MỘT CHÚT TÌNH PHAN THIẾT
M ột đôi lần, nhân những ngày có trăng thượng tuần, chọn thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm, tôi cùng một vài người bạn thân lên Lầu Ông Hoàng uống rượu. Trên đoạn đường dẫn vào quần thể Tháp Chăm Phố Hài(1) (nay gọi là Tháp Pô Sah Inư), trải giấy báo xuống đất, chúng tôi ngồi giữa đỉnh đồi Bà Nài. Về hướng Đông, cách vài trăm mét là lâu đài đổ nát của ông hoàng Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier(2), cháu nội của hoàng đế Pháp Louis-Philippe I. Kế bên là ngọn đồi Ngọc Lâm, nơi yên nghỉ thiên thu giữa sơn thủy hữu tình của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông(3). Từ độ cao trên một trăm mét so với mặt biển này, nhìn về phía Tây Nam là trung tâm thành phố Phan Thiết đang dần lên đèn, vẫn còn thấy rõ được Tháp Nước(4) đứng lặng lẽ gần trăm năm nay bên bờ con sông Cà Ty duyên dáng, mềm mại chảy ngang qua thành phố.
Tháp Pô Sah Inư (thực ra là tháp thờ thần Shiva, vì đền thờ công chúa Pô Sah Inư đã bị sụp đổ hoàn toàn từ lâu nằm gần sát vị trí tháp), như một “chứng nhân” của lịch sử, một biểu tượng kiên cường không chịu khuất phục của con người trước thiên nhiên, nơi ngụ của thần Shiva, là một trong ba ngôi tối linh của Ấn Độ giáo, vừa là thần huỷ diệt, vừa là thần sáng tạo; bởi theo quan niệm Ấn Độ giáo, huỷ diệt chỉ là hành động tất yếu để đi đến sáng tạo. Phải chăng vì vậy mà khi công chúa Pô Sah Inư gặp duyên tình oan trái vì khác tôn giáo với lãnh chúa Pô Sahaniempar theo đạo Hồi ở vùng đất Hamu Kăm (Ma Lâm ngày nay), thần Shva giữ đúng nguyên tắc của mình, không can dự vào, mặc cho công chúa chịu đau khổ đến cuối cuộc đời. Và có lẽ cũng chính từ hủy diệt mà sinh ra sáng tạo, nên đã giúp cho công chúa toàn tâm tập trung vào việc lớn của cộng đồng là xây dựng các công trình thủy lợi và dạy dân làm nông nghiệp. Vào thế kỷ 15, nhân dân tôn công chúa Pô sah Inư là thần, lập đền thờ; tuy đã trở thành phế tích mấy trăm năm nay, nhưng hằng năm, bà con người Chăm thuộc vùng Hamu Kăm xưa vẫn thường xuyên về làm lễ thành tâm cầu an, cầu mưa: “Từ ngày thành đất, thành người/ Thành cây lúa, có thần trời Sa Nư…/ Xin Ngài về hưởng lễ cho/ Để dân cầu được ấm no, an bình” (trích bài tụng ca cúng thần Pô Sah Inư dịch ra lời Việt). Công chúa Pô Sah Inư vẫn luôn sống vĩnh hằng trong tâm thức người Chăm ở Bình Thuận, nhất là người Chăm vùng Humu Kăm của lãnh chúa Pô Sahaniempar.
