Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









HUYỆT CÁT






       

LỜI GIỚI THIỆU

Khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này, giữa lúc giàn khoan HD 981 đang tiến vào biển Đông. Nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài không phân biệt giai cấp, tôn giáo, quốc tịch, xếp lại mâu thuẫn nội bộ, hận thù cá nhân… sôi sục khí thế tất cả hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông thân yêu. Làm tôi nhớ đến lời hịch ngày nào của Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.

Sau này Bác đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, thời gian đủ để chúng ta hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại. Thời gian đủ để chúng ta hòa hợp dân tộc cùng nhau đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và phát triển. Và chỉ có như vậy mới động viên được toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết để giành thắng lợi trong chặng đường mới bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Chúng ta hãy thoát khỏi suy nghĩ hận thù thiển cận, như người đàn bà- nhân vật Hằng trong tiểu thuyết suy nghĩ: “Nếu trong con người mình chỉ có dòng máu Việt thì viên đạn nào do ai bắn ra cũng đều là viên đạn của chiến tranh cả, cũng giết chết hai ông chồng của bà, bà vẫn góa bụa, hai đứa con vẫn hai lần mồ côi. Nghĩ thế thấy con người mình nó ở cái tầm cao hơn, đại lượng hơn. Đừng có nghĩ rằng viên đạn này do con người này, ở giai tầng kia bắn ra thì thế này thế khác làm cho cái tầm của mình nó thấp đi, hèn mọn. Suy cho cùng dân tộc Việt mình là quan trọng hơn cả, lớn hơn hết. Không có gì hơn máu đỏ da vàng. Trong gia đình cũng thế, có những lúc anh em, vợ chồng lục đục ấy là do bên ngoài nó thúc vào”.

Cuốn tiểu thuyết này tôi còn miêu tả trung thực khách quan, công bằng một số trận chiến vì Hoàng Sa, Trường Sa của những người lính của các Triều đại Việt Nam cho đến ngày nay, mục đích minh chứng phần nào lời Hồ Chủ Tịch, đồng thời khẳng định, khi kẻ thù xâm lược động đến tấc đất biên cương của Tổ quốc, đến chủ quyền biển đảo, đến lòng tự tôn dân tộc thì những người lính máu đỏ da vàng Việt Nam ( dù ở chế độ nào, giai tầng nào) đều cầm súng chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

Chính vì những lý do trên tôi đã viết cuốn tiểu thuyết này, với quan điểm lập trường dân tộc. Trên tinh thần nói thẳng, nói thật, ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh chiến đấu vì độc lập tự do, phê phán kẻ hèn nhát, lầm đường lạc lối biến mình thành giặc nội xâm, chối bỏ nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.

Để tải được những nội dung trên tôi đã dùng hình thức, thể loại tiểu thuyết siêu thực để thể hiện.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



CHƯƠNG I


C hiều cuối đông năm 2012.

Những mảng mây bồng bềnh, lang bang kéo sập bầu trời âm u.Một đụn mây màu xám hình trái núi, nham nhở, khổng lồ đang lừ đừ tiến về phía tây phương. Ở đó, phía chân trời xa nối với cánh đồng, hắt lên một quầng mờ mờ như sương khói. Rạch một vệt màu xám nâu về gần làng Hồi, dòng sông Cái quanh co lặng im như một vết sước của trái đất đang ri rỉ máu. Hàng dương hai bên bờ lặng phắc như những hàng tiêu binh đứng mặc niệm giữa trời. Ở giữa dòng sông bỗng có xoáy nước tròn lung linh lan toả. Tâm vòng lan toả một con vịt cốc lẻ loi, ngẩn ngơ như chiếc thuyền không lái tròng chành vô định.Trời xa xa, nước mênh mang toả ra một màu lung linh huyền bí.

Bà Hằng ngồi thẫn thờ trước không gian thênh thang, vô định. Tâm trạng của bà đang trĩu buồn u ám. Chiều nay, cách đây gần bốn mươi năm, cũng khoảng sân này, cũng bờ dậu kia và cây núc nác già nua xù xì làm chứng. Ông Phả tay xách chiếc va ly, trong bộ quân phục lính hải quân Việt Nam Cộng hoà, ôm đứa con trai vào lòng để từ biệt vợ con ra Đà Nẵng xuống tàu nhận nhiệm vụ. Lúc đó bà cảm nhận rất rõ nỗi đau của trái tim người chồng khi phải rứt hai đứa con thơ dại để đi vào nơi mà người ta thường nói “ sống trước mặt, chết sau lưng”.Con Đào nhoai khỏi lòng mẹ xoè hai bàn tay nhỏ tíu như chiếc lá con con về phía cha khóc ngặt nghẽo đòi theo. Ông Phả nhìn con, rồi quay đi, chớp mắt làm cho giọt nước tan trong đáy. Tiếng khóc của nó vút lên như lưỡi kéo cắt tan nát cõi lòng. Bà Hằng ngồi sụm xuống ôm hai mái đầu non vào ngực… Thế là một nửa cơ thể của bà đã bay đi vào cõi hư vô. Một mình bà trơ trọi như cây núc nác trụi lẳng cô thân này. Nơi ấy, cây núc nác đã chứng kiến bao nhiêu buồn vui của gia đình bà. Bây giờ nỗi buồn và niềm vui cùng với chồng bà đã chôn xuống lòng biển.Cứ nghĩ đến thi thể của người chồng vùi nơi góc bể chân trời rồi thối rữa, tan trong biển nước đại dương là lòng bà lại đóng băng tê dại. Lúc này bà muốn vắt kiệt thân thể ra thành những giọt nước để thương xót cho chồng mà không thể làm gì được. Đau đớn tột cùng, buồn tủi cũng tột cùng mà phải nuốt vào như nuốt thuốc đắng.

Bà vẫn ngồi thẫn thờ, đôi mắt vô hồn nhìn ra đầu ngõ. Đầu ngõ, cái nơi níu giữ hình ảnh cuối cùng của người thân thương nhất của đời bà. Cái nơi có một cây núc nác- cái cây duy nhất chứng kiến sự chia ly, lòng lưu luyến. Lâu dần nó trở thành chứng tích, trở thành một sinh thể cảm nhân. Chính vì thế mà dù người ta đòi mở con đường rộng hơn, bà vẫn không đồng ý. Con đường rộng ra, đi lại thuận tiện, thì cũng đồng thời cái vật chứng nhân- cây núc nác bị bứng đi. Không thể, vì nó chính là bà, là chồng bà, là một thời mà bà, quê hương bà, dân tộc bà không thể nào lấp vùi đi được. Bây giờ nó đã trở thành máu, thành thịt, thành xương, thành hồn cốt, cuộc đời bà rồi.

