Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







LỄ CẦU NGUYỆN







   N hận được điện thư từ sơ Tuyến, nó mừng lắm. Đã mấy năm rồi nó chỉ liên lạc qua email và được nghe về Sơ nhiều, đã nhìn thấy cả ảnh mà chưa hề gặp mặt người nữ tu. Nó nhìn lại bảng giờ tàu tuyến Oxford tới London Paddington cho ngày mai, thứ Bảy. Sơ mời nó xuống tu viện chính của dòng Trái Tim Đức Mẹ ở Chelsea để gặp mặt, nhân có lễ đón các học viên chủng viện toàn châu Âu về dự ngày sinh nhật Mẹ sáng lập. Nó không theo Công giáo, cũng chẳng phải tín đồ Tin Lành, và thậm chí nói thẳng ra là không theo đạo gì cả, nhưng được sơ Tuyến giúp khá nhiều, từ việc có chỗ trọ ở đây đến lời giới thiệu để nó phỏng vấn tu sĩ, nhà truyền giáo cho luận án.

   Nhớ hôm lần đầu đến tu viện, đúng ra là một cơ sở giáo dục của dòng nữ tu ở thành phố đại học danh tiếng của Anh. Tòa nhà bốn tầng bằng gạch đỏ kiểu kiến trúc thời vua Edward có cửa sổ hình chữ nhật to, sơn trắn, đứng thẳng trên mỗi gian, tạo vẻ nghiêm trang giữ một khu vườn rộng và những hàng thông cao xanh rì. Có được học bổng ở Oxford đã khó, mà kiếm chỗ thuê nhà ở đây còn có hơn vì nhà ít, sinh viên, giảng viên đông nên giá nhà cho thuê rất đắt. Sau một tuần ở tạm nhà anh bạn trong khu Ifley, cách Oxford chừng 7 km, nó được sơ Tuyến giới thiệu đến dòng tu này. Mẹ bề trên là một phụ nữ Anh cao lớn, dáng gầy gò, khắc khổ nhưng mắt sáng. Bà nói xưng là Sister Marion, không tươi cười vồn vã mà lặng yên dẫn nó lên phòng: một không gian chật hẹp chỉ vừa đúng chiếc giường chạy từ cửa vào, dưới cửa sổ là cái bàn hẹp, ngắn. Bà dẫn nó xuống bếp, chỉ cho một chỗ trong tủ lạnh và một ngăn tủ riêng, có dán sẵn chữ 'new guest' (khách mới), bảo nó tự điền tên vào để các khách trọ khác biết đồ dùng trong bếp của ai. Ái chà, nhà tu có khác, thật phân minh quá đi mất. Nó tự nhủ và đặt bát đĩa, đôi đũa vào ngăn tủ.

   Quay lên phòng ở cuối cầu thang tầng ba, nó dỡ đồ dùng, quần áo trong vali ra, nhìn quanh không thấy gì ngoài một bức tranh phong cảnh châu Âu, có dòng chữ tiếng Pháp, và một cây thánh giá bằng gỗ gắn vào tường, trên nóc tủ. Thôi dù sao cũng đã có chỗ trọ rẻ bằng một nửa tiền thuê trong trung tâm. Nó thay đồ đi xuống phố tìm cái gì ăn. Ngồi trong một xó của quán bán bánh nướng và khoai Tây nghiền (pasty and mashed potatoes) trong khu chợ cạnh tòa nhà The Mitre, nó vừa ăn, vừa mở điện thoại ra xem. Nghĩ thế nào, nó viết mấy dòng cho sơ Tuyến:

   “Sơ thân mến, con đã nhận phòng ở Old Maston, được Sister Marion đón tiếp chu đáo. Rất cảm ơn sơ!”. Rồi nó để máy xuống tấm giấy ăn trên chiếc bàn gỗ nhỏ, nhấp ngụm nước cam. Keng. Điện thoại báo có thư. Mở ra đã thấy sơ Tuyến trả lời:

   “Chúc con may mắn! Oxford rất đẹp, nhớ học tốt và tranh thủ thăm thành phố. Có nhiều museum, tiệm sách rất quý. Chúa ban phước cho con!”

