BÃI NGÔ NGÀY ẤY
T hằng Quyến làm công an xóm kiêm tổ trưởng bảo vệ hoa mầu đã mười mấy năm nay. Người hắn to cao, răng vẩu, mái tóc dựng ngược, cứng như rễ tre, khoẻ như Võ Tòng. Trẻ Chăn trâu trông thấy hắn sợ như trông thấy ông thiên lôi.
Cả làng có năm trăm hai mươi mẫu đất bãi, tám trăm sáu mươi ba mẫu đất ruộng, hắn thuộc làu từng bờ sông góc bãi. Thiên nhiên ưu đãi, mỗi năm một lần, nước sông dâng kín đôi bờ. Nước rút, để lại một lớp phù sa mầu mỡ, không cần phải bón phân mà ngô cứ tốt bời bời.
Mùa ngô bãi lại là mùa cỏ giả khan hiếm. Những hộ dân ở cận bờ bãi thường chờ đêm xuống lén lút mò vào bãi ngô tước lá cho trâu ăn. Thời kỳ ngô đang chắc hạt, thằng Quyến chỉ huy lực lượng bảo vệ canh gác ngày đêm. Những chủ hộ nào vô phúc bị hắn tóm được, ngoài việc phạt theo phép làng, hắn còn lên loa thông báo trước bàn dân thiên hạ.
Bây giờ mỗi làng đều được huyện trang bị hệ thống loa truyền thanh công xuất lớn. Mỗi khi có việc thông báo lên loa, không phải một làng nghe mà cả mấy xã lân cận đều nghe. Người nào bị đưa lên loa, sáng mai cả vùng đều biết.
Nhà chị cò Lung bên cạnh bãi ngô, nuôi hai con trâu, một đực một cái. Con đực, anh cò Lung dùng kéo xe bánh lốp, con cái để sinh sản. Anh cò Lung ngày kéo bảy tám chuyến cát từ dưới sông lên, tối đến là lăn ra ngủ ngáy khò khò. Phần chăn dắt giao cho thằng cu Lung và vợ. Chị cò Lung, người quê lam lũ mà sao má cứ đỏ hây, nước da trắng như trứng gà bóc. Thằng Quyến to như con trâu mộng lại lấy phải con mụ vợ ốm đau liên miên, cò mòn cò chéo. Nhìn thấy chị cò lung, hắn thèm nhỏ rãi mà không dám đụng vào vì anh cò Lung cũng không phải tay vừa.
Đêm hôm ấy, sau khi buổi chiều vừa cố kéo rốn mấy xe cát cho một nhà hàng xóm, anh cò Lung lăn ra ngủ say như chết. Chị cò Lung còn trằn trọc bởi hai con trâu đang đói gõ sừng kình kịch ngoài chuồng. Thương con trâu đói, không ngủ được, chị nhẹ nhàng ngồi dậy, xuống bếp, tay cầm bao tải, lò mò vào bãi ngô.
Cánh bãi ngô dài tít tắp ra tận bờ sông, san sát lá xanh, sương đêm ướt đẫm. Chị cò Lung mê mải tước từng lá nhét chặt vào bao tải. Khi bao tải đã chật, chị còn tham lam bẻ thêm sáu bắp ngô non cho vào, định bụng về luộc cho bố con nhà anh cò Lung sáng mai ăn sáng.
Khi vác cái bao tải lá ngô lên vai để về, ngoảnh lại sau lưng, chị rụng rời hồn vía, thằng Quyến đã đứng lù lù từ lúc nào.
Phía bên ngoài là sông , bên trong thì hắn đứng chắn, có mà chạy đằng giời!
- Yêu cầu chị đi theo tôi về nhà văn hoá thôn để làm biên bản!
Hắn nói giọng rất nhỏ. Xưa nay cái nghề bảo vệ, lúc nào nó cũng nói oang oang quát nạt người, thế mà hôm nay, giọng hắn lại hạ thấp một cách đáng ngờ!
Chị cò Lung chỉ mới nghe đến lập biên bản đã hết hồn. Chị hình dung thấy tên mình bị đưa lên loa truyền thanh của xóm thông báo là kẻ phá hoại cho cả làng cả xã nghe, khiến chị run lên như người sốt rét. Chị quỳ sụp xuống dưới chân thằng Quyến:
- Em cắn rơm cắn cỏ lạy bác, bác rủ lòng thương em với. Bác mà thông báo lên loa, em nhục lắm, thà em thắt cổ chết trước mặt bác còn hơn. Trâu nhà em đói quá, gõ sừng cả đêm, sáng mai lại phải kéo xe, em cũng chỉ tước ít cái lá ngô già…
- Ai bảo chị là ngô đã già? Ngoài lá ngô, chị còn cái gì trong bao tải đấy? Thì ra thằng khốn nạn đó đã đứng đằng sau chị theo dõi từ lâu nên trông thấy cả khi chị bẻ mấy bắp ngô. Chuyến này thì không thoát khỏi cái tội trộm cắp! Trời ơi! Chỉ vì thương con trâu mà chị phải chịu trọng tội! Tự nhiên chị lắp bắp nói những lời mà chính chị cũng không biết là mình nói gì:
- Bác tha cho em lần này, em xin đội ơn bác suốt đời! Chỉ cần bác tha cho em thôi, còn cái thân em, bác muốn là gì thì làm! Thằng Quyến cười khì khì:
- Đó là tự nguyện đấy nhé! Đây không ép buộc!
Thằng Quyến lâu nay thèm khát bởi nằm bên mụ vợ gầy như con mắm, nay vớ được chị cò Lung, vừa trẻ, vừa đẹp, hắn làm ra trò. Chị cò Lung quằn quại dưới cái thân hình to lớn như lính khố xanh thời pháp của hắn. Mấy chục cây ngô đổ sụp xuống, tan tác tơi bời bởi hai kẻ, một mang danh "phá hoại", một là nhân danh công lý bảo vệ.
Thằng Quyến đứng dậy mặc quần áo rồi bỏ đi, để mặc chị cò Lung người ngợm lấm lem đất cát. Chị lầm lũi vác cái bao tải cúi lom khom chui dưới hàng ngô về nhà.
Chị nhẹ nhàng vén màn. Cha con nhà anh cò Lung vẫn bình yên trong giấc ngủ. Mang bao tải lá ngô cho trâu ăn xong, chị nằm xuống bên chồng, trong lòng không khỏi xót xa tủi hổ.
Căm tức thằng Quyến, chị không sao ngủ được. Mẹ cha nó, có một bao lá ngô thôi mà hắn ngang nhiên làm nhục mình. Thôi thì đằng nào cũng "bị" rồi! Bây giờ chắc hắn nhọc đứ đừ đang ngủ say như chết. Hay tranh thủ làm một bao lá ngô nữa?
Lần này khôn hơn, vừa tước lá ngô, thi thoảng chị ngoảnh mặt lại phía sau quan sát. Nếu có động tỉnh thì quẳng bao lá lại mà chạy cho thoát lấy người. Hai tay nhanh thoăn thoắt trong đêm, chả mấy chốc, bao tải đã chật cứng lá ngô.
Vừa vác bao lá lên chưa kịp bước nửa bước, ngoảnh lại sau, thằng Quyến đã đứng chắn từ lúc nào, đang nhìn chị cười khì khì.
Khốn nạn! Lại phải hiến thân cho nó một lần nữa! Sao lại có loại người như hắn chứ! Khoẻ còn hơn trâu điên! Chị nằm phía dưới, căng người lên mà chịu đựng. Hắn làm hùng hục như trâu húc mả. Tự nhiên, không biết tại sao, chị cũng không làm chủ được cái thân mình nữa, người chị cũng rung lên, đu đưa theo nhịp cơ thể hắn. Chị hoảng hốt nhớ lại việc chị vừa tháo vòng tránh thai tuần trước. Vợ chồng chị bàn nhau kế hoạch sinh con thứ hai. Nhỡ đêm nay mà chị có thai với hắn, thì khổ cho anh cò Lung lắm!
Chín tháng mười ngày, sau cái đêm bị thằng Quyến tổ trưởng bảo vệ làm nhục, bây giờ chị cò Lung đang nằm chờ ở nhà hộ sinh của xã. Đứa trẻ trong bụng chị đang đạp dữ lắm. Con càng đạp mạnh, mẹ càng lo, không biết đứa con sắp chào đời có phải là giọt máu của anh cò Lung hay của thằng Quyến?
Sau khi tắm rửa cho đứa trẻ, người nữ hộ sinh đặt đứa bé bên cạnh mẹ nó. Một bé gái kháu khỉnh, cái mũi, cái mắt trông giống hệt anh cò Lung, và làn da mịn màng cùng với mái tóc, mái tóc của nó tuy mới sinh ra đã mềm mại như tơ giống chị.
Chị cò Lung sung sướng bật khóc nức nở. Anh cò lung tưởng vợ tủi thân vội chạy lại ngồi bên chị. Chị nói với anh trong lòng dâng trào niềm hạnh phúc:
- Bố thằng Lung thấy con gái có giống cha không nào!
Anh cò Lung nựng con, giọng pha chút hài hước:
- Nó không giống cha thì giống cái nhà bác Quyến bảo nông à?
Mặt chị cò Lung chợt biến sắc, nhưng cũng may mà anh cò lung mải ngắm con nên không để ý.
Sau khi tôi đăng cái truyện "Tình Trâu" nói về vụ chị cò Lung ban đêm tước trộm lá ngô cho trâu ăn để thằng Quyến tổ trưởng bảo nông bắt được bị hắn “đè” lên mạng buổi sáng thì buổi chiều thằng Tiến tổ trưởng bảo vệ thôn hầm hầm cầm cây gậy đến. Tôi đang ngồi cắm cúi gõ bàn phím chuẩn bị cho một truyện ngắn tiếp theo thấy hắn lù lù bước vào dựng cái gậy ở góc nhà :
- Bác Trịnh! Sao lại nỡ viết như thế? Em đâu phải là thằng đốn mạt mà bác bảo em “đè” cả con mẹ cò Lân?