Bà hồi tưởng lại, cách đây gần một năm, khi bà còn sinh sống ở một làng quê miền Bắc. Cái làng quê đã giúp bà thay hình đổi dạng, giúp hai đứa con bà thành đạt như ngày nay. Cũng chiều đông ấy, bà ngồi đó, ngồi như pho đá sống trơ trọi mà ôn lại quãng đời. Bỗng đâu, trước mắt bà ông Phả hiện ra trong bộ quân phục hải quân Việt Nam Cộng hoà, tay xách chiếc va ly, khuôn mặt buồn rười rượi nhìn bà. Mình ơi!Nhưng làn hơi kịp ém lại trong lồng ngực. Ông chết rồi, rất lâu rồi! Còn đâu nữa mà gọi, mà thưa.Nhưng kìa, ông Phả bằng xương, bằng thịt trai tráng như ngày nào, đang đứng kia. Rõ ràng ông đứng kia. Ông định nói với bà điều gì, môi ông mấp máy, nhưng bà không nghe được. Mình ơi! Bà chới với cánh tay theo ông, nhưng thân bà như hoá đá chôn cứng nơi góc thềm. Đúng ông rồi! Ông thật rồi! Người mà bà yêu thương nhất trên đời kia rồi. Người mà bà đã giận hờn vì bỏ bà, rũ trách nhiệm nuôi dạy con cái để ra đi mãi mãi, đang đứng kia. Ông về làm gì? Ông tệ lắm! Ông bỏ mẹ con tôi một mình với lốc xoáy, nắng quay! Ông vứt lại mình tôi nhiệm vụ hết sức nặng nề rồi đi. Ông về làm gì?

Nghĩ thế, nhưng những giọt nước chiết từ trong tâm can bà lại xựa ra nơi sống mũi. Bà bươn hai cánh tay về phía ông. Ông lặng im, tưới thêm nước vào đôi mắt, rồi vút vào trời xa.

Bà Hằng như tỉnh cơn mơ, định thần lại. Rõ ràng bà vừa nhìn thấy ông về.Ông về thật!Hay là trong lúc bà nhớ thương ông quá, rồi trong não bộ mơ thấy ông? Không phải. Bà vẫn bình thường đây mà. Bà vẫn nhìn rõ con kiến đang bò vào bàn chân bà cắn, ra sức cắn. Và bà thấy đau nơi mu bàn chân, nên xiết nó một cái…Rõ ràng bà tỉnh, lại giữa ban ngày. Trên cây xoan góc vườn, một con chào mào đang bật đuôi hót chói chỏng. Một trái xoan buông đời thác xuống bụp vào tàu lá dong làm tàu lá nẩy lên như người bị đánh. Vậy là… ông về…linh hồn ông về… lâu nay mọi người vẫn nói có người âm thật.

Bà đứng dậy, quay vào trong nhà, thật thững đến bàn thờ. Nơi đó, bên bát nhang thờ ông Hải- người chồng thứ hai của bà, bà đặt tấm hình người chồng này mặc quân phục Hải quân Nhân dân Việt Nam, đầu đội chiếc mũ kê pi, trên đính ngôi sao sáng chói, đôi quân hàm màu xanh thẫm đậu hai ve áo. Bà rọi ánh nhìn vào tấm hình ông. Vẫn đôi mắt hiền hậu bao dung, chứa chất đầy tình cảm nhìn bà. Bà lấy ba nén nhang thắp lên. Khói nhang như những sợi tơ trời nối âm dương lại gần. Bà chắp tay khấn…Bà khấn cả hai người chồng đều đã khuất. Một người là lính Hải quân Việt Nam Cộng hoà, đã mất xác tại hòn đảo Hoàng Sa, chỉ để lại cho bà hai hòn máu. Một người là lính Hải quân Nhân dân Việt Nam, một lần chết hụt trên đoàn tàu không số, và bây giờ ông cũng đã về cõi vĩnh hằng.Bà khấn mãi mà không thấy ai hiện về. Bà lủi thủi ra thềm ngóng đợi.

Buổi chiều hôm sau, cũng giờ đó, bà Hằng lại ra ngồi nơi đầu thềm như con bói cá.Một con bướm vàng từ đâu liệng vào sân, nó chấp chới vài vòng rồi đậu vào thân cây duối đầu ngõ. Bà Hằng nghĩ, hay là ông Phả về?Người ta vẫn bảo linh hồn người chết hay hoá thành con bướm hay con vật gì đó để nói với người trần điều mình muốn. Nghĩ thế nên bà cứ rọi ánh nhìn vào con bướm, như để soi xem có hình thể, hay vong hồn của chồng?Không có gì… Tất cả vẫn diễn ra như vốn có.

Trên cây xoan cuối vườn, con chào mào lại đến. Nó đang hót, những tiếng hót chói chỏng cùng với những cái bật đuôi rất nghịch ngợm. Không, tất cả đều rất bình thường của một ngày bình thường.

Ấy rồi, chỉ qua một vệt nắng, trước mắt bà Hằng là ông Phả- người chồng thứ nhất của bà trong bộ quân phục lính Hải quân Việt Nam Cộng hoà, tay xách chiếc va li hiện ra nơi con bướm vừa đậu. Miệng ông mấp máy như đang nói điều gì mà bà không thể tiếp nhận được. Tất cả diễn ra như chiều qua, chỉ khác bà nhận thấy sự khẩn thiết, âu lo tỏa ra từ đôi mắt của ông. Có lẽ ông muốn báo cho bà điều gì hệ trọng nhưng không thể truyền thông cho bà được.

Khi ông Phả thăng vào cõi âm, bà Hằng ra nơi ông vừa hiển hiện, chắp tay khấn. Khấn rằng, ông sống khôn chết thiêng hãy báo cho bà cái việc gì quan trọng mà ông biết. Nếu không thể nói được bằng lời của người sống, thì ông hãy truyền thông qua những giấc mơ, hay cách gì đó mà người âm vẫn làm.Ông và tôi cùng chung nhau những đứa con, muốn nó khoẻ mạnh, nên người và đó là nhiệm vụ tối thượng của chúng ta. Dù ông không còn nữa, nhưng mục tiêu ấy ông vẫn phải có trách nhiệm, nếu có linh hồn thật.

