Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






KARAOKE ... XÓM PHỐ




   T ối thứ 7, cả cái ngõ “phố Xây dựng” của khu tập thể Tổng công ty rộn lên bởi tiếng loa đài xập xình. A lô!... A lô!... Một, hai, ba, bốn… A lô! Một lát sau, tiếng nhạc, tiếng hát bắt đầu rộn ràng. Giọng nam trung khê khê: “Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng, tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ… ơ…”.  Có tiếng ọt ẹt, léo xéo vọng vào mi cờ rô: “Ông hát chán bỏ mẹ…ẹ... Nhạc một nơi, lời một nẻo”. Rồi một giọng khác trầm trầm, đùng đục: “Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em…” Âm thanh rõ mồn một chui vào từng nhà, nhất là hai gia đình bên cạnh. Cô Liên có hai con đang đi học, bực mình lắm. Cô nhảy bổ sang, giọng xoe xóe:

- Này này, xin các bố tịt cái loa rè đi cho mẹ con tôi nhờ. Con Hoa năm nay thi đại học đấy. Cứ như bò rống bên lỗ tai thế này, chúng nó học hành thế nào được!

Thúc – chủ nhân của “hội ca nhạc xóm” vặn nhỏ máy, quay ra cười khềnh khệch:

- Ngày nghỉ, học hành cái con khỉ. Người ta hát cho cả xóm nghe, không cảm ơn thế thôi, lại còn… Có muốn hạ giọng với bọn này không? Gì mà mặt mũi cứ như sắp sửa đi đánh ghen thế kia?

Đang cau có, Liên cũng phải phì cười:

- Ơ hơ… Chả biết ai phải đi đánh ghen!

Mặt Liên tỉnh bơ, giọng tưng tửng. Cả bốn, năm “hội viên ca nhạc” nhìn Thúc tủm tỉm. Những lon bia Hà Nội bật nắp tanh tách. Thúc bấm vào nút “play”, cuộc vui vẫn tiếp tục:  “Về tới đầu làng, con chim sáo nhỏ hót vang rộn ràng…”. Mấy cái đầu lại gật gù, lắc la lắc lư.

Liên quay về, lầu bầu: “Cũng tội nghiệp cho mấy tay đực rựa, đi làm cả ngày, cả tuần, về nhà thì cũng có cái trò gì vui đâu”.


* *

Nói “phố Xây dựng” là do quen mồm từ xưa chứ thực ra cư dân ở đây tạp nham đủ mọi thành phần  “tứ chiếng giang hồ” : công nhân, trí thức, buôn bán... Đến cả mấy tay giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn gì gì đó cũng vào đây mua nhà. Trước kia, mấy dãy nhà này thuộc loại cấp bốn phân cho công nhân xây dựng ở. Trải qua mấy chục năm, người ta mua đi, bán lại, sang tên, đổi chủ xoành xoạch. Thôi thì mạnh ai người nấy sửa sang, đập ra, xây lại, một tầng, một tầng rưỡi, hai tầng, ba tầng... tùy theo túi tiền của mỗi gia chủ. Thành thử đứng trên nóc nhà khu năm tầng nhìn xuống, nhà cửa khu Xây dựng lổm ngà lổm ngổm như cóc ngồi hứng mưa rào. Ngay đầu ngõ, một tấm biển to tướng được trương lên trên đỉnh đầu : “Toàn dân đoàn kết quyết tâm xây dựng khu dân cư Văn hóa”. Chẳng biết có phải nhờ cái khẩu hiệu đó nhắc nhở không mà dân “phố Xây dựng” này khá thân thiện, cởi mở. Mới tờ mờ sáng, các bà, các cô rủ nhau từng tốp đi bộ cho khỏe người, nhất là để giữ “eo ót ” chứ không thì gay. Dạo này, một số đức ông chồng bắt đầu giở quẻ chê vợ vì cái tội người cứ như cái “bao thịt ” di động. Phong trào đi bộ lan rộng khắp khu, nhiều nhất là các bà sồn sồn trên dưới bốn mươi. Hăng lắm ! Hành trình bắt đầu từ sân tập thể, thẳng tiến đến hết đường Lê Lợi, vòng quanh hồ Tam Bạc. Ái chà ! Mấy cây số chứ chẳng chơi. Mặc bộ lửng cho mát, đi giày ba ta cho êm chân. Các cô bước huỳnh huỵch, tay vung mạnh, mồ hôi vã ra. Càng tốt ! Cho bớt mỡ đi ! Tại sao cái thứ núng na núng nính không mời mà đến ấy cứ ngày cành phình phịnh ra ở mặt, ở đùi, ở mông, ở bụng cơ chứ ? Sáng nay, nhóm cô Tưoi, cô Hoàn, cô Thoa... vừa đi vừa bàn cái vụ “Ông Thúc có vợ hai” rôm rả. Tươi mở màn bằng một nhận định chắc nịch :