- Lân nào?
- Mẹ cò Lân nhà ở sát bờ bãi chứ còn Lân nào?
Hoá ra có người vừa đọc cho hắn nghe truyện ngắn của tôi trên mạng. Hắn nghi tôi nói xấu hắn. Mặc dù tên nhân vật tổ trưởng bảo nông trong truyện là Quyến, người phụ nữ bị đè là chị cò Lung...
Tình thế buộc tôi phải rời bàn phím để tiếp cái ông khách bất đắc dĩ này. Phải bình tĩnh, nếu không sẽ xẩy ra đánh nhau to. Tôi thầm nhắc để tự mình kiềm chế. Dĩ nhiên là thằng Tiến không dám đụng tới tôi. Tôi biết võ. Lơ tơ mơ, tôi cũng vứt mẹ cái danh hiệu "văn sĩ", chuyển thành võ sỹ, đấm cho hắn vỡ quai hàm trong chớp mắt.
Tôi ôn tồn:
- Chú đừng có mà nóng. Nhân vật trong truyện chỉ là hình tượng hư cấu văn học, không liên quan ngoài đời...Chú là chú Tiến, vần tờ. Tiến là tiến lên, còn nhân vật của tôi là Quyến, vần quờ, quờ là quờ quạng, sánh sao với chú?
Thằng Tiến nghe có lý, chừng xuôi xuôi. Hắn bảo: - Có thế chứ! Cả làng chỉ có mình bác là nhà văn, nỡ nào bác "vạch áo cho người xem lưng"?
Thấy ổn, tôi vào nhà mang chai rượu bà Tuyết vừa biếu khi sáng. Bà ta chồng chết đã mười mấy năm nay, cũng vừa đọc truyện của tôi. Bà bảo: - Chú viết truỵện “ Một cuộc tình” hay lắm! Chị vừa nấu được nồi rượu ngon, biếu chú để chú viết tiếp. Có nhiều chỗ đọc buồn nhưng có nhiều chỗ cũng thinh thích.
Vừa nói, chị vừa ngồi sát lại gần tôi, người nóng hôi hổi. Tôi bảo:
- Thế chị thích chỗ nào?
- Cái chỗ anh Vẹn vén quần cộc lên ấy!
Tôi từ chối không nhận chai rượu, nhưng chị cứ khăng không chịu mang về và bảo tôi cố gắng viết thêm cho chị đọc. Chị nói, chị mới vừa ủ một nồi rượu nếp cái hoa vàng. Hôm nào cất rượu, chị lại mang đến cho mà bồi dưỡng.
Uống được vài chén, thấy trời đã nhập nhoạng, thằng Tiến đứng dậy bảo:
- Bác đợi em tí, em bắt con gà về luộc, anh em nhắm tiếp. Uống suông thế này hại sức khoẻ lắm.
Tôi vội ngăn lại nhưng thằng Tiến đã đi ra khỏi đầu ngõ.
Chừng ba mươi phút sau, thằng Tiến mang đến một con gà ri chân nhỏ như chân chim. Giống gà này thịt thơm ngon lắm. Tôi hỏi:
- Chú kiếm đâu mà nhanh thế?
- Nhà mẹ cò Lân!
- Sao lại ở nhà mẹ cò Lân? tôi tưởng chú về nhà?
- Trời ơi! Bác thật thà quá! Làm cái nghề bảo nông mà về bắt gà nhà, mẹ đốp nhà em có mà móc mắt!
Hắn thì thào:
- Chẳng dấu gì bác! Em cũng tóm được con mẹ cò Lân tước lá ngô mấy bận. Nó cũng nói như bác nói ấy. Bảo cái thân nó, muốn làm gì thì làm, chỉ cần tha cái tội "phá hoại hoa mầu" cho nó là được. Nhưng em thèm vãi vào! Thứ nhất nhà nó nhiều gà, thứ hai, nó có chồng con hẳn hoi. Đụng vào nhỡ lộ, tan hạnh phúc gia đình nhà người ta, mình thành ra thất đức! Tổn thọ lắm bác ơi! Chi bằng cứ cái sách của em, nhà mày có đàn gà ri, hôm nào cần, tao bắt một vài con. Mình có “đè” thì “đè” chỗ khác! Suốt dọc bờ bãi thiếu gì con mẹ goá chồng hoặc chồng bỏ đi miền Nam làm ăn. Vừa an toàn lại "ngọt cơm canh"... Đụng vào đám có chồng, khéo thằng chồng nó lại chả xơi tái đi à?
Hoá ra cái thằng Tiến tổ trưởng bảo nông này cũng tinh quái ra phết. Nó biết chọn chỗ chơi!
Vợ tôi đi làm “ô sin” cho thằng con cả. Ở nhà có một mình, tôi coi như thống lĩnh toàn bộ binh quyền. Tôi với thằng Tiến nhậu thả cửa. Giống đời, đàn ông khi nhậu say, ai cũng trút bầu tâm sự được. Thằng Tiến trông dáng ngả nghiêng lắm rồi! Hắn kéo tôi lại sát, nói rất nhỏ, mặc dù có nói to cũng chả có ai nghe.
- Bác có biết con mẹ Thuyết không?
- Thuyết nào?
- Cái con mẹ Thuyết nhà ở đầu làng ấy. Chồng nó đi đào vàng sập hang mới chết năm ngoái đó bác. Chà! Còn ngọt cơm canh lắm! Tối nay nhân bà chị không có nhà, chú “đãi” bác!
Tôi đang đà phấn chấn, lâu nay ngồi một chỗ viết văn, thiếu thực tế. Tối nay nhất định sẽ đi một lần, không thực tế, trang viết của tôi sao sinh động được?
Thằng Tiến rút di động bấm mấy cái rồi a lô nhưng không thấy ai trả lời. Hắn lẩm bẩm: Chắc con mẹ này lại đang tiếp lão Tý trưởng thôn. Đợi tí nữa, đêm còn dài, lo gì!
Thấy tôi dạo này có vẻ xuống sức. Hắn tỏ vẻ lo ngại:
- Mai em biếu bác chai rượu ngũ xà! Cái rượu đó bổ mà loại trừ được sương gió. Bác ở một mình, thức đêm thức hôm viết văn, nhỡ cảm mạo, gọi ai? Em khoẻ sức mà dẻo dai được thế này là nhờ rượu đó đấy!
Tôi thực sự cảm động bởi tấm lòng của thằng Tiến. Chính vợ tôi đây, ăn ở với nhau, đầu gối tay ấp hai mươi mấy năm nay mà có bao giờ thị nói với tôi một câu cho nó tử tế? Vợ chồng không quan tâm chia sẻ với nhau những khi nóng lạnh, có khi lại không bằng cái thằng hàng xóm. Tự nhiên tôi lại thấy ghét vợ. Hôm nay tôi phải “vượt rào” một hôm cho thị biết mặt!
Trong khi chờ đợi, thằng Tiến kể với tôi bao nhiêu là chuyện. Hắn bảo:
- Nói thật với bác chứ, làm nghề nào ăn nghề ấy. Làm bảo nông như em, một năm có hai vụ, mỗi vụ sáu tạ thóc, có mà bán nhà đi cũng chả đủ những cuộc nhậu đêm như hôm nay. Dọc bờ bãi có đến hơn trăm hộ, hộ nào mà chẳng phải tước lá ngô hay cắt cỏ trong bãi ngô cho trâu ăn? Mình đề ra quy tắc nọ quy tắc kia là để có cớ mà cắt cổ bọn chúng! Nếu không có quy tắc, bác bảo dựa vào đâu mà phạt? Thành ra , trong các cuộc họp dân, người dân đồng ý quy tắc, vô hình dung lại tự thắt cổ mình. Em phớt lờ tất, mỗi vụ, cứ mỗi hộ nộp cho em hai con gà. Tự nhiên không phải nuôi mà gà ăn thả cửa. Lại còn nữa! Bác tính cả bãi ngô rộng mấy trăm héc ta. Đêm, em sai lính, cứ đi theo hàng chéo, cách nhau ba mét, mỗi hàng ngô bẻ đi một bắp. Khi thu hoạch, dân thấy mỗi hàng ngô mất đi vài bắp, người ta cũng chả kêu ca gì. Nhưng bác tính cả bãi, một năm em cũng làm “kế hoạch ba” được hơn tấn. Thời buổi này, cứ nghe “bọn chúng” nói là chết cả lũ. Thằng to ăn to, thằng nhỏ ăn nhỏ. Thằng trên móc túi dân, em làm bảo vệ, em “ móc hoa mầu”. Cuối cùng, chết vẫn là cái thằng dân đen!
Trời tối lắm. Tôi cứ bám theo cái lưng gù gù của thằng tiến. Đúng là dân đi đêm. Hắn đi cứ như đã tính toạ độ. Cả bãi ngô rộng mênh mông đến hằng nghìn héc ta chìm trong đêm tối. Ngoài kia là dòng sông êm trôi giữa đôi bờ đêm thăm thẳm. Nếu không có thằng Tiến, tôi làm sao mà hình dung những “vấn đề” diễn ra thầm lặng, nhưng cũng quyết liệt trog cuộc mưu sinh của những người dân ven bãi. Ở trong có một cánh bãi ngô mà đã như thế, huống hồ chi cả cái xã hội, rồi thế giới mênh mông này!
