Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








 NỖI NIỀM KHÔN TỎ







    N ỗi buồn trong dĩ vãng là niềm ray rức khôn nguôi của bà Lan Phương từ mấy mươi năm qua. Đó là nguyên do thầm kín mà bà không thể nói cùng ai, dù là với Phương Mai con gái yêu của mình hay với cô bạn thân thuở thiếu thời Hoàng Hoa mà bà vẫn thường thổ lộ tâm tình mọi chuyện trong ngoài, nhưng còn chuyện ấy... thì không hiểu sao bà giữ kín trong lòng, cả với ông Hướng lại càng không. Đôi khi muốn thốt ra lời nhưng rồi lại lặng im. Cho đến hôm qua khi cùng ông Hướng và Phương Mai đưa mẹ bà về Nhà Bè thăm đứa cháu trai từ xa mới về thì câu chuyện xưa nằm sâu trong quá khứ đã được khơi lại như mới xảy ra rõ ràng chân thực. Chiếc xe nhà chạy qua đường Nguyễn Tất Thành Quận 4 và rẽ sang một con đường tắt về Nhà Bè, bỗng bà Lan Phương nhận ra xe đang chạy qua Công ty Đường Khánh Hội và xóm nhà của Phán ngày xưa vẫn còn ở đó, bà giật mình thoáng nghe nhói trong tim! Một thời thiếu nữ mộng mơ như những thước phim xa xưa hiện về trước mặt:

    Năm 1972, 1973...

    Ở phòng Hành Chánh Kế Toán của một công tuy Xuất Nhập Khẩu, trong giờ giải lao buổi trưa, mọi người đều tản mác tìm chỗ nghỉ, người thì đọc báo, xem sách hoặc nhóp nhép một món ăn vặt nào đó, bỗng Hoàng Hoa xuất hiện trước cửa phòng, bước vô tay cầm tờ Phụ Nữ Ngày Mai miệng nói:

    - “Hỡi các chị trẻ tuổi độc thân, có cái nầyhay lắm nè!” Nghe vậy, lập tức có ba bốn cô xúm lại quanh Hoang Hoa, hỏi tíu tít:

    - “Việc gì, việc gì mà hay vậy?”

    - “Mục tìm bạn bốn phương” đây, có bạn nào muốn tham gia không?

    Cả đám thiếu nữ bỗng im re vì bất ngờ, lúc sau chỉ có Kim Chi quay ngoắt người đi thẳng một nước không quên liếc xéo Hoàng Hoa, không quên ném lại một câu: “Vậy mà làm như quan trọng lắm, đây chả thèm vào “Hoàng Hoa nghe thế tức khí lên tiếng trả đũa liền: “Không thèm thì thôi, ai khiến chứ!”.

    Lan Phương vội kéo tay Hoàng Hoa nói nho nhỏ: “Thôi đừng giận, ai không tham gia thì kệ đi, gây nhau làm gì cho mất hòa khí, để “tui” cho!

   Nghe Phương nói thế, Hoàng Hoa dịu xuống quay qua đưa tờ báo cho bạn, chỉ tay vào trang “Tìm bạn bốn phương”, Lan Phương liếc qua nói liền: “Cho mình mượn nhé”, Hoa gật đầu liền, Phương cầm tờ tuần báo đi về bàn làm việc của mình, vừa lúc đó có tiếng chuông báo giờ làm trở lại, mọi người liền tiếp tục công việc, Lan Phương cất báo vào xách tay rồi bắt tay vào công việc còn lại lúc sáng.

   Chiều tan sở, các nhân viên lần lượt ra về hòa trong đám đông, Lan Phương cùng Hoàng Hoa vui vẻ nắm tay nhau ra cổng, liền nhìn thấy Tuấn Nghị, anh trai Hoàng Hoa đậu Vespa trước công ty chờ rước em, Hoàng Hoa vẫy tay từ giã lên xe về trước, còn lại cô liền đeo túi xách lên vai thong thả đi đến bến xe buýt đón xe về nhà.