   Thực ra nó không biết gì nhiều về sơ Tuyến. Nó được một người bạn trong Cộng đồng Công giáo Việt ở Anh giới thiệu qua điện thư và sơ đồng ý giúp nó. Có lúc nó tự hỏi, vì sao một bà sơ người Việt lại có mặt ở Anh, xứ sở đa số theo đạo Tin Lành vốn là đạo không lập tu viện cho nam và nữ tu sĩ như Công giáo La Mã. Công trình nghiên cứu của nó là đề tài “Kiến trúc tôn giáo tại Anh thế kỷ 18” đã khiến nó tìm hiểu khác nhiều về các đạo, nhưng là ở các thế kỷ xưa, không phải thời bây giờ. Công giáo đã mất vị thế quốc đạo ở Anh từ thế kỷ 16, hóa ra vẫn còn ít nhiều tu viện, chủng viện hướng về Vatican.

  Nước Anh ngày nay đã khác xưa, tự do tôn giáo đã thành luật nên mọi đạo, Ki Tô, Hồi giáo, Phật giáo đều hoạt động. Dòng tu từ Pháp trở lại Anh để lập các cơ sở đã được gần 100 năm. Họ tập trung vào việc hỗ trợ giáo dục nên có mặt ở Oxford, thành phố đại học lâu đời nhất Anh Quốc. Trụ sở chính thì tại London cho cả tỉnh dòng Nam Anh Quốc, và các sơ vẫn đi về Pháp là trung tâm chính của họ.

  Dù là cơ sở nhỏ, tu viện vẫn có trên 10 bà sơ, gồm người Anh, Ireland và châu Âu. Người chăm lo việc nhà bếp là sơ Patricia, người Bồ Đào Nha, còn lo phòng giặt đồ là sơ Andrea, người Áo. Không giống như mẹ bề trên Marion, cả hai sơ đều cởi mở với sinh viên và khác trọ.

  Gặp nó lần đầu, sơ Patricia nói ngay: “Ồ, cô có cần tìm chỗ mua thực phẩm Việt Nam không, sơ Therese để lại địa chỉ đây nhé.” Hóa ra sơ Tuyến có tên Thánh là Therese. Thế mà bà chưa bao giờ ký tên đó trong điện thư. Bà đã ở tu viện này mấy năm trước khi nhận công việc ở nơi khác. Đời nữ tu là hiến dâng toàn bộ thời gian, sức lực cho giáo hội. Các sơ gặp nó đều nhắc lại đôi lời ấm áp về bà làm nó cũng tự hào về người cùng quê hương.

  Các khách trọ gồm có nó và chừng 10 sinh viên từ các trường Oxtford và Oxford Brookes, một vài trường học tiếng Anh gần đó. Bọn chúng nó cứ lo việc của mình, tự nấu ăn, dọn dẹp trong bếp, ra ngoài thì để lại chìa khóa trong hộp nhiều ngăn ở cửa ra vào, ngay trên một cái giỏ đựng những chiếc ô chung. Các nữ tu sinh hoạt riêng ở bên trái tòa nhà trong khu riêng. Chỉ có phòng cầu nguyện ở tầng đất là chung. Phòng có nhiều cửa sổ nhìn ra vườn, có một chiếc piano cũ, nhiều tủ sách và các dãy ghế đặt quanh tường. Bình thường phòng mở cho tất cả vào đọc sách, làm bài. Chỉ vào giờ cầu nguyện 7 giờ tối các sơ mới kéo ghế ra thành một vòng tròn và ngồi đọc kinh. Những lúc đó nó đi lên phòng, không dự lễ. Nó để ý thấy một số bạn cùng nhà là dân theo đạo vào cầu nguyện với các sơ. Những chiều Chủ Nhật, các sơ hay nướng bánh, pha trà trong phòng lớn ấy, mời tất cả các bạn trẻ tới dự, nói chuyện. Mọi người kể về chuyện nước họ không hết, thời gian luôn trôi thật nhanh và đầm ấm.