Đi đến đầu bãi ngô, thằng Tiến ra hiệu cho tôi đi chậm lại. Hắn kéo tôi ngồi dưới gốc cây duối, cành lá rậm rịt. Trời tối đen như mực. Trước mắt tôi là ngôi nhà nhỏ, đèn sáng lờ mờ, nằm nép dưới khóm tre xanh. Trong đêm, tôi vẫn nhận ra mấy ngọn tre loà xoà sát đất, đu đưa theo chiều gió y như có ma đưa đẩy. Trong nhà có tiếng đụng lục đục, tiếng người lầm rầm. Một lúc sau có tiếng kẹt cửa, một bóng người đàn ông to lớn đi ra. Thằng Tiến thì thào: - Lão Tý trưởng thôn đấy. Năm nào đến mùa thu sản, hắn cũng mò đến. Cứ một lần, trừ đi một khoản đóng góp.
Thằng Tiến đang định mò vào thì lại có tiếng lạch xạch như tiếng líp xe đạp. Tôi và hắn ngồi yên như cũ. Một người dáng nhỏ thó, vác bao gì nặng lắm, đưa tận vào cửa nhà, ném xuống đánh bịch, rồi lại phóng xe đi luôn. Thằng Tiến bảo: - Lão Đậu chủ thầu đấy! Hắn thầu của xã hơn hai héc ta đồng trũng. Một năm thu hơn chục tấn thóc. Con vợ gầy như que củi, hình như mắc bệnh ho lao. Thằng Đậu dấu vợ mang nộp trước cho cô ta vài chục cân lúa rồi trừ dần. Bây giờ thằng Đậu mang thóc đến trước cho mụ kiểm tra xem lúa chắc hạt không. Cô ta bị thằng Đậu lừa một lần rồi! “Chơi” cả tuần liền, lại trả lúa ban đêm, sáng ra, thấy toàn thóc lép! Cô nàng đến tận nhà trả lại. Thằng đậu hoảng hồn vì sợ vợ biết, hôm nay chắc mang trả bù cho hôm đó!
Thằng Tiến dấm dứ mấy lần định đi vào. Hắn muốn chứng minh cho tôi biết chính hắn mới là chủ nhân của ngôi nhà này. Nhưng lại có tiếng bước chân. Hai anh em lại căng mắt ra mà quan sát.
Tiến thì thầm: - Thằng Tư! Thằng Tư chăn vịt dưới bãi sông. Hắn cai quản có đến ngàn con vịt đẻ. Suốt dọc sông này là địa hạt của hắn. Giống nhà vịt, có phải con nào cũng đẻ vào đêm đâu? Gần sáng, thằng Tư giả vờ dậy sớm bảo nước sông đang lên có nhiều giun lắm, vợ hắn tưởng thật để cho hắn đuổi vịt đi. Nhiều con chưa kịp đẻ, thế là đẻ rơi dọc đường. Thằng Tư đã chuẩn bị sẵn cái bị, cứ thế hắn nhặt, có hôm được đến dăm chục quả. Khoản trứng vịt đẻ rơi đó, thằng Tư để dành chơi gái.
Thằng Tư xách bị trứng vịt vào trong nhà mẹ Thuyết. Đèn phụt tắt. Có tiếng huỳnh huỵch như người vật nhau. Thằng Tiến ngán ngẫm đứng dậy nói khẽ vào tai tôi: - Về thôi bác! Để hôm khác, hôm nay có nhiều “khách” quá! Số bác đen!
Tôi và thằng Tiến về đến nhà đã gần hai giờ sáng. Tiến định ngủ lại với tôi cho vui nhưng tôi nói tôi chưa ngủ, còn phải đánh cho xong cái truyện ngắn để mai đưa lên mạng. Tiến lắc đầu ái ngại, bảo bác viết gì thì viết, đừng có đụng đến hắn. Sáng mai rồi hắn mang rượu ngũ xà đến cho mà tẩm bổ.
Sáng hôm sau, tôi chưa kịp dậy đánh răng rửa mặt thì có tiếng đập cửa. Tôi mừng thầm tưởng thằng Tiến mang rượu đến, nhưng vừa mở cửa, tôi ngớ người: Hoá ra thằng cò Lân.
Trông cò Lân dáng vẻ khắc khổ lắm. Hình như cả đêm qua hắn không ngủ. Hắn đau khổ bảo với tôi:
- Có nhiều người đọc truyện của bác, họ đồn đến tai em, bảo bác nhìn tận mắt thằng Tiến bảo nông đè vợ em ở bãi ngô. Em muốn đến tận nhà hỏi bác cho ra nhẽ. Nếu đúng vậy, em sẽ giết hắn!
T
rời ơi! Lại gặp vạ rồi! Tôi bảo với cò Lân là truyện của tôi là chuyện bịa thôi chứ có thật đâu! Mà người bị đè là chị cò Lung chứ có phải cò Lân?
Nhưng cò Lân vẫn không tin. Hắn bảo mấy lần hắn thấy vợ hắn đi tước lá ngô về, lưng áo dính toàn đất cát. Tước lá ngô thì làm sao lại lấm lưng? Đàn ông lấm da, đàn bà lấm lưng! Nhất định là vợ hắn bị thằng Tiến đè! Tôi cam đoan với hắn là không có chuyện ấy. Nhưng hắn lại bảo: Em nghi từ lâu rồi! Cái con hĩm nhà em, càng lớn, mũi càng to, tóc tai cứng như rễ tre, răng như bàn cuốc... Nó ăn mỗi bữa đến bốn năm bát cơm. Nhà em có ai ăn khoẻ thế đâu!
Nhìn cái dáng ủ rủ buồn thảm của cò Lân, tôi mới biết, ở đời không có nỗi đau nào bằng nỗi đau của thằng đàn ông khi bị “cắm sừng”.
Tôi đành phải bịa: - Bây giờ anh mới nói thật với chú mày! Cái truyện anh viết đây là xẩy ra ở xã bên kia sông. Ở bên đó tình hình mới phức tạp như thế, chứ làng ta, chú cứ hỏi trưởng thôn mà xem! Danh hiệu làng văn hoá đã có từ bảy tám năm nay. Làm gì có cái chuyện xấu xa ấy. Chú cứ về đi, đừng có nghi ngờ mà oan cho cô ấy. Anh thấy cô nhà chú là người nết na nhất xóm đấy.
Phải mất bao nhiêu công sức, tôi mới thuyết phục cho cò Lân về nhà. Ra đến ngõ hắn còn quay vào nói hỏi một lần nữa: - Có đúng thật không bác? Em hoàn toàn tin tưởng vào bác, bác đừng có dấu em đấy bác nhé!
Thằng cò Lân vừa ra khỏi ngõ thì thằng Tiến một tay cầm chai ruợu, một tay xách cái túi đựng trứng vịt đi vào. Nó bảo thằng Tư vừa “nộp sản”, vì lâu nay vẫn hay bẻ trộm ngô cho vịt ăn.
Vừa bắc nước luộc trứng, nó vừa hỏi tôi là đã viết xong cái chuyện hôm qua chưa?
Tôi nói với hắn chắc như đinh đóng cột: - Thôi chú ạ! Từ nay anh đoạn tuyệt nghề viết văn. Truyện nào “nhân vật” cũng đến nhà anh hỏi như thế này thì làm sao anh sống nổi!
Một lúc sau, thằng Tiến bưng đĩa trứng vịt luộc lên cười hì hì:
- Bác tính, ở đời, không tí chức vụ, có xin mỏi miệng, thằng Tư cũng chả cho nửa quả trứng. Đằng này hắn tự nguyện mang đến tận nhà.
Thằng Tiến đập trứng, bóc vỏ ăn nhoay nhoáy. Trứng vịt quê vỏ mỏng, lòng đỏ au, rất thơm ngon vì vịt ở bãi sông, ăn con nhái, con dắt, con hến, còn lại, thằng Tư bẻ trộm ngô trong bãi tẽ ra cho ăn thêm.
Thấy tôi nói là đoạn tuyệt với nghề văn, hắn khuyên:
- Em làm bảo vệ, cái gậy là công cụ. Sau này em chết đi, cái gậy cũng chỉ là cái gậy. Nhưng bác làm nghề văn, cây bút của bác để lại cả một triều đại. Em chẳng hiểu gì về văn chương, nhưng em biết, cái nghề của bác là khổ luỵ. Bây giờ thì em hơn bác. Em có gái để “đè”, có thịt gà ri để nhắm rượu, có ngô để chăn nuôi, nhưng chỉ nhất thời. Bác làm nghề văn, em chỉ khuyên bác, viết phải trung thực, trắng đen không thể lẫn lộn. Cứ cho là cái nghề bảo vệ của em là bẩn, nhưng cái nghề văn của bác, phải trong sạch.
Tôi với thằng Tiến uống cạn đến giọt rượu rắn cuối cùng. Hắn bảo, ở bờ tre nhà mụ Thuyết còn khối rắn độc. Nhiều đêm trời nực, rắn chui ra nằm giữa đường. Vô ý dẫm phải là coi như toi mạng. Giống nhà rắn, không bao giờ tấn công người, chỉ khi nào dẫm vào hoặc đe doạ đến cuộc sống của nó, mới đớp lại thôi. - Cứ uống đi! Uống hết vò này, em ngâm vò khác
Đồng hồ chỉ tám giờ sáng. Thời tiết thật đẹp. Mưa lất phất. Thằng Tiến rủ: - Hôm nay hai ba, ngày ông táo lên trời, ta dạo chợ tí chứ bác?
Đến hôm nay mà mụ vợ tôi vẫn chưa về nhà để lo sắm tết.Tôi đành phải theo thằng Tiến xuống chợ mua ba con cá chép về cúng táo quân theo phong tục cổ truyền. Nghĩ đến cái thân mình, tôi ứa nước mắt. Xưa nay những người viết văn chưa bao giờ sung sướng(?) Một khi đã đầy đủ mọi cái rồi thì cần gì cầm bút? Chẳng qua cũng chỉ vì đau đời. Thà cứ như cái thằng Tiến làm tổ trưởng bảo nông lại hoá hay!