- Cha Thúc trông tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi. Có vợ hai ở Nam Định đấy. Vợ chứ không phải bồ bịch vớ vẩn đâu ! Hoàn trợn mắt, hai má rung rung :

- Tôi thấy bà Hảo nói phen này mở cuộc điều tra. Nếu đúng sự thật bà ấy bảo sẽ xẻo, xẻo...

Hoàn làm cử chỉ cắt bằng hai ngón tay, cả bọn cười phá lên. Thoa vỗ tét hai tay :

- Xẻo thì mình được cái gì ? Mất chồng cái chắc. Tốt nhất là kiểm soát được giờ giấc của các bố ấy. Hôm nọ, tôi chộp được một cuộc nhắn tin của lão hói nhà tôi. Thế này chứ: “19 giờ, em Hùng”. Hùng Hùng cái gì, giả vờ nói tên con trai để cảnh giác ấy mà. Tôi mới bảo: “Nào, tôi cùng đi với ông để đón em Hùng”. Lão đánh trống lảng: “Chắc là nhầm máy”. Tôi biết thừa...
Tươi bĩu cặp môi dày bô bô :

- Ối giời ! “Chỉ đâu mà buộc ngang trời”, các bà có nhìn thấy ma ăn cỗ bao giờ không ? Gì chứ cái trò chim chuột thì các ông ấy tài tình lắm. Đến cả lão chéc – lơ – mo nhà này cũng có chuyện rồi đấy. Hỏng ! đàn ông xóm này hỏng hết ! May ra được vợ chồng cô giáo Hương là yên ấm.
Hường suy xét :

- Cũng không biết đâu được. Trí thức thì bồ bịch theo kiểu trí thức. Trông đôi mắt bà ấy, dễ nhiều ông chết lắm !

Vừa đi vừa buôn chuyện, chả mấy chốc các cô đã đến hàng bánh cuốn nóng bên hè phố. Bánh tráng mỏng, trắng ngần, chả vàng suộm trong chảo sôi xèo xèo, thơm nức. Nước mắm dấm trong veo như hổ phách, những lát ớt tươi rói, thoảng hơi cay. Đói quá ! Sáng sớm đi chưa có gì vào bụng, vã cả mồ hôi. Mỗi cô làm một đĩa đầy lùm lùm với dăm miếng chả vẫn thèm thèm. Nhưng thôi, ăn nhiều sợ tăng ký lắm. Lại đi tiếp, lại chuyện tiếp. Đến bên kia hồ thì cái đĩa bánh lúc nãy đã bay biến đâu sạch. Thì đi như thế tốn bao nhiêu Kalo . Bà hàng bún riêu cua đon đả : “Bún nóng ngon lắm, các cô vào ăn đã, không tăng cân đâu”. Đúng quá, trong thực đơn của nhứng người ăn kiêng chả ghi : Bữa sáng ăn bún là gì. Mỗi cô lại một tô nóng hổi, ăn kèm với rau sống có hoa chuối thật ngon miệng. Lần này thì dứt khoát về thẳng nhà. Gớm, còn bao nhiêu hàng quà. Ốc xào – kệ ! Xôi bánh khúc – kệ ! Phở bọ̀ tái, nạm gàu... Hãy để... đến mai !