Không biết công tước De Monpensier có bị dẫn dắt bởi thần Shiva không, mà ông đã đến đây để dựng nên tòa lâu đài trong khung cảnh còn hiển hiện rõ dấu tích suy tàn của quá khứ lịch sử. Nghe dân gian truyền khẩu (không biết đúng, sai? Có thể đây là một huyền thoại mới) rằng, năm đó, trên đường đi du ngoạn, ghé lại xứ Phan, công tước làm quen với một người con gái đẹp vùng biển, rồi đem lòng yêu thương. Không thể đem người yêu về nước Pháp được, vì ông đã có gia đình riêng, ông bèn cho xây dựng lâu đài với danh nghĩa là nơi nghỉ mát và săn bắn, nhưng thực ra là nơi để ông và người yêu gặp gỡ nhau mỗi năm, sống với nhau những ngày hạnh phúc. Sau đó vài năm, người con gái Việt đó sinh hạ một bé gái xinh đẹp có gương mặt Á Đông giống mẹ. Sinh xong thì bị hậu sản mất. Công tước than khóc cho người yêu vắn số, khóc cho mối tình tử biệt. Nghe theo lời người hầu của ông, là người dân tộc Chăm, nói rằng vì công tước đã đến vùng núi do thần Shiva ngự trị, xây cất lâu đài nhưng không xin phép thần. Mặt khác, lâu đài lại áng ngay cửa quay về hướng Đông của Tháp, nên Thần đã sử dụng quyền năng của mình quở phạt công tước phải chịu mất đi một phần trái tim của mình, nhưng bù lại, đã trao cho ông một sinh linh mới mẻ (sự thể hiện quyền năng hủy diệt và sinh sản của thần Shiva chăng?). Trước khi đem đứa con gái về Pháp nuôi dưỡng, công tước cùng người hầu mang lễ vật đến cầu xin thần phù hộ cho giọt máu duy nhất của mối tình Pháp- Việt được lớn lên trưởng thành. Kể từ đó, ông giao quyền quản lí lâu đài cho một người bạn và vì không muốn khơi lại nỗi đau đớn cũ, ông thề vĩnh viễn không quay trở lại Việt Nam, trở lại Đồi Bà Nài, nơi chôn chặt mối duyên tình ngắn ngủi của ông. Nghe nói, sau này, người con gái của công tước có quay lại, tìm về đồi Bà Nài, đứng khóc bên lâu đài đổ nát rồi trở về Pháp. Từ đó, không ai nghe tin tức gì về họ nữa… Ngày nay, cả khu vực xung quanh lâu đài được mọi người gọi tên chung là Lầu Ông Hoàng. Chỉ tiếc rằng, ngành quản lí văn hóa và du lịch của địa phương không có những chỉ dẫn cụ thể nên cả người địa phương lẫn khách du lịch, phóng viên các đài truyền hình (cả trung ương và địa phương), các báo viết trong nước và các trang mạng đều lầm tưởng cụm lô cốt của Pháp và chế độ cũ để lại cách Tháp Chăm Pô Sha Inư về hướng Nam khoảng 100m là lâu đài của công tước De Monpensier. Vì vậy, hình ảnh lâu đài được đưa lên đài truyền hình và báo in là một cụm lô cốt có tháp canh khá cao với nhiều lổ châu mai và lổ chổ vết đạn. Việc này cần phải điều chỉnh lại cho đúng. Vị trí chính thức của lâu đài trên nằm cách Tháp Chăm khoảng 500 mét về hướng Đông, và gần hơn với mộ cụ Nguyễn Thông. Di tích lâu đài đã bị cây bụi và dây hoa ăng- ti- gôn bao phủ. Hiện nay, người dân địa phương đã lấn chiếm một phần để làm nhà ở…
Những ngọn đồi đẹp chung quanh chỗ nhóm lãng tử chúng tôi ngồi uống rượu dưới trăng này, giống như một trang sách mở của thiên nhiên, theo dòng thời gian, đã ghi chép những gì mà con người qua bao thời đại đã để lại bằng dấu vết vật chất tại đây, hay bằng những câu chuyện đã trở thành huyền thoại trong trí nhớ của cộng đồng. Những ai đến đây, nếu có chung mối đồng cảm, sự quan hoài về lẽ nhân sinh, sẽ dễ dàng nhận ra được sự tập trung nhiều chứng tích chồng lớp lên nhau với mật độ cao, như muốn hiển lộ chứng minh cho sự biến dịch vô thường của trời đất, của kiếp người, nhằm làm sáng tỏ chân lí tối hậu của cuộc sống như là sự nối tiếp nhau của cái sinh ra và mất đi, những cuộc hạnh ngộ rồi chia li, những sung sướng rồi khổ đau, những hạnh phúc rồi tuyệt vọng… Và dù rằng khi còn sống, con người có tranh đoạt, chém giết lẫn nhau vì những động cơ, lí do bất kì nào chăng nữa; thì cuối cùng cũng phải trở về bên nhau, nằm bên nhau, “sống” hòa với cát bụi để cùng xanh một màu cỏ với mùa xuân... Tiếp nhận được điều đó sẽ giúp chúng ta thấy yêu hơn cuộc sống này, biết sống và sống tốt đẹp hơn.