Chợ quê tháng họp mười lăm phiên vào ngày lẻ. Chợ họp ngay sát bãi ngô. Bên kia sông, có rất nhiều người đang gồng gánh qua cái cầu phao bập bềnh cùng sang họp chợ. Thằng Tiến cầm cái gậy đi trước. Cái gậy làm bằng tre đực. Ở nhà quê, gọi là tre đực vì nó không những cứng như sắt mà lại dẻo. Nếu dùng lực mạnh bẻ, nó gẫy thì gẫy nhưng không bao giờ rời ra. Có lẽ vì thế mà người ta gọi là “tre đực” chăng(?). Đến cổng chợ, hắn dừng lại nói nhỏ vào tai tôi: - Con mẹ Thuyết! Nó đang ngồi dạng háng ra bán trứng vịt đó!
Giá đêm hôm qua “số đỏ” thì tôi đã có cơ may gặp người đàn bà ấy rồi. Tuy là người trong làng, nhưng tôi lại đi "thoát ly" từ thời trai trẻ, mãi sau này mới trở về quê dạy học, ngoài giờ lên lớp, còn lại suốt ngày cặm cụi bên máy tính viết lách. Với lại cô ta lại là dân nơi khác về làm dâu ở làng, sao tôi biết được?
Một người đàn bà gần bốn mươi tuổi ngồi ngay đầu chợ. Phía trước mặt đặt cái rổ bầy khoảng vài chục quả trứng vịt, một rá gạo nếp, cái chậu nhỏ đựng mấy chục con lươn đang cựa quậy. Một cái lồng con nhốt mấy con gà, cả trống cả mái.
Những thứ khác thì tôi biết rồi. Nhưng còn gà? Một mình cô ta mà cũng có lương thực để chăn nuôi? Dứt khoát khoản này phải là của thằng Tiến tổ trưởng bảo nông cung cấp!
Hắn nói nhỏ: - Chắc gần sáng thằng Bình cóc đánh ống lươn đi qua, tranh thủ vào "chơi" rồi trả bằng lươn đó mà! Người ta gọi hắn là Bình cóc vì hắn nhảy như cóc. Đang chuyện nọ, hắn xọ chuyện kia!
- Bác Trịnh! Bác mua lươn về bồi dưỡng, mở hàng cho em đi! Thức đêm, cháo lươn là bổ nhất đó bác!
Trời ơi! Cô ta biết tôi. May mà hôm qua tôi không vào. Dĩ nhiên là có vào, tôi không thể làm cái “chuyện đó”, nhưng dù sao thì cũng chả hay ho gì!
Tôi ngồi xuồng bên cạnh giả vờ xem hàng nhưng kỳ thực là cũng muốn quan sát cô ta một chút. Một nhan sắc không tồi. Nước da mịn màng nhưng hơi tai tái bởi thức đêm nhiều. Cô ta kéo quần lên quá gối chủ ý khoe cặp chân mập mạp trắng nhễ nhại. Bộ quần áo lụa lụa mầu xanh nước biển mỏng tanh cắt rất khéo, bên ngoài khoác chiếc áo len mỏng, khoe mọi đường cong cơ thể. Nhiều anh chàng đi qua, cũng giả vờ mua hàng, ngồi ngắm nghía một lúc rồi mới đi. Đúng là một người đàn bà nhuần nhị. Nếu không cùng thằng Tiến có ý định “vượt rào” hôm qua, thì hôm nay nhìn cô ta, tôi cũng đoán là một nguời vợ nết na, chịu thương chị khó đang ngồi bán những sản phẩm chính tay vợ chồng làm ra.
Thằng Tiến bảo:
- Sao lại ngồi ngoài đây? Vào chợ đi, bố trí chỗ “ngồi đẹp” cho mà bán!
- Không cần đâu! Một lúc là bán hết ngay ấy mà!
Tiến cũng rất có uy ở chợ vì hắn làm công an viên kiêm bảo vệ hoa mầu. Đi đến đâu, chỉ cần hắn khua cái gậy, ngay lập tức mấy mẹ nhà quê ngồi bán nông sản phải dẹp ngay tắc lự. Nhìn hắn cầm cái gậy, chân xỏ đôi giầy lính thuỷ quân lục chiến của Mỹ ngày trước, bước đi cộp cộp, ai cũng phải tránh, hắn mà dẫm lên bàn chân, cứ gọi là nát bét.
Tôi và thằng Tiến đi dạo suốt một vòng quanh chợ. Chợ quê ngày tết cũng chả có gì đặc biệt. Ngoài dãy hàng nông sản, dãy bán lá dong, mấy dãy hàng xén bầy bán quần áo, nhưng cũng chỉ là loại hàng ế ẩm ở thành phố đưa về. Chỉ có quầy hàng chăn ga gối đệm là đông người mua. Tết đến, những người làm cha mẹ, cả năm chạy vạy tiền nong gửi cho con ăn học, lại lo con về mang theo bạn. Nghèo thì nghèo, cũng sắm bộ chăn đệm cho tử tế, kẻo bạn nó chê cười.
Quay lại chỗ cũ, vẫn thấy cô nàng đang ngồi. Cô ta bán hàng có duyên thật, chỉ còn lại dăm bảy con lươn to đang ngọ nguậy trong chậu. Thằng Tiến bảo sao không bán hết đi, để lại làm gì? Cô ta bảo: - Biếu bác Trịnh. Chả mấy khi, bác mang về om với củ cây chuối hột, anh em nhắm rượu!
- Khéo vẽ! Bác ấy thèm vãi vào ăn cái thứ lươn nhà cô.
- Thì lươn nào mà chả là lươn! Cô ta hiểu ngầm ý xỏ xiên của thằng Tiến.
Tôi đành phải lên tiếng:
- Cám ơn cô! Tôi chưa bao giờ dám đụng vào con lươn. Đụng vào tôi có cảm giác sờ sợ.
- Vậy thì em về làm hộ cho bác nhé! Chốc nữa mời hai bác lên nhà! Nghe nói bác viết văn, có truyện nào hay cho em đọc với!
- Thôi cô ạ! Xong đây tôi phải đi lên trường có việc. Cô để cho khi khác!
Thằng Tiến kéo vội tôi đi. Quay lại nhìn, thấy mặt cô nàng có vẻ buồn buồn, tôi cũng hơi áy náy.
Tiến bảo cô ta tốt nghiệp trường cao đẳng mầm non ở tỉnh nhưng không có tiền chạy việc, người ta đòi tám mươi triệu, bán cả nhà cũng chả đủ. Cô nàng chán đời, lấy chồng, chồng chết, ở vậy!
Trong chợ bổng nhiên nhốn nháo. Có tiếng la: Chết người rồi! Công an đâu, công an đâu!
Tiến cầm ngang cây gậy chạy vào chợ. Một lúc sau hắn chạy ra, bảo: - Con Mùa đớ! Nó cướp thịt của người ta, bị chém vào đầu.
Tôi nhìn vào thấy một người đàn bà tuổi trạc ba mươi, tóc dài sát gót, trên đầu bê bết máu. Đó là con Mùa đớ. Phiên chợ nào cũng thế, nó cứ cầm cái túi cói đi đến các hàng để xin. Mọi khi nó qua dãy hàng thịt, người ta đã biết nó rồi, chẳng thèm đụng vào làm gì cho mang vạ. Hàng nào cũng để sẳn vài miếng thit mỡ bùng nhùng cho nó. Cuối chợ, nó cũng kiếm được một gần ký đem về. Hôm nay gặp phải người lạ, không cho, nó thò tay lấy, người ta không biết là nó đớ, sẵn dao thái thịt, bổ vào đầu.
Con mẹ bán thịt lập tức bị công an xã dẫn đi vì tội “cố ý gây thương tích”.
Con Mùa đớ máu chảy đầm đìa mà vẫn coi như không. Một bà bán bánh rán nhặt trong thúng bỏ vào cái túi cói cho nó hai cái, bảo mang về cho con. Hình như ở chợ quê, chợ nào cũng có một người đớ dở, không gái thì trai.
Hoá ra con Mùa đớ cũng có con? Tiến kể: Thời đang còn con gái, nó cũng không đến nỗi. Đớ thì đớ nhưng “cái ấy” nó có đớ đâu? Những ngày chẳng phải phiên chợ, nó cũng lãng vãng. Người ta đồn có cái lão Trình Khều cắt tóc ở góc chợ, năm mươi tuổi vẫn ở một mình. Một bàn chân lão quặp vào, đi lại cứ cà nhắc. Hôm ấy trời mưa, con Mùa đớ chạy vào quán nhà lão trú bị lão Trình khều đè! Thế mà nó cũng chửa mới lạ. Bụng chửa vượt mặt vẫn lang thang ngoài chợ, ai thấy cũng thương. Thương là thương cái đứa trẻ con trong bụng. Người cho chăn, người cho tã lót, nó sinh được thằng cu kháu khỉnh lắm, bây giờ học lớp ba rồi! – Chú trông thấy hay nghe người ta nói? - Em làm sao mà trông thấy! Có khi người ta thấy lão Trình khều hay cho nó ăn, ngứa mồm bịa chuyện. Lão Trình khều trông hình thức thế thôi, nhưng cái tâm của lão tốt lắm. Ở trong chợ ai không may bị hoạn nạn, lão đều giúp đỡ rất tận tình. Đã gần mười hai giờ trưa mà chợ vẫn chưa vãn. Tôi bảo thằng Tiến: - Chú cứ ở lại làm phận sự đi! Anh phải về lo cúng ông Táo. Tôi mua thêm năm lạng thịt ba chỉ cho bữa ăn trưa rồi cầm cái túi giấy bóng dựng ba con cá chép vàng, theo con đường dọc bãi ngô đi về nhà. Tiến gọi với theo: Tối nay bác đợi em cùng ăn cơm nhé!