  Một lần ngồi đọc sách trong phòng đó, nó tìm thấy một bản Kinh Thánh tiếng Việt. Bên trong có kẹp một số giấy tờ tuyển sinh cho chủng viện của dòng tu ở Thái Lan nhưng nhắm tới người Việt Nam. Tò mò mở ra xem nó đọc được lần đầu trong đời ngôn ngữ của người theo đạo như 'ơn gọi', tin mừng', 'trắc nghiệm giáo hội thánh Công giáo', 'lương tâm Đức Mẹ'. Một trang có ảnh sơ chụp ở châu Á, có tên là Therese Tuyen-Riviere. Nó băn khoăn, sơ có tên thánh và có cả họ Pháp? Thôi đó là chuyện khác. Nó chỉ không nghĩ là sơ quên sách và tài liệu ở đây. Chắc là bà còn quay lại.

  Ngày đó chưa đến nhưng sơ Tuyến đã giúp nó tìm ra thêm một giáo sư- kiến trúc sư người Anh để phỏng vấn cho luận văn. Ông Nigel dẫn nó đi xem tháp Tom ở trường Christ Church College, nơi ông vẫn giảng dạy. Ngọn tháp chuông do Christopher Wren thiết kết cho trường vào cuối thế kỷ 17, và là một phần của cả tổng thể kiến trúc tôn giáo. Thấy nó chưa hiểu, ông dẫn nó vào Giáo đường trong trường Christ Church xem công trình nhỏ nhưng được công nhận là một Cathedral – Thánh đường của Anh giáo. Bên dưới mái vòm cao rộng, mát rượi là ban thờ, thánh giá, tượng chúa Giê Su và những hàng ghế gỗ đen bóng. Không khí trầm mặc đến rợn người. Không chỉ trường Christ Church mà trên 40 college của Oxford đều do giáo hội lập ra, qua các giai đoạn, tính từ thế kỷ 10.

  Giáo dục và tôn giáo ở Anh gắn liền từ ngày đầu tiên và tài sản của nhà thờ vẫn còn nhiều tại đây. Ông Nigel còn nói hai đại học cổ nhất Anh, Oxford và Cambridge hiện vẫn làm chủ gần 50 nghìn hectare đất và nhờ đó mà có nguồn thu ổn định. Nó nhớ sơ Andrea trong một buổi tối ngồi uống trà với bọn sinh viên có giới thiệu về tu viện ở Old Marston. Như cái tên chỉ ra, xóm nằm trên quả đồi Marston nhìn xuống thành phố Oxford. Đây là khu dân cư cổ, toàn các tòa biệt thự giàu có và lối đi vào là phố tư. Mà đúng thật, chỉ sang Anh nó mới gặp các con phố hoặc đường xá có biển 'private road' (đường tư nhân), dẫn vào những ngôi nhà nấp sau hàng cây, mà toàn là cây cao bóng cả. Giá trị về tiền của những địa chỉ đó thì chẳng thể tính một cách dễ dàng. Có một trang sách về kiến trúc Anh đã ghi “Chúa đất, giám mục và hiệp sĩ là ba tầng lớp làm chủ nước Anh từ ngàn năm”. Nhưng đấy là chuyện xa rồi, còn vấn đề trước mắt là nó là làm sao chọn ra từ rất nhiều nhà nguyện, nhà thờ, phòng học (halls) trên khắp thành phố Oxford để lấy một vài công trình tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo khi mà gần như mọi công trình đều liên quan đến lịch sử tôn giáo ở Anh.