Tối hôm ấy, chả ai bảo ai, các cô tề tựu gần như đông đủ ở nhà Hảo. Chị em hàng xóm phải quan tâm đến nhau chứ ! Thúc đi giám sát công trình mai mới về. Các con đi học trên Hà Nội cả. Chả có thằng đàn ông nào, các cô tha hồ kềnh kếnh cang nằm duỗi chân tay ra giữa nhà. Quần lửng ống rộng vén lên cho mát. Tươi cầm cái chổi phất dí dí vào lườn Hảo :

- Bụng hàng rổ thịt thế này, rủ đi bộ sáng lại lười !

Hảo nguýt dài, mi mắt sùm sụp, lại thêm mấy nếp nhăn mới xuất hiện :

- Vâng, các bà thì thon thả. Càng đi bộ lắm càng ăn cho nhiều. Nay em bằng cái thùng tô nô, mai em bằng cái bồ sứt cạp ! Nói cho mọi người biết nhé, tôi đă có cách trị lão Thúc rồi. Lăo hứa chừa rồi ! Cả bọn nhỏm dậy :

- Ái dà ! Cách gì đấy ?

Mắt Hảo sáng lên :

- Mua một bột giàn hát Karaoke... thật xịn !

Tất cả trố mắt nhìn Hảo – Bà này điên rồi !

Hảo đắc ý, giảng giải :

- Này nhớ, không hẳn là ông ấy chê mình béo đâu. Phụ nữ có tuổi tăng cân là chuyện thường tình. Đêm, tôi thủ thỉ vào tai lăo : “ Có trót ăn ở với ai rồi thì cũng cứ nói thật cho tôi khỏi nghĩ ngợi. Tôi xin thề có cái... đèn tuyp ở giữa nhà (mà đèn lại tắt bố nó rồi – cả bọn cười) là tôi không hề đánh ghen, đánh ghiếc gì đâu. Từng này tuổi đầu, ghen tuông cái phải gió gì ”. Đầu tiên, lăo chối đây đẩy, sau tôi mới đánh bài ngửa : “ Sáng mai, tôi cùng ông ra hàng in tơ nét, tưởng mụ già này không biết gì hả ? Tôi biết thừa cái “ních” của ông là “U50yeuem” với cái“pát uốt” là “sói xám”. Mở “in bóc” ra, xem con nào viết cho ông những cái gì ? Ông còn chối không ?”. Lão ta tá hỏa, đành phải khai nhận hết.

Tất cả cùng ồ lên. Thoa ngân nga “đổ” cải lương :
Bà chỉ ơi, bà chỉ điều tra tội phạm thật là tài giỏi. Nhưng cái gay go là từ nay phải canh giữ ông ấy thế ư... ư...nào ! Tẳng tắng tăng tăng tăng... tằng !

Cả bọn cười rú . Thoa lảnh lót :

- Ừa ! Lấy sợi chỉ mà buộc chân lão. Cha Thúc vừa đẹp trai lại vừa giỏi, gái nào mà chẳng mê. Thế tình địch của bà ra sao ? Tiếp viên Karaoke à ? - Không phải, nó làm ở phòng máy vi tính. Một con gầy như que củi. Lão nói thế chắc là để nịnh cái sự béo tốt của mình chứ nào có nhìn thấy nó đâu ! Lão khen nó hát hay lắm, nghe bài nào cũng chết lịm đi. Lão rên rỉ thế này chứ : “ Suốt ngày hùng hục theo công trình đến bạc cả mặt. Về nhà ngày nào cũng nhìn thấy mãi một thứ đồ cổ không thể thay thế được, chỉ biết hát cái bài tiền ! tiền ! ”. Thật chỉ muốn vả vào mồm lão cho rơi răng ra. Thế cho nên tôi mới định mua một bột giàn máy hát Karaoke, cho lão tha hồ gào.