Sau cái lần bị mụ hàng thịt bổ sống dao vào đầu, hơn tháng sau vẫn không thấy con Mùa đớ lên chợ. Người ta tưởng nó ốm, nhưng nó không hề ốm mà hết đớ mới lạ! Có lẽ cái đớ dở lâu nay tích trong đầu nó chảy theo máu ra ngoài hết rồi. Thì ra, đôi khi bị người khác bổ vào đầu lại có lợi. Do một vùng não bộ của nó bị ức chế, nhờ nhát bổ bằng sống dao của con mẹ hàng thịt đánh thức thần kinh vỏ não, nó tỉnh ra chăng?
Hình như trí nhớ của Mùa đớ đã được hồi phục. Những chuyện xảy ra từ trước đó, nó kể vanh vách. Nó kể: Vào một đêm mùa hè, trời nực không sao chịu nổi. Nó đi lang thang hết dọc bãi ngô làng, quành ra đường uỷ ban hóng gió. Nó vào nhà thường trực, vòng trái ra phía bờ hồ sen, nơi xây “Đài tưởng niệm liệt sỹ”. Chà! Mát quá! Nó cởi cúc áo ngoài, nằm tựa vào tường ốp đá hoa cương dưới chân tượng đài. Gió nồm Nam rười rượi thổi từ sông lên. Đang thiu thiu thì một người đàn ông vật ngửa nó ra rồi nằm đè lên. Vốn đớ dở, khi nó định thần lại thì đã bị lột trần truồng ra rồi. Nghe “ sựt” một cái ở bụng dưới, phấn khích, nó cười lên sằng sặc, quàng tay ôm ngang lưng cái người đang nằm bên trên. Nó vẫn nhớ như in người đó lưng hơi gù, ở quảng giữa, một đốt xương sống trồi lên to bằng quả cau. Chuyện này được lão Thảo nhoèn cha của Mùa đớ kể lại, thành ra trong xã có bao nhiêu gã đàn ông lưng gù đều được đưa vào danh sách “nghi vấn”(?)
Khi con Mùa đớ bụng chửa vượt mặt, người ta mới tin là chuyện nó kể có thật. Nhưng ai là tác giả của cái bào thai đó thì chưa có căn cứ xác định.
Cả xã có năm anh gù lưng. Một cụ đã ngoài tám mươi, một ông gù lưng nhưng mù cả hai mắt, suốt ngày quanh quẩn ở nhà nấu cám lợn, được loại khỏi vòng nghi vấn. Một anh gù tuổi trạc bốn mươi làm trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ ở một làng khác, không có điều kiện "gây án". Chỉ còn lại hai người trong danh sách "hiềm nghi" là lão Thạc chăn vịt ngoài cánh đồng quanh năm ngập nước và một người không ai dám nói đụng đến tên đó là ông Phạm Đăng Dung. Ông Dung hình dáng gần giống như con Mùa đớ tả. Ông bị tật ở lưng từ khi còn là trẻ chăn trâu. Có một lần đánh nhau với bạn, ông bị thằng kia ném một viên gạch vào giữa sống lưng. Chỗ đó sau thành tật, đốt sống trồi ra đúng bằng trái cau non. Ông cứ đi gù gù vì vướng đốt sống đã thành tật. Nhưng thời điểm ấy ông đang làm chủ tịch, sau làm bí thư. Làm sao ông có thể dính vào cái trò đồi bại đó? Ông là người có uy tín với dân, với xã, với huyện. Chính ông là người xin kinh phí của huyện và huy động dân đóng góp để xây khu tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Nghe nói dự toán ban đầu chỉ có hai tỷ,nhưng khi quyết toán vượt lên hai tỷ là bốn tỷ. Xây xong khu tượng đài, chắc là “vong linh hồn liệt sỹ phù hộ” nên ông được điều lên làm phó chủ tịch huỵện. Khi chủ tịch qua đời vì xuất huyết não, nghiễm nhiên ông thay thế ghế chủ tịch.
Từ ngày con Mùa đớ khỏi bệnh đang đi tìm người đàn ông lưng hơi gù, cha của thằng con trai, không phải cánh đàn ông khối uỷ ban xã mà bất cứ gã đàn ông trung niên nào trông thấy nó đều phải đi thẳng lưng. Ai cũng sợ đang cúi lom khom, nó tưởng gù, ôm lấy rồi la tướng lên rằng đây là người đàn ông đã cưỡng đoạt nó trên bờ hồ sen, dưới chân đài tưởng niệm liệt sỹ thì tan nát hết sỹ diện.
Muốn nói gì thì nói, phải có một người cưỡng bức con Mùa đớ nó mới chửa được! Nhưng người đó là ai, vẫn là đề tài của nhiều câu chuyện.
Thi thoảng con Mùa đớ lại lên bờ hồ sen cạnh cổng uỷ ban ngồi. Dao này nó ăn mặc tươm tất. Nếu không biết nó đớ, người ta cứ tưởng một vợ anh nông phu nào vì ghen tuông hay bị chiếm đất lên uỷ ban kêu kiện. Nó đớ là đớ cái đầu thôi chứ trên cơ thể nó vẫn mang những nét nữ tính bởi các đường cong khêu gợi. Nó cứ ngóng vào bên trong nhà uỷ ban như đợi một ai, làm cho mấy ông lãnh đạo xã ông nào cũng lo nơm nớp. Ngồi chán, nó lại đi vào đài tưởng niệm liệt sỹ thắp hương. Nó dâng hương với thái độ rất nghiêm túc và thành kính. Vài ngày nó lại lên thắp hương một lần. Thành ra nhờ có con Mùa đớ mà đài tưởng niệm liệt sỹ đỡ phần vắng lạnh.
Chuyện con Mùa đớ đi tìm cha cho đứa con trai là người đàn ông lưng gù đã cưỡng đoạt nó bên cạnh hồ sen, dưới chân tượng đài tưỏng niệm liệt sỹ cũng đến tai chủ tịch huyện, khiến ông ta đâm hoảng. Mỗi lần về xã, đều phải ngó xem có con Mùa đớ đứng ở cổng không rồi mới cho tài xế đánh ô tô vào. Bước xuống xe, chủ tịch cũng cố đi cho thẳng lưng, nhưng xem ra cái dáng đi hơi gù gù đã thành cố tật, rất khó sửa. Thành ra chủ tịch thi thoảng cứ phải liếc nhìn ra cổng uỷ ban xem có bóng dáng con Mùa đớ xuất hiện hay không. Có thể linh tính mách bảo cho chủ tịch biết , nếu không cẩn trọng, có thể một việc rất hệ trọng nào đó liên quan đến cuộc đời và danh dự cá nhân. Có lần chủ tịch cho người ra đuổi con Mùa đớ không cho vào khu tưởng niệm thắp hương, bị nó chửi té tát: - Tao vào thắp hương cho liệt sỹ chứ có thắp cho cha mẹ đứa nào đâu mà cấm tao!
Nghe nó chửi thế, không còn ai dám đụng đến nó nữa. Tìm mãi mà không có người nào dám nhận là cha của đứa con ruột của mình, không còn chút hy vọng vào sự tử tế của lũ đàn ông, Mùa đớ đành dẫn thằng con trai đặt tên là Hạ ( ý là mẹ nó có chửa vào mùa hè) lên hiệu cắt tóc của lão Trình khều ở cổng chợ, mà trong ý thức của nó là một người đàn ông hiền lành cao thượng nhất. Những ngày tháng đớ dở dài dằng dặc của nó sống được là nhờ cái chợ quê, mà người thường xuyên cho nó ăn mỗi khi trời mưa gió chợ không có người là lão Trình khều. Nó biết lão Trình khều đang khao khát có một mái ấm gia đình. Bây giờ một khi trong ý thức của nó không còn đớ nữa, nó càng hiểu ruột gan của lão. Thằng Hạ không có bố, nhưng có được một người bố như lão Trình, chắc chắn tương lai thằng bé sẽ được bảo đảm!
Nó bảo thẳng lão Trình khều:
- Con trai anh đấy!
Lão Trình khều tưởng nó còn đớ như mọi khi, quát:
- Mày nói cái gì đấy cái con đớ dở kia!
Trong thâm tâm tâm của mình, đã từ lâu cũng rất thương cảm với hai mẹ con nhà Mùa đớ. Người ta không may mắc bệnh chứ có phải bản chất thế đâu. Cái lần con mụ hàng thịt bổ sống dao và đầu Mùa đớ, lão Trình bỏ vội "tông đơ", để mặc người khách đang cắt tóc dở la oai oái chạy ra băng bó vết thương cho nó. Cái tâm của lão là vậy!
Thằng Hạ đang đứng mân mê cái “tông đơ” cắt tóc, nghe mẹ nói chẳng hiểu gì, hết nhìn mẹ rồi lại nhìn lão Trình khều.
- Đấy! Bằng ấy tuổi nó đã mê nghề cắt tóc. Không con anh thì con ai?
Lão Trình khều lâu nay sống cô độc, Nghe con Mùa đớ nói thế, đã mủi lòng. Con ai không biết, nhưng mẹ con nhà nó đã dám đến với mình mà gọi là cha của thằng bé thì may mắn cho lão lắm rồi! Mình yêu thưong nó, nó cũng không nỡ bỏ mình khi đau ốm.Tuổi già của lão từ nay đã có người để nương tựa, đúng là trời cao có mắt!
Hai mắt như lồi ra, lão không tin vào tai mình. Lão cấu tai thử xem mơ hay tỉnh. Rõ ràng là tỉnh? Trước mặt lão không còn là con Mùa đớ nữa mà là một thiếu phụ ăn mặc sạch sẽ, tóc đen nhức, ngực nhô cao, mông nở, eo thon đang nhìn lão như chờ đợi
Lão vội khép cánh cửa rồi hạ giọng:
- Cô đồng ý cho nó làm con tôi sao?