Mấy hôm sau, vào một đêm ngày mồng một đầu tháng âm lịch. Nửa đêm bỗng dưng bà Hằng thảng thốt tỉnh dậy, như thể có người lay vào trái tim. Bà nhìn lên ban thờ, trong ánh điện màu hồng, người chồng thứ hai- ông Hải ngồi lừng lững trên đó, nửa thực, nửa hư.Trời! Bà ôm ngực hốt hoảng…cả gian nhà trống vắng và tràn ngập màu đỏ tâm linh làm cho bà Hằng như người lạc cõi âm cung.

Bà Hằng chỉ vội ngồi dậy rồi phục lạy tại giường. Chưa được hai lạy, thì từ trên bàn thờ tiếng ông Hải vọng xuống như gió thoảng: “ Bà hãy ra với anh ấy đi!”. Thế rồi ông lại biến mất.

Bà bần thần trước ban thờ. Mấy nén nhang bình thản nhả những sợi khói trắng ngoằn ngoèo lên trần nhà. Trên ban thờ này, bà không thể đặt bát nhang người chồng thứ nhất của bà được. Đây là nơi thờ vong linh gia tộc họ hàng ông Hải… Có lẽ vì thế mà vong linh ông Phả không vào được nhà chăng? Bà lẩn thẩn mở cánh cửa bước ra thềm. Một cơn gió lạnh thoảng qua, đôi vai bà so lại. Bà định quay vào nhà lấy tấm áo khoác, thì bóng ông Phả hiện ra. Ông chỉ nói một câu: “Hoạ! Hoạ rồi mình ơi”! rồi lại biến vào trời khuya.

Nửa đêm còn lại, đôi mắt bà Hằng trơ khốc.Con tim bà như thắt lại. Bà nghĩ, cái thân bà thì cũng chả có gì đáng bàn, như cái cây đã bám vào lòng đất gần 60 năm giời, hút nhựa của đất, đón sáng của trời…sướng khổ buồn vui có cả. Nếu có hoạ thì cùng lắm là chết người. Mà chết thì đã sao?Kể ra sống thêm mươi mười lăm năm nữa để hưởng hạnh phúc cùng con cháu cũng là tốt. Nhưng nếu giời có bắt đi theo ông ấy thì cũng chả có gì phải nuối tiếc lắm. Tài sản quí nhất của bà là hai đứa con một trai, một gái cùng những đứa cháu nội, cháu ngoại…chúng nó đều đã trưởng thành, nên người. Ừ, điều đáng sợ nhất là chúng nó có làm sao thì đúng là hoạ thật. Nghĩ thế nên bà càng lo lắng.

Bà Hằng lục trong tâm trí xem các con, các cháu bà thời gian rồi có gì khác thường không? Con trai bà Vũ Ngọc Bộ vừa được bổ nhiệm Thứ trưởng của một Bộ quan trọng. Con gái Vũ Thị Anh Đào cũng được bổ nhiệm làm Giám đốc một dự án. Các cháu bà vẫn ăn học bình thường… Điều khác thường?...Cũng không phải… Điều mới mẻ… là điều khác thường? Có chăng chỉ thằng Bộ, con Đào nhà bà mới được thăng chức.Thăng chức là hoạ à?Thế hệ bà thăng chức là điều lành. Các quyết định bổ nhiệm bao giờ người ta chả ghi dòng chữ: Căn cứ vào tài đức của…Như thế thì các con bà phải có tài, có đức mới được đề bạt. Đã có tài, lại có đức thì sao gọi là hoạ được?

Làm cha, làm mẹ dù cho già cả, đến sắp mò mẫm chui vào quan tài, cái điều tối thượng, cái điều quan trọng nhất vẫn chỉ là con cái, những đứa con như từng khúc ruột chia ra. Vì thế mà suốt từ đêm mồng một sau cái đêm ông Phả hiện hình nói câu: Hoạ! Hoạ rồi mình ơi!bà Hằng lo nghĩ đến héo phổi, quắt gan. Nếu bà có thể chết mà giải được hoạ cho chúng, bà sẽ làm ngay. Nhưng vì sao mà gặp hoạ?Gặp hoạ có giải được không? Ông phải nói chứ.

Đôi mắt bà Hằng trơ khốc. Bà không muốn ngủ. Bà không ngủ được. Bà nằm chờ ông về. Không hiểu sao hai đêm nay bà thắp nhang khấn ông về để nói rõ cho bà cái hoạ cụ thể ra làm sao? Nhưng cháy hết mấy tuần nhang cũng chả thấy bóng dáng ông đâu. Đêm mùa thu vừa nóng, vừa lạnh. Bà đắp chăn vào thì nóng, mà bỏ chăn ra thì lạnh. Bà đành đặt chiếc chăn ngang bụng, nằm ngửa mặt lên đình màn chờ cái điều hoạ xảy ra.Bà mở cửa sổ cho thoáng.

Nửa đêm thì ông Hải hiện về. Ông phảng phất trên ban thờ. Nhìn thấy ông bà Hằng bật dậy định hỏi ông điều hoạ mà ông Phả nói, nhưng không hiểu sao bà lại bật khóc nức nở, oán trách ông Hải đột ngột bỏ ba mẹ con bà mà đi không một lời trăng trối. Nhiều điều bà chưa kịp hỏi mà ông đã vội vã mang đi. Nay được gặp lại ông bà phải hỏi cho hết:

- Sự chết là như thế nào mà ông đi dễ thế?Tôi ở trường hớt hải về đến nhà đã thấy mọi người xúm quanh ông. Chạy vào thì đã thấy ông hôn mê chả dặn vợ con được gì.

Ông Hải lúc ẩn, lúc hiện trong căn nhà, đủng đỉnh kể về cái ngày chết của ông cho bà nghe. Tiếng ông trầm bổng, lúc được lúc mất:

Hôm chết, tôi thấy mọi người đứng xung quanh giường nói chuyện đông lắm. Tôi nghe được âm thanh, mà không thể nghe ra một lời nào. Lúc đó nhĩ thức của tôi đã ngưng hoạt động. Tôi cũng nhìn thấy bà trước mặt với hình dạng lờ mờ, không rõ chi tiết.Tôi biết thế là nhãn thức đã suy, các giác quan không còn cảm nhận được một cách trọn vẹn mà y học gọi là giai đoạn đầu tiên của tiến trình tan rã.