Hường nhíu trán, những nếp nhăn xô vào nhau như bà lão :

- Công bằng mà nói, chị em mình cũng có lỗi trong việc các ông ấy tìm bồ bịch. Đàn bà chúng mình có thói quen lấy được chồng rồi thì thây kệ các lão ấy ra sao thì ra, miễn không bỏ mình là được. Suốt ngày chỉ toàn chuyện giá cả, tiền nong, ăn uống, đi chợ, may sắm... rặt những thứ làm các ông ấy rác tai, trong khi người ta đã phải lo kinh tế rồi. Đến lúc các bố ấy trăng gió bên ngoài mới giật lên đùng đùng !

Hảo gân cổ :

- Thế các ông ấy là bố tướng à ? Ai ở nhà lo cơm nước, nhà cửa, con cái yên ấm cho các ông ấy đi làm ? Mình có quan tâm đến lão ấy thì lão ấy cũng chả thèm quan tâm đến mình. Mấy tháng trước, mình cố nhớ ngày sinh nhật của hắn, mua một bó hoa rõ to, hồng tím Đà Lạt hẳn hoi, các bà có biết hắn nói gì không :  «Bà bị ẩm IC à ? Hoa với hoét trông như gà rù ấy”. Mình tức, quẳng bố nó vào thùng rác !Của đáng tội mấy chục năm nay bọn này cũng có chú ý gì đến sinh nhật sinh nhiếc gì đâu, mà lứa tuổi bọn mình ai chẳng thế, bây giờ tỏ ra săn sóc một tí nó cứ gượng gạo làm sao ấy.

Thoan gật gù, triết lý :

- Đúng rồi ! cây đã già cỗi, hết nhựa sống, có cố tưới tắm thì cũng chỉ loe hoe vài cái lá non rồi ngoẻo thôi. Phải nghĩ ra cách khác mà giữ chồng ! Rồi cả nhóm xúm xít bàn bạc về cái chuyện mua bộ máy hát Karaoke. Tươi hùng hổ tuyên bố:

- Bà Hảo rút tiết kiệm ra, độ chục triệu thôi, để làm chó gì, chết cũng có mang theo được đâu. Chúng tôi mỗi người thêm một, hai triệu, cho các lão ấy cùng giải khuây.

Và thế là từ hôm đó, buổi tối cái xóm “phố Xây dựng” này tưng bừng hẳn lên. Sau khi cơm nước xong, mọi người lại được nghe “chương trình Karaoke … sạch” do các quý ông, quý bà trong xóm biểu diễn. Thôi thì đủ các loại giọng ca trầm, bổng, the thé, rên rỉ… Đến ngày thứ ba, ông Hinh, cựu chiến binh, tổ trưởng dân phố không chịu được nữa:

- Các anh, các chị có hát thì đóng kín cửa kính lại, dán mấy cái lỗ kia vào, hát nhỏ đủ cho các anh chị nghe thôi. Chỉ được hát vào ngày nghỉ. Điếc tai quá! Không nghe người ta nói à? Hát gì mà cứ như “chó cắn mèo kêu” ấy. Nếu còn rống lên, tôi sẽ gọi điện cho công an phường!

Ông Hinh chưa kịp gọi điện thì Chiến – cảnh sát khu vực đã vào thật. Thế nhưng cả xóm xúm xít vào bênh vực cho cái sự inh om “tự phát”của xóm mình: “Chúng tôi chung nhau đóng tiền mua máy hát để giải trí, có ai phàn nàn gì đâu, như thế này chẳng tốt hơn ra nhà hàng hay sao?”. “Nhưng các bác, các cô phải đảm bảo không được để âm thanh to ảnh hưởng đến các gia đình khác”. “Vâng! Vâng…chúng tôi sẽ chấp hành”.