- Thì nó cũng đang muốn nhận anh là cha đó thôi!
Nghe Mùa đớ gọi mình là anh, lão Trình khều sung sướng lắm. Bao nhiêu năm nay, lão mới đựơc một người đàn bà xưng hô với giọng ngọt ngào êm ái như vậy.
Chiều hôm ấy mẹ con nhà con Mùa đớ ở lại ăn cơm với lão Trình khều. Ngày hôm sau thì cả xã biết chuyện. Ai cũng bảo: Sao con lão Trình khều mà thằng này chẳng giống cha nó chút nào?
Xã lập tức cho người gọi lão Trình khều lên để làm đăng ký kết hôn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cả hai người. Lão Trình khều nghiễm nhiên có vợ, có con. Chính quyền còn quan tâm xắp xếp cho Mùa đớ giữ chân quét chợ. Sáng nào lão Trình khều cũng được vợ bưng về cho một bát tiết canh và một cút rượu trừ vào công quét chợ với mấy bà hàng thịt.
Từ ngày con Mùa đớ kết hôn với lão Trình khều, đám cán bộ uỷ ban xã như trút được một gánh nặng. Người nào đi ra đi vô cũng không cố làm ra vẻ thẳng lưng nữa, ai thích thẳng thích khom, thoải mái... Mùa đớ đến ở với lão Trình khều ngày càng xinh ra. Đúng là “gái một con trông mòn con mắt". Mỗi buổi chiều, tranh thủ lúc vắng khách, lão Trình khều cùng với thằng Hạ, hai cha con xúm vào quét chợ giúp mẹ, Chẳng mấy chốc cả một khu chợ sạch đã sạch bong, không vương một cái rác nào.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, năm nay thằng Hạ đã học lớp mười một. Nó thông minh và học giỏi, được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Lão Trình khều rất lấy tự hào về thằng con trai của mình. Chủ tịch huyện Phạm Đăng Dung cũng bước gần đến tuổi về hưu. Càng về già, lưng chủ tịch càng thấp xuống. Ở vị trí cao sang mà trông dáng chủ tịch rất vất vả. Cách đây hai năm, vợ chủ tịch qua đời do một tai nạn giao thông thảm khốc trong chuyến sang Mỹ thăm con gái ( Vợ chồng chủ tịch chỉ có một cô con gái đi du học, lấy chồng rồi định cư ở Mỹ)
Một ngày cuối năm, chủ tịch Phạm Đăng Dung thay mặt chính quyền huyện đến trường phổ thông nơi thằng Hạ con lão Trình khều đang theo học cắt băng khánh thành khu lớp học ba tầng mới xây bằng nguồn kinh phí huyện cấp. Sau khi hoàn thành thủ tục, chủ tịch được mời vào tham quan phòng thí nghiệm. Khi chủ tịch đang đứng quan sát một đề tài ứng dụng "phương pháp cấy ghép mô tế bào" thì một tảng vữa trần nhà do thợ rút bớt vật liệu nên chất lượng kém, lở ra rơi trúng vào đầu. Chủ tịch nằm lăn bất tỉnh, máu me chảy đầm đìa. Cả hội đồng nhà trường mặt tái như gà cắt tiết. Một chiếc xe cấp cứu lập tức đưa chu tịch đi bệnh viện tỉnh. Đi theo chủ tịch, còn có mười hai em học sinh to khoẻ sẳn sàng tiếp máu.
Chủ tịch mất rất nhiều máu, cần phải truyền máu gấp. Khi thử máu, cả nhóm học sinh đi theo, không một em nào cùng nhóm máu với chủ tịch ngoài thằng Hạ con của con Mùa đớ.
Sau cái lần nhờ dòng máu của thằng Hạ cứu sống. Linh tính như mách bảo cho chủ Tịch Phạm Đăng Dung biết thằng Hạ chính là đứa con trai ruột cuả mình. Nhưng làm sao dám nhận? Nhận thằng Hạ là con, đồng nghĩa với việc nhận mình đã cưỡng bức một đứa con gái đớ dở. Rồi còn danh dự cá nhân? Điều đó không bao giờ có thể chấp nhận được! Nhưng còn bỏ mặc thằng Hạ sống với cha hờ của nó còn mình là cha thật thì thật nhẫn tâm, sao đáng một con người? Hay hẵng đợi khi về hưu rồi nhận nó cũng chưa muộn, chủ tịch tự động viên mình như vậy!
Bây giờ chủ tịch Phạm Đăng Dung về hưu đã được hơn năm, sống đơn độc trong một khu biệt thự. Ông ta vẫn không dám nhận thằng Hạ là đứa con ruột của mình. Người ta thấy lưng ông mỗi ngày thêm còng xuống. Mỗi lần ông đi chợ mua thức ăn, ông đều vào tiệm cắt tóc của lão Trình khều. Nhìn thấy vợ chồng lão hạnh phúc bên cạnh đứa con trai mà ứa nước mắt. Còn con Mùa đớ thì cứ nhìn chủ tịch đăm đăm. Có lẽ trong cái đầu đã hết đớ của nó đang tái diễn lại cái đêm bị một gã đàn ông gù lưng đè ngửa dưới chân tượng đài tưởng niệm liệt sỹ bên hồ sen cạnh khu nhà uỷ ban xã chăng?
Từ ngày mụ vợ đi bế con cho thằng cả, tôi thành hộ độc thân. Khi cô độc, người ta mới thấy cần thiết có một người bạn, dù chỉ là con chó, con mèo, hay con khỉ…Đôi khi cũng làm cho cuộc sống bớt đi nỗi cô quạnh. Thấy tôi đơn độc, thằng Tiến hôm nào đi “vãng đồng” cũng ghé qua, tự nhiên tôi với hắn thành bạn "tri kỷ làng". Kiếm được món gì nhậu, nó đều mang đến. Nhờ thằng Tiến mà tôi biết được bao nhiêu vấn đề trong làng, trong xã. Tầm nửa buổi, Tiến xách xâu ếch vào. Nó bảo vừa “tịch thu” của mấy đứa trẻ con làng bên đi móc ếch dẫm nát lúa dưới ruộng. Đang tranh thủ ngày chủ nhật, tôi cố đánh cho xong truyện ngắn “Đau tà áo tím” gửi cho tờ văn nghệ địa phương. Đại để kể chuyện về một cô giáo tiểu học mới ra trường dạy hợp đồng bị lão hiệu trưởng lừa, hứa xin cho vào “biên chế”. Nhưng khi có chửa, lão chối tượt. Tôi nói cho thằng Tiến nghe nội dung, hắn thả xâu ếch xuông sân rồi nói: - Tưởng chuyện gì! Chuyện như thế, bác viết cho tốn giấy tốn mực! Bây giờ chém cả ngày không hết cái loại hiệu trưởng sở khanh ấy.
Tiến bỏ xâu ếch vào cái vại sành nhỏ, bóp muối sạch sẽ, lột da, chặt miếng cùng với mấy quả cà pháo bổ đôi hắn hái vội ngoài bờ ao, ướp hạt nêm, nước mắm, mì chính.
- Chú chịu khó nấu đi, anh đi kiếm chai rượu.
Tôi vù xuống nhà bà Tuyết ở cuối làng. Nồi rượu nếp cái hoa vàng vừa cất xong. Thấy tôi xuống, bà ta hớn hở:
- Chú không xuống, tối chị cũng mang lên. Nồi này được nước, rượu thơm lắm. Chú đã viết thêm được truyện nào chưa? Viết cho dài chú ạ! Đọc mới đã! Vừa nói bà ta vừa vừa lung liêng đôi ánh mắt nhìn tôi.
Xách luôn cả can rượu mới cất còn nóng hôi hổi, tôi lại phóng thẳng về nhà.
Thằng Tiến hớn hở bê mâm. Trời đã chuyển sang hè, từng đám mây lãng đãng trên nền trời xanh thăm thẳm. Gió nồm nam thổi từ dưới sông lên mát rượi. Cả bãi ngô xanh mướt lay động theo chiều gió. Phấn hoa như mưa bụi rắc xuống những bắp ngô đang phun râu mầu nâu non phơn phớt trắng. Tôi bảo thằng Tiến:
- Chú trải chiếu ra gốc tre mà ngồi cho thoáng. Hôm nay chủ nhật, anh với chú tha hồ mà lai rai.
Ếch đồng om với cà pháo rắc lá lốt cùng ớt dé vằm nhỏ. Ai đã từng ăn món này hẳn không khỏi suýt xoa bởi cái vị thơm, ngọt đằm hương miền quê kiểng. Tôi và thằng Tiến vừa uống được chén rượu thứ hai thì nghe tiếng khóc, tiếng la từ phía bờ sông, tiếng bước chân người hốt hoảng chạy lịch bịch từ trên làng xuống.
Thằng Tiến hỏi vội người vừa chạy qua, tiếng đáp gấp gáp:
- Thằng Tư sề chết trôi rồi!
Tiến vội bỏ mâm cơm chạy theo đám người chạy trước. Vừa chạy hắn vừa la: - Cẩn thận không gẫy hết ngô!
Tôi bưng mâm cơm và nồi ếch om đang bốc hơi vào nhà, đậy vội lồng bàn rồi chạy thẳng ra phía bờ sông. Thằng Tư sề mặc độc có cái quần đùi nằm sõng sượt trên đám cỏ gà. Hai mắt hắn nhắm nghiền. Mầu da từ trắng bạch chuyển dần xám xịt do ánh nắng mặt trời chiếu vào. Người ta đã mò được thi thể hắn đưa lên bờ. Lão Tý trưởng thôn đang nói oang oang, phân công người mua quan tài, người đào huyệt. Phía xa, mẹ Thuyết đội nón trắng ngồi dưới bóng cây gạo nhìn xuống. Chắc cô nàng sợ không dám đến gần. Nguyên nhân do đàn vịt nhà thằng Tư sề bơi theo con nước ra giữa sông. Hắn nhảy ùm xuống vụng bơi ra lùa vịt về. Thấy hắn nhảy xuống mãi mà không nổi đầu lên, mấy người đánh cá phía trên vội bơi thuyền lại cứu. Đưa được lên thì hắn đã chết từ bao giờ. Bụng nó lép kẹp, chết đuối mà không hề uống một ngum nước, kể cũng lạ?