Tiếp theo đó tôi cảm thấy như mình đang ngã, rồi bị nhận chìm xuống đất, có một sức nặng ghê gớm đè bẹp và nghiền nát tôi. Lúc này màu da tôi bắt đầu tái xanh, má hóp lại, những vết đen xuất hiện trên răng, càng lúc tôi càng thấy khó mở mắt và nhắm mắt. Khi đó sắc uẩn phân tán, tôi bất động, tâm thần dao động, miệng nói nhảm, và đi vào trạng thái hôn trầm.

 Tôi bắt đầu mất khả năng kiểm soát chất lỏng cơ thể. Mũi, mắt và miệng bắt đầu chảy nước. Lưỡi không còn di động, môi tái lại và thụt vào. Tôi run rẩy, co giật và có cảm giác rất khát nước. Mùi tử khí bắt đầu tỏa ra chung quanh, bà có ngửi thấy không? Lúc này tôi thấy thân thể lúc nóng, lúc lạnh, tâm trí khi khổ khi vui. Tâm thức tôi trở nên mờ mịt, bất mãn, bực tức, nóng nảy và sau đó cảm thấy như bị dìm trong đại dương.

Sau đó tôi thấy miệng và mũi hoàn toàn khô cạn. Tất cả hơi ấm trong cơ thể bắt đầu mất dần, từ dưới chân lạnh ngược lên đến tim. Nếu lúc đó bà để ý có một luồng khói mỏng thoát ra từ đỉnh đầu tôi. Hơi thở trở nên lạnh khi qua miệng và mũi. Tâm trí bắt đầu lộn xộn : không thể nhớ được tên bà con, bè bạn hay nhận ra họ. Tôi càng lúc càng khó nhận ra những gì ở bên ngoài, vì âm thanh và hình ảnh luôn trộn lẫn, tôi như thể bị nuốt chửng trong một ngọn lửa lớn, ở giữa một cái hỏa lò hừng hực.

Càng lúc tôi càng khó thở. Không khí dường như thoát ra ngõ yết hầu chứ không phải ở mũi. Hơi thở vào càng lúc càng ngắn, khó nhọc, hơi thở ra càng lúc càng dài, người ta gọi là thở hắt ra. Tôi nằm bất động với đôi mắt trợn trừng lên. Tâm trở nên hoang dã, không biết gì về thế giới bên ngoài nữa. Mọi sự như một khối mờ mịt. Cảm giác liên lạc cuối cùng của tôi với tình trạng xác thân đang tan mất. Tự nhiên tôi thấy cảnh tượng ba đứa con của tôi bị giặc cho xuống giếng rồi xả súng bắn và đổ vôi lên; Cảnh thằng Bộ con Đào tha phương cầu thực, cảnh bà bị chúng hiếp và ném xuống biển...Rồi tôi cảm thấy máu cơ thể tụ lại đi vào trong nằm chính giữa tim bằng ba khối máu gây nên ba hơi thở ra cuối cùng và chấm dứt. Chỉ một chút hơi ấm còn lại trong tim tôi. Lúc đó mọi người bảo tôi đã chết.

Cái chết của tôi là như vậy. Thực ra tiến trình sự chết của tôi ngược lại với tiến trình thụ thai mà thôi.

Nói xong ông Hải biến mất.

Ở ngoài trời xa lắc xa lơ kia, những ngôi sao xanh li ti nhấp nháy như những tín hiệu của thế giới mù xa.Vũ trụ bao la chứa đựng bao điều bí ẩn vì nó quá tầm trí hiểu của bà. Không biết linh hồn hai người chồng của bà đang phiêu bạt nơi đâu ở cái không gian mênh mông này. Các ông biết những điều gì về tương lai mấy đứa con của chúng ta thì các ông hiện về báo cho tôi biết. Các ông cứ lảng bảng lúc ẩn lúc hiện thật khó cho tôi quá. Bỗng đâu một làn gió lạ từ phía những ngôi sao li ti thoảng về, vừa lạnh vừa hư không. Rồi như có một luồng điện nóng chạy khắp cơ thể bà Hằng, đánh nhoằng. Ông Phả trong bộ quân phục lính hải quân Việt Nam Cộng hoà, nhưng không xách va li như những lần trước. Ông hiện lên, ngoài cửa sổ.

Bà Hằng ngồi bật dậy, buột miệng:

- Mình ơi!

Tiếng gọi thân thương như cái thời hai người còn trẻ. Cái thời bà một tay ôm đứa con gái hai tuổi, một tay dắt đứa con trai 5 tuổi tiễn đưa ông ra Đà Nẵng xuống tàu.Cái thời mà họ gọi nhau bằng mình xưng em và anh.

Ông Phả giơ một tay ra hiệu ngăn bà lại không cho áp lại gần. Sao thế nhỉ? Hay là người âm phải cách biệt với người dương? Bà hỏi:

- Sao mình bỏ mẹ con em mà đi?

Ông Phả không nói gì, chỉ đứng khóc. Bà Hằng không nghe thấy tiếng khóc của ông, nhưng trên khoé mắt ông đã có những giọt nước long lanh như hạt thuỷ tinh. Lạ thế, nước mắt người âm không bình thường như của người dương thế. Bà Hằng lại hỏi:

- Mình nói đi chứ? Sao mình cứ đứng khóc như thế thì em biết làm sao? Ông Phả ngừng khóc, tiếng nói của ông rất nhỏ và yếu ớt, nghe như làn gió thoảng:

- Hoạ to rồi mình ạ.

Bà Hằng:

- Mình nói hoạ là hoạ cái chi? Liệu có giải được cái hoạ đó không? Nói cho em biết đi chứ.

Vẫn cái giọng như làn gió thoảng của ông Phả:

- Chúng nó vừa được đề bạt là hoạ đấy mình ạ.

Bà Hằng hốt hoảng:

- Vậy phải làm thế nào hả mình?

- Phải ngăn lại thôi mình à.

- Ông vào nhà nói chuyện đi.

Ông giơ một bàn tay ngăn như không thể và nói lí nhí:

- Tôi chỉ có thể vào được ngôi nhà xưa của gia đình mình ở Nha Trang. Nhưng người ta lấy mất rồi.

Bà vội hỏi:

- Vậy bây giờ phải làm thế nào ông?

- Bà vào đòi lại nhà đi… tôi sẽ giúp…

Lại như một cơn gió thoảng, ông Phả biến đi rất nhanh, để lại một không gian lạnh buốt trùm lên bà Hằng trơ trọi. Yên lặng quá. Cô độc quá. Và cũng rùng rợn quá.