Có lẽ cụ Nguyễn Thông đã sớm nhận ra điều huyền diệu đó nên đã chọn nơi đây làm nơi trở về, tự nguyện làm một trang trong quyển sách thiên nhiên kì bí nhưng luôn sáng tỏ kia. Vì vậy, cụ đã cho xây trước ngôi mộ và tự viết sẵn lời văn sẽ khắc trên bia mộ của chính mình: “Năm Đinh Sửu (tức năm 1877- người viết), tôi làm Bố chánh Bình Thuận thường xuống các huyện, nhân đi qua thôn Ngọc Lâm, phía Đông phủ Hàm Thuận, lên cao nhìn quanh, thấy sông núi có tình, tôi lấy làm thích, đứng nhìn lâu không chán (…). Vì thế tôi bảo học trò Nguyễn Văn Đường nhặt đá núi, thuê thợ xây đắp (…). Mộ xây xong (…), ở trong bỏ trống để đợi khi dùng đến. Sau lúc tôi trăm tuổi, chẳng biết hồn phách còn nhớ đến núi này nữa hay không, hay là rồi cũng tiêu tán hết? Điều ấy không thể biết được. Nhưng hoa rừng trăng bể, buồm ngư phủ, nhà tiều phu vẻ lạ khói mây đổi thay, hình thù giao thẫn(5) chập chờn, thì sau này vẫn có thể cống hiến một cuộc thích mắt cho những nhà thơ tới đây viếng cảnh vậy”(6). Nguyễn Thông đã tiên tri đúng những việc sẽ diễn ra sau này. Đó là có biết bao nhà thơ, nghệ sĩ đã gởi một phần hồn của mình ở nơi đây…
Tối hôm đó, chúng tôi uống rượu tới khuya. Trong cơn ngà ngà say, nhìn lại phía sau lưng mình là cả một “thành phố của bóng tối” - nghĩa trang Phan Thiết; nơi tiếp nhận sự hủy diệt cuộc sống để làm cho cuộc sống mới tiếp tục sinh sôi và phát triển, như nguyên lý quyền năng của thần Shiva. Những ngôi mộ gần con đường du lịch Phan Thiết – Mũi Né phản chiếu ánh sáng từ những ngọn đèn đường cao áp làm rực lên màu của cõi bình yên lặng lẽ. Tôi lẩn thẩn tưởng tượng ra hình ảnh, chàng thi sĩ trẻ tuổi Hàn Mặc Tử (7), tay trong tay cùng nàng thơ Mộng Cầm lãng mạn đi những bước ngập ngừng vào giữa những hàng mộ đang sáng lên kia rồi xa khuất dần vào bóng đêm của thế giới vĩnh hằng. Có lẽ tôi cũng muốn “điên” như Tử chăng? Bỗng nghe bạn tôi khe khẽ cất lên lời hát giữa mênh mông như để tưởng nhớ chàng thi sĩ si tình bạc mệnh:“Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến. Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân… Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng...” (8)
Cách nay mấy năm, ngành chức năng quản lí về văn hóa và du lịch thực hiện thu âm đĩa CD tuyển chọn những bài hát hay về Bình Thuận, nhằm mục đích quảng bá văn hóa Bình Thuận đến với mọi người trong cả nước, trong đó có mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh. Rất tiếc là những người tuyển chọn đã không chọn một bài bài hát gắn với Bình Thuận mà cho đến nay (và có lẽ cả mai sau- tôi nghĩ như vậy) hầu như ai cũng đã ít nhất một lần nghe qua, vẫn còn nhớ và có thể còn hát được (nhất là hát karaoke, hát trong các cuộc liên hoan, giao lưu văn nghệ, kể cả trong các bữa nhậu…). Đó chính là bài “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh: “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa. Lầu Ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng. Tiếng chim kêu đau thương như nức nở dưới trời sương. Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người. Tìm về nửa đêm buồn...”. Nhiều người khi nhắc đến bài hát này, đôi lúc quên tựa, bèn gọi đó là bài “Đường lên dốc đá”. Chắc tác giả bài hát trên cũng không cần có tên mình trong tuyển tập. Cần hơn có lẽ chính là những người bình thường nhưng yêu mến quê hương Phan Thiết, Bình Thuận. Đối với ngành du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, không vì vậy mà bị thiệt thòi về doanh thu. Nhưng, nếu bài hát đó càng được hát lên, vang xa chừng nào thì cụm di tích được xem là một trong những địa chỉ du lịch điểm nhấn của Bình Thuận: Lầu Ông Hoàng và Tháp Chăm Pô Sah Inư, càng thêm nổi tiếng, càng được nhiều người biết đến, cũng đồng nghĩa với việc thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Bình Thuận. Ngay tại địa điểm du lịch này, tôi đã từng gặp những em nhỏ bán đĩa CD lậu có bài hát “Hàn Mặc Tử” mời chào mua giúp.