  Ông Nigel mời nó đến thăm nhà ở ngoại ô Oxford và dự một buổi recital đàn piano do con gái ông trình diễn trong nhà thờ của làng. Hoạt động của người theo Anh giáo vui và đơn giản hơn Công giáo. Trước khi con gái ông Nigel chơi đàn, người ta làm lễ cầu nguyện rất ngắn, rồi vị mục sư bước lên bục giới thiệu các nghệ sĩ trình bày các bản nhạc của Johannes Bach và Edward Elgar. Ngồi ở hàng ghế cuối, nó đọc tờ giới thiệu rằng ông Elgar, nhạc sĩ lớn của Anh là người Công giáo và trong cuộc đời đã gặp nhiều gian truân khi vua Anh chọn Tin Lành và trừng phạt những tín đồ hướng về La Mã. Thế mà ngày nay, nhà thờ Anh giáo vẫn chơi nhạc của ông bình thường. Sự kiện kết thúc bằng bữa tiệc đứng ngoài vườn của nhà thờ, nhìn ra các bia mộ của nghĩa trang trong làng. Xem ra có mỗi nó là người nước ngoài duy nhất nên ai cũng tế nhị tìm cơ hội lại gần hỏi thăm. Hai ba gia đình hỏi thăm sơ Tuyến. Thì ra sơ và dòng tu đã nhiều lần cùng tổ chức sự kiện từ thiện, hoà nhạc chung với xứ đạo Anh giáo. Nó trả lời về sơ nhiều hơn sự thật nó biết để người ta yên tâm. Ông Nigel nói qua rằng nó từ tu viện ở Old Marston tới chơi nên ai cũng tưởng nó học để làm nữ tu sĩ. Thôi kệ người ta, nó không cải chính.

  Trời sang hè, khóa fellowship của nó đã xong phần học, chỉ còn nộp bài và chờ buổi thuyết trình chung cuộc. Nó rảnh hơn, hẹn các bạn quen trong tu viện đạp xe ra dọc sông Cherwell, đi mãi, lên tận Cropredy, một làng nhỏ đẹp tuyệt vời ở ngoại ô. Thăm các vùng làng quê Anh, nó say mê ngắm những căn nhà đá lợp mái rạ, các quán nhỏ tường vẫn còn bằng gỗ, nhà thờ có ngọn tháp bằng đá nhọn vút lên trời xanh. Các công trình khá giống nhau với kiến trúc đơn giản, vật liệu khiêm tốn nhưng địa thế đẹp, cảnh vật xung quanh hài hòa, không hề hào nhoáng, màu mè. Những lúc dừng xe ngồi nghỉ trên đường đi, nó hay vào nhà thờ, vừa ngắm cửa sổ kính màu, xem các pho tượng vừa suy nghĩ vẩn vơ. Là dân học kiến trúc, nó chú ý thấy thiết kế nội thất của đa số các nhà thờ nhỏ là một hành trình tuy chỉ có vài chục mét chiều dài nhưng có ý nghĩa. Người ta như thể được dẫn lối, bước vào qua khung cửa hẹp, thấp và thường bằng gỗ rấ̃t chắc chắn. Phần tiền sảnh vẫn hẹp, trang khí đơn sơ, với một tượng chúa nhỏ hoặc thánh giá bên phải, và bình nước rửa tội, làm dấu bên trái. Thêm một lớp cửa nữa, thường là bằng kính thì người ta bước vào không gian rộng, mở toang ra hai bên. Trần nhà trong gian lớn luôn cao, nhìn lên nhưng chưa nhìn hết vào bên trong. Đi qua các hàng nghế, những bức tượng, bước chân trên nền đá lạnh, người ta tiến dẫn đến trung tâm của nhà thờ là bàn thờ Đức Chúa Trời trang hoàng lộng lẫy, mọi họa tiết, hình ảnh, dây ruy-băng, hoa và nến đều hướng lên trên, cao vút. Ánh sáng từ cửa kính màu vẽ các cảnh trong Thánh Kinh, cảnh đời Chúa Giê Su. Muốn hay không người ta sẽ thấy mình nhỏ bé và hướng mắt lên một tầng không gian khác, cao vời vợi, chờ đón.