   Sau bữa cơm tối, phụ mẹ dọn dp xong đâu đó Lan Phương liền về phòng mình bỏ luôn mục xem phim truyện thường lệ. An tọa trên giường xong, nàng với tay lấy xách tay rút tờ tuần báo lúc sáng ra, lật trang báo có mục mà Hoàng Hoa đã nói đến đọc chăm chú, chậm rãi từng dòng. Bỗng mắt cô dừng lại ở số thứ tự 090: Lính xa nhà, độc thân vui tính, muốn tìm bạn trai, gái không cảm với đời bình nghiệp áo treillis để trao đổi kết bạn thư tín. Thư về, Nguyễn Phan KBC... Đọc xong, Lan Phương lấy bút bi đánh dấu x ở số ấy với ý nghĩ mai sẽ hỏi ý kiến của bạn, nàng xếp báo để vào túi xách chuẩn bị đi ngủ để mai đi làm sớm và cô gái vẫn còn nét thơ ngây dù đã ở tuổi đôi mươi, đi vào giấc mộng bình yên trong đêm.

    Sáng sớm, khi đến công ty, Lan Phương vội vàng vô phòng kế toán để tìm cô bạn thân hỏi ý kiến, vui mừng khi thấy Hoàng Hoa đang ngồi sẵn ở bàn giấy của mình tự bao giờ, đang xem một tờ nhật báo, cô sà xuống ngồi bên bạn, nói tíu tít:

    - “Hoàng Hoa, nói nghe này” Cô bạn giật mình ngước lên nhìn, hỏi khẽ “gì vậy Lan Phương?”

- “Ta đã chọn được người kết bạn rồi nè”, bồ xem có được hôn. Cô vừa nói vừa đưa tờ “Phụ Nữ Ngày Mai” và chỉ tay vào mục “tìm bạn” cho Hoàng Hoa thấy, cô bạn thân cũng cảm thấy vui lấy với bạn, cầm tờ báo lên đọc qua dòng kết bạn của người lính nào đó, lúc sau nàng lên tiếng trước ánh mắt chờ đợi của bạn “ừ được đó, bồ viết thư cho anh ta thử coi”. Lan Phương thở ra nhẹ nhõm, rồi như chợt nhớ, cô quay sang bạn hỏi:

    - “ Còn bạn thì sao nào? Đã chon được ai chưa?” Hoàng Hoa mỉm cười, đưa một ngón tay lên môi: “Bí mật bạn ơi!” cả hai cùng cười xòa và cùng bắt đầu làm việc.

    Từ đó việc kết bạn qua thư từ của Lan Phương với người lính miền xa đã khỏi đầu thư qua tin lại mỗi ngày một nhiều hơn, mà thư từ “hậu phương ra tiền tuyến” những trang giấy màu xanh, những dòng mực tím càng dài hơn. Thư từ KBC...: “Đoàn quân anh vừa hành quân qua một vùng quê mênh mông, vắng vẻ một cách bất thường, cánh đồng như vừa xong mùa gặt, những gốc rạ ngả rạp trên đất. Tuy thế nhưng Lan Phương biết không, mọi nguy hiểm đang chực chờ rình rập từng bước chân người lính. Anh ngắt vội một nhánh lúa còn sót lại trên cánh đồng ép và thư gửi về tặng em.”

    ... từ hậu phương: “Phan thân mến, ở thành phố em vẫn dõi theo từng bước anh đi vào trận chiến, đêm đêm nghe tiếng đại bác từ xa vọng về, tim em như thắt lại, luôn cầu mong cho anh và các bạn được bình yên...”

    Tình cảm của đôi bạn trẻ qua cuộc trao đổi thư tín ngày càng gắn kết hơn, hình như thắm thiết hơn từ khi biết mặt nhau qua ảnh thì phải. Chàng trai trẻ vẫn miệt mài theo những cuộc hành quân, cô gái đôi mươi ở lại thành đô hằng ngày hoàn thành công việc và mong mỏi được gặp gỡ người lính chiến vừa quen.

    Một ngày nọ, bất ngờ Phan được về phép, đến tìm gặp Lan Phương ở nơi làm việc vào một ngày cuối tuần. Từ hôm ấy, phố xá Sài gòn như tưng bừng mở hội in dấu chân của đôi bạn trẻ mới quen trên khắp nẻo đường trung tâm, nào là tiệm kem Lan Phương, nước mía, thịt phá lấu Viễn Đông, rồi vào Thương xá Tax xem các cửa hàng, rồi cả hai qua Cinéma Lê Lợi xem phim mà chẳng nhớ tựa và cốt chuyện ra sao. Lan Phương vui như lạc vào chốn thần thiên khi ở bên cạnh Phan suốt những ngày phép của chàng. Rồi chàng trở về đơn vị, Lan Phương quay lại với công việc thường ngày. Họ vẫn tiếp tục viết thư cho nhau những lời thắm thiết đầy nỗi nhớ mong về nhau.