Phan Thiết - thành phố nhỏ ven biển xinh xắn này, trôi theo dòng thời gian, đã thành kỉ niệm khó quên của bao người thuộc nhiều thế hệ, có thể là con dân của Phan Thiết, sinh ra và lớn lên ở đây hoặc không là gì với Phan Thiết cả. Kỉ niệm đó có thể là do sự gắn bó hữu hình hoặc chỉ là vô ảnh. Nhưng tất cả đều hằn sâu dấu vết trong kí ức của họ…
Đối với hoàng thân Xu- pha- nu- vông(9), dù là khi đang sống ở quê vợ Nha Trang hay đang giữ vị trí nguyên thủ quốc gia (Lào), chắc ông không thể nào quên được hình ảnh Tháp Nước Phan Thiết (Château d’eau) được xây dựng đúng theo bản vẽ thiết kế chứa nhiều tâm huyết của mình. Một công trình được giới kiến trúc trong nước đánh giá là đẹp và độc đáo nhất trong các tháp nước được xây dựng ở Việt Nam. Năm 2007, có một nhóm sinh viên Lào theo học ở Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội) đi thực tế ở Phan Thiết, tình cờ gặp tôi trong một bữa nhậu nơi quán cóc bên bờ sông Cà Ty. Khi tôi chỉ Tháp Nước và giới thiệu đây là công trình kiến trúc do kiến trúc sư Hoàng thân Xu-pha-nu-vông thiết kế và được khởi công xây dựng vào năm 1928, các sinh viên Lào hết sức bất ngờ, trố mắt ngạc nhiên. Họ không thể nào tưởng tượng được, ở một nơi xa xôi trên đất nước Việt Nam lại ghi đậm dấu tích thật đẹp của vị nguyên chủ tịch nước của họ, một nhân cách lớn, mà nhân dân các bộ tộc Lào hết sức kính yêu. Và có lẽ đây cũng là một chút tình khó quên của các em sinh viên Lào đối với Phan Thiết, với Việt Nam.
Nhà thơ Bích Khê đã sống nhiều năm ở Phan Thiết (10). Trong thời gian này, ông vừa tự học, vừa dạy học, vừa tập trung nhiều tâm huyết cho sáng tác thi ca. Tại đây, ông đã hoàn thành tập “Tình huyết” (1939), một tập thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Bích Khê, được Hàn Mặc Tử đón nhận như “Một bông hoa lạ nở hương” khi viết lời tựa cho tập thơ này. Đặc biệt, với Phan Thiết, nhà thơ đã đa mang nợ tình ái… Ngày 20 tháng 9 năm 1940, Bích Khê vào Viện Phong Quy Hòa thăm Hàn Mặc Tử. Lúc này, hai người bạn thơ thân thiết đều mắc bệnh nan y (Bích Khê mắc bệnh lao). Cả hai chắc là dễ dàng cùng nhau ôn lại những kỉ niệm về tình yêu nơi Phan Thiết. Hàn Mặc Tử thì nhắc đến Mộng Cầm. Còn Bích Khê thì nhắc đến tên của ba người con gái xứ Phan mà mình đã yêu. Một Song Châu, cô học trò (trường tư thục Hồng Đức) của thầy giáo Bích Khê, tuổi đang thì xuân chớm, đã làm cho nhà thơ:
Tôi đắm hồn tôi cho chết say
Như hoa mảnh khảnh xác thu gầy
Ở trong cặp mắt như châu ấy
Và biến ra châu lã chã đầy…
(Châu)
Một Ngọc Kiều chín chắn nồng nàn, mà giữa cơn say tình ái, Bích Khê đã thốt lên trong một bài thơ đề tặng Hàn Mặc Tử:
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt
Ngọc Kiều ơi! Này khúc Lạc Mai Hoa
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết
Ta tê mê, ta gảy điệu Tỳ Bà…
(Mộng Cầm ca)
Và tiếp theo là mối tình câm lặng với một sương phụ, cô giáo dạy cùng trường (tư thục Quảng Thuận), là bạn của người chị ruột mình, mà cho đến ngày Bích Khê ra đi vĩnh viễn, Minh Sim (tên của người ấy) mới biết qua những bức thư không bao giờ gởi đi của nhà thơ, do chị của Bích Khê trao lại…
Trong những ngày vật vã với cơn bệnh trầm kha cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Quy Hòa, bóng dáng thướt tha yêu kiều của người con gái Phan Thành có tên Mộng Cầm kia cùng với Lầu Ông Hoàng mơ mộng những đêm trăng tàn, trăng rạng, chắc rằng nhà thơ “điên” Hàn Mặc Tử khôn nguôi nhớ về một mối tình vô vọng:
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết Phan Thiết…
(Phan Thiết Phan Thiết- Hàn Mặc Tử)
Với Hữu Thỉnh (11) thì lại khác. Trước năm 1975, nhà thơ chưa hề làm quen với Phan Thiết và nếu có biết chắc cũng chỉ hiểu đơn giản đó là địa danh cuả một thị xã miền Trung bình thường như Phan Rang, Tuy Hòa. Nhưng…, khi nhận được tin anh trai mình hy sinh vào năm 1973 tại Phan Thiết (năm 1975 mới biết tin) và sau nhiều lần cố công đi tìm nhưng vẫn không thấy được hài cốt của anh, năm 1981, ông viết bài thơ “Phan Thiết có anh tôi”:
… Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi…
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe…
Nhà thơ Hữu Thỉnh hẵn sẽ không thể nào quên được địa danh Phan Thiết, vì một lẽ hiển nhiên: “Phan Thiết có anh tôi”.
Phan Thiết xưa đã từng là nơi sản sinh những nhạc sĩ tài hoa có bài hát để đời, như: Minh Quốc (bài hát “Tình đồng chí”), Nguyễn Hữu Thiết (bài “Gởi người tôi yêu”), như Dzũng Chinh (các bài “Những đồi hoa sim”, “Tha La xóm đạo”)… và Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường với những nhạc phẩm nổi tiếng một thời và hiện nay vẫn đang được các ca sĩ hát thu vào đĩa CD, DVD, như: Khi người yêu tôi khóc, Lâu đài tình ái, Hoa biển, Chiếc áo bà ba, Hàn Mặc Tử…
Biết bao người sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết, do hoàn cảnh đẩy đưa đành phải li hương, tìm thế sống nơi quê người. Dù cuộc sống ở đất khách có được may mắn, dư dã sung sướng về vật chất bao nhiêu chăng nữa, thì họ luôn cảm thấy có một khoảng trống trong tâm hồn không gì có thể lấp đầy được. Khoảng trống đó chính là quê hương cố cựu. Họ không bao giờ có thể quên được cội nguồn hoặc đánh mất kí ức thời tuổi trẻ nơi quê xưa, một phần quan trọng trong cuộc đời của mình. Lí Bạch (đời Đường, Trung Hoa) được người đời tôn là bậc thi tiên. Gần như cả cuộc đời ung dung, ngạo mạn, ngao du sơn thủy và làm thơ, nhưng trong lòng ông luôn ẩn giấu một nỗi niềm nhớ cố hương sâu lắng. Vào một đêm trăng tình cờ, nỗi niềm đó trồi lên trên bề mặt cảm xúc, chảy tràn lai láng không gì ngăn lại được:
Sàng tiền minh nguyệt
quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
(12)
Chung một mối quan hoài như Lý Bạch; Trần Vấn Lệ (13) , nhà thơ người Phan Thiết hiện đang sống nơi đất khách quê người, cũng đã nói hộ cho tất cả những ai có cùng tâm trạng tha hương, luôn đau đáu khôn nguôi nhớ về cố hương Phan Thiết bằng những câu thơ đẫm tình tha thiết:
“Hè rồi…
Phan Thiết đỏ hoa vông, tôi
ở xa xôi nhớ quá chừng! Nhớ chỗ mình sinh, mình
được lớn, một thời thơ dại vượt con sông. Con sông
đầy xác hoa vông rụng quấn quyện chân cầu không muốn
trôi… Mà biết bao nhiêu người bỏ
xứ, đi đâu, có thể cuối chân trời! Phan Thiết của tôi
và của bạn, sáng nay ai nói rất buồn hiu. Tôi ngồi với
bạn bên hè phố, khuấy cốc cà
phê tưởng thấy chiều! Chút khói chiều vương vương hoa
vông. Phan Thiết khi không nhớ não nùng. Xe ngựa cọc cà
đi cọc cạch, bạn buồn khuấy mãi muỗng koong koong…
Đó, hồi Phan Thiết còn xe ngựa, con ngựa
đôi khi hí giữa đường. Giờ, giữa
đường đây, trời đất khách. Thuốc tàn mấy
điếu khói vương vương…”
(Mùa vông Phan Thiết cũ).