  Những lúc nghỉ bên bờ sông, nó tự hỏi vì sao người ta tin vào Thượng Đế, Chúa Trời hoặc một vị tối cao. Nó học toán lý đều giỏi, và không như nhiều đứa con gái bằng tuổi, rất thích đọc về thiên văn, vũ trụ. Nó chọn ngành kiến trúc còn vì lẽ đó: tạo dựng ra những công trình, những không gian của con người được nâng lên tầm mỹ học cao hơn việc xây cất chỗ ăn chỗ ở bình thường. Nó yêu thích kiến trúc châu Âu cũng vì lẽ đó. Những chuẩn mực vàng của Hy Lạp, La Mã lãng vãng có hơi thở của tín ngưỡng, của điều vĩnh hằng, tối thượng. Nhưng đây là điều nó băn khoăn đã mấy năm nay.

  Nó nghĩ, cứ theo những gì loài người biết được bằng kiến thức mới nhất của vật lý lượng tử, của thiên văn học, của các ảnh vũ trụ về vụ nổ Big Bang viễn vọng kính trên không gian gửi về thì không thể có một Chúa Trời như đạo Ki Tô nói. Nếu có, ngài phải ngự bên ngoài không gian – thời gian, hay bên trong vũ trụ? Ở bên trong thì ngài có chịu tác động của các quy luật đó không? Còn ở ngoài thì ngài tác động vào Trái Đất, và loài người bằng cách gì, bằng nguồn năng lượng nào? Thế giới cùng vũ trụ vẫn tiếp tục giãn nở, quá khứ là một khái niệm bị vị lai chuyển động nhanh khủng khiếp kép đi, chưa biết điểm dừng nên mọi tiên đoán về số phận con người đều chẳng có cơ sở khoa học gì hết. Nó không muốn chê bai tôn giáo nào hết, và thậm chí còn thấy niềm tin tôn giáo là cần thiết cho khá nhiều người, nhưng đó là chuyện của loài người, không phải chuyện vũ trụ. Nó thở dài mỗi khi nghĩ tới đó. Có niềm tin đã khó. Có rồi thì dừng ở đâu? Điểm dừng của niềm tin có phải là điểm dừng của Chân Thiện Mỹ, của cái đẹp mà từng con người luôn cố vươn tới trong mọi việc làm?


́
***

  Nhà thờ Bow Church đông nghịt người. Giáo dân từ khắp các vùng trong và ngoài London cả tuần làm ăn vất vả trong quán hàng, tiệm nail chỉ có ngày thứ Bảy nghỉ ngơi, sửa soạn để Chủ Nhật về ngôi nhà thờ Việt Nam duy nhất ở phía Nam nước Anh dự lễ. Lúc từ ga tới, nó đã nghe tiếng Việt thân quen từ một hai phố trước. Ngay lối vào có nhóm đàn ông đứng nói chuyện, hút thuốc, nó nghe được cả giọng Bắc và giọng miền Trung. Lúc nó đến là buổi lễ sáng đã xong, mọi người túa ra căn phòng lớn nghe các sơ từ Việt Nam qua nói chuyện. Nó chen vào nhìn một nhóm các cô trẻ cỡ tuổi nó, có khi còn trẻ hơn, mặc áo dòng màu đen, màu nguyện ước duy nhất của lòng trí hướng về Đức Giê Su-Ki Tô chịu đóng đinh trên thập ác. Ở góc khác là hai nữ tu cao tuổi hơn nhưng không phải người Việt đang chia nước từ chai và bánh trái cho giáo dân bên một cái bàn nhiều giấy và sách đạo. Hai sơ, một người Ấn, một người Âu đều nói tiếng Anh. Cả hai mang áo dòng màu tím, khăn lúp cùng màu chắc chắn là của tu viện khác rồi. Trong hàng trăm người tìm đâu cho ra sơ Tuyến để nói lời cảm ơn, nó tự nhủ rồi ra nhận một chai nước và miếng bánh ra sân đứng một mình. Quanh quẩn thế nào nó làm quen được một nữ tu trẻ. Sơ Liên hỏi nó cách đi tàu để thăm nhà bạn ở ngoại ô London, nó rủ sơ cùng vào trung tâm tới một ga chính.