Rồi cũng từ hôm đó khí thế ca nhạc có chiều hướng xẹp dần. Các ông nhìn nhau: toàn đàn ông đàn ang, ngán bỏ xừ. Không có mấy lon bia thì các lão cũng tếch! Còn mấy mẹ xề, từ thưở cha sinh mẹ đẻ có biết hát hỏng là cái gì. Cầm micro thì cứ như cầm đẫn mía sắp đút vào mồm! Giọng ca thì miễn chê! Sư tụng kinh còn thua xa! Lại đến mấy thanh niên choai choai, chủ nhật, chúng kéo sang nhà : “Hôm nay cho bọn con đặc cách nhé, các cụ tụng chán rồi còn gì .” và thế là chúng gào rú như ma làm, chẳng coi cái phạt vi cảnh của công an phường là gì hết, thôi thì đủ các loại nhạc phẩm: …rồi một ngày vắng em, trái tim không ngủ yên…; Mắt nai ơi xin đừng đi nhé em…; Nothing gonna change my love for you…Caí trò hát ka ra o ke này thật lạ. Người cầm mich thì say sưa, tâm hồn lâng lâng ngỡ như ai cũng hiểu được lòng mình qua tiếng hát, nhưng người ngoài nghe cứ như chọc vào lỗ tai. Thúc bắt đầu khó chịu: “Ai mượn bà đi mua máy hát? Rức hết cả đầu, chả nhẽ hàng xóm láng giềng người ta sang lại không mở . Nếu bà thích, ra ngoài nhà hàng một vài tiếng hát mệt nghỉ, tự dưng lại đi rước cái điếc tai về nhà!”. Hảo nói gần như khóc: “Tôi đâu có thiết gì hát với hò, chẳng qua cũng vì ông mê muội ba cái thứ xướng ca vô loài nên tôi mới phải mua, cũng bởi ông tham bát bỏ mâm…ông hờ hững với vợ con…Sao cái số tôi nó khổ thế này…Giời ơi là giời!…” Đôi môi Hảo tái xám run run, những vết đồi mồi, nhám đen trên khuôn mặt người đàn đã 50 tuổi như càng sẫm lại. Thúc ân hận vì đă lỡ lời với vợ: “Thôi thôi, tôi xin lỗi, mọi sự tại tôi cả, nhưng quả thật dùng ka ra o ke như thế này làm mất trật tự hàng xóm quá, cuối năm nay, tôi sẽ sửa làm hẳn một phòng cách âm, hát thoải mái”.

Thúc nhớ những lần nghe Minh hát. Nàng thật duyên dáng. Đôi mắt hết sức biểu cảm. Làn môi xinh xinh mà giọng hát thì khỏe khoắn, cao vút. Tiếng hát bay bổng cùng với những cử chỉ thanh thoát làm mê mệt đắm đuối tâm can, theo đuổi Thúc cả vào trong giấc mơ. Minh phụ trách phòng máy vi tính. Mười ngón tay nhỏ nhắn lướt trên bàn phím trông như múa. Vốn là một kĩ sư thiết kế giỏi, Thúc cũng sử dụng máy vi tính thành thạo. Hai người chuyện trò, tâm sự với nhau qua in tơ nét. Minh cũng đã có chồng, có con nhưng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, vợ chồng Minh li thân từ mấy tháng nay. Thúc yêu say đắm đôi mắt u buồn, cái nhìn lặng lẽ của Minh. Nàng ít nói nhưng làm thơ cực hay. Mọi tâm tình, Minh gửi vào lời hát và những vần thơ. Những câu thơ nồng cháy nỗi buồn da diết, nàng gửi cho Thúc qua mạng:

Em xin chết! Xin chết cùng anh!
Dù cái đích cuộc đời với em quá mỏng manh
Dù pháp luật bảo tình em anh là bất chính
Tình đến với nhau, em không hề suy tính
Hạnh phúc gia đình – có gì đảm bảo đâu…

Vốn đã đau khổ về sự cô đơn, minh cũng ý thức được việc làm của mình đối với gia đình Thúc. : “Anh đừng vì em mà ruồng rẫy chị ấy. Người phụ nữ đã một đời tất cả vì chồng vì con mà kết cục lại là sự cô quạnh e tàn bạo quá. Khi buồn bã, lúc ốm yếu, lọ̀ng đơn côi…chúng mình hãy đến với nhau. Chỉ một lời động viên an ủi thôi, đối với em cũng quý giá biết nhường nào!”. Thúc xót xa hôn lên đôi mắt buồn bã của nàng: “Không, anh không thể sống thiếu em được!”. Minh cố gỡ tay Thúc: “ Chao ôi! Câu nói muôn thưở của đàn ông!”. “Nhưng rất tiếc nó lại đúng với anh, em ạ!” “Không được, rồi đến một lúc nào đó chúng mình cũng phải chia tay thôi.Nếu ai cũng tìm cách thỏa mãn ước muốn của minh thì trật tự gia đình bị đảo lộn hết. Bao nhiêu bi kịch cũng từ đó mà ra…” Thúc càng xiết chặṭvòng tay, gầm lên trong họng: “ Mặc kệ thiên hạ! mặc kệ cái lý sự của em, nào cho anh hỏi: Đường lên Thiên Đàng ở đâu!?” Minh lịm người trong cái hôn ngạt thở của Thúc. “ Chúa hãy tha tội cho chúng con!..”. Cũng nhiều khi, Thúc day dứt lắm: “Sao mình lại đổ đốn ra thế này. Vợ đầu gối tay ấp mấy chục năm nay. Hảo chịu thương chịu khó, yêu chồng, thương con và rất chung thủy với mình”. Ngồi uống bia với Lãm – bạn xây dựng, nghe Lãm triết lí về phụ nữ: “Đức hạnh, đoan chính chẳng qua là cái mĩ từ che lấp sự khiếm khuyết của những người đàn bà không xấu xí thì cũng đần độn. Nó chỉ phù hợp với những người đàn ông tương tự như vậy”. Thúc trừng mắt: “Vậy những người đàn bà chờ chồng mấy chục năm trong chiến tranh cũng là xấu xí, đần độn hay sao? Tất nhiên ông sẽ nói là do hoàn cảnh bắt buộc. Nhưng theo tôi không nên đưa ra định nghĩa hay quy tắc nào ở phạm trù này cả. Ngày nay người ta luôn phá vỡ hoặc vi phạm chế độ một vợ một chồng cũng có nguyên nhân chính đáng của nó”. Lãm cười, tu ực một hơi, hết cốc bia. “Gớm, lắm lí sự . Nhờ ông phân tích kĩ hơn cái nguyên nhân tính tang này xem nào”. Thúc nheo mắt: “Cuộc sống càng phát triển, nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người càng đòi hỏi phải nâng cao. Trừ những người dễ an phận với gì Chúa đã an bài, đa số con người ta luôn tìm cách bổ sung những gì mình thiếu thốn, luôn tìm cách vươn tới những khát vọng lấp lánh hơn. Cũng có thể có sự nhầm lẫn, ngộ nhận nhưng người ta vẫn cứ lao đầu vào như con thiêu thân lao vào ánh sáng. Nhất là trong chuyện tình ái. Từ cổ chí kim , từ đông sang tây, xưa nay, có anh hùng nào mà chả qua cửa mỹ nhân? Mình không phải là anh hùng, chỉ là những thằng tiện dân suốt đời chỉ lo cho cái ổ ấm bé tí của mình. Nhưng quá trình tha rác, kiếm mồi đó cứ lặp đi lặp lại mãi, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, chẳng có gì thay đổi trong khi ở ngoài kia, bầu trời tự do xanh thắm đang vẫy gọi, hấp dẫn mê ly biết nhường nào. Liệu con người ta có thể cưỡng nổi ma lực đó?. Này nhé, tôi hỏi ông: Ông cũng có nhân tình chứ gì ? Xinh là đằng khác. Lại hỏi nữa: Ông có định bỏ vợ không? Không chứ gì - vì lương tâm ông cắn dứt. Bây giờ, ông phải trả lời tôi câu này: Nếu vợ ông cũng có nhân tình thì ông tính sao?”. “Vợ tôi mà có người tình xứng đáng thế́….” - Lãm nhăn nhở - “…thế tức là bà ấy thuộc loại phụ nữ có đẳng cấp cao. Tôi xin nhắc lại là người tình xứng đáng cơ, chứ không phải là cái loại chui bờ, rúc bụi. Lúc ấy, tôi sẽ giữ nàng bằng được và cố để xứng đáng với nàng”. Thúc cười nhăn nhó: “Ông giải thích như cái đồ con tườu, luẩn qùa luẩn quẩn . Thế nếu bà ấy không thèm ngoái lại nhìn ông nữa thì sao?”. “Thì có nghĩa chân lý của tôi là đúng, tôi đành phải chấp nhận đau thương, để cho con sáo sổ lồng…mà thôi.” Thúc đá chân Lãm: “ Đồ lẻo mép, cẩn thận không bà ấy lại cho của quý vào nước sôi thì sẽ biết thế nào là đẳng cấp!”.