Còn
tôi, ngồi viết những dòng chữ này, thử hình
dung mình đang sống trong hoàn cảnh như Lí Bạch, như Trần
Vấn Lệ và những ai khác nữa xa quê…
Khi đó, mặc dù tôi
không thể biểu đạt được nỗi niềm
“tư cố hương” bằng những câu thơ tuyệt vời
như trên; nhưng chắc chắn, với tôi, đó không
phải chỉ là “một chút tình Phan Thiết”… Viết đến
đây, bàn tay tôi run lên, lòng đã muốn khóc rồi, Phan Thiết
ơi!./.
Ghi Chú:
(1):Tháp Pôshanư
(Pô Sah Inư - còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài) là một
nhóm di tích đền tháp
Chăm còn sót lại
của Vương
quốc Chăm Pa xưa,
nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hải, cách trung
tâm thành phố Phan
Thiết 7 km về phía
Đông Bắc. Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai
- một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa.
Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc
được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật
trang trí của người
Chăm xưa tạo nên
vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Po Sah Inư là một
trong những cụm tháp Chàm còn tương đối nguyên vẹn. Khoảng
cuối thế
kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9,
người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích
để thờ vị thần Shiva - là một trong những vị thần Ấn Độ giáo
được sùng bái và tôn kính. Thế
kỷ 15, xây dựng
thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để
thờ công chúa Po Sha Inư. Công chúa Po Sha Inư (con vua Para
Chanh) là người có tài đức và phép ứng xử nên được
người Chăm đương thời yêu quý. Năm 1992-1995, những cuộc
khai quật khảo cổ tại nơi này đã phát hiện ra nhiều
nền móng của những ngôi đền bị sụp đổ và bị vùi
lấp hàng trăm năm nay, cùng với gạch ngói và một số
hiện vật trong lòng các đền tháp có niên đại từ thế
kỷ 15. Từ đây tháp có tên gọi là Po Sah Inư.Từ năm 1990
đến năm 2000, di tích được chính quyền tỉnh Bình Thuận
tu bổ, tôn tạo. Năm 1991, di tích này được xếp hạng
di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Tháng giêng âm lịch
hàng năm, dưới chân tháp đều có diễn ra các lễ hội
như Rija Nưga, Poh Mbăng Yang... Người Chăm làm lễ cầu mưa,
cầu an..
(2): Cái tên Ferdinand d'Orléans, Công tước
De Montpensier, cháu
nội hoàng đế Pháp chính là nguồn gốc của địa danh
Lầu Ông Hoàng ngày nay. Vào năm 1910, Công tước De Montpensier
qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Nhìn thấy phong cảnh tại
những ngọn đồi phía Đông Phan Thiết rất đẹp, đứng
ở đây có thể phóng tầm mắt về phía Nam chừng 1 km,
thấy rõ những ngọn sóng biển lao xao. Ông đã mua lại
từ nhà cầm quyền Pháp ở Bình Thuận (công sứ Garnier)
quả đồi Bà Nài, chọn mảnh đất rộng ở độ cao cách
mặt biển 107m, gần Tháp Pôshanư về hướng Đông chừng
500 m để xây dựng biệt thự, làm nơi nghỉ ngơi trong các
kỳ săn bắn và du lịch sau này. Gần biệt thự còn có
các nhà hàng, khách sạn phục vụ cho giới thượng lưu.
