải. Nhà ở xa trên năm trăm cây số mà thân thích ở gần đây lại chẳng có ai. Bệnh nhân thì đang trong cơn nguy kịch. Rất may là một bác sĩ không quen biết đã dám nhận bảo lãnh cho vào điều trị vì thấy bệnh nhân bị bệnh cấp tính khá nặng, không thể chờ lâu hơn được. Người nhà bệnh nhân không để phụ lòng tốt ấy, đã xoay xở mọi cách để có tiền nộp cho bệnh viện không quá chậm. Mấy năm sau, khi tôi về thăm quê, không những người bệnh, người nhà mà hầu như cả làng đều kể và tấm tắc ngợi ca ông bác sĩ. Ông là một sắc màu tươi đậm của cầu vồng bảy sắc.

       Nhà thơ Trinh Đường, người từng được mệnh danh là “người yêu thơ nhất nước”, từ nhiều năm nay suốt ngày vùi đầu trong đống bản thảo “Một thế kỷ thơ Việt”, một công trình đồ sộ mà ông dành trọn tâm sức để hoàn thành trước thềm thiên niên kỷ mới. Ba năm trước, ông bị ốm, hai tay gần như liệt, không viết lách gì được. Ông rất bi quan, lo lắng. Mặc dầu không quen biết gì nhưng khi chúng tôi thử gọi điện thoại cho giáo sư Nguyễn Tài Thu nhờ giúp đở thì GS đã vui vẻ nhận lời. Sau một tháng GS Thu đã trả lại cho nhà thơ Trinh Đường đôi tay linh hoạt như trước. Bây giờ mặc dầu đã “bát tuần” nhưng nhà thơ vẫn có thể ngồi viết suốt ngày không mỏi, hoàn toàn yên tâm để hoàn tất “công trình thế kỷ” mà ông đã tiến hành gần chục năm qua. Nhà thơ cứ nhắc hoài tới ân nhân của mình mỗi khi trò chuyện với chúng tôi. Qua việc điều trị cho nhà thơ Trinh Đường, tôi không muốn nói đến cái tài giỏi của GS Nguyễn Tài Thu, điều mà báo chí đã viết rất nhiều. Điều mà tôi muốn nói tới là sự thông cảm, tận tâm và chu đáo của GS dành cho người bệnh, chỉ có thể nhận biết qua cảm nhận trực quan, khó có thể viết ra. Nhìn vào vị GS tài ba và đầy lòng nhân ái ấy ta càng nhận ra những sắc mầu lộng lẫy và kỳ diệu của ngành Y!

   Còn biết bao tấm gương hy sinh thầm lặng vì cuộc sống con người mà ta không biết tới. Những người thầy thuốc ở Viện Sốt rét và ký sinh trùng đã lặn lội tới những miền hoang vu, xa lắc, ngồi suốt đêm này qua đêm khác cho muỗi rừng đốt để nghiên cứu cách phòng chống và điều trị bệnh sốt rét, một căn bệnh nguy hiểm đe doạ hàng triệu người ở khắp mọi nơi. Những thầy thuốc ở các trại phong, ở các viện chống lao, ở các phòng khám và điều trị bệnh lây, bệnh AIDS... Họ làm việc vất vả và nguy hiểm nhưng không mưu cầu một lợi ích gì riêng cho bản thân. Họ thực sự là những người chiến sĩ nơi tuyến đầu bảo vệ hạnh phúc con người. Họ là những sắc màu làm nên dải cầu vồng bảy sắc, tô đẹp cho cuộc đời của mỗi chúng ta! 

   Khi cầm bút để phác hoạ “bảy sắc cầu vồng” tôi biết mình chỉ có thể chấm phá một vài nét chung chung mờ nhạt vì không có đủ các gam mầu cần  thiết. Những hoạ sĩ tài ba, trong tay có đủ các sắc mầu và có thể pha trộn hàng trăm hàng ngàn sắc màu tuỳ thích, liệu đã có ai vẽ được một cầu vồng lộng lẫy và huyền diệu như của tự nhiên? Vậy thì xin mọi người lượng thứ đừng chê trách người viết đã mô tả cầu vồng bảy sắc một cách mờ nhạt và sơ sài thế. Người viết chỉ muốn lấy tấm lòng yêu quý và cả sự biết ơn để phác hoạ về một ngành nghề cao quý mà mình luôn quan tâm  tới.

   Hãy luôn nhìn lên bầu trời rộng lớn để được thấy cầu vồng bảy sắc bất chợt đó đây. Hãy luôn ngắm cầu vồng để thấy cuộc đời đẹp tươi và kỳ diệu!

 

5/1999