    Cho đến ngày ... 30 tháng 4 ấy, tất cả đều thay đổi, xáo trộn, không thể nói làm sao cho hết, người người đổ xô ra các đại lột đón mừng những đoàn quân từ rừng về thành phố, lại có người bỏ nhà cửa tìm đường di tản, và có những người lính của bên nầy trân chiến cởi bỏ áo trận thất thểu trở về với nỗi buồn thảm trên quê hương mình.

    Lan Phương tâm tư rối bời, lòng nóng như lửa đốt, phần lo cho gia đình, cha mẹ, anh chị ở nhà, phần lo cho Phan đang ở đâu đó chưa rõ, chưa biết tin tức gì cả, trong khi bên hàng xóm của nàng đã có lác đác vài quân nhân thuộc các sư đoàn đóng ở các tỉnh phía Tây lần lượt về nhà mà tin của Phan vẫn không thấy tăm hơi. Lan Phương lại càng rối thêm khi cả nhà đang bàn tính phân chia một nửa nhà chuyển về quê sinh sống, còn lại thì đang tìm đường đi xa, Phương phân vân mãi không biết theo đường nào, thâm tâm nàng chỉ muốn lưu lại Sài gòn ít lâu để chờ tin Phan, cũng vì vậy đã nhiều lần tranh cãi với ba mẹ để xin ở lại thành phố.

    Sau những ngày nóng đợi tưởng chừng vô vọng, cuối cùng một người bạn cùng đơn vị ghé lại chỗ làm báo tin cho Lan Phương, Phan đã về cùng lượt với anh ta và đang ở nhà bên Quận 4 để nàng yên tâm. Nàng vui mừng vội cám ơn anh bạn tốt bụng và liền xin nghỉ phép để qua thăm Phan ngay cho thỏa lòng mong nhớ và lo lắng bao lâu nay.

    Lan Phương lên xe buýt qua kho 11 theo lời chỉ đường của người bạn của Phan. Đến trạm, nàng xuống xe đi về hướng Công ty Đường Khánh Hội có xóm nhà nằm kế bên, nàng đang định hỏi thăm nhà anh, vì còn bỡ ngỡ khi đến nơi xa lạ, thì bỗng Phan xuất hiện trước mặt, gọi nhỏ: “Lan Phương, anh đây, anh đã về với em đây” cô giật mình quay lại, suýt bật khóc vì vui mừng, muốn ôm chầm lấy anh, nhưng chợt nhớ mình đang đứng trước nhà anh có bao cặp mắt nhìn vào hai người. Lan Phương nắm chặt tay anh, mắt rưng rưng lệ, Phan cũng lặng người hồi lâu rồi mới đưa cô vào nhà chào mẹ chàng và các chị em trong nhà. Cô cảm thấy thẹn thùng, bẽn lẽn nhưng ráng cố gắng giữ bình tĩnh để làm quen với gia đình, may là mẹ chàng hiền lành, đón tiếp nàng như tình thân, chị gái, em trai cũng hết sức cởi mở làm cô thấy yên tâm phần nào.

    Từ đó, Lan Phương thường qua thăm Phan, tình cảm hai người càng khăng khít nhiều, chàng lên đưa đón Phương đi làm, đi chơi nhiều nơi vì ba mẹ nàng đã ở lại Sài gòn một thời gian trước khi quyết định hồi hương về quê ngoại Tiền Giang. Thời gian sau, vì sinh kế, gia đình Phan cũng dọn về Đồng Tháp, Lan Phương buồn khóc nhiều vì phải xa cách người thương, nhưng biết phải làm sao, thời cuộc đưa đẩy phải vậy thôi, chỉ tội nghiệp cho người lính của nàng, phải xếp chiến y đi làm một nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người ta thường nói vậy. Ngày qua ngày, hai người “ở hai đầu nỗi nhớ” vẫn thư từ thường xuyên cho nhau rất nồng nàn cho đến khi...