Thằng Tiến loay hoay mặc lại quần áo cho Tư sề. Bộ quần áo của hắn khi sống tự hắn cởi ra sao mà dễ thế, mà đến khi chết, mặc lại đã khó luồn ống tay ống chân vào rồi! Thằng Tiến luồn hai cái cánh tay mềm oặt thỏng thượt của thằng Tư sề, miệng bặm lại trông cứ ghê ghê. Nó bế thằng Tư sề đặt vào cỗ áo quan, nét mặt trông thật thê thảm!
Người ta đồn cái vụng này thiêng lắm. Năm nào cũng có người chết đuối. Năm ngoái thì thằng con nhà Thảo nhoèn, năm nay thằng Tư sề. Một vùng nước quẩn rờn rợn, lõm vào bên trong, mõm đá nhô ra như răng cá sấu. Bè mãng mùa nước lũ đi qua thường phải thắp hương bát cơm hay nải chuối cúng oan hồn ma đói để nó quên đi, nếu không, gặp cơ là bị dìm ngay. Cứ nhìn cách “nó” dìm thằng Tư sề là biết.
Đám ma thằng Tư sề chỉ có vợ hắn khóc lóc sau cái quan tài đóng sẵn, trang trí rồng bay phượng múa và khoảng dăm ba chục người đi đưa. Nằm trong quan tài không biết hắn có ân hận vì mỗi năm đã giấu vợ mang cho mẹ Thuyết goá chồng bao nhiêu là trứng vịt? Trời nắng như đổ lửa, người ta chôn vội vàng rồi ai về nhà nấy. Tôi và thằng Tiến về đến nhà thì mưa ầm ầm kéo đến, nhìn mâm cơm đã nguội ngắt, hắn thở dài:
- Khổ thân thằng Tư! Chỉ vì mấy con vịt bơi ra sông mà phải chết oan. Kể ra hắn cũng là thằng ăn ở biết điều, hôm qua, hắn vừa biếu em mấy chục trứng vịt. Lâu nay toàn ăn không của nó, bây giờ nó chết rồi, làm sao trả nó đây?
Trên thượng nguồn có sấm dữ, khéo lại lụt to, mọi năm bằng giờ nước sông đã mấp mé bờ bãi rồi.
Đúng là lụt to thật rồi! Nước sông bắt đầu lên rất nhanh. Mấy trăm con vịt nhà thằng Tư sề coi như mất biến về phía chân trời. Đến gần tối, nước đã ngập đến bãi ngô. Người người hò nhau mang xô thùng ra bờ bãi bắt dế trũi. Ở quê tôi người ta gọi là con “điến”. Nước lên, hang dế bị ngập, những con dế ngạt thở bò từ trong hang ra, lúc đầu thì bám vào cây ngô, cây ngô bị ngập, bò vào bờ. Bà con cứ thế mà chộp. Có nhà bắt được có đến dăm bảy cân.
Bãi ngô bị ngập, Tiến thất nghiệp. Thì còn gì mà bảo vệ? Đêm, hắn ngủ lại nhà tôi, nằm ngáy như sấm đất. Tôi không tài nào chợp mắt. Mới chiều hôm qua, cả cánh bãi ngô xanh mượt đang phun râu thụ phấn đẹp như thế, một trận lụt, thành biển hồ. Bao công sức người dân đổ xuống sông, xuống biển.
Ngoài đồng nước trắng băng. Đây là thời điểm khó khăn nhất trong nghề bảo nông của thằng Tiến. Tư sề chết, "mất viện" trợ khoản trứng vịt. Lúa ngập, không có người bắt ếch, bắt lươn, lấy đâu ếch với lươn để “tịch thu”? Không kẻ tước lá ngô, lấy đâu gà ri, gái goá để đè? Thế mới biết “ nông suy, bách nghệ bại”.
Thằng Tiến đang buồn thì thằng cò Lân xách xâu điến vào. Cò Lân bảo hôm qua hắn với thằng cu Lân bắt được nhiều “điến” lắm, mang biếu thầy giáo ít con để thầy làm đồ nhậu.
Tôi sai thằng Tiến:
- Chú bỏ rang mẻ! Hôm nay tôi cũng không phải vào trường, mấy anh em ngồi nhậu chơi!
Thằng Tiến cung cúc nghe theo “lệnh”. Nó biết, lúc này, tôi đang là “chúa tể”.
Đang “triển khai” món điến rang mẻ, con Mùa đớ đã vào đến sân. Thằng Tiến ló đầu trong nhà bếp nhìn con Mùa đớ giống như nhìn nhân vật nàng công chúa trong phim.
Quả là hôm nay trông con Mùa đớ ăn mặc diện và đẹp thật. Đúng là “gái một con trông mòn con mắt”.
- Lâu nay các bác cứ tưởng là em chửa hoang. Nhưng em đâu có phải đứa đốn mạt. Bây giờ em đã tìm được cha ruột cho con em rồi, là anh Trình khều cắt tóc ở chợ đó ba bác. Chiều nay, em mời ba bác đến nhà uống rượu mừng cho hạnh phúc của vợ chồng em.
Cả ba chúng tôi đều ngạc nhiên, không ai còn nhận ra con Mùa đớ, nó ăn mặc sạch sẽ, tóc tai gọn gang. Ngày trước mặt nó phìu phịu như phù nề, bây giờ trông thon thả đoan trang. Thế mới biết, khuôn mặt con người ta đôi khi phụ thuộc vào ý thức tư tưởng bên trong và điều kiện cuộc sống bên ngoài.
Tôi đỡ lời:
- Ồ cô Mùa! (suýt nữa thì tôi thêm chữ đớ) Mừng quá thể! Thế thì may cho cô rồi! Chiều nay ba anh em tôi sẽ đến!
Mùa đớ cười rạng rỡ bởi hạnh phúc bất chợt đến với nó. Tôi chợt nghĩ đến bà Tuyết nấu rượu, cô Thuyết goá chồng. Rồi đến bây giờ, vợ thằng Tư sề, còn biết bao cảnh mẹ goá con côi cô đơn sống trong cái làng này? Đùng một cái, con Mùa đớ đột nhiên thay đổi số phận, hết đớ, lấy lão Trình khều! Trong khi vợ chồng nhà thằng cò Lân đang yên ấm, nghe lời đồn thiên hạ, dằn vặt cấu xé nhau chỉ vì trông thấy vợ đi tước lá ngô về nhà lấm lưng. Chỉ trong một cái xóm nhỏ ven bãi ngô này thôi cũng đã biết bao vấn đề phức tạp.
Khi tôi đến nhà lão Trình khều, khách khứa đã vào mâm. Chúng tôi đều uống rượu vui vẻ, mừng cho lão Trình từ nay đã có vợ, có con, cầu mong cho vợ chồng lão hạnh phúc.
Tôi hơi lất ngất. Trời đất vừa qua cơn nước lũ, âm dương hài hoà. Tôi lật khật bước vào nhà, cái sân gạch từ lâu vắng bước chân người đã mọc rêu xanh. Hôm nay buồn, uống hơi quá chén, người chậm chực buồn nôn, tôi đang sắp nôn thì mẹ Thuyết đi ngang qua ngõ , thấy tôi lảo đảo, thị ôm lấy tôi dìu vào nhà.
Khi tỉnh dậy, điện nhà sáng choang, tôi nằm trên giường, đầu đặt ngay ngắn lên gối, bốn góc giường dém màn cẩn thận. Khát nước! Ai đã từng uống rượu say, khi tỉnh dậy, cảm giác đầu tiên là khát nước. Tôi vén màn định ra tìm nước thì thấy trên mặt chiếc ghế tựa gần đầu giường đặt một cốc nước chanh pha sẵn. Tôi vớ lấy uống uống một hơi, uống đến đâu tỉnh ra đến đấy. Chà xem ra mẹ Thuyết cũng là người chu đáo và tử tế ra phết! Cô ta biết xử sự với từng đối tượng đấy chứ! Đối với mấy thằng nhà quê ham của lạ, cho đi một chút tình cảm nhưng cũng nhận về bao nhiêu thứ cần thiết cho nhu cầu cuộc sống của mình chứ có cho không đâu? Hoàn cảnh bắt buộc, giá có tiền chạy việc, bây giờ đã là cô giáo, biết đâu thành hiệu phó hay hiệu trưởng trường Mầm Non, kiếm được đức lang quân tử tế, cuộc đời rẽ sang một hướng khác, chứ đâu dây dưa với cái thằng đánh ống lươn, chăn vịt?
Phải mấy ngày sau thằng Tiến mới đến nhà tôi, mặt ỉu xìu. Hắn đi tay không, không gậy, không lươn, khống ếch và cũng không một quả trứng. Tóm lại là không có một tí “sản phẩm” nào của nghề bảo nông như mọi khi.
Tôi đưa cho hắn tám chục ngàn bảo chạy ù xuống chợ kiếm cái gì đó về làm đồ nhậu. Hắn đi có một loáng là trở về ngay, tay xách chiếc chân dò lợn. Giá cả cái gì cũng tăng vọt. Mới năm ngoái bốn mươi ngàn một cái chân giò, năm nay tám mươi, trong khi đồng lương không tăng, đời sống giáo viên như bọn tôi, mỗi ngày càng thêm khốn khó. Cũng như mọi khi, hắn nhanh nhẹn vào bếp nấu nướng, dọn mâm, phục vụ tôi như một gã đầu bếp chính cống. Uống được vài chén, Tiến bảo:
- Em xin thôi cái nghề bảo nông, bác ạ!