Toàn bộ cụm 5 ngọc đồi quanh biệt thư của Công tước
De Montpensier, sau đó được gọi chung là Lầu Ông Hoàng.
Đây là nơi tạo nên huyền thoại về mối tình thơ lãng
mạn Mộng Cầm- Hàn Mặc Tử, đã làm tốn biết bao giấy
mực của người đời sau. Ngày 21-2-1911 biệt thư được
xây dựng, nền móng được xây bằng đá xanh, cao 2m, với
15 bậc cấp lên xuống, sàn nhà lót gạch bông, phía dưới
nền là hệ thống những bể chứa nước mưa lien kết nhau,
chung quanh đúc bê tông, có máy bơm dẫn nước lên một
lầu nước cao phiá sau, đủ dùng quanh năm suốt tháng. Nóc
nhà lợp bằng đá phiến xanh được chở từ Pháp sang,
vừa đẹp lại không sợ bị gió biển làm tróc mái. Biệt
thự có diện tích 536m2, gồm 7 phòng ngủ và 6 phòng dành
cho khách, phòng thết tiệc... Phòng nọ tiếp với phòng
kia qua hành lang có mái che. Bên trong các phòng kể cả tiền
đình được trang trí sang trọng, tiện nghi. Giường ngủ,
bàn ghế, tủ đều đóng bằng loại gỗ quý. Riêng giường
có nệm, chân giuờng gắn gù đồng. Có đường trải đá
từ dưới chân đồi chạy quanh co, lối vào trước sảnh
đường có trồng cây giữ bóng mát cho biệt thự. Bên ngoài
tường rào được thả dây leo ăng- ti- gôn nở hoa màu hồng
rực rỡ. Ngoài ra còn có nhà máy phát điện riêng, nhà
để xe, chuồng ngựa, nhà bếp, nhà tắm, bể chứa nước.
Sau ngày khánh thành, chủ nhân ông Ferdinand D’orléans chính
thức đặt tên ngôi biệt thự của mình là ‘NID D’AIGLE’
tức là Tổ Chim Ưng. Trong kháng chiến chống Pháp, tòa biệt
thự bị bom đạn làm sụp đổ hoàn toàn.
(3): xem chú
thích ở bài “Phan Thiết có mùa xuân bông vông
đỏ” trong tâp này.
(4): Tháp
nước Phan Thiết được khởi công xây dựng vào cuối năm
1928 và hoàn thành vào đầu năm 1934, do kiến trúc sư
Hoàng thân Xu-pha-nu-vông Lào) thiết kế, do nhà thầu Ưng
Du đảm trách thi công. Đây là kiến trúc độc đáo nhất
trong những công trình tháp nước ở Việt Nam. Hoàng thân
Xu- pha- nu- vông sinh năm 1909. Năm 11 tuổi, ông sang Việt
học tại trường Albert Sarraut. Năm 1920, sang học tại Pháp.
Tốt nghiệp đại học quốc gia cầu đường Paris, trở
thành kỹ sư cầu đường đầu tiên ở Đông Dương. Ông
về Trung kỳ (Việt Nam) công tác, đã từng đảm nhận chức
vụ Kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha Trang. Ông thiết
kế nhiều công trình thủy lợi trên đất Việt Nam, trong
đó có 7 công trình cho đến nay vẫn đang còn sử dụng,
tiêu biểu như: Tháp
nước Phan Thiết,
đập Đô Lương, đập Thanh Chương (Nghệ An), đập Bái
Thượng (Thanh Hóa)… Ông lấy vợ là người Việt Nam, bà
Nguyễn Thị Kỳ Nam, người Nha Trang. Ông gặp Hồ Chí Minh,
gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và bắt đầu sự
nghiệp cách mạng. Ông trở thành Chủ tịch Nước cộng
hòa dân chủ nhân dân Lào từ tháng 12 năm 1975 đến tháng
8 năm 1991. Ông qua đời ngày 09 tháng 01 năm 1995.
(5): Giao là
con thuồng luồng; thẫn là loài ngao bể.
(6): Trích
“Bài kí ở mộ tại Ngọc Sơn” của Nguyễn Thông
trong tập “Nguyễn Thông- con người và tác phẩm” do Ca
Văn Thỉnh và Bảo Định Giang sưu tầm và biên soạn. Nhà
xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1984.