* * *

Sáng thứ 2, Thúc xếp thêm mấy bộ sơ mi vào ba lô. Hảo đứng bên cạnh, bần thần:

- Chiều mai về, đem làm gì lắm quần áo thế?

Thúc vẫn chăm chú xếp ba lô:

- Không, lần này chưa biết bao giờ về. Chưa xong ở Quảng Ninh, công ty đã điều động tôi đi Nam Định rồi.

Hảo bắt đầu nóng gáy:

- Thì xong Quảng Ninh hẵng về nhà đă. Hay lại định trốn biệt tăm với con Minh luôn?

Thúc lừ mắt, đôi lông mày lưỡi mác xếch lên:

- Bà muốn nghĩ thế nào tùy bà. Nhưng nếu giở cái trò ̣ om sòm như lần trước thì đừng có trách tôi ác.

Rồi Thúc dắt xe ra khỏi cửa, nổ máy ầm ĩ. Nước mắt ầng ậng trên mi, Hảo nghẹn giọng:

- Giời ơi! Ông lại chứng nào tật đấy phỏng? Mai có về kh…ông ?

“Thật đúng là cạn nghĩ quá, mai hay kia thì cũng có gì khác nhau đâu”. Nhìn vợ sụt sùi, Thúc không đành lòng, tắt vột máy xe:

- Bà điên à? Thế có cho tôi đi làm không? Được rồi, thì về!

Hảo gạt nước mắt, sửa lại cổ áo cho chồng, lòng quặn đau: “ Lão ấy vẫn đẹp trai quá! Chả trách...” Giọng Hảo trở nên trong trẻo một cách lạ thường:

- Chiều tối mai, em làm món thịt gà nướng cho mình nhá! À, em sẽ nài cô giáo Hương sang hát với mình nhá. Cô ấy hát hay lắm!

Thúc nhìn vợ. Chao ôi! Những năm tháng vất vả in dấu trên khuôn mặt Hảo rõ quá. Mình không thể…”. Thúc buồn rầu, chậm răi phóng xe đi. Một đám bụi đường quẩn lên, táp vào người Hảo. Chị nhìn theo chồng, lẩm bẩm như người mê ngủ: “Về nhà mà hát chứ. Bộ giàn Karaoke người ta mua gần hai chục triệu để cho mốc lên à?”

Tháng 09/ 2006