- Sao thế? Chú làm được việc và đang có uy tín với bà con cơ mà?
- Uy tín gì bác! Từ bữa đồng bãi mất lụt, em đi khắp làng, chả ai thèm chào. Thì ra, lâu nay em dựa vào cái nghề bảo nông nay bắt mai phạt, người ta cũng vì muốn lợi dụng tí chút nên mới giả vờ kiêng nể đấy thôi, có cho con gà quả trứng cũng là có ý đồ lợi dụng công việc của để được lợi. Bây giờ, đồng không bãi trống, cái giá trị thật của em mới lòi ra! Đến như con mẹ Thuyết, hôm nay trông thấy em đi qua, nó đóng sầm cửa, tỏ vẻ khinh ra mặt! Thực tình, người dân chỉ tôn thờ một ai đó mang lại một chút quyền lợi cho họ, khi cái đó không còn, hoặc bị đụng chạm, họ khinh tất cả, căm ghét tất cả. Không phải đối với một thằng bảo nông mạt hạng như em mà đối với bất kỳ một ai. Với lại, làm cái nghề này, em cũng không còn là em nữa, bởi cứ thấy người ta cho là nhận. Tưởng thế là họ kính trọng mình, nhưng thực ra là họ đang coi khinh mình đấy. Nay nhận, mai nhận, thành quen! Ăn những thứ không phải do sức mình làm ra, xét cho cùng, cũng không lấy gì tốt đẹp. Cái gì nó cũng có giá cả đó bác! Sáng nay đã có mấy thằng trẻ con hay đi chăn trâu, bắt lươn, móc ếch bị em bắt phạt, tịch thu, trông thấy em, chúng réo chửi vang xóm rồi.
Thằng Tiến nói với giọng thật chua xót. Biết đâu một câu chửi của lũ trẻ con lại đánh thức những vấn đề lớn lao trong cái đầu người lớn như nó? Tôi động viên:
- Là chú hay không là do chú! Nếu chú cứ trung thực với công việc, không tham lam cái nhỏ mà bỏ đi cái lớn, thì sớm hay muộn, người dân lại kính nể chú thôi.
- Muộn rồi bác ạ! Những thứ đã ăn vào miệng, làm sao móc ra? Tất cả đã thành con số không, nhưng cái nợ với tình người thì không sao trả được!
Tôi không ngờ trong cái đầu thằng Tiến mà cũng nghĩ được những điều sâu sắc như thế. Tưởng nó nói chơi thế thôi chứ không ngờ năm ngày sau, hắn đã gọi điện cho tôi từ mãi trong tỉnh Bình Dương. Hắn bảo đã tìm được công ăn việc làm rồi. Một công ty Hàn Quốc nhận hắn vào làm bảo vệ, lương tháng năm triệu đồng. Thực lòng, tôi cũng mừng cho hắn.
Chuyện con Mùa đớ bị gã đàn ông gù lưng chiếm đoạt trong đêm mùa hè dưới chân tượng đài tuởng niệm liệt sỹ bên cạnh hồ sen, sinh ra thằng Hạ, kết hôn với lão Trình khều làm nghề cắt tóc cổng chợ, lâu rồi người ta cũng coi bình thường như những cặp vợ chồng khác. Thằng Hạ đã vào học năm thứ ba đại học. Bây giờ cả làng đều gọi là chị Mùa bởi chị tuy là người quét chợ nhưng nhã nhặn trong cách ứng Xử với những người buôn bán và bà con làng trên xóm dưới.
Cuộc đời chị Mùa đang êm trôi với bao niềm vui hy vọng thì lão Trình khều chồng chị đổ bệnh. Bao nhiêu năm sống độc thân, lão không hề biết đến viên thuốc, thế mà bây giờ có vợ có con , ăn uống được chăm lo đủ chất, cơ thể lão lại dở chứng. Có lẽ trong đói khổ, khó khăn, cơ thể con người ta theo bản năng sinh tồn, tự miễn dịch. Sung sướng, nhàn rỗi, cái khả năng kia mất dần, nên dễ dàng bị bệnh tật tấn công chăng?
Con đi học xa, chồng bệnh trọng, việc nhà, việc chợ một mình chị Mùa cáng đáng. Sáng ra, chỉ dẫn cho mấy bà bán hàng gà, hang rau, hang cá từ nơi khác đến ngồi đúng vị trí đã sắp xếp. Nửa buổi, thu tiền quét chợ, gần trưa, vào bếp nấu nướng chăm sóc người ốm, chị Mùa trở nên tháo vát, tuy vất vả nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui hạnh phúc bởi bên cạnh luôn có chồng, có con. Bây giờ trông chị mềm mại chứ không bần thần như thuở còn đớ dở. Tất cả trí nhớ sắc sảo của chị đã hoàn toàn hồi phục. Mái tóc đen nhưng nhức, nặng trĩu vai, dài sát gót, những người chuyên lùng mua tóc gạ với giá năm triệu mà chị vẫn lắc đầu. Chị bảo: Mọi thứ trên cơ thể người đàn bà là thuộc sở hữu của người đàn ông mình yêu. khi lấy chồng thuộc sở hữu của chồng. Còn gì quý giá hơn chồng con? Bạc vàng hàng núi cũng vô nghĩa! Với chị, chồng con là tất cả. Thường những người tâm hồn giầu có như chị, tóc mới đen mượt như vậy. Những kẻ khôn ngoan lừa lọc, mấy đứa tóc cho ra hồn? Đứa hói đến nửa đầu, đứa lơ thơ như đám cỏ hoang bị hạn. Cái đầu để nuôi cái tóc. Cái đầu đầy mưu mô, tính toán, nóng như lò lửa, tóc nào mọc cho được?
Mọi cố gắng của chị Mùa cũng không cứu vãn nổi tình thế suy sụp của lão Trình khều. Đêm nào cũng thế, chị ngồi suốt đêm cho lão tựa lưng. Đợi lão ngủ yên giấc rồi chị mới tranh thủ chợp mắt. Thương vợ, lão Trình cố nén cơn đau như dao cứa, cố không hề lộ ra ngoài. Nhưng nhìn những giọt mồ hôi rỉ ra từ vầng trán đã tái nhợt của lão, chị biết. Bác sỹ bảo lão bị K gan do nhiễm chất độc hoá học thời chiến tranh.
Lão Trình ốm, mất khoản thu nhập nghề cắt tóc. Tiền quét chợ chỉ đủ thuốc thang. Không có tiền học gửi cho con, chị đành phải bán mái tóc của mình. Khi người cầm đơ đơ sát chân tóc, mái tóc nặng đầy tay đen nhưng nhức của chị rơi xuống nền gạch thê thảm như tấm khăn tang đen. Bây giờ, mỗi khi bỏ khăn ra, trông chị chẳng khác một sư cô trên chùa.
Biết bệnh mình khó qua, một hôm lão Trình khều bảo chị mang cái tráp đựng đồ cắt tóc cho lão: - Em lấy hết đồ nghề rồi mở cái ngăn dưới tráp cho anh!
Linh tính báo cho chị có một vấn đề hệ trọng. Sau khi lấy hết các dụng cụ cắt tóc ra, chị lật đáy tráp. Tất cả được gói trong một lá cờ đỏ sao vàng cỡ nhỏ: Gồm giấy chứng nhận bị thương trong chiến đấu tại mặt trận phía Nam, ba huân chương giải phóng hạng nhất kèm các giấy tờ chứng nhận người được khen thưởng tên “ Phạm Bá Trình”, tấm thẻ đảng, bộ quân hàm trung uý quân đội nhân dân Việt Nam. Tất cả còn mới nguyên, đỏ tươi.
Thì ra lâu nay cứ tưởng lão Trình tàn tật do tai nạn hay bẩm sinh chứ có ngờ đâu lão bị thương trong chiến đấu và là Đảng viên đảng cộng sản, một dũng sỹ thời chống Mỹ. Hèn chi lâu nay lão là một người rất khắt khe với mình trong từng khoản chi tiêu, nhưng với người nghèo khổ, lão giúp đỡ không tính toán. Ngay cả với mẹ con chị, thời còn bệnh tật, lão cũng dang tay cứu vớt. Trong khoảnh khắc, chị nhận ra trái tim đầy nhân ái của một người lính cụ Hồ, một người cộng sản chân chính.
Lão Trình khều đặt bàn tay gầy guộc nổi gân xanh gân vàng đã giá lạnh lên cái đầu trọc lốc của vợ: - Anh có lỗi vì không đi hết cuộc đời với mẹ con em. Cám ơn em là đã tin tưởng anh, cho anh được làm bố thằng Hạ. Sau khi anh qua đời, có cơ hội, em hãy kể cho con nghe, để nó có quyền tự hào về người bố đã từng là người lính cầm súng bảo vệ tổ quốc… Từ trong hai hố mắt thâm quầng của lão Trình khều ứa ra hai giọt lệ đục như nước vo gạo. Lão trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay ôm ấp của người vợ hiền.
Cái hôm lão Trình khều mất, mưa rơi tầm tả. Khi người ta khâm liệm lão, cái chân khều không làm sao lọt vào cỗ quan tài. Cố ép mãi thì nghe đánh khực một cái, bàn chân khòng khều bướng bỉnh mới chịụ chui vào cái “áo quan” chật hẹp. Hành trang của lão mang theo sang thế giới bên kia là cái tráp đựng đồ cắt tóc cùng với toàn bộ giấy tờ gồm có: Thẻ đảng viên, những huân huy chương chứng minh công trạng của một đời lính chiến. Cả làng đội mưa đưa tang lão. Ai cũng thương cho hoàn cảnh của mẹ con chị Mùa. Người ta kể lại biết bao là việc tốt của lão khi đang còn sống.