    Một hôm, Lan Phương thình lình lâm bệnh nặng sau khi dự đám giỗ bên hàng xóm phải nằm bệnh viện dài ngày, vì cứ đau bụng âm ỉ và dai dẳng mãi làm bác sĩ điều trị phải lưu bệnh để tìm nguyên nhân. Vì thế, nằm viện lâu ngày làm cô bức rức nhớ đến lá thư viết cho Phan chưa gửi đi được và vẫn còn cất trong ví mang theo bên mình không biết làm sao gửi cho chàng, thì vừa đúng lúc Nhân, em trai kế nàng vào thăm, cô liền nhờ cậu ta gửi đi ngày dùm bức thư trên, cậu em sốt sắng nhận lời của bà chị yếu mến. Lan Phương vui lắm, nghĩ là Phan sẽ nhận được trong một hai ngày tới thôi và mừng rỡ khi đọc được những dòng thương yêu nồng thắm của nàng. Nhưng..., từ đây đã xảy ra một chuyện không ngờ làm thay đổi tất cả và cuộc đời cô gái trẻ đã rẽ sang hướng khác ngoài dự định của nàng. Lan Phương hoàn toàn không nghĩ là chuyện tình cảm của Phan và nàng lại đi đến cuối đường. Khoảng tuần sau đó, cô nhận được lá thư của chàng từ quê gửi lên, vui mừng dỡ thư ra đọc thì... trời ạ, đó là bức thư của chính cô chứ không phải của “người ta”, Lan Phương cầm lá thư lật qua lật lại mãi mà không hiểu tại sao nó lại bị trả lại, nhưng đề ngoài bì thư vẫn là nét chữ của Phan gửi tên nàng, chợt nàng đọc thấy dòng chữ ở góc lá thư: “Cô Lan Phương bị bệnh nặng đang nằm bệnh viện.” Thôi chết rồi, chữ viết đó là của Nhân, em trai “yêu quỷ” của cô đây mà, thì ra nó đã tinh quái mở thư ra đọc trộm và thêm vô những hàng chữ “chết người” đó, nó hại mình rồi, vậy là Phan đã hiểu lầm mình rồi, làm sao bây giờ Lan Phương tự nhủ thầm trong nỗi bối rối khó tả. Tiếp sau đó, nàng lại nhận thêm thư Phan gửi lên, đầy những lời trách cứ chua chát, đại ý viết: “Nàng đã có hôn phu, người thương, đã lập gia đình gì gì đó mà còn gửi thư dối anh, viết những lời yêu thương vô nghĩa, làm rối lòng anh, quấy phá cuộc sống yên lành của anh, yêu cầu từ nay chấm dứt, xin cô đừng viết thư từ liên lạc với nhau nữa.

    Lan Phương vội vàng viết liên tiếp rất nhiều lá thư xuống nơi anh ở để phân trần, đính chánh sự tình mong Phan hiểu rõ tấm chân tình của mình đối với anh, nhưng mãi anh vẫn không tin nàng chút nào, dù cho cố gắng bằng mọi cách, ví dụ như nhờ Thanh, chị cả của anh biện minh dùm cho mình và cả em trai chàng cũng nói giúp sau khi đến tận nhà cô tìm hiểu nhưng đều vô hiệu, Phan vẫn im lặng và không hề viết thư cho Phương kể từ đó.

    Lan Phương buồn bã không tả xiết, nhưng không thể nói gì hơn, chỉ biết ôm nỗi oan một mình, cũng không dám la rầy em trai vì sợ ba mẹ biết được chuyện lỡ dỡ của nàng do Phan hủy bỏ lời ước hẹn thành đôi mà nàng đã trót khóc với ông bà.

    Thời gian trôi qua, một năm, hai năm...

    Lan Phương vẫn mãi chờ đợi Phan hồi tâm nghĩ lại lên thành phố tìm cô, nhưng chàng thì biệt tăm, như không còn nhớ gì đến người năm xưa. Đến một ngày đẹp trời, ba mẹ Phương cho cô hay đã nhận lời gả nàng cho con trai của người bạn thân từ thuở nhò. Dĩ nhiên là Lan Phương quyết liệt từ chối, không thể ưng người chưa quen biết và cũng vì lý do thầm kín là chờ người xa ấy, nhưng mẹ nàng cương quyết không nghe lời con gái, mà vẫn giữ vững ý định gả nàng cho Hướng. Nàng như bị ép giữa hai dòng chảy của cuộc đời! Sự chờ đợi Phan trong vô vọng; sự sắp đặt hôn nhân của cha mẹ. Cuối cùng, nàng phải chiều theo ý các bậc sinh thành để tròn đạo hiếu, kết hôn với người ba mẹ đã chọn cho mình. Hơn thế nữa, trước ngày cưới, mẹ nàng lại bắt phải đốt bỏ hết những bức thư của Phan, vâng lời mẹ những cô đã giữ lại tờ thư của mình đã gửi anh ngày nọ trong đó có dòng chữ quái ác của Nhân, với hy vọng ngày đó gặp lại “người ấy” sẽ nói rõ sự việc, nhưng ngày lại ngày qua “bóng người xưa” vẫn không thấy về thành phố cũ.