Bà Hằng run lẩy bẩy đứng dậy, đến ban thờ thắp ba nén nhang quì lạy trước vong linh ông Hải. Bà cầu xin ông Phả cùng ông Hải cứu lấy những giọt máu của họ.Chúng nó là máu, là thịt, là khúc ruột của ông ấy và tôi; là tình yêu của tất cả chúng ta và là thứ tài sản còn lại vô giá của mình. Mình có thể thế này thế khác, thậm chí có thể chết như ông đã chết, nhưng nhất định chúng nó phải được toàn mỹ như mong ước của chúng mình.

Bà Hằng cầu xin bằng một giọng khẩn thiết, van nài, bằng cả tâm can của mình. Bà tin rằng linh hồn ông Phả, ông Hải có khả năng to lớn, một khả năng như thần, như thánh để có thể giúp bà làm được những việc bà cầu ước.

Nhưng bà có biết đâu, người còn sống sờ sờ ra đấy cũng chả làm được điều mình ước, huống chi người đã chết. Người chết chỉ hơn người sống một điều là có thể biết trước được sự việc của người sống sắp xảy ra mà thôi.

Thế rồi như được ai sắp đặt, chỉ trong một thời gian ngắn, bà bàn giao ngôi nhà từ đường cho dòng họ ông Hải, trở vào Nha Trang, xin lại được ngôi nhà xưa, trước năm 1975. Mặc cho hai đứa con bà phản đối. Bà biết, chúng nó sợ lai lịch, gốc tích của chúng bị bại lộ làm ảnh hưởng đến sự nghiệp, công danh của chúng.


***

Mùa thu ở Hà Nội không được mọi người đón nhận nồng nhiệt như ở những nơi khác. Họ lặng lẽ chịu đựng và chấp nhận. Nếu có ai đó lỡ khen một câu thì họ im lặng, không tỏ thái độ gì. Bởi cái điều người ta sợ nhất, khốn khổ nhất đó là môi trường. Môi trường ở Hà Nội, hơn bất cứ nơi nào trong nước nó đã bị ô nhiễm đến cùng cực. Con người sống ở cái nơi bị ô nhiễm khác gì sống trong một cái lò bát quái. Suốt ngày vật lộn với bụi, với tiếng ồn.Mọi người ra đường như vào hầm lò, chằng chịt, che chắn trông như người ngoài hành tinh mới đổ bộ xuống trái đất. Mùa thu ở Hà Nội mật độ bụi giống như mỏ than lộ thiên đang khai thác, chỉ khác là bụi than thì màu đen, còn bụi Hà Nội thì màu nâu của đất.

Khoảng 9 giờ tối, chiếc Camry màu đen bóng nhẫy sịch ở cổng ngôi biệt thự.Cánh cổng từ từ tách ra làm hai. Người lái xe mở cửa xe bước ra với tác phong mẫn cán, nhanh nhẹn mở cửa chính rồi lui một bước cúi xuống chờ chủ của mình từ trong xe bước ra. Anh ta đón chiếc ca- tap từ tay ông chủ, rồi đóng cửa xe, lùi tiếp một bước chờ cho ông chủ bước đi, mới lặng lẽ bước theo, đến cổng ngôi biệt thự, có một người phụ nữ trung tuổi ló ra cúi đầu trước ông chủ, rồi đưa tay đón lấy chiếc ca-tap người lái xe trao. Cánh cổng lại từ từ khép lại. Hai người lặn vào trong ngôi biệt thự. Người lái xe lặn vào trong xe. Chiếc Camry lặng lẽ lượn ra đường phố.Mọi động tác như đã được lập trình.

Bộ bước vào căn phòng sang trọng của hai vợ chồng trong tâm trạng lâng lâng của men rượu và sự mãn sướng của thành đạt. Đang muốn truyền cảm xúc cho vợ thì một cảm giác hụt hẫng ào đến. Căn phòng trống không, mặc dù điện bật sáng. Chiếc điều hoà nhiệt độ phì phì nhả ra một luồng khí trong lành khiến cho sự trống vắng của căn phòng càng thêm cô quạnh.

Bộ đang muốn hỏi người đàn bà giúp việc, thì Liễu trong bộ váy ngủ mỏng tang, phớt hồng từ trong phòng mát sa bước ra. Đôi môi mọng đỏ hơi nhếch lên đầy khêu gợi. Bộ chưa kịp phát ra tín hiệu của sự sung mãn thì Liễu đã áp khuôn ngực nóng rẫy vào vai chồng. Cô cởi chiếc áo khoác cho chồng treo vào chiếc mắc, rồi lại bật nốt chiếc dây lưng, đẩy chồng ngồi xuống chiếc giường đệm tút chiếc quần dài ra, cùng với đôi giày bóng lộn. Liễu đứng trước mặt chồng, nghiêng người đưa một tay rất kiểu cách:

- Xin mời tân Thứ trưởng vào phòng tắm trước khi nhập phòng.

Bộ mỉm cười, nháy cặp mắt nói với vợ:

- Ai nói mà em biết?

Liễu ngồi xuống ôm lấy cổ chồng õng ẹo:

- Thủ tướng giao quyết định cho anh chiều nay à?

Bộ ôm lấy eo vợ:

- Ừ…Nhưng ngày mai mới công bố trước cuộc họp Chính phủ thường kỳ và báo giới.

Liễu ghì lấy cổ chồng hôn đánh chụt vào má:

- Anh ăn rồi phải không? Ừ, vậy thì tắm đi, rồi…đi ngủ sớm…-Liễu liếc chồng cười tủm- Tối nay xem cái của Thứ trưởng khác với Vụ trưởng thế nào.

- Tối nay em không đi bộ à?

- Kinh lắm anh ơi! Bước ra đường cứ như bước vào công trường than vậy. Bụi kinh khủng. Em mát sa trong phòng cho an lành.

Bộ vào phòng xông hơi, còn Liễu trải mình lên chiếc giường đệm cứng, nằm hơi nghiêng, một chân chống, một chân duỗi, hé cặp đùi thon mịn màng qua khe hở của chiếc váy mỏng. Màu hồng của ánh điện nhuốm không gian của căn phòng thành màu của lơi lả và khêu gợi, tiện tay Liễu với chiếc điều khiển bật ti vi. Trên màn hình một quí bà Tôn nữ sang trọng quí phái đang thuyết trình về lý thuyết bình đẳng nam nữ. Theo bà phụ nữ làm được tất cả việc của đàn ông và nên làm các việc đó. Nghe lộn ruột, Liễu tắt phụt chiếc ti vi, lật úp người, buông một câu:

- Vậy thì đẻ quách toàn đàn ông, sinh ra đàn bà làm đéo gì…

Lúc đó Bộ đã bước ra, thấy vợ làu bàu thì hỏi một câu lấy lệ:

- Gì đấy em?