(7):
Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng
Trí, sinh 22/9/1912 – mất 11/11/1940) là một trong những nhà thơ
nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam,
thường được gọi là phong trào “Thơ mới) và cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên
được người đương thời ở Bình
Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn
ở thành Đồ Bàn người khởi xướng ra Trường thơ Loạn. Trong thời gian ông làm việc
ở Sài gòn, năm 1923, ông cộng tác với tờ báo Công
luận, phụ trách trang thơ. Khi ấy, Mộng Cầm
ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi bài
cho báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau,
ròi ông ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng
mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người. Lầu Ông Hoàng là
chứng nhân của mối tình thơ mộng nhưng tuyệt vọng đó.
Ít lâu sau, ông mắc bệnh
phong - một căn
bệnh nan y thời đó, Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn
vào nhà thương Quy Hòa (20 tháng 9 năm 1940) mang số bệnh
nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11 tháng 11
năm 1940 tại nhà thương này, khi mới
bước sang tuổi 28. Tác phẩm nổi tiếng của Hàn Mặc Tử:
Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Thơ
điên, Xuân như ý…
(8): Trần
Thiện Thanh sinh 12
tháng 6 năm 1942 tại
Phan Thiết, là hậu duệ của nhà nho yêu nước Trần Thiện
Chánh (1822- 1874). Sống tại Phan Thiết đến năm 1958, vào
Sài Gòn lập nghiệp và sớm nổi danh. Bút hiệu ông thường
dùng là Trần Thiện Thanh, nhưng thỉnh thoảng ông cũng ký
tên Anh Chương (tên con trai ông) là một nhạc sĩ chuyên
viết về nhạc
trữ tình. Ông còn
là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường.
Trần Thiện Thanh – Nhật Trường là một trong những nhạc
sĩ và ca sĩ nổi tiếng nhất ở miền Nam giai đoạn trước
1975. Ông mất vào ngày 13
tháng 5 năm 2005
tại nhà riêng ở thành phố Quận
Cam, California, Hoa
Kì vì bệnh ung thư.
(9): xem chú
thích (4) trên đây.
(10): Bích
Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24.3.1916
(tức ngày 21.2. năm Bính Thìn), tại quê ngoại ở
xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện
Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông lớn lên và sống chủ
yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa
Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bích Khê xuất thân
từ một gia đình Nho học có truyền thống đấu tranh yêu
nước cách mạng. Ông học bậc trung học ở trường dòng
Pellerin tại Huế. Năm 1933, ông vào Phan Thiết sống với
gia đình người anh trưởng. Năm 1934, Bích Khê cùng một
người bạn (người Phan Thiết) mở trường tư thục Hồng
Đức. Năm 1935, ông bỏ trường về quê. Năm 1938, ông trở
lại Phan Thiết dạy học tại trường tư thục Quảng Thuận
(do ông Nguyễn Quý Hương mở). Năm 1939, trường bị Pháp
đóng cửa (vì có liên quan đến cộng sản), ông về lại
Quảng Ngãi. Thời gian này ông bị trở bệnh lao phổi đã
mắc trước đó, đến năm 1942 thì bệnh rất nặng, kéo
dài đến ngày 17/01/1946, ông qua đời ở tuổi 30. Những
tác phẩm chủ yếu của Bích Khê: Tình huyết, Tinh hoa,
Đẹp, Nấy dòng thơ cũ…
(11): Hữu
Thỉnh: sinh năm 1942, nhà thơ. Hiện là chủ
tịch Hội nhà văn Việt Nam. Tác phẩm có tiếng
vang của ông: Đường tới thành phố, Trường ca
biển, Thương lượng với thời gian…
(12): Đó
là bài thơ “Tĩnh Dạ Tư”
của Lý Bạch, nhà thơ danh tiếng Đời Đường, được
người đời sau xưng tụng là thi tiên. Dịch nghĩa: Đầu
giường ánh trăng soi sáng/ Ngỡ là sương rơi mặt
đất/ Ngẩng đầu lên nhìn trăng sáng/Cúi
đầu nhớ quê xưa.
(13): Nhà
thơ Trần Vấn Lệ, sinh ngày 31-05-1942 tại Phan Thiết,
tỉnh Bình Thuận, trưởng thành và dạy học tại Đà
Lạt, hiện sống tại Hoa Kì. Ông đã cho in trên 10 tập
thơ ở nước ngoài.