Dòng suy tưởng về dĩ vãng của bà Lan Phương đến đây liền bị tiếng gọi của con gái Phương Mai đánh thức:

    - “Má ơi, đến nhà em Thu Hoài rồi kìa!”

    Thấy má mình có vẻ uể oải, cô hỏi nhỏ!

    - “Má mệt hả má, ráng chút xíu con đưa má vô nhà Hoài nghỉ nhe”. Rồi quay sang bà ngoại:

    - “Ngoại mệt hôn, đi hơi xa ngoại hé”.

    Bà cụ mở cắp kiếng mát ra, cười hiền hậu:

    - “Không đâu, ngoại khỏe lắm, chỉ mong gặp Minh Kiên! Con của Lan Như thôi hà, con lo cho má con đi, coi bộ nó ngồi xe hơi không ổn à.”

    - “Dạ ngoại.”

    Ông Hướng ngồi ghế trước, nghe vậy liền móc túi đưa cho con chai dầu xanh, nói với Mai:

    - “Nè con, thoa dầu cho má con đi, chắc bị say xe rồi đa”. Phương Mai thoa dầu hai bên thái dương cho mẹ. Bà không nói gì, xuôi theo để con gái săn sóc mình cho đến lúc tới nhà Thu Hoài.

Chiều xuống, khi chở về nhà, bà Lan Phương lên sân thượng ngồi bần thần suy nghĩ mải miết cho đến lúc ông Hướng tìm lên và ngồi bên cạnh mà bà như vẫn không hay biết, mà cứ thả hồn về dĩ vãng, khi ông đặt tay lên vai bà, tằng hắng một tiếng, nói nhỏ nhẹ:

- “Em khỏe chưa, hay còn mệt để tôi lấy thuốc cho uống nghe”. Bà giật mình quay lại gượng cười:

    - “Không sao, em đã khỏe rồi, tại lâu rồi mới ngồi xe nên hơi khó chịu trong người thôi ông à”.

    Ông Hướng hơi ngập ngừng:

    - “Nhưng tôi thấy em vẫn còn mệt sao ấy.”

    - “Em không sao rồi mà, ông đừng lo”

    - “Vậy mình xuống dùng cơm rồi đi nghỉ ngơi nghe em”

    Bà Lan Phương nhỏ nhẹ:

    - “Em muốn ngồi lại thêm chút nữa”

    Ông đành gật đầu chiều ý bà, bước đi nhưng còn ráng quay lại ân cần dặn dò:

    - “Đừng ngồi lâu nghe em, sương xuống lạnh, em sẽ bị cảm đó.”

    Bà Lan Phương rất cảm động trước tấm lòng yêu của chồng, một làn hơi ấm dịu dàng lan tỏa trong hồn bà trước tình yêu của người đàn ông của đời mình. Người thiếu phụ lại một lần nữa chìm đ8ám trong suy tư hồi lâu rồi như sực tỉnh sau một giấc mơ rất dài đến ngàn năm, bà nhủ thầm:

- “Từ nay, mình không nên nhớ hoài dĩ vãng đau buồn, mình phải quên đi những kỷ niệm không vui ấy, người đã phụ ta, cớ sao mình cứ phải ôm lòng nhớ thương hoài vọng”

Bà Lan Phương nhớ lại ngày làm lễ hôn phối long ttrọng ở Thánh đường cùng ông Hướng, trước sự hiện diện của Cha mẹ, anh em, họ hàng đôi bên và lời thề hứa trung thành với người hôn phối trước Thiên Chúa tối cao, và tình yêu của ông đối với bà trong hơn hai mươi năm qua đầy ân cần, tôn trọng lễn dịu dàng từng cử chỉ, tiếp đó là sự ra đời của con gái Phương Mai đánh dấu tình thân cao cả đã kết nối thành một gia đình.

Những suy nghĩ dấy đến lúc ngầy khiến bà hồi tâm và cảm thấy nhẹ nhõm, giờ thì “nỗi niềm khôn tỏ” như đã tan biến vào hư không.

    Nơi chân trời xa xa đang dần nhuộm tím hoàng hôn, bà nhìn về phương ấy thầm nói “Người nơi ấy đã quên ta, cũng như ta sẽ quên người để bước qua cuộc đời mới, sống cho ta và gia đình nhỏ của mình.

“Từ biệt nhé, tình yêu thơ ngây một thời thiếu nữ lắm mộng mơ, bây giờ đã xa lắm”.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn ngày 06.8.2020 .