Liễu cong cặp mông lên dập nhẹ xuống đệm thay cho câu trả lời. Hiểu ý vợ, Bộ sà xuống giường đặt bàn tay lên cặp mông cong xoa nhẹ một cái. Hình như cái cơ ở bộ phận sinh nở của Liễu nún lên kéo theo cặp mông cũng nhún xuống một nhịp tương ứng.

Liễu lật mình nằm ngửa, cặp anh đào của cô nở tưng trước mắt Bộ. Đôi núm màu nâu mờ mờ sau làn áo mỏng nó giỏng lên khiêu khích. Một tay Liễu đặt vào chỗ quen thuộc, miệng hỏi:

- May mắn thì khoá này vào được Uỷ viên Trung ương anh nhỉ?

- Cũng khó đấy…

Nhổm người lên, Liễu hỏi:

- Sao lại khó?

- Mình phải trả nợ các chiến hữu đã hùn vốn cho mình chạy cái chức Thứ trưởng cũng cạn kiệt chắc còn gì mà vào Trung ương.

Liễu rọi vào mắt chồng:

- Ơ hay! Họ hùn vốn bằng tiền, nhưng có phải họ đòi lại tiền đâu mà anh phải lo. Anh trả họ bằng chức tước. Chức tước là tiền chứ còn gì.Vả lại em nghĩ… để vào được Trung ương anh tiếp tục kêu gọi đàn em hùn vốn tiếp, chắc chúng nó sẵn sàng.

Bộ ngửa người ra nhìn bâng quơ lên trần:

- Cả Bộ có hai Thứ trưởng, chắc chỉ một Thứ trưởng vào được Trung ương. Cơ cấu mà.

- Phải chiến đấu chứ mình. Không chiến đấu làm sao chiến thắng được?Một mặt anh kêu gọi đàn em hùn vốn. Mặt khác anh tiếp tục sử dụng băng thằng mặt thớt dùng thủ đoạn triệt hạ đối phương. Cứ như con bài mình làm vừa rồi, em nghĩ chắc thắng, hơn nữa anh cũng thuộc nhóm có lợi ích…À, cái chức Vụ trưởng của anh đã bổ nhiệm ai chưa?

- Chưa. Anh còn đang cân nhắc để giới thiệu.

Liễu phả hơi vào mặt chồng:

- Anh cứ rao bán cho năm bảy đứa. Đứa nào giá cao thì quyết. Đơn giản!Cũng như cái chức Thứ trưởng của anh vừa rồi ấy, lão Bộ trưởng chả rao đến bốn người. Mình không trên cơ thì làm sao thắng?

- Vào Trung ương được thì quá tốt, nhưng vốn lớn lắm em ơi!

- Vốn lớn thì lãi lớn. Một khoá Trung ương sống cả đời ấy chứ…Cố lên anh. Mình leo cây đến ngày hái quả rồi.

Liễu ôm lấy chồng ghì vào lòng như ghì một đống tài sản quí giá, ấp khuôn mặt vào ngực chồng hà hít. Chưa bao giờ Liễu cảm thấy yêu chồng như bây giờ.Liễu nghĩ đến cái ngày cô quyết nhận lời cầu hôn của Bộ quả thật chính xác. Lúc đó có đến ba chàng quì dưới chân cô. Trong ba chàng có lẽ cân lên Bộ là người nhẹ cân nhất. Nhưng Liễu đã phát hiện ra ở Bộ có một tiềm năng về trí tuệ. Đó là một kiểu trí tuệ hợp với thời. Người ta nói hợp thời hợp thế… quả không sai. Có trí tuệ nhưng không hợp thời thì cũng không thể phát huy được.

Hồi đó khi quyết định cưới Bộ, gia đình Liễu phản đối quyết liệt. Cái lý do mà gia đình đưa ra gồm ba điểm yếu cốt tử: Thứ nhất nhà nghèo, Bộ quá nghèo. Thứ hai con liệt sỹ, nghĩa là Bộ không có bố. Không có bố giống như con chim thiếu mất chiếc cánh, bay sao được. Thứ ba, mẹ Bộ lại là nhà giáo. Nhà giáo sẽ dạy con theo kiểu của một nền giáo dục “Yêu Tổ quốc/ Yêu đồng bào”.Nó đã yêu như thế, thì thực ra nó chẳng biết yêu cái gì.

Nhưng Liễu lại phát hiện ra ở Bộ hoàn toàn khác với mọi người đã tưởng. Nếu như con liệt sỹ thì anh ta phải căm thù kẻ thù, phải phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, thì Bộ lại không. Chỉ một chi tiết đó thôi mà Liễu đã chấm Bộ. Và Liễu đã đúng. Ít nhất đến lúc này Liễu đã đúng.

Cuộc vật lộn của con đực và con cái vừa chấm dứt, còn đang ở tư thế hai nửa gắn chặt làm một, tận hưởng đến vắt kiệt, Liễu đã kiểm nghiệm xem có thực cái cảm giác Thứ trưởng là có thật?Thói quen tìm và thưởng thức cảm giác lạ của Liễu đã biến cô thành một người sành điệu.Vì thế mà những kẻ chơi thân với Liễu đều biết Liễu có biệt danh “ Liễu sành điệu”. Với chồng thì được hiểu cô là một người phụ nữ hiểu biết rất sành điệu. Với bạn gái thì họ hiểu từ ấy là để chỉ Liễu biết ăn chơi. Nhưng với đàn ông thì họ biết rõ từ ấy là để chỉ Liễu biết tìm và thưởng thức cảm giác lạ từ những người khác giới.

Liễu vạt đét vào mông chồng để kết thúc cuộc giao hoan thành công, miệng nói:

- Đúng là Thứ trưởng có khác!.. Quá chất lượng.

Bộ mãn nguyện lật người ra. Sự co rút toàn thân khi trút tinh lực bằng những cú phóng mãnh liệt, cạn kiệt khiến Bộ hoàn toàn thoả mãn. Bao giờ cũng thế, Liễu biết phối hợp hết sức hiệu quả làm tăng khả năng của Bộ đến mức tối đa. Và cuối cùng thì Liễu kết thúc bằng một lời nói làm Bộ hoàn toàn tự hào về khả năng đàn ông của mình, muốn phát huy tốt hơn nữa ở những lần tiếp theo. Đó là người đàn bà làm quá tốt nhiệm vụ đàn bà khi ở trên giường.