  Sơ Liên, năm nay mới 24 tuổi, quê ở Thủ Đức nhưng nói giọng Bắc, kể là cô nhận ơn gọi năm năm trước và có dịp du học ở nhà dòng tại Malaysia hồi 2015. Đây là lần đầu tiên cô sang châu Âu nên hỏi nó đủ thứ. Nó từ tốn trả lời mà không dám không hỏi vì sao một cô gái trẻ, khá xinh như Liên lại đi tu. Thế nhưng cứ theo những gì cô ấy kể thì việc đi tu ở Việt Nam nay đang nở rộ, thu hút đông đảo thanh niên nam nữ. Sau một thời gò bó thì những niềm tin, cũ và mới cùng nhau đua nở. Liên không hề biết sơ Tuyến là ai nhưng có nghe kể về một số sơ đã cao tuổi, người Việt, người Pháp, và có cả những bà sinh ra trong gia đình Pháp-Việt, thuộc hai ba thế hệ trước. Họ đã rời Việt Nam đi thời đất nước còn chiến tranh và vào những năm ngay sau đó, còn họ ở đâu, làm gì bên này thì chỉ có các vị bề trên mới rõ.

  Chia tay ở nhà ga Cannon Street, sơ Liên trao cho nó tập sách của nhà dòng:

  “Em thấy chị quan tâm đến công việc của bọn em nên chị cứ mang về đọc, không thì để lại cho nhà tu trên Oxford chị nhé.”
  “Cảm ơn bạn, còn ở thăm Anh mà muốn lên chỗ mình thì nhắn tin. Trên đó thành phố nhỏ nhưng kiến trúc đẹp, và rất nhiều giáo đường, nhà nguyện, bạn sẽ thích đấy.”
  “Vâng, em sẽ xem, việc lên thăm còn tùy các sơ trên đó nữa nhưng nếu không em sẽ hẹn chị riêng một buổi.”

  Tàu về Oxford chạy qua các cánh đồng vừa qua mùa đông bạt ngàn hai màu vàng của hoa cải dầu và màu xanh của lúa đại mạch. Nhìn ra ngoài một lúc là mắt no căng cảnh vật, nó mở túi lấy chai nước và món quà nhỏ ra xem. Tập sách “Trở về Tin Mừng” in bằng hai tiếng Anh, Việt khá dày dặn, bìa màu trang nhã, hiện đại, khác hẳn các cuốn sách sờn gáy ngã màu vàng trên kệ ở phòng cầu nguyện. Mở ra, lướt qua các trang về Hội Dòng Thánh Trái Tim Đức Mẹ, về đặc sủng của hội dòng, về những câu trích “thánh hóa bản thân”, “thể hiện ơn gọi truyền giáo”...nó chú ý đến một đoạn viết về những đức tính của phụ nữ Việt Nam, cần cù, đảm đang, trung hậu, giản dị, năng động, sáng tạo và dũng cảm, theo truyền thống các vị liệt nữ, anh hùng của 4000 năm lịch sử. Ngôn ngữ gần gũi mà hiện đại quá, rõ là hướng đến thế hệ trẻ, mà không còn chút gì như cách truyền giáo của thời thực dân. Dưới đoạn văn là dòng chữ: Sr tổng thư ký Hội Dòng Therese Tuyến Riviere (1940-2005) bên dấu thánh giá màu đen, đánh dấu năm tạ thế. Nó sững người, gấp sách lại. Trong đầu nó hình bóng sơ Tuyến bỗng nhòa đi, chìm vào hành lang thiếu ánh sáng của nhà tu sau buổi cầu nguyện trầm mặc bằng tiếng Anh xen lẫn tiếng La Tinh. Sơ Liên trẻ trung, tươi cười hiện ra, líu ríu nói chuyện đạo bằng tiếng Việt, hào hứng kể về các dự án tương lai. Lễ cầu nguyện có một nhưng Thiên Chúa hiện ra có màu sắc, hình hài gì còn tùy vào ai là người cất lời.