Khác với những người đàn bà khác, Liễu cấm chồng không được dậy, không được làm bất cứ việc gì khi đã phóng cạn kiệt tinh lực sang vợ. Liễu bắt chồng phải nằm nguyên trên vợ ít nhất 10 phút, để khí âm về với âm, khí dương hồi về dương. Rồi sau đó mọi công việc vệ sinh đều do Liễu tiến hành. Theo cô, nếu người chồng đứng dậy, đi lại thì rất hại sức khoẻ. Vì vậy, Bộ chỉ việc nằm tận hưởng sự chăm sóc của vợ sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bỗng Liễu quay mặt sang chồng hỏi:

- Má hồi này thế nào ấy anh nhỉ?

Như một luồng điện, xoáy vào nỗi lo âu bấy nay của Bộ. Nhưng rất nhanh, Bộ định thần ngay:

- Ui dào, má có bệnh suyễn ấy mà. Bả vào đấy là để cho bệnh thuyên giảm. Người già cần sức khoẻ để có tuổi thọ… Anh nghĩ thế lại tốt… cho má.


***

Ngay sau khi anh trai Đào được bổ nhiệm Thứ trưởng, cô đã được Bộ trưởng trao quyết định Giám đốc dự án. Đó là một dự án quan trọng. Dự án hoàn thành thì toàn bộ vùng biển có cái tên Vũng Hầu sẽ biến thành một cái resort khổng lồ, ở đó còn có một cái sòng bạc nhất nhì Việt Nam. Những năm gần đây, mỗi một dự án ra đời và hoàn thành, mối lợi lớn nhất thuộc về chủ dự án. Người Hà Nội truyền tai nhau bài vè: “ Nước Việt Nam nhỏ có Thủ Đô lớn. Trong Thủ Đô lớn có những đường phố nhỏ. Trong những đường phố nhỏ, có những biệt thự lớn. Trong biệt thư lớn có cô bồ nhỏ. Bên cạnh cô bồ nhỏ có ông chủ lớn. Trong tay ông chủ lớn có chiếc cặp da nhỏ. Trong chiếc cặp da nhỏ có dự án lớn. Dự án lớn nhưng hiệu quả kinh tế nhỏ. Hiệu quả kinh tế nhỏ nhưng lợi lại rất lớn”.

Đào lái chiếc Ni ssan sunny lao vun vút về phía nam thành phố. Ở đó cô có một chiếc biệt thự nhỏ làm thiên đường cho cô và tình nhân. Tại đây biết bao đứa con của cô và tình nhân không được sinh ra, để bù lại những thông tin từ thiên đình được rò rỉ, rồi những quyết định quan trọng cho cô, cho anh cô cũng được ra đời.

Ngôi biệt thự này có một người đàn bà độc thân trông coi và được trả lương hàng tháng. Khi chiếc Ni ssan sunny lặn vào trong sân, người đàn bà khép cổng sắt lại, bấm chiếc khoá rồi chạy về phòng khách nghe chỉ thị.Cô ta hiểu nhiệm vụ của mình, sau khi mở cổng lần nữa đón người đàn ông kia, thì chuẩn bị một bữa cơm đặc biệt, bữa cơm mà cô hằng mơ ước, nếu như con cô có được số tiền bằng hai bữa cơm này thôi thì nó đã không chết.

Khác với người mẹ của mình, trên lá số của Đào cung quan lộc nằm ở cung ngọ, lại có sao Đào hoa tọa thủ. Sao Đào hoa nằm ở vị trí này có hai ý nghĩa, đường quan lộc của cô rất hoan lộ và hoan lộ chính là nhờ tính chất của ngôi sao này mà nên. Thoạt gặp, người đàn ông nào cũng bị cô hút hồn bởi khuôn mặt rất giống màu hoa đào, cùng với ánh mắt rất lẳng, lúc nào cũng muốn ăn tươi nuốt sống đàn ông, nên khiến họ liên tưởng ngay đến chuyện chăn gối.Năm gần đây, khi sinh đứa con thứ hai bị chết, cô phải cắt bỏ dạ con để cứu mạng. Sau khi thoát nạn, cô thuốc thang tẩm bổ và cơ thể cô hơi đẫy ra, sức hấp dẫn kém đi đôi chút, nhưng bù lại khi hoạt động chăn gối không phải áo phao, áo mưa gì nữa, càng làm cho bạn tình thoải mái.Cho đến lúc này cô cũng đã rút ra bài học, đối với đàn bà có chút nhan sắc, con đường thành đạt nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là nhờ cái đó.

Tại căn phòng sang trọng mang màu sắc dục tính, Đào đã tắm rửa sạch sẽ bằng thứ dầu tắm gợi dục, quấn ngang bụng chiếc khăn bông trắng đang nằm trên giường chờ đợi. Người ấy đặc biệt rất thích sự chờ đợi này. Đó là sự chờ đợi để dâng hiến, để tận hưởng bằng tất cả tâm hồn, trí tuệ, thể xác và tinh thần…một sự dâng hiến và tận hưởng đến cùng kiệt. Ở Đào, không những người ấy thích hình thức xinh đẹp, cách làm tình khéo léo, mà còn đặc biệt ở chỗ, lần nào người ấy cũng phải vất vả như đêm tân hôn mới thâm nhập được vào cung cấm. Có lẽ vùng đất thì không hề nhỏ, nhưng cái huyệt thì chật chội, lại rơi vào nơi không hề úng lụt.

Sau cái nhăn mặt của Đào vì cái huyệt nhỏ, người ấy thường tâm sự lúc đó cảm thấy trái đất đã không còn chiến tranh, không còn phân biệt chủng tộc, không còn khủng bố, tôn giáo, bon chen gì hết… mà chỉ có hai người đàn ông và đàn bà với yên ổn và tình yêu…

Bạn tình của cô bây giờ là một người đàn ông đã trung tuổi. Họ đến với nhau lúc đầu bằng mối tình ảo trên mạng. Đó là một lần tình cờ Đào bắt được chiếc đèn tròn bật sáng lạc vào Yahoo của cô. Lúc đầu vài câu tán tỉnh bâng quơ, rồi sau đó hàng đêm cứ chuẩn bị tắt máy đi ngủ, thì chiếc đèn ấy lại sáng lên. Họ chát để nói với nhau chuyện nọ chuyện kia, rồi dần dần như bị nghiện.Có đêm họ chát đến một hai giờ sáng.Từ chuyện tào lao, chuyện làm ăn, đến chuyện chia sẻ tâm tư, rồi họ tiến đến chuyện chia sẻ nỗi lòng, chia sẻ những bất mãn trong gia đình riêng của họ. Rồi một đêm, trong tâm trạng hứng khởi, họ bật camera để được nhìn thấy nhau. Thời gian đầu họ thèm khát khuôn mặt, rồi dần dần họ thèm đến nửa thân người. Có đêm họ cho nhau xem đến cả những nơi thầm kín. Sau này họ ít khi lên mạng nữa mà thường dùng điện thoại nhắn tin để ân ái với nhau. Thi thoảng có điều kiện họ mới đến ngôi biệt thự này để lặn vào nhau mà lên đỉnh thăng hoa.

Từ ngày có người ấy Đào mới có tình yêu thực sự. Cô chăm lo vun vén cho tình yêu này. Người phụ nữ nào rồi cũng mong muốn cho mình có được một tình yêu đích thực, giống như biết được giá trị cái cây thuộc mình mà chăm bón suốt đời. Nếu tình yêu ấy thuộc chồng thuộc vợ thì tốt biết mấy.

Cả cuộc đời Đào đi tìm tình yêu, cái thứ mà theo Đào nó vừa ảo vừa thực, vừa gần vừa xa, có lúc tưởng đã thỏa mãn, nhưng rồi liền đó lại khát khao như kẻ chết đói. Cô mở laptop, tra goole: tình yêu là gì? Trong hàng nghìn kết quả, cô thích nhất cách giải thích của nhà Phật khiến cô suy ngẫm. Theo đó tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.

“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Như vậy, “từ bi” là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực.

“Hỉ” là niềm vui. Tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

“Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.

Chiếc điện thoại nhóe lên một tia sáng, báo có tin nhắn, Đào vội mở ra xem. Trên màn hình những dòng chữ thân thuộc của người ấy hiện ra: “A xin lỗi. Sếp gọi có việc gấp”. Đào nhắn lại: “Việc gì?”. Một lát sau người ấy mới nhắn trả lời: “ Việc của em đấy. Có lẽ sếp lại kéo đi. Chắc phải huỷ cuộc hẹn mất”.

Đào ném phịch chiếc điện thoại xuống đệm, ngửa người dang hai tay hai chân rồi thở dài, mắt nhìn lên trần nhà. Mất công kiến trúc cuộc mây mưa mà có khi cả tháng mới có được. Thực ra, chuyện chăn gối gần đây do bận bịu công việc Đào và người ấy thường phải ân ái trên điện thoại bằng tin nhắn. Lâu dần thành quen và phần nào cũng làm Đào thoả mãn.

Đào chuyển trạng thái sang suy nghĩ đến cái Vũng Hầu mà cô vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc dự án. Làm thế nào để Công ty nước ngoài ấy trúng thầu?Nếu nó trúng thầu thì mọi sự tính toán của cô mới được thực hiện. Bên ấy, họ đã ngỏ ý sẽ tặng lại cô đến 20 % tổng giá trị Dự án. Một món khổng lồ mà cả đời Đào chưa từng mơ tới.

Nhớ lại lần trước cách đây không lâu, sau khi cuộc vật lộn hoà bình kết thúc, nằm bên Đào, người ấy hỏi nhỏ:

- Sắp đấu thầu chưa em?

Đào, một tay mân mê sợi lông trên núm vú, vẫn ấp khuôn mặt lên ngực người tình như không hề thay đổi, nhưng đầu thì bật tung các tín hiệu, giọng lửng:

- Sắp…

Sau cái từ “ sắp” như vô tư ấy, thì các giác quan của Đào đã mở bung để nghe ngóng, quan sát thu thập. Người ấy nói nhỏ:

- Nó trúng thầu thì tốt, chỉ e…

- Sao lại e… anh?

- Vấn đề biển đảo bây giờ rất nhạy cảm…

- Nhưng đây là làm ăn kinh tế… đâu có lợi thì làm… xen chính trị vào không làm ăn nổi.

Người ấy phân tích:

- Dân mình có câu truyền đời: “ Con ơi nhớ lấy câu này/ Thằng Tây nó cút, thằng Tàu nó sang”.Dân mà biểu tình thì có giời mà làm ăn được. Em phải cân cho kỹ…

Đào cũng chột dạ. Những khi công việc hệ trọng bao giờ người ấy cũng cho Đào lời khuyên thật chí lí chí tình. Đào nhỏ nhẻ:

- Anh có cách nào giúp em?

- Nó trả bao nhiêu phần trăm?

- Mười lăm…

- Vậy chuyển cho thằng khác trúng cao hơn…

- Là bao nhiêu?

- Hơn đó là cái chắc.

Đào dụi khuôn mặt hoa đào vào ngực người tình, nói:

- Để em thảo luận với nó lần nữa, xem có hơn được không đã…

Người ấy mắt bâng quơ lên trần nhà, miệng u ơ:

- Sếp lớn một phần ba… lại nhóm mỗi ông một chút lợi… hai ba chục phần trăm mới nổi...

- Nhiều thế… khó nhỉ?

- Sao em lại lo vu vơ thế? Nó có lãi, mình có lãi, tất cả đều có lãi.

Đào nghển cổ:

- Vậy thằng nào lỗ?Phải có thằng chịu lỗ thì mới lãi chứ?Em lỗ là không được đâu.

Người ấy cong gáy, nhìn vào cặp vú chỏng chơ của Đào:

- Ơ cái cô này hỏi dở người thế mà cũng hỏi. Cuộc chiến tranh năm 1979, nước mình tuyên bố hùng hồn đã đánh thắng 60 vạn quân xâm lược; Bên kia khẳng định đã dạy cho Việt Nam một bài học. Hai bên đều thắng, vậy không có ai thua à? Phải có người thua chứ, thua đau nữa.Nhưng nhất định không phải anh và em. Được chưa?

Đào vẫn chưa tìm ra đáp số:

- Vậy ai chịu lỗ?

- Em vẫn chưa hiểu à? Anh hỏi em nhé: Ông Nguyễn Trãi nói về dân như thế nào? Ờ đúng rồi: “ Đẩy thuyền cũng là dân. Lật thuyền cũng là dân”. Vậy thì ở đây thắng cũng là dân, mà thua cũng là dân. Em hiểu chứ?

Đào kéo ghì khuôn mặt người ấy đáp nghĩa bằng nụ hôn vào cái nơi vừa cho Đào đáp số, vẻ tâm đắc:

- Công nhận, công nhận…

CÒN TIẾP ....




.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HàNội ngày 27.6.2020 .